Bị quyến rũ bởi câu ngâm ngợi của người xưa: “Nhất vui là hội phủ Giầy/ Vui thì vui vậy, chẳng tày chùa Bi”, rồi lại “Hai mươi phát tấu chùa Bi/ Trai đi tìm vợ gái đi tìm chồng”, tôi liền lặn lội về thành Nam. Thật thú vị, tôi được chiêm ngưỡng một loại hình nghệ thuật độc đáo có sức sống gần 500 năm.
Độc nhất vô nhị
17 giờ, bà con làng trên xóm dưới đã đổ về đầy sân chùa. Mỗi người mỗi việc, người chuẩn bị lễ vật cúng thánh, Phật, người lo quét dọn, người chăng đèn kết hoa, người bắc phông màn, trải chiếu, chuẩn bị trầu nước… Ai nấy tíu tít, hoan hỉ. Hôm nay phát tấu mà!
Chùa Bi (còn gọi là Đại Bi) là ngôi chùa chung của ba làng Vân Chàng, Giáp Ba và Giáp Tư, là một trong bốn ngôi chùa được xây dựng đầu tiên ở huyện Tây Chân (sau đổi thành Nam Chân) thuộc trấn Sơn Nam từ thời Lý (1010 - 1225), nay thuộc thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Chùa rộng 2.600m2 với hơn 60 gian, hầu hết đều được làm bằng gỗ lim, mái tỏa rộng, thấp và vững chãi. Nhìn từ ngoài vào, chùa được nâng cao dần, kiến trúc hình chữ công (nội công, ngoại quốc), trông nguy nga đồ sộ. Hai dãy hành lang dài và thấp hai bên tả hữu càng tôn thêm vẻ đẹp của tháp chuông hai tầng với tám mái uốn cong mềm mại, tựa đóa sen đang nở. Trong chùa lưu giữ nhiều cổ vật quý có từ thời hậu Lê: quả chuông cao hơn hai mét, đỉnh đồng, khay, chén, đĩa… Một quần thể lăng mộ, am, tháp với kiến trúc đặc sắc; khung cảnh thiên nhiên trong lành, xanh tươi và khu chợ chùa tấp nập (ngoài việc đáp ứng nhu cầu giao thương hằng ngày của người dân quanh vùng; mùng Tám Tết, chợ còn họp phiên đặc biệt, dân quanh vùng mang đến đây, nào là đồ cũ từ nông cụ đến cây cảnh, đồ cổ… để buôn bán cầu may. Theo các bậc cao niên trong vùng, phiên chợ Viềng Nam Giang này ra đời trước và độc đáo hơn cả chợ Viềng phủ Giầy bên kia sông Đào) cũng tạo thêm nét duyên cho ngôi chùa cổ thanh tịnh đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa từ năm 1984.
Đại đức Thích Thanh Quyết, trụ trì chùa Bi, cho biết: Chùa Bi thờ vị thánh tổ Từ Đạo Hạnh. Theo thánh phả, thiền sư họ Từ, húy Lộ, cha là Từ Vinh giữ chức đô sát đời vua Lý Nhân Tông, kết duyên với bà Tăng Thị Loan người làng An Lãng tức làng Láng (Hà Nội), sinh ra thiền sư. Quan đô sát là người cương trực, bị em vua Lý Nhân Tông là Diên Thành Hầu ghen ghét, mưu với pháp sư Đại Điên ám hại. Cha bị giết, Từ Đạo Hạnh phải đem mẹ tìm nơi lánh nạn, ông đã về trấn Sơn Nam và trụ trì tại chùa Bi. Ở đây, Từ Đạo Hạnh đã kết bạn với Không Lộ thiền sư ở chùa Không Lộ và Giác Hải thiền sư ở chùa Phúc Lâm. Ba người nghiên cứu pháp môn Đà-la-ni và cùng nhau sang Tây Trúc (Ấn Độ) thỉnh kinh và được đức Phật tổ truyền cho tâm án, lục trí thần thông. Để tưởng nhớ thánh tổ Từ Đạo Hạnh, vị thiền sư đã từng nhiều năm trụ trì ở chùa Bi, hằng năm, dân làng mở hội từ ngày 20 đến ngày 24 tháng Giêng âm lịch. Trong suốt mấy ngày hội thường tổ chức tưng bừng rước kiệu, tế xuân và tổ chức các trò vui như đánh cờ, đấu vật, múa rồng, chạy đàn cầu an… Đặc biệt, suốt các đêm hội còn diễn ra các trò múa rối mà người địa phương quen gọi là trò hát rối hay ổi lỗi.
Đúng 19 giờ, trong tiếng chuông, trống, thanh la, mõ vang rộn, gần hai chục ông lão mặc quần trắng, áo dài thâm, đội khăn lượt hoặc khăn xếp kính cẩn tiến vào hậu cung thắp hương, cúng lễ rồi mở hòm rước 12 đầu rối, gọi là thánh tượng, ra trước chính điện. Trong làn hương thơm ngát của hương, hoa, phẩm, quả, các ông lần lượt xếp hàng đứng trước tượng thiền sư Từ Đạo Hạnh điều khiển những thánh tượng cúi đầu lạy thánh rồi tiến ra sân khấu.
Sân khấu biểu diễn không cầu kỳ mà chỉ đơn giản là một bức rèm che cách điệu hình sóng nước được mắc vào hai cây cột giữa tiền đường trong chùa (gọi là dàn). Người múa rối, người hát, người gõ nhạc cụ đứng sau tấm màn, quay mặt về phía ban thờ Phật và ban thờ đức thánh Từ (thế nên gọi là múa rối hầu thánh để thánh xem chứ không phải chỉ cho người xem).
Hòa nhịp với điệu nhạc, lời hát, người múa cầm thánh tượng giơ tay múa trồi lên trên tấm màn che như nổi lên trên mặt nước, múa từ trái qua phải. Cứ thế những thánh tượng thay đổi vị trí cho nhau, mỗi làn điệu các thánh tượng đều có những tư thế khác nhau. Đặc biệt có một tư thế mà sáu thánh tượng kết hợp với nhau tạo thành hình rồng bay mang đậm nét nghệ thuật, tượng trưng cho mong ước mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Do thánh tượng nặng từ 1,5kg đến 3kg, lại biểu diễn liền năm, sáu giờ nên các nghệ nhân múa rối phải thay phiên nhau múa liên tục trong năm giờ, mà không để lỗi một nhịp nào.
Trong mái chùa bình dị, trong tiếng nhạc rộn rã, linh thiêng mà vẫn tươi vui, những buổi diễn kéo dài từ chập tối đến tận nửa đêm (nếu diễn tuần tự và đầy đủ hết các trò thì một buổi diễn phải kéo dài sáu giờ liên tục). Các nghệ nhân say sưa diễn; dân làng đủ cả già trẻ gái trai thì ngồi chật vòng trong vòng ngoài theo dõi say mê; rồi lại bình phẩm, bàn tán rồi nhắn nhủ nhau răn mình theo những bài học đạo lý sâu sắc ấy.
Rối chùa Bi thuộc thể loại rối tay. Có sáu đầu rối to, mỗi đầu nặng 3kg được vẽ mặt mày rất đẹp, gọi là sáu ông lộng. Gáy tượng có tay cầm, dài khoảng 40cm, đường kính lòng 30cm. Hai ông chúa lộng mặt đỏ, quắc thước, miệng rộng, râu ria đạo mạo, thể hiện vẻ chính nhân quân tử. Khi múa, người của thôn Vân Chàng, thôn anh cả, cầm hai đầu tượng này. Hai tượng cóc vàng (gọi vậy là vì trên đầu mỗi tượng có một con cóc vàng), mặt màu hồng nhạt, tượng trưng việc học hành tấn tới, thi cử đỗ đạt (thôn Giáp Ba, là thôn anh hai cầm múa). Hai tượng ông tùng (lộng tì, lộng tùy) mặt trắng, mũi rất to, miệng rất rộng, biểu hiện sự phồn vinh no đủ (do người của thôn Giáp Tư, thôn em út cầm múa).
Sáu đầu rối nhỏ, làm bằng gỗ đặc, mỗi đầu dài khoảng 30cm, nặng 1,5kg, không có tay cầm. Đó là hai pho tượng (nàng) tiên, một tượng (anh) chàng khôi ngô tuấn tú, một tượng hậu (hoặc tượng nàng ruông), một ông mách (mặt đỏ, dữ tợn, làm người dẫn chuyện), một ông chớp tượng trưng cho mưa thuận gió hòa. Những tượng này đội mũ hoặc vấn tóc theo lối cổ, khuôn dung tươi tỉnh. Mỗi một loại tượng đều có bài múa và hát kèm theo (múa hát dâng chàng, dâng tiên...).
Tượng làm bằng gỗ vàng tâm khoét rỗng, phủ sơn ta, với những nét mặt được các nghệ nhân dân gian khắc họa khá kỹ lưỡng, thể hiện những tính cách khác nhau, được người dân gọi là thánh tượng. Áo mặc cho thánh tượng gọi là the, phủ từ cổ tượng trở xuống để che tay người cầm. Bộ thánh tượng chùa Bi không chỉ có giá trị lịch sử, tâm linh mà còn giàu tính mỹ thuật, được đánh giá là bộ đầu rối đẹp nhất miền Bắc Việt Nam.
Hát rối chùa Bi gắn liền với tín ngưỡng, với lễ hội dân gian nên mang yếu tố tâm linh rõ rệt. Thánh tượng là những vật thiêng, được cất giữ nghiêm ngặt trong gian hậu cung của chùa; chỉ đến ngày hội, phường rối mới làm lễ tế và vào rước các ngài ra. Người ta phải làm thêm một bộ thứ hai, sao y bản chính để dùng cho các nghệ nhân luyện tập trong những ngày thường. Phường rối chùa Bi gồm các nghệ nhân của cả ba làng Vân Chàng, Giáp Ba và Giáp Tư, mỗi làng mười người, đều là nam giới, gọi là mười ông thập nhân. Ba mươi người được chia làm hai nhóm gọi là nhóm cấp trước và nhóm cấp sau. Những người này rất được dân làng nể trọng. Ngay khi bắt đầu nhập phường họ đã được tạc tên vào bia đá, đặt tại dãy nhà bên trái chùa để mọi người chiêm bái khi sống và thờ phụng khi chết. Bia phường rối hiện nay ghi tên các nhân vật từ năm 1922 cho đến nay. Chánh trùm phường bao giờ cũng là người của thôn Vân Chàng. Ai vào phường trước, hát giỏi, múa giỏi, gõ nhạc tốt sẽ kế nghiệp dần dần từ phó cho đến chánh trùm. Ngày xưa, chùa Bi có 20 mẫu ruộng để làm tư điền lo việc thờ tự, thì phường rối được chia tới 5 mẫu để cày cấy lấy kinh phí trang trải việc tập luyện và biểu diễn.
Những người tham gia biểu diễn được gọi là nhà con mặc trang phục giống nhau. Khi trình diễn, các nhà con vừa hát vừa điều khiển đầu rối. Các đầu rối được điều khiển theo hình thức động tác có tính nghi lễ đã được quy định như bình diện, giao diện, giao bối, động đông, động tây, chèo ra, chèo vào… Bình diện là hai đầu rối hướng mặt vào nhau; động đông, động tây là đưa hai đầu con trò hướng mặt về hướng đông rồi quay về phía tây; chèo ra, chèo vào là đưa đầu rối theo động tác chèo đò trở ra và chèo đò trở vào.
Nhạc cụ của ổi lỗi là bộ gõ, gồm hai cái mõ làm bằng gốc tre già, tiếng rất đanh, vang; người đánh mõ được gọi là nhà cái; một trống tam bản (đường kính mặt khoảng 40cm, gõ bằng mảnh nứa); hai trống cơm; hai thanh la; một trống cái để gõ cầm canh chuyển làn điệu; một chuông đẩu và một trống thày bói dùng để gõ theo trống cái. Khi hát thì có hai người hát, phải khoanh tay mà hát. Tuy chỉ có một bộ gõ, nhưng tới 26 bài ca, 32 làn điệu rất phong phú và phức tạp. Bài cuối cùng là bài dâng phú. Đây là bài văn ca có nhiều tên húy của các thánh nên không được ghi ra giấy, chỉ được truyền miệng riêng cho những người kế nghiệp làm trùm phường, các ông trùm phường rối quỳ đọc lẩm nhẩm, đánh trống lấp tiếng nên không ai nghe rõ.
Vén rèm
Ông Đoàn Quanh (sinh năm 1930) tham gia phường rối từ năm 13 tuổi và giữ chân trùm phường (chánh trùm) suốt từ năm 1970 tới nay, cho biết: “Chính tên của trò này là hội tu kỳ lệ (răn đời bỏ ác làm thiện); sau này mới có thêm các tên là rối đầu gỗ, ổi lỗi, hát rối”. Có nhiều huyền tích về lai lịch của trò ổi lỗi. Truyền thuyết đầu tiên kể rằng khi du hành từ đất Phật trở về, đức Từ Đạo Hạnh có vớt được cái bọc nhấp nhô trên sóng nước. Mở bọc ra có sáu cái đầu người sống hình dáng quái dị, thánh Từ đã mang về nuôi dưỡng, cảm hóa và trở thành những người có ích cho đời, cũng từ đó đặt làm tích trò múa rối (tức là sáu đầu tượng ông lộng). Truyền thuyết thứ hai kể về mười hai ông thần sóng dâng nước ngập lụt hại dân, đức thánh Từ ra tay phép thuật thu phục được sáu ông, còn sáu ông sóng bị đuổi ra biển, bèn đặt ra tích trò rối sáu ông thần sóng múa trên mặt nước (tấm màn che để múa đầu tượng rối phải thêu hình sóng nước). Thuyết thứ ba cho rằng sáu đầu tượng rối chính là đại diện cho các đức tính của quân tử: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín...
Căn cứ vào kinh văn (tức là lời hát, gọi là kinh thánh hội rối) thì ta có thể phỏng đoán trò ổi lỗi được kiện toàn hình thức và nội dung từ thời Lê sơ (cách đây khoảng hơn 450 năm). Có bài ca từ ca ngợi về việc khôi phục đế đô, có bài ca ngợi đức vua (Lê), đức chúa (Trịnh). Còn lại, hầu hết các bài ca (gọi là bài giáo, vãn, dâng...) hầu hết có ý nghĩa là ca ngợi đời thái bình thịnh trị, chúc thọ quan viên ba làng (ba thôn thành viên của phường rối), giáo dục răn dạy đạo đức phong kiến tam cương, ngũ thường, đạo gia đình, đạo khuyến học, kể tình chinh phu, chinh phụ... Trong ca từ có rất nhiều lời cổ, ví dụ như hòa (chàng), nường (nàng), bường (bình)... Có câu ca như: Đôi hàng giọt nguộc đượm chan má nhuần tức là: Đôi hàng nước mắt chảy ướt má đào. Đó là các từ dễ hiểu, còn rất nhiều từ tối nghĩa (nghĩa cổ) các cụ chỉ hát được mà không hiểu...
“Rối đầu gỗ chùa Bi là một loại hình diễn xướng dân gian rất đặc sắc, và là độc nhất vô nhị trên đất nước ta. Ở chùa Cổ Lễ (Nam Định) thờ thiền sư Giác Hải còn giữ được một số đầu tượng rối giống như ở chùa Đại Bi, nhưng kinh văn (lời hát) ở những nơi này đã mất, và cũng không còn phường rối. Ở chùa Keo (Thái Bình) thờ thiền sư Không Lộ cũng có trò diễn bằng những đầu gỗ nhưng chỉ có múa đơn thuần chứ không có các làn điệu hát phụ họa; và nghệ thuật tạo hình các con trò cũng không đẹp mắt…)”, Giáo sư - Tiến sĩ Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, nhận xét. Nhưng từ hàng trăm năm nay, do gắn liền với lễ hội đậm màu sắc tín ngưỡng của chùa Bi nên rối đầu gỗ chỉ được diễn vài ba lần mỗi năm vào những dịp hội xuân, giỗ thánh; sân khấu diễn cũng chỉ bó hẹp trong phạm vi vài ba gian chùa nên ngoại trừ bà con trong làng, trong vùng thì hầu như ít người được biết đến. Nhằm tìm cách bảo tồn và phát huy tốt nhất giá trị của loại hình văn hóa phi vật thể đặc sắc này, năm 2002, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tài trợ kinh phí để nghiên cứu toàn diện và sâu rộng (ghi băng tiếng, băng hình, tài liệu viết) về nghệ thuật hát, múa, âm nhạc độc đáo của trò diễn để thuận tiện cho công tác bảo tồn cũng như tuyên truyền sâu rộng ra ngoài xã hội. Năm đó, Viện Âm nhạc Việt Nam đã về chùa Bi, ghi âm và quay lại toàn bộ chương trình biểu diễn của trò ổi lỗi để lưu giữ hình ảnh với mục đích bảo tồn. Nhưng nghiên cứu của viện cũng chỉ chú ý về mặt diễn xướng và âm nhạc, không tìm hiểu sâu về nguồn gốc và lý do của trò ổi lỗi. Các nghệ nhân trong phường rối học nhau theo kiểu truyền khẩu, người xưa làm thế nào nay cứ thế, nên cũng chỉ ước đoán về nguồn gốc và cách thức.
Nguy cơ mai một
Ông Đoàn Hữu Sòng, 76 tuổi, phó trùm phường rối, được bố và chú dạy những làn điệu và lời ca trò ổi lỗi từ ngày còn nhỏ và 25 tuổi thì gia nhập phường. Đi bộ đội, qua nhiều đơn vị công binh, trinh sát, pháo binh, bộ binh… ở các chiến trường Lào, Campuchia, B2… đêm đêm, ông vẫn nhẩm nhớ những lời ca và làn điệu của trò ổi lỗi. Năm 1979, ông phục viên với quân hàm đại úy, về làng lại làm nghề rèn, vào phường rối. Hiện ông thuộc lòng tất cả 26 làn điệu và 32 lời hát của trò ổi lỗi. Ông nhớ lại: Một thời người ta có chủ trương bài phong, hoạt động của trò ổi lỗi bị cấm, có lúc các cụ phải mang tượng rối đi giấu, biểu diễn, tập tành cũng giấu giếm chính quyền. Khoảng những năm 1960, bảo tàng tỉnh về mượn tượng rối. Mãi không thấy bảo tàng trả tượng, các cụ bèn khăn gói đi đòi, đòi được tượng rối thì bị vặt hết cả râu tượng. Khoảng năm 1976, phường rối được khôi phục, nhưng ruộng chùa đã mất, kinh phí để tập tành hoạt động cũng không có nơi chi trả. Các cụ, các ông trong phường rối phải tự góp tiền cho hoạt động, mua quần áo, trà nước. Ngày thường thì ai cũng bận nghề rèn, việc nông nên không mấy khi họp mặt được, các cụ trùm bèn bàn nhau dịch lời kinh văn từ chữ Hán, Nôm ra chữ quốc ngữ, phát cho mọi người để ai nấy tự ôn luyện. Việc đánh trống gõ nhạc cũng tự ai nấy luyện. Hằng năm, chỉ có ba ngày, từ 12 đến 15 tháng Giêng là toàn phường rối họp lại để phối tấu. Đến ngày 20 thì phát tấu, qua ba đêm hội, xong việc, lại cất the, tượng đợi năm sau.
Đội hát rối hiện có 35 thành viên của cả ba thôn, trong đó 25 người ở độ tuổi từ 40 - 60. “Học cái này phải có tâm mới học thuộc được, vì khi hát thì không được cầm sách. Chưa kể đến đánh nhạc đúng, múa tượng đúng điệu. Thế nên hiện có tới 30% số người trong phường không gõ nhạc, không hát được”, ông Sòng cho biết.
Hát rối được biểu diễn vào 30 Tết, đầu sang canh đêm Giao thừa mỗi năm và vào dịp lễ hội chùa Đại Bi vào ngày 20, 21, 22 tháng Giêng âm lịch hằng năm tại chính điện chùa. Do được diễn rất ít và chỉ được diễn tại chùa Đại Bi nên ngoài nhân dân quanh vùng và du khách hàng năm thường xuyên về dự hội chùa, thì đối với đông đảo công chúng, trò diễn này vẫn còn là điều bí ẩn.
Tại chùa Đại Bi đang lưu giữ hai bộ tượng rối, một bộ được làm năm 1957 dùng để tập, bộ còn lại có niên đại cao, mang nhiều giá trị lịch sử nhưng chưa có phương án bảo quản hữu hiệu để chống mối mọt. Hiện nay, tượng được đặt sau chính điện thờ, ẩm thấp và thiếu ánh sáng. Nhiều đầu rối đã bong sơn, xước mặt mày, gãy tay cầm. Muốn phục chế, các cụ cũng không biết tìm đâu ra nghệ nhân. Còn làm mới thì theo như ông Sòng cho biết, giá một đầu rối vào khoảng 15 triệu đồng.
Hiện nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định đang có kế hoạch ghi hình toàn bộ diễn trình của rối đầu gỗ hầu thánh, làm hồ sơ để trình Cục Di sản văn hóa công nhận rối đầu gỗ hầu thánh là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Trước mắt, ông Đoàn Hữu Sòng mong ước có một ngôi nhà rộng chừng hai, ba gian trong khuôn viên chùa vừa để trưng bày các ông rối vừa truyền nghề cho lớp trẻ và để biểu diễn, giới thiệu nét độc đáo của trò ổi lỗi đến đông đảo mọi người.
Box
Hát rối được biểu diễn vào 30 Tết, đầu sang canh đêm Giao thừa mỗi năm và vào dịp lễ hội chùa Đại Bi vào ngày 20, 21, 22 tháng Giêng âm lịch hằng năm tại chính điện chùa. Do được diễn rất ít và chỉ được diễn tại chùa Đại Bi nên ngoài nhân dân quanh vùng và du khách hàng năm thường xuyên về dự hội chùa, thì đối với đông đảo công chúng, trò diễn này vẫn còn là điều bí ẩn.
Sáng ngày 22 tháng 9 năm 2009, lần đầu tiên trò ổi lỗi ra mắt công chúng ngoài không gian chùa Bi. Hôm đó, tại Không gian tri thức Trung Nguyên, số 52, phố Hai Bà Trưng, Hà Nội, sáu nghệ nhân mang đến cuộc tọa đàm “Để di sản sống trong đời sống đương đại” 12 thánh tượng dùng trong các buổi tập. Thánh tượng nặng nhất là 3kg, nhẹ nhất là 1,5kg. Trong thời lượng 30 phút của cuộc tọa đàm, các nghệ nhân trình diễn trước đông đảo quan khách và nhà nghiên cứu văn hóa một số trích đoạn giáo trò, hát dâng tràng, dâng và múa tiên, hát giáo về luân lý... là những nét tinh hoa nhất nằm trong tổng thể trò ổi lỗi.
Lần thứ hai, rối đầu gỗ chùa Bi “xuất ngoại” là ngày 4/3/2012. Các nghệ nhân đã lên chùa Thầy (thôn Đa Phúc, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội) để trình diễn trong một cuộc hội thảo về thánh Từ Đạo Hạnh và tín ngưỡng dân gian.