Chợ tranh Đông Hồ mỗi năm chỉ họp sáu phiên để bán tranh cho người dân chơi Tết.
Làng Đông Hồ là một ngôi làng rất cổ kính nằm cách thành phố Hà Nội khoảng 33km về phía đông. “Nghề làm tranh của làng xuất hiện từ đầu thế kỷ XVII, dưới thời vua Lê Kính Tông. Trước năm 1938, trong làng có 200 hộ gia đình làm tranh. Tranh được in hoàn toàn bằng tay với các bản màu; mỗi màu dùng một bản, và bản nét (màu đen) in sau cùng. Giấy in tranh Đông Hồ được gọi là giấy điệp: người ta nghiền nát vỏ con điệp, một loại sò vỏ mỏng ở biển, trộn với hồ rồi quét hai lớp lên giấy dó. Màu sắc sử dụng trong tranh là màu tự nhiên làm từ cây cỏ như đen (than xoan hay than lá tre), xanh (gỉ đồng, lá chàm), vàng (hoa hòe), đỏ (sỏi son, gỗ vang) v.v...” (Sylvie Fanchette -Nicholas Stedman, Khám phá các làng nghề Việt Nam: Mười lộ trình quanh Hà Nội, Institut de recherche pour le développement - NXB Thế giới, Hà Nội, 2016, trang 146.)
Chợ bán tranh họp ở trong và xung quanh đình làng vào các ngày 1, 6, 11, 16, 21, 26 tháng Chạp, duy trì đến năm 1944. Đây là chợ rất độc đáo, mỗi năm chỉ họp sáu phiên để bán tranh cho người dân chơi Tết, một phong tục, một thú chơi độc đáo của người dân vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Đúng như thi sĩ Hoàng Cầm đã phác họa:
Bên kia sông Đuống
Quê hương ta lúa nếp thơm đồng
Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp
(Bên kia sông Đuống, 4/1948)
Các nghệ nhân tranh dân gian làm việc nhiều nhất vào tháng 11 âm lịch để chuẩn bị tranh cho dịp Tết, thời điểm bán chạy nhất trong năm. Tết đến, tranh dân gian được bày bán ở Hà Nội và các làng thuộc đồng bằng châu thổ. Maurice Durand, tác giả cuốn sách L’Imagerie populaire Vietnamienne (Tranh dân gian Việt Nam) đã viết như vậy.
Còn trong bài thơ Xuân, Tú Xương viết:
Đì đoẹt ngoài sân tràng pháo chuột
Loẹt lòe trên vách, bức tranh gà.
Nói đến Tết là nói đến tranh Đông Hồ. Trước kia tranh được bán ra chủ yếu phục vụ cho dịp Tết Nguyên Đán, người dân nông thôn mua tranh về dán trên tường, hết năm lại bóc bỏ, dán tranh mới.
Làm quan có bốn lọng vàng
Không bằng ngày Tết về làng bán tranh.
(Ca dao)
Nghệ nhân Lê Huy Hoán, 88 tuổi, tám tuổi đã biết ngồi in tranh nên ông còn nhớ như in khung cảnh của tám thập niên về trước. Gà chưa gáy sáng canh năm mà bến đò Đuống đã nườm nượp thuyền lớn thuyền nhỏ ngược xuôi về neo đậu. Mùng Một tháng Chạp, đình tranh Đông Hồ bắt đầu mở phiên đón khách.
Phường buôn mang đủ thứ sản vật vùng miền đến góp mặt. Phường Thanh - Nghệ mang nước mắm, phường Bình Lục mang lụa sồi, Đồng Hới mang chiếu cói, thì phường Phú Thọ mang trà mạn còn Vĩnh Bảo vác theo những bao thuốc lào. Rộn ràng kẻ bán người mua, trả tiền cũng được mà đổi sản vật cũng xong, không câu nệ.
Mấy anh em ông Hoán độ giáp Tết lúc ấy cũng đã quen với việc dậy trước khi gà gáy để phụ thầy mẹ gánh tranh ra sân đình ngồi bán. Cậu lấy kẹp tre giăng bốn cô Tố nữ và bộ Tứ bình Kiều lên dây gai, còn mấy bức ngắn và nhỏ như Lợn đàn, Trâu sen, Vinh hoa, Phú quý… Hoán chồng lại thành từng trăm một để trên cái chiếu buồm trên sân đình cho khách buôn tùy ý chọn lựa.
Mỗi vụ Tết, thương lái mua của nhà Hoán vài muôn tranh là chuyện thường. Nên dù cả năm có duy nhất tháng Chạp để mở phiên chợ bán, nhà Hoán cũng phải làm hàng từ độ trước Trung thu, có khi còn không đủ.
Thời ấy, làm cô dâu mới, đi chợ Tết có thể quên mua hoa, mua pháo, nhưng hễ quên mua mấy tờ tranh gà, tranh lợn, hay cá chép làng Đông Hồ là bố chồng sẽ lắc đầu chê đoảng. Sắm đôi tranh mới mong bình an tài lộc, hết năm lại bóc đi thay đôi khác. Treo tranh Đông Hồ dần trở thành thú chơi xuân cho cả miền Bắc Việt Nam.
Theo ghi chép của Maurice Durand, tác giả công trình nghiên cứu sâu sắc và đa dạng nhất về tranh dân gian Việt Nam - L’Imagerie populaire Vietnamienne (Tranh dân gian Việt Nam), sau mùa gặt tháng Mười âm lịch, các gia đình ở làng Đông Hồ bắt đầu lấy ván in ra làm tranh cho đến khoảng ngày 20 tháng Giêng âm lịch năm sau. Ông miêu tả: “Vào dịp Tết, tranh dân gian được bày bán khắp các phố phường, dán trong nhà hoặc triển lãm nơi công cộng dù chúng không hẳn là những tác phẩm hội họa có giá trị to lớn. Đó là những sản phẩm thủ công được tạo ra từ kỹ thuật lưu truyền từ đời này qua đời khác với nguồn cảm hứng gần như bất di bất dịch”. Năm 1957, ông thực hiện cuộc khảo sát ở Hà Nội về việc làm tranh Tết, “cho ra con số 300.000 tranh trên giấy thường và 2.000 bộ tranh, mỗi bộ thể hiện một chủ đề khác nhau trên loại giấy đã được gia cố. Số liệu này chỉ chiếm 1/6 số tranh được làm trước những năm 1940 - 1945.” Nhu cầu chơi tranh Tết của người dân Bắc Bộ lớn đến mức đó. Để đáp ứng nhu cầu ấy, chợ tranh Đông Hồ hẳn phải sôi động lắm!
Nhưng rồi khi quân Pháp tràn về, làng Đông Hồ rực lửa, tranh Đông Hồ bị thiêu trụi…
Hòa bình lập lại nhưng mãi đến năm 1969, nghề mới được phục hồi. Những lao động già cả trong làng được đầu công cho tổ tranh của hợp tác xã nông nghiệp do nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam làm tổ trưởng. Lay lắt duy trì được đến cuối những năm 1980 thì giải tán vì nhà nước chỉ lệnh in tranh chứ không cho đầu ra. Mà cũng không ai bỏ tiền ra mua tranh hồi ấy làm gì, đến gạo ăn còn chẳng đủ. Thế là thêm một lần tan tác, những bản khắc gỗ có tuổi đời trăm năm bị dùng làm thớt, chẻ ra đun, hay che mái chuồng gà, rồi người ta xoay sang làm hàng mã.
“Khi tổ tranh tan rã, thầy tôi bỏ tiền túi ra mua và xin lại ván khắc của các nhà, dẫu cơm còn không đủ để nuôi vợ nuôi con. Cụ không đành lòng nhìn cái nghiệp năm trăm năm này bị xẻ ra làm củi đun, làm thớt băm bèo hay đậy nóc chuồng gà, chuồng lợn…,” anh Nguyễn Hữu Quả, con trai nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam, nhớ lại.
Mỗi bức tranh chất chứa cả tấm lòng của người tạo tác. Ngày xưa, tháng Tám âm lịch hằng năm, cả làng Đông Hồ rộn ràng, lách cách tiếng đục gỗ làm bản in. Ngày đó, trẻ con trong làng mới chập chững đã quen với mùi mực, mùi giấy, lớn lên cùng những câu Kiều, những tích truyện trong tranh. Lên sáu, lên bảy, bọn trẻ đã biết phụ giúp gia đình làm tranh, để rồi lên chín, lên mười, tự in cho mình những bức tranh đầu tiên. Người lớn thì ngược xuôi khắp các vùng tìm nguyên liệu sản xuất, từ việc tìm những tấm gỗ thị, loại gỗ vốn mềm, mịn, thớ nhỏ để làm bản in cho đến xuống Hải Phòng kiếm vỏ sò nghiền ra làm màu trắng, lên Bắc Giang tìm sỏi son để tạo màu đỏ, lên Lạng Sơn kiếm lá chàm để làm màu xanh… Công việc tất bật, ròng rã hàng tháng trời, đến gần Tết mới kết thúc. Khắp làng, bất cứ khoảng trống nào, từ sân đình, mái nhà, lề đường, bờ sông… đều được tận dụng để phơi tranh. Tranh Đông Hồ phủ khắp nơi, làng như một tấm thảm khổng lồ.
Tháng Chạp, thuyền bè khắp nơi như mắc cửi đổ về bến phà Hồ. Lái buôn từ nhiều vùng, miền khắp cả nước, đến hẹn, vào đúng các phiên chợ lại cho thuyền cập bến, đi thêm vài bước chân là vào làng, ra chợ. Họ chọn lựa những bức tranh ưng ý nhất, đóng hàng rồi đưa lên thuyền. Chợ tràn ngập tranh, từ những bức rất quen thuộc như: Hứng dừa, Đánh ghen, Đám cưới chuột cho đến Tứ bình, Tứ quý, Tố nữ... Người mua, kẻ bán mặc cả, ngã giá chóng vánh. Đêm đến, các gia đình vui như trảy hội. Khách thường nghỉ tại các gia đình làm tranh mà họ thân thiết, đem những câu hát bài thơ đặc trưng nhiều vùng miền ngâm nga trong chén rượu, cuộc cờ. Những cuộc giao lưu văn hóa diễn ra thâu đêm suốt sáng. Khi mặt trời ló dạng, thuyền nhổ neo rời bến, đưa nét văn hóa đậm đà xứ Kinh Bắc lên Hà Nội, xuôi Lục Đầu, tỏa đi muôn ngả.
Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế kể rằng, những năm 40 - 50 của thế kỷ XX, chỉ mới là đứa trẻ, nhưng ông cũng cảm nhận được hết những tinh túy của chợ tranh, của người làng nghề. Ngày ấy, cuộc sống của dân làng tranh vốn đậm chất nghệ sĩ, đạm bạc, nhu cầu về tiền bạc vốn chẳng nhiều, chẳng ai có ý nghĩ sẽ làm giàu vì tranh. Vì thế, các phiên chợ, tiền ít được sử dụng. Phương tiện giao dịch chủ yếu là hàng hóa. Lái buôn từ Nam Định thì chở theo vải, từ Hải Phòng chở theo cá, mực, từ Thái Bình chở theo chiếu… đến chợ đổi tranh. Dân làng đem các sản phẩm đó dùng quanh năm và đổi lấy gạo ở các nơi khác. Thế rồi những năm tháng chiến tranh, loạn lạc, ly tán, cuộc sống người dân ngày càng khó khăn, thú chơi tranh tết dần bị thế chỗ bởi những lo toan cơm, áo, gạo, tiền. Tranh Đông Hồ dần mai một, chợ tranh Tết làng Đông Hồ biến mất... Vật đổi sao dời, đến nay làng Đông Hồ có 300 gia đình của 17 dòng họ thì chỉ còn hai hộ làm tranh, còn thì đều chuyển hết sang làm hàng mã.
Làm sao để khôi phục làng tranh truyền thống, chợ tranh Tết đặc sắc cũng là nỗi trăn trở của chính quyền xã Song Hồ. Ông Nguyễn Văn Tuân, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Song Hồ, tâm sự: “Chúng tôi lớn lên, làng tranh dần mai một, chợ tranh Tết chỉ còn trong những câu chuyện kể, ai cũng muốn phục dựng những nét văn hóa rất đỗi tự hào từ xa xưa. Bây giờ, tranh Đông Hồ không còn được ưa chuộng. Cả làng tuy chỉ còn lại hai gia đình làm tranh, nhưng đó chính là cơ sở để mai sau hình thành làng nghề, khôi phục chợ tranh Tết. Muốn làm được điều đó, rất cần sự quan tâm của chính quyền huyện, tỉnh và cả trung ương.”
Box
Tranh Đông Hồ sử dụng những hình ảnh biểu tượng dân dã, gần gũi nhưng lại chứa đựng những thông điệp đầy tính nhân văn.
Phong phú và đa dạng cả về mẫu mã, thể loại, chủ đề:
Tranh dân gian Đông Hồ phản ánh hầu như tất cả những gì diễn ra trong đời sống bình dị của người lao động như: chăn trâu thổi sáo, hứng dừa, đấu vật, đánh ghen… Cho tới những ước mơ, khát vọng cuộc sống tốt đẹp hơn như: nhân nghĩa lễ trí tín, vinh hoa, phú quý, cát tường… Nét hấp dẫn của tranh dân gian Đông Hồ không chỉ đề cập đến cuộc sống, thóc đầy bồ, gà đầy sân, mong ước vinh hoa phú quý… mà còn đề cập đến cuộc sống lứa đôi, vợ chồng với cái nhìn hóm hỉnh mà sâu sắc.
Chất liệu và màu sắc:
Nét độc đáo đầu tiên thu hút cảm quan người xem của tranh chính là ở màu sắc và chất liệu giấy in. Giấy dùng in tranh là giấy dó được làm từ vỏ cây dó. Với đặc tính xốp, mềm, mỏng, dai, dễ hút màu mà khi in không bị nhòe. Giấy được quét lên một lớp hồ điệp có nét sáng óng ánh rất đặc thù bằng cách người ta nghiền nát vỏ con điệp trộn với hồ (loại bột gạo tẻ, hoặc gạo nếp, có khi là bột sắn), dùng chổi lá thông quét lên mặt giấy dó.
Chổi lá thông sẽ tạo thành những đường ganh chạy theo đường quét và vỏ điệp tự nhiên cho màu trắng có ánh lấp lánh. Trong quá trình làm giấy điệp có thể pha thêm màu khác vào hồ.
Thể loại:
Theo nội dung chủ đề, tranh Đông Hồ có thể chia thành bảy loại chính: tranh thờ, tranh chúc tụng, tranh lịch sử, tranh truyện, tranh phương ngôn, tranh cảnh vật và tranh phản ánh sinh hoạt.
Quy trình sản xuất:
Có nhiều công đoạn, trong đó có hai khâu chính gồm: sáng tác mẫu (khắc ván) và in (vẽ tranh). Mỗi nghệ nhân cần phải có ít nhiều năng khiếu bẩm sinh cũng như kỹ năng lao động cao.
Ván khắc in tranh có hai loại: ván in nét và ván in màu. Ván in nét được làm từ gỗ thị hoặc gỗ thừng mực. Dụng cụ khắc ván là những mũi đục hay còn gọi là bộ ve làm bằng thép cứng (khoảng 30 đến 40 chiếc/bộ).
Các nghệ nhân làng Đông Hồ sáng tác mẫu vẽ tranh bằng tay còn các công đoạn khác thì dùng ván in.
Giá trị nghệ thuật:
Dòng tranh dân gian Đông Hồ mang tính biểu trưng, trang trí nhưng vẫn giữ được nét mộc mạc, dễ hiểu, rất gần với đời sống người dân vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Nội dung:
Tranh dân gian Đông Hồ phản ánh sâu sắc đời sống vật chất và tinh thần của con người, môi trường xã hội của người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ. Theo quan điểm mỹ học dân gian của người dân vùng này, những bức tranh nói lên ước mơ ngàn đời của người lao động về một cuộc sống gia đình thuận hòa, ấm no, hạnh phúc và một xã hội công bằng, tốt đẹp.
Box
Ngày 27 tháng 12 năm 2012, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh đã ký quyết định số 5079/QĐ-BVHTTDL công nhận tranh dân gian Đông Hồ là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (loại hình nghề thủ công truyền thống). Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh và các cơ quan chuyên môn tiến hành nghiên cứu, lập hồ sơ khoa học cho nghề làm tranh dân gian Đông Hồ để đệ trình UNESCO đưa nghề làm tranh dân gian Đông Hồ vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại.