Hiếm có nơi đâu người dân sùng bái thơ ca như ở làng Chùa. Tài làm thơ được lấy làm tiêu chí để xếp phẩm bậc mỗi người. Thi phú gần gụi như hơi thở nên nam phụ lão ấu đều có thể xuất khẩu thành thơ.
Tối thứ Năm hằng tuần, thay vì thông báo tình hình an ninh trật tự, tiến độ làm cỏ, bón phân cho cây trồng, trên hệ thống loa truyền thanh của làng, người ta rôm rả đọc và bình thơ. Để bồi đắp mạch thi ca, năm nào làng Chùa cũng tổ chức những cuộc thi thơ để chiêu mộ nhân tài. Chả thế mà năm 2007, Hội Nhà văn Việt Nam đã chọn nơi đây để tổ chức Ngày thơ Việt Nam. Cuộc thi thơ của làng thuần nông bên dòng sông Đáy này quy tụ 3.000 thi phẩm chỉ sau chín tháng phát động và hội thơ làng nhận được sự hưởng ứng suốt từ Bắc chí Nam của những nhà thơ chuyên nghiệp…
Làm thơ bất kể là ngày hay đêm
Làng Chùa là tên Nôm của thôn Hoàng Dương, xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây, bốn mùa nằm yên ả bên dòng sông Đáy êm trôi. Qua một thôi đê thênh thênh gió, tôi cúi đầu trước bức đại tự bằng chữ Hán Vọng tự nhập xuất (Nhìn chữ để biết việc ra vào) trên vòm cổng làng. Nhác thấy dáng vẻ của tôi, một chú bé độ chừng tám tuổi, bất ngờ xuất hiện và nhanh nhảu: “Chú lại đến hỏi chuyện thơ ạ?”. Tuồng như đã quá quen với những khách lạ như tôi, chú bé đạp xe nhoay nhoáy dẫn khách đi qua những con đường làng dày đặc các tấm pa-nô… thơ: Tay ta gieo hạt, miệng ta gieo lời, Không có ăn thì không thể bước đi, nhưng không có chữ thì không nhìn thấy đường, Thơ ca không làm ra lúa vàng gạo trắng, nhưng làm ra giấc mơ cho người gieo trồng, Người làng Chùa lấy đức làm gốc và lấy thơ để truyền đức… rồi rẽ vào một con ngõ nhỏ. Đẩy cánh cổng bằng gỗ đã hằn nếp thời gian, cậu cất to giọng: Bác ơi, có khách đến nhà/ Nhìn qua thì biết ở xa mới về. Chưa kịp để tôi hết ngỡ ngàng, cu cậu nhoẻn miệng cười hóm hỉnh rồi đạp xe mất dạng.
Vừa yên vị trên chiếc tràng kỷ khảm xà cừ theo lối liên chi, tôi đã được cụ Nguyễn Gia Tự, Chủ tịch Hội Thơ làng Chùa, tiếp ngay bằng thơ: Làng này già, trẻ, gái, trai/ Làm thơ bất kể là ngày hay đêm. Và câu chuyện cứ rộn rã như thơ, lúc du dương như lục bát, khi khúc chiết như ngũ ngôn tứ tuyệt, lúc phóng khoáng như thể tự do… Theo lời cụ Tự, làng Chùa là đất địa linh nhân kiệt nên dân làng luôn có truyền thống yêu văn chương, thi phú. Thơ cũng như lúa, ngô, khoai, sắn… chẳng bao giờ thiếu được trong cuộc sống của họ. Những năm đầu thế kỷ XX, ở làng Chùa có hai tổ chức văn hội với thành viên là những cụ đồ, ông lang, những người học rộng biết nhiều. Họ sinh hoạt đều đặn và thường ngâm, bình thơ bên chén rượu nồng, ấm trà đượm hương trong lúc thưởng nguyệt ngắm quỳnh. Bẵng đi một thời gian, khi đất nước chịu cảnh chiến tranh, hai tổ chức ấy tan rã. Thế nhưng, tình yêu thơ của người làng Chùa thì vẫn thắm đượm.
Năm 1982, cụ Nguyễn Xứng Đức, hiệu là Hàn Thịnh, người từng được vua Bảo Đại phong hàn lâm đãi chiếu, sau bao năm bôn ba, trở về cố hương vui thú điền viên. Với quyết tâm khôi phục phong trào thi ca của làng, ngày 20 tháng 8, cụ Đức đã cùng các cụ: Ngô Đức Bình và Ngô Gia Thâu đứng ra thành lập Nhóm yêu thích và sưu tầm thơ ca làng Chùa với 10 thành viên. Chào mừng sự hồi sinh của thi đàn, người làng Chùa mời nhà thơ Phạm Tiến Duật về đọc và nói chuyện thơ. Tối hôm ấy, bà con khắp xóm trên ngõ dưới nô nức gọi nhau xách đèn dầu đi trảy hội. Trong không gian như lắng đọng của ngôi đình làng, trong ánh sáng huyền ảo của hàng trăm ngọn đèn dầu, nhà thơ Trường Sơn đông Trường Sơn tây sang sảng và xúc động đọc thơ, nói chuyện thơ giữa những tiếng xuýt xoa, những tràng pháo tay rộn rã của dân làng Chùa.
Những kỳ nhân
Ngày ngày được tắm trong không khí thơ ca nên người làng Chùa… thở cũng ra thơ. Nhiều gia đình đều có mấy thế hệ cùng theo nghiệp vần vè. Gia đình cụ Nguyễn Gia Tự, Chủ tịch Hội Thơ làng Chùa, có tiếng về truyền thống thơ ca, từ ông nội là cụ Nguyễn Gia Khắc đến bố là cụ Nguyễn Gia Kế, các anh em là bà Nguyễn Thị Trù, ông Nguyễn Gia Thái, Nguyễn Gia Tuy, cho đến cháu nội là Nguyễn Anh Quân mới 11 tuổi cũng đều nổi tiếng về tài thơ. Ông Ngô Viết Bản thì truyền tình yêu thơ sang cả anh con trai Ngô Mạnh Cường và cháu nội là Ngô Mạnh Dũng… Nhưng được xếp hàng kỳ nhân phải kể đến cụ Nguyễn Gia Tế, 80 tuổi. Lưng còng, tóc bạc nhưng cụ có thể minh tường ngồi đọc thơ suốt cả ngày. Dân làng luôn yêu mến nói về “trạng thơ” một cách hóm hỉnh: “Xưa, cụ Tế đi tát nước đến bảy lần vẫn quên ruộng nhưng nghe thơ có một lần đã thuộc làu”.
“Thơ với tôi cũng như cơm ăn, nước uống; vắng một ngày là bụng cồn cào không chịu được”, cụ Tế bộc bạch. Là người làng Chùa nên nhiễm mạch thơ, lại ham học chữ nho, Pháp rồi quốc ngữ, đọc nhiều sách báo, hiểu chuyện kim cổ đông tây nên thi nghiệp của cụ sớm nổi và vượng. Bài thơ đầu tiên cụ làm khi 15 tuổi, tham dự cuộc thi sáng tác cổ vũ phong trào bình dân học vụ năm 1946 do Hội Văn làng Chùa tổ chức đã xuất sắc giành giải nhì với những câu thơ đã tạc vào lòng bao thế hệ người dân làng Chùa: Những người cầm bút diệt ngu/ Khác nào cầm súng diệt thù lập công/ Toàn dân học tập gồm thông/ Cùng nhau giữ vững non sông lâu dài. Phần thưởng chỉ là một chiếc quạt giấy nhưng lại được Nguyễn Gia Tế nâng niu như báu vật bởi trên chiếc quạt ấy, vị giám khảo của cuộc thi có đề mấy câu thơ: Quạt này vừa đẹp vừa thanh/ Dập tan nắng hạn làm thành gió xuân/ Gọi là tặng khách văn nhân/ Ca dao thi trúng bình dân hạng nhì. Sau bài thơ ấy, năm 1952, Nguyễn Gia Tế còn tham gia cuộc thi thơ có chủ đề “Cậu bé và con chim” do một người gốc ở làng Chùa làm nghề thuốc bắc tại Hà Nội khởi xướng. Tham gia cuộc thi này là các văn sĩ, nhà nho có tiếng đất Hà thành lúc bấy giờ. Và, thật bất ngờ, cậu thanh niên làng Chùa đã đạt giải nhất với những câu thơ đầy chí khí, chống lại sự lừa phỉnh, mị dân của giặc Pháp đối với dân ta, nhất là tầng lớp thanh niên thời bấy giờ: Lồng son ống sứ dường này/ Vinh hoa nào thấm những ngày tự do. Sau đó, năm 1995, cụ Tế còn đoạt giải nhì trong một cuộc thi thơ không có giải nhất do làng Chùa tổ chức. Và rồi, cụ của cụ Tế được bà con suy tôn danh hiệu “trạng thơ” khi giật ngôi quán quân cuộc thi thơ “Ơn Đảng và quê hương” do Hội Thơ làng Chùa tổ chức năm 1999, với những câu thơ đẹp và giản dị: Ðôi chân vừa chập chững/ Ðã đi vẹt đường đời (Bài ca đường đời).
Khách đến chơi nhà cụ Tế sẽ được tiếp đãi toàn thơ là thơ. Cụ hào hứng đọc cho tôi nghe những trích đoạn tâm đắc nhất trong Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm, Lục Vân Tiên cho tới thơ của Tú Xương, Nguyễn Khuyến, Thế Lữ, Chế Lan Viên… Trong nhà cụ, thứ được nâng niu nhất chính là những cuốn sách, tập thơ xếp cao ngất khắp thư phòng. Yêu thơ đến cuồng si, đã 80 tuổi nhưng cụ Tế vẫn có thể ngồi trò chuyện, đọc thơ từ sáng tới tận tối mịt. Sự uyên bác và mẫn tiệp của cụ làm bất cứ người đối diện nào cũng phải nể vì.
Thơ của cụ Tế, nhiều thế hệ dân làng Chùa thuộc nằm lòng, nhưng đặc sắc nhất là bài Chỉnh vợ. Ngày ấy, vợ cụ Tế hết mắng nhiếc lại lấy những trận đòn roi để dạy con. Nhỏ nhẹ góp ý với vợ bằng lời không hiệu quả, cụ Tế tức mình chỉnh huấn bằng thơ: Dạy con không dạy bằng lời/ Bà dùng roi đánh tơi bời thế a?/ Chửi con bới cả ông cha/ Con hư hay chính cả bà cũng hư? Và, chính cụ Tế cũng không ngờ rằng bài thơ không những cảm hóa được vợ mình mà tới nay vẫn được xem như thông điệp… dạy vợ của đàn ông làng Chùa.
Giờ đây, đã ở tuổi cổ lai hi, mắt mờ, lưng còng, chân chậm nhưng tình yêu thơ của cụ Tế vẫn dạt dào như thời trai trẻ. Hằng ngày, cụ vẫn đọc sách và sáng tác thơ, đi giao lưu cùng một số câu lạc bộ thơ và sinh hoạt đều đặn tại Hội Thơ làng Chùa. Cụ cũng rút ruột ra những lời tâm ngôn để dạy cháu con và lớp trẻ trong làng: Làm một câu thơ là yêu mình, làm hai câu thơ là yêu hoa, làm ba câu thơ là yêu người và thuộc một câu thơ hay thì quên đi một câu chửi độc...
Một người nữa cũng mới được vinh danh “trạng nguyên thơ làng Chùa” là em Ngô Thị Thoa, học sinh lớp 10, Trường THPT Trần Đăng Ninh. Thoa có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Bố bị bệnh tâm thần, mẹ em vì không chịu được những trận đòn của chồng nên đành dứt áo ra đi, bỏ lại đứa con thơ dại khi ấy mới vừa tròn hai tuổi. Kể từ đó, em phải ở với ông bà nội và bác ruột. Cuộc đời buồn nhiều hơn vui ấy đã khiến em tìm đến thơ như một sự nâng đỡ cho tâm hồn hiu quạnh. Năm ngoái, trong một cuộc thi thơ cho lứa tuổi học trò do Hội Thơ làng Chùa tổ chức, bài Đêm buồn nhớ mẹ của Thoa đã đạt giải nhất với những câu thơ day dứt: Người ta vá áo bằng kim/ Mẹ ơi con hỏi vá tim bằng gì?
Điều đặc biệt ở làng Chùa là ngay cả những người không biết chữ như các cụ: Nguyễn Thị Thưng, Nguyễn Thị Tơ, Cao Thị Cổ, Nguyễn Thị Trù… đều đã ngót 90 tuổi, cũng luôn miệng sáng tác thơ. Nhẩm xong bài thơ nào, các cụ lại đọc cho con cháu chép ra giấy rồi trân trọng gửi tác phẩm đến ban chấp hành hội thơ. Nhiều bài của các cụ được đọc và bình rổn rảng trên loa đấy!
Người làng Chùa đi đâu cũng giắt giấy bút trong người. Bà hàng nước bên đường hóm hỉnh kể cho tôi nghe chuyện rằng có anh đi cày quên giấy bút, lúc nghĩ ra thơ chẳng biết làm thế nào để ghi lại bèn buộc trâu, chạy ù về nhà… bắn điếu thuốc lào, viết một mạch cho xong bài thơ rồi mới ra đồng cày tiếp.
Lấy thơ truyền đức
Năm 1998, “Nhóm yêu thích và sưu tầm thơ ca làng Chùa” chính thức đổi tên thành “Hội Thơ làng Chùa” quy tụ 50 hội viên (độ tuổi từ 47 - 89) là những người có nhiều thơ hay nhất làng và thu hút gần như toàn bộ dân làng tham gia hoạt động. Tối thứ Năm hằng tuần, người dân nơi đây lại náo nức chờ đợi tiếng loa truyền thanh khi Hội Thơ tổ chức đọc và bình thơ. Những chương trình của “đài phát thơ” luôn là món ăn tinh thần không thể thiếu của dân làng sau một ngày học tập và lao động miệt mài. Thậm chí, có người làng Chùa đang định cư ở Mỹ cũng gửi thơ về tham gia. Có những cháu nhỏ mới chỉ bốn, năm tuổi cũng đã nhớ và đọc vanh vách nhiều bài thơ của các cụ đọc trên đài. Nước sông Đáy có lúc đầy lúc vơi, nhưng chỉ một dòng chảy ra biển cả/ Thơ người làng Chùa có khi nồng khi nhạt nhưng lòng luôn hướng về đạo lớn. Người làng Chùa từ bao đời nay vẫn tự hào như thế nên những bài thơ xuất phát từ chính cuộc sống lao động của họ, đôi chỗ câu chưa vần, ý chưa chỉnh nhưng vẫn luôn được dân làng nồng nhiệt đón nhận bởi nó chứa đựng nỗi lòng của người làng trên xóm dưới bảo ban nhau chí thú làm ăn, răn dạy con cháu: Khuyên ai lời nói chân tình/ Mại dâm, ma túy hại mình chớ dây/ Bạc bài xa lánh nơi này/ Làm ăn phi pháp có ngày đeo gông, hay Đường làng đâu của riêng ai/ Cùng nhau gìn giữ hôm mai đi về… Có anh mải làm, bỏ bê cha mẹ liền được tặng ngay một bài thơ: … Cha mẹ sống trông nom chiếu lệ/ Nuôi vài năm thì kể công lao/ Cụ sống thì chẳng muốn nuôi/ Cụ quy tiên lại lôi thôi vẽ vời/ Tổ cho làng xóm chê cười/ Hiếu mà như vậy ai ơi xin đừng… Nhờ những vần thơ có lửa ấy, nhiều người đã từ bỏ được những thói hư tật xấu. “Làng Chùa có hơn 1.400 nhân khẩu nhưng không một ai nghiện ngập, bê tha”, ông Lê Xuân Sủng, Trưởng thôn kiêm Phó Chủ tịch Hội Thơ làng Chùa, hể hả.
Mê thơ nên trong các lễ hội, cưới xin, chúc thọ và thậm chí cả ma chay, người làng Chùa đều có thơ góp vui, chia buồn. Nhiều người ở làng Chùa còn nhớ như in bữa tiệc thơ trong đám cưới của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều vào năm 1984. Đan xen giữa những bài thơ của chú rể và những vị khách như nhà thơ Anh Thi, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Duy, Trương Nhân Huyền… là những bài thơ của những nhà thơ quê kiểng. Tiệc cưới trở thành một chương trình thơ đặc sắc.
Tiếng lành đồn xa, nhiều nhà văn, nhà thơ đã tìm về tận làng Chùa để được nhìn tận mắt, bắt tận tay và tận tai nghe những thi sĩ vườn ở làng Chùa đọc thơ. Bản danh sách “Các nhà thơ, nhà văn đã về thăm làng Chùa” được yết hai bên cửa đình, nay đã lên tới gần trăm người: Phạm Tiến Duật, Tố Hữu, Nguyễn Duy, Hữu Thỉnh, Kevin Bowen (Mỹ)... Tất thảy đều ngạc nhiên trước tình yêu thơ và tài thơ của dân làng. Trong một lần tương phùng tương ngộ như thế, nhà thơ Hoàng Hào đã xúc động viết: Gặp người thơ ở làng Chùa/ Bắt tay ram ráp biết mùa vừa xong/ Lần tìm tận túi áo trong/ Mở tờ thơ đọc gió đồng thoảng bay…
Box:
Nhà thơ Dương Kiều Minh, Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Hà Tây: “Điều đặc biệt ở đây là ngày hội thơ được lấy làm ngày hội làng (ngày 19 tháng 5 hàng năm). Trong khi hội làng là để tôn vinh, tưởng nhớ những nhân vật có thật, những huyền thoại của làng, thì ngày hội thơ ở làng Chùa có hoạt động chính là đọc thơ, mặc dù không có ai là thần thơ cả. Tất cả dân làng đều tham gia, họ giãi bày tình cảm, nỗi lòng của mình qua thơ. Họ làm thơ không phải để lập thành tích, để đạt giải thưởng nào mà họ làm thơ để cất lên tiếng nói của lòng mình. Người làng Chùa kế thừa truyền thống ca dao, tục ngữ của ông cha, lấy thơ để truyền tải, cảm hóa, giáo dục khích lệ mọi người dân hướng tới cái thiện, đẩy lùi điều xấu, cái ác… Chúng tôi đang chuẩn bị đề án trình các cơ quan ban ngành công nhận làng Chùa là làng thơ ca”.