Hội đủ cả ba yếu tố: thiên thời, địa lợi, nhân hòa nên gốm Quế trở nên độc đáo. Hơn 500 năm nay, làng gốm nằm ngay bên bờ sông Đáy này vẫn đỏ lửa.
Gốm son của thị trấn Quế là một đặc sản từ đất với nét đẹp văn hóa độc đáo của một vùng bán sơn địa trên triền phía nam sông Đáy.
Gốm thải độc rượu
Nhắc đến gốm Quế (thôn Quyết Thành, thị trấn Quế, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam), người ta nhắc ngay đến tuyệt chiêu thải độc rượu của nó. Bất kỳ loại rượu nào, cứ đựng bằng nậm, bình, vò làm bằng gốm Quế trong ba tháng thì được khử hết aldehyde, vì nó bay qua thành bình. Vỏ bình càng dày thì càng khử aldehyde tốt. Nếu trời nồm, nhìn thành bình đựng rượu thấy lên mốc là aldehyde đã thẩm thấu bay hết rồi, ấy thế mà nồng độ rượu không xuống (Để ba năm rượu mới giảm 0,5 độ). “Chúng tôi thường trữ rượu sáu tháng mới mang ra uống. Đựng rượu vào bình rồi để vào chỗ tối hoặc hạ thổ thì càng tốt”, ông Nguyễn Đức Phú, chủ xưởng gốm Phú Thỏa - Giám đốc Hợp tác xã gốm Quyết Thành, cho biết. Nói đoạn ông lấy một bình rượu từ hầm rượu của gia đình lên. Tôi sờ tay vào thành bình thấy mát rượi. Mở nắp bình, mùi thơm nức trào dâng, lan tỏa. Rót ra chén, nhấp một ngụm tôi thấy êm ru, mát như bia lạnh. Bình rượu gạo 40 độ ấy đã trữ được ba năm.
Bình, chum đựng rượu của làng gốm Quyết Thành vang danh thiên hạ nhờ tuyệt chiêu khử aldehyde nên người uống rượu không sợ ngộ độc mà chất lượng rượu lại còn ngon hơn. Có được điều độc đáo ấy là nhờ chất đất ở đây có tính khử độc. Ông Phú cho biết, đất sét vàng dùng để làm gốm ở đây rất quý vì vùng này nằm ngay bên sông Đáy, hàng năm đều ngập lụt. Nước phù sa bồi đắp nên đất sống, phát triển đều đều chứ không chết. Ấy là thiên thời, địa lợi vậy!
Ông Phú, 55 tuổi, tự hào là trong bụng mẹ đã ngấm nghề gốm. Ông bảo dân Đanh Xuyên (tên cũ của làng Quyết Thành) không rõ ông tổ nghề là ai. Chỉ nghe các cụ truyền lại rằng 500 năm trước, có ông thợ gốm ở vùng Thanh Hoa xưa, đi qua làng, mến cảnh mến tình nên đã truyền cho dân làng nghề gốm mà lấy kế sinh nhai. Sau đó cả làng tôn ông là tổ sư nghề gốm nhưng chưa có ghi chép cụ thể. Để báo ơn cho ông, làng đã tôn ông làm thành hoàng làng, đặt bài vị thờ tại đình làng và hằng năm đều mở hội làng vào hai ngày là 15 và 16 tháng Giêng âm lịch để tưởng nhớ công ơn.
Ngày xưa, dân Đanh Xuyên chuyên làm đồ sành như tiểu, quách, chum, vại, nồi, cối… nung bằng lò cóc, đốt củi. Bố ông Phú là Nguyễn Hữu Phong mỗi khi đốt lò phải lấy áo tơi lá dấp nước cho đẫm rồi mặc vào để cho đỡ nóng. Đốt ba ngày mới được một lò. Nối nghiệp cha, ông cũng đốt lò cóc mãi đến cuối năm 2014 mới là người đầu tiên trong làng đầu tư làm lò bầu, đốt bằng gas. Mỗi lò hơn hai khối, đốt hết 1,5 tạ gas. Quá trình nung gốm được rút xuống một ngày mà còn điều chỉnh được nhiệt độ nên sản phẩm đẹp hơn, ít hỏng hơn. Xưởng gốm Phú Thỏa hiện có sáu thợ, sản xuất đa dạng sản phẩm: bình rượu, ấm chén trà, bình hoa, chum, ang, phù điêu, tượng… Trung bình mỗi năm nhà ông Phú đốt từ 15 lò đến 20 lò, mỗi lò lãi 15 triệu đồng. Phú Thỏa đặc sắc nhất là hàng hồng6, sản phẩm đặc trưng nhất là bình rượu. “Một lò ra 1.000 bình rượu, một năm chúng tôi xuất 10.000 bình, từ loại dung tích 0,5ml đến 110 ml, giá từ 450.000 đồng/chiếc đến 1.300.000 đồng/ chiếc”, ông Phú cho biết.
6 men hồng, men son.
Về công dụng giải độc rượu, ông Phú kể: Cách đây 10 năm, chủ một nhà hàng ở thành phố Hà Nội về làng Quyết Thành mua chum về ngâm rượu rồi hạ thổ. Sau 10 năm họ đào lên uống thấy ngon nên quay lại đặt số lượng lớn. Tiếng lành đồn xa nên mấy năm nay các loại nậm, bình, chum, hũ đựng rượu của làng bán rất chạy.
Đó cũng là một cách độc đáo để người làng kiểm tra chất lượng gốm. Họ rót rượu có nồng độ cồn cao vào bình gốm để dưới nhà mái tôn. Một năm sau sẽ thấy phần mái tôn vị trí đặt bình bị han gỉ nghiêm trọng. Xung quanh bình gốm có các chất mốc trắng bám quanh. Trong bình, rượu vẫn không hao một chút nào. Đó là gốm đạt chuẩn.
Ông Nguyễn Đức Phú cho biết: “Chúng tôi đã mời các chuyên gia hóa chất đến để kiểm nghiệm. Bình gốm Quế đạt chuẩn có khả năng thải độc rượu. Phần mái tôn bị han gỉ là do hơi độc rượu tỏa lên. Và các chất mốc trắng quanh bình cũng là chất độc của rượu bị các khoáng chất của gốm đào thải ra ngoài.”
Không chỉ nổi tiếng với bình đựng rượu, với chất đất đặc biệt, gốm Quế dùng làm ấm trà thì khi pha trà sẽ thoát khí tốt, vừa không làm mất hương thơm của trà, vừa tăng vị đậm. Niêu kho cá, siêu sắc thuốc, nồi lẩu… làm bằng gốm Quế cũng giúp làm dậy hương, tăng vị của đồ ăn thức uống. Chính vì vậy, nhiều người kinh doanh cá kho làng Vũ Đại, lẩu dê núi đá Ninh Bình, trà shan tuyết Hà Giang… đang kết hợp sử dụng gốm Quyết Thành để gia tăng chất lượng sản phẩm.
Thắm như môi thiếu nữ
Anh Lại Tuấn Sơn, một thợ gốm có tiếng trong làng, tâm sự: Dù vật đổi sao dời nhưng người Quyết Thành vẫn quyết giữ quy tắc chân truyền, không chạy theo số lượng mà tuyệt đối tuân thủ kinh nghiệm của cha ông đã đúc kết và truyền lại. Khẩu quyết của nghề là: “Nhất liệu, nhì nung, tam hình, tứ trí”. Nguyên liệu là khâu quan trọng nhất, thứ hai là nung sản phẩm, thứ ba mới đến tạo dáng, tạo hình và cuối cùng mới đến trang trí hoa văn trên sản phẩm.
Để làm ra một sản phẩm gốm, người dân ở đây phải trải qua 28 công đoạn, việc nào cũng đòi hỏi phải chuyên cần và đam mê. Đầu tiên là khai thác đất. Đất ruộng, đất bãi cứ đào sâu hơn một mét là lấy được thứ đất sét vàng, quánh, mịn, sạch, thơm. Khoảng tháng 11 âm lịch hằng năm, sau mùa gặt, người ta phải lật lớp đất bùn trên bề mặt ruộng, sau đó xắn sâu xuống khoảng một thép mai (khoảng 40cm) để chọn đất sét vàng. Phần đất sét vàng tốt nhất chỉ ở độ sâu 3m, còn sâu hơn thì lại chưa đủ tuổi. Phần đất sét chưa đủ tuổi ấy sau này sẽ đùn lên và có màu vàng đặc trưng. Đất đào về được chất đống ngoài sân để phơi nắng phơi mưa, ngâm ủ đúng một năm. Tiếp đó, cho đất vào một cái bể nhỏ trên cao để lọc. Màu sét sẽ dần ngấm xuống bể dưới để lắng lấy bột. Bột ngâm dẻo như keo thì tháo nước ra để phơi nắng. Sau khoảng mười ngày thì lấy bột sét ấy nhào nhuyễn, luyện dẻo, nắn thành các con thoi. Khâu tạo hình, tạo cốt, tạo dáng sản phẩm đòi hỏi người thợ phải có kinh nghiệm, sự khéo léo, tỉ mỉ. Người thợ gốm sử dụng phổ biến lối “vuốt tay, be chạch”. Phương pháp tạo dáng cổ truyền này được thợ gốm thực hiện trên bàn xoay, nhịp nhàng tay chuốt chân quay (hiện nay bàn xoay đã được quay bằng mô-tơ), theo nguyên tắc, tay ngoài đỡ sản phẩm, tay trong tạo dáng và được chuốt đều từ dưới lên trên. Sau khi sản phẩm đã cân đối, tròn đều, người thợ sẽ cắt gọt, đánh bóng, trang trí hoa văn, vào son, vẽ men. Theo nghệ nhân Lại Văn Tiến, 61 tuổi, hơn 40 năm trong nghề, chia sẻ: Vào son là khâu tạo nên nét độc đáo của gốm Quế. Người thợ phải dùng loại đất sỏi son mà chỉ vùng núi ở đây mới có, màu đỏ như son. Nghiền nhỏ sỏi, hòa với nước, nhúng các sản phẩm vào rồi mang đi phơi nắng cho khô. Lớp son đó sẽ giúp sản phẩm sau khi nung ở nhiệt độ từ 1.200 độ C đến 1.300 độ C có màu đỏ tươi, thắm như môi thiếu nữ và toát lên mùi thơm dịu ngọt như mùi hoa mộc.
Sản phẩm phơi khô thì được xếp vào lò nung. Gốm phải trải qua bốn giấc đun là: sấy, ủ, ngâm và đốt, trong đó đốt được coi là khâu quyết định. Dựa vào kinh nghiệm của mình, người thợ cả có thể làm chủ được ngọn lửa trong toàn bộ quá trình đốt lò. Sau khi nung, lò được bịt hết các cửa, chờ ba ngày đến bốn ngày cho sản phẩm nguội dần rồi ra lò và kiểm tra sản phẩm.
Ông Lại Văn Tiến cho biết: “Nếu nung bằng công nghệ cổ truyền bằng than hoặc củi thì phải mất 15 ngày mới có thể lấy thành phẩm ra sử dụng được. Thợ giỏi chỉ cần ngửi mùi gốm từ lò bốc ra là biết đã chín hay chưa. Kỵ nhất là gốm sống và gốm cháy bởi sản phẩm vừa không đẹp lại không thể bền. Thế nên những người giỏi nghề mới được phép quyết định dập lửa hay tiếp tục cho lò cháy.”
Ông Tiến bảo: “Một người thông minh, khéo tay học làm gốm Quế phải mất bẩy năm mới thành thợ, còn nếu thành nghệ nhân thì phải cả đời. Gốm Quế không thiên về hình thức bên ngoài, mà thiên về cái hồn cốt và độ bền của sản phẩm. Sản phẩm không bền coi như vứt bỏ”.
Để kiểm tra độ bền của gốm, người dân ở đây có những chiêu độc đáo. Cách thứ nhất, họ lấy lưỡi dao kim cương để cắt gốm. Nếu gốm bị đứt hoặc tạo rãnh sâu thì coi như sản phẩm không đạt. Nếu không tì vết thì mới đúng yêu cầu đặt ra. Cách thứ hai là đổ nước vào bình gốm đặt trong phòng kín. Một năm sau bỏ ra xem, nếu nước trong bình cạn coi như gốm hỏng. Gốm hỏng là chưa chín hoặc chín già thì mới hút nước, mất nước. Cách thứ ba và cũng là một phát hiện độc đáo của gốm Quế là cho rượu có nồng độ cồn cao vào bình gốm để dưới nhà mái tôn. Một năm sau sẽ thấy phần mái tôn vị trí đặt bình bị han gỉ nghiêm trọng. Xung quanh bình gốm có các chất mốc trắng bám quanh. Trong bình, rượu vẫn không hao một chút nào. Đó là gốm đạt chuẩn.
Gốm Quyết Thành được làm thủ công là chính, chỉ có ít công đoạn được cơ giới hóa như máy nghiền đất, máy tiện bằng điện, bàn quay được gắn ổ bi và được kéo bằng mô-tơ. Người dân ở đây tự hào rằng bốn tiêu chí của nghề: “nhất liệu, nhì nung, tam hình, tứ trí” thì họ đạt cả. Thế nên sản phẩm làm ra đáp ứng được cả yếu tố gia dụng và mỹ nghệ, được người tiêu dùng ở Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Giang… ưa chuộng. Gốm Quế còn xuất khẩu sang Hồng Kông, Nhật Bản, Pháp, Mỹ… Hiện nay mỗi năm làng nghề cho ra đời ước khoảng sáu triệu sản phẩm, chủ yếu là bình rượu, ấm trà, chum, vại, bình, nồi, cối, phù điêu... Lượng đất tiêu thụ cho nghề là 400m3.
Giữ lửa
“Ngày xưa làng Quyển bên kia sông chuyên cung cấp đất sét vàng cho làng Quế bên này làm gốm thế nên gọi là gốm Quế Quyển. Đất sét vàng ở đây rất phù hợp để làm gốm. Hàng chúng tôi làm ra đến đâu bán hết đến đó, chủ yếu là chum, vò, vại...”, ông Nguyễn Đức Phú cho biết. Theo ông, trữ lượng đất sét ở đây lớn, đào sâu hơn một mét là lấy được. Ruộng cao thì hạ cấp ruộng, khai thác đất để làng nghề có đất sản xuất mà người làm nông nghiệp cũng cấy lúa được thuận tiện. Trữ lượng đất ở đây ước còn khai thác để làm gốm được 500 năm nữa. Những năm trước đây, người làm gốm phải sang xã Ngọc Sơn, xã Đồng Hóa mua đất. “Đào đất như lấy trộm vì lấy đất ruộng là công an ra phạt. May là từ năm 2012, trung ương, tỉnh, huyện quan tâm, ra thông tư quy định khi làng nghề có nhu cầu thì cho khai thác đất. Từ đó dân làng mới hết cảnh khổ sở”, ông nói.
Chuyện đất sản xuất là minh chứng rõ nhất cho sự ấm lạnh của làng nghề Quyết Thành. Từ năm 1959, với mục đích khôi phục và phát triển nghề gốm, chính quyền đã thành lập Hợp tác xã gốm Quyết Thành. Ban đầu, nghề gốm chỉ còn tập trung được ở khu vực làng Hạ, người làng Thượng không nổi lửa lò nung nữa mà sang làm thuê cho làng Hạ. Đến năm 1989, thị trấn Quế được thành lập, Đinh Xá Thượng được tách ra thành làng Đanh Xá, thuộc xã Ngọc Sơn (huyện Kim Bảng), còn làng Hạ được đổi tên là làng Quyết Thành theo tên hợp tác xã và được tách ra thành một thôn của thị trấn Quế. Nhưng làng nghề phát triển thưa thớt, lò nung dần nguội lạnh, có lúc tưởng chừng mai một. Sản phẩm chỉ lưu thông trong khu vực nội địa, một số người thu mua đi bán dạo khắp nơi. Vì thế, sản phẩm không nhiều, không có ai dám đầu tư thay đổi công nghệ, mẫu mã...
Thật may, năm 2004, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Nam ra quyết định công nhận Làng nghề truyền thống gốm Quyết Thành. Bên cạnh đó, sản phẩm có màu son gắn với những mẫu sản phẩm đa dạng mang tính truyền thống được quảng bá rộng rãi, được nhiều người biết hơn. Những người thợ giỏi được công nhận vì đã có công lao đóng góp cho phát triển làng nghề.
Nghệ nhân Lại Văn Tiến là người duy nhất trong làng vinh dự được trao giải Tinh hoa trong khuôn khổ Festival Huế cách đây hơn 10 năm, với tác phẩm rồng làm bằng gốm son. Tác phẩm Lưỡng long chầu nguyệt, còn gọi đơn giản là hình tượng rồng cuộn được ông sáng tác từ cảm hứng khi chiêm ngưỡng những bản khắc trên vì kèo của chùa Bà Đanh cổ kính. Chùa Bà Đanh, núi Ngọc là danh lam thắng cảnh của thị trấn Quế, chỉ cách lò gốm của ông gần 1km. Từ tiếng vang ấy, ông cũng đã ký một hợp đồng phục chế 10 đầu rồng thời Trần tại Nam Định. Đất Quế, men son đã làm đầu rồng trở nên sống động và có sức truyền cảm sâu lắng sự linh thiêng của chốn đình chùa, uy nghiêm mà gần gũi.
Ông Tiến gắn bó với gốm cả cuộc đời, chứng kiến bao thăng trầm của làng. Ông nhớ có những thời điểm, làng nghề rơi vào cảnh bế tắc, không phát triển được vì sản phẩm làm ra không cạnh tranh nổi với các sản phẩm gốm khác trên thị trường. Lửa nghề hiu hắt. Nhiều người đã bỏ sang làm nghề khác, số ít đầu quân cho các cơ sở sản xuất gốm Bát Tràng. Ông Tiến cũng từng lên Bát Tràng làm thuê, tạo tác những sản phẩm gốm mỹ nghệ. Rồi ông chợt nhận ra, con đường ấy không thể giữ lửa nghề cháy mãi. Đau đáu với nghề gốm quê hương, ông quyết định trở về làng.
Hiện nay, nghệ nhân Lại Văn Tiến đang làm cho một số cơ sở sản xuất ở Quyết Thành, chuyên công đoạn tạo hoa văn trên sản phẩm. Với ông, đây là công việc giúp thỏa mãn đam mê, gửi tình yêu vào gốm bằng sự sáng tạo không giới hạn. Ông đắp những con giống hình rồng bay, phượng múa trên chum, bình hoa, bình trà, cỏ cây, hoa lá (tùng, cúc, trúc, mai)… trên nhiều sản phẩm khác. Có khi mất cả ngày mới hoàn thiện được hoa văn trên chum rượu. Tính công xá thì không nhiều, nhưng ông tâm niệm, nếu không cố gắng tạo ra sự khác biệt, nâng cao giá trị cho gốm, làng nghề sẽ khó cạnh tranh được với thị trường gốm hết sức đa dạng và phong phú.
Hiện nay, các cơ sở sản xuất gốm ở Quyết Thành đầu tư máy móc, trang thiết bị để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng tốt hơn với thị hiếu của người tiêu dùng. Dù vậy, người làm nghề vẫn còn trăn trở, nhất là chất lượng nhân lực. Cả làng có 212 hộ dân với gần 700 nhân khẩu chỉ còn bốn lò gốm đỏ lửa với 70 người làm, trong đó có 20 người có tay nghề cao. Theo ông Nguyễn Đức Phú, hợp tác xã giao cho các hộ gia đình phải đào tạo con em làm nghề chứ không thì mai một hết.
Năm 2010, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hà Nam đã công nhận thương hiệu Gốm son mỹ nghệ Quyết Thành. Hiện tại, Hợp tác xã gốm Quyết Thành đang tiến hành xây dựng nhãn hiệu tập thể.