Người xưa đã đúc kết: Danh sơn hữu danh tự, danh tự hữu danh trà (núi nổi tiếng có chùa nổi tiếng, chùa nổi tiếng có trà nổi tiếng). Cũng phải thôi, dựng chùa nơi núi cao hoang vắng thì bớt được bụi trần. Uống trà giúp tăng cường sinh lực, sảng khoái tinh thần, tỉnh táo để giúp sức cho việc tu tập. Mà giống trà thì càng nơi núi cao mây phủ càng tươi tốt, thơm ngon.
Cách trung tâm thành phố Hà Nội 20km về phía tây nam, đồi Ninh hay núi Phượng Hoàng thuộc địa phận thôn Ninh Sơn, thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội là một nơi như thế.
Chùa ngàn tuổi
Chùa Linh Thông được xây dựng trên đỉnh núi nên nhân dân địa phương thường gọi là chùa Cao. Đây là nơi hội tụ đầy đủ các điều kiện theo phong thủy. Bên trái chùa có thanh long là dòng sông Đáy hiền hòa thơ mộng dẫn khí lành, bên phải chùa có bạch hổ là dãy núi So Sở quanh co uốn lượn truyền mạch tốt, phía trước chùa có minh đường là núi Hỏa Tinh, đằng sau chùa có hậu chẩm là núi Tử Trầm. Quả thật nơi đây có thể gọi là cảnh thắng Nam thiên danh tiêu Tây địa vậy.
Sách Thiền uyển tập anh - một tư liệu lịch sử quan trọng của Phật giáo, mục nói về thiền sư Ngộ Ấn - đời thứ tám dòng thiền Vô Ngôn Thông có ghi: “Thiền sư Ngộ Ấn (1020 - 1088), người Tư Lý, hương Kim Bài, họ Đàm, tên Khí… Đến năm lên mười, thiền sư theo học Nho, học vấn ngày một tăng tiến, giỏi cả chữ Hán và chữ Phạn. Năm mười chín tuổi xuất gia, sau khi thụ giới cụ túc, ngài tinh cần nghiên cứu kinh điển, thông tỏ cả hai bộ kinh là Viên giác và Pháp hoa. Sau khi được thiền sư Quảng Trí ở chùa Quán Đỉnh truyền tâm ấn, thiền sư bèn đến núi Ninh, phủ Ứng Thiên kết am tranh làm chỗ ở, lấy hiệu là Ngộ Ấn…”. Núi Ninh, phủ Ứng Thiên xưa, nay chính là núi Phượng Hoàng, thôn Ninh Sơn, thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội. Qua đó có thể khẳng định rằng chùa Linh Thông được xây dựng vào khoảng những năm 1050 do thiền sư Ngộ Ấn - đời thứ tám dòng thiền Vô Ngôn Thông, là tổ khai sáng.
Ban đầu chùa chỉ là một am tranh nhỏ, về sau do công đức tu hành và danh tiếng của thiền sư nên chùa được xây dựng, mở mang để đáp ứng nhu cầu học Phật pháp của tăng ni, Phật tử xa gần và trở thành trung tâm văn hóa tín ngưỡng của cả vùng.
Kiến trúc của chùa được xây dựng theo kiểu nội công ngoại quốc với vật liệu chính là gỗ lim, tường xây bằng gạch Bát Tràng, mái lợp ngói mũi hài. Trung tâm là Đại Hùng bảo điện, xây hình chữ công, theo lối thu hồi bít đốc. Trong chính điện, phía trước là tòa tam bảo, trên cùng là tượng tam thân Phật (pháp thân, báo thân và ứng hóa thân), lớp thứ hai là tượng Tây Phương tam thánh (Phật A Di Đà, Bồ tát Quán Âm và Bồ tát Thế Chí), lớp thứ ba là tượng Phật Thích Ca và hai vị thị giả A Na, Ca Diếp, lớp thứ tư thờ tượng Quán Âm Thiên Thủ, lớp dưới cùng là tòa Cửu Long với hai bên là vua trời Đế Thiên, Đế Thích; hai bên tiền đường, bên phải thờ đức thánh hiền, bên trái thờ thập bát long thần. Hậu cung thờ đức thánh Văn Xương đế quân. Hai bên sườn có mười bức phù điêu thập điện Diêm Vương (đã bị trộm mất, nay còn lại một bức). Đằng sau chùa là nhà thờ tổ, thờ chư vị lịch đại tổ sư của chùa. Bên trái là nhà tiếp khách, bên phải là điện thờ mẫu.
Trải qua gần 1.000 năm tồn tại, với biết bao biến cố, thăng trầm cùng vận mệnh dân tộc, chùa đã qua nhiều lần trùng tu, nhưng qua những tấm bia đá còn sót lại, chỉ còn biết được hai lần.
Đại trùng tu lần thứ nhất vào năm thứ 23 niên hiệu Cảnh Hưng thời Hậu Lê (1763). Trải qua mấy trăm năm tồn tại, chùa bị xuống cấp nặng nề nên trụ trì chùa lúc đó là tăng phó Hải Hương đã cùng với nhân dân địa phương thỉnh bản sư là thiền sư Tính Tuệ - trụ trì chùa Ngũ Phúc - về hưng công trùng tu. Tại lần trùng tu này chùa vẫn được giữ nguyên theo lối kiến trúc cũ.
Đại trùng tu lần thứ hai do thiền sư Tâm Huy, vốn là người thôn Ninh Sơn, hưng công trùng tu vào năm thứ 24 thời vua Tự Đức triều Nguyễn (1872). Tại lần trùng tu này chùa cũng vẫn giữ theo kiến trúc cũ. Đường dốc từ chân núi lên chùa được kè thành bậc bởi hàng trăm tấm đá tảng. Tuy nhiên do chiến tranh loạn lạc nên những bậc đá đó ngày nay không còn nữa.
Đồng thời trong thời kỳ chiến tranh, mấy chục năm chùa không có sư trụ trì, không được duy tu bảo quản nên bị xuống cấp nghiêm trọng. Hơn nữa, nhân dân địa phương đã lên phá dỡ các công trình của chùa về làm nhà kho, trại chăn nuôi của hợp tác xã, chỉ để lại ngôi tam bảo và nhà thờ tổ cũ nát, hiện vật mất cả.
Đại đức Thích Đạo Phong, trụ trì chùa Linh Thông, cho biết: “Năm 1992, tôi lúc đó mới là cận sự nam, được nghiệp sư cho về trông nom quản lý chùa theo sự thỉnh cầu của nhân dân địa phương. Nhìn nơi thắng cảnh từng một thời huy hoàng mà nay trở thành phế tích, tôi không khỏi xót xa. Nhưng do điều kiện mới sơ cơ nhập đạo, điều kiện kinh tế khó khăn, đồng thời phải lo việc học hành, cho nên chỉ có thể sửa chữa nhỏ và xây dựng tạm ngôi nhà để làm nơi sinh hoạt. Đến đầu năm 2006, tôi tốt nghiệp khóa IV, Học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hà Nội trở về, được nghiệp sư chính thức giao trách nhiệm trụ trì, được sự đồng thuận và giúp đỡ của chính quyền địa phương, cùng với sự ủng hộ của nhân dân, Phật tử thập phương, tôi đã đứng lên hưng công đại trùng tu chùa lần thứ ba... Lễ hội chính của chùa vào ngày mùng 3 tháng 2 âm lịch. Đây là ngày nhân dân địa phương tổ chức lễ tế đức thánh Văn Xương đế quân. Trải qua gần một ngàn năm lịch sử, với biết bao biến cố, thăng trầm, nhưng chùa Linh Thông vẫn sừng sững uy nghiêm giữa mây trời lồng lộng, đóng góp phần không nhỏ cho nền văn hóa vật thể, phi vật thể của dân tộc, khẳng định sức sống âm thầm mà dẻo dai, bền bỉ của đạo Phật trong lòng dân tộc”.
Trà đặc sản
Ông Nguyễn Văn Tùng, kỹ sư địa chất, nguyên cán bộ của Liên đoàn Bản đồ địa chất, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, cho rằng: “Có thể, chùa Linh Thông tọa lạc ngay trên miệng núi lửa cổ, phun trào cách ngày nay từ 251 đến 245 triệu năm nên vùng đất bán sơn địa này thích hợp với cây trà. Mấy trăm héc-ta diện tích đồi Ninh đều xanh bóng trà.”
Theo các cụ bô lão làng Ninh Sơn kể rằng, từxa xưa đã có những cây trà mọc hoang trên vùng đồi Ninh, người nhà chùa và dân làng vẫn đi hái về hãm nước uống. Nhưng để nghề trà thành một kế sinh nhai của bà con thì mới chỉ từ khoảng dăm chục năm nay khi dân làng lấy thêm giống trà từ thị trấn Xuân Mai cùng huyện về trồng xen sắn, sả, mít, nhãn và các loại rau củ quả. Đến nay, rừng trà Ninh Sơn vẫn có hai loại giống: loại bản địa là hậu duệ của giống trà hoang thì lá nhỏ, thân cành khẳng khiu; loại giống của các nông trường ở Xuân Mai thì thân cành bụ bẫm, lá to, mỡ màng.
Bà Hoàng Thị Hiền, 58 tuổi, trồng bốn sào trà. Ngày hai buổi sáng, chiều bà lên núi hái trà tươi về bán ở các chợ quanh vùng như Chúc Sơn, Phượng (cách dăm ba cây số), Cống (cách hơn chục cây số). Bà cho biết: “Trà trồng ở đây ít phải tưới nước, bón phân mà hái được quanh năm. Dân làng chỉ hái lá, không hái búp vì để dưỡng cây, làng cũng không có ai sao trà khô. Tháng tám âm lịch, bà con nhặt quả trà già, tách lấy hạt, cuốc đất, thả hạt xuống rồi vun đất ấp lại, có mưa, hạt nứt là nảy mầm, lên lộc. Khoảng một năm là hái được lá”.
Ông Nguyễn Đình Mộc, 72 tuổi, có một héc-ta trà do tổ tiên từ bảy, tám đời nay để lại. Theo kinh nghiệm của ông, trà trồng ở những nơi dại (nhiều) nắng thì cây khỏe, nhiều lá, nước ngon. Trà trồng xen mít là hợp nhất, cả hai đều tươi tốt, thơm ngon. Tay thoăn thoắt rửa lá, hãm trà, miệng ông vui vẻ tiết lộ bí quyết của chén nước trà đồi Ninh: “Chọn những cây mọc ở chỗ dại nắng, hái những lá nhỏ, cong, vàng nhạt, giòn (khi gấp lại lá trà giập vỡ có tiếng kêu lách tách). Loại lá này được nước, xanh trong, mới uống hơi chát miệng, sau có vị ngọt nơi cổ họng, gọi là trà có hậu, mang về chọn kỹ (vì để lẫn một cái lá khác rơi vào là hỏng, không uống được), rửa sạch, vò rồi cho vào tích. Rót nước sôi ngập trà rồi rót ngay ra hết, gọi là chần hay làm lông. Sau đó mới rót nước vào đầy tích, cho vào giành ủ chừng mười phút là có chén trà sánh như mật ong, uống ngọt, thơm. Nếu nấu trà thì cho trà vào nồi, đổ đầy nước, đun sôi một vài phút rồi đổ tiếp một gáo nước lạnh vào là được (Nhờ bát nước lạnh trấn ấy mà nồi nước xanh, thơm, ngọt)”.
Cuối năm 1998, gần hết năm thứ hai đại học, tôi chợt nhận ra mình có duyên với cửa Phật, chốn mà trước đó, trong tâm khảm chỉ là hình ảnh ông thần ác mắt trừng, râu vểnh lăm lăm khí giới đứng ở cổng và sân chùa thấp thoáng bóng nhà sư trọc đầu mặc áo cà sa khua chổi quét lá đa như cảnh trong vở chèo Quan Âm Thị Kính. Lần đầu mỏi gối leo lên đến chùa Linh Thông nằm trên đỉnh đồi Ninh, hai tay chắp trước ngực còn lóng ngóng, miệng còn lấp vấp câu chào A Di Đà Phật, tôi được vị sư trụ trì mời tẩy trần bằng chén nước trà xanh. “Nước giếng Nghè, chè đồi Ninh đấy, anh uống xem có hợp. Không say là ở được chùa”, đại đức Thích Minh Xuân dí dỏm khi trao cho tôi chén trà ở bàn nước bên sân chùa lanh canh tiếng chuông gió. Miệng đã nhấp bao loại trà, hết Tân Cương (Thái Nguyên), shan tuyết (Hà Giang) nước Việt đến Long Tỉnh, thiên trụ, thiết quan âm, Vũ Di, Mông Đỉnh… bên Trung Quốc, ấy thế mà vẫn ngỡ ngàng trước chén trà tươi nơi ngôi cổ tự heo hút mãi trên đỉnh đồi này. Quặn ruột, lâng lâng. Đúng là say thật, say cái thứ nước đặc cắm tăm và óng ánh như mật ong ấy. Thầy cười giòn tan vì phép thử với một đệ tử mới rồi nhân từ bảo: “Tu tập cũng giống như uống nước trà đồi Ninh ấy. Nếu quyết tâm thì anh sẽ quen, bằng không chỉ một ngày là chán ốm”. Một ngày, hai ngày, rồi gã nhâng nháo là tôi cũng quen dần câu kinh tiếng kệ, với cuộc sống đạm bạc của chốn già lam nơi đỉnh một quả đồi đất đá ong, ngát xanh những nương trà cổ. Chiều chiều, mỗi lúc đi học, đi làm về, tôi còn có thú vui xuống giếng Nghè dưới làng múc đầy một can 20 lít nước mát trong xách lên chùa, đổ vào chum để bà vãi đun nước hãm trà tươi hái ở vườn chùa.
Trong một lần nắng xuống chiều lên, hai thầy trò đi dạo quanh đồi dõi mắt xuống làng xem cảnh sinh hoạt của dương gian như vẫn ngạo, thầy bảo, giếng Nghè là rốn rồng nên chưa bao giờ cạn nước, chả khi nào hết trong mát, dù có năm hạn hán, cả vùng đất đá ong này khô rang. Rồi thầy cười bảo: “Anh về ở chùa mà rèn được cái thói quen mỗi chiều xuống làng lấy nước giếng Nghè lên hãm trà đồi Ninh là đã công phu được một bậc rồi đấy”. Cả hai cùng thả điệu cười lan trong gió hòa lẫn tiếng chuông chùa.
Thứ nước giếng thiền thanh đạm này cũng làm chứng cho một cuộc gặp gỡ đặc biệt của cha con tôi. Chả là, nghe bạn bè nói rằng tôi đã dọn lên ở chùa, cha lặn lội dăm chục cây số từ nhà lên xem hư thực thế nào. Chiều ấy, thầy đi vắng, bà vãi xuống làng, hai cha con đối ẩm bên tích trà xanh trong cảnh chùa thênh thang gió lộng, thoang thoảng hương trầm. Giữa những câu chuyện thế thái nhân tình, gia tộc, học hành, công việc là những câu cha dò ý xem tôi có định xuống tóc quy y như lời đồn đại. Đến tận bây giờ, cha vẫn nhắc, lúc cao giọng nói câu: “Chùa chiền hay thì hay thật nhưng chỉ hợp với những ai muốn lánh đời. Mình trai trẻ, được cha mẹ cho ăn học đàng hoàng thì không được nghĩ đến cảnh trốn trong câu kinh tiếng kệ con ạ!”, mà chỉ nhận được có mấy từ ngắn ngủn: “Dạ, bố cứ yên tâm!”, ông lúng trí lắm mà chẳng biết khu xử thế nào. Cũng may lúc ấy tôi đùa: “Con chỉ đi kiểm chứng câu Nước giếng Nghè, chè đồi Ninh thôi mà”.
Theo ông Nguyễn Như Thắng, trưởng thôn Ninh Sơn, tuy giá trị kinh tế không cao nhưng mấy chục năm nay dân làng vẫn trồng và nhân giống trà để giữ một sản vật quê hương. Cùng với danh sơn Phượng Hoàng, danh tự Linh Thông, nước giếng Nghè, chè đồi Ninh cũng trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo.