Mỹ Nghiệp (thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) là một làng cổ độc đáo của người Chăm, nổi tiếng với nghề dệt thổ cẩm. Bà tổ quê hương dạy phụ nữ Chăm dệt vải, nhưng chỉ có ở Mỹ Nghiệp, nghề này mới thăng hoa.
Dệt vải giỏi là phụ nữ lí tưởng
Theo cả sư Hải Quý, trụ trì tháp Pô Nưgar ở làng Hữu Đức, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, tương truyền rằng chính Pô Inư Nưgar (thần mẹ xứ sở), tức bà Thiên-Y-Ana là vị tổ sư của nghề dệt thổ cẩm Chăm. Sách cổ chép rằng Pô Nưgar dạy người Chăm làm nghề dệt. Truyền thuyết kể: Ngày xưa, từ thuở hồng hoang, khi con người mới xuất hiện trên trái đất thì Pô Nưgar đã giáng thế xuống trần gian, sinh sống với người Chăm một thời gian rồi đi lấy chồng Trung Hoa. Sau đó bà trở về xứ Chăm dạy người Chăm cày cấy, trồng lúa; dạy phụ nữ biết dệt vải, quay xa. Ngoài ra bà còn dạy người Chăm biết tổ chức nhà nước, hành chính và xây dựng đền tháp để thờ các vị thần.
Bên cạnh truyền thuyết, người Chăm Mỹ Nghiệp còn có tập thơ Ariya Patauw adat kamey (thơ dạy đạo lí đàn bà) và tập thơ Ariya Muk Truh Paley (thơ bà tổ ấm quê hương) đều có đề cập việc dệt vải của phụ nữ Chăm. Hai tập thơ này đều xem chuyện dệt vải là tiêu chuẩn đánh giá đàn bà khéo tay, đảm đang. Đó là một trong những tiêu chuẩn về mẫu đàn bà Chăm lí tưởng, đẹp người, đẹp nết.
Nghề dệt của người Chăm cũng được các nhà chép sử người Việt, người Trung Hoa ghi chép. Trong Vân đài loại ngữ (viết ở thế kỷ thứ XVIII), Lê Quý Đôn chép: “… ở Lâm Ấp10 sản xuất cây cát bối, hoa nó như lông ngỗng, gỡ ra, dệt làm vải thì không khác gì với vải gai cả.”
10 Nước Chiêm Thành.
Sách Thủy kinh chú chép: “Ngoài trồng bông kéo sợi, nhuộm sợi, dệt vải, người Chăm còn biết trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa. Phụ nữ dệt vải và lụa. Vải tàng trữ trong kho các vua chúa ngày xưa chứng tỏ họ dệt rất khéo, biết dùng sợi màu xen vào những sợi ngang để dệt bằng những họa tiết mỗi mặt một kiểu khác nhau, không phân biệt đâu là phải, đâu là trái.” “Y phục vua có áo bào bằng lụa hoa văn vàng trên nền đen và xanh lá cây.” “Người Chàm trước kia trồng dâu nuôi tằm và trồng bông. Đến mùa bông nở, quả bông nở ra, bông trắng như lông ngỗng. Người ta lấy bông ra để kéo sợi thành vải thô đan truội đi, trông giống như vải nho. Nhuộm đi, dệt thành vải ngũ sắc và vải lốm đốm.”
Sách Thông điển chép: “Đàn ông và đàn bà Chiêm Thành đều quấn ngang một mảnh vải cổ bối.”
Cựu Đường thư cũng nói đến vua choàng một tấm vải trắng mịn. Ngoài ra, các loại trang phục của vua và quí tộc cung đình Chăm như cái sampot hiện còn trong kho… được dệt chen vào đó các họa tiết bằng lụa trắng và đen có điểm chỉ vàng trên nền chỉ đỏ thành những hình garuda11 trong các dáng điệu nhảy múa hay cầu nguyện và những con vật kì dị khác đã làm tăng vẻ đẹp mượt mà, đa sắc của vải lụa Chăm.
11 Chim thần.
Vải và cách ăn mặc của vua Chăm cũng được ghi lại trên các bia kí. Trên bia kí Lai Trung ở Huế có phần mô tả cách ăn mặc của vua Champa là Indravarman III (918) rằng áo vua có dệt dính nhiều vàng, bạc. Bia kí Pô Nưgar cũng đề cập vua Chăm là Wikratavarman III (854) mặc áo đen và xanh có đính hoa văn và chỉ làm bằng vàng. Áo khoác cũng được làm bằng vải thô dệt chỉ bằng vàng rất đẹp.
Trên các phù điêu, tượng thờ ở các đền tháp cũng có dấu ấn rõ nét của vải Chăm. Tượng thần Siva, vũ nữ Apsara với những dải áo mỏng được trang trí bằng những hoa văn đẹp mắt, tinh vi. Bức phù điêu chạm khắc trên tường ở đền tháp Angkor, Campuchia mô tả cảnh đội quân Champa tiến đánh Angkor vào thế kỷ XIII cho thấy binh lính Champa mặc quần ngắn có đeo dải Bà la môn, mặc áo ngắn cụt tay có dệt hoa văn, đầu đội mũ.
Từ các nguồn tư liệu trên, chúng ta có thể khẳng định được rằng, ngay từ thời xa xưa, nghề dệt của người Chăm đã rất phát triển, phổ biến rộng rãi trong cư dân. Sản xuất ra nhiều sản phẩm đa dạng, phong phú và đạt đến độ tinh xảo.
Sau khi vương quốc Champa tan rã, đặc biệt là từ năm 1832, vua Minh Mạng bắt người Chăm theo phong tục và ăn mặc theo kiểu người Việt nên nhu cầu về vải mặc truyền thống cho các vua chúa, quý tộc Chăm không còn nữa. Cho đến đầu thế kỷ XX, cùng sự biến đổi về kinh tế - xã hội, sự xuất hiện của nhiều vải công nghiệp là nguyên nhân làm cho nghề dệt truyền thống ở các làng Chăm bị mai một, biến mất, chỉ trừ Mỹ Nghiệp.
Mẹ truyền con nối
Làng Mỹ Nghiệp hay Nha Tranh, có tên tiếng Chăm là Chakleng thuộc thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Làng nằm về phía nam trung tâm thành phố Phan Rang - Tháp Chàm khoảng 9km. Mỹ Nghiệp (nghề đẹp) là tên mới được đặt cho làng từ thời vua Bảo Đại. Đây là đất văn vật của vương quốc Champa cổ mà tên còn được tìm thấy trên bia kí. Tương truyền rằng ông bà nuôi của Pô Klong Garai, vị vua trị vì vương quốc vào thế kỉ thứ XII đã sinh ra ở đất này.
Tục ngữ Chăm có câu: “Chơk mưrong krong birak”, nghĩa là “Núi hướng nam, sông hướng bắc”. Đây được xem là vị trí tốt nhất của một làng, theo quan niệm dân gian Chăm. Chakleng hội đủ yếu tố địa linh sinh nhân kiệt. Bởi là một làng cổ nên khu vực xung quanh làng tập trung nhiều di tích lịch sử giá trị. Phía nam có di tích Pô Nai trên núi Chà Bang, phía tây có tháp Pô Rômê, gần hơn là Kut Raglai ở đầu làng được dựng từ thế kỉ thứ XVI.
Chakleng còn là làng tập trung nhiều nhân vật được biết đến trong xã hội Chăm hiện đại. Nhưng Mỹ Nghiệp nổi tiếng hơn cả với nghề dệt thổ cẩm truyền thống.
Ông Inrasara, nhà nghiên cứu văn hóa Chăm, một người dân của làng, lý giải: Nói đến nghề dệt thổ cẩm là nói đến vai trò của người phụ nữ. Đây là nghề mẹ truyền con nối. Một trong những tiêu chuẩn đạo đức được bà tổ quê hương đặt ra cho phụ nữ Chăm là phải thông thạo nghề dệt. Cho nên có thể nói nghề dệt thổ cẩm được truyền bá đều khắp trong các làng Chăm. Qua quá trình lịch sử, nghề truyền thống này cũng đã mai một đi nhiều. Hiện nay nghề dệt thổ cẩm đang được lưu truyền tại ba làng Chăm ở Bình Thuận và Ninh Thuận. Trong đó Mỹ Nghiệp là trung tâm dệt sản xuất đa dạng mẫu mã nên được biết đến nhiều hơn cả. Nguyên do là bà tổ quê hương dạy nghề dệt cho tất cả phụ nữ Chăm sản xuất tự cung tự cấp nên tất cả người nữ ở tất cả các làng Chăm đều biết dệt. Riêng làng Chakleng được bà truyền dạy tất cả hoa văn quý, phục vụ cho mọi tầng lớp xã hội.
Để dệt vải người ta dùng hai loại khung: loại dệt dạng tấm và loại dệt dạng dải. Từ hai loại khung này, người nữ Chăm đã tạo ra được nhiều hoa văn khác nhau, trông rất đẹp mắt.
Trong xã hội Chăm, người ta có thể phân biệt giai cấp hoặc mức độ sang hèn chỉ qua hoa văn trên y phục. Như người đàn bà Chăm thuộc tầng lớp trên thì mặc chăn Biyôn có hoa văn trang trí là hăng, arut hay hêt còn người phụ nữ tầng lớp dưới thì mặc chăn Biyôn harek…
Thường thì nghệ nhân Chăm mô phỏng hình con vật để làm ra hoa văn, và họ dùng tên con vật đặt cho hoa văn đó. Như bingu kacăk là bông thằn lằn, bingu garut là bông chim thần… Bên cạnh hoa văn hình con vật, người Chăm có nhiều loại hoa văn khác như hoa văn kỉ hà, đặt tên theo hệ hình học, hoa văn bingu jal (bông lưới), vì hình hoa văn giống mắt lưới…
Thổ cẩm Chăm có vài hoa văn có tên bắt đầu bằng tuk: bingu tuk bamưk, bingu tuk pateh, bingu tuk kamang… Trong đó bingu tuk kamang được coi là quý nhất. Muốn làm nên tấm thổ cẩm có hoa văn này, thợ dệt phải đạt đến một cấp bậc nhất định, và nhất là phải làm lễ cúng dê tế thần.
Trong tiếng Chăm, kamang xuất phát từ tên một vị thần: Kemang. Tên vị thần này còn được dùng đặt tên cho một điệu múa Ragăm Kamang. Tương truyền chính vị thần này một hôm nọ đã xuống trần truyền nghề cho một người duy nhất biết đến hoa văn tuk kamang. Trong làng, rất ít người đạt đến trình độ tinh xảo để dệt nên tấm chăn có hoa văn tuk kamang. Để nhớ ơn bậc tiền bối, trước khi làm hoa văn này, người Chăm làm lễ như là cách tạ ơn.
Gia đình của người phụ nữ sắp được tôn vinh chức thợ cả (sư) mời thầy Achar về nhà giết dê cúng thần. Cuộc lễ được tiến hành ngay trong nhà. Buổi chiều, chính bà thợ cả (sư) nghề dệt múa mừng ở ngoài sân. Lễ vật là các món canh dê, dê luộc, cơm hộp… Thầy Achar là người đứng ra làm lễ tục.
Vải Chăm có nhiều màu sắc khác nhau như: trắng, đen, đỏ, vàng nhạt, nâu, chàm, phẩm lục. Trước đây, người ta dùng màu thực vật chế biến từ các loại cây sẵn có ở địa phương. Người Chăm nhuộm màu bắt đầu từ con chỉ. Màu đen (juk) chế ra từ trái muông (trái thị rừng, buah han). Trái muông được hái trên núi đem về giã nhỏ, ngâm lấy nước rồi nấu sôi nhuộm màu. Sau đó đem sợi đã nhuộm ngâm với nước bùn trong ba ngày ba đêm. Để có màu đỏ (bhong), họ lấy cây phun pan chẻ nhỏ ngâm lấy nước, nhuộm sợi khi nào hết màu đỏ mới thôi. Màu đỏ còn được chế biến từ cánh kiến đỏ. Màu đỏ nâu được chế biến từ vỏ cây lih likun. Bóc vỏ tươi đem về chẻ nhỏ ngâm nước nhiều ngày thì ra nước màu đỏ nâu. Loại vỏ cây này có nhiều mủ nên màu nhuộm khó phai. Muốn có màu vàng nhạt (kanhik), họ lấy củ nghệ hoặc cây cốc vang (hapang) giã nhỏ đổ vào lu nước ngâm từ ba ngày đến năm ngày rồi nhuộm sợi. Màu nâu chế biến từ cây phun jương, chặt miếng ngâm lấy nước nhuộm sợi. Màu chàm chế biến từ cây chàm (hajaw). Họ lấy thân cây chàm (mauw) chẻ nhỏ đem ngâm nước ra màu xanh, xanh nhạt, xanh nước biển rồi nhuộm chỉ. Lấy lá cây chum bầu ngâm nước cũng cho màu xanh. Màu phẩm lục (xanh lá cây, xanh da trời) người Chăm không chế biến mà mua của người Kinh. Màu trắng (bbong) là màu nguyên của sợi, người Chăm không nhuộm màu. Nếu sợi làm từ bông vải thì có màu trắng tinh, sợi làm bằng tơ thì có màu trắng hơi ngả vàng.
Trước khi nhuộm chỉ, người ta nấu nước màu và nhúng chỉ ngập trong thùng nước màu đang sôi. Cuộn chỉ được ngâm trong đó và người ta lấy que đảo chỉ trong vòng 15 phút thì vớt ra đem phơi nắng cho khô.
Không còn trồng bông, nuôi tằm nữa, hiện nay sợi chỉ dệt truyền thống của người Chăm ở Mỹ Nghiệp đã được thay bằng sợi chỉ công nghiệp mua ở thành phố Hồ Chí Minh.
Ông Sakaya, thạc sĩ - nhà nghiên cứu văn hóa Chăm - tác giả cuốn sách Nghề dệt cổ truyền của người Chăm (NXB Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2003), thống kê có 40 hoa văn trên vải Chăm, trong đó có hơn 30 hoa văn truyền thống, còn lại là hoa văn mới du nhập và vay mượn từ các tộc người khác. Đa số hoa văn truyền thống được người Chăm lấy mẫu từ thiên nhiên quanh mình như: hoa văn quả trám, hột đậu nành, hột lúa nổ, hoa cà dược, dây leo, dây mướp, lá bồ đề, bông mai, mắt gà, chân chó, con thằn lằn, cổ chim bồ câu, con bướm, con thỏ, con cua, con rồng, chim thần garuda, chim trảo, chim công, cái neo thuyền, mắt lưới, bong bóng, sao trời… Ông Sakaya phân chia hoa văn thành bốn nhóm: hoa văn thực vật, hoa văn động vật, hoa văn đồ vật và các loại hoa văn khác. Ông cho biết: “Đặc điểm của hoa văn Chăm là một đồ án bao gồm nhiều mô típ khác nhau, có hoa văn chính và hoa văn phụ. Hoa văn chính được bố cục ở trung tâm đồ án, nổi rõ trên nền vải được ngăn cách bằng hai bên viền chạy dọc gọi là đường xe (jalan rateh). Còn mô típ phụ được trang trí hai biên đồ án gọi là jih khauk. Khi gọi tên hoa văn, họ thường gọi tên hoa văn chính trong đồ án. Có nhiều mô típ kết hợp trong một đồ án hoa văn. Một đồ án có thể có ba mô típ đi cùng, xen kẽ nhau thì họ thường gọi luôn ba tên gọi. Tiêu biểu cho trường hợp này là loại hoa văn quả trám, chân chó, neo thuyền.”
Năng động
Từ năm 1991, làng nghề thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp phát triển mạnh, hội nhập thị trường không những ở các khu vực trong nước như Thành phố Hồ Chí Minh, Nha Trang, Đà Lạt, Buôn Ma Thuột, Đà Nẵng, Huế, Hà Nội mà còn vươn ra thị trường nước ngoài. Inrahani là cơ sở dệt đầu tiên được thành lập, có quy mô lớn nhất. Ra đời năm 1992 với mười thợ dệt, đến nay Inrahani đã có hơn 100 lao động. Cơ sở đã kết hợp với các công ty may ở thành phố Hồ Chí Minh để tìm đầu ra cho sản phẩm. Không dừng lại ở các sản phẩm truyền thống, cơ sở còn sáng tạo nhiều mẫu mã mới như túi xách, ví, ba lô, áo, mũ… phù hợp với thị hiếu của đông đảo khách hàng.
Mỗi ngày, một người thợ thủ công chỉ dệt được khoảng 3m - 4m thổ cẩm. Bà Lộ Thị Chung, 66 tuổi, đã có hơn 30 năm dệt vải, ngày ngày vẫn ngồi miệt mài bên khung cửi, cho biết: “Mỗi ngày với khung này mình chỉ dệt được 4m thôi. Loại hoa văn này tiếng Chăm gọi là meta menuk (mắt gà), có thể may thành nhiều sản phẩm khác nhau như túi xách, ví, cà vạt, áo...”
Hiện nay 95% gia đình trong làng sống bằng nghề dệt thổ cẩm, có hơn 500 thợ dệt lành nghề cùng hơn 1.000 lao động phụ trợ. Không chỉ dệt vải phục vụ người Chăm, dân làng còn dệt theo đơn đặt hàng và bán cho người các dân tộc khác như Ê Đê, Churu, K’ho, Raglai…
Ông Hàm Minh Thiệu, Chủ tịch Hội đồng quản trị - Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ sản xuất kinh doanh dệt thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp, cho biết: Hợp tác xã ra đời ngày 31/12/2010 với 25 xã viên, đến nay đã có 80 thành viên. Các thành viên hợp tác xã đang sản xuất hơn 100 mặt hàng chủ yếu phục vụ khách du lịch đến mua tại chỗ và gửi bán ở các nơi. Doanh thu của hợp tác xã từ chỗ vài chục triệu đồng/tháng trước đây, nay tăng lên 70 triệu đồng/tháng, đảm bảo công ăn việc làm ổn định cho xã viên. Bình quân mỗi tháng hợp tác xã đón trên dưới 10 đoàn khách, trong đó có những đoàn cán bộ cao cấp ở trung ương. Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia bảo tồn, phát triển làng nghề, hợp tác xã được hỗ trợ 300 triệu đồng để mở mang sản xuất, đẩy mạnh quảng bá thương hiệu. Có thêm vốn trong tay, một mặt ban quản trị mua nguyên liệu với số lượng lớn phân phối cho xã viên sản xuất, mặt khác xúc tiến cử người đến các tỉnh, thành phố lớn tìm kiếm đối tác ký kết hợp đồng cung cấp sản phẩm. Hiện nay, hợp tác xã đã mở được văn phòng giới thiệu sản phẩm ở thành phố Hồ Chí Minh và đang xúc tiến mở thêm ở Thành phố Đà Nẵng. “Để bảo tồn nghề truyền thống, từ năm 2015, chúng tôi đã có dự án phục hồi hoa văn cổ. Hằng năm hợp tác xã tổ chức thi tay nghề để tìm hoa văn còn trong dân. Đến nay, chúng tôi đã phục hồi được 14 hoa văn cổ gồm bốn hoa văn của khung ngồi khổ lớn và 10 hoa văn của khung dây. Chúng tôi đang lên kế hoạch tổ chức hai lớp học để phổ biến sản xuất hoa văn đã phục chế đến cho người dân”, ông cho biết.
Làng dệt thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp được tỉnh Ninh Thuận chọn là điểm đến của du lịch tỉnh nên cũng được hỗ trợ nhiều để quảng bá thương hiệu, hỗ trợ kinh phí để người dân đi giới thiệu sản phẩm ở các hội chợ thương mại, du lịch cả trong và ngoài nước. Ngoài dệt bằng khung gỗ truyền thống, người dân Mỹ Nghiệp đã đầu tư máy dệt hiện đại để sản xuất nhanh mà vẫn bảo đảm chất lượng.