Quả là không ngoa với cái tên “vùng đất bằng huyền thoại”, Đưng K’Nớ ẩn chứa trong nó biết bao điều lý thú. Một trong số đó là câu chuyện về ông Bon Niêng Ha Sào, người khắc hoa văn.
“Muốn tìm hiểu nhiều về văn hóa người Cil ở Đưng K’Nớ hãy ghé tìm ông Bon Niêng Ha Sào,” ông Phi Srỗn Ha Nràng, Phó Bí thư Đảng ủy xã Đưng K’Nớ, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng, đã quả quyết hướng dẫn như thế khi biết chúng tôi lang thang trên đất này.
“Ông già vợ” truyền nghề
Ở Đưng K’Nớ có người đàn ông 60 tuổi tên Bon Niêng Ha Sào là người duy nhất còn lưu giữ gần như đầy đủ nhất những họa tiết truyền thống của người Cil. Đối với người dân nơi đây, cây nêu có vị trí vô cùng quan trọng. Trong các lễ hội lớn, họ thường dựng cây nêu. Bởi cây nêu không chỉ là biểu tượng của sự sống, kết nối giữa trời đất, con người với các vị thần linh (yàng) mà họ còn muốn gửi gắm ở đó những ước mơ, khát vọng chinh phục thiên nhiên nhằm hướng tới một cuộc sống tốt đẹp và bình yên. Mỗi khi tổ chức các lễ hội, bà con thường dựng cây nêu để mời gọi yàng về dự, chứng kiến và cùng chung vui với buôn làng. Bởi ý nghĩa đó nên người ta rất chăm chút câu nêu. Nó có thể xem như một tác phẩm nghệ thuật đậm chất dân tộc.
Ở Đưng K’Nớ này, khi xã có lễ hội, lúc bà con muốn khắc các họa tiết truyền thống lên xà nhà, hay thậm chí Trung tâm du lịch sinh thái và giáo dục môi trường của Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà ở tận xã Đa Nhim muốn có cây nêu trưng bày… người ta đều tìm về ngôi nhà trên ngọn đồi ở thôn 1, xã Đưng K’Nớ của ông Ha Sào để gõ cửa. Hỏi chuyện về ông Ha Sào, nhiều bà con ở đây đã buột miệng nói ra điều mà họ lo lắng rằng “mai này khi Ha Sào chết đi ai sẽ là người khắc hoa văn cho người Cil”.
Mấy chục năm về trước, chàng thanh niên Bon Niêng Ha Sào về sống nhà vợ ở Đưng K’Nớ theo tục mẫu hệ, lệ bắt chồng của người Cil. Và chính bố vợ, Rơ Ông Ha Chiêng, đã truyền những câu chuyện trong mỗi họa tiết hoa văn của người Cil cho con rể Ha Sào trong những lần hai cha con cùng làm việc. Thời gian trôi đi, bố vợ Ha Sào ngày một già, mắt kém, tay run nên bà con ai đến nhờ chạm khắc đều do Ha Sào đảm nhận. Càng làm trình độ càng lão luyện, Ha Sào không chỉ chạm khắc được lên cây nêu mà còn khắc được cả lên tẩu thuốc, cần rượu, sáo, ống đựng tên, hộp đựng thuốc… Ông Ha Sào nhớ lại: “Công việc chạm khắc rất tỉ mỉ và mất nhiều thời gian nên đòi hỏi người làm phải thật kiên nhẫn. Ngày đó mỗi lần mình ngồi dưới bóng cây trước nhà để khắc, ông già vợ mình vẫn ra ngồi chung, mình khắc họa tiết nào ông kể chuyện về họa tiết đó, thế mình mới hiểu. Cái gì cũng vậy, phải hiểu rõ mới làm được chứ.” Và có lẽ với cách chỉ dạy trực quan sinh động, “ông già vợ” của Ha Sào đã chia sẻ với người con rể không chỉ kiến thức, kỹ năng mà hơn hết là tình yêu đối với những họa tiết truyền thống của dân tộc và trách nhiệm mỗi lần khắc chúng. Để rồi dần về sau người ta vẫn đến đây nhờ chạm khắc nhưng đã gọi tên đích danh Ha Sào. Cho đến tận bây giờ, khi đã tự mình khắc lão luyện lên cây nêu, ông Ha Sào vẫn nhớ về những ngày đầu vụng về không biết làm sao khắc cho được những nét vẽ tinh xảo lên thân cây lồ ô thẳng tắp, về người bố vợ cả một đời gắn bó với nét vẽ của người Cil và từ giã cuộc đời khi ngoài 100 tuổi.
Vẫn quay cuồng với cuộc sống mưu sinh nên phần nhiều thời gian ông Ha Sào làm việc trên rẫy. Đôi bàn tay của người đàn ông này không hề thuôn dài, mềm mại như những nghệ nhân, nghệ sĩ thường thấy. Mà đó là bàn tay thô ráp, chai sạn - kết quả của cuộc đời lao động chân tay nhọc nhằn để mưu sinh. Vậy nhưng khi bỏ cây xà gạc, cái cuốc, cầm con dao pis nhỏ nhất trong bộ dao của người Cil và rất sắc bén để khắc hoa văn thì Ha Sào cũng như bao nghệ sĩ khác, nhập tâm và quên tất cả mọi chuyện để thả hồn vào tác phẩm. Người đàn ông dạn dày sương gió cầm chiếc dao nhỏ, ánh mắt chăm chú qua cặp kính lão để khắc từng nét, từng nét một lên thân cây lồ ô như đặt trọn tâm huyết vào đó vậy. “Không đơn thuần là nét vẽ trang trí mà đó là tất cả những gì diễn ra trong cuộc sống của người Cil từ thời ông bà đến tận bây giờ,” ông Ha Sào đã mở đầu như thế khi nói với chúng tôi về những họa tiết của người Cil.
Mỗi họa tiết là một câu chuyện
Ông Ha Sào vừa hoàn thành xong cây nêu ngắn để trong nhà cho một gia đình ở Đầm Ròn nhờ làm để dựng trong nhà mới. Trên cây nêu ấy có mười họa tiết liền nhau từ trên xuống dưới. Cầm cây nêu trong tay, ông Ha Sào giảng bài cho chúng tôi bài học vỡ lòng về những họa tiết của người Cil. Ông nói “mỗi hoa văn đều mang một ý nghĩa khác nhau: wièh (xà gạc) vật dụng không thể thiếu của người Cil, ai lên rẫy, lên rừng trong tay đều có xà gạc. Đây cũng là dụng cụ để phát nương làm rẫy có cái ăn hàng ngày. Sơnual (lưới bắt cá) là dụng cụ bà con mình bắt cá ở suối. Nếu bắt cá về kho thì chỉ bắt cá lớn, cá nhỏ mắc vào lưới thả ra. Còn nếu bắt cá nấu canh thì chỉ bắt con nhỏ thôi, thả cá lớn ra khỏi lưới. Măt tơngê (mặt trời) không có mặt trời là không có sự sống, có ánh sáng con người mới sống đươc trên trái đất này. Kòn pì (con chồn) nó khôn lắm, bà con mình trỉa hạt chỗ nào nó tới chỗ đó bới lên ăn. Bởi thế khi gieo hạt xong bà con đặt bẫy chồn ở đó. Matsem (mắt chim) chim bay trên cao nên mắt chim sẽ thấy hết cả núi rừng. Sề rơnđòt (răng cưa) ngày xưa ông bà mình có tục cưa răng, đàn ông cưa hết răng cửa ở trên, đàn bà cưa nhọn hàm răng dưới. Răng cưa xong được nhuộm đen bằng lá rừng. Con trai con gái mà chưa cưa răng, chưa nhuộm răng sẽ không được lấy vợ, lấy chồng. Nha guôl (lá đùng đình) để che nắng che mưa…”
Có khoảng mười họa tiết thường xuyên xuất hiện trên các đồ án trang trí, còn các họa tiết ít xuất hiện thì rất nhiều. Tất cả đều mô phỏng những hình ảnh có thật, những loài động vật, thực vật ở xung quanh mình. Họa tiết khó khắc nhất là sơ nrang vì có uốn lượn quanh co, nhỏ. Dễ khắc nhất là hình mắt chim. Dùng dao khắc xong thì lấy nhọ nồi trét lên hoa văn để nó kết hợp với vỏ của vật khắc thành màu đen - vàng, đen - trắng.
Những lời lý giải chân chất của người đàn ông ấy như vẽ ra trước mắt chúng tôi cả bảo tàng triết lý sống của một dân tộc. Đó là cách những người Cil xưa sống và hòa hợp với thiên nhiên để sinh tồn và làm đẹp cuộc sống. Có thể bởi vì thế mà trải qua bao thăng trầm, bao thời gian, rừng nơi đây vẫn xanh ngút ngàn. “Rừng là mẹ thiên nhiên. Rừng cho ta nhiều thứ trong cuộc sống. Người Cil xưa giữ rừng như máu thịt, phá rừng chẳng khác nào đứa con bất hiếu”, ông Ha Sào quả quyết.
Trong căn nhà nhỏ làm bằng gỗ nhìn ra bốn bề là núi đồi trùng điệp của ông Ha Sào có đủ một bộ chiêng, cây nêu trong nhà, tẩu thuốc, cần rượu… được chạm khắc những hoa văn truyền thống của người Cil. Vít cần rượu bằng mây trong tay để mời khách phương xa ghé thăm nhà, rượu cần do con gái mình ủ, ông Ha Sào nói rằng: Ông bà mình ngày xưa, làm gì cũng có lý do hết. Họa tiết khắc trên cây nêu để gửi tới thần linh phù hộ cho cuộc sống tốt đẹp. Khắc trên tẩu thuốc của người già để nhắc nhớ dạy con cháu, khắc trên cần rượu để dù buồn hay vui cũng không được quên những giá trị văn hóa. “Không được dùng cần rượu có gắn vòi nhựa đâu nhé, người Cil mình xưa dùng cần rượu làm bằng thân cây mây. Mây mang về được cạo sạch vỏ, đem phơi khô, rồi lấy thanh thép nhỏ, nung đỏ xâu qua (thông dọc thân để cho đứt đốt). Đầu cuối cùng của cần rượu được đóng chặt và đục hai lỗ nhỏ hai bên, tránh vỏ trấu chui vào cần. Bên ngoài cần rượu được gắn một khúc đuôi nhím (grung soma), để đến khi uống hết lượt của mình, người uống sẽ rung cần kêu lách cách, người bên cạnh hiểu í mà thêm nước vào. Người Cil mình uống rượu không tự rót đâu, phải để bạn rót. Tự rót là bị phạt đấy.” Trong chếnh choáng hơi nồng của vò rượu cần ủ kỹ, ông Ha Sào càng say sưa kể rỉ rả những câu chuyện của người Cil như cơn mưa rừng rả rích, êm đềm và đầy huyền hoặc.
Trân trọng tình yêu văn hóa truyền thống và tài hoa, tri thức của ông Ha Sào, một số công ty du lịch như Trekker, Vietnam And You, Gori Vietnam đã hợp tác với ông để phát triển loại hình du lịch khám phá thiên nhiên và văn hóa bản địa ngay tại Đưng K’Nớ. Anh K’Vâng, hướng dẫn viên du lịch kỳ cựu, người nối kết giữa ông Ha Sào và các công ty du lịch, cho biết: Du khách đến với ông Ha Sào để được sống trong văn hóa của người Cil. Thứ họ mang về là những câu chuyện và những cần rượu, tẩu thuốc, cây xà gạc… có khắc hoa văn của người Cil. Ngoài những vật dụng với đầy đủ họa tiết của người Cil, ông Ha Sào còn phối hợp với công ty này để sưu tầm lại một bộ đồng la (chiêng) hoàn chỉnh của người Cil xưa. Tiếng chiêng vang lên cùng những câu chuyện văn hóa trong ngôi nhà nhỏ trên đồi ấy còn đưa chúng tôi đến với những câu chuyện không dứt nơi “vùng đất bằng huyền thoại”…
Box
“Hiện tượng trang trí ứng dụng đầu tiên là điêu khắc, bằng dao, trên tre hay gỗ mềm; rồi đến chạm trên đồng. Một con dao Tây Nguyên cho ta thấy việc chuyển từ cái ích dụng sang cái thẩm mỹ vô tư: dao dùng để lao động, cán dao để cho đẹp. Họa tiết trên đó thuần túy mang tính trang trí và hình học: những đường thẳng, những gạch chéo, những sọc chữ chi, những hình thoi v.v… Khi nó mang tính tượng hình, điều rất hiếm thấy, thì cũng cực kỳ cách điệu. Cán công cụ, ống điếu, hộp đựng thuốc, ống tròn đều được trang trí như vậy.
(…)
Truyền thuyết về việc phát minh ra nghề vẽ: “Dưới âm phủ, người anh hùng Ding-Dong khám phá ra việc sử dụng các màu. Ông dạy cho sứ giả của mình là con quạ (nó trở thành đen sau khi toàn thân bị nhận cả một hũ chất màu). Đến lượt nó, quạ lại dạy cú muỗi, cú muỗi lại dạy cho Du và Dong-Rong trên mặt đất nghệ thuật trang trí.”
Màu đen lấy từ thực vật; người ta lấy nhựa một loại cây gọi là ti, nấu với than cho đến khi trở thành một thứ bột nhão hơi quánh. Màu đỏ làm bằng chất khoáng; đó là một thứ nước hòa tan một loại đá bở gọi là gur. Lá doac cũng được dùng làm màu đỏ, hơi đậm hơn. Cây cọ để vẽ chỉ là cái que tre vót đơn giản. Các loại màu truyền thống này rất bền; nước không xóa được; chỉ phơi nắng thật lâu mới phai.
Tuyệt tác trong nghệ thuật trang trí là những cây nêu trồng ở làng hay ở rẫy, trong các dịp lễ hội lớn, các cây nêu mừng chiến thắng nhằm thu hút sự chú ý của các thần, để các thần phù hộ cho làng, cho rẫy. Hiệu quả nghệ thuật, niềm vui tràn ngập của làng vào hội, chắc chắn là chủ đích quan trọng hơn cả, nếu không phải là hàng đầu.”
(Dam Bo, Miền đất huyền ảo (1950), Nghệ thuật trang trí đồ vật)