Tôi có hai người bạn làm nghề tổ chức và hướng dẫn tour du lịch ở tỉnh Lâm Đồng có một điểm chung là đều mang trong mình hai dòng máu: K’ho và Ê Đê. Họ cùng ấp ủ ước mơ cháy bỏng là làm sao kết nối hai đỉnh núi láng giềng của mình là Bidoup (2.287m) và Chư Yang Sin (2.442m). Hai đỉnh núi thiêng này là biểu tượng của hai dòng máu chảy trong họ, của hai quê hương Lâm Đồng, Đắk Lắk.
Với K’Vâng, chinh phục đỉnh Chư Yang Sin cũng là một cách anh về với quê hương của người cha yêu dấu người Ê Đê mà mình ít khi gặp mặt. Với Cil K’Huy, chuyện lắt léo và buồn hơn nhiều. Do hoàn cảnh gia đình, ngày nhỏ, cụ bà của anh đã bị bán, những người Lạch ở Lâm Đồng hay đi buôn ở vùng Đam Rông đã mua và đem về nuôi. Cil K’Huy đã nhiều lần bắt mẹ mình kể lại và biết được mình vẫn có dòng máu Ê Đê mặc dù đã sang đời thứ năm. Có lẽ vì vậy mà anh lấy tên tài khoản Facebook là Pang Yo (Pang là cụ, Yo là đời xưa) để luôn luôn nhớ cuội nguồn. Cũng vì vậy mà hai người họ có nhiều điểm tương đồng. Còn tôi thì là bạn của cả hai người. Thế là ba anh em rủ nhau lên đường.
Chúng tôi bắt đầu chuyến đi lúc 16 giờ 10 phút khi những người K’ho đang lục tục trở về nhà sau một ngày lao động mệt nhọc trên rẫy cà phê hay đi thu hái sản vật rừng: nhặt hạt dẻ, hái nấm, hái thuốc...
Chiếc cầu treo đầu nguồn của hồ Đan Kia quá lắc lư và hẹp, chúng tôi phải nhường nhau mà qua. Và rồi ba anh em được offroad đường rừng tuyệt đẹp của cao nguyên Lang Biang. Sau khoảng 30 phút, chúng tôi được tiếp cận đường 722 mới láng nhựa. Đoạn qua trạm Cổng trời chúng tôi còn được ngắm lá phong đang đổi màu. Khoảng 17 giờ, chúng tôi đến Đưng Knớ khi một màu trắng xóa của sương mù dày đặc sau cơn mưa chắn lối đi và hạn chế tầm nhìn. Và rồi sông Krông Nô hiện ra. Cách đây vài ngày, trong chuyến khảo sát lá phong, chúng tôi đã được đến thượng nguồn của dòng sông này. Nhưng tại đây chúng tôi không thể làm vậy nữa bởi sự hung bạo của dòng nước.
Đoạn đường nhỏ và hẹp dọc con sông này thật tuyệt, chúng tôi băng qua rừng tre nứa, nhiều sình lầy nên buộc phải xuống và đẩy xe qua. Giữa vùng rừng sâu thẳm chỉ có tiếng ào ào của sông Krông Nô và tiếng xe máy đơn độc của ba anh em. Trời bắt đầu tối nhưng lòng chúng tôi vẫn quyết tâm phải chạy đến Đạ Long của huyện Đam Rông tá túc một đêm, hôm sau xuất phát sớm đến điểm hẹn là thị trấn Krông Kmar, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk.
Khoảng 19 giờ, chúng tôi cũng đến được Đạ Long, nơi sở hữu dòng suối nước nóng duy nhất vùng này. Chúng tôi không còn tâm trí để nghĩ đến chuyện tắm suối nước nóng lúc này mà chỉ mong tìm ra ai biết đường rừng để đi xuyên và nối hai đỉnh Bidoup và Chư Yang Sin mà thôi.
Sáng sớm hôm sau, chúng tôi đeo ba lô và xuất phát hướng tới Krong Kmar như kế hoạch và cũng nhờ người thân baap Châu (baap: bố, Châu: tên người con đầu; đây cách gọi thân mật của người K’ho, không bao giờ gọi tên thật của người đàn ông khi đã có con) chỉ con đường ngắn nhất để đến Krông Nô, ranh giới của hai tỉnh. Theo chỉ dẫn chúng tôi gặp lại dòng sông Krông Nô ngày hôm qua và hai ngày trước đó. Bình minh ở đây thật yên bình, những vườn cà phê robusta đang nặng trĩu quả vàng và đỏ.
Một mặt hồ hiện ra đầy thơ mộng làm Cil K’Huy bật lên “Sao chúng ta đi nhanh vậy, đã đến hồ Lak rồi?” K’Vâng cười đáp: “Không phải đâu, đây là hồ Nam Ka mà.” Hóa ra K’Huy lần đầu về đây nên nhầm lẫn.
9 giờ 20 phút, chúng tôi đến ngã ba Yang Reh và chạy tiếp 15km đến thị trấn Krông Kmar. Chúng tôi gặp anh bạn đồng nghiệp làm ở vườn quốc gia Chư Yang Sin là Xuân Sơn, vốn trước đây đã cùng nhau vài lần leo núi, off-road ở đỉnh núi Bidoup.
Chúng tôi tiếp tục cuộc chinh phục bằng xe máy. Quang cảnh thật đẹp, chúng tôi như cá gặp nước mát trong. Sau khoảng hơn một giờ chạy xe, chúng tôi bắt đầu cuộc đi bộ. Người nọ nối tiếp người kia trong cuộc đi lặng lẽ.
Ôi! Tôi ngạc nhiên và sung sướng khi trước mắt là những cây thông hai lá dẹt Pinus Kremfii hay còn gọi là cổ thực vật, những cây pơ mu, tên khoa học là Fokienna Hodginsii… sừng sững khắp nơi. Đây quả là vương quốc của loài này. Ở Bidoup, chúng tôi chỉ gặp vài cây là đã sung sướng lắm rồi.
Đúng 15 giờ, Cil K’Huy từ sau lưng tôi phóng nhanh về phía trước. Anh và K’Vâng là đối thủ ngang sức ngang tài của nhau trong cuộc chạy nước rút về đích. Rồi những người khuân vác cũng lục tục cõng hành lý, thực phẩm đến điểm cắm trại. Chúng tôi cùng nhau dọn dẹp và đốt lửa, dựng lều. Đêm lửa trại thật ấm cúng và gần gũi, chúng tôi được thưởng thức hạt dẻ nướng, cháo gà và những lời hát mang đậm chất Ê Đê của Y San Niê. Chúng tôi được say Giấc mơ Chapi năm nào của cố nghệ sĩ Y Moan nổi tiếng, niềm tự hào của quê hương bởi giọng hát của Y San Niê. Đêm đến, vài người tìm về lều, võng của mình. Còn chúng tôi và các bạn Ê Đê của mình ngồi bên đống lửa qua đêm theo cách truyền thống. Chúng tôi chọn mỗi người mỗi góc xung quanh lửa trại và ngủ lăn lóc.
Buổi sáng ở rừng già thật khoan khoái. Sau khi ăn sáng, chúng tôi bắt đầu cuộc chinh phục Chư Yang Sin. Như ngày đầu, K’Vâng quyết tâm đi trước và hết đường tuần tra rừng đang dang dở, anh phải dừng lại chờ đoàn vì sau đó không có đường mòn rõ ràng nữa, nhưng điều ấy càng khiến anh háo hức.
Trời ngập nắng khi chúng tôi đến rừng rêu tựa như ở Bidoup, nhưng sau độ cao hơn 2.200m, chúng tôi lạc vào rừng trúc trên đỉnh núi tuyệt đẹp.
Tôi theo sát chân Cil K’Huy và giúp anh lấy dao phạt dọn những búp trúc non đang nhô lên, vì nếu để trúc mọc sau gần một tháng lại che hết lối mòn và những người đi rừng sau sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Cuối cùng, chúng tôi vỡ òa vì sung sướng. Đỉnh Chư Yang Sin đã hiện ra với một tảng đá tròn đủ chỗ cho khoảng 5 - 6 người đứng để chụp ảnh. Tôi đếm được bảy chai thủy tinh có để lại tên của những nhóm chinh phục trước đó và hai lá cờ Việt Nam.
Cuộc chinh phục đã thành công tốt đẹp, chúng tôi ngồi lại và chia nhau những thực phẩm mình có trong ba lô - chúng tôi là một gia đình nhỏ.
Với K’Vâng và Cil K’Huy, cuộc chinh phục còn chưa bắt đầu, mà vẫn ở giai đoạn tìm hướng và lối để nối đỉnh Bidoup và Chư Yang Sin trong tương lai.
Chia tay các bạn đồng hành, chúng tôi xuống núi, lấy xe máy quay về Đạ Tông, tiếp tục tá túc tại đây và hi vọng tìm được người biết dẫn đường xuyên rừng và sông từ Bidoup đến Chư Yang Sin.
Khoảng 8 giờ tối chúng tôi lại theo đường sông Krong Nô và đến Đạ Tông, thả ba lô tại nơi hôm trước ngủ lại, chúng tôi đến suối nước nóng khi chỉ còn vài người dân địa phương đang tắm sau một ngày lao động mệt nhọc.
Sáng hôm sau, chia tay những người Đạ Tông thân quen, vẫn theo đường sông Krông Nô, chúng tôi đến Đưng Knớ khi đang mùa thu hoạch cà phê arabica, dọc đường được nhìn ngắm những cây hoa dã quỳ mọc ven sông lẻ loi nơi hoang dã. Ngắm rẫy với những chòi canh lửa của ngày thơ, K’Vâng nói ra suy nghĩ vẩn vơ của mình: Đồng bào phá mất nhiều rừng cây mà thu hoạch lúa rẫy không đủ ăn, dân tộc mình bị mang tiếng xấu vì phát nương làm rẫy… Nhưng nếu không làm vậy thì bà con lấy gì mà ăn… Hay là thế này: vẫn lô rẫy đó sau khi tuốt lúa rồi lại để hoang, sau đó lại trồng lúa rẫy tại cùng một nơi đó mà không phát thêm rừng vì sẽ giữ được rừng và giữ được giống lúa rẫy truyền thống.
Chuyến đi Bidoup - Chư Yang Sin thật đặc biệt trong những chuyến quay về quê cha của K’Vâng. Mặc dù chưa gặp được cha và những người thân bên ấy vì thời gian, và những ấp ủ dở dang. “Làm gì cho bà con mình không bị mang tiếng xấu phá rừng, làm sao có cuộc sống thoát nghèo, liệu du lịch - con đường đang đi có giải quyết được phần nào?”, anh suy tư. Còn Cil K’Huy, anh trầm ngâm hơn thường lệ. Mắt xa xăm dõi vào mây mù, sương núi. Chắc anh quặn lòng nhớ về chuyện buồn của cụ bà mình ngày trước…