ỞViệt Nam, không có nơi nào con ngựa thân thiết và quan trọng với con người như ở huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. Ở đó, có chợ ngựa rộn rã mỗi sáng chủ nhật hằng tuần. Ngựa gần gũi với người dân đến độ họ có câu cửa miệng: “Con ngựa cũng giống như con người.”
Độc đáo chợ ngựa
19 giờ 30 phút, yên vị trên ô tô giường nằm khởi hành từ bến xe Mỹ Đình (Hà Nội) đi bến xe Bắc Hà (Lào Cai), tôi nghe thấy rất nhiều du khách nước ngoài lẫn người Việt mình trò chuyện với nhau về chợ Bắc Hà. Họ cũng như tôi, đi chuyến xe xuyên đêm này để kịp sáng sớm mai, Chủ nhật, đi chơi chợ phiên.
Năm giờ sáng, tiếng nhạc ngựa leng keng, rộn rã kéo tôi ra khỏi phòng. Chợ Bắc Hà nằm ở trung tâm một thung lũng rộng thuộc thị trấn Bắc Hà, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. Ngựa đi thành đoàn dài, thồ, kéo hàng hóa, chở người xuống chợ. Móng ngựa gõ cộc cộc xuống mặt đường hòa với tiếng người bản địa líu lo làm nhộn nhịp cả không gian.
7 giờ 30 phút, anh Tráng Seo Ký, 47 tuổi, người H’mông, từ thôn Tẩn Chư, xã Tả Van Chư buộc con ngựa đực một tuổi hai tháng, màu nâu vào một thanh sắt ở hàng rào công viên bờ hồ thị trấn Bắc Hà, đoạn đối diện nhà văn hóa tổ dân phố Nậm Sắt 1. Từ nhà xuống chợ, đi xe máy chỉ hết 30 phút nhưng vì đi bộ dắt ngựa nên anh Ký mất đến hai giờ. Buộc ngựa xong, anh thảnh thơi đi dạo một vòng xem người, xem cảnh. Ngồi xuống chiếc ghế gỗ ở một cái quán, ăn bát phở, uống chén rượu, anh rít một điếu thuốc lào phả khói trắng cả râu cả tóc, cười khoan khoái. Các chủ ngựa lục tục đến, người ríu ran, ngựa hí vang, ngựa nhai cỏ rau ráu, ngựa thở pừ pừ, mài móng quèn quẹt…
Tám giờ, chợ bắt đầu nhộn nhịp. Hàng trăm người đổ dồn vào 100 con ngựa đủ kích cỡ, màu sắc.
Một ông khách tiến đến xem con ngựa của anh Ký. Đi một vòng ngắm nghía toàn thân con ngựa; sờ tay vào bờm, lông; vỗ vào lưng, mông, bụng; kéo chân ngựa, kéo mõm ngựa lên xem… sau năm phút săm soi, ông cất tiếng:
- Béo quá nhỉ! – Ông khách tìm cớ dìm hàng.
- Mùa này (là) mùa cỏ non mà ngựa không béo thì chỉ có tại thằng người thôi. – Anh Ký đáp. Rồi anh tâng tiu con ngựa của mình:
- Một tuổi hai, chín mươi cân, 18 triệu. Trả bao nhiêu?
- 14 triệu thôi.
- Ô, không được đâu. 17 triệu.
- 14 thôi.
- Ây dà. 16.
Người mua lắc đầu. Anh Ký xuống giá:
- 15.
Người mua định bỏ đi. Anh Ký liền ôm vai kéo lại rồi cười nói: “Giảm 500. Bắt tay!” Anh Ký chìa tay ra, người kia giơ tay bắt rồi thò tay vào túi rút cọc tiền. Hai người ngồi xổm ngay xuống cạnh chỗ buộc ngựa cởi dây chun buộc, đếm tiền. Giao đủ 14.500.000 đồng, ông khách móc túi lấy điện thoại di dộng bấm máy gọi: “Bảo mẹ dọn cái chuồng ngựa cho bố nhé!”.
8 giờ 30 phút, bán xong ngựa, đút cẩn thận cọc tiền vào túi, anh Ký hỉ hả đi chơi chợ.
Nhìn đám ngựa Bắc Hà, bất giác tôi nhớ ngay đến hai con ngựa quý trong truyện Tam quốc diễn nghĩa (La Quán Trung). Một con là ngựa Xích Thố, ngày đi ngàn dặm, lội nước trèo núi băng băng, toàn thân một màu đỏ như lửa, tuyệt không có cái lông tạp nào, từ đầu đến đuôi dài một trượng, từ móng lên trán cao tám thước, lúc miệng gầm chân cất, có cái vẻ tung mây vượt bể. Xích Thố gắn với cả cuộc đời chinh chiến kiêu hùng, nhân nghĩa của Quan Vân Trường. Còn ngựa Đích Lư thì trông rất khỏe mạnh, cưỡi tốt lắm, hiềm nỗi dưới mắt có “chỗ trũng chứa nước mắt”, cạnh trán lại có điểm trắng. Khoái Việt xem tướng ngựa bảo dùng nó thì hại chủ. Nhưng chính nó sau đó lại nhún mình nhảy vọt cao ba trượng sang phía bờ tây Đàn Khê giúp Lưu Huyền Đức như vừa bay bổng lên mây mà thoát nạn Sái Mạo truy sát.
Chợ ngựa dài chừng 500m, đâu đâu cũng vang lên những lời bình phẩm:
- Ngực nở, con này thồ thì số một rồi. Nó ăn tốt nên béo. Nhưng chỉ sợ nó không biết đẻ.
Nghe thế, người chủ ngựa lập tức phản bác:
- Ô, đẻ chứ, ở nhà có con cái của nó mà.
Rời con ngựa cái màu nâu, tám tuổi được phát giá 25 triệu ấy, tôi lại vui chân sang đám khác. Trước một con “Bạch mã mao như tuyết/ Tứ túc cương như thiết” được phát giá 18 triệu đồng, người mua ướm hỏi:
- Con này mang đi đua được không?
- Năm ngoái đua Bắc Hà mà. – Người chủ ngựa trả lời.
- Già lắm rồi nhỉ?
- Chưa thay răng đâu.1
1 Ngựa được ba tuổi bắt đầu thay răng.
Tôi lại sà sang một đám khác. Thấy tôi chăm chú xem ngựa, ông chủ mời chào:
- Mua con bé không?
- Mấy tuổi rồi? – Tôi hỏi.
- Chưa được một tuổi.
- Bao nhiêu?
- 12 triệu.
- Nó nhát quá nhỉ!
- Toàn để ở chuồng, có mang ra ngoài đâu. Anh thử mang ra ngoài hai ngày xem.
Tôi cười, cảm ơn rồi đến phía đám ồn ã nhất chợ. Một ông trung niên đang tay trái ngửa gan bàn chân con ngựa đen lên, tay phải vừa nắm vừa đấm đấm bịch bịch vào đó. Con ngựa không kêu, không lồng. Tôi hỏi người phụ nữ đứng bên cạnh xem hành động đấy để làm gì. Chị Vàng Thị Tiền, 30 tuổi, người H’mông ở thôn Na Áng A, xã Na Hối, giải thích: “Sợ chân nó đau đấy. Người cũng phải xem chân, ngựa cũng phải xem chân.” Chị Tiền xuống chợ mua ngựa về thồ, xuống từ 8 giờ mà đến hơn 9 giờ vẫn chưa mua được con nào. Xong màn thử chân, người đàn ông kia liền lấy tay phải bóp mũi con ngựa một lúc rồi thả ra, theo chị Tiền, làm thế để xem con ngựa thở có đều không. Tiếp đó, anh ta tháo dây cương ngựa đang buộc ở thân cây muồng hoàng yến, dắt ra đường, nhảy phắt lên lưng ngựa, giật dây cương. Ngựa tung vó phi nước đại về phía cuối chợ. Chừng mười phút sau, anh lỏng dây cương cho ngựa đi nước kiệu quay về chỗ cũ. Vậy là màn cưỡi ngựa phi để xem bước chạy, dáng chạy, tai, mắt, hơi thở của nó đã kết thúc. Ưng ý nên anh buộc ngựa về chỗ cũ rồi mặc cả:
- Giảm 200 nhé.
- Giảm 100 thôi. – Người chủ ngựa kiên quyết.
Vậy là sau đến 30 phút, cuộc mua bán mới xong. Người bán, người mua ngồi xuống đếm tiền. Người mua khó tính đó là anh Tráng Seo Ly, 55 tuổi, người H’mông, ở thôn Tả Van Chư, xã Tả Van Chư. Anh đã “mua được hai con cái: con bốn tuổi, 20 triệu; con bẩy tuổi, 21 triệu; mua về để thồ” . (Con ngựa bốn tuổi là con anh xem xét, thử rất kỹ mà tôi vừa kể. 100.000 đồng được người bán giảm giá, coi như để lấy may, nên anh Ly vẫn nói giá mua ngựa là 20 triệu.)
Chợ ngựa náo nhiệt đến tầm 11 giờ 45 phút. Người hỉ hả vì mua được những con ngựa béo tốt, khỏe; người dắt ngựa xuống mà “không có ai mua thì mang về nuôi”. Đói, mệt, tất cả đều buộc ngựa vào bóng râm rồi rủ nhau “đi uống rượu”.
Dãy hàng ăn dài chừng 500m chia làm ba khu, bán thắng cố ngựa, thắng cố dê, thịt lợn luộc, lòng lợn luộc, phở, bánh đúc ngô, cơm, mèn mén… cũng là một trong những nơi vui nhất chợ Bắc Hà. Cả một tuần lao động vất vả, Chủ nhật xuống chợ là dịp để người ta nghỉ ngơi, vui chơi, gặp gỡ bạn bè. Cảnh cả gia đình bố mẹ, con cái mua bán xong dẫn nhau vào một hàng thắng cố, cùng ăn uống, nói chuyện, cười đùa vui vẻ thật ấm lòng. Thấy tôi đứng ngắm nghía nồi thắng cố ngựa, bà chủ quán mời chào: “Vào ăn thắng cố đi anh!”; mấy người đàn ông ngồi ở cái bàn gần đó thì giơ tay vẫy tôi: “Ơi, vào uống rượu!” Tôi cười thích chí vào ngồi cùng bàn, gọi một bát thắng cố ngựa, một bát óc đậu với chai rượu ngô Bản Phố góp vui. Anh Thiêm, người H’mông ở thôn Sín Chải, xã Na Hối xuống “đi chơi chợ thôi mà” từ bảy giờ. Đi khắp chợ chơi mỏi chân, anh rủ bốn người bạn vào quán uống rượu. Nghe anh nói chuyện điện thoại với bạn, tôi biết tính anh xởi lởi, vui vẻ. Anh trả lời người đầu bên kia rủ đi đâu đó là “Đi phải vui vui đấy, không vui mình không đi đâu”. Mấy người bạn của anh cũng vậy, họ thoải mái hút thuốc lào, uống rượu, ăn thắng cố, nói chuyện ồn ào, cười đùa huyên náo. Anh Thiêm hỏi tôi “Lên Bắc Hà ăn thịt ngựa thấy thế nào?” Khi thấy tôi trả lời rằng ngon, anh bồi tiếp: “Da giòn, thịt béo, mềm. Tây ăn cũng thích mà”. Người bạn của anh thì cười bảo tôi: “Lên đây mà không uống rượu, không hút thuốc lào thì không làm việc được đâu.” Ngồi khề khà uống rượu, ăn thắng cố, tôi nghe được biết bao tâm sự thú vị của những thực khách trong quán “Sơn Phượng-chuyên thắng cố” ấy. Người bảo: “Tuần nào không đi chợ xem ngựa, uống rượu là tuần ấy không chịu được”. Người triết lý: “Bao giờ con người hết thì con ngựa mới hết”. Góc kia, có cặp đôi đang tán tỉnh nhau. Cô gái trách: “Cây mận của anh không tốt rồi”. Thoáng chút bối rối, chàng trai cười hiền đáp: “Ô, bỏ phân vào thì tốt thôi”. Cứ thế, tiếng người í ới rủ nhau vào uống rượu, tiếng khách gọi thức ăn, tiếng chủ quán trả lời. Người rủ rỉ tâm sự; người say rượu ngồi gà gật cười hiền hiền; người say thì mắt vằn, mặt đỏ nói oang oang nhưng tuyệt nhiên không gây gổ đánh nhau, không làm mất hòa khí. Chỉ có vui vẻ và thân thiện. Ngoài trời, nắng chang chang, có người say, đi ngật ngưỡng chân nam đá chân chiêu; có người say quá, ngồi gục đầu vào đầu gối ngủ, người gục vào cái gùi; người nằm lên yên xe máy; thậm chí có anh nằm lăn ra đất ngủ. Ai nỡ trách người say!
14 giờ 20 phút, chị Phượng chủ quán cười bảo đã “cháy thịt”. Chị dọn hàng từ sáu giờ, nấu hai chảo thắng cố ngựa, 50kg thịt, mà sạch nhẵn. Cả trăm lít rượu và dăm két bia nữa cũng bay. Những niềm vui, nỗi buồn của cả trăm người H’mông, Tày, Nùng, Dao, Giáy… đến quán cũng nhờ thế mà bay theo hơi rượu, mùi thức ăn. Mỗi tuần có một lần họ thanh tẩy tâm hồn. Chợ vì thế mà không thể thiếu được trong đời sống của người miền núi.
Ông Lý Bình Minh, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân huyện Bắc Hà, cho biết: Toàn huyện Bắc Hà hiện có 4.253 con ngựa, là địa phương nuôi nhiều ngựa nhất của tỉnh Lào Cai. Người Bắc Hà có truyền thống nuôi ngựa từ lâu đời. Chợ buôn bán đại gia súc như ngựa, trâu, bò tại trung tâm thị trấn Bắc Hà và một số xã trong huyện được hình thành, phát triển với quy mô lớn, tạo thuận lợi cho việc tiêu thụ gia súc trên địa bàn. Trung bình mỗi năm, Bắc Hà cung cấp cho thị trường từ 1.000 con đến 2.000 con trâu, bò, ngựa.
Chủ nhật hằng tuần, không kể trời nắng hay mưa, người dân từ các bản làng của 21 xã, thị trấn lại lũ lượt chảy từng đoàn về thung lũng Bắc Hà để họp chợ, buôn bán, vui chơi.
Chợ cũng thu hút đông đảo người buôn bán ngựa trong vùng và từ cả các tỉnh, thành phố xa xôi như Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang… Có người đến chợ chọn mua ngựa về nuôi, người mua ngựa để buôn bán kiếm lời. Nhưng cũng có người đến đổi ngựa lấy ngựa. Ấy là khi người chủ ngựa không muốn nuôi con ngựa của mình nữa, họ dắt ngựa lên chợ tìm lấy một con ngựa phù hợp để trao đổi. Khi hai người chủ ngựa đồng ý, cuộc trao đổi diễn ra ngay ở chợ. Con ngựa nào tốt hơn, giá cao hơn thì người chủ ngựa kia sẽ các thêm tiền.
Chợ ngựa rất sôi động. Mỗi phiên chợ có trung bình hơn 100 con ngựa được dắt đến trao đổi, mua bán. Đàn ông H’mông, Tày, Nùng, Dao, Giáy, Phù Lá, La Chí, Kinh, Hoa… xúm quanh những con ngựa xem xét, bình phẩm. Ai chấm con nào cứ việc nhảy lên lưng ngựa cưỡi chạy một đoạn. Ưng thì về mặc cả rồi ngã giá. Được giá thì bán, không thì đôi bên cùng cười vui vẻ.
Những dụng cụ phục vụ cho ngựa như yên ngựa, dây chằng, lồng đầu ngựa, móng ngựa, dao thái cỏ ngựa, chuông đeo cổ ngựa… cũng được buôn bán tập trung ở một khu. Chợ cũng có những người chuyên nghề đóng móng ngựa. Và xong chuyện bán mua, người ta lại quay quần bên chảo thắng cố ngựa nghi ngút khói. Thịt ngựa mềm, ngọt, thơm, nhấp với rượu ngô Bản Phố thơm lừng để hàn huyên sau một tuần lao động vất vả thì không gì tuyệt bằng.
Tầm 15 giờ, chợ tan. Hình ảnh người phụ nữ H’mông dắt ngựa hoặc bước theo chân ngựa về nhà với người chồng say rượu ngồi ngật ngưỡng hoặc nằm vắt ngang lưng ngựa vẫn còn in đậm trong tâm trí tôi. Thật không gì đậm chất H’mông, chất Tây Bắc hơn thế!
Chợ Bắc Hà cũng là một sản phẩm du lịch độc đáo đối với du khách trong và ngoài nước. Năm 2017, huyện Bắc Hà đón khoảng 301.000 lượt khách du lịch, doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 190 tỉ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2018 khách du lịch tới tham quan, nghỉ dưỡng trên địa bàn đạt 278.000 lượt người, doanh thu dịch vụ du lịch đạt trên 222 tỉ đồng, tăng 32 tỉ đồng so với năm 2016. Khách du lịch đã đến Bắc Hà là không thể không đi chơi chợ phiên.
Con ngựa cũng như con người
Bắc Hà có tổng diện tích đất tự nhiên là 68.176,40 ha, dân số 68.000 người gồm 14 dân tộc, trong đó dân tộc H’mông chiếm hơn 47% dân số trong toàn huyện. Các dân tộc còn lại là Kinh, Dao Tuyển, Tày, Nùng, Phù Lá, Hoa... Bắc Hà có khí hậu nhiệt đới, ba vùng địa hình với kiểu khí hậu khác nhau. Vùng thấp từ 116m đến 600m so với mực nước biển, nhiệt độ trung bình từ 28 độ C đến 32 độ C, gồm tám xã: Bảo Nhai, Nậm Lúc, Cốc Ly, Cốc Lầu, Bản Cái, Nậm Khánh, Nậm Đét, Bản Liền. Vùng trung, từ 600m đến 1.000m so với mực nước biển, nhiệt độ trung bình từ 25 độ C đến 28 độ C, gồm bảy xã: Lầu Thí Ngài, Thải Giàng Phố, Na Hối, Tà Chải, Bản Phố, Nậm Mòn, thị trấn Bắc Hà. Vùng cao, từ 1.000m đến 1.800m so với mực nước biển, nhiệt độ bình quân từ 18 độ C đến 22 độ C, gồm sáu xã: Lùng Phìn, Lùng Cải, Bản Già, Tả Củ Tỷ, Hoàng Thu Phố, Tả Van Chư. Nhiệt độ trung bình hằng năm của Bắc Hà là 18,7 độ C, cao nhất là 32 độ C, thấp nhất là 1 độ C, cá biệt có năm xuống đến âm 2 độ C. Độ dốc trung bình từ 24 độ đến 28 độ trở lên, độ ẩm không khí là 75%. Địa hình, khí hậu đặc thù ấy rất phù hợp với việc nuôi ngựa, loài động vật khỏe, khôn, làm được nhiều việc.
Đối với người dân tộc ở các xã vùng cao, đa số là sống ở các bản, làng trên các sườn núi, cuộc sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông-lâm nghiệp, việc đi lại của họ dựa nhiều vào ngựa. Ngựa là con vật gần gũi và có vai trò rất quan trọng trong cuộc sống hằng ngày của họ.
Con ngựa tiếng H’mông gọi là tu nểnh. Ngựa là tài sản quý, có giá trị cao trong gia đình nên chọn mua ngựa là một việc hệ trọng.
Anh Tráng Seo Ly, 55 tuổi, người H’mông, ở thôn Tả Van Chư, xã Tả Van Chư, đúc kết: “Con ngựa cũng giống như con người, phải ăn làm, làm ăn thì mới khỏe và có ích; chỉ ăn ngủ, ăn chơi thì vừa nhàm chán vừa mang bệnh.”
Con ngựa gắn bó thân thuộc với người Bắc Hà như thế nên họ có rất nhiều tri thức dân gian độc đáo về việc chọn ngựa, nuôi ngựa. Chọn ngựa, trước hết phải nhìn tổng quan thân hình rồi mới xem xét đến từng chi tiết. Ngựa có thân hình béo khỏe, lông mượt, mình dài, bốn chân to khỏe, ngực vạm vỡ, khuôn mặt cân đối… là yêu cầu bắt buộc. Ngựa sung sức nhất là trong thời kì sáu tuổi đến tám tuổi, những con ngựa ở độ tuổi này luôn được bán với giá cao nhất. Muốn biết tuổi ngựa thì nhìn răng. Ngựa được ba tuổi bắt đầu thay răng, răng ngựa thay hai đôi một và đến sáu tuổi, việc thay răng hoàn tất. Răng sữa của ngựa có màu trắng, răng thay xong có màu hơi ngả vàng, to hơn răng sữa. Nếu “cái răng cái tóc là góc con người” thì ngựa cũng thế. Ông Mã Seo Sử, 56 tuổi, người H’mông ở thôn Bản Phố 2B, xã Bản Phố, cho biết: Hàm răng ngựa đẹp là phải đều, ngắn, bề mặt bằng phẳng, nhỏ, chắc. Hàm răng như thế thì ngựa vừa ăn tốt vừa có tính thẩm mĩ. Mỗi con ngựa có từ sáu răng đến bảy răng trên một hàm, nhưng những con sáu răng một hàm là đẹp nhất. Tai ngựa phải dựng đứng, cử động linh hoạt hướng đến nơi phát ra âm thanh. Tai ngựa như thế vừa giúp nó nghe tốt vừa nhìn dũng mãnh. Khi ngựa phi, hai tai hướng về phía trước để phát hiện chướng ngại vật. Chúng có thể phát hiện chướng ngại vật cách xa hàng chục mét. Khi ấy, chúng dừng lại, đôi tai hướng ra phía sau và nhảy lên hí vang báo cho chủ biết. Nếu tai không thính, chúng sẽ không dám phi nhanh. Mắt ngựa đẹp là to, tròn, trong, con ngươi đồng nhất một màu. Con ngựa có mắt hơi lồi là biểu hiện tính cách nhanh nhẹn, linh hoạt. Tuyệt đối tránh những con ngựa có khoáy ở mí mắt vì đó là tướng phản chủ. Ngựa có lông mi dài là tính cách hung dữ và hay phản chủ. Người ta phải nhổ hết lông mi cũ nếu muốn thuần dưỡng những con ngựa này. Lông mi mới sẽ ngắn hơn nên tính nó cũng thuần hơn. Trán ngựa phải bằng. Sống mũi ngựa phải thẳng, không gồ ghề. Tóc mai ngựa dày và dài là đẹp vì chúng giúp ngựa không bị hoa mắt khi trời nắng, ít giật mình và trông còn đẹp mắt nữa. Nhưng việc chọn ngựa quan trọng nhất là phải nhìn khoáy. Đây chính là thứ biểu hiện tính cách của ngựa. Khoáy phải nằm ở giữa trán và cao hơn mắt. Con ngựa nào có khoáy thấp hơn mắt thường khó bảo. Ngoài ra, nếu trên lưng ngựa, phía cuối bờm có khoáy chiếu thẳng vào mặt người cưỡi cũng là đại kị, vì đó là biểu hiện của tướng phản chủ, ngựa có khoáy này cũng thường đi lung tung và hay bị ngã. Lưng ngựa phải thẳng và ngắn. Những con lưng võng trông xấu mà thồ, cưỡi rất kém. Chân ngựa phải thẳng, không choãi ra ngoài, dáng đi phải ngay ngắn, không đánh võng. Các khớp chân ngắn chứng tỏ ngựa có đôi chân chắc khỏe. Khi đi, chân sau ngựa phải gần chạm bước chân trước. Móng ngựa phải tròn và thẳng đứng, móng choãi thì ngựa yếu và đi chậm. Khi đóng móng cho ngựa, người ta phải gọt bớt phần móng phía trước để tạo cho móng dáng tròn. Móng tròn và thẳng đứng thì ngựa đi không bị vấp, leo dốc tốt. Tục ngữ H’mông có câu “Ngựa gầy lông dài/ Người nghèo kém thế” bởi bộ lông là biểu hiện sức khỏe của con ngựa. Ngựa béo tốt, mạnh khỏe thì có bộ lông bóng, mượt, sờ vào mềm như tơ, lông chỉ một màu, đều từ đầu tới chân. Ngựa có bộ lông ngắn, mượt mới là ngựa béo, khỏe. Ngựa ở Bắc Hà thường có màu lông đỏ, đen, vàng, trắng, xám, đốm. Bờm ngựa càng dày, dài và dựng bao nhiêu thì càng đẹp bấy nhiêu. Đuôi ngựa đẹp phải buông dài qua khuỷu chân sau, cụm lông cuối của đuôi phải nhọn. Bụng ngựa phải thon, gọn, không phình hai bên, không phệ phía sau. Mông ngựa phải mẩy, to.
Chọn bằng mắt, bằng tay xong rồi, người ta nắm lấy yên cương ngựa, nhảy phắt lên lưng ngựa, giật dây cương cho ngựa chạy chừng một đến hai ki-lô-mét để kiểm tra sức khỏe. Nếu chạy xong, ngựa vẫn thở đều thì chứng tỏ nó có sức khỏe tốt. Ông Mã Seo Sử là người buôn ngựa lâu năm. Theo ông, sau khi cưỡi thử, con ngựa thở dốc, nhịp thở không đều thì có thể nó bị mắc bệnh phổi hoặc đường hô hấp. Những con bị bệnh phổi thường thở khò khè, thồ hàng yếu và không kéo xe được, thậm chí nó có thể chết đột ngột khi đang thồ hàng. Muốn chữa bệnh phổi của ngựa, người H’mông lấy cây chứ xá và quả ớt, hai thứ này phơi khô, đốt xua khói vào mồm, mũi ngựa cho đến khi chúng ho, làm nhiều lần cho đến khi nào ngựa khỏe thì thôi. Bệnh phổi là căn bệnh thường gặp ở ngựa và rất khó chữa khỏi. Thế nên khi đi chọn mua ngựa, người ta tránh ngay những con có biểu hiện này. Ngoài bệnh phổi, ngựa còn hay mắc các bệnh: sặc nước, đau bụng – chướng bụng; cảm, tức khí, nhiệt miệng. Người dân ở đây có kinh nghiệm lấy những loại thảo dược bản địa để chữa bệnh cho ngựa rất hiệu nghiệm.
Con ngựa luôn đi theo sát bên cạnh chủ là giống nhanh nhẹn, hoạt bát, thuần tính. Cưỡi thử ngựa cũng là để xem tính cách của chúng. Con ngựa có tính cách hung dữ có thể hất ngã người cưỡi, thậm chí có thể cắn người.
Ngựa nào chủ ấy. Muốn có ngựa tốt, người chủ phải kì công chăm sóc, dạy dỗ. Mười lăm ngày tuổi, ngựa con đã có thể ăn cỏ và được thả đi chăn cùng mẹ. Lúc này người chủ bắt đầu gần gũi, vuốt ve ngựa con để chúng làm quen với người. Ngựa được một tuổi thì người chủ buộc lồng vào đầu chúng để điều khiển. Một tuổi rưỡi ngựa bắt đầu được đóng yên để tập thồ. Thồ từ cái yên không, dần lên 15kg, 20kg… Phải mất từ một đến ba tháng sau ngựa mới thồ thành thạo. Tập cưỡi cũng vậy, đầu tiên cho trẻ con ngồi lên yên, người lớn đi bên cạnh dắt ngựa. Dần dần, người đàn ông nhảy lên lưng ngựa, thong dong đi nước kiệu trên đường bằng, rồi leo dốc thấp, trèo dốc cao, phi nước đại. Ông Mã Seo Sáng, 65 tuổi, ở thôn Bản Phố 2B, xã Bản Phố, cho biết: “Khi dạy ngựa, người phải giữ thiện cảm với nó, phải tùy theo tính cách của nó mà uốn nắn, làm từ nhỏ đến lớn, từ nhẹ đến nặng. Ngựa cũng như người mà.”
Thức ăn của ngựa là cỏ voi, lá ngô, rơm… thái nhỏ, và ngô, lúa, cám gạo, đậu tương. Đặc biệt, ở Bắc Hà, ngựa còn được ăn một món ăn – bài thuốc độc đáo là bã rượu ngô (hạt ngô còn nguyên sau khi nấu rượu). Bã rượu (có thể trộn với cỏ) giúp ngựa không chỉ béo mà còn chống được rét, cảm lạnh.
Ông Lý Lao Vu, người H’mông, ở thôn Hán Dù, xã Bản Phố, nổi tiếng khắp vùng không chỉ vì nuôi ngựa giỏi mà còn chữa bệnh cho ngựa rất tài. Ông cho biết: Ngựa là loài có sức khỏe dẻo dai, ít bị ốm, dễ cho ăn hơn trâu, bò. Tùy hoàn cảnh từng nhà và đặc điểm lao động mà ngựa có chế độ ăn khác nhau. Những nhà dân nuôi để thồ hàng bình thường thì cỏ là thức ăn chính. Nhà nào nuôi để kéo xe, thồ nặng thì phải cho ngựa ăn thêm nhiều đậu tương, ngô hạt. Còn luyện ngựa để đua thì cần cho ăn điều độ để nó không béo quá và cần cho ăn thêm nhiều đậu tương hơn bình thường. Ông Vu cho biết, ngựa ở vùng cao Bắc Hà thời tiết lạnh nên dễ mắc bệnh phổi, sổ mũi, đau bụng, đầy hơi. Tùy từng bệnh mà có loại thuốc riêng, đa số người dân ở đây chữa bệnh cho ngựa bằng các bài thuốc dân gian gia truyền. Rồi ông đưa chúng tôi ra vườn cây thuốc trước cửa, chỉ vào từng cây thuốc giới thiệu: Đây là cây púng mạ (trông giống cây xương xông tàu, mùi thơm hơi hắc) chữa bệnh đầy hơi và giúp vết thương mau lành. Nếu ngựa bị đau bụng, đầy hơi thì lấy cây nấu nước cho uống là khỏi ngay, hoặc khi ngựa bị thương chỉ cần lấy lá vò kỹ xát lên vết thương là được. Chữa bệnh đau bụng, chướng bụng của ngựa thì lấy cây chớ xá, tháo cố, hao trò, năng chờ có đem về dùng dao đập dập rồi nấu nước cho ngựa uống. Nếu ngựa mắc bệnh viêm phổi, sổ mũi thì lấy thảo quả khô nghiền nhỏ pha với nước rồi cho ngựa uống 3 – 4 lần là khỏi. Còn nếu muốn chống cảm lạnh và chống rét cho ngựa trong mùa đông tháng giá, cần cho chúng ăn thêm bã rượu ngô (ngô sau khi lên men đem nấu lấy rượu còn lại bã nguyên hạt). Khi ngựa đực bị bệnh tức khí (do không được đáp ứng nhu cầu phối giống) thì cách chữa rất đơn giản, chỉ cần cắt một ít móng của con ngựa cái đốt thành than hòa với nước cho uống. Khi thấy ngựa trở lại bình thường là ngựa đã khỏe. Muốn ngựa có sức khỏe, phải cho ngựa luyện chạy thường xuyên, nhưng cần tránh chạy ở đường đá để chúng không bị vỡ móng, mòn móng…
Người Bắc Hà khi mới sinh ra đã nhìn thấy con ngựa ở tàu ngựa bên nhà. Vài ba tuổi, trẻ em phải đi cắt cỏ ngựa, chăn ngựa, lớn lên thì cưỡi ngựa, đóng ngựa thồ, đóng ách cày ngựa, xuống chợ mỗi tuần xem ngựa, mua bán ngựa, ăn thắng cố ngựa, chết đi thì cái cáng khiêng xác chính là biểu tượng ngựa, rồi ngựa thần dẫn đường cho hồn về với tổ tiên… Con ngựa gắn bó thân thuộc với người Bắc Hà, người H’mông trọn vẹn một vòng đời.
***
Người H’mông có hơn 30 họ, trong đó có sáu họ lấy tên các loài vật như: Sùng (gấu), Hầu (khỉ), Lồ (lừa), Giàng (dê), Lùng (rồng) và Má (ngựa). Làng của người H’mông gọi là giao gồm một số nóc nhà sống tập trung tại một khu. Tên làng bắt nguồn từ nhiều yếu tố. Có tên làng được đặt theo tên của dòng họ, có làng được gọi tên theo đặc điểm của địa phương, đặc biệt, ở huyện Bắc Hà, có một số địa danh được đặt theo tên ngựa như: Si Ma Cai (chợ ngựa mới), Mã Tuyển (suối ngựa), Má Tả Phình (bãi ngựa bằng)…
Con ngựa ở vùng núi Bắc Hà có chiều cao khá khiêm tốn, chỉ từ 1,2m đến 1,5m, chiều dài thân ngựa tính từ vai trước đến khấu đuôi vào từ 1,2m đến 1,3m, trọng lượng trung bình từ 1,3 tạ đến 1,7 tạ. Người ta nuôi ngựa lấy phân bón và để thồ hàng, cưỡi. Ủy ban Nhân dân huyện Bắc Hà đang triển khai đề tài khoa học Nghiên cứu, lựa chọn và lai tạo với ngựa đực lai 50% máu Cabadin để cải tạo giống ngựa Bắc Hà.
Từ năm 2006, cứ vào tháng 6 hằng năm, Ủy ban Nhân dân huyện Bắc Hà lại tổ chức giải đua ngựa Bắc Hà – Vó Ngựa cao nguyên trắng. Giải đua ngựa truyền thống đã có gần 100 năm tuổi được phục hồi là nét văn hóa độc đáo vì những con ngựa đua là những con ngựa hằng ngày vẫn cùng người dân lao động sản xuất chứ không phải ngựa đua chuyên nghiệp. Các nài bốc thăm chia cặp đua vòng quanh sân vận động huyện Bắc Hà với cự li 1.900m; vòng loại chọn ra người - ngựa thắng vào đua vòng trong (tứ kết, bán kết); bốn nài thắng bán kết vào đua chung kết tính giờ. Đặc biệt, đua ngựa ở Bắc Hà là “đua mộc”. Các nài cưỡi trên lưng ngựa không có yên cương, không bàn đạp giữ chân mà chỉ có đai buộc ngựa, hai móc sắt buộc vào dây hai bên hàm để điều khiển. Nài không cầm roi quất ngựa khi tăng tốc mà hai tay phải cầm dây cương vừa điều khiển vừa giữ thăng bằng, hai chân kẹp chặt vào bụng ngựa. Nhìn nài ngựa cúi rạp mình trên lưng những con tuấn mã đang phi nước đại mới thấy cái khó và sự dũng cảm của những kị sĩ trên đường đua. Theo kinh nghiệm của các nài ngựa, phải ngồi vững trên lưng mới có thể điều khiển ngựa khi chạy, lúc vào cua thì kéo cương và hãm tốc độ lại để tránh bị ngã, khi đường thẳng thì thả cương và thúc ngựa chạy hết tốc lực.
Vì là con vật thân thiết với đời sống của người dân H’mông nên ngựa cũng xuất hiện nhiều trong tục ngữ, thành ngữ, ca dao. Ví như:
- Ngựa gầy lông dài
Người gầy kém thế.
- Run như ngựa gặp hổ
- Phi ngựa dễ coi
Ngã ngựa khó nhìn.
- Giàu không nuôi vịt,
Nghèo không nuôi ngựa.
- Người nghèo chớ nuôi chim,
Người lười chớ nuôi ngựa.
Hình ảnh ngựa thồ cũng được sử dụng để nói về nỗi khổ của người con dâu trong xã hội trước kia. Họ hát than thân:
Em ơi! Chị theo em than thở đôi lời
(…)
Trời ơi! Thân chị như thân con ngựa thồ không biết hạ gánh
Chị phải trốn tháo thân vì vất vả mà không được
Thân chị như thân con ngựa thồ không biết hạ đồ
Chị phải chạy tháo thân vì cực nhục mà không được nghỉ
(…)
Hình ảnh con ngựa còn xuất hiện trong đám tang của người H’mông. Ngựa giúp đưa người chết tìm đường về với tổ tiên. Trong đám tang, cáng người chết chính là biểu tượng ngựa. Cáng từ tre trúc được làm thành ma ngựa (nênhl đangz). Trong số những bài tang ca mà các thầy cúng dùng để cúng cho người chết có nguyên một bài nói về việc lấy tre làm ma ngựa, diễn giải quá trình xuất hiện và những chặng đường gian nan để lấy được giống tre hiếm này. Bài tang ca có tên là Tre làm ma ngựa. Trong bài có những câu như:
(…)
Còn lại một cây này, nay mình chết rồi
Tôi sai người chặt về,
Đoạn ngọn chặt vứt đi
Đoạn gốc chặt bỏ lại
Còn đoạn giữa đem về làm cho mình con ma ngựa mây gió
Đưa luôn thể xác và hồn ma mình phi nước đại đi về cõi ma
Hỡi người chết đi trên nhung lụa ơi!
Trong bài cúng chỉ đường Khúa kê, hình ảnh ngựa lại xuất hiện khi thầy cúng dặn dò hồn người chết đừng làm kiếp trâu phải cày ruộng, đừng làm kiếp ngựa phải thồ người:
(…)
Ta bảo cho mình con đường đầu thai kiếp khác
Ở thế giới bên này
Có chín mươi giống vật
Có tám mươi loài thú
Mình muốn làm kiếp trâu, mình phải cày ruộng
Mình muốn làm kiếp ngựa, mình phải thồ người
…
Trong lễ cúng chữa bệnh của saman giáo, chiếc ghế thầy cúng ngồi cũng chính là biểu tượng ngựa. Cũng chính thần ngựa đưa linh hồn thầy cúng sang thế giới bên kia đi tìm hồn và giải cứu hồn người chết trải qua rất nhiều cửa ải…
Có thể nói, không có con vật nào thay thế được con ngựa trong đời sống hàng ngày cũng như đời sống tinh thần của người H’mông.
(Vũ Thị Trang, Con ngựa trong văn hóa người H’mông – Bắc Hà – Lào Cai, NXB Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2014)