Ruộng bậc thang không chỉ dừng lại ở vẻ đẹp cảnh quan mà còn là nguồn lợi kinh tế, góp phần sáng tạo văn hóa, định canh, định cư và bảo vệ môi trường… Canh tác ruộng bậc thang là việc sáng tạo văn hóa của nhiều tộc người ở vùng cao, trong đó có người H’mông, người Dao ở huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Hiện nay, gần 100% ruộng lúa ở Sa Pa là ruộng bậc thang. Thế nên nói không ngoa, đây chính là xứ sở của ruộng bậc thang.
Tạp chí Travel and Leisure (Mỹ), số ra tháng 6/2009, công bố bảy thửa ruộng bậc thang đẹp, kỳ vỹ nhất châu Á và thế giới do bạn đọc của tạp chí này bình chọn, trong đó có ruộng bậc thang ở Sa Pa của tỉnh Lào Cai.
Giới thiệu về ruộng bậc thang và vùng du lịch Sa Pa nổi tiếng của Việt Nam, Travel and Leisure viết: “Với cảnh quan tuyệt vời trông giống như chiếc thang leo lên bầu trời của những thửa ruộng bậc thang, Sa Pa đã trở thành một trong những điểm thu hút du khách của Việt Nam. Du khách tham gia hành trình bằng xe lửa từ Hà Nội lên Lào Cai rồi đi ô tô lên thăm khu du lịch Sa Pa, sau đó tham quan những đồng lúa vào mùa và chiêm ngưỡng những cô gái H’mông, Dao… với trang phục đầy màu sắc hiếu khách.”
Ruộng bậc thang
Người H’mông và người Dao ở huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai thường định cư ở những vùng đồi núi có độ cao từ 1.500m so với mực nước biển trở lên.
Đối với quy mô toàn huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai, ruộng lúa có diện tích 2.328,96 ha, chiếm 43,58% tổng số đất nông nghiệp (5.343,37 ha), góp phần bảo đảm an ninh lương thực cho 45.259 người (số liệu của Phòng Thống kê huyện Sa Pa, năm 2006).
Hiện nay, gần 100% ruộng lúa ở Sa Pa là ruộng bậc thang. Lúa gạo đối với người dân miền núi là rất quan trọng bởi nó không chỉ là nguồn lương thực chính mà còn là vật trao đổi, buôn bán. Đối với người H’mông, người Dao, ruộng bậc thang là cơ sở sản xuất lúa gạo ổn định - nguồn sống chính, là sức mạnh của dòng tộc, và còn là của hồi môn cho con cháu. Ruộng bậc thang còn được coi là tài sản vô giá, nông dân H’mông, Dao thường chia cho con cái khi xây dựng gia đình.
Ở Sa Pa, những thửa ruộng được nhiều người dân địa phương coi là lâu đời nhất hiện nay thuộc về gia đình ông Lò Quẩy Vảng ở thôn Vù Lùng Sung, xã Trung Chải, đến nay thửa này nối tiếp thửa kia lên tới 121 bậc.
Dòng họ Lò Quẩy ở xã Trung Chải có truyền thống khai khẩn ruộng bậc thang đẹp và hiện nay bên cạnh triền ruộng với 121 bậc còn nhiều thửa khác liền kề cũng thuộc quyền sở hữu của dòng họ này, là tài sản của con cháu 12 hộ gia đình.
Khi đến Sa Pa, người ta ngạc nhiên vì trình độ làm ruộng bậc thang của người H’mông, người Dao, bởi ruộng bậc thang được xếp giữa chân đồi, chạy giữa hai sườn đồi phủ rộng cả quả núi.
Có hai tiêu chí cơ bản nhất để đánh giá ruộng tốt hay xấu, đó là mặt bằng và nguồn nước ngâm chân lúa. Người H’mông, người Dao làm tốt được hai việc này trong điều kiện hết sức khó khăn và đã tạo dựng được cả hai tiêu chí đó trên sườn đồi núi và chân các quả đồi.
Các dụng cụ đào và san ruộng gồm: cuốc chim (lưỡi cuốc bằng sắt, chiều dài hơn 40cm, cán cuốc được làm bằng gỗ táu dẻo và cứng) để đào đá to nằm sâu trong đất; xẻng (lưỡi nhọn đầu, chỗ rộng nhất là 32cm, dài khoảng 1,1m được làm bằng gỗ táu) dùng để xúc đất vào xe chở đất hay dụng cụ cáng đất); xà beng (làm bằng một thanh thép có chiều dài 1,6m, đường kính khoảng 4cm, một đầu xà beng nhọn) để phá hoặc đào đá nằm sâu dưới lòng đất); cáng đất (tấm phên đan bằng cật tre theo kiểu đan lóng mốt, tấm phên có chiều dài 1,5m, chiều rộng 55 - 60 cm. Khi đan xong tấm phên này, người ta dùng hai thanh gỗ tròn luồn vào tấm đan theo chiều dọc để thành chiếc cáng. Hiện nay, người ta còn dùng bao tải dứa để thay cho tấm đan. Cáng đất là công cụ vận chuyển đất đá trong khi khai ruộng, dụng cụ này vận chuyển được ít đất đá, khi sử dụng cần đến hai lao động); xe chở đất (gồm một bánh xe bằng gỗ, trục bánh xe được nối với hai tay đẩy như là hệ thống dẫn động, tay đẩy xe còn là khung chịu lực, trên tay đẩy người ta đóng một khung gỗ hình thang. Xe chở đất là công cụ vận chuyển mới, có ưu điểm là di chuyển cơ động, chở được nhiều đất đá, khi sử dụng chỉ cần một lao động.)
Những dụng cụ đào và san ruộng này được người khai ruộng sử dụng nhuần nhuyễn. Thông thường quá trình đào và san ruộng được tiến hành theo hai dạng, có thể khai từ trên xuống hoặc từ dưới lên.
Nếu đào san ruộng từ trên xuống, thế đất của mảnh ruộng đó thường có độ dốc từ 30 độ đến 50 độ. Sau khi mảnh đất đã được phát sạch, không còn mấp mô do những bụi cây mọc không đều, người ta sẽ tìm mặt phẳng nhất để làm chuẩn để tiến hành đào và san lấp. Để xác định độ thăng bằng của mặt ruộng trên đường đồng mức, người H’mông, người Dao dùng hai dụng cụ tự tạo đơn giản là thước chữ A và thước khung hình chữ nhật. Thông thường, bề mặt ruộng phải đạt tối thiểu 3-5 m. Tuy vậy, nhiều nơi quá dốc, bề mặt ruộng chỉ còn 1-2 m. Người ta dùng cuốc chim, xẻng để cuốc và đào đất từ chỗ cao vào chỗ đặt điểm chuẩn để tạo thành mặt bằng. Mặt ruộng nào khi san và đào gặp nhiều sỏi đá thì phải dùng xà beng và cuốc chim để đào lên và gạt về phía bờ ruộng để tạo thành bờ. Bề rộng trên từng thửa ruộng có những thay đổi nhất định, phụ thuộc vào sự cong lượn của từng đồi núi. Cách đào san từ trên xuống có ưu điểm là tiến hành được trong thời gian ngắn, song độ màu giữ được trên bề mặt ruộng thường kém hơn so với cách làm từ dưới lên.
San lấp từ dưới lên là cách làm không phổ biến nhưng lại thể hiện trình độ kĩ thuật của người khai khẩn. Cách làm này có ưu điểm nổi bật là giữ được độ màu mỡ trên bề mặt ruộng. Làm theo cách này, người ta phải tìm những mảnh đất có độ dốc nhỏ hơn 30 độ, sau đó phải cuốc đất cho vào giành (một loại dụng cụ nhỏ đan bằng tre) để đắp vào chỗ lõm ở phía trên tạo thành điểm chuẩn từ đó mới chuyển đất từ dưới lên tạo thành thửa mới. Độ chênh giữa các thửa ruộng thường từ 1m đến 1,5m. Khi đào và san ruộng phải cố gắng triệt tiêu độ chênh lệch trên bề mặt, và tạo các bờ ruộng để các mảnh ruộng có mặt bằng đồng đều thì mới có thể giữ nước. Sau khi đã tạo bề mặt ruộng, để đánh giá mức độ thăng bằng, độ phẳng của mặt ruộng, người ta tháo nước cho tràn vào mặt ruộng. Những mô đất nổi cao hơn mặt ruộng sẽ được sửa chữa. Ước tính một ngày mỗi người khai thác được 10m2 ruộng bậc thang.
Theo kinh nghiệm của người dân địa phương, nếu địa hình cho phép, ruộng trên đỉnh dốc càng rộng thì càng tốt. Ông Lò Quẩy Vảng lý giải: Vì diện tích ruộng rộng phía trên chứa được nhiều nước, giống như bể lớn điều hòa dòng chảy xuống các ruộng phía dưới. Càng gần nơi thấp, thửa ruộng càng cần được chia nhỏ nhờ hệ thống bờ hợp lý. Ruộng nhỏ giúp giữ nước lâu hơn và giảm áp lực của dòng chảy gây xói lở.
Người H’mông có câu “Cha mẹ chết được, nước lửa không thể chết được, cha mẹ chết qua, nước lửa không thể chết qua” để nói về tầm quan trọng của nước đối với việc canh tác ruộng bậc thang. Do vậy, khâu làm bờ để giữ nước cũng rất được chú trọng. Người ta làm bờ ngay từ khi san ruộng. Đất làm bờ lấy ngay từ chỗ san gạt ở phía mép cuối của thửa ruộng. Người ta dùng cuốc bướm cào đất thành bờ, chỗ nào thấp và thiếu đất sẽ cào từ chỗ cao sang, sau đó dùng chân giẫm và dùng gáy cuốc đập mạnh để nén chặt bờ ruộng. Bề cao thửa ruộng từ 15 cm-18 cm, bề rộng từ 20 cm-25 cm. Khi có nước tháo vào ruộng, bờ cứng lại. Nhìn bờ của một thửa ruộng mới khai thác, người ta có thể biết được người làm thửa ruộng đó có làm đất cẩn thận, có trồng lúa thông thạo hay không.
Với người H’mông, khi canh tác ở những thửa đất nhỏ phải gia cố các bờ cho chắc. Mỗi thửa ruộng đều có một rãnh nước nhỏ để nước ở thửa trên chảy xuống thửa dưới, các rãnh nước này phải so le nhau để không tạo thành lực phá bờ. Thửa cuối cùng cũng để một rãnh nhỏ để cho nước thoát ra, nước trên mặt ruộng xâm xấp, vẫn có thể thả được vịt, cá.
Rất nhiều thửa ruộng bậc thang, người ta dùng những thân cây tre, cây vầu bổ đôi làm máng dẫn nước đưa tới ruộng trước khi gieo cấy. Sau khi thu hoạch, nếu có nước, người ta tháo nước vào các chân ruộng để ngâm nước. Khi nước ngập chân ruộng, các rãnh nước được bịt lại để tránh đất bị trôi rửa.
Hệ thống dòng chảy (hay hệ thống thủy lợi) được dẫn đến các chân ruộng bậc thang thường được bắt nguồn từ đầu nguồn suối trên núi cao hay nguồn nước tự nhiên được đùn lên từ hốc đá. Từ các nguồn suối theo độ dốc của địa hình, người H’mông, người Dao đã dùng cuốc chim, cuốc bướm để đào, san, gạt đất, đá tạo thành các lòng mương rộng từ 80 cm - 100 cm, sâu từ 40 cm - 50 cm. Mạch mương theo đường lượn của sườn đồi chảy vào thửa ruộng đầu tiên nằm ở phía trên. Trong quá trình khai mương chạy trên sườn núi, đồi, chỗ nào gặp địa hình đứt gãy đột ngột, người ta tạo ra máng dẫn nước. Họ lấy thân những cây vầu lớn, có đường kính khoảng 10 cm trở lên, chẻ thân vầu làm hai rồi ngửa thân vầu lên tạo thành lòng máng, đoạn này được ghép với đoạn kia tạo thành ống dẫn nước đến các thửa ruộng. Người ta còn dùng các cọc tre chôn dưới đất, tùy chỗ cao hay thấp, để làm các cọc ngắn hay dài, đỡ các thân máng. Đối với những chỗ hiểm trở, lưu lượng nước nhiều phải dùng từ sáu đến tám đoạn cây ghép lại với nhau tạo thành dàn máng (hay còn gọi là máng cái). Với cách dẫn nước như vậy, nước được dẫn theo lòng máng chảy thẳng vào ruộng.
Nói đến ruộng bậc thang ở Lào Cai, không thể không nhắc đến ruộng bậc thang ở thung lũng Thề Pả, có diện tích 233,1 ha, thuộc địa phận các xã Y Tý và Ngải Thầu của huyện Bát Xát, nằm ở độ cao từ 1.500m đến 2.000m so với mực nước biển. Thiên nhiên hùng vĩ, cảnh quan hữu tình, công trình sáng tạo vĩ đại này là của người Hà Nhì và người H’mông. Quê hương của người Hà Nhì là những vùng “Núi non hiểm trở, trời cao lồng lộng, mây che phủ tuyệt đẹp” nên để sinh sống, họ đã sáng tạo ra nền văn hóa ruộng bậc thang. Người Hà Nhì làm ruộng bậc thang ở những triền dốc bao quanh ôm lấy bản làng. Đến các bản của người Hà Nhì, ta cũng ngạc nhiên thích thú với những thửa ruộng, những triền ruộng gối nhau từ chân đến tận đỉnh đồi, núi. Có thửa to rộng nhưng cũng có thửa chỉ đủ một, hai luống cày.
Bà Chu Thùy Liên, nhà nghiên cứu người Hà Nhì, Phó ban Dân tộc tỉnh Điện Biên, tác giả cuốn sách Văn hóa dân gian dân tộc Hà Nhì (NXB Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2009) đúc kết: “Người Hà Nhì có phương pháp bón phân độc đáo là ‘xối phân’. Nghĩa là vào mùa mưa, người ta nuôi các con gia súc lớn trên đầu mương, máng để phân của chúng theo mương tràn xuống các thửa ruộng bậc thang. Dưới chân các bản đều có hố ủ phân chứa các loại phân chuồng, phân xanh, tro. Đến cuối xuân đầu hạ, khi bắt đầu ươm trồng, gieo hạt, người ta xả nước vào hố phân để nước phân chảy theo các đường dẫn vào ruộng. Khi có mưa màu hạ, có thêm nhiều dòng chảy từ sườn đồi, núi đổ xuống kéo theo các loại phân hữu cơ như cành lá cây mục, xác động vật thối rữa. Vậy là họ lại tận dụng được tác dụng của việc tưới phân tự nhiên.”
Từ ngàn đời nay, người Hà Nhì đã tận dụng điều kiện về đặc điểm kết cấu địa tầng, không ngừng khai phá, vượt qua biết bao khốn khó của quá trình khai sơn phá thạch. Từ đôi bàn tay cần mẫn, họ đã tạo nên những thửa ruộng bậc thang trải ngút ngát chân trời. Ruộng bậc thang là mạch sống chính của người Hà Nhì. Bài ca về nông lịch của họ cho thấy một quy trình làm ruộng bậc thang khép kín: “Tới tháng Hai/ Đối với chị em phụ nữ bận nương rẫy trồng ngô/ Tới tháng Ba/ Đối với nam giới bận công việc gieo cày cấy mạ/ Hết tháng Ba lại tới tháng Tư/ Sẽ bỏ bê tất cả mọi việc phụ để cày cấy/ Hết tháng Ba lại tới tháng Tư/ Tới tháng Ba/ Bắt đầu đến tháng Tư hàng năm/ Yêu những cây lúa ruộng mạ/ Chả bao lâu đã thấy cây lúa xanh xanh/ Từ tháng Sáu trở đi/ Cây lúa bắt đầu trổ bông/ Tháng Bảy cây lúa gần như trổ bông hết/ Từ tháng Tám trở đi cánh đồng bắt đầu chuyển sang màu vàng…” Nhờ chăm chỉ cày cấy nên họ “Mỗi năm thu được nghìn nghìn tấn/ Cho ăn chín nghìn nghìn năm/ Ăn thừa uống thừa quanh năm” (Bài hát trong lễ ăn cơm mới).
Bà Liên cho biết: “Sau khi cày cấy xong, người Hà Nhì đi khai hoang ruộng thuê cho các dân tộc anh em. Biết bao ruộng bậc thang của người Thái, Dao, H’mông, La Hủ… đều có sự đóng góp công sức của người Hà Nhì.”
Đa dạng bộ giống lúa
Lúa được trồng một vụ trong năm vào mùa mưa. Thời gian thu hoạch được xác định vào khoảng tháng 10 âm lịch là thời gian giá lạnh ở Sa Pa vì nơi đây nằm ở vị trí cao hơn so với mặt nước biển.
Theo thống kê, người H’mông hiện trồng bảy loại lúa tẻ là lửu khoái, mế lỉnh sí, nả lính sí, tả lèng, plê la, thóc tàu bay, lúa nương. Lúa nếp ít được sử dụng hơn, cả về diện tích gieo trồng và loại giống. Lúa nếp có các loại: plẩu la, plẩu pang trang, plẩu lai và plẩu lan. Bộ giống lúa của người Dao cũng bao gồm bảy giống tẻ và năm giống nếp. Lúa tẻ là một số giống chín sớm như pẻo pẹ con, chín trung bình như pẻo pẹ và chín muộn như pẻo chim, pẻo ta leng.
Các giống lúa của người H’mông, người Dao đều có năng suất trung bình từ 1,8 tấn/ha đến 3 tấn/ ha. Các giống lúa bản địa được chia thành nhiều nhóm khác nhau dựa trên hàm lượng dinh dưỡng và sự thích ứng với môi trường sinh thái của mỗi vùng miền. Chúng cũng phụ thuộc vào nhu cầu ăn uống cũng như thực hành tín ngưỡng của người dân.
Ông Phàn Lở Mẩy, người Dao ở thôn Tả Chảy, xã Tả Phìn, huyện Sa Pa cho biết: “Gia đình mình giữ lại giống lúa nếp bẻo nhiêu pua để làm lễ và làm rượu cái, rồi để nấu cháo cho phụ nữ sau sinh ăn. Nếu không giữ được giống lúa này, phụ nữ không nuôi được con đâu. Phụ nữ sau sinh được ăn món cháo được nấu từ một bát gạo với một con gà đen cho thì sữa sẽ về sớm.”
Người dân ở đây thích ăn gạo nếp vì ngon và có độ dinh dưỡng cao hơn. Không chỉ thế, gạo nếp còn có vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của họ. Trong dịp năm mới và các lễ truyền thống, người H’mông, người Dao thường sử dụng các loại nếp có hạt tròn, khi nấu chín, cơm dính và thơm để dâng lên tổ tiên và cúng các vị thần. Họ dâng cúng những thức ăn truyền thống, ngon nhất để tỏ lòng kính trọng và biết ơn. Theo quan niệm của người Dao, gạo bẻo ông không thể thiếu được trong các lễ hội, đặc biệt là trong đám cưới. Nếu không có nó, đôi vợ chồng trẻ sẽ sống với nhau không hạnh phúc, dễ dẫn đến li dị. Một số giống lúa vẫn được sử dụng trong các đám cưới của người H’mông, người Dao và được coi như biểu tượng của lòng mến khách. Như vậy, các phong tục tập quán và thực hành văn hóa đã trở thành nhân tố duy trì và tạo lập sự đa dạng, phong phú của các chủng loại lúa ở vùng núi cao Sa Pa.
Bảo tàng văn hóa
Ông Nguyễn Trường Giang, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Dân tộc học, công tác tại Khoa Nhân học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, yêu mến ruộng bậc thang và những tri thức bản địa liên quan đến quá trình canh tác ruộng bậc thang nên từ năm 1995 ông đã dành nhiều tâm huyết cho đề tài này. Sử dụng lý thuyết của hệ sinh thái nhân văn (mối quan hệ tương tác giữa con người và thiên nhiên), hệ sinh thái nông nghiệp, dân tộc học nông nghiệp, phát triển bền vững…, ông đã đi điền dã tại các xã có người H’mông và người Dao sinh sống, Tả Van, Sa Pả, Xín Chải, Thanh Kim, Trung Chải, Tả Phìn của huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai và La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Dế Xu Phình của huyện Mù Căng Chải, tỉnh Yên Bái. Năm 2015, ông xuất bản cuốn sách Ruộng bậc thang ở Việt Nam – Bảo tồn và phát triển bền vững (NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2015). Đây là cuốn sách đầy đủ và toàn diện nhất về ruộng bậc thang ở Việt Nam.
Ông Giang đúc kết: “Ngoài ý nghĩa là là nguồn lợi kinh tế, canh tác ruộng bậc thang là sự sáng tạo văn hóa của nhiều tộc người ở vùng cao. Cách đây vài trăm năm và cho đến ngày nay, người nông dân không có loại thiết bị đo đạc, máy móc dù thô sơ nhất trong tay, họ chỉ có chiếc cuốc bướm, cuốc chim, xà beng, dao, cày, bừa là các loại nông cụ tự tạo. Nhưng các thế hệ nối tiếp nhau đã biết cách tạo ra nguồn nước từ khe suối, tích nước từ những cơn mưa rồi dẫn theo mương máng quanh co chảy về, biến những sườn núi dốc cheo leo thành những thửa ruộng bậc thang kì vĩ. Mỗi khi chiêm ngưỡng những thửa ruộng bậc thang hùng vĩ, người ta sẽ có cảm giác chủ nhân của nó vừa là nghệ nhân, vừa là nghệ sĩ, vừa là kiến trúc sư vì cùng một lúc họ đã giải quyết những khâu quan trọng: hệ thống thủy lợi tinh vi, quy trình khai khẩn và canh tác lúa nước trên thế đất dốc, vận chuyển và bảo vệ thành quả lao động tại từng hộ gia đình.”
Ruộng bậc thang là công trình sáng tạo vĩ đại của người dân tộc H’mông, Dao, Hà Nhì, La Hủ… Nó thể hiện trình độ kỹ thuật cao trong các công đoạn như: khai phá, làm đất, dẫn nước và canh tác lúa. Đó là một nguồn sử liệu phong phú về tri thức dân gian trong việc canh tác lúa nước phù hợp với địa hình và khí hậu của người dân. Bên cạnh đó, ruộng bậc thang mang nhiều giá trị về văn hóa, lịch sử, xã hội, khoa học gắn với quá trình hình thành và phát triển của bản làng, con người... Ông Nguyễn Văn Huy - Phó Giáo sư - Tiến sĩ Dân tộc học - Nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, nhấn mạnh: Ruộng bậc thang không chỉ đơn thuần là ruộng, mà nó còn hàm chứa kinh nghiệm trồng lúa nước, giống cây trồng, giống lúa thích hợp với ruộng bậc thang. Giá trị của di sản này nằm ở chỗ đó. Vì thế, cần khuyến khích người dân không nên thay đổi cây trồng, không nên thay đổi mục đích sử dụng ở đó.
Từ lâu, đi ngắm cảnh, chụp ảnh, trải nghiệm quá trình khai phá, canh tác ruộng bậc thang ở Việt Nam đã trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo. Bà Nguyễn Thị Kiều Trang, Công ty Cổ phần Gori Việt Nam, cho biết: “Kỳ vĩ ruộng bậc thang là một tour đắt khách trong loại hình tour tri thức bản địa của Gori. Mỗi tour, chúng tôi nhận từ một đến mười khách. Du khách sau khi ngỡ ngàng, trầm trồ với vẻ đẹp của ruộng bậc thang mùa nước đổ (khoảng tháng 5, tháng 6 dương lịch), mùa lúa xanh (khoảng tháng 7, tháng 8 dương lịch), mùa lúa chín (khoảng cuối tháng 9, đầu tháng 10 dương lịch) thì được trải nghiệm từ đầu đến cuối quá trình canh tác ruộng bậc thang: chọn đất, khai phá, cày cấy, gặt, lễ cơm mới… Vì tất cả các công đoạn không thể diễn ra cùng một thời gian nên du khách sẽ có cơ hội trở lại nhiều lần, gặp gỡ nhiều người, có được nhiều kỷ niệm, học được nhiều tri thức bản địa. Chính điều đó làm nên nét độc đáo, hấp dẫn của tour tích hợp văn hóa này.”
Tích hợp văn hóa
(Nguyễn Trường Giang)
Ruộng bậc thang là loại hình sản xuất của cư dân địa phương, là sự thích ứng hài hòa giữa con người với thiên nhiên. Ở đó có các giá trị sinh thái, các giá trị thẩm mĩ và cảnh quan cũng từng bước được hình thành. Tất cả những giá trị đó không tách rời hoạt động sản xuất của nông dân. Vì vậy, các di sản nông nghiệp ruộng bậc thang cần được bảo vệ trong cách thức truyền thống, để nông dân tiếp tục sử dụng các phương pháp cổ truyền trong khai khẩn và canh tác. Chỉ có các hoạt động sản xuất lao động mới có thể bảo vệ được hệ thống nông nghiệp truyền thống.
Ruộng bậc thang là một di sản văn hóa, một hệ thống kỹ thuật liên hoàn và phức tạp, rất cần một cơ chế để bảo tồn và phát triển. Chúng ta có thể đưa ra mô hình phát triển nền nông nghiệp hữu cơ là hoàn toàn không sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, không sử dụng các kỹ thuật làm biến đổi gen. Vấn đề này chính là phục hồi sự đa dạng sinh học và hệ thống sản xuất nông nghiệp thân thiện với thiên nhiên, bền vững.
Phát triển du lịch sinh thái ở vùng núi cao đòi hỏi phải chú trọng đến việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và sự đa dạng sinh học, duy trì tính bền vững của việc sử dụng các nguồn lực để phát triển du lịch bền vững. Đó là trách nhiệm kép nhằm bảo vệ môi trường thiên nhiên và cuộc sống của con người. Trong thực tế, việc phát triển du lịch và phát triển nông nghiệp du lịch sinh thái là một hình thức rất hiệu quả và ruộng bậc thang là một thành tố không thể thiếu
Ruộng bậc thang là sản phẩm sáng tạo của những cư dân địa phương. Họ dựa vào địa hình đồi núi để tạo ra các thửa ruộng dưới dạng phân cấp các bậc thang. Nó là sự sáng tạo phi thường, một biểu tượng văn hóa thể hiện tính thích ứng tuyệt vời của con người với môi trường vùng núi và có thể còn được coi là một sáng tạo của nhân loại. Sự ra đời của phương thức canh tác ruộng bậc thang đã có những đóng góp to lớn đối với sự phát triển kinh tế ở địa phương. Các tộc người canh tác ruộng bậc thang lâu đời đã sáng tạo ra văn hóa ruộng bậc thang rất độc đáo và đặc sắc. Có thể kể đến lễ nào xồng (có phần quan trọng nhất là qui ước lời thề bảo vệ rừng, bảo vệ đất đai, nguồn nước, sông suối), lễ cúng khi gặp tai nạn, nghi thức cầu mưa, nghi thức xuống đồng, lễ cúng khu sinh và nghi lễ liên quan đến cây lúa, lễ mừng cơm mới… Các nghi lễ trong quá trình canh tác được tổ chức bám sát với sự sinh trưởng của cây lúa từ lúc gieo trồng cho đến khi thu hoạch trong suốt một vụ mùa canh tác. Thông qua các nghi lễ này, người ta có thể thấy vai trò to lớn của cây lúa, ruộng bậc thang trong đời sống văn hóa, tinh thần của người H’mông, người Dao.
Các ruộng bậc thang được công nhận là danh thắng quốc gia
Ruộng bậc thang Mù Cang Chải nằm trên các sườn núi, lớp nọ gối tiếp lớp kia với diện tích khoảng 2.200 ha ở huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Ngày 18/10/2007, 500 ha diện tích ruộng bậc thang thuộc ba xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Dế Xu Phình được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích quốc gia như là một trong những danh thắng độc đáo bậc nhất tại Việt Nam.
Nhân Lễ kỷ niệm 110 năm du lịch Sa Pa (1/11/1903 – 1/11/2013), tối ngày 2/11/2013, tại sân vận động trung tâm thị trấn Sa Pa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trao quyết định công nhận ruộng bậc thang Sa Pa là danh thắng quốc gia. Ngành văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Lào Cai đang tiếp tục tiến hành nghiên cứu, lập hồ sơ đề xuất Cục Di sản văn hóa và cơ quan hữu quan đề nghị UNESCO công nhận quần thể ruộng bậc thang, bãi chạm khắc đá cổ và vườn quốc gia Hoàng Liên là di sản thế giới.
Ngày 12/10/2015, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 3437/QĐ-BVHTTDL xếp hạng danh lam thắng cảnh quốc gia cho ruộng bậc thang thung lũng Thề Pả, xã Y Tý, xã Ngải Thầu, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai.
Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang nằm trên địa bàn sáu xã: Bản Luốc, Sán Xả Hồ, Bản Phùng, Hồ Thầu, Nậm Ty và Thông Nguyên. Ruộng bậc thang ở đây được đánh giá là loại đẹp nhất Việt Nam với lịch sử hàng trăm năm khai hoang của bao thế hệ người La Chí, Dao, Nùng. Bà con đã đổ nhiều mồ hôi, công sức để tạo nên những thửa ruộng kỳ vĩ uốn lượn theo từng thế núi, thế sông.
Ngày 16/09/2012, ruộng bậc thang Hoàng Su Phì (Hà Giang) đã đón nhận bằng công nhận di tích văn hóa quốc gia.
Theo đó, 760 ha trong tổng số hơn 3.000 ha diện tích ruộng bậc thang của Hoàng Su Phì tại sáu xã trở thành di tích được bảo vệ. Ông Hoàng Văn Kiên, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang, cho biết rằng ruộng bậc thang Hoàng Su Phì có lịch sử khoảng 300 năm. Nhiều thế hệ người dân tộc La Chí, Nùng, Dao, H’mông đã đổ mồ hôi trên những dãy núi cao để tạo nên những thửa ruộng độc đáo này. Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì cũng được quy hoạch để trở thành một trong những trọng điểm du lịch của tỉnh Hà Giang.
Việt Nam sở hữu hai ruộng bậc thang đẹp nhất thế giới
Trong danh sách 12 ruộng bậc thang đẹp nhất thế giới được độc giả của báo Telegraph (Anh) bình chọn vào tháng 3 năm 2018, Việt Nam có hai đại diện là ruộng bậc thang ở huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) và huyện Sa Pa (tỉnh Lào Cai).
Báo này giới thiệu:
…Những vạt nắng nhuộm vàng cho những thửa ruộng bậc thang xếp tầng xếp lớp ở Mù Cang Chải tạo nên cảnh tượng đẹp đến mê hồn. Nằm dưới chân dãy núi Hoàng Liên Sơn, ở độ cao 1.000m so với mực nước biển, hơn 2.200 ha ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải là một địa danh nổi tiếng bậc nhất và cũng là điểm thu hút khách du lịch trong nước, quốc tế đến với Việt Nam.
Vào mùa lúa chín, những thửa ruộng bậc thang ở huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai, luôn thu hút đông đảo du khách, các nhiếp ảnh gia tới chiêm ngưỡng, chụp ảnh…