Trong cuộc đời của mỗi người, chỉ cần một câu châm ngôn cuộc sống hay và có ý nghĩa, cũng đủ tạo nên động lực cho bản thân, và nó đã trở thành nguyên tắc đối nhân xử thế trong cuộc sống. Khi ấy, bạn hãy để một cuốn sổ tay ghi chép lại những điều đó trên bàn, và mỗi ngày chúng ta mở ra đọc để tự nhắc nhở mình, việc làm đó giống như có bậc trưởng bối luôn theo sát bên cạnh và răn nhắc, đó gọi là “châm ngôn cuộc sống”.
Châm ngôn cuộc sống, nghĩa là ghi chép lại những câu nói đầy ý nghĩa. Những đạo lý đó, có thể thấy được khắc ở trên gỗ đá, hay chép trên những tấm thẻ. Xưa có mẹ của Nhạc Phi, vì muốn nhắc nhở con mình, nên đã viết trên lưng ông bốn chữ: “Tinh trung báo quốc”1, chẳng phải châm ngôn sống cũng được viết cả trên lưng đó sao?
Những đạo lý trong cuộc sống, càng quan trọng hơn khi chúng ta nhớ nghĩ trong lòng, khắc sâu trong tâm, mãi mãi không quên. Từ xưa đến nay, dù là trung thần hiếu tử hay vua hiền tướng giỏi, hoặc giới học giả, và những công ty xí nghiệp cùng các nghành nghề khác v.v. đều có những nguyên tắc sống của riêng họ.
Như “Phục tùng lãnh đạo” là quy củ của người lính; “Cạnh tranh công bằng” là quy tắc trong giới doanh nhân; “Truyền trao tri thức” cho tất cả mọi người là mục đích chính của ngành giáo dục; biểu ngữ “Lễ nghĩa liêm sỉ” được treo ở các trường học là lối sống đạo đức dành cho tất cả học sinh, sinh viên noi theo.
1 Vào thời Nam Tống (1127-1279), có vị tướng yêu nước tên là Nhạc Phi. Khi người Khiết Đan đem quân đến xâm lược phía bắc Trung Quốc, ông nhận lệnh ra ngoài biên cương đánh giặc. Nhưng vì có mẹ già ở nhà cần người chăm sóc đã khiến ông phải lưỡng lự, lúc ấy mẹ ông thấy con mình phải lựa chọn giữa nghĩa vụ trung với nước hay làm tròn chữ hiếu, nên bà liền khắc bốn chữ ‘Tinh trung báo quốc’ lên lưng ông.
Đối với nhịp sống bây giờ, thì phương châm sống luôn đi cùng thời đại; và những điều đó không những cần được ghi nhớ trong lòng, mà còn phải đem ra áp dụng vào đời sống thực tế. Ví như Quốc phụ Tôn Trung Sơn lập chí “Muốn làm việc lớn, chứ không muốn làm quan lớn”. Còn Đức Phật của chúng ta từng phát nguyện: “Nếu không thành Chính giác, thề không rời khỏi chỗ ngồi này”. Ấn Quang Đại sư răn dạy các đệ tử: “Thật thà niệm Phật”. Thậm chí, có một người tài xế taxi với gần bốn mươi năm chạy xe ở tuyến đường núi Nghi Lan, chưa từng một lần vi phạm luật giao thông, do vị này luôn tuân thủ nghiêm ngặt quy định “Không phóng nhanh vượt ẩu, an toàn là trên hết”. Những câu cách ngôn vừa nêu, đã trở thành nguyên tắc sống trong cuộc đời của họ.
Thực ra, có rất nhiều những câu châm ngôn để bạn làm phương châm sống cho riêng mình, nhưng bạn phải xem tâm và cảnh lúc này có thích hợp để dùng đến hay không, có cảm nhận được nó giúp ích gì cho bạn hay không. Như Konosuke Matsushita, là doanh nhân người Nhật sáng lập ra tập đoàn Matsushita, đã lấy câu “Bị chỉ trích, chính là động lực để phát huy bản thân” làm phương châm để tự khích lệ mình tiến bộ. Vì thế, ông có thể từ hoàn cảnh khó khăn mà trở thành người thành công nhất. Phong trào Cần Vương ở Nhật Bản, người đầu tiên có công lớn là Saigō Takamori cũng lấy câu “Quý trọng người trung thực, không cần người giả dối, chuộng người thật thà, không chuộng kẻ dua nịnh” làm nguyên tắc sống. Từ đó cho thấy, ông là một người vô cùng cẩn trọng chín chắn.
Phương châm sống, thật ra chính là do con người tự đặt ra cho mình, là tự mình đề ra mục tiêu mà thôi. Như Thôi Viện (78-143) thời Hậu Hán nói rằng: “Không chê sở đoản của người, không khoe sở trường của mình. Giúp người chớ nhớ nghĩ, nhận ân chớ vội quên. Hư danh không mơ tưởng, nhân nghĩa hằng khắc ghi. Khi tâm an thì hãy làm, đừng để ý tới thói đời dị nghị. Chớ để hư danh lấn át sự thật, thà chịu tiếng ngu mà giữ đạo Thánh hiền”.
Ngay cả trong thiền đường chốn Phật môn, có vị Duy na 1 cũng lấy câu: “Tuệ mạng của đại chúng đều nằm trong tay ta, nếu không quán xét như vậy, tội quy về mình ta”, để nhằm cảnh tỉnh chính mình. Cũng có người lấy câu: “Có thể không tin bất kỳ điều gì, nhưng không thể không tin nhân quả”, hay “Thà để cả thế gian này phụ ta, chứ ta nhất định không phụ người trong thiên hạ” làm phương châm sống cho chính mình. Đây là những lời cảnh tỉnh để mọi người nhận biết rõ về nhân quả nghiệp báo. Đối với sự tu dưỡng đạo đức của mình và xác lập mục tiêu đời người, thì nên có sự khích lệ trực tiếp những thành tựu của bản thân, trên thực tế nên viết lại tất cả những điều đó vào trong cuốn sổ tay, nhằm làm châm ngôn sống để rèn giũa chính mình.
1 Duy na (Karna dana): là vị thầy lớn chuyên phụ trách dẫn chúng hành trì hai thời khóa công phu sớm tối. Trước đây, thầy Duy na còn kiêm thêm việc quản chúng và lo liệu những việc đối nội cũng như đối ngoại ở trong các đại tùng lâm.