“Làm việc theo cảm tính” giữa thời đại Internet, là một câu nói khá phổ biến trong xã hội hiện nay. Câu nói này chứa đựng mối nguy hại khôn lường, khiến nhiều người không khỏi lo lắng bởi sự nông nổi bột phát của lớp thanh thiếu niên thời nay.
Chẳng hạn, bây giờ trong lòng bạn đang nổi cơn thịnh nộ, nếu “hành động theo cảm tính”, lẽ nào bạn lại có thể đi gây tổn hại người hay sao? Giờ bạn ham thích ăn chơi hưởng thụ, chẳng lẽ cứ để “cảm xúc dắt mũi” bạn mà suốt ngày sa đà bê tha vậy sao? Hiện tại bạn đang cần tiền, “trong lòng thôi thúc” thì bạn có thể đi cướp nhà băng ư? Đột nhiên bạn muốn đánh người, không lẽ vì “hành động theo cảm tính” mà bạn đi ẩu đả với người ta một cách vô lý chăng?
Chính vì thế, câu nói “hành động theo cảm tính” nên chuyển thành “tuyệt đối không thể hành động theo cảm tính” thì đúng hơn.
Nếu bạn cảm thấy những việc cần làm phù hợp với luân thường đạo lý, đúng theo pháp luật nhà nước thì có thể tùy thuận cảm tính. Còn những chuyện về đối nhân xử thế trong cuộc sống, miễn sao hợp với lòng trung hiếu nhân ái, thuận theo tinh thần tín nghĩa hòa bình, dù cho không muốn thì điều đó cũng vẫn cần phải làm.
Con người sống ở đời cần tuân thủ theo trật tự của xã hội và bắt nhịp trào lưu của thời đại, song vẫn phải dựa trên những tiêu chuẩn đạo đức pháp luật nhất định. Tuy nhiên, trong tác phẩm Bách pháp minh môn luận thì có khá ít pháp thiện, ngược lại những tập khí thuộc về căn bản phiền não và tùy phiền não lại vượt trội hơn rất nhiều. Như vậy, bạn có thể liều lĩnh hành động theo bản năng được không?
Phiền não giống như giặc cướp, lúc nào cũng có thể cướp mất công đức của chúng ta. Nếu bạn để sáu căn hướng ra các cảnh duyên bên ngoài, như vậy chẳng khác nào chạy theo giặc phiền não, sẽ dễ dàng bị chúng dẫn dắt và chịu nhiều tổn hại. Vì thế, tuyệt đối không nên nóng vội “hành động theo cảm tính”.
Những người học trò thời xưa, trên chặng đường tham học gặp phải vô vàn chông gai trắc trở, nếu hành động theo cảm tính thì sẽ không thể trở thành hiền tài, cuối cùng chẳng thể gặt hái được thành tựu gì cho bản thân. Cho nên, làm người không thể chạy theo cảm tính mù quáng nhất thời, ngược lại phải tự mình phấn đấu khích lệ bản thân, rèn luyện tính nghiêm túc, chính trực, chính kiến. Noi theo những luân thường đạo lý và giáo pháp của Đức Phật làm khuôn mẫu. Có như vậy, con đường bạn đi mới thênh thang, xán lạn được.
Ngoài câu nói “hành động theo cảm tính” này ra, còn có một câu nói nữa nghe rất phản cảm, đó là: “Chỉ cần ta thích, có gì là không được?” Theo nghĩa đen của câu nói này, chẳng lẽ bạn muốn đánh ai thì đánh hay sao? Bạn thích cau có thì cau có ư? Bạn thích chối cãi thì chối cãi chăng? Bạn thích lừa dối thì lừa dối sao?
Nếu những chuyện “ta thích”, mà không phù hợp với luân thường đạo đức thì không thể hoan hỷ. Còn những việc “ta không thích” nhưng lại thuộc về tình nghĩa, sự tín nhiệm, tinh thần phục vụ, lòng nhân ái, sự cống hiến cho quốc gia xã hội thì dù cho không thích bạn cũng phải dốc lòng dốc sức mà làm.
Người xưa có câu: “Một lời hưng thịnh nước nhà, gia vong quốc phá cũng là một câu”. Chính vì thế, chúng ta không thể tùy tiện phát ngôn bừa bãi được. Một câu nói liều, nhiều khi ảnh hưởng khôn lường đối với cuộc sống của chúng ta, sao có thể không suy nghĩ cẩn trọng cho được?
Cho nên, nếu bạn có những tư tưởng như “hành động theo cảm tính” hay “chỉ cần bạn thích, có gì là không thể?” phải gấp rút thay đổi, nếu không sẽ sai một ly đi một dặm, đến lúc hối hận thì đã muộn màng!