Những nhân vật lớn trước kia, thường luôn mời một số người làm cố vấn cho mình, một mặt là muốn tỏ lòng khiêm nhường, chiêu hiền đãi sĩ1; mặt khác, là mong muốn nhận được những lời khuyên thiết thực và chân thành nhất.
Cố vấn, chính là những người chuyên đóng góp ý kiến. Các vị hoàng đế thời xưa luôn có những vị quân cơ đại thần, cũng chính là ban cố vấn thường trực của mình. Ngày nay, cũng có ban cố vấn, ban đó còn được gọi là “Viện nghiên cứu”, nước nào có được viện nghiên cứu này, thì chứng tỏ kho tàng trí tuệ của nước đó vô cùng phong phú dồi dào.
1 Chiêu hiền đãi sĩ: Trọng dụng bậc hiền tài, hậu đãi người trí thức.
Đối với cơ cấu tổ chức chính phủ hiện nay ở nước ta, cũng có bộ tham mưu, bộ tài chính, bộ chính trị v.v. tất cả đều thuộc về ban cố vấn. Trong các cuộc họp dân chủ hiện nay của các nước, nhằm tiếp nhận ý kiến đóng góp từ người dân, rồi cùng nhau bàn bạc và đưa ra những kế hoạch hoặc cách giải quyết hợp lý nhất. Những người tham dự hội nghị, đều có thể đưa ra quan điểm của mình, đồng thời ý tưởng của người nào mang lại lợi ích thiết thực nhất cho đời sống nhân dân, thì người ấy mới đủ tư cách được mời vào làm thành viên trong ban cố vấn.
Ban cố vấn chính là một tập thể sáng tạo. Một người nghe nhiều hiểu rộng, biết trọng dụng nhân tài thì mới đáng làm người cố vấn, và bản thân người đó còn cần phải biết khiêm nhường, không lợi dụng chức quyền, không tự cho mình là đúng. Ngày nay, các văn phòng làm việc, những cơ sở hay trung tâm nghiên cứu v.v. cũng đều là sự thành tựu chung của trí tuệ tập thể, đây được gọi là ban cố vấn. Một người có thể mời nhiều nhân tài làm người cố vấn cho mình, hoặc để cho người khác sử dụng tài năng của mình, thì những người này đều là người có năng lực thực sự. Nếu bản thân không có trí tuệ, lại không biết sử dụng năng lực của người khác, thì đây chính là một người bảo thủ cố chấp.
Vào thời Chiến Quốc, có Trương Nghi và Tô Tần đã đi khắp các nước để làm thuyết khách1, là vì họ muốn trở thành người cố vấn cho các nước đó. Còn các triều đại hoàng đế muốn làm vua xưng bá thiên hạ, liệu mong muốn này có thành hay không, đều có liên quan mật thiết đến việc họ có biết trọng dụng ban cố vấn hay không. Cũng như Lưu Bang khéo trọng dụng ba vị hiền tài kiệt xuất thời Hán là Trương Lương, Tiêu Hà và Hàn Tín, nên ông mới thành tựu được sự nghiệp đế vương của mình. Còn như Hạng Vũ vì không biết trọng dụng Phạm Tăng, cho nên bại trận và nhảy sông Ô Giang tự kết liễu đời mình. Qua đó có thể thấy được tầm quan trọng của việc khéo dùng quân sư như thế nào.
Nguyên Thế Tổ - Hốt Tất Liệt vì biết trọng dụng mưu sĩ1 người Hán là Lưu Bỉnh Trung, và phong làm “Tể tướng áo đen”2. Vì thế, Lưu Bỉnh Trung đã bày mưu tính kế giúp cho Nguyên Thế Tổ xưng vương, lập ra triều đại nhà Nguyên; còn Phù Kiên thời Đông Tấn vì không nghe lời khuyên của Đại sư Đạo An, nên đã thua trận Phì Thủy, dẫn đến mất nước, từ đó để thấy giá trị của người cố vấn quan trọng ra sao.
Văn Vương mời Khương Thái Công đến bờ sông Vị, Lưu Bị ba lần đến nhà tranh ở Lũng Trung mời Gia Cát Lượng. Cái gọi là “trong ba người cùng đi ắt có người là thầy ta” hay “kẻ ngu nghìn điều cũng hiểu được một điều”. Những tích này chỉ cho người lãnh đạo khéo biết sử dụng tài năng của người khác.
1 Thuyết khách: xưa vua cử người đi làm thuyết khách, họ dùng tài ăn nói để khiến người khác nghe theo. Nhà ngoại giao tư sản hoặc phong kiến, chuyên dùng lý lẽ đi thuyết phục người khác.
1 Mưu sĩ: người bày mưu kế cho người khác.
2 Tể tướng áo đen: chỉ cho Tăng sĩ khi xưa mặc áo tràng màu đen.
Võ Tắc Thiên trọng dụng Địch Nhân Kiệt và phong ông làm tể tướng, tôn xưng là “Quốc lão”. Hơn nữa, Võ Tắc Thiên còn để Địch Nhân Kiệt tiến cử người tài, và ông đã tiến cử một số người như Trương Giản Chi, Diêu Sùng v.v. Họ sau này đều trở thành những trọng thần nổi tiếng trong triều.
Lữ Hậu thuộc triều đại nhà Hán vì muốn củng cố địa vị cho con trai mình là thái tử Lưu Doanh, bà đã đến thỉnh ý Trương Lương. Nhờ vào cao kiến của Trương Lương, thái tử Lưu Doanh mời được bốn hiền sĩ trong thiên hạ là: Đông Viên Công, Giác Lý tiên sinh, Ỷ Lý Quý và Hạ Hoàng Công về phò tá cho mình, mà trước đó Lưu Bang không sao mời nổi. Và cũng nhờ vậy, ngôi vị thái tử của Lưu Doanh mới được giữ vững.
Ban cố vấn thường là: “Nuôi quân nghìn ngày, dùng quân một giờ”. Ngoài ra, còn có bốn vị công tử thuộc thời Chiến quốc là Bình Nguyên Quân nước Triệu, Mạnh Thường Quân nước Tề, Xuân Thân Quân nước Sở, Tín Lăng Quân nước Ngụy, được mọi người tôn là “Ba nghìn thực khách”. Trong ba nghìn thực khách này, cũng có những kẻ tuy khả năng hạn hẹp, nhưng vẫn lập được công trạng, nhờ phát huy được tài năng của mình. Từ đó có thể thấy, một người chỉ cần chịu ra sức cống hiến tài năng của mình, thì đều có thể trở thành trợ thủ đắc lực cho người khác.