Trên đời này, bậc quân tử thành thật đương nhiên có rất nhiều, nhưng ngược lại thì con số những kẻ tiểu nhân xảo trá cũng không hề thua kém. Có người đã quen với việc “đục nước béo cò”, cũng có kẻ thường “lấy việc lừa dối người làm sở trường của mình”. Nói về hiện tượng xã hội ngày nay, hàng nhái hàng giả lan tràn khắp nơi, sự dối gạt dường như rất phổ biến, thậm chí còn có cả việc kết hôn giả, cho tới có con giả nữa. Đâu đâu cũng lừa tài lừa sắc, lừa ăn lừa uống v.v. Những kẻ lừa gạt tình cảm tiền bạc trên đời nhiều vô kể, ngay cả những nhân vật chính trị cũng mưu mô một cách trắng trợn để tăng số phiếu bầu. Họ đã lừa dối mọi người, và lừa dối luôn cả chính mình. Các hành vi đó có thể lừa gạt được một thời gian ngắn, chứ đâu thể che đậy cả đời. Bởi lẽ, chỉ có thể lừa người dối đời, mà chẳng thể lừa gạt nổi lương tri của chính mình; qua mặt pháp luật thì dễ, chứ không thể trốn được luật nhân quả.
Một đứa bé chăn cừu vì muốn trêu mọi người chơi cho vui, bỗng nhiên nó hét lên “chó sói đến”. Một vài lần đầu còn có người tin, cho đến khi mọi người biết mình bị gạt. Và thế là, lúc chó sói đến thật thì không còn ai tin lời nói của cậu bé nữa. Cuối cùng cả người và cừu đều bị sói ăn thịt, đây là kết cục chung cho những kẻ thích lừa dối vậy.
Trong cuộc sống, những thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi, như là gian lận bài bạc, lừa gạt của cải và đồ vật v.v. cùng những trò ma thuật tất cả đều hợp lại thành một bức tranh đen tối và nghiễm nhiên nó đã trở thành công cụ cho việc lừa bịp. Tuy nói thế gian vốn là hư ảo, nhưng thật sự xã hội đã đạt đến trình độ “làm giả như thật”. Thế cho nên, dường như cuộc đời này không còn gì đáng để tin tưởng nữa.
Từ xưa đến nay, chiến tranh và chính trị không chỉ “dùng sự giả dối mà giành chiến thắng”, ngay cả trong ba mươi sáu kế cũng có không ít mưu kế đều lấy sự lừa gạt để tranh đấu hơn thua, giành giật phần thắng lợi cuối cùng. Chẳng hạn như kế “vườn không nhà trống” của Gia Cát Lượng, hay kế “thuyền cỏ mượn tên” đã giúp cho Gia Cát Lượng hoàn thành nhiệm vụ do Chu Du yêu cầu, hoặc kế “vây Ngụy cứu Triệu” của Tôn Tẫn và “mỹ nhân kế” của Vương Doãn v.v. Lại còn có những mưu hèn kế bẩn như: “nói một đằng, làm một nẻo”, hay “một mũi tên trúng hai đích” mượn đường tiêu diệt nước Quắc. Chẳng phải sự thành công một thời đều dựa trên nền tảng của sự dối gạt đó sao?
Phải chăng, con người ta vốn không thấy rằng sự lừa đảo là tội ác, ngược lại còn cho đó là cao siêu xảo diệu có trí tuệ. Cho nên, giữa chân thật và giả dối, thiện và ác rất khó có một tiêu chuẩn nhất định nào.
Trong Phật giáo, lừa dối chính là vọng ngữ, nhưng xã hội lại cho phép nói dối phương tiện, có khi còn khen ngợi những câu nói dối mang tính chất thiện ý, vì vậy khiến cho thật giả lẫn lộn thật khó phân biệt.
Có người vì sự trung thành, vì giữ lời hứa mà cho dù phải hy sinh cả tính mạng họ cũng không nuối tiếc. Các bậc Thánh hiền khi xưa thường xem trọng “một lời hứa đáng giá ngàn vàng” hay “một lời nói ra, bốn ngựa khó đuổi”, hoặc là “thà để người trong thiên hạ phụ ta, chứ ta không phụ người trong thiên hạ”. Đó là bởi các vị ấy dùng tâm chân thành đối đãi với người, nên đã gây dựng được hình tượng tốt đẹp cho chính mình.
Sống trong một xã hội thành thật, mọi người luôn tin tưởng giúp đỡ lẫn nhau, thế giới này quả thật sẽ dễ chịu biết bao! Còn nếu như xã hội lại đầy rẫy sự lừa gạt dối trá, lúc nào cũng lo sợ mình chịu thiệt thòi, cuộc sống như vậy còn gì đáng quý nữa đâu? Thế nên, chúng ta luôn mong muốn sự trung thực ngay thẳng sẽ trở thành một nếp sống tốt đẹp lan tỏa rộng khắp trong lòng nhân thế. Thà rằng mình chịu thiệt, cũng không bao giờ bán rẻ lương tâm đi lừa dối để giành phần hơn.