Từ khi Liên hợp quốc ban hành luật bảo vệ di sản văn hóa thế giới đến nay, đã có rất nhiều quốc gia thi nhau trình lên Liên hợp quốc về những hiện vật văn hóa sông núi thuộc quốc bảo của nước mình, để mong được Liên hợp quốc ghi nhận vào danh sách bảo tồn.
Quốc bảo là những tài sản văn hóa của đất nước. Bảo vật quốc gia hàng đầu của Trung Quốc là xá lợi ngón tay Phật và đội quân đất nung Tần Thủy Hoàng. Ngoài ra còn có Kim tự tháp của Ai Cập, lăng Tāj Mahal của Ấn Độ v.v. được UNESCO công nhận. Những thứ này đều là những kỳ quan thế giới, và cũng là quốc bảo duy nhất trên thế giới mà không có gì thay thế được.
Nếu một đất nước biết quý trọng giá trị những di vật văn hóa của mình, thì đất nước ấy đã nằm trong số những nước có nền lịch sử văn hóa trên thế giới. Những di vật văn hóa đủ tiêu chuẩn để trở thành quốc bảo, nhất định cần phải có nội hàm ẩn chứa tinh thần và ý nghĩa lịch sử nhất định của nó. Với những công trình kiến trúc tinh xảo tuyệt vời, như động đá Đôn Hoàng ở Trung Quốc, hay quần thể hang động Ajanta thuộc Ấn Độ, cho đến ngôi chùa có lịch sử trên một nghìn năm tuổi của Hàn Quốc và những tượng Phật có giá trị nghệ thuật bên Nhật Bản v.v. Tất cả những thứ này đều được bảo vệ một cách nghiêm ngặt, và trở thành những di sản văn hóa nghệ thuật thuộc cấp quốc gia dĩ nhiên phải được cất giữ cẩn thận, còn đối với các nhân tố là báu vật của đất nước cũng cần được coi trọng và quan tâm. Một số nghệ nhân thuộc đẳng cấp quốc gia ở Trung Quốc như Trương Đại Thiên, Tề Bạch Thạch, Phổ Tâm Xa v.v. họ đều nhờ đạt được những thành tựu rực rỡ trong lĩnh vực hội họa, mà trở nên nổi tiếng khắp cả thế giới và trở thành báu vật của thế gian. Hơn thế, họ còn giành lấy vinh quang cho tổ quốc mình nữa.
Trong các loài động vật cũng có những loài được liệt vào quốc bảo như “chuột túi” Australia, hay “gấu trúc” Trung Quốc, v.v. Do vì các loài này có số lượng rất ít, nên phải đưa vào danh sách các loài động vật cần được bảo vệ. Còn với “bò thiêng” là quốc bảo của Ấn Độ, “voi” là quốc bảo của Thái Lan, chúng đều vượt trội vì có số lượng lớn. Một khi nhắc đến Ấn Độ và Thái Lan, tự khắc khiến con người ta liên tưởng tới những đàn bò và từng bầy voi đi ngoài đường.
Tôn trọng và bảo vệ quốc bảo là trách nhiệm chung của mỗi người, xưa nay trên thế giới nói chung và tại mỗi quốc gia nói riêng cũng đều như vậy. Thế nhưng, vẫn có những trường hợp ngoại lệ, chẳng hạn như nhiều năm trước đây, chế độ thần quyền Hồi giáo ở Afghanistan đã ngang nhiên phá hủy tượng Phật Bamiyan, gây nên sự phẫn nộ trên toàn thế giới. Ngoài ra, còn có chiến tranh, khí hậu và mối mọt v.v. cũng là kẻ thù chung của các quốc bảo.
Trung Quốc là một trong bốn nước có nền văn hóa lớn và lâu đời trên thế giới. Hiện tại đã có 27 di tích được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, đứng vị trí thứ tư trong tổng số các di sản văn hóa trên thế giới. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là cho đến nay, vẫn còn rất nhiều những di vật văn hóa cấp quốc gia của Trung Quốc còn đang lưu lạc ở nước ngoài. Chẳng hạn như Kim Cang kinh của ngài Hoài Tố, cùng với vô số những hiện vật nghệ thuật như các tượng Phật được điêu khắc chạm trổ và một số bức bích họa trong động đá Đôn Hoàng, quả thật đây là điều đáng tiếc vô cùng. Từ đó có thể thấy, di vật văn hóa thì chẳng có nơi cất giữ, nhân tài cũng không có ai để tâm lo lắng. Điều này chứng tỏ rằng, người Trung Quốc đang thật sự hạn chế trong việc ý thức giữ gìn bảo vật quốc gia. Chẳng hạn như giáo sư Tô Tuyết Lâm nằm trong thế hệ các học giả nổi tiếng, vậy mà khi về già lại không có ai quan tâm chăm sóc, và ông đã phải sống cô độc như vậy cho đến cuối đời. Hay thế hệ của các bậc thầy múa rối Hoàng Hải Đại và Trần Đạt cũng vậy. Mặc dù Tổng thống Tưởng Kinh Quốc đã từng đến thăm họ trong khi đương nhiệm, và bày tỏ sự tôn trọng đối với tài năng của họ, nhưng trên thực tế lại chưa hề có sự đãi ngộ thỏa đáng nào.
Thực ra, cũng không nhất định phải là nhân vật thuộc báu vật của đất nước mới được xem trọng, chỉ cần họ có cống hiến cho xã hội, hoặc những người có thành tựu trong sự nghiệp, thì quốc gia đều cần phải biết quý trọng nhân tài. Đồng thời, cũng phải bảo vệ và trân trọng chứ không nên đố kỵ hoặc là kìm hãm tài năng của họ, vì những thành tựu đó đều cống hiến cho lợi ích chung của tất cả mọi người trong xã hội. Vì vậy, đất nước cần vạch ra kế hoạch, mỗi năm chọn từ năm đến mười người để tôn vinh họ trước toàn dân, từ đó có thể thôi thúc mọi người noi gương lẫn nhau, phấn đấu và sản sinh cho Tổ quốc những bậc hiền tài. Nhất là đối với những người từng đoạt được giải Nobel, thì càng phải đặt họ một vị trí xứng đáng trong xã hội, để họ nhận được sự tôn trọng và đối đãi một cách nồng hậu.
Đối với mỗi cá nhân khi có bảo vật, họ đều biết tự cất giữ, vậy tại sao báu vật của quốc gia lại không ai quan tâm ngó ngàng tới? Ba ngôi báu của Phật giáo là Phật, Pháp và Tăng. Phật bảo là ngôi vị xứng đáng để nhân thế muôn đời tôn kính noi theo. Pháp bảo là lời dạy của Đức Thế Tôn, người người có thể đọc tụng, và nương vào đó cố gắng tu dưỡng thân tâm trở nên thuần thiện hơn mỗi ngày. Tăng bảo là chúng đệ tử Phật, đã và đang đi trên con đường giác ngộ cho mình và nhân thế, xứng đáng nhận được sự cung kính cúng dường của mọi người. Qua đó có thể thấy rằng, Phật giáo chính là tôn giáo biết quý trọng chữ “Bảo” nhất vậy.