Con người ta trên đời, đa phần đều có tính hiếu thắng và muốn giành phần hơn về mình. Việc gì cũng thường phân biệt rạch ròi cao thấp, lớn nhỏ, mạnh yếu, thắng thua. Cho nên, giữa kẻ thù với kẻ thù, ngay cả giữa bạn bè với nhau vẫn thường có sự so đo tính toán, chẳng khác gì trò chơi “kéo co” vậy.
Trò chơi kéo co có thể diễn ra giữa hai người hoặc hai đội với nhau. Giữa các quốc gia có sự cạnh tranh về vũ lực, giữa các dân tộc có sự cạnh tranh về chủng tộc, cho rằng chủng tộc mình là ưu tú nhất.
Về mặt chính trị, giữa các đảng phái tranh nhau từng phiếu bầu. Trên thương trường kinh tế, luôn có sự cạnh tranh lợi ích giữa người giàu và kẻ nghèo. Giữa các tôn giáo nói chung, hay giữa Thiền tông và Tịnh Độ tông ở Nhật Bản nói riêng luôn có sự phân biệt vị trí rõ ràng. Trong giới giáo dục, giữa các trường học cũng luôn có các hoạt động thi đua, hy vọng trường mình phải vượt trội, phải đạt được danh hiệu cao hơn trường khác.
Việc xây dựng hai thành phố Đài Bắc và Cao Hùng mục đích là để thu lại nguồn lợi kinh phí, nên đã cạnh tranh mấy mươi năm qua, khó phân thắng bại. Hiện nay, ngay cả các huyện Đài Bắc cũng ra sức thi đua với thành phố Đài Bắc, vì huyện Đài Bắc cho rằng dân số của họ cao hơn thành phố, dự tính không thể nào thấp hơn được. Ngay cả giữa các quận huyện cũng luôn mong muốn giành được nhiều kinh phí hơn về phần mình, để các công trình xây dựng được phát triển thuận lợi hơn.
Thi cử chính là một cuộc kéo co. Sự cạnh tranh nghiệp vụ giữa công ty này với công ty kia cũng là một hình thức kéo co. Bản chất của kéo co vốn là cạnh tranh. Xét về mặt tích cực, cạnh tranh là động lực để thúc đẩy xã hội tiến bộ. Vì cùng hướng đến mục đích tiến bộ, vinh quang nên luôn phải cọ sát mới có thể quyết định được thắng thua thành bại, vậy có gì là xấu. Tuy nhiên, một số quốc gia nếu không chú trọng phát triển theo định hướng cân bằng, mải chạy theo so đo mạnh yếu, lớn nhỏ, thắng thua, hơn kém một cách mù quáng, không có thiện ý hòa bình hữu nghị, mà lại đẩy tính tàn bạo của con người vượt lên cao độ, vậy có còn là phúc báo của nhân dân nước đó nữa hay không?
Thời Xuân Thu Chiến quốc, sách lược “Liên hoành” và “Hợp tung” giữa các nước chính là để đối phó lẫn nhau. Trong lịch sử, vì chiếm đoạt một người mà đôi bên phải chơi trò “kéo co” với nhau. Thời Tam Quốc, Tào Tháo lợi dụng mẹ của Từ Thứ, lừa Từ Thứ đến doanh trại của ông. Bên ngoài có vẻ như Tào Tháo là người chiến thắng, nhưng nào ngờ Từ Thứ thân tuy ở trong doanh trại mà lòng lại gửi nơi đất Hán, đến cuối đời vẫn không hiến cho Tào Tháo được bất kỳ một kế sách hay nào, thành thử Lưu Bị vẫn là người thắng lợi.
Các trường đại học hiện nay, cùng liên kết để tuyển chọn những sinh viên ưu tú nhất. Chính sự cạnh tranh gay gắt giữa đôi bên đã hủy hoại nền giáo dục lành mạnh vốn có, như vậy đâu phải là việc tốt!
Kỳ thật, một đời người lúc nào cũng phải đấu tranh với chính mình. Đấu tranh giữa những thiện ác trong tâm, bên này vừa khởi thì bên kia lại ra sức khống chế. Ý chí của mình có khi suy sụp chán nản, có lúc mạnh mẽ phấn chấn, đây chính là cuộc đấu tranh liên tục lâu dài, và không biết đâu là điểm dừng. Ngay cả khi bị nghiệp lực dẫn dắt, nghiệp càng nặng thì càng phải chiến đấu quyết liệt hơn. Vì vậy, trong cuộc hành trình của kiếp nhân sinh, mỗi người phải là một vận động viên ưu tú trong cuộc thi, đặc biệt là trong cuộc chiến căng go dữ dội giữa nghiệp thiện và nghiệp ác, giữa Phật và ma, tuyệt đối không bao giờ được phép yếu đuối để mình làm kẻ bại trận. Nếu không thì, con đường phía trước sẽ gian nan vô cùng.