Trên thế gian, rất nhiều người vì ham món lợi nhỏ trước mắt mà mất đi cái lợi lớn. Hoặc có thể tầm nhìn của họ chỉ giới hạn ở hiện tại mà chẳng lo nghĩ đến hệ quả tương lai sau này, đó cũng là vì họ tham ngọn bỏ gốc vậy.
Một dòng suối nhỏ lặng lờ trôi, nhưng nếu không ngăn nó lại thì sẽ trở thành mối họa phá vỡ đê điều, gây nên hậu quả khó lường. Một đốm lửa nhỏ mà không dập tắt cũng sẽ thành đám lửa lớn cháy lan ra cả cánh rừng, kết quả ra sao chắc có lẽ ai cũng đoán biết được. Lúc còn nhỏ, nếu chúng ta có những khuyết điểm nhỏ nhặt trong cuộc sống nhưng để mặc cho nó phát triển, nếu không kịp thời uốn nắn thì sau khi lớn lên có thể biến thành tỳ vết lớn trong tính cách của mình. Vì vậy cổ đức có câu: “Chớ chê việc thiện nhỏ mà không làm”, vì phải tích lũy từ điều thiện nhỏ mới có thể góp thành điều thiện lớn. Đồng thời, cũng “đừng xem thường việc ác nhỏ mà phạm phải”, vì chất chứa nhiều điều ác nhỏ thì lâu ngày sẽ kết tụ nên điều ác lớn.
Trong cuộc sống, những ví dụ về “tham cái nhỏ bỏ cái lớn”, thì đâu đâu cũng có. Như người bị bệnh lại sợ đi khám bác sĩ nên tự ý mua thuốc về uống, kết quả khiến cho bệnh tình kéo dài dây dưa mãi không dứt, còn gây nguy hiểm đến cả tính mạng. Khi xúc phạm đến người khác lại e ngại đến một lời xin lỗi cũng không chịu nói, cuối cùng gây nên mối thâm thù đại hận. Chỉ vì tham rẻ một chút mà phải chịu mắc lừa, giống như bị ánh sáng của vàng làm cho lóa mắt, đó chính là ham một chút lợi nhỏ vậy. Hoặc vì tham tiền lời mà cho vay nặng lãi, thì đương nhiên sẽ bị trốn nợ thôi. Hay có người muốn tiết kiệm tiền nên mua xe cũ về đi, ai ngờ được nó phát sinh vô số vấn đề trục trặc, lại còn phải sửa chữa lặt vặt liên tục. Có người ham muốn hàng giảm giá chiết khấu của công ty bách hóa, nên đã mua về một đống hàng khuyến mãi, thoạt nhìn thì có vẻ như mua được hàng giá rẻ, nhưng thực chất họ đã tiêu pha một khoản tiền lớn cho món hàng kém chất lượng.
Trong gia đình, chỉ vì muốn tiết kiệm một khoản tiền nhỏ mà không chịu tu sửa nhà cửa, phòng ốc cho chắc chắn, một khi gió bão bất ngờ ập đến thì nhà cửa sụp đổ, hoang tàn đổ nát. Đối với cây cối hoa trái trong vườn cũng muốn tiết kiệm nên chẳng chịu tưới tẩm cho chúng, khiến cho vườn cây xơ xác khô cằn, đây có phải là “được cái nhỏ mà bỏ cái lớn” chăng?
Vì muốn tiết kiệm khoản tiền dự toán hơn một trăm triệu Đài tệ, mà công trình tàu điện ngầm ở Đài Bắc vẫn chưa chịu lắp đặt cửa chắn an toàn, kết quả là bị mưa bão nhấn chìm làm thất thoát mấy trăm triệu Đài tệ, đó chẳng phải là “tham bát bỏ mâm” hay sao? Hiện nay, chương trình xổ số điện toán rất phổ biến, nên mọi người trong xã hội đang mải mê đặt cược các con số rồi điên cuồng lao vào nó, vì thế mà tạo nên thói quen đam mê cờ bạc. Tuy là mua vài tờ vé số và may ra có cơ hội trúng thưởng lớn, nhưng rốt cuộc lại đánh mất đi phẩm cách chất phác đáng quý của mình, đó chính là “vì lợi mất nghĩa”, mà ngay cả chính mình cũng không hay biết.
Trong Bách dụ kinh cũng có câu chuyện “đốt trầm lấy than”1 hay “giết con thành gánh”1, đây đều là việc làm của kẻ ngu si, đã gây nên hậu quả “tham tài bỏ đức”, chính là “trộm gà không được còn mất thêm nắm thóc”, hoặc “mất cả phu nhân còn hao binh tổn tướng”. Cũng giống như “con khỉ nhặt đậu”2 vì ham nhặt một hạt đậu bị rơi mà đánh mất cả nắm đậu trong tay, đây quả là những việc không đáng chút nào!
1 Thuở xưa, có người lặn lội ra biển tìm trầm hương, trải qua nhiều năm tháng mới được một xe đem về bày ra chợ để bán. Vì giá cao nên bán không được, chàng rất băn khoăn trong tâm khổ sở vô cùng. Bây giờ thấy nhiều người gánh than ra chợ bán, vừa gánh ra là có người mua. Chàng tự nghĩ: “Ta đem trầm hương đốt thành than, đem bán chắc đắt lắm”. Thế rồi chàng đốt hết trầm hương thành than gánh ra chợ bán, quả nhiên bán chạy vô cùng. Nhưng giá tiền một xe trầm hương không bằng giá tiền của nửa xe than củi.
Trong tâm mỗi người chúng ta đều có một kho báu vô hạn. Bạn có thể thành Phật làm Tổ, được giải thoát tự do tự tại, hay có thể đoạn trừ phiền não và thoát khỏi vòng sinh tử, nhưng vì một chút niềm vui đối với ngũ dục mà khiến cho bụi trần che phủ đi chân như Phật tính của chính mình. Vì vậy, làm cho kho báu trong bạn không có cơ hội hiển hiện ra được. Cái gọi là “chút mật ngọt trên lưỡi dao sẽ là mối họa đứt lưỡi”, tham ngọn bỏ gốc chẳng phải cũng như thế hay sao!
1 Thuở xưa, có người nuôi bảy đứa con, trong số ấy có một đứa chết, anh để thi hài trong nhà rồi tự mình và cả gia đình bỏ nhà đi nơi khác. Người láng giềng thấy thế hỏi rằng: “Sao anh không đem đứa con đã chết của anh ra ngoài mai táng, mà lại bỏ nhà đi? Hành vi như thế rất là dại dột”. Anh nghe xong, trả lời: “Người chết phải đem ra ngoài mai táng, đúng hay sai chẳng cần, vậy có thể bảo cho tôi biết phải làm cách nào không? Than ôi! Chỉ có cách là giết thêm một đứa nữa, mới có thể thành gánh, gánh đi chôn”. Kết quả, anh giết một đứa con nữa để cùng đứa con đã chết, rồi chất thành một gánh, mang lên chôn trên núi cao.
2 Có một con khỉ trong tay nắm một nắm đậu, do không cẩn thận nên làm rớt một hạt. Vì muốn lượm hạt đậu kia, nó bèn bỏ hết những hạt còn lại trong tay, cố sức lượm hạt vừa rớt. Kết quả là mất hết tất cả những hạt đậu, do bị gà vịt ăn hết.