K
hi mô lên vãn cảnh những ngôi chùa ở Huế, được ngồi lại dùng cơm chay với quý thầy cũng thấy ngon cả. Vẫn là mấy món chay quen thuộc nhưng ngồi ở nhà ăn của chùa lại thấy ngon miệng hẳn. Có lẽ là do cảnh quan, không khí thanh tịnh, yên ả của ngôi chùa Huế. Ngồi ăn cơm mùa mưa, được ngắm những hàng mưa đổ trắng đều xuống mái ngói liệt róc rách tựa một bức tranh; mùa nắng thì được nghe tiếng chim lách chách sau vườn hay có khi cả tiếng kêu nắng của lũ ve kim nữa.
Nhưng không chỉ có thế. Có những lần lên chùa Quảng Tế, ở lại dùng cơm chiều, tôi được Hòa thượng trụ trì kêu vô ngồi cùng mâm với tăng chúng. Ôn ngồi giữa, phía đầu bàn ăn. Trước khi ăn, Ôn thường kể một câu chuyện, có thể là chuyện xưa, có thể là chuyện nay, nhưng mỗi câu chuyện đều là một bài học về đạo về đời cho các đệ tử. Tôi nhớ có lần, chuyện Ôn kể thật vui, thật đời, làm cả thầy và trò cùng cười chan hòa, sau đó mới nhẹ nhàng ăn cơm. Bữa cơm chay thanh tịnh mà ý vị và đầy tình thân...
Hồi trước, nhà tôi cũng ăn chay vào các ngày rằm và mồng một mỗi tháng. Ăn chay ở quê nghèo chỉ có mấy món cây nhà lá vườn nhưng phải có xì dầu. Ở Huế, xì dầu còn có tên gọi khác là vị tâm. Tôi vẫn thường được mạ sai đi mua vị tâm về ăn chay. Khi thì qua chùa mua vị tâm của mụ Thẻo, khi thì qua mua vị tâm của o Gái xóm bên cạnh. Tôi có cái tật xấu là khi mô đi giữa đường cũng thử nếm mấy hớp vị tâm. Mà hồi đó không biết răng cái vị của vị tâm nó thấm tháp chi lạ, có lẽ do vị tâm được sản xuất theo phương thức thủ công truyền thống chứ không phải bằng máy móc hiện đại như bây chừ. Nhớ những ngày ăn chay thuở nhỏ là nhớ món rau muống bóp với đậu phụng của mạ. Món đó tôi ăn say mê không biết chán vì nó thơm mùi rau quế, béo vị đậu phụng và ngọt lành rau muống non vườn nhà… Rồi có những lần mạ mua được mấy miếng mít non, về luộc lên chấm với vị tâm hoặc bóp ăn cũng thiệt là ngon...
Tôi cũng nhớ những ngày thơ bé cứ qua chùa làng chơi là được mụ Thẻo, một người làm công quả cho chùa làng, kêu vô cho ăn cơm chay. Lần đầu tiên tôi biết mùi chao là từ bữa cơm ở chùa làng. Vừa nếm mùi chao tôi đã bưng miệng chạy ra sân... Nhưng cũng chỉ sau lần đó, tôi đã biết ăn chao và thậm chí là rất thích ăn món chao do mụ Thẻo làm… Còn nữa là vị của tương cũng chính từ tay mụ Thẻo chế biến, món tương có thể chan với cơm ăn hoặc có thể dùng để chấm với rau khoai hay rau muống luộc...
Mụ Thẻo đã khuất núi hơn chục năm rồi. Cách đây mấy hôm, về thăm chùa làng, tôi được sư thầy trụ trì chùa Đại Lộc mời cơm chay. Thầy nói: “Rau khoai hay mướp đắng là của vườn chùa. Mấy trái ớt ni là của mấy o phật tử ở thôn Nhất Đông tặng cho thầy...” Tôi ngồi ăn ngon lành và chợt thấy mình bé lại, như mới ngày nào được ăn cơm chay với món chao, tương và vị tâm của mụ Thẻo...