V
ị Giám Đốc Một Phút cũng đồng ý rằng trong số những “con khỉ” hiện đang ở trong văn phòng của tôi, cũng có một vài con thực sự là của tôi. Nhưng cả hai chúng tôi đều không thể phủ nhận một sự thật rằng những “con khỉ” còn lại đều không phải là của tôi và tôi không nên mang chúng về văn phòng của mình như thế.
Mọi chuyện hệt như một cái vòng luẩn quẩn. Khi tôi tự nguyện nhận “con khỉ” mà lẽ ra người khác phải “chăm sóc”, thì mọi người lại ngầm hiểu rằng đó là vì tôi thích “khỉ”. Và thế là, một cách tự nhiên thôi, tôi càng vơ vào mình nhiều bao nhiêu thì họ lại càng đưa thêm cho tôi nhiều bấy nhiêu. Chẳng mấy chốc tôi bị chìm ngập trong những công việc không phải của mình, mà khối lượng công việc đó còn nhiều hơn cả khối lượng công việc mà lẽ ra tôi phải giải quyết trong một ngày làm việc bình thường (thực hiện tất cả những yêu cầu của cấp trên và xử lý các công văn đến từ những phòng ban khác), vậy mà những “con khỉ” vẫn không ngừng ập đến.
Thế nên tôi bắt đầu tạm thời “mượn” thời gian trong cuộc sống riêng tư của mình: thời gian dành cho những sở thích cá nhân, thời gian dành cho các hoạt động thể dục thể thao, thời gian dành cho các hoạt động xã hội, thời gian đi lễ nhà thờ, và thậm chí thời gian cho chính gia đình mình nữa. (Tôi đã tự ngụy biện với chính bản thân mình rằng: Thôi thì thời gian dành cho gia đình tuy ít nhưng chất lượng hơn thì cũng chẳng sao.)
Cứ thế, cứ thế, tôi dần đi đến mức hầu như không còn bất cứ thời gian trống nào nữa, song văn phòng tôi vẫn cứ tiếp tục, tiếp tục xuất hiện những “con khỉ”.
Tôi bị quá tải!
Khi ấy là thời điểm mà tôi cảm thấy hoang mang và bắt đầu suy nghĩ về những công việc mà mình đang làm. Tôi phân vân trong các quyết định của mình và trở nên chậm chạp hẳn. Tôi luôn trong trạng thái chần chừ còn nhân viên của tôi thì chờ đợi. Cả hai đều không làm gì cho những “con khỉ” kia. Tất cả đều nỗ lực gấp bội, nhưng lại chẳng cần thiết chút nào!
Sự chậm chạp ấy đã biến tôi trở thành nguyên-nhân-gây-đình-trệ công việc của nhân viên tôi. Bị tôi cản trở, họ lại trở thành nguyên nhân gây ách tắc cho những phòng ban khác. Đến khi những phòng ban đó than phiền với tôi về sự trì trệ đó, thì tôi, lại một lần nữa, hứa sẽ xem xét và có phúc đáp cho phía họ.
Càng lúc, thời gian của tôi chủ yếu dành để giải quyết những “con khỉ” của các phòng ban khác, khiến cho thời gian dùng để giải quyết những “con khỉ” của nhân viên tôi càng trở nên ít ỏi.
Cho đến khi sếp tôi nghe loáng thoáng rằng bộ phận mà tôi quản lý đang hoạt động không hiệu quả, thế là bà bắt đầu yêu cầu tôi viết báo cáo. Những “con khỉ” từ cấp trên nhảy lên lưng tôi dĩ nhiên sẽ được ưu tiên hơn tất cả những “con khỉ” còn lại. Thế là quỹ thời gian vốn đã hạn hẹp của tôi lại càng thu nhỏ hơn nữa.
Nhìn lại những công việc còn nhiều ngổn ngang đó, tôi giật mình khi nhận ra rằng mình chính là nguyên nhân sâu xa của sự tắc nghẽn trong tổ chức, rằng mình đã gây ra biết bao nhiêu rắc rối cho chính bản thân và cho bao người khác nữa.
Dĩ nhiên, vấn đề lớn hơn chính là “cái giá của cơ hội”. Khi dành hết ngần ấy thời gian để xử lý “con khỉ” của người khác có nghĩa là tôi đã không còn cơ hội để được làm công việc của chính mình. Tôi không chủ động, mà tôi chỉ đang phản ứng. Tôi phản ứng lại mọi việc một cách cứng nhắc, ai đẩy tới đâu thì tôi phản ứng tới đó. Tôi làm việc không khác gì một cái máy.