T
hậm chí tôi còn đăng ký tham dự những buổi hội thảo chuyên đề về cách thức quản lý. Nhưng thành thật mà nói, tôi nhận thấy các khóa học đó thậm chí còn làm cho mọi thứ trở nên tệ hơn. Điều đầu tiên, việc tham dự khiến tôi phải tạm gác lại mọi việc trong hai ngày. Thêm nữa, mặc dù nó cũng giúp tôi làm việc có hiệu quả hơn một tẹo, nhưng suy cho cùng thì sự gia tăng hiệu suất đó chỉ đơn thuần khiến tôi có thêm nhiều việc hơn - bởi vì bất kể tôi có cố gắng đến đâu đi chăng nữa, thì vẫn luôn có thêm bấy nhiêu công việc mới khác tiếp tục xuất hiện.
Rồi kế đến là những nhân viên thuộc cấp, bất cứ khi nào gặp tôi, bất kể là ở đâu - đại sảnh, thang máy, bãi đậu xe, hay trong quán cà phê – lúc nào họ cũng luôn có cái gì đó để hỏi ý kiến tôi trước khi tự mình bắt tay vào giải quyết công việc của chính họ. Tôi đoán đó chính là lý do tại sao mà tôi luôn phải làm việc thêm giờ, trong khi họ thì không.
Nếu tôi để ngỏ cửa phòng làm việc của mình, họ chắc chắn sẽ không ngần ngại bước vào, thế nên tôi thường khép cửa phòng lại. Về sau tôi đã hối hận vì cách xử sự như thế bởi khi làm vậy, dường như tôi đã làm chậm tiến độ công việc của họ, và tôi cũng ngờ ngợ rằng vấn đề đó đã ảnh hưởng đến sự nhiệt tình và tinh thần làm việc của thuộc cấp.
Vị Giám Đốc Một Phút chăm chú lắng nghe bài trường ca than thở của tôi. Ngay khi tôi – cuối cùng – cũng đã kết thúc bài ca thán của mình, ông khẳng định rằng có vẻ như tôi đang là nạn nhân của Song Đề Quản Lý Cơ Bản mà những nhà quản lý thường mắc phải.
Một câu hỏi tiêu biểu thường được đặt ra là:
Tại sao lúc nào người sếp cũng có hàng tá công việc đang chờ được giải quyết, trong khi nhân viên của họ lại chẳng có việc để làm?