T
ôi cho rằng đó là một câu hỏi cực kỳ chính xác, nhất là khi nhìn lại vấn đề của bản thân, tôi nhận ra rằng các nhân viên dưới quyền đang chiếm một phần không nhỏ trong quỹ thời gian của tôi.
- Nhưng, - tôi nhận xét - có lẽ tôi không nên than phiền về những người mà lúc nào cũng cứ cần tôi suốt như thế. Theo cái cách mà mọi chuyện đang diễn tiến thì trở-nên-không-thể- thay- thế sẽ an toàn hơn cho vị trí của tôi.
Nghe đến đây, Vị Giám Đốc Một Phút bất ngờ phản đối nhận định của tôi. Ông giải thích rằng việc trở thành người-giám-đốc-không-thể-thay-thế thật ra là một cách làm không những không hiệu quả mà thậm chí còn rất nguy hiểm nữa. Bởi theo một cách nào đó, những người tự cho rằng họ là không thể thay thế được, rằng không ai có thể thực hiện tốt tất cả công việc ở vị trí của họ hơn chính bản thân họ, đang cản trở sự tiến bộ của người khác.
Lời giải thích của ông khiến tôi nhớ lại cuộc đối thoại sau cuối của tôi với Alice. Rõ ràng là bà đã không hề nghĩ rằng tôi là”không thể thay thế được”. Trên thực tế, hễ tôi càng nghĩ về điều đó nhiều bao nhiêu thì tôi lại càng nhận ra rằng nếu tôi không sớm giải quyết vấn đề của chính mình thì cuộc đối thoại tiếp theo giữa tôi với Alice sẽ là về vấn đề hoạch định công việc cho ... chính tôi.
Tại sao không chứ?? Vì… nếu tôi không thể quản lý tốt công việc hiện tại của tôi thì có lẽ tôi không nên tiếp tục làm giám đốc.
Và đó chính là điểm mà Vị Giám Đốc Một Phút đã làm tôi kinh ngạc suốt bữa ăn trưa, với những lời chẩn đoán chính xác đến kinh ngạc (dĩ nhiên là chỉ đối với tôi thôi) về vấn đề tôi đang gặp phải.
Trước tiên ông gợi ý rằng chính thái độ, chính cách thức mà tôi đã cố gắng sử dụng để giải quyết vấn đề – chẳng hạn như làm thêm giờ, tham dự các buổi huấn luyện, hội thảo, nói chuyện chuyên đề – không thể nào giúp tôi tìm ra được căn nguyên của vấn đề. Ông nói rằng cách làm đó in hệt như khi con người ta cố gắng uống aspirin để hạ nhanh cơn sốt nhưng lại lờ đi, lại mặc kệ, không chú trọng chạy chữa nguyên nhân thật sự nguồn cơn gây nên cơn sốt đó – một căn bệnh tiềm ẩn. Và như một hệ quả tất yếu, vấn đề trở nên ngày một tồi tệ hơn.
Tôi chợt liên tưởng đến một cách suy nghĩ khá phổ biến: “Tôi không muốn nghe ai đó nói rằng tất cả những việc tôi đã làm, rằng tất cả những nỗ lực trước đây của tôi, chỉ khiến cho vấn đề càng trở nên tồi tệ hơn. Xét cho cùng, nếu tôi không làm gì cả thì chẳng phải là tôi sẽ càng bị tụt lại hơn sao?”.
Tôi không chịu thừa nhận, tôi cảm thấy khó chịu trước lời “chẩn đoán” của người bạn già, nhưng cơn giận dữ đó nhanh chóng vụt tắt khi những câu hỏi thăm dò của ông đã chỉ ra một sự thật rằng từ khi tôi được bổ nhiệm, cả kết quả công việc lẫn năng lực của nhân viên trong công ty tôi hầu như không thay đổi – mà điều duy nhất thay đổi chính là vị trí công việc của tôi!
Và một sự thật bất chợt vụt lên trong tâm trí tôi. Như thành ngữ của Pogo đã nói:
Tôi đã nhìn thấy kẻ thù rồi - đó là chính tôi.
Đến đây, tôi chợt nhớ đến một câu chuyện kể lại một nhóm đồng nghiệp cùng ăn cơm trưa với nhau. Tất cả họ đều mang theo cơm hộp. Có một lần, khi mở hộp cơm mà mình mang theo, một người chợt thốt lên:
- Lại là bánh mì thịt xông khói! Mình đã phải ăn món này liên tục bốn ngày nay rồi!
Một đồng nghiệp của anh ta trấn an:
- Bình tĩnh! Bình tĩnh! Sao anh không bảo vợ làm món khác?
- Vợ ư? - Người ấy ngạc nhiên hỏi lại. – Món bánh mì đó là do tôi tự làm đó chứ!
Buổi trò chuyện của chúng tôi lại tiếp tục. Sau cùng, Vị Giám Đốc Một Phút kết luận:
- Vấn đề của cậu chính là... NHỮNG CON KHỈ!
- KHỈ ư? Thế nghĩa là sao?
Vị Giám Đốc Một Phút bật cười và cho tôi một định nghĩa thật mới lạ về “KHỈ”:
“Con khỉ” không chỉ đơn thuần là kế hoạch hay vấn đề cần được giải quyết, mà còn là bất kỳ “bước-hành-động-kế-tiếp” nào phát sinh.