Vỉa hè nói lên rất nhiều điều về bản chất của cuộc sống đô thị. Một mặt, chúng đóng vai trò là cơ sở hạ tầng thuận tiện cho việc kết nối, giúp người đi bộ đi từ các bãi để xe, bến xe buýt hay cổng tàu điện ngầm tới các văn phòng và cửa hàng một cách an toàn và nhanh chóng. Mặt khác, vỉa hè cũng có vai trò là địa điểm tương tác, nơi diễn ra mọi hình thức giao tiếp từ chợ cóc đến các hoạt động nghệ thuật hay những cuộc trò chuyện hàng xóm láng giềng.
Chú thích:
* Bài viết đã được biên tập và đăng trên báo Vietnam News vào ngày 20 tháng 12 năm 2017.
Vỉa hè Hà Nội có đầy đủ các đặc điểm của cả hai phương diện. Sự đa dạng này có liên quan đến cách bố trí các khu phố hoàn toàn khác nhau nhưng lại nằm kề bên nhau. Mê cung hỗn loạn của khu phố cổ được hình thành từ những lối đi nhỏ trong làng rồi dần dần chuyển thành phố. Cách đó vài ngã tư là khu phố Pháp với thiết kế hình học, theo nguyên tắc quy hoạch đô thị của thời kỳ Khai sáng. Xa thêm một chút nữa là những đường cao tốc và đại lộ thênh thang phản ánh tầm nhìn đầy tham vọng của một đô thị lớn ở châu Á.
Những vỉa hè mới xung quanh các đại lộ và đường cao tốc hiện đại của Hà Nội rất vô vị và thiếu sức sống. Nhiều tòa nhà công sở, trung tâm mua sắm và khu chung cư mọc lên như nấm dọc theo những trục giao thông này. Trong cấu trúc đô thị mới, nơi nghỉ ngơi của người dân tách biệt với nơi làm việc, với đường phố và vỉa hè chỉ dùng để kết nối hai đầu.
Mặt khác, vỉa hè ở những khu vực truyền thống của thành phố lại chứa đựng một cá tính mạnh mẽ, tạo nên vẻ độc đáo riêng cho Hà Nội. Sức sống của chúng gắn liền với đặc điểm pha trộn chức năng của các khu vực xung quanh: người dân vừa nghỉ ngơi, vừa làm việc ở các con phố trong khu phố cổ và khu phố Pháp. Thường thì họ sinh hoạt như vậy trong cùng một căn nhà, tầng một là nơi buôn bán làm ăn, còn các tầng trên là chỗ ở.
Không nghi ngờ gì: vỉa hè truyền thống của Hà Nội có thể rất lộn xộn, ngoài việc là nơi mọi người có thể tùy ý tạt vào để dựng xe máy, đó còn là nơi diễn ra vô số những sinh hoạt mà ở những thành phố khác người ta chỉ thực hiện ở trong nhà. Thường thấy nhất là nấu nướng và ăn uống. Giữa mù mịt khói xe và bụi đường, khó mà tin được rằng có quầy thức ăn đường phố nào có thể vượt qua được cuộc kiểm tra cơ bản về vệ sinh an toàn thực phẩm. Người ta rửa hàng trăm chén bát ly cốc chỉ với một xô nước, chỉ riêng việc đó cũng đủ khiến nhiều người khiếp sợ, ít nhất là đối với người nước ngoài.
Người dân sinh hoạt trên vỉa hè ngõ Tạm Thương, Hà Nội
Cùng với đó, vỉa hè truyền thống của Hà Nội cũng rất quyến rũ. Chẳng mất nhiều thời gian để người ta nhận ra rằng đồ ăn vỉa hè cũng ngon không kém đồ ăn ở những nhà hàng tinh tế nhất, nếu không muốn nói là ngon hơn. Tiêu chuẩn về vệ sinh có thể không được hoàn hảo, nhưng nguyên liệu chế biến thì thường tươi ngon đến mức vấn đề này trở nên không quá quan trọng. Và mặc dù xung quanh có vẻ lộn xộn, đó lại chính là cửa sổ mở ra cuộc sống thường nhật hấp dẫn của nhiều người dân Hà Nội, những người yêu thích vỉa hè hơn là căn phòng chật chội của họ. Những người bán hàng rong đang lao động kiếm kế sinh nhai, những người mẹ dỗ con ăn, những người đàn ông chơi cờ tướng, những cụ già đi dạo trong bộ quần áo ngủ…
Trong hơn tám năm sống ở Hà Nội, từ năm 2002 đến 2010, tôi chưa bao giờ cảm thấy mệt mỏi khi đi dạo xung quanh, tận hưởng sức sống đường phố và ghi lại những nét văn hóa của thành phố ở mọi ngã rẽ. Mặc cho sự phát triển của nền kinh tế, nhiều hoạt động buôn bán hồi đó vẫn diễn ra trên đường phố. Từ rổ rá đến than củi, từ hoa quả đến đồ gốm sứ, từ giày dép đến chăn chiếu… gần như tất cả mọi thứ đều có thể được vận chuyển trên những chiếc xe thồ, xe đạp hay xe máy và rao bán dọc đường. Vỉa hè Hà Nội là những khu chợ nhộn nhịp, là nơi thuận tiện để người ta mua mớ rau, cắt tóc hay sắm một chậu cây cảnh. Và chúng vẫn như vậy cho đến ngày nay.
Cuốn sách Hanoi Promenade (Hà Nội, một chốn rong chơi) của tôi là kết quả của những ngày lang thang vô tận trong những năm tháng đó. Các chương sách được sắp xếp theo thứ tự ngẫu nhiên, gợi nhớ đến tính chất lộn xộn của vỉa hè thành phố. Một người đi dạo ở Hà Nội sẽ liên tục “nhảy” từ khung cảnh này sang khung cảnh khác mà không có logic rõ ràng nào: từ những con phố thanh lịch rợp bóng cây đến những con đường cực kỳ hỗn loạn, từ phong cách Beaux Arts kiểu Pháp đến phong cách Xô viết, vừa đi qua một khu chợ ồn ào lại đến ngay một nơi thờ cúng tôn nghiêm. Trình tự này thật sự không ảnh hưởng chút nào đến niềm vui thích của những cuộc rong chơi.
Ngày nay, có nhiều cuộc tranh luận về việc nên làm gì với vỉa hè Hà Nội. Nhiều người muốn chúng gọn gàng giống như ở Singapore, một trong những thành phố hiệu quả nhất trên thế giới. Và ở mức độ nào đó thì điều này đang xảy ra. Khi những tòa nhà cao tầng hiện đại thay thế cho các khu dân cư truyền thống vốn được hình thành giữa các khu sinh hoạt và các cửa hàng buôn bán nhỏ lẻ, thì sức sống của vỉa hè Hà Nội đã biến mất. Chỉ cần đi dạo qua mặt trước tòa nhà Pacific Place trên phố Lý Thường Kiệt rồi vòng sang mặt sau trên phố Trần Hưng Đạo, là đủ để thấy việc đảo lộn hệ sinh thái đô thị có thể dễ dàng như thế nào. Có người cho rằng đương nhiên là khi thành phố phát triển, vỉa hè sẽ mất đi vai trò là nơi giao tiếp xã hội, và chỉ còn là cơ sở hạ tầng giúp kết nối từ nơi này sang nơi khác. Nhưng điều này có xảy ra hay không là một lựa chọn, chứ không phải là tất yếu. Trong khi Singapore chọn vỉa hè là cơ sở hạ tầng kết nối, thì ở châu Âu việc gìn giữ không gian công cộng với vai trò là điểm giao thoa xã hội lại là một trong những ưu tiên hàng đầu của chính sách phát triển đô thị.
Người ta thường có xu hướng nghĩ rằng khi các thành phố phát triển, vỉa hè chắc chắn sẽ mất đi vai trò là nơi giao tiếp xã hội và ngày càng gần hơn với vai trò là cơ sở hạ tầng kết nối thuận tiện. Nhưng điều này có xảy ra hay không lại là vấn đề của sự lựa chọn, chứ không phải là tất yếu. Trong khi Singapore đã đi theo hướng giao thông hiệu quả thì việc ủng hộ vai trò trở thành nơi giao tiếp xã hội của không gian công cộng là một ưu tiên hàng đầu trong chính sách phát triển đô thị trên toàn châu Âu.
Ví dụ điển hình là Barcelona, đây được coi là một trong những thành phố hiện đại và sôi động nhất thế giới. Một kế hoạch đầy tham vọng nhằm giảm lưu lượng ô tô bằng việc chuyển hơn một nửa các tuyến phố dành cho ô tô thành những citizen spaces (không gian dành cho người dân). Kế hoạch này dựa trên ý tưởng về những superblock (siêu khối), là những khu vực dân cư nhỏ được quy hoạch xung quanh các tuyến giao thông. Một nhà đấu tranh cho thành phố đã nói rằng: “Kế hoạch này đúc kết tinh hoa của sinh thái đô thị […] Mục tiêu của chúng tôi là biến Barcelona thành một thành phố đáng sống. Ngoài ra, cũng như bất cứ thành phố Địa Trung Hải nào, nơi cư dân dành nhiều thời gian trên đường phố, nên những con phố phải luôn là ngôi nhà thứ hai của họ, hoặc là phần mở rộng của mỗi căn nhà”.
Hà Nội cũng có một bước chuyển mình mạnh mẽ theo hướng Barcelona hơn là Singapore. Vào cuối tuần, các con phố xung quanh hồ Hoàn Kiếm đã trở thành phố đi bộ, và trong 48 giờ vui vẻ đó, chúng tràn đầy sức sống. Những phụ nữ tập thể dục, những đôi nam nữ khiêu vũ, trẻ con đạp xe, các nghệ sĩ biểu diễn… Có thể thấy rõ sự ủng hộ nhiệt tình của người dân đối với sáng kiến tuyệt vời này của chính quyền. Người dân Hà Nội có thể tán thưởng vỉa hè giống Singapore, nhưng dường như sâu trong trái tim họ thật sự yêu thích không khí của vỉa hè truyền thống, và vì thế mà họ nên ủng hộ các sáng kiến để bảo vệ những điều này.