Vào dịp kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động năm 2017, hàng nghìn người đã nô nức dạo chơi phố sách mới khai trương của Hà Nội. Được thiết kế dựa trên mô hình thành công của đường sách Nguyễn Văn Bình ở TP. HCM, sáng kiến này của Hà Nội đã tập hợp 16 nhà xuất bản và nhà phát hành trên một thiết kế quy hoạch hấp dẫn cùng với những băng ghế dài, cây xanh và các quán cà phê. Vị trí của phố sách nằm trên phố 19/12, đoạn giao cắt giữa phố Hai Bà Trưng và phố Lý Thường Kiệt, kế bên khách sạn Melia. Các phương tiện truyền thông đã tỏ ra phấn khích khi gọi quãng đường 100 mét này là “không gian sống của văn hóa đọc”.
Chú thích:
* Bài viết đã được biên tập và đăng trên trang VNExpress ngày 30 tháng 01 năm 2018 và đăng lại trên trang REDSVN.
Hiện nay, phố sách 19/12 gần như vắng bóng người, và cũng chính những tờ báo đã từng tung hô nó thì giờ lại đăng những dòng tiêu đề như: “Vắng khách, các gian hàng kêu cứu”, “Phải chăng phố sách Hà Nội sẽ chết?”.
Chỉ trong vỏn vẹn tám tháng, điều gì đã dẫn đến thay đổi đột ngột như vậy? Lý do gì khiến phố sách 19/12 đang gần như chết dần chết mòn? Một số lời giải thích được đưa ra, nhưng hầu như đều không thật sự thuyết phục.
Lời giải thích dễ được chấp nhận nhất liên quan đến Internet. Trong thời đại truyền thông kỹ thuật số, mọi người dành sự quan tâm cho sách giấy ít hơn nhiều so với trước kia. Hầu hết mọi thứ đều có thể tìm thấy trên web, thường là miễn phí… vậy cần gì phải mua sách in? Hoàn cảnh đã thay đổi không còn như thời bao cấp, khi mà người Hà Nội dù tiệm cận với đói nghèo vẫn sẵn sàng bỏ tiền thuê sách theo tuần chỉ để có được cái nhìn thoáng qua về một thế giới rộng lớn hơn mà họ không thể chạm vào. Bây giờ thì mọi thứ đều có thể được tải về!
Quả thực là mối quan hệ với sách đã thay đổi theo thời gian. Với những người ở thế hệ chúng tôi, việc đọc gần như là một trải nghiệm thể chất. Chúng tôi cần cầm cuốn sách trên tay, lật qua lật lại, đặt nó lên ngực khi nằm thư giãn giữa hai lượt chú tâm đọc, vuốt ve các trang sách và ghi chú lên lề của chúng. Như thể cuốn sách là một người bạn đời được khao khát. Thế hệ trẻ ngày nay dường như thoải mái hơn với thứ “tình ảo” chóng vánh, với những cú click chuột và trượt màn hình dễ dàng thay cho việc cầm và chạm.
Nhưng lời giải thích này không thuyết phục vì cách đó chưa đầy 1km, những hiệu sách không hợp lệ trên phố Đinh Lễ lại rất nhộn nhịp. Cái chết của chúng đã được tiên đoán khi phố sách 19/12 khai trương vào tháng 5 năm 2017, nhưng vòng quay may rủi đã đảo chiều, phố Đinh Lễ vẫn bán được rất nhiều sách giấy. Bản cứng của tình yêu (dành cho sách) dường như vẫn chưa hề cạn kiệt.
Có một cách giải thích khác đề cập tới yếu tố đa dạng. Với hình thức thuê sách ở thời bao cấp, hay mua sách lậu trên phố Đinh Lễ, người Hà Nội không bị hạn chế trong việc lựa chọn nhà xuất bản. Sách từ mọi nguồn nằm cùng nhau trên kệ, hoặc xếp chồng lên nhau trên sàn nhà theo thứ tự lộn xộn nhất có thể. Đó gần như là một cuộc truy hoan về mặt nội dung. Người dân Hà Nội cũng thường đổ xô đi mua sách tính theo cân với số lượng lớn, với tất cả các đầu sách lẫn lộn. Ngược lại, các hiệu sách trên phố 19/12 được tổ chức ngăn nắp theo từng đơn vị xuất bản. Cách tiếp cận việc đọc một cách có trật tự như vậy dường như kém hấp dẫn hơn so với viễn cảnh tìm thấy tất cả những cuốn sách hay ở cùng một nơi.
Nhà sách Mão - nhà sách đầu tiên của phố Đinh Lễ
Tuy nhiên cách lý giải này cũng không thỏa đáng. Đường sách ở TP. HCM được tổ chức theo cùng một nguyên tắc như ở Hà Nội. Mỗi gian hàng trên con phố đó được phân bổ cho một đơn vị xuất bản, và cũng không xuất hiện các đầu sách lậu hút khách. Tuy thế, phố sách của TP. HCM vẫn đang phát triển mạnh. Trong khi doanh thu của phố sách 19/12 sụt giảm nghiêm trọng thì đường sách Nguyễn Văn Bình (TP. HCM) đạt doanh thu 50 tỷ đồng trong năm 2017 (gần gấp đôi năm 2016).
Một cách lý giải dễ hiểu hơn cả là xung quanh phố 19/12 không có nhiều thứ đáng chú ý, trong khi cả phố Đinh Lễ ở Hà Nội và đường Nguyễn Văn Bình ở TP. HCM đều là những không gian đô thị hấp dẫn.
Hai con phố này đều nằm ở vị trí trung tâm của quy hoạch đô thị thời thuộc địa Pháp, với các tòa công sở duyên dáng và lối đi dạo xung quanh. Xung quanh Đường Nguyễn Văn Bình là Nhà thờ Đức Bà, cùng nhiều khu vực đi bộ hấp dẫn và Bưu điện Sài Gòn, thánh đường đích thực của kiến trúc thế kỷ 19. Cạnh phố Đinh Lễ là những tòa nhà trang trọng của Khách sạn Metropole và Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội. Thêm nữa, ở đầu bên kia phố là hồ Hoàn Kiếm, nơi được cho là không gian đô thị quyến rũ nhất Hà Nội.
Bên cạnh phố 19/12 thì… chẳng có gì. Hoặc thậm chí còn tệ hơn: có khách sạn Melia! Công trình kiến trúc đồ sộ này cùng những công trình khác như Pacific Place hay Hanoi Towers đã thay đổi tính chất năng động của vỉa hè xung quanh. Các tòa nhà này phá vỡ quy hoạch về chiều cao của khu vực lân cận, chủ yếu phục vụ người nước ngoài, và dành cho ô tô hoặc xe khách ra vào. Hầu như không có người đi bộ xung quanh.
Ở những nơi khác của Hà Nội, vỉa hè là nơi diễn ra tương tác xã hội: những người buôn bán nhỏ, bạn bè cùng nhau uống cốc bia cuối ngày, các cặp đôi tán tỉnh, hẹn hò… Nhưng vỉa hè xung quanh các tòa tháp như khách sạn Melia, Pacific Place hay Hanoi Towers hầu như vắng vẻ. Người Hà Nội thường ra ngoài đường để giao lưu và tận hưởng thành phố tuyệt vời của họ… nhưng xung quanh phố 19/12 lại không có nhiều thứ để tận hưởng. Điều này tạo nên sự khác biệt lớn so với cả phố Đinh Lễ ở Hà Nội hay đường Nguyễn Văn Bình ở TP. HCM.
Những người hoài nghi có thể nghi ngờ về nhận định này và cho rằng nó chỉ phản ánh cái nhìn lý tưởng hóa của một người nước ngoài lãng mạn vô phương cứu chữa. Nhưng các phân tích nghiêm túc về kinh tế đô thị đã khẳng định cho luận điểm này.
Trở lại những năm 1960, bà Jane Jacobs, một trong những nhà tư tưởng có ảnh hưởng nhất về vấn đề đô thị đã chỉ ra các điều kiện cần thiết để một thành phố trở nên sôi động. Đầu tiên, các khối phố phải phục vụ nhiều hơn hai chức năng, để có thể hấp dẫn mọi người với những mục đích khác nhau vào các thời điểm khác nhau trong ngày và đêm. Thứ hai, giữa các khối phố nên có mật độ giao lộ dày đặc, tạo ra nhiều cơ hội tương tác cho người đi bộ. Thứ ba, các tòa nhà nên đa dạng cả về tuổi đời và hình thức để thúc đẩy sự pha trộn giữa cư dân giàu và nghèo.
Khi Jane Jacobs viết về phát triển đô thị thì đây mới chỉ là giả thuyết, nhưng các nghiên cứu gần đây với dữ liệu hiện đại đã chứng minh cho giả thuyết của bà. Một nghiên cứu gần đây về sáu thành phố của Ý được công bố trên tạp chí uy tín MIT Review, nghiên cứu này sử dụng tần suất lưu lượng điện thoại di động trong thành phố như một chỉ số phản ánh hoạt động của người đi bộ, nó chỉ ra rằng cách người dân sử dụng không gian đô thị thực sự tương quan với mức độ sống động của thành phố. Những thành phố như Rome, nơi các không gian đô thị kết hợp nhiều mục đích sử dụng khác nhau, thì rất sôi động. Ngược lại, những thành phố như Milan, nơi phân chia các khu vực theo từng chức năng cụ thể: công nghiệp, dân cư, thương mại… thì kém sinh động hơn.
Hà Nội có nhiều đặc điểm tương đồng với Rome hơn là Milan. Nhưng những tòa nhà khổng lồ như khách sạn Melia, Pacific Place hay Hanoi Towers đã dẫn đến việc phân bổ không gian theo chức năng, giảm tính đa dạng của các nhóm dân cư theo thu nhập và khiến mật độ hoạt động trên vỉa hè giảm đi. Mọi thứ đều “chết” xung quanh những vỉa hè này, và kết cục của phố sách 19/12 cũng tương tự.
Việc thành lập phố sách là một ý tưởng tuyệt vời. Nhưng việc cho phép xây dựng những tòa tháp lớn, không có bản sắc ở vùng lõi của Hà Nội thì không.