H
elen Keller từ nhỏ đã có thính giác rất tốt, khuôn miệng linh hoạt, bố mẹ còn mong cô sẽ đi theo con đường âm nhạc. Nhưng khi một tuổi rưỡi, biến chứng từ trận sốt cao dẫn đến viêm màng não đã cướp đi của cô cả thính lực và thị lực, sau đó cô còn mất đi khả năng biểu đạt ngôn ngữ. Sau biến cố khủng khiếp đó, Helen Keller như rơi vào ngục tối không lối thoát.
Năm lên bảy tuổi, bố mẹ mời về một vị gia sư giúp cô học tập. Nhưng, Helen Keller không thể nhìn thấy, cũng không thể nghe thấy, làm sao mà học đây? Vị gia sư bèn nghĩ ra một cách, trước tiên, lấy cho Helen Keller một con búp bê để cô chơi, sau đó viết chữ “búp bê” vào trong lòng bàn tay cô, như vậy, Helen Keller có thể hiểu được nghĩa của từ “búp bê”.
Helen Keller nhanh chóng thích nghi với cách học này. Cứ như vậy, cô ghi nhớ từng từ, từng từ một, kiến tha lâu đầy tổ, Helen Keller đã học thêm được rất nhiều từ.
Sau này, cô còn học được cách nói, thậm chí còn tốt nghiệp Học viện Radcliffe (Mỹ), với thành tích loại ưu, trở thành một nhà văn, nhà giáo dục, nhà hoạt động xã hội, diễn giả nổi tiếng với kiến thức uyên bác, biết 5 loại chữ viết gồm tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Latin và tiếng Hy Lạp. Helen Adams Keller là người khiếm thị, khiếm thính đầu tiên giành học vị Cử nhân Nghệ thuật và từng được tạp chí Time xếp vào danh sách 100 nhân vật tiêu biểu của thế kỷ 20.
Cô đi khắp nước Mỹ và nhiều nơi trên thế giới, kêu gọi quyên góp, gây quỹ giúp đỡ người khiếm thị, dành cả cuộc đời cống hiến cho quyền lợi và sự nghiệp giáo dục của người khiếm thị. Sự nỗ lực phi thường của Helen Keller đã trở thành nguồn cảm hứng cho rất nhiều người khuyết tật trên thế giới.
(Nguồn, hình ảnh: Sưu tầm)
Bài học trưởng thành
Việc học hoàn toàn không đáng sợ. Bạn thấy đấy, đến Helen Keller cũng có thể làm được, tin chắc rằng các bạn cũng vậy, cũng có thể chiến thắng mọi khó khăn trong học tập. Từ câu chuyện này, chúng ta cũng biết rằng có rất nhiều cách để học. Nếu phương pháp của bạn hiện tại không hiệu quả, tại sao không thử tìm một phương pháp khác?