T
ả Tư là một nhà văn nổi tiếng thời Tây Tấn (Trung Quốc). Gia cảnh ông vốn không khá giả gì. Cha ông giữ chức quan nhỏ và luôn hi vọng ông lớn lên trở thành nhân tài có ích. Nhưng hồi nhỏ, Tả Tư rất chậm chạp, đầu óc không linh hoạt, lại còn ham chơi.
Cha dạy ông đọc sách, ông nhìn thấy sách là chán, dạy ông học thư pháp, học đàn, học một thời gian nhưng vẫn chẳng môn nào khá, thậm chí còn không bằng cô em gái. Lâu ngày, cha mẹ thất vọng về ông, mọi người xung quanh đều coi thường ông.
Một hôm, nhà Tả Tư có khách đến chơi. Cha ông và khách ngồi nói chuyện trong thư phòng. Khi khách hỏi về tình hình học tập của Tả Tư, cha ông tỏ vẻ buồn phiền, thở ngắn than dài rằng: “Thằng bé này học kém, kém xa tôi hồi nhỏ, tôi nghĩ sau này cũng chẳng làm nên trò trống gì.” Đúng lúc này Tả Tư đi qua thư phòng và nghe thấy câu nói đó. Tả Tư cảm thấy đau nhói như có kim châm trong lòng. Nhiều ngày sau, ông rơi vào trạng thái trầm tư, buồn bã, ít nói ít cười, cũng không ham chơi như mọi khi. Tả Tư suy đi nghĩ lại lời nói của cha, ông ý thức được rằng làm người cần phải có chí khí, quyết không được để người khác coi thường.
Ông quyết tâm nỗ lực học tập. Từ ngày hôm đó, ông nhốt mình trong phòng, ra sức đọc sách, luyện tập viết văn chương.
Hằng ngày, ông đặt ra nhiệm vụ học tập rất nặng cho mình, không hoàn thành thì quyết không ra khỏi phòng. Có lúc ông cùng em gái luyện thư pháp, học làm thơ, cùng thảo luận các vấn đề. Suy nghĩ của ông dần được mở mang, đầu óc cũng ngày một thông suốt.
Hóa ra đọc sách cũng như ăn mía, càng ăn càng thấy ngọt, càng ăn càng muốn ăn và ông thì càng đọc sách nhiều, càng muốn đọc tiếp, càng đọc lại càng thích thú. Trước đây Tả Tư hễ nhìn thấy sách là chán ghét, giờ thì mỗi khi có một quyển sách mới, ông lại hoan hỉ cứ như có được vật báu. Ông nói với bản thân: “Mình nhất định phải bù đắp lại thời gian đã mất, người khác đọc một lần, mình sẽ đọc hai lần, như vậy liệu còn sợ không có tiền đồ không?”
Người xưa nói: Hoa mai thơm khi sống tại chốn giá lạnh. Tả Tư khi còn thanh niên đã học rộng tài cao, văn thơ cũng viết rất hay. Sau này, ông dành cả 10 năm để viết tác phẩm nổi tiếng Tam Đô phú. Do bài viết quá xuất sắc, người ở thành Lạc Dương tranh nhau sao chép, gây nên tình trạng “giấy Lạc Dương đắt”. Vậy là Tả Tư đã tự thay đổi số phận, tự tạo ra tiền đồ cho mình - điều mà trước đó cha ông không bao giờ có thể hình dung được.
(Nguồn, hình ảnh: Sưu tầm)
Bài học trưởng thành
Học tập chắc chắn không phải là một việc dễ dàng đối với bất kì ai. Với một người vốn không nhanh nhẹn lại ham chơi như Tả Tư, việc học càng khó hơn gấp bội. Nhưng khi có đủ động lực, có đủ quyết tâm, thì việc khó mấy cũng có thể chinh phục được. Từ chỗ chán ghét sách vở, Tả Tư đã tìm thấy niềm vui nơi việc đọc sách. Và chắc chắn, trong quá trình học tập, bạn sẽ phát hiện ra nhiều điều thú vị khi học được nhiều kiến thức mới. Vì vậy, hãy đặt quyết tâm cao nhất cho việc học, rồi bạn cũng sẽ nhận về thành quả tương xứng.