Đ
ỗ Phủ là một nhà thơ Trung Quốc nổi bật thời Đường. Cùng với Lý Bạch, ông được coi là một trong hai nhà thơ vĩ đại nhất của lịch sử văn học Trung Quốc, được mệnh danh là “Thi Thánh”. Nhưng ít ai biết, hồi bé, cơ thể ông yếu ớt, thường hay ốm đau bệnh tật. Ông luôn tự nhủ rằng, muốn đọc được nhiều sách để mở mang kiến thức, sau này có tiền đồ rộng mở thì trước hết cơ thể phải thật khỏe mạnh. Thế rồi, ông thay đổi thói quen sinh hoạt, không còn ngồi một chỗ, đóng kín cửa đọc sách, hàng ngày đều dành một khoảng thời gian nhất định để đi bộ, tập võ, múa kiếm...
Một hôm, Đỗ Phủ đi qua vùng ngoại ô hẻo lánh thì thấy một đám trẻ đang trèo cây. Ông thầm nghĩ, trò này cũng ổn đấy chứ, vừa tăng cường sức khỏe, vừa rèn luyện sự gan dạ, còn giúp tay chân linh hoạt hơn. Nghĩ vậy, ông liền xuống ngựa đi đến gốc cây, ôm lấy thân cây rồi cố gắng trèo lên. Bởi sức khỏe yếu nên trèo mãi mà hai chân ông vẫn chưa rời khỏi mặt đất, đám trẻ thấy vậy thì phá lên cười.
Thế nhưng, Đỗ Phủ không vì bị cười chê mà nản chí. Kể từ hôm ấy, ngày nào ông cũng đến đó tập trèo cây, đến nỗi quần áo bị gai xé rách toạc, bàn tay cũng trở nên chai sạn. Cha thấy quần áo ông rách rưới liền hỏi nguyên nhân, ông thành thật kể do mình tập trèo cây. Cha ông tức giận quát: “Con đường đường là con nhà dòng dõi, suốt ngày leo trèo như thế còn ra thể thống gì!” Đỗ Phủ tỏ vẻ không phục, nói: “Tập trèo cây sẽ giúp cơ thể con khỏe mạnh hơn. Chẳng lẽ cha muốn con suốt ngày ốm đau bệnh tật, cứ như vậy thì sau này con còn làm được trò trống gì?” Cha thấy ông nói cũng có lý, từ đó không cấm ông trèo cây nữa.
Sau một thời gian tập luyện vất vả, cuối cùng Đỗ Phủ đã có thể trèo lên tận ngọn cây cao. Từ trên cao đưa mắt nhìn ra xa, ông cảm thấy vô cùng khoan khoái. Nhờ kiên trì rèn luyện, dần dần, Đỗ Phủ ngày một khỏe mạnh hơn, tấm lòng cũng trở nên bao la, rộng mở hơn. Ông dồn toàn bộ tinh thần và trí tuệ khỏe mạnh đó vào việc dùi mài kinh sử. Sau này, ông trở thành một nhà thơ kiệt xuất của Trung Quốc. Những năm cuối đời, Đỗ Phủ hồi tưởng lại quãng thời gian này và viết: “Ta nhớ tuổi mười lăm thời niên thiếu. Như con bê khỏe mạnh chạy khắp đồng. Tháng Tám, trước sân lê táo chín mòng. Leo lên xuống cả ngàn lần trong một buổi.”
(Nguồn, hình ảnh: Sưu tầm)
Bài học trưởng thành
Trước nay, rất nhiều người quan niệm việc học hành phải gắn với sách vở. Nhưng Đỗ Phủ ngay từ nhỏ đã có suy nghĩ tích cực, rộng mở, rằng muốn học tốt, trước hết phải có sức khỏe tốt, và việc học đâu chỉ ở sách vở, trong chốn thư phòng, mà còn là luyện tập, là bước ra thế giới bên ngoài. Suy nghĩ đó của Đỗ Phủ đã thuyết phục được cha ông, và cũng đã mang lại cho ông không chỉ sức khỏe mà còn cả tầm nhìn khoáng đạt, rộng lớn. Dứt khoát lựa chọn việc rèn luyện sức khỏe, đó là quyết định sáng suốt, khiến cuộc đời Đỗ Phủ rẽ sang một hướng khác huy hoàng hơn.