Trong một chiều tan sở, anh chạy xe về căn hộ của mình ở quận bảy. Dưới ánh nắng nhàn nhạt, xe anh chạy chầm chậm qua một con đường của quận bốn. Anh bất chợt bắt gặp hình ảnh một phụ nữ trung niên cần mẫn đạp những vòng xe để đèo theo những mớ rau cuối ngày đã không còn được tươi ngon nữa. Vậy mà, anh vẫn muốn mình có thể bỏ dăm đồng tiền lẻ của mình ra để mua giúp những bó rau đó về… anh sẽ chạy sang nhà em, để góp thứ nguyên liệu nông sản dân dã này cho bữa tối của chúng mình.
Anh gặng hỏi mua, nhưng ban đầu, bác chỉ bảo thật thà và không cầu kì rằng: “Rau đã không còn tươi nữa, bác đang tính mang về “ăn đỡ” rồi. Nếu con có muốn lấy thì bác sẽ để lại, chứ cũng không nài ép con mua đâu, con ơi!”- Thế rồi anh vẫn mua, để đổi lấy nụ cười bình dị cuối ngày của người buôn chân chất kia, không dưng anh lại thấy ấm lòng vì nụ cười của một người lạ vào cuối ngày. Anh đã mỉm cười tự nhiên lắm, như một thứ niềm vui giản dị vẫn có đâu đó giữa Sài Gòn xô bồ này mà!
Anh mua, có thể khi đem về, thoạt đầu, em sẽ chê anh vụng khờ, sao lại chọn mớ rau thế này? Vậy giờ mới có dịp hay để kể em nghe chuyện này nhé:
“Anh sinh ra và lớn lên ở một miền quê bình yên với những ngôi nhà mái ngói bàng bạc, ruộng vườn, ao cá, con gà… hay cả những câu chuyện kể còn vương mùi bùn, hương đất, nhưng tự thấy những thứ ấy, rất đỗi thân thuộc làm sao!
Bố mẹ anh - họ đều là người nông dân. Họ hiền lành, chất phác và rất mực yêu thương con cái của mình. Cho dù cuộc sống có vương nhiều nỗi niềm vất vả nhưng vẫn không ngừng nghỉ cố gắng vào mỗi sớm hôm.
Bố mẹ anh kể, ngày trước nhà mình còn đi buôn rau cải. Hằng ngày, bố mẹ đều cùng nhau dậy sớm“tải” rau lên tận chợ tỉnh để bán, cách nhà khoảng gần bốn mươi ki lô mét, bằng hai chiếc xe đạp thô sơ.
Hồi đó, nhà mình làm gì đã có xe máy. Mà đường xá thì cũng tối mù, đoạn gập gềnh, đoạn khúc khuỷu, lại thêm không ít những ổ gà, ổ vịt chứ không được nhẵn nhụi, bằng phẳng hay sáng trưng ánh đèn như bây giờ. Thế mà hai bố mẹ vẫn miệt mài cùng nhau, rong ruổi với những chuyến xe chở rau đi vào mỗi buổi sớm. Tích góp từng đồng để duy trì mọi sinh hoạt gia đình. Đồng bé gom góp thành đồng to. Tích tiểu thành đại. Bố mẹ gây dựng lên cơ nghiệp dần dần. Để rồi anh mới may mắn có được gia cảnh và điều kiện sống trưởng thành như ngày hôm nay. Không quá đói khổ, cũng không tới mức giàu có nhiều. Nhưng ít ra, anh luôn cảm thấy may mắn và hạnh phúc khi được làm con của bố mẹ.
Anh nghĩ, đã là phận làm con, sẽ có lúc ta vui, ta buồn, ta thăng trầm cùng cả đại gia đình… nhưng tuyệt nhiên, đừng nên có ý nghĩ rằng sẽ cảm thấy hối hận khi đã góp mặt là thành viên của một nhà, đấy nhé!
Dù xuất thân bố mẹ mình có là ai đi chăng nữa, với danh phận nào, thì anh vẫn luôn tự hào về họ. Bởi trên hết tất cả, vì con cái, mà bố mẹ đã “nghiêng” cả một đời. Và bố mẹ bảo rằng, bố mẹ có con là bố mẹ có tất cả rồi.
Hồi xưa kẽo kẹt đạp xe trong đêm tối lem nhem, hai chiếc xe đạp cứ thế tiến dần bỏ lại những đoạn đường ở phía sau. Bố mẹ vẫn nghĩ, đó cũng là khi, cả nhà mình đang chạy đến tương lai.
Ôi, những vòng xe mến thương ngày đó, đã ghi dấu về một thời để nhớ và biết ơn.”
* * *
Có lẽ anh đã chọn mua về những mớ rau đó, không với tiếc nuối gì cả. Em cũng sẽ không trách móc gì anh đúng không?! Em nghe chuyện anh kể rồi, em biết đó! Từ một người bán hàng rong với chiếc xe đạp thô sơ, dù là người lạ mặt nhưng lại vô tình mang đến cho anh những hồi ức quen thuộc ấm áp và thân thương biết bao.
Tối, anh và em ăn chung bữa cùng nhau, anh kể em nghe những chuyện ấu thơ trong anh là… để thấy cuộc đời và gia cảnh của anh ngày ấy. Để thấy anh đã được nuôi dưỡng và trưởng thành ra sao, nên người thế nào?
Em ở bên anh, nên em sẽ biết và hiểu mà!
Dịp thật gần nào đó, mình cùng nhau về quê thăm ba mẹ, em nhé!
Chúng mình về ra mắt cả nhà luôn hen em! Cũng là dịp để chúng ta hòa mình cùng sống với cảnh quê, người quê bình yên và giàu tình yêu thương.
Như bố mẹ anh ngày xưa và nay, họ ở đó và vẫn như thế!
Thương tặng những ngày xa quê và thoáng Sài Gòn đã ở lại trong lòng như thế!
-Trần Duy Thành-