Võ Văn Kiệt, tên thật là Phan Văn Hòa (bí danh là Sáu Dân), sinh ngày 23/11/1922 tại huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, mất ngày 11/6/2008, thọ 86 tuổi. Ông sinh trưởng trong một gia đình nông dân nghèo, học vấn không cao. Ông sớm dấn thân vào con đường cách mạng từ tuổi 16 (1998), bắt đầu bằng phong trào Thanh niên phản đế, một năm sau ông trở thành đảng viên cộng sản. Ở tuổi 18, ông tham gia lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ ở Vũng Liêm rồi được điều về Rạch Giá hoạt động trong Tỉnh ủy lâm thời.
Thời kháng chiến chống thực dân Pháp, ông giữ cương vị Uỷ viên Chính trị dân quân, trở thành cán bộ chủ chốt vùng Tây Nam Bộ khi còn rất trẻ. Năm 1950. ông làm Phó Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu. Sau một thời gian huấn luyện tại Việt Bắc, ông trở về Nam bộ làm Bí Tỉnh ủy Bạc Liêu.
Thời chống Mỹ, ông không tập kết ra Bắc mà ở lại bí mật tổ chức đấu tranh trong suốt 21 năm. Năm 1959 đến năm 1975, ông nhiều lần được cử làm Bí thư Khu ủy Sai Gòn - Gia Định trong những thời điểm cam go, rồi làm Bí thư Khu ủy Khu 9 từ năm 1970 cho đến sau Hiệp định Pari năm 1973. Trên chiến trường B2, ông giữ chức Phó Bí thư Liên Tỉnh ủy miền Tây, vì thông thạo địa hình Bạc Liêu nên Võ Văn Kiệt thường ở với Lê Duẩn, thường xuyên báo cáo tình hình địch - ta, phong trào đấu tranh nhân dân để tổng kết thành lý luận, cho ra đời bản Đề cương đường lối cách mạng miền Nam (1956) làm cơ sở cho cách mạng miền Nam từ thế thoái trào và giữ gìn lực lượng chuyển sang thế tiến công. Những năm 1958-1959, Mỹ - Diệm đẩy mạnh chiến dịch tố cộng, diệt cộng, tách Đảng ra khỏi dân. Trong giai đoạn khó khăn này, Võ Văn Kiệt được điều lên làm Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, nhằm khôi phục lại tổ chức Đảng bị tổn thất nặng nề. Trong hơn 8 năm ở đây, ông đã ra sức tổ chức, chỉ đạo các phong trào đấu tranh chính trị kết hợp vữ trang, hỗ trợ quần chúng nổi dậy giành quyền làm chủ, tái xây dựng và củng cố cơ sở Đảng trong quần chúng, chỉ đạo xây dựng địa đạo Củ Chi, đánh bại các kế hoạch bình định của giặc.
Võ Văn Kiệt là con người của thực tiễn, nhưng không phải là thực tiễn được nhận thức một cách đơn gian, thô sơ, mà là một thực tiễn được tiếp cận một cách bài bản, được khái quát, nâng lên thành lý luận. Ở ông bật lên một phong cách độc đáo, sâu sát thực tế, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, cổ vũ và sẵn sàng dấn thân cho cái mới. Võ Văn Kiệt bám sát thực tiễn trong cả giai đoạn chiến đấu và xây dựng đất nước sau giải phóng. Tư duy sắc sảo, sát thực tiễn, đánh giá đúng bản chất kẻ thù đã giúp ông trong thời gian ngắn làm Bí thư Khu ủy khu 9 đã chỉ đạo Tây Nam Bộ đánh địch làm thay đổi cục diện chiến trường, từ thế bị động lúng túng chuyển thành chủ động, tạo ra bước ngoặt mới, hình thành thế chiến lược của cuộc chiến tranh nhân dân, tạo thế và lực cho chặng đường tiếp theo. Ông rất sáng suốt, không mơ hồ ảo tưởng về kẻ địch và hiệp định, quyết đoán, dám nghĩ dám làm: “kẻ địch không bao giờ chịu thi hành Hiệp định (paris), chiến tranh vẫn là chiến tranh.” Ông nhận xét rằng ở Khu 9 tỷ lệ ta - địch là 1/8 nhưng do nắm chắc chỗ mạnh của ta, chỗ yếu của địch, ta biết chủ động tiến công thì vẫn giành được thắng lợi, Ngược lại ở Trị - Thiên, tỷ lệ ta - địch là 1/2 nhưng do đánh giá quá cao chỗ mạnh của địch, không thấy điểm mạnh của ta nên thiên về phòng ngự, co thủ làm ta bị động thất thế.
Từ năm 1960, ông có 37 năm liên tục tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trong đó có 25 năm là Uỷ viên chính thức. Sau giải phóng, ông từng giữ các chức Chủ tịch Uỷ ban nhân dân rồi Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời được bầu làm Ủy viên chính thức Bộ Chính trị, đại biểu Quốc hội khóa VI, VIII, IX, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Thủ tướng Chính phủ. Sau thôi nhiệm, ông được bổ nhiệm làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương.
Trong cuộc đời cách mạng từ thuở thiếu thời cho đến khi từ giã cõi đời ông được giao nhiều trong trách, từ lãnh đạo cấp xã cho đến khi trở thành người đứng đầu Chính phủ. Ở giai đoạn nào ông cũng để những dấu ấn sâu đậm. Sau Hiệp định Pari, ông đã cùng Tư lệnh Quân khu Lê Đức Anh đưa ra đường lối cách mạnh đúng đắn, mở rộng vùng giải phóng. Sau giải phóng, trên cương vị là Chủ tịch Uỷ ban nhân dân rồi Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, ông đã đưa thành phố thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng, tiến hành đổi mới cơ chế quản lý. Từ khi làm Thủ tướng Chính phủ, ông càng bộc lộ phẩm chất, tài năng, đã đưa ra những quyết sách quyết liệt và táo bạo giúp Việt Nam đi qua 10 năm đầu của con đường gian nan. Sau giải phóng và chiến tranh biên giới Tây Nam ở Campuchia, Việt Nam bị phương Tây cấm vận, khó khăn càng chồng chất. Võ Văn Kiệt đã lãnh đạo Chính phủ phá bỏ thế bao vây cấm vận, bình thường hóa quan hệ với các nước lớn, trước hết là Trung Quốc, ASEAN, Hoa Kỳ và gia nhập các tổ chức quốc tế như WTO. Ông được bạn bè quốc tế ghi nhận là một lãnh đạo thân thiện, đáng tin cậy. Ở ông có một sức hút quy tụ mọi giai tầng, kể cả những người từng một thời ở bên kia chiến tuyến.
Ngay cả khi thôi nhiệm, ở tuổi 86, ông vẫn trăn trở về đất nước, nhân dân. Trong khi chuẩn bị cho chuyến đi đến Hà Lan tìm hiểu kinh nghiệm giúp cho đất nước giải quyết tình trạng xâm thực ngập mặn do biến đổi khí hậu, ông đột ngột qua đời.