1. Tư duy “Đại đoàn kết dân tộc”
Võ Văn Kiệt từng nhiều lần nhấn mạnh rằng: “Bài học lớn nhất, thấm thía nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng của ông là bài học phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, thực hiện tự do, dân chủ. Đó là cội nguồn của mọi thành công trong lịch sử đất nước từ trước đến nay, là con đường thu phục nhân tâm về một mối cho công cuộc chấn hưng đất nước, là nguồn sức mạnh sáng tạo bất tận của dân tộc trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.”
Tư duy và ý chí đó xuất phát từ cảm nhận của ông trong những năm tháng kháng chiến gian khổ. Ông nhận ra, khi được nhân dân che chở, sống trong lòng dân thì sẽ giành được thắng lợi, sức mạnh của kháng chiến là sức mạnh được huy động từ nhân dân. Trong quá trình hoạt động cách mạng Võ Văn Kiệt luôn quan tâm, đóng góp vào việc xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân. Phải dựa vào dân, bám dân để chiến đấu, bộ đội tập trung phải gắn chặt với dân quân, du kích, hậu cần tại chỗ phải tăng cường, phải phát huy khả năng của chiến sĩ biệt động. Ông từng nói rằng không có dân, sẽ không có cách mạng, không có độc lập tự do, không có Tổ quốc. Ông vô cùng yêu quý dân, cũng vì tình tính cởi mở, vui vẻ mà khi đến bám dân chiến đấu ở vùng U Minh, Rạch Giá ông có biệt danh là Sáu Lục Lạc, tức đi tới đâu người ta cũng biết, như cái lục lạc.
Sau giải phóng, ông chú ý hòa hợp dân tộc với những người đứng bên kia chiến tuyến, có cái nhìn bao dung vị tha với nhân dân và chính quyền cũ. Đối với Dương Văn Minh, ông cho rằng cần phải nhận thấy tinh thần dân tộc ở trong con người này, bởi nếu ở giây phút đó ông ta không đầu hàng mà quyết tử chiến thì đến phút cuối vẫn có thể lên máy bay tẩu tán. Nhưng ông ta đã không chọn làm như vậy, điều đó giúp cho máu của nhân dân khỏi đổ xuống.
2. Tôn trọng trí thức, phát huy trí thức
Ông thường tâm sự với những người thân cận do không được học nhiều nên ông rất khát khao trí thức, do đó rất trân trọng ý kiến của các chuyên gia chịu khó đọc sách. Chính kinh nghiệm hoạt động cách mạng đã thúc đẩy ông tôn trọng ý kiến chuyên gia, tôn trọng trí thức và phát huy trí thức vào công việc chung của đất nước. Võ Văn Kiệt là người dân chủ, chân thành, cởi mở, dễ gần gũi, vì vậy mà bạn bè, đồng chí, đồng bào, kể cả những người từng một thời bên kia chiến tuyến đều kính yêu, khâm phục. Ông thường tiếp xúc trực tiếp kể cả những trí thức, nhà kinh tế ở Sài Gòn trước giải phóng, động viên họ tham gia tranh luận để tìm ra chân lý, đề xuất giải pháp cho những khó khăn của TP.HCM. Trí thức tin cậy, "mở lòng" với ông chính là ở thái độ lắng nghe ý kiến của trí thức, dù có những ý kiến “trái tại thậm chí gay gắt, nhưng ông vẫn nghe một cách bình tĩnh, không “cắt ngang", càng không quy chụp, không thành kiến với những ý kiến và con người đó.
Giới trí thức được ông đặc biệt quan tâm trong cả công việc và cuộc sống đời thường. Nguyễn Xuân Oánh - cựu thống đốc ngân hành chế độ Sài Gòn, kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, tiến sĩ Trần Kim Thạch, kể cả vợ chồng nhà khoa học nổi tiếng Hoàng Xuân Hãn đang ở Pháp đều có những kỷ niệm sâu sắc với ông về tác phong bình dị, thái độ cởi mở, chân tình. Ông chân thành, thân thương quá đỗi khi nói với đội ngũ trí thức: “Yêu nước là dứng hẳn về phía dân tộc và nhân dân, đứng hẳn về phía tương lai, vì thực chất cao quý của trí thức loài người, vì một quan niệm mới về tài năng và trí tuệ, giải quyết đúng đắn nhất đối với quan hệ giữa cá nhân mình và tập thể”. Thái độ chân tình, cởi mở của ông có sức thu hút, động viên rất lớn, nhiều văn nghệ sĩ như tìm thấy nguồn cảm hứng sáng tác, sáng tạo. Nhạc sĩ Trần Long Ẩn cho rằng hình ảnh ông Sáu Dân trong rừng đước đã làm nảy ý bài hát Một đời người - một rừng cây. Các nghệ sĩ cũng hưởng ứng lời kêu gọi “hiến dâng nhiệt tình lớn, trách nhiệm cao, vì tình yêu đất nước, vì niềm vui con người, vì mùa xuân của nghệ thuật”, làm nên những “Tiếng cười sân khấu.” Thậm chí có những trí thức vượt biên không thành, bị bắt, ông giao cho cán bộ giúp việc trực tiếp đi làm lại hộ khẩu và sổ gạo cho họ.