Lagom là từ hoàn hảo để miêu tả lối sống của người Thụy Điển.
Lagom – nghĩa là không quá ít, cũng không quá nhiều, hoặc “chỉ một lượng vừa đủ”. “Nhưng trong mối quan hệ với cái gì hoặc với ai?”, có lẽ bạn sẽ thắc mắc như thế. Lagom nghĩa là nếu bạn muốn chia một thứ gì đó – ví dụ như chia một cái bánh – hãy đảm bảo sao cho tất cả mọi người đều có phần. Lagom cũng có nghĩa là không thừa thãi và không phóng đại. Đó là cách chúng ta nhìn nhận nhau với tư cách con người và là cách chúng ta nhìn nhận thiên nhiên – thứ mà chúng ta đều phải phụ thuộc.
Trong thực tế, đây là một triết lý mà chúng ta phải tương tác, phải chuyện trò và thấu hiểu đồng loại của mình. Tôi có nhu cầu của tôi, bạn cũng có nhu cầu của bạn, làm thế nào chúng ta có thể phối hợp với nhau? Làm thế nào chúng ta có thể tìm ra giải pháp phù hợp cho cả hai? Tương tự như vậy, khi đặt lagom trong mối quan hệ với thiên nhiên, nếu tôi tiêu dùng quá độ hay lối sống của tôi góp phần tàn phá trái đất, ảnh hưởng đến các thế hệ sau này, nghĩa là tôi đang không sống theo cách lagom. Tôi nên giảm thiểu những tác động tiêu cực mình đối với thiên nhiên.
Tôi là Ann Måwe, hiện là Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam. Kể từ khi đến Việt Nam vào tháng Chín năm 2019, tôi vẫn luôn ngẫm nghĩ về đặc trưng của đất nước Thụy Điển, những điểm chung cũng như những khác biệt giữa hai quốc gia – Thụy Điển và Việt Nam. Từ lagom giúp tôi hiểu về đất nước và con người Thụy Điển, nhưng tôi cho rằng nó cũng phù hợp khi nói về Việt Nam. Có lẽ đó là lý do vì sao quyển sách này và khái niệm lagom lại khá phổ biến ở đây đến vậy. Gần đây tôi thậm chí còn thấy một tiệm cà phê mang tên “Lagom” trên con đường gần tòa đại sứ, và nó không phải do người Thụy Điển mở! Đồng thời, phong cách lagom cũng đang có tác động lớn đối với kiến trúc của nhiều tòa nhà ở Hà Nội hiện nay, và một trung tâm tái chế mới ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng có tên “Lagom”.
Ở Thụy Điển, tôn giáo không đóng vai trò quan trọng. Hầu hết mọi người đều tự xem mình là người theo chủ nghĩa thế tục. Tuy vậy, những nguyên tắc sống sao cho phù hợp lại vô cùng quan trọng và luôn được đề cao. Có một tinh thần chung mà phần lớn người dân đều tôn trọng và tuân theo. Thay vì tìm đến tôn giáo, chúng tôi tìm kiếm những lý lẽ hợp lý và tin tưởng vào những lời khuyên đáng tin cậy từ chính phủ, giới học thuật, các tổ chức tư nhân và các tổ chức xã hội dân sự.
Quyển sách này cũng trích dẫn quan điểm của một trong những tác giả Thụy Điển mà tôi yêu thích – Jonas Gardell. Ông cho rằng: “Bạn cho đi và nhận lại; đó là điều tuyệt vời ở Thụy Điển nên được lan truyền ra thế giới, truyền đến tất cả hệ tư tưởng và tôn giáo. Sự thật không nhất thiết phải là trắng hay đen; với lagom, chúng ta có thể tránh được chủ nghĩa cực đoan và có thể chấp nhận thỏa hiệp ở một mức độ nào đó”.
Có rất nhiều ví dụ hay về “lối sống lagom” trong quyển sách này. Tôi xin được nêu ra vài ví dụ điển hình:
Trước hết, về tầm quan trọng của sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Người Thụy Điển say mê làm việc, và nhìn chung họ làm việc rất hiệu quả trong giờ làm. Nhưng một ngày làm việc của họ luôn có fika – thời gian nghỉ giữa giờ – để họ có thể thưởng thức một tách cà phê và tán gẫu cùng đồng nghiệp. Trong giờ fika, bạn có thể chia sẻ một ý tưởng với đồng nghiệp, hoặc đơn thuần chỉ là tán gẫu với nhau về những kế hoạch hay kỳ nghỉ cuối tuần. Những khi không làm việc, người Thụy Điển tận hưởng những buổi chiều rảnh rỗi, những ngày nghỉ cuối tuần và các kỳ nghỉ hè dài ngày. Đây là dịp để chúng tôi dành thời gian cho gia đình và bạn bè, để vận động (đặc biệt khi công việc của bạn không đòi hỏi bạn vận động thường xuyên), để tự do theo đuổi sở thích, tham gia các hoạt động và hòa mình cùng thiên nhiên. Sự cân bằng giữa cuộc sống và công việc nuôi dưỡng tinh thần sáng tạo và đổi mới.
Được nghỉ phép có trả lương để ở nhà chăm con là một phần quan trọng của sự cân bằng này, và đây là quy định được xem là hào phóng nhất thế giới. Cả người cha lẫn người mẹ đều được hưởng quyền lợi này. Nó giúp thúc đẩy bình đẳng giới khi phụ nữ có được những cơ hội tốt hơn để thăng tiến trong công việc, đồng thời cũng giúp người chồng có thói quen chia sẻ việc nhà với vợ. Quan trọng hơn nữa, nó cho phép chúng tôi xây dựng sự gắn kết mạnh mẽ giữa những đứa trẻ với cha mẹ của chúng. Nó đảm bảo quyền lợi của những người làm cha khi có được mối quan hệ tốt đẹp với các con của mình; giúp họ chia sẻ trách nhiệm trong việc đáp ứng những nhu cầu thiếu yếu khi đứa trẻ còn nhỏ cũng như con đường học vấn sau này của chúng, hoặc chỉ đơn giản là tạo cơ hội để cả gia đình có thời gian vui vẻ bên nhau.
Một khía cạnh khác của tinh thần lagom chính là lối sống cân bằng và tôn trọng thiên nhiên. Luật pháp của chúng tôi có quy định về việc “tự do tiếp cận đất tư nhân”, có nghĩa là mọi người có thể đến hầu như bất cứ đâu để đi bộ hoặc cắm trại. Nhưng quyền lợi này được sử dụng kèm với trách nhiệm – phải thu nhặt và mang rác thải của mình về, không bẻ cây hay phá hoại thiên nhiên, không quấy rầy đời sống của động vật, không đốt lửa trừ một số địa điểm nhất định. Người Thụy Điển thích dành thời gian trên các quần đảo, cạnh bờ biển hay bờ hồ, trong rừng hoặc trên núi. Bằng lối sống hòa hợp với thiên nhiên, bạn có thể học được cách tôn trọng cuộc sống của các loài động vật và thấu hiểu rằng tài nguyên thiên nhiên là hữu hạn.
Chúng ta phải sống thật lagom để có thể hòa hợp với thiên nhiên và sử dụng một cách bền vững các nguồn tài nguyên, giữ gìn cho thế hệ con cháu chúng ta. Điều này cũng có nghĩa là ta phải thay đổi thói quen tiêu dùng. Rác thải nhựa đang trở thành một thách thức khổng lồ cho môi trường hiện nay. Ở Thụy Điển, chúng tôi đã dành hơn hai mươi năm để học cách phân loại và tái chế rác thải. Ngày nay, chỉ 1% rác thải sinh hoạt ở Thụy Điển được chuyển đến chôn lấp ở các bãi rác. Hành vi tiêu dùng của chúng tôi cũng đang thay đổi nhanh chóng: chúng tôi mua ít các sản phẩm nhựa sử dụng một lần hơn, mua nhiều quần áo đã qua sử dụng hơn và lựa chọn rau quả không phun tưới thuốc trừ sâu.
Nhưng chỉ thay đổi hành vi tiêu dùng thôi thì vẫn chưa đủ. Các chính sách và nguồn lực được chính phủ phân bổ phải được phối hợp nhịp nhàng với nỗ lực từ phía kinh tế tư nhân cũng như với các nghiên cứu và phát hiện mới từ giới học thuật. Chúng tôi gọi đây là “mô hình ba nhà” (nguyên gốc The Triple Helix) – một con đường cùng nhau tìm kiếm giải pháp đối phó với những thử thách chung một cách thật lagom.
Phần lớn người dân Thụy Điển đồng thuận và chấp hành chính sách thuế, dù chúng tôi có mức thuế thuộc nhóm cao nhất trên thế giới. Nhìn chung, người Thụy Điển tin tưởng rằng tiền thuế của mình sẽ được sử dụng một cách lagom để phục vụ cho hệ thống phúc lợi cộng đồng. Đó chính là chia sẻ nguồn lực để mọi trẻ em đều được đến trường, mọi người đều được hưởng chế độ chăm sóc sức khỏe tốt và đảm bảo các phúc lợi xã hội cho một số vùng nhất định. Đây cũng là lý do vì sao chúng tôi có mức tham nhũng thấp. Niềm tin đến từ hai phía. Chính phủ tin tưởng người dân, người dân tin tưởng chính phủ và tin tưởng lẫn nhau.
Thế thì tại sao lagom cũng phù hợp khi nói về Việt Nam? Hai nước chúng ta có một lịch sử cùng phát triển lâu dài, kể từ khi Thụy Điển – quốc gia phương Tây đầu tiên – công nhận nền độc lập của Việt Nam vào năm 1969. Quá trình Thụy Điển mở rộng hợp tác với Việt Nam suốt 46 năm đã góp phần tái thiết đất nước Việt Nam sau chiến tranh và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội tại đây. Suốt khoảng thời gian này, hàng ngàn mối quan hệlagom đã được hình thành giữa hai nước – trong lĩnh vực sức khỏe, văn hóa, giáo dục, truyền thông, môi trường, bình đẳng giới, đổi mới và công nghệ. Tại sao lại là lagom? Vì nó có lợi cho cả đôi bên.
Hiện tại, tôi đang chứng kiến cách Việt Nam cân bằng lợi thế địa chính trị của mình một cách lagom. Và tôi cũng nhận thấy nhiều nỗ lực bảo vệ môi trường trong cộng đồng, khi ý thức người dân được nâng lên. Việc xúc tiến thương mại luôn được ưu tiên trong quan hệ song phương giữa hai nước và trong quá trình đó, một yếu tố không thể không xét đến chính là tính bền vững. Các công ty Thụy Điển đưa ra chu trình sản xuất và thiết kế sản phẩm mang tính bền vững hơn nhiều đối thủ cạnh tranh khác. Các công ty Thụy Điển như ABB, Tetra Pak, H&M, IKEA, Ericsson, Electrolux, Volvo, Astra Zeneca đã có mặt tại đây từ lâu và được các đối tác Việt Nam tin tưởng.
Người Thụy Điển nhìn chung là những người hạnh phúc, nhưng việc đó không được thể hiện rõ ràng. Nó nghiêng về cảm giác hài lòng, thỏa mãn hơn là nỗi hân hoan. Người trẻ Việt có niềm tin vào tương lai, nhiều hơn giới trẻ ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới. Có lẽ vì các bạn được chứng kiến tận mắt sự tăng trưởng kinh tế thần tốc cũng như sự phát triển của xã hội, và các bạn tin tưởng vào năng lực và khả năng cống hiến của bản thân để đất nước thêm giàu mạnh và xã hội thêm thịnh vượng trong tương lai – và có lẽ, theo một cách rất lagom.
Ngay lúc này, hãy thưởng thức quyển sách này và như cách chúng tôi nói trong tiếng Thụy Điển “Lagom är bäst” – có nghĩa là “Điều độ là tốt nhất”!
Ann Måwe
Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam