M
ột bộ phim Hollywood có được đón nhận hay không là nhờ vào “mồi câu” mà kịch bản giăng ra cho khán giả. “Mồi câu” đó đơn giản là nội dung thu hút được sự chú ý của người xem, thúc đẩy câu chuyện và hành động của nhân vật, có xung đột, có nút thắt. Chính mong muốn theo dõi xem xung đột đó được giải quyết như thế nào là lý do một khi đã “mắc câu” một bộ phim nào đó, chúng ta sẽ tiếp tục xem đến cùng.
Là một nhà tâm lý học, tôi nhận ra mình bị thu hút nhất bởi những quyển sách và bộ phim có xung đột - hoặc lý do chính tạo ra xung đột - nằm trong bản chất của nhân vật chính. Chẳng hạn như bộ phim về một nam diễn viên nghèo túng và không hiểu về phụ nữ, cho đến một ngày kia, vì quá cần công việc nên anh phải giả làm phụ nữ trong cuộc sống hằng ngày (phim Tootsie, tạm dịch: Bé cưng). Hoặc câu chuyện của một cô gái ngây thơ nhưng sợ cam kết (phim Runaway Bride, tạm dịch: Cô dâu chạy trốn). Hoặc một ví dụ khác, về một trong những “mồi câu” hấp dẫn nhất mọi thời đại: câu chuyện về một sát thủ thiện nghệ bị bắn rơi xuống biển, khi tỉnh dậy anh không nhớ mình là ai, cũng không biết mình muốn gì, anh chỉ biết mình phải chống lại một âm mưu khủng khiếp mà anh vô tình trở thành nạn nhân (phim The Bourne Identity, tạm dịch: Nhân dạng của Bourne).
Có thể chúng ta không lái xe mui trần qua những con đường rợp bóng cọ ở Hollywood hoặc tham gia các cuộc gặp với các ngôi sao điện ảnh, nhưng mỗi người trong chúng ta đều là một nhà biên kịch đại tài. Đó là bởi vì chúng ta vẫn luôn liên tục viết ra các kịch bản và trình chiếu chúng ở rạp phim ngay bên trong tâm trí mình. Tuy nhiên, trong câu chuyện đời mình, “mắc câu” không mang ý chỉ sự hào hứng chờ xem diễn biến tiếp theo, mà có nghĩa là chúng ta bị vướng vào một cảm xúc, suy nghĩ hoặc hành vi có tính tự hủy hoại bản thân.
Tâm trí con người là một cỗ máy chuyên đi tìm ý nghĩa, và một phần quan trọng trong cuộc sống con người là cố gắng hiểu được hàng tỷ thông tin đang oanh tạc các giác quan của chúng ta mỗi ngày. Cách chúng ta nắm bắt ý nghĩa là sắp xếp tất cả các hình ảnh, âm thanh, trải nghiệm và các mối quan hệ xoay quanh chúng ta thành một bài tường thuật mạch lạc: Đây là tôi, Susan, vừa thức dậy. Tôi đang nằm trên giường. Đứa nhỏ đang nhảy nhót trên người tôi là con trai tôi, Noah. Tôi từng sống ở Johannesburg, nhưng bây giờ tôi sống ở Massachusetts. Hôm nay tôi phải thức dậy và chuẩn bị cho một cuộc hẹn. Đó là công việc của tôi. Tôi là chuyên gia tâm lý và tôi gặp gỡ người khác để cố gắng hỗ trợ họ.
Các bài tường thuật này phục vụ cho một mục đích, đó là chúng ta tự kể những câu chuyện này để sắp xếp các trải nghiệm của mình và giữ cho bản thân tỉnh táo. Vấn đề là tất cả chúng ta đều có thể kể sai sự thật. Những người không thể kể một câu chuyện khớp với thực tế, hoặc thậm chí là hoàn toàn xa rời thực tế, có thể bị gọi là “kẻ tâm thần”. Thế nhưng, mặc dù đa số chúng ta có thể chưa bao giờ nghe ảo thanh hay mắc chứng hoang tưởng tự cao, khi viết câu chuyện đời mình thì ta vẫn có xu hướng “phóng bút” quá sự thật. Đôi khi chúng ta còn không nhận ra mình đang hành xử như vậy.
Sau đó, chúng ta chấp nhận những câu chuyện chủ quan đầy sức thuyết phục này mà không mảy may thắc mắc, như thể đó chính là sự thật và không có gì ngoài sự thật. Bất kể tính xác thực của những câu chuyện này là gì, chúng có thể đã được khắc ghi vào nhận thức non nớt của chúng ta từ những năm bảy, tám tuổi, hoặc thậm chí trước cả khi chúng ta biết nói hay biết đi. Chúng ta sống với những câu chuyện không đúng sự thật này và để mặc cho một câu hoặc một đoạn mô tả nào đó từ ba mươi, bốn mươi năm trước đại diện cho toàn bộ cuộc sống của mình mà chẳng bao giờ thèm kiểm tra và xác minh một cách khách quan. Có bao nhiêu người trên trái đất này thì cũng có gần như bấy nhiêu “kịch bản” sai lệch tương tự thế này:
“Cha mẹ ly hôn không lâu sau khi tôi chào đời, vì vậy tôi là người phải chịu trách nhiệm cho chứng nghiện rượu của mẹ.”
“Tôi là người hướng nội trong một gia đình toàn những người hướng ngoại, đó là lý do chẳng ai yêu quý tôi.”
Và rất nhiều ví dụ khác nữa.
Chúng ta cũng tạo ra những câu chuyện như thế này mỗi ngày với quy mô nhỏ hơn. Tôi biết tôi từng làm vậy. Ví dụ:
Vài năm trước, một đồng nghiệp thản nhiên nhắn vào hộp thư thoại của tôi rằng anh ta sẽ mượn - hay nói cách khác là “ăn cắp” - một ý tưởng của tôi để làm tựa đề cho quyển sách sắp tới của anh ta. Anh ta hy vọng tôi “không phiền”, và rõ ràng là không có ý hỏi xin sự cho phép của tôi mà chỉ đang nhẹ nhàng thuật lại một sự việc.
Nhưng đương nhiên là tôi có thấy phiền! Anh ta sử dụng ý tưởng của tôi, ý tưởng mà tôi dự định dùng cho quyển sách của mình. Tôi hối hận khi đã buột miệng nhắc tới ý tưởng đó với anh ta trong một phút thiếu cảnh giác giữa hội thảo. Nhưng tôi có thể làm gì bây giờ? Đã là chuyên gia thì không thể cãi nhau ỏm tỏi lên được.
Tôi nén giận và làm những gì hầu hết mọi người sẽ làm: tôi gọi cho chồng để trút tâm sự. Nhưng Anthony, chồng tôi, là một bác sĩ và anh đã trả lời thế này khi nhận cuộc gọi: “Suzy, bây giờ anh không thể nói chuyện với em. Anh có một bệnh nhân đang cấp cứu chờ mổ trong phòng phẫu thuật”. Vậy là tôi bị đối xử “bất công” lần thứ hai, mà lần này lại bởi chính chồng mình!
Những lý lẽ đằng sau tình huống này - tức là việc cứu sống bệnh nhân thật sự quan trọng hơn là nói chuyện với tôi ngay lúc đó - cũng không thể xoa dịu cơn giận đang bốc lên ngùn ngụt của tôi. Sao chồng tôi lại có thể đối xử với tôi như vậy khi tôi thật sự cần anh ấy? Ý nghĩ đó nhanh chóng biến thành “Anh ấy không bao giờ thật sự có mặt khi tôi cần”. Cơn giận của tôi lại càng dâng lên, và tôi càng nung nấu “quyết tâm” không thèm bắt máy khi chồng gọi lại. Tôi đã “mắc câu” cơn giận của chính mình.
Đúng là như vậy đó. Thay vì bình tĩnh nhưng cương quyết nói với vị đồng nghiệp kia là tôi không đồng ý với hành động của anh ta và sau đó cố gắng tìm ra một giải pháp thỏa đáng, tôi lại mất hai ngày mặt nặng mày nhẹ, chiến tranh lạnh với người chồng vô tội của mình vì “không bao giờ thật sự có mặt khi tôi cần”.
Thật là kém khôn ngoan đúng không?
Những câu chuyện không đáng tin và không phải lúc nào cũng chính xác mà chúng ta tự kể cho mình không chỉ gây ra mâu thuẫn, làm lãng phí thời gian hoặc khiến bầu không khí gia đình trở nên căng thẳng, mà còn gây ra một vấn đề lớn hơn, đó là sự mâu thuẫn giữa thế giới được mô tả trong những câu chuyện này với thế giới chúng ta muốn sống, thế giới mà chúng ta có thể thật sự phát triển.
Trong một ngày bình thường, hầu hết mỗi người chúng ta nói trung bình 16.000 từ. Nhưng số lượng từ của những suy nghĩ trong tâm trí chúng ta - tiếng nói nội tâm của chúng ta - nhiều gấp mấy lần con số đó. Tiếng nói của ý thức tuy không có thanh âm nhưng cứ như tràng súng liên thanh không ngừng âm thầm nã vào chúng ta đủ loại các nhận xét, bình luận và phân tích. Không chỉ vậy, tiếng nói liên hồi từ nội tâm này còn bị các giáo sư ngành văn học gọi là kẻ kể chuyện không đáng tin cậy - giống như Humbert Humbert trong tiểu thuyết Lolita1 hay Amy Dunne trong Gone Girl (tạm dịch: Cô gái biến mất) - những người mà chúng ta không thể hoàn toàn tin được câu chuyện họ kể. Cũng giống hai nhân vật này, người kể chuyện bên trong chúng ta có thể mang nhiều định kiến, chưa nắm bắt sự kiện rõ ràng, thậm chí là cố tình tự bào chữa hoặc lừa dối. Tệ hơn, kẻ kể chuyện này sẽ không im miệng. Bạn có thể ngăn bản thân chia sẻ với người khác mọi suy nghĩ, nhưng bạn có thể ngăn những suy nghĩ đó nảy ra trong tâm trí bạn ngay từ đầu không? Không thể nào.
1 Tác phẩm tiếng Việt cùng tên.
Mặc dù chúng ta thường cho rằng những câu khẳng định xuất hiện theo luồng suy nghĩ không ngừng tuôn chảy trong đầu mình là đúng thực tế, nhưng phần lớn chúng đều là sự pha lẫn phức tạp giữa đánh giá và nhận định, sau đó bị cường điệu bởi cảm xúc. Trong số đó, một số suy nghĩ là tích cực và hữu ích, còn số khác thì tiêu cực và vô ích. Nhưng dù thuộc trường hợp nào thì tiếng nói bên trong của chúng ta cũng hiếm khi trung lập hoặc vô tư.
Ví dụ, hiện tại tôi đang ngồi tại bàn làm việc viết quyển sách này với tiến độ khá chậm. “Tôi đang ngồi tại bàn làm việc” là một suy nghĩ đơn giản và dựa trên thực tế. “Tôi đang viết một quyển sách” và “Tiến độ viết sách của tôi chậm” cũng vậy.
Đến lúc này thì vẫn ổn. Nhưng ngay sau đó, những câu tường thuật thực tế của tôi đều rất dễ bị lệch theo hướng nhận định theo quan điểm cá nhân. Câu chuyện tôi tự kể cho mình có thể dễ dàng trở thành chiếc móc câu, khiến tôi bị mắc vào một ý nghĩ không đáng tin và chưa được kiểm chứng, để rồi chật vật vùng vẫy như cá sắp bị lên thớt.
“Tôi viết quá chậm” chính là câu tự chỉ trích nhanh chóng theo sau “Tiến độ viết sách của tôi chậm”. Sau đó, câu “Tôi viết chậm hơn hầu hết các tác giả khác” xuất hiện và biến suy nghĩ thực tế ban đầu thành một phép so sánh. “Tôi bị tụt lại phía sau” mang đến cảm giác lo lắng. Cuối cùng, một câu tự kết tội sẽ tổng kết lại mọi thứ: “Tôi đã tự lừa dối mình khi cho rằng có thể hoàn thành quyển sách đúng kỳ hạn. Tại sao tôi không thể thành thật với bản thân hơn? Tôi thất bại rồi”. Đó quả là một kết luận hoàn toàn lệch khỏi ý nghĩ bám sát thực tế ban đầu của tôi: Tôi đang ngồi ở bàn làm việc, chậm rãi viết một quyển sách.
Để thấy người ta có thể dễ dàng trượt từ một dữ kiện thực tế sang ý kiến cá nhân, từ ý kiến cá nhân sang phán xét và lo lắng như thế nào, hãy thử làm bài tập tư duy bên dưới.
Hãy lần lượt nghĩ về các gợi ý sau đây:
Điện thoại di động của bạn
Nhà của bạn
Công việc của bạn
Gia đình bên vợ/chồng của bạn
Vòng eo của bạn
Khi bạn tự do nghĩ về những gợi ý trên, một số suy nghĩ của bạn có thể có căn cứ thực tế. “Tuần trước tôi đã ăn tối với mẹ chồng” hoặc “Tôi có một dự án phải hoàn thành vào thứ Hai”. Nhưng sau đó bạn hãy xem những ý kiến, đánh giá, sự so sánh và nỗi lo lắng sẽ nhanh chóng xuất hiện và quấy nhiễu suy nghĩ của bạn như thế nào:
Điện thoại di động của tôi… cần nâng cấp.
Ngôi nhà của tôi… luôn bừa bộn.
Công việc của tôi… là nguồn cơn của mọi căng thẳng.
Mẹ chồng tôi… quá nuông chiều bọn trẻ.
Vòng eo của tôi… tôi phải ăn kiêng lại thôi.
Trong các hội thảo, tôi thỉnh thoảng đề nghị những người tham gia hãy liệt kê các tình huống khó khăn cùng với những suy nghĩ và cảm xúc mà họ có khi ở trong tình huống đó thành một bản kê ẩn danh. Dưới đây là một số “lời tự thuật” mà một nhóm giám đốc điều hành thành đạt đã liệt kê trong buổi hội thảo gần đây, cùng với tình huống dẫn đến lời tự thuật đó:
• Thấy người khác thành công: “Tôi không đủ giỏi. Tại sao người thành công không phải là tôi?”
• Làm việc đầu tắt mặt tối: “Đời tôi thật thất bại. Mọi thứ xung quanh tôi là một mớ bòng bong, còn các con tôi thì oán trách tôi vì không dành thời gian quây quần với gia đình.”
• Thực hiện một nhiệm vụ khó: “Tại sao nhiệm vụ này lại khiến tôi mất nhiều thời gian như vậy!? Nếu tôi có tài thì tôi đã có thể làm nhanh hơn rồi chứ!”
• Hụt cơ hội thăng chức: “Tôi thật ngu xuẩn và thảm hại. Tôi đã để người khác cướp mất cơ hội.”
• Được yêu cầu làm một việc chưa từng làm trước đây: “Tôi thấy sợ. Chuyện này sẽ không thể thành công đâu.”
• Tham dự một buổi gặp gỡ xã giao: “Tôi sẽ luống cuống và người ta sẽ nhìn tôi như người rừng cho mà xem.”
• Bị cấp trên phê bình: “Tôi sẽ bị sa thải mất.”
• Gặp bạn cũ: “Tôi là kẻ thất bại. Bạn bè cũ đều có cuộc sống thú vị hơn tôi. Và họ cũng kiếm được nhiều tiền hơn tôi!”
• Đang cố gắng giảm cân: “Tôi thật xấu xí. Tôi nên bỏ cuộc cho rồi. Ai trong căn phòng này cũng đều ưa nhìn hơn tôi.”
Và đây là một gợi ý về lý do chuỗi suy nghĩ của chúng ta rất dễ chuyển từ “trung lập” sang “mắc câu”:
“Một con vịt xòe ra hai_________.”
“Cái cánh”, đúng không? Hai từ này tự động nảy ra trong đầu bạn mà không gặp chút khó khăn nào cả.
Lý do chúng ta khó tránh được tình trạng “mắc câu” là vì có quá nhiều phản ứng của chúng ta đều là phản xạ tự nhiên.
“Mồi câu” thường là một tình huống bạn gặp trong cuộc sống hằng ngày. Đó có thể là một cuộc trò chuyện căng thẳng với sếp, một lần gặp gỡ họ hàng mà bạn đang lo lắng, một bài thuyết trình sắp diễn ra, cuộc thảo luận với người bạn đời về vấn đề tiền bạc, bảng điểm đáng ngại của con hoặc đơn giản chỉ là bị kẹt xe trong giờ cao điểm.
Trong những tình huống đó, phản ứng tự động của bạn sẽ xuất hiện. Bạn có thể nói lời mỉa mai, ngắt kết nối và tránh né cảm xúc của mình, trì hoãn, bỏ đi chỗ khác, nghĩ ngợi ủ ê hoặc gào thét tức giận.
Khi tự động đưa ra những phản ứng bất lợi thì bạn đã bị mắc câu. Kết quả này dễ đoán như hai từ “cái cánh” mà bạn lập tức nghĩ tới khi nghe “một con vịt…” vậy. Mồi câu treo lủng lẳng ngay trước mặt và bạn không chút do dự đớp lấy nó.
Quá trình mắc câu của bạn bắt đầu khi bạn chấp nhận những suy nghĩ của mình như thể chúng là sự thật.
“Tôi không giỏi làm việc này. Tôi luôn làm nó rối tung lên.”
Thường thì sau đó bạn bắt đầu tránh những tình huống gợi lên các suy nghĩ đó.
“Tôi không cố gắng làm việc này nữa đâu.”
Hoặc bạn có thể quanh quẩn mãi với suy nghĩ đó.
“Lần trước tôi đã cố gắng làm nhưng kết quả thật đáng xấu hổ.”
Có những lúc bạn nghe theo lời khuyên của bạn bè hoặc người thân và cố gắng xua tan những suy nghĩ này.
“Tôi không nên có những suy nghĩ như thế này. Lối suy nghĩ này hoàn toàn phản tác dụng.”
Hoặc bạn sẽ tự lên tinh thần và buộc mình phải làm những việc mình sợ, cho dù khi đó bạn đang bị thôi thúc bởi “móc câu” chứ không phải bởi một động lực mà bạn thật lòng coi trọng.
“Tôi phải cố gắng. Tôi phải học cách thích chuyện này, ngay cả khi nó làm tôi tổn thương vô cùng.”
Tất cả những tiếng nói huyên thuyên trong nội tâm này không chỉ làm bạn đi sai đường mà còn rút cạn nguồn lực tinh thần quan trọng mà lẽ ra bạn có thể sử dụng cho những mục đích tốt đẹp hơn. Bên cạnh đó, còn có một yếu tố khác làm tăng thêm sức hấp dẫn của những suy nghĩ “mồi câu”, đó là có quá nhiều thói quen tư duy của chúng ta thật sự có khuynh hướng hòa làm một với cảm xúc và tạo ra phản ứng ở mức độ cao hơn rất nhiều.
Giả sử bạn đang học một ngôn ngữ của các thiên hà. Theo ngôn ngữ đó thì một trong hai hình trên được gọi là “bouba” và hình còn lại là “kiki”. Giáo viên yêu cầu bạn đoán xem hình nào mang tên gì. Khả năng cao là bạn chọn hình bên trái là “kiki” và hình bên phải là “bouba”.
Các tác giả của thử nghiệm này, V. S. Ramachandran và Edward Hubbard, nhận thấy có 98% người tham gia đã trả lời theo cách trên. Ngay cả những em bé hai tuổi chưa học các quy tắc ngôn ngữ và không nói tiếng Anh vẫn có cùng lựa chọn như vậy. Đó có vẻ là khuynh hướng chung được khắc ghi trong bộ não con người, cho dù họ ở học xá của Ramachandran ở Đại học California thuộc thành phố San Diego nước Mỹ, dưới những bức tường đá của Jerusalem, hay tại khu dân cư nói tiếng Swahili biệt lập bên Hồ Tanganyika ở miền trung châu Phi. Bất kể có ngôn ngữ, nền văn hóa hay hệ thống chữ viết thế nào, chỉ vài giây sau khi được cho xem hai biểu tượng trên, trung tâm thính giác của người tham gia sẽ xác định từ “kiki” phản ánh những nét sắc nhọn, còn từ “bouba” tương ứng với những đường cong mềm mại và tròn trịa hơn.
Sự liên tưởng một hình dạng nhất định với một âm thanh nhất định được cho là xảy ra một phần vì hồi góc (angular gyrus), vùng não thực hiện phán đoán này, nằm ở nơi tiếp giáp của các trung tâm xúc giác, thính giác và thị giác trong não bộ. Vùng này tham gia vào quá trình pha trộn cảm giác, tích hợp âm thanh, cảm xúc, hình ảnh, ký hiệu và cử chỉ, thậm chí còn chịu trách nhiệm cho khả năng tư duy ẩn dụ của chúng ta. Bệnh nhân bị tổn thương hồi góc có thể sử dụng ngôn ngữ một cách hoàn hảo nhưng không thể hiểu các phép ẩn dụ. Tình trạng này cũng xảy ra ở các loài linh trưởng bậc thấp có kích thước hồi góc bằng khoảng một phần tám kích thước hồi góc của con người chúng ta.
Khả năng kết hợp các giác quan của con người không chỉ giúp các nhà văn, nhà thơ sáng tạo nên những tác phẩm hay, mà không may là nó còn tạo ra miếng mồi béo bở để nhử chúng ta “cắn câu” và không thoát ra được. Đó là bởi vì chúng ta không suy nghĩ một cách hoàn toàn trung lập như kiểu của Ngài Spock trong bộ phim Star Wars (Chiến tranh giữa các vì sao): “Tôi chỉ nghĩ là tôi đang bị đối thủ xem thường. Thật thú vị”.
Thay vào đó, suy nghĩ của chúng ta thường đi kèm với các hình ảnh thị giác, biểu tượng, sự diễn giải theo phong cách cá nhân, các nhận định, suy luận, khái niệm trừu tượng và hành động. Chính điều này giúp những suy nghĩ trong tâm trí chúng ta thêm sống động, nhưng nó cũng có thể khiến chúng ta mất đi tính khách quan và dễ bị các suy nghĩ làm nhiễu loạn - bất kể đó là suy nghĩ đúng hay sai, có ích hay không.
Tại tòa án, thẩm phán thường cho bồi thẩm đoàn xem ảnh khám nghiệm tử thi chứ hiếm khi cho xem ảnh hiện trường tội ác. Đó là vì những hình ảnh đẫm máu, bạo lực và hỗn loạn của hiện trường có thể gây ra tác động tâm lý mạnh đến mức thẩm phán e rằng tác động đó sẽ lấn át khả năng suy xét công tâm và logic mà bồi thẩm đoàn phải có. Ảnh khám nghiệm tử thi được chụp trên mặt bàn inox và dưới ánh đèn sáng rõ - phong cách thuần y học lâm sàng. Trái lại, ảnh hiện trường tội ác có thể có những chi tiết nhỏ làm bi kịch hóa nỗi đau của nạn nhân hoặc gợi lên lòng thương xót đối với họ - ví dụ như tấm hình của con nạn nhân trên chiếc kệ vấy máu, hoặc sợi dây giày đã cởi trên đôi giày thể thao đã sờn vì được dùng nhiều của người bị hại. Những hình ảnh gây xúc động như vậy có thể kích thích lòng thương cảm của bồi thẩm đoàn và dẫn họ đến lối tư duy “trả thù”: “Nạn nhân cũng chỉ là con người như tôi. Bị cáo có chứng cứ ngoại phạm khá thuyết phục, nhưng phải có ai đó trả giá cho tội ác tàn bạo này!”.
Quá trình nhận thức sống động kết hợp với cảm xúc và được cảm xúc kích động chính là một cơ chế thích nghi mang tính tiến hóa vô cùng hữu ích cho con người khi sống trong sự rình rập của các loài rắn rết, sư tử hay các bộ tộc thù địch. Trước sự đe dọa của kẻ thù hoặc thú săn mồi, người thợ săn bắt hái lượm bình thường không thể lãng phí thời gian cho kiểu tư duy chậm rãi như của Ngài Spock: “Tôi đang gặp nguy hiểm. Tôi đánh giá các phương án hành động của mình như thế nào?”.
Phản ứng mà tổ tiên chúng ta cần để sống sót chính là đánh-hay-chạy, một loại phản ứng đòi hỏi họ phải cảm nhận được nguy hiểm theo bản năng và tự động đưa ra một số quyết định có thể dự đoán được kết quả dưới sự thôi thúc của các loại hoóc-môn đang tăng vọt trong hệ thống nội tiết.
Hồi khoảng hai mươi tuổi, tôi có sống chung với mẹ chừng một năm. Giai đoạn đó, một người bạn của tôi đã bị cưỡng hiếp và bạn trai cô ấy thì bị đánh đập trong chính căn hộ của họ. Nhóm tội phạm đã đột nhập vào nhà và chờ họ trở về sau bữa ăn tối để ra tay. Như tôi đã đề cập, những tội ác khủng khiếp như thế này rất phổ biến ở Johannesburg. Sau khi chuyện này xảy ra, tôi cảm thấy căng thẳng hơn bao giờ hết.
Một đêm nọ, trên đường lái xe về nhà, tôi cảm thấy hoàn toàn mất phương hướng và cuối cùng, tôi lạc vào một khu phố nổi tiếng là nguy hiểm. Khi tìm được đường về nhà, tôi bắt đầu lo mình bị bám đuôi. Nhưng đến lúc về đến nhà thì tôi không thấy ai theo sau mình cả. Tôi bước vào nhà, định bụng sẽ trở ra xe để lấy hành lý sau. Khoảng ba mươi phút sau, khi tôi từ trong nhà đi ra chỗ chiếc xe, mọi thứ dường như vẫn an toàn và ổn cả. Nhưng rồi tôi nghe tiếng đằng hắng của ai đó. Tôi nhìn lên và thấy hai người đàn ông đang tiến đến gần tôi với khẩu súng trong tay. Nỗi bất an đã dồn nén trong tôi suốt những giờ phút lo sợ vừa qua, cùng với ký ức về cuộc tấn công mà bạn tôi đã trải qua, nên giờ đây cảm xúc trong tôi dâng trào đến mức tôi không thể nhịn thêm dù chỉ một giây mà cứ thế gào toáng lên. Những lời công kích đầy xúc phạm tuôn ra khỏi miệng tôi (tôi không phải là người ra vẻ kiểu cách, nhưng bạn hãy tin tôi, những từ ngữ đó không nên được lặp lại ở đây). Hai người đàn ông đó bị giật mình và nhìn tôi với vẻ mặt kinh hãi. (Tôi không dám tưởng tượng họ đã nghĩ gì lúc đó, khi nhìn thấy một bà điên bỗng nhiên chửi bới!) Sau đó, họ vội vã lẩn vào bụi rậm và mất hút trên đường. Đến tận hôm nay tôi vẫn biết ơn sự phối hợp của các giác quan trong não bộ của mình: nhìn, nhớ, cảm nhận, nghe và phản ứng - tất cả cùng một lúc.
Tuy nhiên, khả năng phối hợp tuyệt vời này cũng khiến chúng ta bị mắc câu. May mắn là trong thế giới ngày nay, hầu hết các vấn đề, thậm chí là hầu hết các mối đe dọa của chúng ta, đều mơ hồ và dài hạn. Đó không phải là “Á! Có rắn!”, mà là “Công việc của tôi có ổn định không?”, “Đến lúc nghỉ hưu thì tôi có để dành đủ tiền tiết kiệm không?” hoặc “Con gái tôi có mải chơi với thằng bé nhà Petersen đến mức ảnh hưởng xấu đến thành tích học tập không?”. Nhưng bởi vì chúng ta có những cảm xúc đi kèm với suy nghĩ đó, nên ngay cả những viễn cảnh “đời thường” nhất mà chúng ta nghĩ tới - chẳng hạn như viễn cảnh khi mình già đi hoặc cô con gái tuổi dậy thì đang yêu - vẫn trở thành tác nhân kích thích chúng ta đưa ra một phản ứng tự động dựa vào nỗi bất an cao độ, sự sợ hãi và cảm giác nguy hiểm cận kề.
Sau đây là cách một suy nghĩ bất kỳ có thể trở thành một móc câu khó gỡ:
Những cuộc độc thoại nội tâm + Suy nghĩ hỗn tạp + Cú hích cảm xúc = Mắc câu
1. Mọi thứ bắt đầu khi chúng ta lắng nghe những cuộc độc thoại nội tâm…
Mấy ngày qua, tôi không có thời gian để tâm sự với con gái Jane của tôi. Tôi không dành đủ thời gian cho con bé. Tôi cần ở bên con nhiều hơn. Nhưng làm sao tôi có thể làm được việc này khi có cả núi công việc đang chờ tôi ở công ty? Tôi không thể xoay xở được. Cô bạn Michelle Smith của tôi thì dường như luôn có đủ thời gian để tạo ra khoảnh khắc đặc biệt với con gái của cô ấy. Cô ấy đúng là một người mẹ tốt. Những mối ưu tiên của cô ấy rất rõ ràng. Tôi bị làm sao vậy? Tôi làm sai hết rồi.
2. Nhờ suy nghĩ hỗn tạp, các cuộc độc thoại nội tâm hòa lẫn với các ký ức, hình ảnh thị giác và các biểu tượng…
Nhìn con gái bé bỏng của tôi mà xem. Con bé lớn nhanh quá. Tôi dường như vẫn ngửi được mùi bánh mà mẹ thường chuẩn bị cho tôi khi tôi tan học về. Tôi cũng nên nướng bánh cho Jane. Tôi gần như có thể nhìn thấy cảnh con bé tốt nghiệp trung học, sống xa nhà - với thằng bé không tốt lành gì của nhà Petersen! - và ghét tôi. Tại sao khách hàng này lại gửi email công việc cho tôi vào thứ Bảy? Tôi phải tỏ rõ thái độ cho gã đó biết mới được. Và KHÔNG, JANE. MẸ KHÔNG THỂ ĐƯA CON ĐI MUA SẮM ĐƯỢC. MẸ PHẢI LÀM VIỆC, CON KHÔNG HIỂU SAO?
3. Cộng thêm cú hích cảm xúc...
Tôi không thể tin mình lại quát tháo đứa con yêu quý của mình như vậy. Tôi cảm thấy thật tội lỗi. Tôi sẽ chết trong cô đơn vì con tôi ghét tôi. Tôi từng yêu thích công việc của mình, nhưng giờ đây tôi căm ghét nó; nó đang cướp mất thời gian mà đáng lẽ tôi sẽ dành cho gia đình. Tôi là một kẻ thất bại thảm hại. Cuộc đời tôi thật vô nghĩa. Tôi là kẻ vô tích sự.
Cú hích cảm xúc chỉ là một trong nhiều “hiệu ứng đặc biệt” mang lại sức mạnh phi thường cho các kịch bản mà chúng ta tạo ra để tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời mình, ngay cả khi những tình tiết trong kịch bản đó chỉ đơn thuần là tưởng tượng. Nhà thơ John Milton sống ở thế kỷ 17 đã tóm tắt điều này như sau: “Tâm trí là chỗ trú ngụ của chính nó, và trong chính nơi đó, nó có thể tự tạo ra thiên đường trong địa ngục hoặc địa ngục nơi thiên đường”. Tuy nhiên, trong thế giới của những câu cách ngôn đầy thuyết phục cũng có một quan điểm khác: “Nếu chỉ mơ ước thôi cũng đủ tạo ra đôi cánh thì heo cũng bay được”. Điều đó có nghĩa là tâm trí thật sự tạo ra vũ trụ của riêng nó, nhưng chúng ta không thể giải quyết các vấn đề chỉ bằng những câu khẳng định bản thân và tư duy tích cực. Và thực tế là các giải pháp “dán sticker mặt cười lên vấn đề” của trào lưu Kỷ Nguyên Mới có thể làm cho những vấn đề đó trở nên tồi tệ hơn. Vì vậy, câu hỏi đặt ra cho chúng ta ngay lúc này chính là: Ai chịu trách nhiệm - người tạo ra suy nghĩ hay chính suy nghĩ đó?
Và tôi cần nhắc lại điều này: một phần vấn đề của chúng ta có thể chỉ đơn giản là cách chúng ta xử lý những suy nghĩ của mình.
Tư duy nhanh và chậm
Năm 1929, họa sĩ người Bỉ René Magritte đã tạo ra cú hích trong giới nghệ thuật thị giác bằng bức tranh The Treachery of Images (tạm dịch: Sự phản bội của hình ảnh). Có thể bạn đã từng xem qua bức tranh đó rồi. Đó là bức tranh vẽ một cái tẩu thuốc, ngay bên dưới là dòng chữ nổi tiếng “Ceci n’est pas une pipe” (Đây không phải là chiếc tẩu thuốc).
Thoạt tiên, bạn có thể nghĩ họa sĩ này chỉ đơn giản là người theo trường phái siêu thực và muốn kích động người xem bằng sự phi lý. Nhưng trên thực tế, bức tranh của René Magritte hàm chứa một cảnh báo quan trọng về cách chúng ta xử lý thông tin và cho thấy lối hoạt động đi ngang về tắt của tâm trí đôi khi có thể khiến chúng ta vội vã đưa ra kết luận sai lầm hoặc mắc kẹt trong những lối mòn nhận thức tai hại.
Những gì chúng ta nhìn thấy khi quan sát bức tranh The Treachery of Images là những vệt màu dầu được vẽ trên nền vải theo cách làm cho chúng ta nghĩ đến một chiếc tẩu thuốc. Và Magritte hoàn toàn đúng: đó không phải là một chiếc tẩu thuốc. Đó chỉ là hình ảnh hai chiều đại diện cho ý tưởng của chúng ta về một chiếc tẩu thuốc, và cách duy nhất bạn có thể “đốt” nó là xé nó ra khỏi bức tranh và nhét nó vào một chiếc tẩu thật. Bằng cách riêng của mình, Magritte nói với chúng ta rằng hình ảnh của một sự vật không phải là sự vật đó trong thực tế, hoặc nói như triết gia Alfred Korzybski: “Bản đồ lãnh thổ không phải là lãnh thổ”.
Con người thích tạo ra các phạm trù trong tâm trí và sau đó xếp các sự vật, hiện tượng, trải nghiệm và thậm chí cả con người vào các phạm trù phù hợp. Nếu một thứ gì đó không phù hợp với phạm trù có sẵn, nó sẽ được liệt vào nhóm “những thứ không phù hợp”. Việc phân loại như vậy có thể hữu ích, chẳng hạn như khi bạn phân loại cổ phiếu vào nhóm rủi ro cao hoặc rủi ro thấp để có thể dễ dàng lựa chọn kênh đầu tư phù hợp với mục tiêu tài chính của mình.
Tuy nhiên, khi trở nên quá thoải mái và quen với những phạm trù cứng nhắc có sẵn trong tâm trí, chúng ta đang sử dụng thứ mà các nhà tâm lý học gọi là sự kết luận vội vàng, tức là một cách phản ứng theo thói quen và không linh hoạt với những ý tưởng, sự vật, con người và thậm chí với chính bản thân mình. Những phạm trù quen thuộc và có sẵn này, cùng với những nhận định chớp nhoáng mà chúng dẫn đến, thường được gọi là nguyên tắc quyết định dựa vào kinh nghiệm. Các quyết định dựa theo kinh nghiệm này có phạm vi khá rộng, từ những điều cấm kỵ hợp lý như “Tôi không ăn các món ăn vặt của các quán cà phê ngoài trời ở Istanbul vào tháng Tám” đến những niềm tin mù quáng đầy độc hại như phân biệt chủng tộc hoặc thành kiến giai cấp, hoặc những sự tự giới hạn bản thân khiến chúng ta mất đi nhiều niềm vui, chẳng hạn như “Tôi không hát”.
Cũng như khuynh hướng để lẫn suy nghĩ với cảm xúc, khuynh hướng xếp những gì mình nhìn thấy vào “những chiếc hộp” có sẵn trong tâm trí để dễ dàng phân loại - và sau đó là để đưa ra những quyết định nhanh chóng dựa vào trực giác - phát triển là có lý do. Cuộc sống dễ dàng hơn nhiều khi chúng ta không phải phân tích mọi lựa chọn. (Hãy nghĩ tới những nhà hàng hạng sang, nơi các nhân viên phục vụ cứ đặt ra cho bạn những câu hỏi ngày càng chi tiết hơn về yêu cầu đặt món của bạn cho đến khi bạn muốn hét lên: “Cứ mang món xà lách trộn đó ra đây cho tôi là được! Rưới đại xốt mayonnaise lên là được! Sao cũng được!”) Tất cả chúng ta sẽ bị kẹt cứng trong sự tê liệt nếu phân tích vấn đề mà không có các quy tắc dựa vào kinh nghiệm riêng của mình, vì chính những quy tắc này giúp chúng ta hoàn thành các hoạt động thông thường mà không cần phải tiêu hao quá nhiều năng lượng tâm trí.
Kinh nghiệm được vận dụng khi chúng ta gặp ai đó và lập tức bắt đầu xác định mình muốn tìm hiểu thêm hay muốn tránh xa người này. Sau đó, chúng ta phát hiện hóa ra mình rất giỏi “trông mặt bắt hình dong”. Những đánh giá không có nhiều căn cứ mà chúng ta đưa ra chỉ sau vài giây ngắn ngủi này lại thường khá chuẩn xác. Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng những ấn tượng đầu tiên của chúng ta về một người xa lạ thường giống với đánh giá mà bạn bè và gia đình của người đó đưa ra về tính cách của họ.
Cách nay hàng ngàn năm, nhờ có khả năng đánh giá nhanh những người xa lạ mà con người có thể xây dựng các mối quan hệ đáng tin cậy bên ngoài phạm vi quan hệ máu mủ. Từ đó mới có sự phát triển của các làng xã, thị trấn và xã hội - nói cách khác, chính là sự hình thành các nền văn minh.
Nếu không có khả năng phán đoán dựa vào kinh nghiệm (“Anh chàng này bắt tay dứt khoát, nụ cười cũng đẹp - có vẻ là một chàng trai tốt”) và phải phân tích lại mọi biểu cảm, từng câu đối thoại và tất cả các thông tin khác mỗi khi gặp gỡ người khác thì hẳn là chúng ta sẽ không còn thời gian để sống và tận hưởng cuộc đời mình.
Tuy nhiên, thật không may là những đánh giá mà chúng ta đưa ra chớp nhoáng có thể sai. Ấn tượng đầu tiên mà chúng ta có về con người hoặc sự vật có thể được hình thành dựa trên những khuôn mẫu thiếu chính xác, hoặc có thể bị thao túng bởi những kẻ lừa bịp chuyên nghiệp. Và một khi những ấn tượng hay đánh giá này đã được thiết lập, chúng ta rất khó xem xét lại và thay đổi chúng. Khi đưa ra những nhận định quá nhanh, chúng ta thường sẽ coi trọng các thông tin có sẵn và xem nhẹ những yếu tố nhỏ nhưng tinh tế mà mình phải cần nhiều thời gian mới nhận ra.
Trong tác phẩm Thinking Fast and Slow (tạm dịch: Tư duy nhanh và chậm), nhà tâm lý học Daniel Kahneman đã mô tả hai chế độ tư duy cơ bản của tâm trí con người. Chế độ tư duy thứ nhất được gọi là Hệ thống 1, chuyên tạo ra những suy nghĩ nhanh chóng, tự động, không tốn nhiều công sức, có tính liên kết và tiềm ẩn - nghĩa là chúng không hiển hiện rõ ràng để chúng ta lập tức xem xét. Những suy nghĩ của Hệ thống 1 thường mang theo nhiều cảm xúc, bị chi phối bởi thói quen và chính vì vậy rất dễ khiến chúng ta bị mắc câu.
Chế độ tư duy thứ hai, hay còn gọi là Hệ thống 2, suy nghĩ chậm hơn và thận trọng hơn. Những suy nghĩ này đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn và mức độ chú ý sâu sắc hơn. Chúng cũng linh hoạt hơn và tuân thủ các quy tắc mà chúng ta đã có ý thức thiết lập. Chính những hoạt động của Hệ thống 2 này sẽ giúp chúng ta tạo ra không gian giữa tác nhân kích thích và phản ứng mà Viktor Frankl đã đề cập đến, một không gian để chúng ta thể hiện trọn vẹn bản chất con người và phát huy tối đa tiềm năng của mình.
Tôi nhớ mình từng xem cuộc trò chuyện giữa người dẫn chương trình truyền hình Bill O’Reilly và diễn viên hài David Letterman. Người dẫn chương trình đặt ra một câu hỏi và bắt đầu nói đùa với diễn viên hài: “Đây là một câu hỏi dễ ợt!”.
David đáp: “Đối với tôi thì không dễ, vì tôi luôn suy nghĩ thấu đáo”.
Ông đã nhận được một tràng pháo tay cho câu trả lời này.
Như tôi đã đề cập ở trên, lối tư duy nhanh và dựa theo trực giác của Hệ thống 1 đôi khi có thể hiệu quả và chính xác. Tiến sĩ Gerd Gigerenzer - viện trưởng Viện Phát triển Con người Max Planck tại Berlin, nước Đức và có công trình nghiên cứu khoa học được nhắc đến trong quyển sách Blink (tạm dịch: Chớp mắt) của Malcolm Gladwell - là một nhà tâm lý học xã hội nổi tiếng với những nghiên cứu về tư duy theo trực giác. Ông mô tả các “phản ứng cảm tính” này như một điều gì đó bí ẩn, bí ẩn ngay cả với người tạo ra chúng. Tất cả những gì chúng ta biết là các phản ứng cảm tính này được hình thành dựa trên những gợi ý đơn giản trong môi trường xung quanh, đồng thời lọc bỏ những thông tin khác mà hoàn cảnh hoặc kinh nghiệm sống của chúng ta (hoặc sự quên lãng, hoặc thói quen) cho là không cần thiết.
Một số phản ứng theo trực giác có được là nhờ được rèn luyện qua thời gian. Chẳng hạn như một bậc thầy cờ vua có thể nhìn lướt qua ván cờ mà người khác đang chơi và đoán được đến mười mấy nước cờ tiếp theo, hoặc các y tá khoa tim mạch có thể phát hiện từ sớm những bệnh nhân có nguy cơ lên cơn đau tim, hoặc một người lính cứu hỏa biết chính xác thời điểm nào cần di tản người dân.
Tuy vậy, các phản ứng theo trực giác của Hệ thống 1 cũng có mặt trái. Khi những nhận định dựa vào kinh nghiệm bắt đầu chi phối cách chúng ta xử lý thông tin và hành xử, sẽ có lúc chúng ta áp dụng nguyên tắc quyết định dựa trên kinh nghiệm theo những cách không phù hợp, từ đó làm giảm khả năng phát hiện những khác biệt bất thường hoặc các cơ hội mới. Chúng ta mất đi sự linh hoạt.
Khi đắm chìm trong một bộ phim, một khán giả bình thường có thể bỏ lỡ những “hạt sạn” trong cốt truyện hoặc cảnh phim, chẳng hạn như khi quay cận cảnh thì diễn viên đang cầm một tách cà phê nhưng trong một cảnh quay góc rộng diễn ra chỉ hai giây sau đó, tách cà phê đã biến mất. Trong phòng thí nghiệm, các nhà nghiên cứu đã cố ý tạo ra nhiều đoạn phim ngắn có các cảnh quay lỗi và chiếu cho những người tham gia thí nghiệm xem. Ví dụ, trong một cảnh trò chuyện có máy quay chuyển đổi qua lại giữa hai nhân vật trong cảnh phim, trang phục của một nhân vật liên tục thay đổi. Hoặc một nhân vật đứng lên để trả lời điện thoại, góc quay thay đổi, và trong khung hình tiếp theo thì nhân vật này lại do một diễn viên hoàn toàn khác thay vai. Có trung bình hai phần ba số người tham gia thí nghiệm không để ý những lỗi này, ngay cả khi diễn viên chính đã bị thay.
Nhóm nghiên cứu này cũng tiến hành một thí nghiệm khác: một người trong nhóm nghiên cứu chặn những sinh viên đơn lẻ trong sân trường lại để hỏi đường. Khi sinh viên và một thành viên của nhóm nghiên cứu đang nói chuyện, hai thành viên khác của nhóm sẽ khiêng một cánh cửa gỗ đi chen vào giữa họ. Trong một tích tắc khi cánh cửa che tầm nhìn của sinh viên, các thành viên của nhóm nghiên cứu sẽ thực hiện “màn ảo thuật” hoán đổi vị trí để khi cánh cửa được dời đi thì người hỏi đường đã được thay bởi một thành viên khác. Thật ngạc nhiên là một nửa số sinh viên trong thử nghiệm đã không nhận ra sự hoán đổi và vẫn tiếp tục cuộc trò chuyện như không có gì xảy ra.
Một ví dụ đau buồn về hiện tượng này trong đời thực đã diễn ra tại Boston trước buổi bình minh của một ngày tháng Một năm 1995, khi anh cảnh sát Kenny Conley đang chạy qua dãy hàng rào lưới mắt cáo để đuổi theo nghi phạm của một vụ nổ súng. Conley quá tập trung vào việc đuổi bắt kẻ xấu đến mức không nhìn thấy một sự việc khác đang xảy ra ngay lúc đó: các viên cảnh sát khác đang đánh nhừ tử một người đàn ông mà họ cho là nghi phạm - nhưng thực tế, người này là một cảnh sát chìm. Sau đó, trong phiên tòa, Conley đã khai rằng anh chạy ngang qua chính địa điểm mà đồng nghiệp của mình bị đánh đập tàn bạo, nhưng vì mải tập trung vào nhiệm vụ nên anh đã không để ý thấy chuyện đó.
Bài học rút ra: một khi tâm trí âm thầm chuyển sang chế độ mặc định, chúng ta cần phải rất linh hoạt mới áp chế được trạng thái này. Đây là lý do các chuyên gia lại thường là những người cuối cùng nhận ra các giải pháp thông dụng để giải quyết những vấn đề đơn giản - một hiện tượng mà nhà kinh tế học Thorstein Veblen gọi là “sự mất năng lực do được đào tạo” của các chuyên gia. Sự tự tin thái quá khiến một người lành nghề bỏ qua thông tin mà bối cảnh thực tế mang lại, và càng quen thuộc với một loại vấn đề cụ thể nào đó thì một chuyên gia càng dễ có khuynh hướng sử dụng một giải pháp có sẵn trong bộ nhớ của mình hơn là đưa ra phản ứng phù hợp với tình huống đang diễn ra trong thực tế.
Trong một nghiên cứu khác, các bác sĩ tâm lý được xem một cuộc phỏng vấn mà theo như họ được thông báo thì người được phỏng vấn hoặc là ứng viên xin việc hoặc là bệnh nhân tâm thần. Các bác sĩ này được yêu cầu sử dụng chuyên môn để đánh giá người được phỏng vấn. Khi tin rằng người được phỏng vấn đang xin việc, các bác sĩ mô tả người này là bình thường và có tâm lý khá ổn định; cũng cùng đối tượng phỏng vấn này nhưng được nhận định như một bệnh nhân thì các bác sĩ lại mô tả họ là những người dễ bị căng thẳng và có năng lực hạn chế. Thay vì tập trung chú ý đến người đang hiện diện trước mắt, các bác sĩ trong nghiên cứu này đã dựa vào những gợi ý hời hợt để đưa ra các đánh giá cũng hời hợt dựa vào kinh nghiệm của mình. Thực tế đã cho thấy có lẽ họ thật sự đã bị “ru ngủ” bởi sự tự tin thái quá vào năng lực chuyên môn của bản thân.
Nói chung, các chuyên gia - hoặc những người được đánh giá cao trong lĩnh vực hoạt động của họ - thường bị mắc câu bởi họ không thoát được chính sự tự phụ của bản thân. Nhưng vị thế hoặc thành tích trong lĩnh vực này không phải lúc nào cũng liên quan đến lĩnh vực khác. Một nhóm các nhà môi giới chứng khoán mà tôi từng gặp tại hội thảo đều đồng ý rằng bác sĩ phẫu thuật có tiếng là những nhà đầu tư tồi nhất vì họ chỉ lắng nghe tư vấn đầu tư từ các bác sĩ phẫu thuật khác. Nhưng điều mỉa mai là các nhà đầu tư chứng khoán này cũng đang sử dụng một kiểu nguyên tắc quyết định dựa trên kinh nghiệm ngớ ngẩn khi đồng thuận với nhau về khả năng đầu tư yếu kém của bác sĩ phẫu thuật. Một ví dụ khác là trong những buổi dã ngoại của toàn công ty, các vị CEO thường tự mặc định họ phải là người chỉ huy mà không nghĩ rằng anh nhân viên trẻ tuổi mới vào làm việc trong phòng văn thư sau khi xuất ngũ kia có thể có kỹ năng và kinh nghiệm phù hợp hơn họ để hướng dẫn mọi người trong các hoạt động liên quan tới leo núi và đu dây thừng.
Những người bị cuốn vào một lối suy nghĩ hoặc cách cư xử nhất định nào đó không thật sự quan tâm đến thực tế. Họ không cảm nhận được tình huống - những gì đang thật sự diễn ra, so với những gì họ nghĩ là đang diễn ra. Thay vào đó, họ nhìn thế giới theo cách họ muốn thấy, hoặc vì họ đã phân loại các sự việc vào những hạng mục có thể có cũng có thể không liên quan đến tình huống thực tế.
Đa số các nạn nhân thương vong trong hỏa hoạn hoặc tai nạn máy bay là những người đã cố thoát ra ngoài qua cùng cánh cửa mà họ đã đi vào. Trong cơn hoảng loạn, họ hành động dựa theo một khuôn mẫu được thiết lập từ trước thay vì tìm lối thoát khác. Tương tự như vậy, nỗi đau mà chúng ta phải gánh chịu, cảm giác chán nản đến mức muốn bỏ cuộc, những thử thách trong mối quan hệ và nhiều khó khăn khác trong cuộc sống của chúng ta hầu như không bao giờ được giải quyết bằng lối tư duy cũ và rập khuôn. Khả năng linh hoạt trong cảm xúc nghĩa là nhạy với tình huống và phản ứng phù hợp với thực tế đang diễn ra.
Chắc chắn chúng ta không muốn chấm dứt những suy nghĩ và cảm xúc đang tuôn chảy trong tâm trí mình, bởi vì điều đó đồng nghĩa với hồi kết của chúng ta. Nhưng một lần nữa, câu hỏi đặt ra là: “Ai chịu trách nhiệm, người có các suy nghĩ hay chính các suy nghĩ?”. Chúng ta đang lèo lái cuộc đời mình theo những giá trị riêng và những điều quan trọng đối với chúng ta, hay chúng ta chỉ đơn giản là trôi theo dòng đời?
Khi chúng ta không làm chủ cuộc đời mình, không hành động theo ý chí và với đầy đủ các phương án lựa chọn mà một trí tuệ thông suốt có thể gợi lên, đó chính là lúc chúng ta bị mắc câu.
Bốn “móc câu” phổ biến nhất
Móc câu 1: Đổ lỗi cho suy nghĩ
“Tôi nghĩ tôi sẽ tự làm mình bẽ mặt, vậy nên tôi đã không trò chuyện với ai tại bữa tiệc.”
“Tôi nghĩ cô ấy khá thờ ơ, vì vậy tôi không chia sẻ thông tin dự án với cô ấy nữa.”
“Tôi nghĩ anh ấy sẽ bắt đầu nói về tình hình tài chính của chúng tôi nên tôi bỏ ra khỏi phòng.”
“Tôi nghĩ mình sẽ nói ra những lời nghe rất ngu ngốc, thế nên tôi không nói gì hết.”
“Tôi nghĩ cô ấy sẽ là người chủ động, nên tôi đã không gọi điện cho cô ấy.”
Trong các ví dụ trên, người nói đổ lỗi cho những suy nghĩ của mình khi làm hoặc không làm việc gì đó. Khi bạn bắt đầu đổ lỗi cho suy nghĩ, sẽ không có đủ không gian giữa kích thích và phản ứng - nói theo cách của Frankl - để bạn đưa ra các lựa chọn thật sự. Nếu chỉ có ý nghĩ thôi thì không thể tạo ra hành vi. Những câu chuyện cũ cũng không dẫn đến hành vi. Chính chúng ta tạo ra hành vi của mình.
Móc câu 2: Tâm viên ý mã
“Tâm viên ý mã” (tâm như khỉ leo, ý như ngựa chạy) là một cách diễn đạt thường được dùng để mô tả một tâm trí không yên và cứ nhảy từ chủ đề này sang chủ đề khác. Có thể bạn đang tranh cãi với người bạn đời của mình (hoặc với cha mẹ, con cái, bạn bè, đồng nghiệp) và anh ấy giận dữ đi ra khỏi nhà. Trong lúc ngồi trên tàu điện đến văn phòng, bạn nghe tâm trí mình ồn ào: “Tối nay mình sẽ nói cho anh ấy biết mình thất vọng thế nào khi anh ấy chỉ trích cha mẹ mình”. Khi bạn lên kế hoạch cho cuộc nói chuyện đó, suy nghĩ dựa trên dự cảm này biến thành một cuộc trò chuyện tưởng tượng trong tâm trí bạn. Anh ấy có thể nói thêm điều gì đó khó nghe về cha mẹ của bạn, nên bạn sẽ đáp trả bằng những nhận xét về người em trai “không nên thân” của anh ấy. Bạn dự đoán những lời mà bạn cho rằng anh ấy sẽ nói và bạn tính trước sẽ đáp trả thế nào. Khi đến được chỗ làm thì bạn đã mệt lử vì cuộc tranh cãi dữ dội mà bạn tự nghĩ ra trong tâm trí mình.
Khi đang ở trạng thái tâm viên ý mã, chúng ta rất dễ bắt đầu quá trình “tồi tệ hóa”, tức là nghĩ ra những kịch bản xấu nhất hoặc làm quá lên những vấn đề nhỏ. Hành động này làm tổn hao năng lượng và lãng phí thời gian của chúng ta. Tai hại hơn, khi đắm chìm trong những câu chuyện tưởng tượng này, bạn không sống trong thực tại. Bạn không để ý những bông hoa trong công viên hay những khuôn mặt thú vị trên tàu. Bạn cũng không cho não của mình khoảng không gian trung lập cần thiết để sáng tạo ra các giải pháp, có thể bao gồm cả giải pháp cho vấn đề đã khiến bạn phiền não ban đầu.
Người tâm viên ý mã thường bị níu kéo bởi quá khứ (“Tôi không thể tha thứ cho những việc ông ấy đã làm”) và thúc giục bởi tương lai (“Tôi vô cùng trông đợi đến ngày tôi nghỉ việc và cho sếp biết tôi thật sự tức giận đến thế nào”). Tâm trí họ lúc này cũng thường chứa đầy những từ ngữ phán xét và mang tính ép buộc, chẳng hạn như “phải”, “không thể” và “nên” (“Tôi phải giảm cân”, “Tôi không thể thất bại”, “Tôi không nên cảm thấy thế này”). Trạng thái tâm viên ý mã khiến bạn xa rời thực tại và xa rời những điều tốt nhất cho cuộc đời mình.
Móc câu 3: Những ý niệm cũ và lạc hậu
Kevin thật lòng khát khao một mối quan hệ nghiêm túc. Ngoài mặt, anh ấy rất vui vẻ và phù phiếm. Nhưng trong thâm tâm, anh đã đóng cửa trái tim, không tin tưởng và luôn giữ khoảng cách với phụ nữ. Không có gì đáng ngạc nhiên khi tất cả các cuộc tình của anh đều tan vỡ. Kevin kể với tôi rằng cha của anh là một kẻ nghiện rượu có khuynh hướng bạo lực, thường xuyên chửi bới và đánh anh khi anh phạm lỗi, đôi khi là ngay trước mặt bạn bè của anh. Từ khi còn nhỏ, Kevin đã học được cách giấu nỗi buồn hoặc không thể hiện các điểm yếu của mình, vì cha sẽ lợi dụng những điều đó để làm tổn thương anh. Bài học Kevin nhận được khi đó là nếu ngay cả những người thân cận nhất cũng công kích bạn, tốt hơn hết là hãy tách bản thân khỏi cảm xúc của chính mình và khỏi mọi người xung quanh. Hành vi của Kevin thật sự có tác dụng khi anh còn nhỏ; nó bảo vệ tinh thần của anh và giữ an toàn cho anh về mặt thể chất. Nhưng đó là trong quá khứ.
Hai mươi năm sau, niềm tin vụn vỡ của Kevin không khác gì một đôi giày quá nhỏ luôn bó chân anh. Anh cư xử như thể mỗi ngày anh vẫn sống trong bi kịch thuở bé. Thứ anh cần chính là phản ứng linh hoạt trong cảm xúc để thích ứng với những tình huống rất khác và tích cực hơn nhiều trong cuộc sống trưởng thành của anh ở hiện tại. Những suy nghĩ cũ và khó chịu của anh chỉ đơn giản là không còn hữu ích cho anh nữa.
Tina, một trong những khách hàng tham gia chương trình tập huấn của tôi, vừa mới được đề bạt làm CEO của một công ty dịch vụ tài chính lớn. Thuở mới vào nghề, cô làm nhân viên giao dịch chứng khoán ở New York, trong một môi trường cạnh tranh không khoan nhượng và nam giới áp đảo. Trên sàn giao dịch, cô đã học được rằng nói về cuộc sống cá nhân của mình là điều cấm kỵ và cô cần thể hiện mình cũng mạnh mẽ như những nam đồng nghiệp dày dạn kinh nghiệm xung quanh. Cách này tốt cho cô khi cô làm việc trên sàn giao dịch, và cô thấy yêu công việc của mình. Tuy nhiên, khi chuyển đến một tổ chức mới, cô nhận ra rằng người ta không muốn đi theo một cỗ máy. Cô cần thể hiện cảm xúc và sự chân thành, nhưng cô lại gặp khó khăn trong việc thân thiết với người khác. Cũng giống như Kevin, cô sống trong một câu chuyện lỗi thời. Những gì đã giúp cô đạt được vị trí hiện tại không thể đưa cô lên vị trí cao hơn. Cô cần linh hoạt để thích nghi với hoàn cảnh đã thay đổi.
Móc câu 4: Chính nghĩa mù quáng
Người ta nói rằng trong một phiên tòa, bạn không bao giờ có được công lý; nếu may mắn thì bạn chỉ có được một thỏa thuận tốt nhất có thể mà thôi. Trong rất nhiều khía cạnh khác của cuộc sống, chúng ta bám víu quá lâu vào việc phải giành lấy công lý, phải chứng tỏ hoặc phải đập tan sự nghi ngờ và chứng minh mình đúng. Bất cứ ai từng có mối quan hệ lãng mạn kéo dài hơn vài tháng đều đã trải qua một cuộc tranh cãi, đặc biệt là tranh cãi với người mình yêu thương, mà trong đó có một khoảnh khắc bạn nhận ra mặt hồ đã lặng sóng, cả hai bên đều đạt được một sự thấu hiểu hoặc một thỏa thuận hòa bình nào đó và lựa chọn tốt nhất của bạn lúc này là im lặng, để cho sự việc qua đi, tắt đèn và đi ngủ. Nhưng rồi có điều gì đó thôi thúc bạn phải nói thêm một câu nữa để chứng minh rằng thật ra bạn đúng và người kia sai - và thế là sóng gió lại nổi lên.
Tương tự như vậy, nhu cầu chứng minh mình đúng hoặc chứng minh mình bị đối xử bất công có thể cướp mất của bạn nhiều năm cuộc đời. Trong nhiều gia đình và ở nhiều nơi trên thế giới, có những mối thù truyền kiếp tồn tại lâu đến nỗi không ai còn nhớ được nguồn cơn ban đầu nữa. Trớ trêu thay, điều này chỉ kéo dài cảm giác về sự bất công, bởi vì bạn đang tự đẩy bản thân mình ra khỏi những điều tốt đẹp khác mà bạn trân trọng, chẳng hạn như sự kết nối thân thiết với gia đình hoặc bạn bè. Tôi thích hình ảnh mà chúng tôi thường dùng để mô tả loại hiện tượng giận quá mất khôn và tự làm tổn thương bản thân này: ghét mặt nên cắt mũi.
*
Triết gia Hy Lạp cổ đại Heraclitus, người được tôn là ông tổ của phép biện chứng, đã nói rằng bạn không thể tắm hai lần trên một dòng sông. Ý của ông là thế giới luôn thay đổi và do đó, nó luôn mang đến cho chúng ta nhiều cơ hội và tình huống mới. Để tận dụng tối đa đặc điểm này, chúng ta phải liên tục phá bỏ các nhóm phạm trù cũ và xây dựng các nhóm mới. Các giải pháp mới và thú vị nhất thường đến khi chúng ta tư duy theo “tâm trí của người mới bắt đầu”, tức là tiếp cận những trải nghiệm mới lạ với thái độ hào hứng của người mới được bắt đầu hành trình của riêng mình. Đây chính là nền tảng của khả năng linh hoạt cảm xúc.
Cách nay một hoặc hai thế hệ, xã hội gần như vẫn vận hành dựa trên kiểu phân loại “hoạt động của nam giới” và “hoạt động của nữ giới”. Ngày nay, nếu còn phân biệt cứng nhắc như vậy, bạn có thể bị chỉ trích. Tương tự, một số người trong chúng ta có khuynh hướng tự đóng khung mình, không nhận ra giá trị bản thân trong tư cách một cá nhân, nhìn nhận bản thân một cách hạn hẹp và đơn điệu - chẳng hạn như nghĩ mình là người giàu, người mập, người lập dị hoặc kẻ quê mùa. Chúng ta từ lâu đã học được rằng tự phân loại bản thân theo kiểu “vợ của Johnson” là một sự xác nhận hạn chế và sai lạc. Nhưng thật ra thì những cái nhãn như “CEO”, “cá nhân xuất chúng”, “đứa trẻ thông minh nhất lớp” hay thậm chí là “vận động viên Olympic” cũng không khá hơn. Mọi thứ đã thay đổi. Chúng ta cần sự linh hoạt để đảm bảo mình cũng có thể thay đổi cho phù hợp.
Linh hoạt cảm xúc có nghĩa là nhận thức và chấp nhận tất cả các cảm xúc của bạn, thậm chí rút ra được bài học từ những cảm xúc khó chịu nhất. Linh hoạt cảm xúc cũng có nghĩa là vượt qua những nhận thức cũng như phản ứng cảm xúc có điều kiện hoặc đã được lập trình sẵn (các “móc câu” của bạn) để sống trong thực tại với cái nhìn rõ ràng về tình huống trước mắt, phản ứng thích hợp và sau đó hành động phù hợp với các giá trị sâu sắc nhất của bạn.
Trong các chương tiếp theo, tôi sẽ hướng dẫn bạn cách trở thành một người linh hoạt cảm xúc để nhờ đó bạn có thể sống một cuộc đời trọn vẹn nhất.