C
húng ta có nhiều cảm xúc khác nhau, nhưng trong khuôn khổ quyển sách này, chúng tôi xác định có bảy cảm xúc cơ bản: vui vẻ, buồn bã, tức giận, sợ hãi, ngạc nhiên, khinh thường và ghê tởm. Tất cả những cảm xúc này đã giúp chúng ta sống sót qua hàng triệu năm tiến hóa và vẫn còn là một phần trong con người chúng ta ngày nay. Tuy nhiên, trong bảy cảm xúc đó, các cảm xúc tức giận, buồn bã, sợ hãi, khinh thường và ghê tởm thuộc nhóm gây khó chịu trên nấc thang cảm xúc. (“Ngạc nhiên” có thể thuộc nhóm dễ chịu hoặc khó chịu.)
Tại sao phần lớn những cảm xúc cơ bản của chúng ta đều phản ánh mặt tối của trải nghiệm làm người? Nếu có nhiều cảm xúc gây phiền toái cho chúng ta như vậy nhưng đồng thời chúng vẫn hữu ích để có thể giúp chúng ta vượt qua quá trình chọn lọc tự nhiên, phải chăng điều này có nghĩa là ngay cả những cảm xúc tiêu cực và khó chịu cũng có ý nghĩa riêng của nó? Phải chăng đây là lý do chúng ta không nên tránh né mà nên đón nhận những cảm xúc đó như một phần hữu ích của cuộc sống dù đôi khi chúng khiến chúng ta cảm thấy không thoải mái?
Đúng vậy.
Chính xác là như vậy.
Tuy nhiên, đa số chúng ta đều không học được cách đón nhận và sống với tất cả cảm xúc của mình. Hầu hết chúng ta sử dụng các hành vi mặc định với hy vọng có thể làm lệch hướng hoặc ngụy trang những cảm xúc tiêu cực để chúng ta không phải đối mặt với chúng. Một số người khác thì đắm chìm trong những cảm xúc này và không thể thoát ra được. Hoặc chúng ta cố gắng đối phó với nghịch cảnh và cảm xúc khó chịu bằng sự hoài nghi, mỉa mai hoặc châm biếm để không phải thừa nhận rằng có những cảm xúc đáng được xem xét nghiêm túc. (Như triết gia người Đức Nietzsche từng nói: “Những câu nói đùa chính là mồ chôn của cảm xúc”.) Bên cạnh đó, có những người cố lờ đi cảm xúc của mình và “rũ sạch nó”, như lời một bài hát của ca sĩ Taylor Swift. Khi chúng ta cố gắng “thoát khỏi móc câu” bằng cách giết chết cảm xúc của mình, nạn nhân thật sự chính là hạnh phúc và sức khỏe của chúng ta.
Để xem những phản ứng của bạn thuộc nhóm nào trong số các giải pháp kém hiệu quả nói trên, hãy thử trả lời cho các tình huống này:
Tình huống 1: Sếp thông báo về một sự thay đổi khiến bạn thất vọng. Bạn rất có thể sẽ:
A. Bỏ qua sự thất vọng và tức giận của mình. Cảm xúc này sẽ từ từ biến mất và bạn có nhiều việc khác cần giải quyết.
B. Ngẫm nghĩ mãi về những lời bạn sẽ nói với sếp, tập dượt trong đầu hết lần này đến lần khác những câu như “Mình sẽ nói...” và “Sếp sẽ nói…”.
C. Dành thời gian nghĩ xem tại sao sự thay đổi đó lại khiến bạn phiền lòng, lên kế hoạch nói rõ chuyện này với sếp và sau đó trở lại với công việc.
Tình huống 2: Đứa con ba tuổi của bạn để đồ chơi trên sàn nhà. Bạn về nhà sau một ngày làm việc căng thẳng, đạp phải món đồ chơi và trượt chân. Bạn lớn tiếng la con. Sau đó, bạn có nhiều khả năng sẽ:
A. Xua đi sự khó chịu và tự nhủ: “Không sao, mình chỉ vừa có một ngày dài mệt mỏi mà thôi”.
B. Tự trách bản thân cả buổi tối vì đã quát mắng con, tự hỏi tại sao mình luôn phản ứng như vậy và kết luận rằng mình là bậc phụ huynh tồi tệ nhất thế giới.
C. Tâm sự với người bạn đời về ngày căng thẳng mà bạn vừa trải qua, nhận ra phản ứng với con trai bắt nguồn từ sự thất vọng của bạn với sếp. Ôm con, xin lỗi con và dỗ con ngủ.
Tình huống 3: Bạn đang đau khổ vì chuyện tình yêu tan vỡ. Bạn sẽ:
A. Đi chơi với bạn bè để tự khiến mình phân tâm. Bạn thậm chí có thể gặp gỡ đối tượng mới nào đó. Những việc này giúp làm tê liệt nỗi đau.
B. Lủi thủi ở nhà và tự hỏi bạn có thể làm gì khác đi. Tại sao bạn luôn dở tệ trong chuyện tình cảm?
C. Cảm thấy buồn bã trong một thời gian. Viết về trải nghiệm này hoặc trò chuyện với bạn bè và rút ra bài học từ lần tan vỡ này.
Nếu đa số câu trả lời của bạn là A, bạn là kiểu người Đóng Chai Cảm Xúc. Người Đóng Chai cố gắng tháo gỡ vướng mắc bằng cách gạt cảm xúc sang một bên và tiếp tục làm những công việc khác. Họ có khuynh hướng xua đi những cảm xúc không mong muốn vì chúng khiến họ không thoải mái hoặc mất tập trung, hoặc vì họ nghĩ rằng mình sẽ có vẻ yếu ớt hoặc sẽ bị xa lánh nếu không tỏ ra vui vẻ và hoạt bát.
Nếu phản ứng theo kiểu Đóng Chai và là người ghét công việc, có thể bạn sẽ cố gắng hợp lý hóa những cảm xúc tiêu cực bằng cách tự nhủ: “Ít ra thì tôi cũng có công ăn việc làm”. Nếu không hài lòng với chuyện tình cảm, bạn có thể sẽ đắm chìm trong một dự án công việc mà mình phải hoàn thành. Nếu đang bận rộn chăm sóc người khác đến mức bỏ quên bản thân, bạn có thể sẽ gạt nỗi buồn hoặc sự căng thẳng sang một bên bằng cách tự nhủ “rồi sẽ đến lúc mình có thời gian cho bản thân”. Nếu nhân viên của bạn đang rất lo lắng về việc cắt giảm ngân sách và vấn đề tái cơ cấu, có khả năng bạn sẽ tránh nói về những chủ đề đó vì sợ khuấy động những cảm xúc khó chịu trong lòng họ.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng không phải lúc nào các hành xử của chúng ta cũng theo quy tắc giới tính, nhưng đàn ông thường có khuynh hướng “đóng chai” hơn phụ nữ.
Vào những năm 1990, khi tôi bắt đầu học tâm lý học, có vẻ những quyển sách viết về sự khác biệt trong cách biểu lộ cảm xúc giữa nam và nữ rất thịnh hành. Quyển Men Are From Mars, Women Are From Venus (Đàn ông sao Hỏa, đàn bà sao Kim) của chuyên gia tư vấn về các mối quan hệ John Gray đã bán được mười triệu bản. Một quyển sách thành công vang dội khác thời đó là You Just Don’t Understand (tạm dịch: Không thể hiểu) của Deborah Tannen, bàn về những cách khác nhau mà đàn ông và đàn bà sử dụng ngôn ngữ để giao tiếp - hoặc để không giao tiếp - với nhau.
Ngày nay, bạn có thể thấy người ta châm biếm kiểu giao tiếp rập khuôn này qua những vở hài kịch hoặc các phim ngắn. Đoạn phim hài ngắn được trình chiếu trên Internet It’s Not About the Nail (tạm dịch: Không phải vì cây đinh) là một ví dụ điển hình. Trong phim này, một cô gái trẻ than thở với bạn trai về nỗi buồn bực của cô: “Anh hiểu áp lực này không? Em có thể cảm nhận nó ngay trong đầu mình, cứ liên tục như vậy. Em không biết cảm giác này có bao giờ dừng lại không nữa”.
Máy quay lia sang trái và người ta thấy một cây đinh dài khoảng năm xăng-ti-mét nhô ra từ trán cô gái.
Bạn trai của cô thản nhiên: “Đúng là có một cây đinh đang ló ra từ trong đầu em”.
“Đây không phải là chuyện cây đinh!”, cô gái gào lên. “Anh đừng cố chỉ ra vấn đề. Anh lúc nào cũng làm như vậy. Anh luôn cố xử lý mọi thứ trong khi em chỉ cần anh lắng nghe em nói.”
Chàng trai thở dài và lần này anh thử nói cách khác: “Chuyện này nghe có vẻ áp lực thật đấy. Anh rất tiếc”.
“Đúng vậy đó. Cảm ơn anh”, cô gái đáp. Sau đó cô rướn người qua để hôn bạn trai và cây đinh cứ vậy đâm sâu hơn vào trán của cô.
“Ui da!”
Video này mang lại tiếng cười vì nó phản ánh một phần sự thật, đó là nam giới thường được xem là những người tập trung giải quyết vấn đề, còn nữ giới là những sinh vật giàu cảm xúc hơn. Anh chàng bạn trai tóc vàng trong video thể hiện hành vi kinh điển của kiểu “đóng chai”: tóm gọn vấn đề, đẩy nó sang một bên, tiếp tục xử lý những chuyện khác. Hành động, hành động, hành động! Bạn gái của anh thật sự có một cây đinh trên trán và anh cần chỉ ra chuyện đó để tìm cách khắc phục.
Vấn đề của khuynh hướng “đóng chai” là việc bỏ qua những cảm xúc khó chịu không giúp chúng ta giải quyết gốc rễ của vấn đề. (Đúng, cây đinh gây ra cơn đau, nhưng tại sao cây đinh lại cắm vào đầu cô gái?) Những vấn đề sâu xa hơn vẫn còn y nguyên.
Tôi đã không ít lần gặp những người Đóng Chai mà sau nhiều năm, họ bỗng nhận ra họ vẫn làm công việc khổ sở đó, vẫn ở trong mối quan hệ hoặc hoàn cảnh tồi tệ như họ đã từng trải qua trước đây. Họ quá tập trung vào việc tiến về phía trước và làm những việc “phải làm” đến mức bỏ bê cảm xúc chân thực của mình suốt nhiều năm, và do đó, họ không đạt được bất kỳ sự thay đổi nào đáng kể.
Một khía cạnh khác của khuynh hướng “đóng chai” là cố gắng suy nghĩ tích cực để đẩy những ý nghĩ tiêu cực ra khỏi tâm trí. Thật không may, cố gắng không làm việc gì đó thường chỉ khiến chúng ta hao tổn thêm tâm trí. Bên cạnh đó, nếu để ý, bạn sẽ thấy khi cố gắng xem nhẹ hoặc phớt lờ những suy nghĩ và cảm xúc nào đó, chúng ta chỉ càng khiến chúng âm ỉ chờ ngày bùng lên.
Trong một nghiên cứu vô cùng đơn giản nhưng rất nổi tiếng do nhà tâm lý học xã hội Daniel Wegner thực hiện, một nhóm người tham gia được yêu cầu không nghĩ về gấu trắng, nhưng kết quả là họ đã thất bại thảm hại với nhiệm vụ đó. Trên thực tế, sau khi yêu cầu “không nghĩ về gấu trắng” được hủy bỏ thì nhóm này vẫn nghĩ về gấu trắng nhiều hơn hẳn so với nhóm đối chứng, tức là nhóm hoàn toàn không nhận được yêu cầu này. Bất kỳ ai đang trong chế độ ăn kiêng và thèm một chiếc bánh kem sô-cô-la đều hiểu sự phản tác dụng của câu “chỉ cần không nghĩ tới là được” và các chiến lược né tránh tương tự khác.
Trớ trêu ở chỗ khuynh hướng Đóng Chai khiến chúng ta cảm thấy mình nắm quyền kiểm soát, trong khi thật ra thì nó ngăn không cho chúng ta kiểm soát. Thứ nhất, chính những cảm xúc của bạn mới đang kiểm soát tình hình. Thứ hai, những cảm xúc bị đè nén thường không tránh khỏi bị bộc lộ theo những cách không mong đợi, một quá trình mà các nhà tâm lý học gọi là rò rỉ cảm xúc. Ví dụ, bạn tức giận với anh trai và cố gắng kiềm chế cơn giận đó. Thế nhưng sau khi uống một ly rượu vang trong bữa tiệc tối của gia đình, bạn buột miệng nói ra một câu khó nghe. Giờ thì bạn đã tạo ra một cơn “sóng gió gia đình”. Một ví dụ khác: bạn lờ đi nỗi thất vọng khi vuột mất cơ hội thăng tiến tại nơi làm việc, và sau đó một vài ngày, bạn nhận ra mình khóc nức nở như một đứa trẻ khi xem bộ phim Armageddon (Ngày tận thế) lần thứ mười. Đó là mặt nguy hiểm của khuynh hướng Đóng Chai.
Hành vi “đóng chai” thường được thực hiện với những ý định tốt đẹp nhất và đối với người có đầu óc thực tế thì cách này có vẻ hiệu quả. Chúng ta tự nhủ: “Hãy suy nghĩ tích cực”, “Hãy tiến về phía trước” và “Bắt tay vào việc đi”. Và bùm, chỉ cần như thế là những cảm xúc không mong muốn dường như đã tan biến. Nhưng thật ra thì những cảm xúc đó chỉ “lặn” sâu xuống và có thể trồi lên bất cứ lúc nào. Không những vậy, áp lực đè nén mà những cảm xúc này phải gánh chịu trước đó thường khiến cho quá trình trồi lên của chúng mãnh liệt đến mức không thể tưởng tượng được.
Không có gì lạ khi phản ứng “đóng chai” có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến các mối quan hệ. “Chúng tôi vừa cãi nhau rất to, thế mà anh ấy vẫn đi làm như thể không có chuyện gì xảy ra”, vợ của một người Đóng Chai than phiền. “Anh ấy không hề quan tâm đến mối quan hệ này!”
Trong một nghiên cứu, các nhà khoa học nhận thấy cách phản ứng Đóng Chai làm tăng huyết áp của người khác, ngay cả khi những người đó không biết người Đóng Chai đang “đóng chai”. Hãy tưởng tượng lúc các luật sư chuyên phụ trách các vụ ly hôn biết về nghiên cứu này mà xem: “Thưa quý tòa, chồng của khách hàng của tôi sắp khiến cô ấy lên cơn đau tim bởi vì anh ta không chịu thể hiện cảm xúc của mình!”.
Mắc kẹt trong vòng xoáy giận dữ
Nếu các đáp án bạn chọn trong phần câu hỏi tình huống ở đầu chương này là B, bạn có khuynh hướng Ấp Ủ Ưu Tư. Nếu mẫu người Đóng Chai thường là đàn ông thì kiểu Ấp Ủ thường là phụ nữ.
Khi bị mắc vào những cảm giác không thoải mái, người Ấp Ủ đắm chìm trong nỗi đau khổ của mình, không ngừng khơi lại “vết thương” hết lần này đến lần khác trong tâm trí. Người Ấp Ủ không thể buông vấn đề xuống và họ gặp khó khăn trong việc tách bản thân ra khỏi nỗi ám ảnh về một tổn thương, thất bại, thiếu sót hay nỗi bất an nào đó.
“Ấp ủ ưu tư” khá giống với lo lắng. Cả hai quá trình này đều tập trung vào bản thân chủ thể và đều liên quan đến việc cố gắng không sống trong thực tại. Tuy nhiên, nỗi lo lắng hướng đến những chuyện trong tương lai, còn sự ấp ủ thì luôn ngoái nhìn quá khứ - một hành động thậm chí còn vô nghĩa hơn lo lắng. Người Ấp Ủ mất khả năng nhìn nhận bản chất vấn đề vì họ làm cho việc bé xé ra to và những sai lầm nhỏ trở nên không khác gì tội ác tày trời.
Tuy nhiên, không giống như khuynh hướng Đóng Chai, trong quá trình nỗ lực giải quyết vấn đề, người Ấp Ủ ít ra cũng “cảm nhận được cảm xúc của mình”, tức là họ nhận thức được mình đang cảm thấy như thế nào. Tuy hiếm khi gặp nguy cơ rò rỉ cảm xúc, nhưng người Ấp Ủ có thể bị nhấn chìm trong cơn lũ cảm xúc. Với người Ấp Ủ, cảm xúc trở nên mạnh hơn theo cùng một cách của các cơn cuồng phong: cuộn xoáy và tích thêm năng lượng sau mỗi bước di chuyển.
Nhà tâm lý học Brad Bushman đã thực hiện một nghiên cứu mà trong đó, ông yêu cầu các sinh viên trải lòng vào một tiểu luận. Sau đó, ông yêu cầu “một sinh viên khác” cho một lời bình gay gắt. Trong thực tế, “sinh viên khác” chính là Bushman và nhận xét là như nhau trong tất cả các bài viết: “Đây là một trong những bài luận tệ nhất mà tôi từng đọc”.
Lời bình này đã phát huy hiệu quả như Bushman mong muốn khi khiến những người tham gia nghiên cứu thật sự nổi giận. Sau đó, Bushman yêu cầu họ dành ít phút để đấm bao cát. Ông đề nghị nhóm đầu tiên nghĩ về cơn giận của họ (cũng chính là hành vi Ấp Ủ) trong khi đấm. Ông thậm chí còn cho họ một bức ảnh giả của “người phê bình” để “bơm” thêm sức mạnh cho các cú đấm. Đối với nhóm thứ hai, Bushman khuyến khích họ vừa đấm bao cát vừa tự khiến bản thân xao nhãng cơn giận bằng cách nghĩ đến những biện pháp cải thiện sức khỏe thể chất (đây chính là kiểu Đóng Chai). Nhóm thứ ba là nhóm đối chứng và các thành viên trong nhóm này chỉ việc ngồi yên trong vài phút khi Bushman giả vờ sửa máy vi tính của mình.
Sau khi đấm đá bao cát, mỗi người tham gia được phát một cái còi hơi và được yêu cầu hãy hướng về người bên cạnh họ để thổi còi - đây là một cách đo mức độ hung hăng của chủ thể (người thổi còi). Kết quả cho thấy cả ba nhóm vẫn còn tức giận, nhưng nhóm đối chứng có biểu hiện ít hung hăng nhất, thể hiện qua việc ít thổi còi hơi nhất. Nhóm “đóng chai” hung hăng hơn nhóm đối chứng (và thổi còi nhiều hơn). Nhưng nhóm “ấp ủ” mới là những người giận dữ nhất và “trút giận” sang những người xung quanh một cách hung hăng nhất bằng những tiếng còi đinh tai nhức óc.
Giống như mẫu người Đóng Chai, người Ấp Ủ cũng chọn cách phản ứng mà họ cho là tốt nhất. Quá trình trầm ngâm suy nghĩ về các cảm xúc khó chịu giúp họ có một ảo tưởng dễ chịu rằng họ đang hết sức nỗ lực giải quyết vấn đề. Chúng ta muốn giải quyết sự bất hạnh của bản thân hoặc tìm cách đương đầu với nghịch cảnh, vì vậy chúng ta cố gắng lý giải vấn đề cho thật thông suốt, sau đó lại suy nghĩ và suy nghĩ thêm nữa. Cuối cùng, khoảng cách giữa chúng ta và giải pháp vẫn không rút ngắn thêm chút nào và chúng ta vẫn chưa giải quyết được căn nguyên gây ra khốn cảnh của mình.
Phản ứng theo kiểu “ấp ủ” còn khiến bạn dễ đổ lỗi cho bản thân hơn với những câu hỏi như “Tại sao tôi luôn phản ứng như thế này?” và “Tại sao tôi không thể xử lý vấn đề tốt hơn?”. Giống như kiểu “đóng chai”, quá trình ấp ủ này tiêu tốn một lượng năng lượng trí não khổng lồ. Đó thật sự là một quá trình khiến bạn kiệt sức mà không mang lại hiệu quả tương xứng.
“Ấp ủ” không phải lúc nào cũng là hành động mà bạn làm một mình. Khi đi chơi với bạn bè và than vãn về khả năng quản lý tài chính kém cỏi của cha mình hoặc khi đang than phiền với đồng nghiệp về thái độ của sếp, tức là bạn đang “lan truyền sự ấp ủ”. Có thể bạn cho rằng những lần than thở này sẽ giúp bản thân cảm thấy dễ chịu hơn, nhưng thực tế là bạn không có bước tiến hay giải pháp nào cả, hậu quả là bạn càng khó chịu hơn về cha mình hoặc bực bội với sếp đến mức không thể tập trung làm việc của mình.
Bạn còn nhớ chúng ta đã nói thế nào về tác động của người Đóng Chai đối với những người thương yêu họ không? Người Ấp Ủ cũng “khó đối phó” không kém, nhưng lý do là vì họ có khuynh hướng trút những cảm xúc chân thực và nặng nề của họ lên người khác. Họ muốn trút bầu tâm sự với những người thân thiết, nhưng ngay cả những người gần gũi và thân thiết nhất cũng sẽ dần dần cảm thấy mệt mỏi với nhu cầu nói liên tục về nỗi sợ hãi, lo lắng và những khó khăn của người Ấp Ủ. Hơn nữa, người Ấp Ủ chỉ quan tâm đến bản thân nên không thể quan tâm đến nhu cầu của người khác. Chính vì vậy, sau cùng thì những người lắng nghe họ thường sẽ rời đi, để lại cho họ cảm giác vừa thất vọng vừa cô đơn.
Tất nhiên, người Ấp Ủ có thể rơi vào cái bẫy của những nỗi bất an “khổ sở vì mình khổ sở”, tức là họ lo lắng về tất cả những lo lắng của mình.
Nếu tư duy có Hệ thống 1 và Hệ thống 2 thì trong tâm lý học, chúng ta có những suy nghĩ được phân thành Loại 1 và Loại 2. Suy nghĩ Loại 1 là những lo lắng bình thường của con người trong cuộc sống hằng ngày, chẳng hạn như nỗi lo về một dự án lớn trong công việc, một lịch trình bận rộn quá mức, trận cãi vã đêm qua, những mối bận tâm trong quá trình nuôi dạy con. Suy nghĩ Loại 1 rất rõ ràng và cụ thể: “Tôi lo lắng về X” hoặc “Tôi buồn vì Y”.
Suy nghĩ Loại 2 phát sinh khi bạn bước vào mê cung của những tấm gương phản chiếu và bắt đầu tạo ra tầng tầng lớp lớp những suy nghĩ vô ích về những suy nghĩ của mình. “Tôi lo là mình đang lo lắng quá nhiều” hoặc “Tôi căng thẳng vì cứ bị căng thẳng”. Đối với những cảm xúc khiến mình phiền não, chúng ta cảm thấy có lỗi vì đã để chúng xuất hiện. “Tôi không chỉ lo lắng về X hay buồn vì Y, mà tôi còn không có quyền để lo lắng hoặc buồn phiền như vậy.” Chúng ta tức giận vì đã giận dữ, lo lắng về các nỗi lo lắng và không vui vì những chuyện không vui của mình.
Bạn càng vùng vẫy trong các cảm xúc của mình thì bạn càng chìm sâu vào đó hơn, hệt như khi đứng giữa một bãi cát lún vậy.
*
Cho dù chúng ta nghĩ mình sẽ đạt được gì khi phản ứng theo cách Đóng Chai hoặc Ấp Ủ, cả hai phương pháp này đều không có lợi cho sức khỏe hay hạnh phúc của chúng ta. Việc này rất giống với khi bạn uống một viên thuốc aspirin để xoa dịu cơn đau đầu. Viên thuốc làm cơn đau biến mất trong vài giờ, nhưng nếu nguyên nhân gây ra chứng đau đầu của bạn là thiếu ngủ, sưng hạch bạch huyết ở cổ hoặc một cơn cảm lạnh nghiêm trọng thì ngay khi thuốc giảm đau hết tác dụng, cơn đau đầu sẽ quay lại và khiến bạn đau đớn như cũ.
Đóng chai cảm xúc và ấp ủ ưu tư là viên thuốc cảm xúc ngắn hạn mà chúng ta sử dụng vì cho rằng đó là giải pháp tốt nhất. Nhưng nếu không truy đến tận cùng gốc rễ của các cảm xúc khó chịu, chúng ta sẽ bỏ lỡ cơ hội xử lý rốt ráo vấn đề.
Tôi có thể giơ hai tay thẳng ra phía trước để bưng một chồng sách và giữ vững tư thế đó trong vài phút. Nhưng sau hai phút... ba phút... mười phút, tay tôi sẽ bắt đầu run. Chuyện tương tự sẽ xảy ra khi chúng ta đóng chai cảm xúc. Gồng lên để giữ cho mọi thứ cách mình một sải tay là một việc rất mất sức. Trên thực tế, việc này gây mệt mỏi đến nỗi chúng ta thường sẽ buông tay vì kiệt sức.
Nhưng khi tôi ôm chặt chồng sách vào người như thể muốn siết nát chúng, cơ cánh tay của tôi cũng sẽ bắt đầu run lên. Ở tư thế này, cánh tay và bàn tay của tôi phải ghì chặt trong một tư thế và không thể làm được gì khác. Đây là chuyện xảy ra với chúng ta khi chúng ta ấp ủ nỗi muộn phiền.
Trong cả hai trường hợp, chúng ta mất khả năng sống hết mình với thế giới xung quanh, để ôm lấy những đứa con yêu quý, trò chuyện với đồng nghiệp, sáng tạo ra điều gì đó mới mẻ hoặc chỉ đơn giản là tận hưởng hương cỏ mới cắt ngoài sân. Khi chúng ta đóng chai cảm xúc hoặc ấp ủ muộn phiền, sự cởi mở và lòng nhiệt tình của chúng ta bị thay thế bằng các nguyên tắc, những câu chuyện mang tính ràng buộc từ quá khứ và những phán xét ác ý. Dần dần, khả năng giải quyết vấn đề và đưa ra quyết định của chúng ta thật sự giảm sút. Những cách phản ứng cứng nhắc này khiến chúng ta không thể linh hoạt khi cần đối mặt với những tình huống căng thẳng trong cuộc sống.
Nếu thỉnh thoảng bạn phản ứng theo kiểu Đóng Chai hoặc Ấp Ủ, hay thậm chí là thay đổi qua lại giữa hai trạng thái này (nói cho cùng thì quyển sách này nói về sự linh hoạt mà) thì cũng không sao cả. Thật ra, đôi khi những cách ứng phó này có thể chính là lựa chọn tốt nhất. Chẳng hạn, nếu người yêu bỗng nhiên gây sự với bạn vào đêm trước ngày thi, có lẽ cách phản ứng hiệu quả nhất mà bạn có thể đưa ra là gạt nỗi phiền muộn sang một bên để tập trung vào kỳ thi quan trọng trước mắt. (Xin gửi đến bạn sự cảm thông chân thành nhất của tôi nếu đó là tình huống thật sự xảy ra với bạn.)
Chỉ khi những phương pháp này bị sử dụng như cách đối phó mặc định - một việc mà chúng ta rất thường làm - thì chúng mới trở nên phản tác dụng và khiến chúng ta vướng sâu hơn vào những chiếc “móc câu”.
*
Chúng ta đã học cách ấp ủ nỗi phiền muộn hoặc đóng chai cảm xúc từ rất sớm trong cuộc đời mình. Do đó, nếu bạn có con thì hãy dành thời gian ngẫm nghĩ về nội dung những cuộc trò chuyện mà bạn sẽ nói với con.
Những quy tắc bất thành văn về cảm xúc (cũng như về cách đàn ông và phụ nữ phản ứng với cảm xúc) bao gồm những điều mà các nhà tâm lý học gọi là các quy tắc biểu lộ cảm xúc. Ví dụ, “Đàn ông con trai lớn rồi không được khóc” và “Không được nổi giận ở đây. Con vào phòng mình đi và chừng nào tươi cười vui vẻ được thì hãy đi ra” là những quy tắc biểu lộ cảm xúc mà người lớn áp đặt lên con trẻ. Tôi không bao giờ quên ngày tang lễ của cha. Khi đó, người thân và bạn bè đã “động viên” người anh trai mười hai tuổi của tôi rằng anh không được khóc vì anh cần tập trung chăm sóc cho mẹ tôi, chị gái tôi và tôi.
Chúng ta học các quy tắc biểu lộ cảm xúc từ những người chăm sóc, nuôi nấng mình, và sau đó, chúng ta thường vô thức truyền đạt các quy tắc này cho con cái. Ví dụ, chúng ta rất hay hỏi các bé trai về nhiệm vụ (“Hôm nay con làm gì ở trường?”, “Trận đấu thế nào?”, “Con có thắng không?”), trong khi đó, chúng ta lại có xu hướng hỏi các bé gái về cảm xúc (“Con cảm thấy thế nào?”, “Con có vui không?”). Trẻ em nhanh chóng tiếp thu các quy tắc bất thành văn này, nhưng như chúng ta sẽ thấy trong Chương 10, không phải lúc nào các quy tắc áp đặt kiểu này cũng có ích cho trẻ.
Móc câu mang tên Mặt Cười
Ấp Ủ và Đóng Chai không phải là những cách không hiệu quả duy nhất mà con người dùng để đối phó với những căng thẳng trong cuộc sống. Một cách ứng phó phổ biến khác là tin rằng chỉ cần “cứ cười” thì mọi chuyện sẽ tốt đẹp.
Bất kể kịch bản của Hollywood nói gì đi nữa, Forrest Gump1 không thật sự là người phát minh ra biểu tượng mặt cười. Nhưng sau năm mươi năm và hàng trăm triệu chiếc nút, áo thun và ly cà phê in dòng chữ “Have a nice day” (“Chúc một ngày tốt lành”), hình ảnh gương mặt tròn màu vàng tươi với nụ cười toe toét và đôi mắt đen tròn đã trở thành một biểu tượng phổ biến.
1 Bộ phim điện ảnh Mỹ của đạo diễn Robert Zemeckis, được chuyển thể từ tác phẩm văn học cùng tên của tác giả Winston Groom. Bộ phim kể về cuộc đời của Forrest Gump, một người có chỉ số IQ là 75.
Trong thời đại kỹ thuật số ngày nay, Mặt Cười đã được biến đổi thành các chuỗi ký tự và biểu tượng cảm xúc xuất hiện khắp mọi nơi. Cùng với từng tiến bộ - hoặc bước thụt lùi, đối với một số người - trong nền văn hóa tiêu dùng của chúng ta, nơi các chuyên gia tiếp thị tranh nhau đáp ứng những mong muốn mà chúng ta thậm chí còn không biết mình có, sự vui vẻ hân hoan đến từ biểu tượng Mặt Cười càng được ráo riết săn lùng hơn bao giờ hết.
Chẳng phải lúc nào cũng vui vẻ luôn tốt cho chúng ta hay sao? Chẳng phải chúng ta sống vì niềm vui và hạnh phúc hay sao?
Câu trả lời còn tùy vào tình huống thực tế.
Cách nay vài năm, hai nhà nghiên cứu LeeAnne Harker và Dacher Keltner của Đại học California tại Berkeley đã lục lại bộ ảnh kỷ yếu của lứa sinh viên năm 1958 và 1960 của trường Cao đẳng Mills, một trường nữ sinh tư thục gần Đại học California, để xem nữ sinh nào cười chân thành và nữ sinh nào cười giả tạo trong các tấm ảnh đó. Đa số các nhà nghiên cứu về hạnh phúc đều đồng ý rằng nụ cười chân thành và nụ cười giả tạo kích hoạt các nhóm cơ khác nhau, vì vậy Harker và Keltner đã kiểm tra xem cơ gò má lớn (zygomaticus major) hay cơ vòng mi (orbicularis oculi) có đang hoạt động trên khuôn mặt của các nữ sinh trong hình hay không. Khi chúng ta nở một nụ cười chân thực, hở răng và lộ ra dấu chân chim nơi khóe mắt, cả hai cơ nói trên đều hoạt động. Mặt khác, vì không thể tự ý điều khiển cơ vòng mi, nên nếu chúng ta chỉ ra vẻ hạnh phúc thì nhóm cơ nhỏ nằm gần mắt này sẽ không nhúc nhích. Đây chính là cơ sở để Harker và Keltner xác định độ chân thực của những nụ cười vui vẻ mà các nữ sinh đã thể hiện tại thời điểm chụp ảnh.
Ba mươi năm sau thời điểm bộ ảnh kỷ yếu được chụp, so với những người bạn cùng khóa có nụ cười ít thật hơn, những nữ sinh đã cười tươi tắn và chân thực nhất trong khoảnh khắc màn sập máy ảnh đóng lại đang có cuộc sống tốt đẹp hơn nhiều. Họ có hôn nhân hạnh phúc hơn, đời sống tinh thần cũng như sức khỏe thể chất tốt hơn và nhìn chung là mãn nguyện hơn với cuộc sống của mình.
Nếu được lựa chọn, hẳn là chúng ta đều thích luôn được vui vẻ, và thực tế thì trạng thái hài lòng mãn nguyện đó thật sự mang lại nhiều lợi ích. Càng có cảm xúc “lạc quan” thì con người càng ít nguy cơ mắc các bệnh tâm lý khác nhau như trầm cảm, bất an và các chứng rối loạn nhân cách.
Các cảm xúc tích cực cũng thúc đẩy chúng ta thành công, giúp chúng ta đưa ra các quyết định chính xác hơn, giúp ta giảm nguy cơ mắc bệnh và kéo dài tuổi thọ. Trong một số trường hợp, cảm xúc tích cực thậm chí còn giúp mở rộng hướng suy nghĩ và hành động của chúng ta bằng cách hướng sự chú ý của chúng ta đến những thông tin và cơ hội mới. Các cảm xúc này giúp xây dựng nguồn lực xã hội, thể chất và nhận thức thiết yếu để chúng ta đạt được kết quả tốt đẹp và có các mối quan hệ đáng tin cậy.
Với tất cả những lợi ích kể trên, bạn có thể cho rằng sự vui vẻ cũng quan trọng như thực phẩm và ánh nắng mặt trời đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của con người. Tuy nhiên, như chúng ta có thể thấy qua tỷ lệ béo phì và ung thư da ngày càng tăng trong xã hội, những điều tốt đẹp hoàn toàn có thể gây ra tác hại nếu bị lạm dụng. Bên cạnh đó, nghiên cứu đã cho thấy chúng ta không chỉ có thể lạm dụng sự vui vẻ, mà còn trải nghiệm những phiên bản sai trái của trạng thái này, cũng như cố gắng tìm vui sai cách và sai thời điểm.
Tôi không nói rằng tốt hơn là cứ đi loanh quanh với tâm trạng ủ dột, mà tôi hy vọng bạn tiếp tục theo đuổi cảm giác vui vẻ một cách hợp lý, nhìn nhận những cảm xúc “tiêu cực” của mình dưới góc độ mới và học cách cởi mở với chúng hơn. Trên thực tế, tôi cho rằng việc mô tả những cảm xúc này là “tiêu cực” chỉ càng khiến người ta củng cố niềm tin sai lầm rằng chúng là… tiêu cực, chứ không thấy được đó là những cảm xúc hữu ích - dù đôi khi khá khó chịu - đối với con người. Nếu có thể thuyết phục bạn tin rằng đây thực chất là những cảm xúc tích cực, tôi sẽ rất vui (nhưng không vui thái quá).
Khi quá vui, chúng ta có xu hướng lơ là những mối đe dọa và nguy hiểm nghiêm trọng. Vui thái quá có thể giết bạn. Bạn có thể có các hành vi nguy hiểm hơn như uống quá nhiều bia rượu (“Khui chai thứ năm đi, tôi đãi!”), ăn quá độ (“Lấy thêm bánh nữa đi!”), bỏ qua các biện pháp ngừa thai (“Có thể có chuyện gì được chứ?”) và thậm chí là sử dụng ma túy (“Quẩy tới bến luôn đi!”). Không chỉ vậy, buông thả bản thân trong những niềm vui thái quá và không có những cảm xúc đúng mực hơn có thể là một dấu hiệu của chứng cuồng hoặc hưng cảm, một triệu chứng nguy hiểm của bệnh tâm thần.
Đôi khi những người có mức độ vui vẻ cao thể hiện những hành vi cứng nhắc hơn. Đó là vì tâm trạng ảnh hưởng đến cách não xử lý thông tin. Khi cuộc sống tốt đẹp và chúng ta cảm thấy thật dễ chịu, cũng như khi môi trường an toàn và quen thuộc, chúng ta có khuynh hướng không dành đủ thời gian để suy nghĩ kỹ về bất cứ điều gì quá thử thách - điều này giúp lý giải tại sao những người quá lạc quan có thể kém sáng tạo hơn so với những người có cảm xúc tích cực ở mức độ vừa phải.
Tôi không có ý “đóng khuôn” những người vui vẻ, nhưng khi ở trong tâm trạng “Mọi thứ đều thật tuyệt vời!”, chúng ta dễ có khuynh hướng kết luận vội vàng và cứng nhắc dựa trên các khuôn mẫu có sẵn. Những người vui vẻ thường coi trọng quá mức thông tin ban đầu và bỏ qua hoặc ít chú trọng các chi tiết xuất hiện sau. Điều này thường xảy ra theo dạng hiệu ứng hào quang (halo effect), một thiên kiến nhận thức xuất hiện khi bạn để cho ấn tượng tích cực và lạc quan ban đầu khiến bạn đưa ra những đánh giá không chính xác. Ví dụ, chúng ta tự động cho rằng anh chàng đáng yêu vừa gặp ở bữa tiệc kia là người tử tế chỉ vì anh ấy ăn mặc đẹp và kể một câu chuyện hài hước. Hoặc chúng ta khẳng định rằng người đàn ông trung niên đeo kính xách cặp táp kia thông minh và đáng tin cậy hơn cô gái tóc vàng hai mươi hai tuổi mặc chiếc quần soọc màu hồng tươi.
Cảm xúc mà chúng ta gọi là “tiêu cực” tạo điều kiện cho một quá trình xử lý nhận thức chậm hơn và có hệ thống hơn. Chúng ta bớt ỷ lại vào những kết luận vội vàng và chú ý nhiều hơn đến các chi tiết quan trọng. (Được rồi, anh chàng đó thật hấp dẫn và có vẻ có ý với bạn, nhưng tại sao anh ta cứ giấu bàn tay đeo nhẫn cưới sau lưng vậy?) Bạn có thấy thú vị không khi những thám tử nổi tiếng nhất trong các tiểu thuyết trinh thám luôn là người đặc biệt gắt gỏng hoặc nóng tính, và đứa trẻ vô tư vô tâm nhất trong trường hiếm khi là học sinh giỏi tiêu biểu?
Tâm trạng “tiêu cực” khơi gợi một kiểu tư duy tập trung và cởi mở hơn, giúp bạn thật sự xem xét các dữ kiện một cách mới mẻ và sáng tạo. Khi tâm trạng lắng xuống chính là lúc chúng ta tập trung và đào sâu suy nghĩ. Người đang trong tâm trạng “tiêu cực” có khuynh hướng hoài nghi hơn và khó mắc lừa hơn, trong khi người vui vẻ có thể chấp nhận những câu trả lời hời hợt và tin vào những nụ cười giả tạo. (Nụ cười khoe hàm răng trắng dưới hàng ria mép lịch lãm kia là sự hoạt động của cơ gò má lớn thôi hay có cả cơ vòng mi nữa?) Ai lại muốn nghi ngờ sự thật đang hiển hiện khi mọi thứ đang diễn ra tốt đẹp như vậy? Vì vậy, người vui vẻ cứ thế tin tưởng và đón nhận những gì đang bày ra trước mắt.
*
Nghịch lý của niềm vui là về cơ bản, hành động cố ý đạt được cảm giác vui vẻ không phù hợp với chính bản chất của niềm vui. Bạn sẽ cảm thấy vui vẻ thật sự khi thực hiện các hoạt động mà bạn làm vì bị thu hút bởi chính hoạt động đó chứ không phải vì bất kỳ lý do bên ngoài nào, ngay cả khi lý do đó có vẻ rất hiển nhiên như mong muốn được vui vẻ.
Cố gắng vui vẻ thường tạo ra kỳ vọng, nhưng như chúng ta vẫn thường nói, kỳ vọng không thành sẽ tạo nên nỗi oán giận. Đó là lý do tại sao ngày lễ và các sự kiện gia đình thường dễ khiến người ta thất vọng, thậm chí là đau buồn. Kỳ vọng của chúng ta quá cao đến mức chúng ta gần như không thể tránh được cảm giác thất vọng.
Trong một nghiên cứu, một nhóm người tham gia được cho xem một bài báo giả đề cao những lợi ích của cảm giác vui vẻ; trong khi đó, nhóm đối chứng được đọc một bài báo không đề cập gì đến trạng thái vui vẻ này. Sau đó, cả hai nhóm được xem ngẫu nhiên các đoạn phim do các nhà nghiên cứu lựa chọn sẵn với nội dung hoặc buồn hoặc vui. Khi xem đoạn phim có nội dung vui vẻ, những người đã được bài báo thuyết phục để tin vào giá trị của sự vui vẻ lại cảm thấy kém vui hơn so với những người cũng xem đoạn phim đó nhưng thuộc nhóm đối chứng. Việc đánh giá quá cao trạng thái vui vẻ đã khiến họ kỳ vọng quá cao về cách mọi thứ vận hành và do đó, họ dễ bị thất vọng.
Trong một nghiên cứu khác, người tham gia được nghe bản Rite of Spring (Nghi lễ mùa xuân) của nhà soạn nhạc Stravinsky, một bản giao hưởng có giai điệu không hài hòa và chói tai đến mức đã bị phản đối kịch liệt khi được công diễn lần đầu vào năm 1913. Một số người tham gia được yêu cầu “cố gắng làm cho mình cảm thấy càng vui vẻ càng tốt” khi nghe bản nhạc này. Sau khi trải nghiệm kết thúc, những người này đã tự đánh giá bản thân là kém vui vẻ hơn so với nhóm không được yêu cầu phải cố gắng vui vẻ.
Quá chú trọng vào việc đi tìm cảm giác vui vẻ cũng có thể khiến người ta tự cô lập bản thân. Trong một nghiên cứu khác nữa, khi điền vào bản đánh giá bản thân mỗi ngày, những người tham gia càng đề cao mục tiêu “sống vui vẻ” thì càng có khuynh hướng mô tả bản thân là người cô đơn.
Bên cạnh đó, cảm giác vui vẻ cũng có muôn hình vạn trạng ở những nền văn hóa khác nhau, chính vì vậy người ta rất dễ vui sai cách. Trong nhiều nền văn hóa phương Tây, cảm giác vui vẻ thường được xác định dưới dạng thành tựu cá nhân (bao gồm cả sự thỏa mãn), trong khi ở Đông Á, nó lại gắn liền với sự hòa hợp xã hội. Ở Mỹ, người Mỹ gốc Á thường tìm kiếm trạng thái mãn nguyện, trong khi đa số người Mỹ gốc Âu thích cảm giác hưng phấn. Văn hóa Nhật Bản được xây dựng dựa trên lòng trung thành và mối liên hệ giữa lòng trung thành với cảm giác tội lỗi, còn văn hóa Mỹ lại hướng tới những cảm xúc ít mang tính xã hội hơn như cảm giác tự hào hoặc tức giận. Việc bạn có thể sống vui vẻ trong một nền văn hóa nào đó phụ thuộc không ít vào mức độ đồng điệu giữa cảm xúc của bạn và cách nền văn hóa đó định nghĩa cảm giác vui vẻ.
Nói tóm lại, theo đuổi cảm xúc vui vẻ có thể cũng tai hại như việc đóng chai cảm xúc và ấp ủ ưu tư mà chúng ta đã đề cập ở trên. Tất cả những cơ chế đối phó này đều xuất phát từ sự khó chịu với các cảm xúc “tiêu cực”, cũng như từ việc chúng ta không muốn có bất kỳ trải nghiệm nào có liên quan - dù nhỏ nhất - với cảm giác không vui.
Lợi ích của những cảm xúc khó chịu
Đúng là không có gì vui khi rơi vào tâm trạng khó chịu, và chắc chắn việc liên tục đắm chìm trong các cảm xúc “tiêu cực” không hề có lợi cho sức khỏe của chúng ta. Tuy nhiên, việc trải nghiệm nỗi buồn, sự tức giận, cảm giác tội lỗi hoặc sợ hãi vẫn có thể mang lại cho chúng ta những lợi ích nhất định, chẳng hạn như:
1. Giúp chúng ta xây dựng lý lẽ vững chắc. Khi trải nghiệm những cảm xúc “tiêu cực”, chúng ta có khuynh hướng sử dụng thông tin có căn cứ rõ ràng và cụ thể, nắm bắt chính xác tình hình thực tế và ít có nguy cơ đưa ra những phán xét sai lệch. Tất cả những điều này giúp chúng ta toát ra thần thái của người có năng lực chuyên môn và uy tín, nhờ đó chúng ta có thể trở thành những tác giả hoặc diễn giả có sức thuyết phục hơn.
2. Cải thiện trí nhớ. Một nghiên cứu cho thấy vào những ngày âm u lạnh lẽo khi tâm trạng con người dễ ủ dột, người đi mua sắm nhớ được nhiều chi tiết bài trí bên trong cửa hàng hơn hẳn so với những ngày ấm áp và khiến người ta cảm thấy thoải mái. Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện rằng khi tâm trạng không tốt, chúng ta thường ít tiếp nhận thông tin sai lệch và nhờ vậy, trí nhớ của ta cũng ít bị lẫn lộn.
3. Khuyến khích tính kiên trì. Nói cho cùng, khi bạn đã cảm thấy thoải mái rồi thì có lý do gì để tự thúc đẩy bản thân nữa? Trong các bài kiểm tra học lực, khi có tâm trạng u sầu, người ta thường cố gắng trả lời nhiều câu hỏi hơn - và có số câu trả lời đúng nhiều hơn - so với khi cảm thấy vui vẻ. Các bậc phụ huynh có thể lưu ý vấn đề này và cố gắng đừng để con mình vui vẻ thái quá trước kỳ thi.
4. Giúp chúng ta lịch sự và chu đáo hơn. Những người ở trong trạng thái ít hưng phấn hơn thường thận trọng hơn, chu đáo hơn và thường vô thức bắt chước cử chỉ cũng như lời nói của người mà họ đang tương tác - một hành vi đã được chứng minh là có thể củng cố mối liên kết xã hội. Khi cảm thấy sảng khoái, chúng ta tự tin khẳng định bản thân hơn, điều này đồng nghĩa với việc ta tập trung nhiều hơn vào cái tôi của mình và dễ bỏ qua những điều tốt đẹp nơi người khác hoặc những gì họ đang trải qua.
5. Củng cố lòng bao dung. Những người có tâm trạng không quá vui vẻ thường chú ý hơn đến sự công bằng và có khuynh hướng từ chối tiếp tay cho sự bất công.
6. Khiến chúng ta ít sa vào thiên kiến xác nhận. Một nghiên cứu có đối tượng là những người có quan điểm chính trị mạnh mẽ cho thấy những người đang tức giận thường chọn đọc nhiều bài viết bất đồng quan điểm với ý kiến của họ thay vì sa vào thiên kiến xác nhận - một khuynh hướng phổ biến mà trong đó người ta tìm kiếm những thông tin giúp xác nhận hoặc củng cố niềm tin của mình. Sau khi tìm hiểu những quan điểm trái ngược đó, họ trở nên cởi mở hơn với việc thay đổi suy nghĩ của mình. Có vẻ như sự tức giận tạo ra tâm lý “chinh phục sự phản đối” và thôi thúc chúng ta tìm hiểu quan điểm của phía đối lập với mục đích bẻ gãy lập luận của họ, nhưng nghịch lý là chính vì hiểu rõ quan điểm của đối phương nên chúng ta cũng dễ bị họ thuyết phục hơn.
Mặt tốt của cơn giận (và các cảm xúc khó chịu khác)
Giả vờ vui vẻ là một hành động tai hại, còn tự ép bản thân phải vui vẻ một cách “chân thật” hơn chính là hành động tự hủy hoại bản thân. Một phần là vì hành động này làm gia tăng những kỳ vọng không thể đáp ứng, một phần khác là vì nụ cười giả tạo và khao khát có được cảm giác vui vẻ khiến chúng ta không thể đón nhận những lợi ích mà các cảm xúc khó chịu mang lại.
Thông thường, khi cái tôi của chúng ta chịu ít nhiều tổn thương thì chúng ta mới thấy rõ những chi tiết tiềm ẩn trong cuộc sống - những chi tiết không dễ nhận ra, đôi khi khiến ta day dứt nhưng lại có vai trò quan trọng. Không có gì lạ khi các đại văn hào, từ các tác giả bi kịch Hy Lạp, các thi sĩ lãng mạn, cho đến tác giả của những bộ tiểu thuyết Nga đồ sộ trong thế kỷ 19, đều đã phát hiện nhiều bài học giá trị chứa đựng nhiều thông tin về mặt tối trong cảm xúc con người. Chính nhà thơ nổi tiếng John Milton2 đã phải thốt lên trong bài thơ u sầu Il Penseroso (tạm dịch: Người nghiêm trang): “Hail divinest melancholy” (“Tôn vinh nỗi u sầu thần thánh”).
2 John Milton (1608 - 1674): nhà thơ, soạn giả, nhà bình luận văn học người Anh, một công chức của Khối thịnh vượng chung Anh. Ông nổi tiếng với bài thơ Paradise Lost (tạm dịch: Thiên đường đã mất), Paradise Regained (tạm dịch: Thiên đường trở lại) và Areopagitica - bài luận lên án chính sách kiểm duyệt nội dung của Nghị viện Anh.
Cảm xúc chân thực có thể là những “sứ giả” đến để giúp chúng ta hiểu bản thân mình và khơi gợi nhiều nhận thức sáng suốt về những ngả rẽ quan trọng trong cuộc đời. Tôi đã nhận ra điều này khi một khách hàng đến gặp tôi vì anh “thường xuyên giận dữ”. Tôi và anh ấy đã cùng ngồi lại để phân tích và phân loại những cảm xúc của anh. Anh nhận ra có lẽ anh không phải có vấn đề với cảm xúc giận dữ mà là có vấn đề với người vợ thường xuyên đặt ra cho anh những yêu cầu bất khả thi. Bằng cách chấp nhận và hiểu những cảm xúc khó chịu của mình chứ không cố gắng trấn áp hoặc điều chỉnh chúng, anh bắt đầu cải thiện đời sống hôn nhân, không phải bằng cách thay đổi bản thân để cố gắng đáp ứng các yêu cầu của vợ, mà bằng cách đặt ra các giới hạn hợp lý hơn để hai vợ chồng đều biết hành vi nào là chấp nhận được.
Bên cạnh tức giận (còn gọi là phẫn nộ), đố kỵ cũng là một trong “bảy mối tội đầu”3 bị mang tiếng xấu. Trên thực tế, sự đố kỵ có thể trở thành động lực mạnh mẽ hơn cả sự ngưỡng mộ trong việc thôi thúc chúng ta tự hoàn thiện bản thân. Một nghiên cứu đã cho thấy so với những sinh viên thể hiện sự ngưỡng mộ, những sinh viên thể hiện lòng đố kỵ vô hại đối với người có thành tích học tập cao hơn cũng thường cho thấy quyết tâm vươn lên cao hơn. Nhóm sinh viên đố kỵ trong nghiên cứu này đã dốc sức học tập và nhờ đó đã đạt thành tích khả quan hơn trong các bài kiểm tra khác nhau liên quan đến ngôn ngữ.
3 Còn gọi là “bảy mối tội khởi nguyên”, bao gồm kiêu ngạo, lười biếng, tham ăn, đố kỵ, phẫn nộ, tham lam và dâm ô. Theo quan điểm Ki-tô giáo, đây là nhóm các tội lỗi chính mà con người dễ mắc phải và là nguồn gốc phát sinh nhiều loại tội lỗi khác.
Những cảm xúc bị mang tiếng xấu khác cũng rất hữu ích cho chúng ta vì nhiều lý do khác nhau. Sự ngượng ngùng và cảm giác tội lỗi có thể đóng vai trò quan trọng trong các mối quan hệ xã hội vì chúng thúc đẩy tinh thần nhượng bộ và củng cố tinh thần hợp tác. Cảm giác buồn bã là tín hiệu cho chúng ta biết có điều gì đó không đúng, và thường thì nhờ đó ta mới tìm kiếm những giải pháp tốt hơn. Bên cạnh đó, khi chúng ta thể hiện nỗi buồn ra ngoài, những người xung quanh có thể biết chúng ta đang cần sự hỗ trợ. Nếu che giấu nỗi buồn bằng cách cố tỏ ra vui vẻ, bạn đang tự bỏ lỡ sự dẫn dắt đến từ bên trong và có lẽ là cả sự hỗ trợ đến từ bên ngoài.
*
Có thể bạn còn nhớ, khi chúng ta xem xét các tình huống “mắc câu” thường gặp, luôn có phương án lựa chọn C. Phương án C không phải là đóng chai cảm xúc, cũng không phải là ấp ủ ưu tư, mà là sống trong thực tại và cởi mở đón nhận tất cả cảm xúc của bạn với tinh thần học hỏi và thái độ chấp nhận.
Đó chính là nội dung mà tôi sẽ đề cập trong phần tiếp theo, để giúp bạn thấy được những phương pháp thật sự hiệu quả có thể đưa bạn thoát khỏi các móc câu, cũng như thực hành lối sống khỏe mạnh hơn và hạnh phúc hơn.