Thông thường, khi phải tranh luận, trao đổi về một vấn đề nghiêm túc với một ai đó, bạn thường khó có thể diễn đạt trọn vẹn và rõ ràng quan điểm của mình. Làm thế nào để trình bày một cách chính xác những quan điểm của bạn mà không làm cho đối phương bực bội hay có phản ứng chống đối là điều rất quan trọng.
Vậy nên, trong vài trường hợp nhất định, việc viết một lá thư hoặc một tấm thiếp có thể là phương pháp hiệu quả và thích hợp. Trong mối quan hệ gia đình thì điều này càng đúng. Một lá thư chân thành, đầy thiện ý có thể là biện pháp tuyệt vời để chuyển tải những ý kiến, mong mỏi, nguyện vọng và giải pháp của bạn. Và sự ảnh hưởng của bức thư chắc chắn không phụ thuộc vào việc bạn viết nó hay như thế nào, mà nó phụ thuộc vào mức độ chân thành và yêu thương khi bạn thể hiện những suy nghĩ và cảm xúc của mình.
Khi viết thư, bạn có thời gian suy nghĩ để diễn tả những quan điểm của mình một cách chậm rãi và cẩn thận mà không lo bị cắt ngang. Người nhận được bức thư cũng có cơ hội đọc lại nó nhiều lần để hiểu được đầy đủ những điều bạn muốn bày tỏ. Nội dung bức thư sẽ giúp người ấy nhìn nhận lại vấn đề một cách bình tĩnh, thấu đáo hơn. Một số bức thông điệp còn có tác động sâu sắc đến mức có thể hóa giải mọi phiền muộn, ưu phiền trong lòng người nhận.
Tất nhiên, thư từ không nên dùng với mục đích thay thế cho những cuộc trao đổi trực tiếp, chân thành và đầy thuyết phục. Nó chỉ là cách tốt nhất để mở cánh cửa đến với những giao tiếp sâu sắc hơn hoặc để bổ sung sự gắn kết giữa hai bạn.
Chúng tôi đã gặp nhiều cặp vợ chồng sử dụng bí quyết đơn giản này để thảo luận với nhau các vấn đề khó đạt được kết quả như mong muốn khi trao đổi trực tiếp như việc chi tiêu vô độ, quan điểm khác nhau về nuôi nấng con cái, những bất đồng trong chia sẻ việc nhà…
Ngoài ra, trao đổi thư từ có thể giúp ta khám phá nhiều điều trước đây ta chưa từng nhận ra ở người bạn đời. Chỉ cần bức thư được viết bằng sự yêu thương, tôn trọng và chân thành, chắc chắn nó sẽ tìm được sự cảm thông từ phía người nhận. Nếu bạn đã biết tác dụng diệu kỳ của việc viết thư, thì xin chúc mừng bạn. Còn nếu chưa, tại sao bạn không bắt đầu ngay bằng một lá thư chỉ với ba từ "Anh yêu em" nhỉ?