GIAO TIẾP BẰNG MẮT là một cách rất cơ bản để con người kết nối với nhau. Nó cũng là một trong những dấu hiệu dễ thấy nhất ở trẻ mắc chứng tự kỷ. Cho dù con bạn là một đứa trẻ lên ba chưa có khả năng ngôn ngữ, được chẩn đoán là tự kỷ nặng, hay một thanh niên 17 tuổi mắc hội chứng Asperger, thì rất có khả năng bọn trẻ vẫn gặp khó khăn.
Điều này hoàn toàn hợp lý, bởi nếu coi tự kỷ là rối loạn về quan hệ xã hội thì giao tiếp bằng mắt chính là một trong những cách thức mạnh mẽ nhất để kết nối các cá nhân lại với nhau. Mối lo ngại lớn nhất khi tần suất giao tiếp bằng mắt thấp là khả năng kết nối xã hội cũng sẽ thấp theo. Nếu bạn muốn con mình tiến bộ trong tương tác xã hội, thì phải cải thiện giao tiếp bằng mắt.
Tuy nhiên, chỉ rất ít các phương pháp can thiệp hành vi hướng dẫn về giao tiếp bằng mắt theo một dạng hành vi. Những phương pháp này thường hướng dẫn trẻ em giao tiếp bằng mắt như một hành vi cư xử. Ví dụ, “Nhìn mẹ này, nhìn mẹ này. Hãy nhìn mẹ và mẹ sẽ cho con chơi đồ chơi”. Vì điểm mấu chốt của giao tiếp bằng mắt là kết nối con người với nhau, nên chúng ta muốn con nhìn chúng ta vì trẻ muốn làm điều đó. Điều này đòi hỏi phải làm cho việc giao tiếp bằng mắt trở nên thật vui vẻ, dễ dàng và rất được khích lệ.
“Trẻ càng chịu nhìn nhiều, trẻ càng học được nhiều”
Đây là một câu nói mà tôi học được từ chị gái Bryn. Câu nói này chỉ ra mối tương quan trực tiếp giữa trẻ nhìn nhiều bao nhiêu, thì trẻ học được, tiếp thu được và phát triển được nhiều bấy nhiêu. Việc nhìn giúp trẻ tiếp nhận được thông tin bởi trẻ đang nhìn vào người nói chuyện với mình. Nó cải thiện thời lượng tập trung tương tác của trẻ do trẻ nhìn những gì chúng ta đang làm, nên được kết nối với sự việc. Nó giúp trẻ phát triển các biểu cảm trên khuôn mặt, vì trẻ đang nhìn vào khuôn mặt của chúng ta. Và nó cũng mở đường cho trẻ học cách đọc được các biểu cảm trên khuôn mặt và các giao tiếp phi ngôn ngữ ở người khác – một trong những mặt hạn chế về xã hội lớn nhất mà trẻ phải đối mặt.
Tổng quan về giao tiếp phi ngôn ngữ
Trong khi nền tảng đầu tiên trong bốn nền tảng cơ bản ghi nhận giao tiếp bằng mắt là một ưu tiên cốt lõi, thì nó cũng bao gồm tất cả các loại giao tiếp phi ngôn ngữ như: tạo ra các cử chỉ cơ thể, đọc các cử chỉ của người khác, biểu cảm khuôn mặt tốt hơn, đọc được cách biểu cảm của người khác, ngữ điệu – có ngữ điệu trong từng câu nói và hiểu được ngữ điệu trong câu nói của những người khác.
Giao tiếp phi ngôn ngữ hiếm khi được nhận quan tâm. Trong khi đó, giao tiếp ngôn ngữ lại có xu hướng nhận được nhiều quan tâm hơn. Nếu giao tiếp ngôn ngữ cực kỳ quan trọng (Đây là nền tảng cơ bản thứ hai), thì phần lớn các giao tiếp giữa các cá nhân với nhau là dạng giao tiếp phi ngôn ngữ.
Phải thừa nhận rằng, việc nhận biết và áp dụng giao tiếp phi ngôn ngữ với con bạn có thể phức tạp hơn một chút. Mô hình phát triển của The Son-Rise Program® đã quan sát và đo lường các hoạt động giao tiếp phi ngôn ngữ, và chương trình cũng bao gồm những mục tiêu và hoạt động để phát triển mảng kỹ năng này. Tuy nhiên, tốt nhất lúc này là bạn chỉ đơn giản mô hình hóa giao tiếp phi ngôn ngữ nhờ cường điệu các biểu cảm trên khuôn mặt, cử chỉ và ngữ điệu giọng nói – trong khi hướng nỗ lực và mục tiêu giảng dạy vào giao tiếp bằng mắt cho trẻ.
Chiến lược áp dụng
Bạn muốn tận dụng mọi cơ hội để đưa ra lời đề nghị giao tiếp bằng mắt với con bạn. Có một số chiến lược để làm điều này.
1. Yêu cầu trực tiếp. Ví dụ: “Mẹ rất thích khi con nhìn mẹ! Hãy nhìn mẹ thêm một lần nữa!” Hoặc “Bố muốn cõng con đi chơi, nhưng bố mệt quá! Con hãy nhìn bố để bố có thể tiếp tục cõng con nhé!
2. Yêu cầu một cách gián tiếp. Ví dụ, “Con đang nói chuyện với ai đấy, con yêu? Mẹ không biết bởi vì con không nhìn mẹ.” Hoặc, đơn giản chỉ tay vào vị trí đôi mắt của bạn.
3. Chọn vị trí phù hợp để giao tiếp mắt. Bạn sẽ muốn con bạn càng dễ thấy bạn càng tốt. Điều này đòi hỏi phải giữ khuôn mặt của bạn trong tầm mắt của con bạn càng nhiều càng tốt (nhưng không phải áp mặt vào mặt con). Nếu con bạn đang chơi trên sàn nhà, bạn có thể ngồi hoặc nằm để khuôn mặt càng thấp càng tốt làm con không phải ngước cổ lên để nhìn vào bạn. Bạn sẽ muốn con có thể dễ dàng liếc thấy bạn. Trong trường hợp, con đang nhìn chằm chằm vào một vật ở bên trái, bạn có thể để mặt xuống thấp ngay bên cạnh những gì mà con đang nhìn. Một lần nữa, bạn không nên ở quá gần, ngay trước mặt con. Trên thực tế, duy trì một khoảng cách ở giữa bạn và con là rất hữu ích trong trường hợp này. Nếu bạn tạo ra một chút khoảng cách về không gian giữa bạn và con, thì con sẽ thực sự thấy dễ dàng để nhìn vào bạn bởi vì con sẽ ít phải di chuyển đầu và mắt hơn.
4. Khi bạn đưa cho con một cái gì đó mà con muốn, hãy đặt nó gần đôi mắt của bạn. Điều này có thể áp dụng cho thực phẩm, một món đồ chơi, một quả bóng, một chiếc vòng tay – bất cứ thứ gì. Khi làm điều này bạn có thể hỏi: “Đây có phải là thứ con muốn không?” Hoặc bạn chỉ cần nói đơn giản: “Đây là quả bóng của con!” Bạn thậm chí có thể không cần phải nói gì và chỉ đơn giản là giữ vật đó gần cạnh đôi mắt của bạn với vẻ vui mừng.
5. Hãy ăn mừng bất cứ khi nào nhận được ánh mắt của con nhìn bạn. Điều này ban đầu có thể làm bạn cảm thấy hơi buồn cười, nhưng nó rất quan trọng. Mỗi lần bạn nhận được ánh mắt của con, bạn hãy nói cảm ơn hoặc cổ vũ cho con.
(Tất nhiên, bạn sẽ muốn ăn mừng theo cách nào đó phù hợp với độ tuổi, độ trưởng thành của con, và trong trường con bạn có thính giác nhạy cảm cao thì đừng ăn mừng theo kiểu reo hò.) Chúng ta sẽ nói thêm về cách ăn mừng trong Chương 11.
Bắt tay thực hiện!
Dành ra 15 phút trong ngày hoặc buổi tối khi bạn có thời gian ở riêng với con. Có thể là khi bạn cho con đi tắm, khi bạn đưa con đi ngủ, khi bạn đọc một câu chuyện, khi bạn cho con ăn, hoặc đơn giản là khi bạn đang chơi với con hoặc đưa con đi chơi.
Trước khi bắt tay thực hiện, hãy ghi vào Bảng 4 dưới đây số lần mà bạn nghĩ con sẽ nhìn vào mắt hay gương mặt bạn – tính trong khoảng thời gian 15 phút. Nó không quan trọng là số lần ít nhất phải đạt được đúng như vậy hoặc ngay cả khi khác xa so với những gì bạn nghĩ. Mà đây chỉ là để bạn có thể bắt đầu nhìn thấy sự khác biệt giữa dự đoán của bạn và thực tế.
Ngay trước khi bạn bắt đầu, hãy chắc chắn bạn có một cây bút và giấy. Trong thời gian 15 phút, bạn sẽ đánh một dấu “v” trên giấy mỗi khi con nhìn vào khuôn mặt hay mắt của bạn. Bạn không cần phải hoàn hảo. Bạn chỉ cần cố gắng để có được một con số nào đó là được. Và đừng cảm thấy căng thẳng về nó.
Sau 15 phút, bạn hãy đếm số dấu “v” mà bạn đánh dấu và ghi số đó vào ô thích hợp trong Bảng 4.
Bạn có thể sử dụng bảng này thường xuyên tùy theo cách mà bạn muốn. Nó được thiết kế để giúp bạn có thể bắt đầu chú ý đến việc bạn đang nhận được khoảng bao nhiêu ánh mắt từ con. (Bạn có thể ngạc nhiên khi thấy rằng nó có thể ít hơn nhiều so với dự đoán ban đầu của bạn.)
Tin tốt là: Sau khi bạn áp dụng các nguyên tắc trong cuốn sách, thì có thể giúp trẻ tăng đáng kể thành quả đạt được trong giao tiếp này.
BẢNG 4
Tài liệu trực tuyến
Để có được sự trợ giúp chuyên sâu hơn về những nguyên tắc và kỹ thuật trong chương này, hãy ghé thăm trang web www.autismbreakthrough.com/chapter6. Hãy vui vẻ khám phá!
Điểm bắt đầu
Cổ vũ và ăn mừng bất cứ khi nào bạn nhận được ánh mắt từ con. Đây là nguyên tắc bắt đầu quan trọng nhất để bạn tăng số lần trẻ tự nguyện nhìn bạn. Nào, bây giờ hãy vui vẻ nhé!