PHẦN LỚN thời gian, con bạn đang được dạy những điều cực ít hữu ích.
Trên thực tế, có một nỗi ám ảnh khắp toàn quốc đối với việc giảng dạy các môn học cho trẻ tự kỷ. Dạy học nghe có vẻ như một ý tưởng tốt, nhưng nó thực sự không hợp với các con của chúng ta. Hãy cố lắng nghe tôi và bạn sẽ thấy lý do tại sao.
Câu chuyện của Kwan
Tôi đến nhà Kwan và quan sát chương trình của cậu bé. Gia đình Kwan gần đây đã theo dõi một trong những bài giảng của tôi, tuy nhiên họ chưa được tham gia The Start-Up Program tại ATCA. Đây là lần đầu tiên tôi làm việc với gia đình. Ba mẹ cậu bé đang áp dụng chương trình can thiệp hành vi (ABA) được đa số xem là xuất sắc tại nhà cho Kwan. (Đối với những bạn chưa nghe qua về ABA, bạn có thể xem Phụ lục 2).
Kwan đang chạy vòng vòng trong nhà bếp khi người hướng dẫn trị liệu ABA chính của cậu bé tới. Kwan phớt lờ cô ấy và tiếp tục chạy qua lại. Cô ấy đến đứng trước mặt của Kwan (vì vậy nên cậu bé phải dừng lại trong giây lát), đặt tay cách mặt Kwan một vài cm và nói: “Kiểm tra lịch trình”. Trong tay cô ấy là một cái thẻ hệ thống trao đổi thông tin (PECS) chứa một hình ảnh mà tôi không thể nhận ra.
Kwan ngay lập tức ngừng chạy nhảy, bước tới ngồi tại chỗ mà cậu bé đã được chỉ định. Trị liệu viên của Kwan ngồi xuống đối diện với cậu và nhanh chóng lấy ra một thẻ flash lớn. Cô quay sang Kwan và nói: “Cho cô thấy tư thế sẵn sàng nào”.
Cậu bé ngồi thẳng lên và khoanh hai tay để lên bàn.
Cô nói tán thưởng: “Con giỏi lắm!”
Sau đó cô lật các thẻ hình. Mỗi thẻ là một màu sắc khác nhau: Một cái màu đỏ, một cái màu xanh lá cây và một cái màu xanh dương. “Kwan, hãy chỉ cho cô thẻ màu xanh dương.”
Cậu bé chỉ vào thẻ xanh dương.
Cô nói: “Con giỏi lắm! Kwan”, và cho cậu bé một món đồ chơi mà cậu thích. “Giải lao nào Kwan. Hai phút nhé!”
Kwan chơi với món đồ chơi của mình.
Hai phút sau: “Được rồi Kwan, hãy cho cô thấy tư thế sẵn sàng”.
Kwan ngồi thẳng lên và khoanh hai tay để trên bàn.
Người trị liệu viên cho Kwan xem thêm ba thẻ nữa, mỗi thẻ với một con số khác nhau. “Kwan, hãy chỉ cho cô số hai.”
Kwan chỉ vào số hai. “Con giỏi lắm! Kwan.”
Hoạt động này kéo dài trong hai giờ đồng hồ.
Đây là một trong những buổi ABA thành công nhất mà tôi từng thấy. Trong quá khứ, tôi đã từng chứng kiến những đứa trẻ la hét, đánh đập, tự cắn mình, hoặc hoàn toàn phớt lờ trong các phiên trị liệu thế này. Nhưng Kwan đã được hướng dẫn để biết nghe lời. Và tôi hoàn toàn có thể hiểu tại sao trong các phiên trị liệu, kết quả “thành công” đã trở nên hấp dẫn cả phụ huynh và nhà trị liệu của cậu bé. (Đồng thời, tôi biết cha mẹ cậu bé cảm thấy có điều gì đó đang bị bỏ lỡ, nếu không thì họ đã không tham dự bài giảng của tôi, và sắp xếp để tôi đến nhà của họ.)
Kwan đã nghe lời và biết con số, màu sắc và tên của các vật dụng trong gia đình.
Ngoài ra:
Kwan không có bạn bè.
Kwan không thể chơi một trò chơi với một người khác.
Kwan không quan tâm đến người khác.
Kwan có khả năng ngôn ngữ rất hạn chế.
Kwan hầu như không có giao tiếp bằng mắt.
Kwan không tham gia vào các trò chơi giàu trí tưởng tượng.
Kwan không cười trước một trò đùa – hoặc cũng như không biết một trò đùa nghĩa là gì.
Nếu để Kwan một mình, cậu sẽ có các hành vi ism hàng giờ đồng hồ.
Giống như tất cả trẻ em và người lớn mắc hội chứng tự kỷ khác, Kwan bị rối loạn trong quan hệ xã hội. Cậu bé gặp những khó khăn về tương tác xã hội và giữa các cá nhân với nhau, chứ không phải học thuật. Và dù cho cậu bé có thể gọi tên được bao nhiêu màu sắc, hay tiến bộ bao xa trong môn toán đi nữa, với các kỹ năng mà Kwan được xây dựng hiện tại, sẽ không giúp cho cậu bé trở nên thành công trong các tương tác xã hội và cá nhân.
Vậy việc Kwan học về màu sắc và con số lẽ nào lại không tốt? Tất nhiên là không. Nhưng nó không phải là vấn đề chính yếu hiện tại đối với Kwan.
Cha mẹ Kwan mong muốn những điều tốt hơn nữa cho cậu bé, và thế là họ đã thiết lập The Son-Rise Program® để giúp Kwan trong các lĩnh vực mà cậu cần. Cuộc hành trình của cậu bé Kwan tràn ngập những thay đổi và thành công, thực sự đã truyền cảm hứng cho tôi, đặc biệt là khi tôi quay trở lại nhà cậu và nhìn thấy cậu một vài năm sau đó.
Khi tôi gần đến nhà Kwan, tôi nghe thấy cậu bé mở cửa sổ và gọi với ra chỗ tôi: “Chào chú Raun, chú đến chơi với cháu phải không?”, khi tôi đáp lại thật to: “Đúng rồi Kwan”, thì cậu bé đã chạy ra cửa đứng đợi tôi, cầm tay tôi và dẫn tôi vào phòng để chơi.
Những vấn đề đối với toán học (và các môn học thuật khác)
Nếu chúng ta tập trung vào cách dạy cho trẻ như thế nào ở Chương 3, thì chương này chúng ta sẽ tập trung vào những gì dạy cho trẻ.
Có nhiều lý do mà các trường học và nhà trị liệu rất quan tâm đến tới giảng dạy các môn học thuật cho trẻ tự kỷ. Đầu tiên, các trường học được xây ra là để dạy các môn học thuật. Tất cả mọi thứ ở đó được thiết kế để dạy môn toán, đọc, khoa học, v.v. Điều này không hàm ý chỉ trích các trường học. Vì đây là những gì mà các trường học có nghĩa vụ phải làm.
Bên cạnh đó, đối với cả trường học và nhà trị liệu, thì dạy các môn học thuật chẳng khó. Các môn này thuộc phần lĩnh vực dễ nhất để đo lường được sự tiến bộ. Đối với cha mẹ, họ có thể nhận thấy (và dễ dàng giải thích cho người khác) con trai hay con gái mình mắc hội chứng tự kỷ, nhưng vẫn có thể gọi tên các màu sắc, viết tên của mình, hoặc tính toán (hay như con mình mắc hội chứng Asperger vẫn có thể đọc tác phẩm của Shakespeare hay làm các phép tính toán), sản sinh ra loại bằng chứng hữu hình về sự tiến bộ.
Vì vậy, tôi thực sự hiểu được sức hấp dẫn của giảng dạy các môn học này cho trẻ.
Nhưng giảng dạy cho trẻ tự kỷ các môn học thuật lại chưa thực sự quan trọng lúc này. Chưa phải lúc.
Tự kỷ không phải là rối loạn về toán học, về nhận biết màu sắc và về đọc. Đó là rối loạn về mối quan hệ, giao tiếp và tương tác xã hội. Tôi biết chúng ta đã thảo luận điểm này suốt từ đầu cuốn sách tới giờ, nhưng tôi vẫn muốn nhấn mạnh một lần nữa.
Vào buổi tối, khi bạn nằm trên giường, suy nghĩ và cầu mong tương lai của con sẽ tốt đẹp, thì bạn có muốn một ngày nào đó con sẽ học tốt môn toán hay học thuộc lòng bảng tuần hoàn hóa học không?
Hay bạn cầu mong con sẽ có một người bạn thân? Con gái sẽ thực lòng nói: “Con yêu bố mẹ!”? Còn con trai sẽ có người yêu? Các con sẽ lớn lên và sống thật hạnh phúc, tự lập và trọn vẹn? Hay thậm chí cậu con trai còn tranh luận với bạn về việc mượn xe của bạn để đi chơi với bạn bè? (Tôi biết có một người mẹ mơ ước con trai mình sẽ phàn nàn về tiền thuế với cô vào một ngày nào đó).
Chúng ta cần phải suy nghĩ thật nghiêm túc về những gì sẽ làm cho cuộc sống của các con được trọn vẹn, xứng đáng, phong phú và có ý nghĩa đối với chúng. Các môn học thuật không nằm trong bài toán mà chúng ta cần phải suy nghĩ đó. Dẫu cho con bạn có học giỏi các môn học thuật như thế nào, thì cô bé sẽ chưa thể có được những công cụ cần thiết để kết nối với người khác, cười vì một câu đùa, kết bạn và tận hưởng những thứ khác.
Có phải tôi đang nói các kiến thức học thuật này hoàn toàn không có tác dụng và vô nghĩa không? Tất nhiên là không rồi. Chúng rất có giá trị, nhưng là đối với những người có thể hoạt động được ở thế giới này, và chỉ xảy ra khi có sự tận hưởng, kết nối và tham gia vào xã hội. Trên thực tế, những kỹ năng về quan hệ xã hội là cần thiết, thậm chí để thành công ở mọi mặt trong sự nghiệp học hành. Con bạn cần phải có khả năng tương tác với các giáo viên và các học sinh khác, cũng như đối phó với tất cả các hoạt động, tiếng ồn, chuyển đổi phòng học và những thay đổi của ngày học. Nếu xuất sắc ở các môn học thì trớ trêu thay, gần như chẳng quan trọng.
Rõ ràng là, tôi hoàn toàn không có ý chống lại việc học. Cuộc sống học tập của tôi và việc tôi theo học tại một trường đại học thuộc khối Ivy League đã minh chứng rằng, tôi đánh giá cao giáo dục và học tập. Tuy nhiên, việc cứ tập trung vào các môn học trước hết lại chẳng khiến các con của chúng ta thành công, trừ phi chúng phải kết nối được với những người khác và với thế giới nói chung. Đây là chuyện ngược đời.
Trong The Son-Rise Program®, chúng tôi đã dạy một số lượng rất lớn các em làm thế nào để đọc, viết và làm toán. Nhưng chúng tôi chỉ dạy các môn học này sau khi các em đã có thể tương tác và kết nối thực sự tốt với mọi người. Khi một đứa trẻ đã vượt qua cây cầu từ thế giới của mình để đến với thế giới của chúng ta, tất nhiên chúng ta có thể bắt đầu dạy các môn học cho các em.
Thay vì đánh giá tôi đơn giản là một cậu bé thiếu sót kỹ năng và gặp khó khăn về cư xử, thì cha mẹ tôi đã nhận thấy được những gì thực sự xảy ra với tôi. Họ đã hiểu, từ tận những năm 1974, tôi không chỉ là một đứa trẻ thiếu các kỹ năng; mà tôi còn là một đứa trẻ thiếu những kỹ năng xã hội. Khi nhận ra điều đó, họ không chỉ đi trước cả thập kỉ so với thời đại, mà còn hiểu được tự kỷ thực sự là như thế nào tại thời điểm đó. Và như vậy, trong vòng ba năm rưỡi, cha mẹ tôi đã tập trung hoàn toàn vào việc phát triển các kỹ năng xã hội cho tôi.
Và kể từ khi tôi phục hồi khỏi hội chứng tự kỷ, thì đấu trường xã hội, tương tác đã trở nên vô cùng dễ dàng đối với tôi. Nó cũng là đấu trường, mà tôi cảm thấy hài lòng nhất và viên mãn nhất. Ở trường trung học, tôi học tất cả các môn đều tốt, từ toán tới tiếng Anh, khoa học tới tiếng Tây Ban Nha. Vì vậy, tôi có thể dễ dàng lựa chọn một nghề nghiệp trong các ngành khoa học, toán học hoặc khoa học máy tính. Và tôi đã chọn một nghề có tính xã hội và tương tác cao, vì đó là ngành tôi thấy đáng giá nhất.
Cha mẹ tôi đã sáng lập ra ATCA và hiện vẫn còn giảng dạy rất nhiều tại đây. Cho đến bây giờ, họ có thể điều chỉnh trạng thái xã hội và cảm xúc của mọi người rất tốt. Các bậc phụ huynh trong mỗi khóa học của chúng tôi thường giật mình trước những quan sát của cha mẹ tôi về họ, thậm chí trước khi họ nói bất cứ điều gì.
Bạn có thể thắc mắc, liệu cha mẹ tôi làm việc rất kỹ với tôi về kỹ năng phát triển xã hội, thì tôi sẽ gặp vấn đề gì với các môn học, khi tôi bắt đầu đi học? Vâng, trong những ngày học đầu tiên, tôi bị thiếu kỹ năng học tập. Vì vậy, cha mẹ tôi đã kèm tôi học (sau khi hồi phục) và giúp tôi bắt kịp trở lại. Đó là phần dễ nhất của quá trình – dạy kèm một đứa trẻ phát triển bình thường (là tôi đó!), lúc ấy đã hoàn toàn hòa nhập được vào thế giới của họ.
Nếu sau một vài năm tới, phàn nàn lớn nhất của bạn với con là thằng bé đã thực sự kết nối được với thế giới xung quanh, nhưng vẫn còn học toán hơi chậm, thì vấn đề ấy quả là dễ dàng!
Câu chuyện của Callum
Callum là một cậu bé tự kỷ người Ireland, không có khả năng sử dụng ngôn ngữ và chìm đắm trong thế giới của riêng mình. Tại một thời điểm, cậu bé chỉ có thể kết nối hoặc tương tác với người khác khoảng một vài phút. Hai năm rưỡi sau khi thực hiện The Son-Rise Program®, Callum đã ghi danh vào một trường học chính thống. Cậu bé rất dễ thương và đáng mến. Sau khi nhìn thấy sự tiến bộ nhanh chóng và đáng chú ý của Callum, vị chuyên gia được chính phủ chỉ định, lúc đầu đã nói với cha mẹ Callum là không nên theo The Son-Rise Program®, giờ đã ủng hộ nhiệt tình và bảo các phụ huynh khác rằng The Son-Rise Program® thực sự có tác dụng.
Một hôm, sau khi áp dụng The Son-Rise Program® được một thời gian, Callum và cha mẹ đang đi bộ trong một công viên gần nhà. Cậu bé đã có một thời gian tuyệt vời, cười đùa, cho những con vịt trong hồ nước tại công viên ăn và tận hưởng. Bố mẹ cậu bé cũng đã có một thời gian tuyệt vời vì dường như Callum rất thoải mái, giống với cậu bé hoàn toàn biết tương tác mà cha mẹ cậu mong ước.
Sau đó, Callum thấy một nhóm trẻ em ở đầu kia của công viên. Cha mẹ Callum theo dõi đầy mong đợi và đôi chút lo lắng khi con trai tình cờ tiếp xúc với các bạn khác. Callum sẽ làm gì đây? Thằng bé có thể kết nối dễ dàng với những đứa trẻ khác chứ? Liệu bọn trẻ có nhận thấy bất cứ điều gì khác thường về thằng bé không? Sau cùng, đây là những gì mà gia đình bé Callum đã nỗ lực rất nhiều để đạt được. Chính là khoảnh khắc này.
Callum gia nhập nhóm cùng những đứa trẻ khác và bắt đầu giao lưu. Bọn trẻ đáp lại. Thế là cậu bé đã trở thành một phần của nhóm. Điều diễn ra thật đơn giản, mà một phụ huynh có con bình thường, thậm chí còn không chú ý. Một sự việc “bình thường”. Nhưng đối với người cha, người mẹ này, nó như thể thiên đường mở lối. Họ đã từng nghe người khác khăng khăng rằng, những điều như thế này sẽ không bao giờ có thể xảy ra cho cậu con trai bé nhỏ của họ. Họ đã nỗ lực không mệt mỏi trong The Son-Rise Program®, để đưa con trai đến một quỹ đạo khác, và bây giờ họ đang nhìn thấy những thành quả tuyệt vời từ sự cố gắng và tình yêu của họ. Đó là một ngày mà họ sẽ không bao giờ quên.
Sẽ không có môn toán, môn đọc hay môn khoa học nào, dẫn dắt được Callum đến với ngày hôm đó. Chỉ có việc tập trung vào kỹ năng xã hội và sự tương tác giữa con người với nhau mới có thể mang đến cho cậu bé một ngày như thế.
Vượt qua đối đầu với bù đắp
Hãy quay trở lại một chi tiết mà chúng tôi có đề cập đến ở một vài trang trước. Chắc bạn còn nhớ khi tôi nói các môn học là kết quả đạt được dễ dàng không? Tại sao lại như vậy?
Khi chúng ta làm việc với một đứa trẻ hoặc người lớn về các môn học, chúng ta đang làm việc trên phần không tự kỷ của bộ não – đó là phần về cơ bản đang hoạt động. (Nếu nó không hoạt động thì thường bởi đứa trẻ bị bao bọc trong thế giới của mình đến mức trí thông minh không bộc lộ ra).
Phần không tự kỷ của não bộ cũng thực hiện các nhiệm vụ như chơi ghép hình, nói “cảm ơn”, học thuộc thời khóa biểu hàng ngày, v.v. Đây chính là các cơ hội dạy dỗ hấp dẫn nhất với hầu hết các bậc phụ huynh và giáo viên, bởi chúng rất dễ dạy và hoàn thành được mục tiêu cơ bản mà hầu hết chúng tôi đều đặt ra đối với những đứa trẻ: sự bù đắp.
Sự bù đắp là ý tưởng cho rằng, khi con em chúng ta quá yếu trong các lĩnh vực xã hội và tương tác, chúng ta cần phải giúp trẻ bù đắp những thiếu hụt này bằng cách dạy cho trẻ tự sử dụng những phần khác của não thật giỏi. Điều này cũng tương tự như khi ta dạy một người đã bị mất một cánh tay, có thể sử dụng cánh tay còn lại thực sự giỏi. Và trong trường hợp ấy thì hoàn toàn hợp lí, vì cánh tay bị mất sẽ không bao giờ mọc trở lại.
Thật không may, suy nghĩ kiểu này không phát huy tác dụng với con cái của chúng ta, trừ phi bạn (và nhiều người) có suy nghĩ là bọn trẻ không bao giờ có khả năng để phát triển và tiến bộ trong lĩnh vực xã hội và tương tác. Tập trung vào giúp đỡ con để bù đắp sẽ làm cho chúng ta bỏ lỡ mất mấu chốt của vấn đề, chính là vượt qua.
Tại sao không dành nhiều thời gian và công sức giúp con cái khắc phục được thiếu hụt lớn nhất (tức kỹ năng xã hội), thay vì bù đắp cho con qua học những kỹ năng khập khiễng? Tại sao không giành hẳn mục tiêu, thay vì chấp nhận thiệt thòi? Bằng cách này, dù chưa đạt được mục tiêu ngay, chúng ta cũng vẫn đang giúp con tiến về phía trước trong một lĩnh vực, mà ở đó bất kỳ tiến bộ nào cũng đều có ích lâu dài cho con.
Giúp trẻ tự kỷ vượt qua những thách thức sẽ luôn luôn mang lại kết quả thỏa đáng hơn chỉ giúp trẻ bù trừ các kỹ năng khuyết thiếu.
Tầm quan trọng của việc tác động các cơ bắp yếu
Giả sử rằng, tôi được sinh ra với các cơ bắp ở chân yếu, nên không thể đi được. Và cũng giả sử bạn được thuê làm chuyên gia vật lý trị liệu của tôi. Bạn sẽ thử giúp tôi bằng cách nào?
Bạn có thể sử dụng chiến lược là dành ra một năm tiếp theo làm việc cật lực, để tăng cường cơ bắp cho cánh tay của tôi. Bạn có thể lập luận rằng, sau cùng thì cánh tay của tôi hoàn toàn khỏe mạnh và sẽ có cơ bắp hơn nếu tập luyện. Bạn có thể chỉ ra một cánh tay rất lực lưỡng sẽ giúp tôi xử lý mọi việc, vì tôi không thể làm được gì nhiều với đôi chân. Chắc chắn, một cuộc tranh luận có thể sẽ nảy ra đối với cách tiếp cận này.
Mặt khác, bạn có thể cân nhắc rằng, dù cho bạn có dành bao nhiêu thời gian để tập luyện cho cánh tay của tôi đi chăng nữa, hay dù cho bạn có thể giúp cho cánh tay của tôi trở nên khỏe đến thế nào đi nữa, tôi cũng sẽ không bao giờ bước đi được. Vì vậy, dựa trên sự thật này thì bạn có thể chọn một cách tiếp cận hoàn toàn khác: Cách duy nhất trên đời giúp tôi có được cơ hội bước đi lại, đó là giúp tôi tập luyện cơ bắp cho đôi chân. Bởi không có cách nào khác có thể giúp tôi bước đi. Một cánh tay khỏe mạnh không thể bước đi thay chân được.
Ví dụ này mô tả nguyên tắc làm việc của các cơ bắp yếu. Đây là một chiến lược rất có hiệu quả, nhưng cần bỏ ra nhiều công sức trong thời gian ngắn. Về lâu dài, làm việc với các cơ bắp yếu sẽ đem lại cho bạn những thành quả rất to lớn. Tôi hiểu tại sao lại vậy. Chúng ta có thể nhìn thấy được thành công và lợi ích ngay trước mắt.
Nhưng khi chúng ta làm việc với các cơ bắp khỏe mạnh, chúng ta luôn bị cản trở bởi các cơ bắp yếu. Cánh tay khỏe mạnh sẽ không bao giờ giúp bạn đi bộ hoặc chạy được.
Khi chúng ta làm việc với các cơ bắp yếu, lúc đầu có thể cảm thấy khó khăn, nhưng về lâu dài, chúng ta sẽ thành công. Dĩ nhiên là tốt khi chúng ta làm việc với các cơ bắp mạnh khỏe. Nhưng phải đến khi chúng ta tập luyện cho các cơ bắp yếu, thì chúng ta mới thôi không bị hạn chế nữa.
Điều này liên quan đến con bạn như thế nào? “Cơ bắp yếu” chính là thiếu khả năng tương tác xã hội. Còn “Cơ bắp mạnh” chính là giỏi ghi nhớ tựa phim, gọi tên màu sắc, làm thế nào để giới thiệu bản thân, từ ngữ, lịch trình hàng ngày, phương hướng, cũng như có thế mạnh trong các lĩnh vực như toán học, hoặc vẽ. Ở dạng đơn giản, các “cơ bắp mạnh” có thể là biết xếp chồng các khối một cách hoàn hảo, giữ thăng bằng các đồ vật một cách chính xác, hoặc xếp đồ chơi theo một thứ tự chính xác hết lần này đến lần khác.
Thật tuyệt nếu con bạn có những cơ bắp khỏe mạnh, và chẳng có gì sai nếu con bạn cuối cùng cũng có cơ hội để theo đuổi những lĩnh vực này (hoặc thậm chí trong cách bạn sử dụng một trong các lĩnh vực này để tạo động lực cho trẻ trong khi chơi). Chỉ là, trước tiên bạn sẽ muốn giúp con mình tập luyện được những phần cơ bắp còn yếu ớt.
Việc chúng ta cùng trẻ làm với các cơ bắp yếu, sẽ giúp mở ra cánh cửa cho một cuộc sống viên mãn, tự lập và trọn vẹn cho trẻ. Tương tự vậy, cho dù trẻ chỉ ước muốn thành nhà toán học, thì vẫn sẽ rất khó khăn nếu không làm các cơ bắp yếu trở nên mạnh. Ngay đến cả các sự việc diễn ra hàng ngày của gia đình như ăn tối cùng nhau, đi đến cửa hàng hoặc công viên, chơi một trò chơi, đi khám bác sĩ, hoặc có một chuyến đi chơi chung, thì đều đòi hỏi những kỹ năng xã hội, thích ứng và linh hoạt cơ bản. Hiểu được tầm quan trọng của điều này đối với những đứa trẻ đặc biệt, chúng ta sẽ luôn mong muốn được làm việc với các phần cơ bắp yếu.
Mục tiêu về kỹ năng xã hội đi trước mục tiêu về học thuật
Mục tiêu về xã hội đi trước mục tiêu học thuật, chứ không phải chọn mục tiêu xã hội thay cho mục tiêu học thuật nhé. Thật vậy, trước rất lâu. Đừng lo lắng, tôi sẽ không tranh luận lại về điểm này một lần nữa. Những gì tôi sẽ làm ở đây, là cung cấp cho bạn một số ví dụ ngắn để giải thích thế nào là “mục tiêu xã hội đi trước mục tiêu học thuật” trên thực tế.
Nhiều lần khi bạn – hoặc một giáo viên hoặc nhà trị liệu – có những cơ hội để dạy hoặc làm việc với con về điều gì đó. Đôi khi nó được diễn ra trong một trò chơi hoặc một hoạt động nghiêm túc, và đôi khi nó lại diễn ra ở những sự kiện hàng ngày trong nhà. Hầu hết chúng ta sử dụng những cơ hội đó để thử thách bọn trẻ, ví dụ, bằng cách hỏi trẻ những câu hỏi như:
• Có bao nhiêu cái ở đây?
• Cái này là cái gì?
• Cái kia màu gì?
• Nói chú nghe tên của con đi?
• Con sẽ nói câu gì?
• Con có thể để cái đó ra xa hộ mẹ không?
• Con có thể nói cho cô biết con mấy tuổi rồi?
• Con chỉ cho cô cái mũi
• Con có thể đọc từ này cho bố nghe không?
• Bức tranh này vẽ cái gì?
• Anh ấy tên là gì?
• Con kia là con gì?
• Con vật đó kêu như thế nào?
Không có câu nào ở trên là sai hay có hại. Chỉ là, như tôi đã đề cập trước đây, đúng nhưng chưa trúng. Đây không phải là những câu hỏi mà bạn cần phải tránh như tránh tà! Nhưng tôi gợi ý một danh sách các câu hỏi hoặc yêu cầu hữu ích hơn nếu bạn muốn phát triển kỹ năng xã hội cho con:
• Con muốn cho Amy xem cái nào?
• Giúp bố đứng lên để hai bố con ta hoàn thành được cái pháo đài nào!
• Chọn tấm hình có mặt đầy đủ của các bạn con để chúng ta có thể viết tên các bạn cho bữa tiệc sinh nhật của con.
• Sở thích của con…. là gì?
• Bố sẽ thích cái nào nhỉ?
• Con nghĩ ai là người mà…?
• Cô nên làm mặt như thế nào nhỉ – Nghiêm túc hay tức cười đây?
• Khi cô làm mặt như thế này, thì con nghĩ cô vui hay buồn?
• Cô rất thích khi con nhìn cô! Nhìn cô một cái nữa nha, cún con!
• Bố rất thích cõng con, ôi nhưng bố mệt quá! Nhìn bố một cái để bố tiếp tục nào!
Về bản chất, trên đây là những câu hỏi mang tính xã hội. Thay vì chất vấn trẻ về những câu hỏi thực tế hoặc học thuật, chúng ta có thể đặt các câu hỏi hoặc đưa ra các yêu cầu để thử thách con suy nghĩ theo khía cạnh xã hội. Tất cả các câu hỏi trong danh sách thứ hai yêu cầu trẻ suy nghĩ về những người bạn của mình (hoặc người trị liệu hoặc các thành viên gia đình), nhìn vào bạn và giúp đỡ bạn, suy nghĩ về sở thích và mong muốn của người khác, cũng như đưa ra các ý kiến của cá nhân mình.
Và như vậy, đây chính là lúc thích hợp, để tôi giới thiệu đến bạn một mô hình vô cùng hữu ích, giúp con bạn phát triển một cách toàn diện.
Mô hình phát triển của The Son-Rise Program®
Trên thế giới không thiếu những mô hình phát triển để đánh giá một đứa trẻ. Vì vậy, chúng tôi đã hình dung thế này: Chắc là đã có sẵn đâu đó một mô hình phát triển xã hội đơn giản dùng để đánh giá hoạt động xã hội của cả trẻ em và người lớn mắc chứng tự kỷ. Chúng ta sẽ chỉ đơn giản sử dụng một trong số những mô hình đó để đánh giá cho con thôi là được.
Nhưng chúng tôi đã lầm.
Vì vậy, chúng tôi đã tạo ra mô hình riêng của mình. Và nó thật sự tuyệt vời.
Mô hình phát triển xã hội này ban đầu được tạo ra bởi Bryn và William Hogan và sau đó tiếp tục được phát triển tiếp cùng với Kate Wilde (Giám đốc The Son-Rise Program®), cha mẹ tôi, tôi, và cùng với các nhân viên khác của chúng tôi ở một mức độ nào đó. Nó đã được phát triển trong nhiều năm, dựa trên nhiều thập kỷ làm việc với hàng ngàn trẻ em và người lớn, cùng với phân tích sâu sắc về sự phát triển của người tự kỷ suốt một thời gian dài.
Trong The Start-Up Program và các khóa học nâng cao của chúng tôi, chúng tôi đi sâu vào mô hình này, thảo luận về các khía cạnh như:
• Làm thế nào để xác định chính xác con bạn đang ở giai đoạn phát triển nào trong bốn khía cạnh xã hội căn bản.
• Làm thế nào để dõi theo sự phát triển xã hội của con bạn theo thời gian.
• Thiết lập mục tiêu.
• Những hoạt động cần thiết để đạt được các mục tiêu.
• Những quan điểm trong dạy và áp dụng mô hình tới con bạn.
• 3 đến 5 yếu tố của từng khía cạnh trong sự phát triển.
• Làm thế nào để biết một kỹ năng là chưa đạt, mới xuất hiện hoặc đã đạt.
Bạn sẽ bị quá tải nếu tôi cố gắng đưa hết tất cả mọi thứ vào đây lúc này. Nếu bạn thực sự muốn xem 30 trang Mô hình phát triển của The Son-Rise Program® trông như thế nào, thì dưới đây sẽ có một đường link về nó trên trang web của chương (nhưng tôi vẫn khuyên bạn chưa nên tải nó vào lúc này).
Vì vậy xin vui lòng, hãy tin tôi khi tôi nói với bạn rằng: Sẽ thực sự có ích hơn cho bạn và con nếu chúng ta bắt đầu từng bước nhỏ và cơ bản. Vì vậy, thay vì đưa ra toàn bộ mô hình cho bạn, tôi sẽ chỉ đưa ra những phần quan trọng để bạn có thể bắt đầu tập trung vào điều đó ở con mình.
Bốn nền tảng của hòa nhập với xã hội
Có bốn khía cạnh cực kỳ quan trọng (mỗi khía cạnh sẽ bao gồm năm giai đoạn phát triển) mà bạn muốn tập trung vào nếu quan tâm đến sự phát triển và tiến bộ về mặt xã hội ở trẻ tự kỷ:
1. Giao tiếp bằng mắt và giao tiếp phi ngôn ngữ.
2. Giao tiếp có ngôn ngữ.
3. Thời lượng tập trung tương tác.
4. Khả năng linh hoạt.
Hình 1 dưới đây sẽ cho thấy vai trò của bốn nguyên tắc cơ bản này trong toàn bộ kế hoạch chi tiết tổng thể của mô hình. Sơ đồ và những ý tưởng ở đây là nền tảng thiết lập khuôn khổ nội dung của bốn chương tiếp theo. Chúng ta sẽ xem xét những nguyên tắc cơ bản và tìm hiểu các kỹ thuật và chiến lược để giúp con bạn có được những tiến bộ ở mỗi mặt.
Nguồn thông tin trực tuyến
Trong chương này, hãy truy cập vào www.autismbreakthrough. com/chapter5
Chúc bạn tận hưởng mô hình này một cách vui vẻ!
Điểm bắt đầu
Bạn biết điều gì không! Không có đề xuất hành động nào ngay lập tức với con bạn ở chương này cả. Nhưng tin tôi đi: Ở bốn chương tiếp theo sẽ khiến bạn khá bận rộn đấy! Còn bây giờ, hãy dành một ít phút và hình dung con bạn gần gũi với mọi người hơn, có kỹ năng xã hội tốt hơn. Điều đó trông như thế nào? Con bạn sẽ làm gì? Và bây giờ, chúng ta hãy làm cho nó trở thành hiện thực.