Một khía cạnh của The Son-Rise Program® khiến chính chương trình trở nên độc đáo và đầy ý nghĩa, nhưng cũng đáng sợ đối với một số người bởi chương trình khai thác sự sáng tạo của những người làm việc với trẻ. Chính vì lý do này, việc dành một chút thời gian thực sự tập trung vào việc làm thế nào để trở nên sáng tạo cũng như duy trì được nó thực sự rất quan trọng. Một khi bạn đã có những công cụ được cung cấp trong chương này, bạn có thể trở thành một kho ý tưởng không bao giờ cạn.
Vì sao việc nghĩ ra các hoạt động và trò chơi lại gây căng thẳng như vậy
Được rồi, vậy thì trước khi đi vào chi tiết, chúng ta cần phải giải quyết những vấn đề thường bị phớt lờ. Chúng ta có thể ngồi nói chuyện về yếu tố động lực cả ngày, nhưng sẽ chẳng có ích lợi gì nếu bạn không áp dụng nó cả. Và bạn cũng sẽ không sử dụng nó nếu bạn cảm thấy lo lắng và căng thẳng về việc đó. Nếu bạn cũng từng giống như các bậc phụ huynh mà tôi đã làm việc cùng, thì có thể bạn sẽ đang tự nói với bản thân là: Về lý thuyết, chiến lược này có vẻ hay đấy, và có thể rất tuyệt vời đối với típ người sáng tạo, chỉ là tôi thì không sáng tạo được thế. Tôi không thể có được những ý tưởng như vậy. Và thậm chí ngay cả khi tôi có được một ý tưởng nào hay ho thì tôi cũng cạn ý tưởng rất nhanh sau đó.
Điều đầu tiên bạn cần phải biết, đó là bạn có những suy nghĩ thế này là điều hoàn toàn bình thường. Nó không có nghĩa là bạn không sáng tạo, và nó không có nghĩa là bạn không làm được, hay thậm chí cũng không có nghĩa là nó khó với bạn với cương vị là phụ huynh. Nó chỉ có nghĩa là bạn hiểu chưa đúng về sáng tạo và làm thế nào để khai thác nó.
Nếu ngay bây giờ bạn ngồi xuống và cố gắng đưa ra 10 ý tưởng trò chơi tuyệt vời dựa trên đam mê của trẻ điều này không hề đơn giản. Lý do đầu tiên để giải thích cho việc này đó là thái độ của bạn về bản thân. Việc bạn có suy nghĩ mình không đủ sáng tạo – hoặc không có đủ “bất cứ điều gì” – có thể bình thường (như trong quan niệm thông thường), nhưng điều đó hoàn toàn không phải tự nhiên (như là “một phần tất yếu của con người”).
Hãy thôi chà đạp lên sự sáng tạo của bạn
Mỗi khi bạn bắt đầu nghĩ mình không sáng tạo, bạn cần phải tạm dừng. Hãy tự nhắc nhở rằng mình chỉ đang tự nói như vậy chỉ vì mình không thực sự hiểu sáng tạo nghĩa là gì. Không cần phải bàn cãi, bạn chắc chắn là người sáng tạo. Không phải tôi nói với bạn điều này để truyền động lực cho bạn, mà bởi vì mỗi cá nhân đều sáng tạo. Tôi chưa bao giờ làm việc với một phụ huynh nào mà không sáng tạo cả. Tâm trí con người vốn dĩ đã sáng tạo. Việc bạn tự nói mình không phải như thế cũng giống như bạn tự nói mình không có bộ não, kể cả bạn vẫn đang sống và sử dụng nó, thì tôi sẵn sàng tuyên bố rằng trên thực tế, bạn có một bộ não.
Vậy thì, có thể bạn đã từng gặp những người mà bạn thấy họ sáng tạo hơn bạn nhiều. Điều bạn cần biết là những người này hoàn toàn không sáng tạo hơn bạn, họ chỉ không tự chà đạp lên sức sáng tạo của bản thân.
Chúng ta thường tự chà đạp lên sự sáng tạo của mình theo ba cách chính.
1.Chúng ta tự nói với bản thân rằng, chúng ta không sáng tạo
Điều này giết chết bất kỳ tính sáng tạo nào mà chúng ta có thể có. Trái ngược với sự rập khuôn có văn hóa của các nghệ sĩ sáng tạo hay sầu thảm và tức giận, thì bạn cần bộ não của mình được thả lỏng, thoải mái và lạc quan để các ý tưởng có thể tràn vào. Vì vậy, bạn cần phải thực hiện một lời hứa với bản thân là thôi không lên án chính mình nữa.
2. Chúng ta “kiểm duyệt” các ý tưởng của chính mình
Hầu hết chúng ta thường ngồi chờ đợi (và viết ra) toàn những ý tưởng “hay”. Điều này sẽ bóp nghẹt khả năng để tạo ra các ý tưởng của bạn. Bạn phải phun trào ra ý tưởng. Tôi nói thật đó! Hãy đưa ra càng nhiều ý tưởng càng tốt, càng nhanh càng tốt. Bạn đang hướng tới số lượng.
Hoàn thành danh sách các sở thích của trẻ phù hợp với các mục tiêu, và sau đó nghĩ ra càng nhiều trò chơi để hiện thực hóa các mục tiêu này càng tốt. Nếu điều đó làm bạn cảm thấy khó khăn, thì hãy từ từ. Hãy bắt đầu bằng việc nhìn vào danh sách các động lực của con. Đối với mỗi động lực, nghĩ ra càng nhiều hoạt động hoặc trò chơi càng tốt.
Nếu bạn thấy bản thân đang bắt đầu phán xét một ý tưởng nào đó, bạn hãy tự nói mục tiêu của bản thân là có được thật nhiều ý tưởng “dở”. Ý tưởng “dở” rất tuyệt vời! Rất nhiều những ý tưởng tốt nhất của tôi đã được xuất phát từ những ý tưởng “dở” đó đấy.
Ví dụ, tôi rất thích đặt tên và biệt hiệu cho các sự vật. Tôi thường làm điều này đối với các khóa học của chúng tôi tại ATCA. Một vài tiêu đề chính và tiêu đề phụ của các khóa học của chúng tôi đã đến từ những lần tôi ngồi tạo ra các ý tưởng. Tất cả những gì tôi làm là ngồi tại bàn của mình, thư giãn và để cho bản thân trở nên năng nổ với công việc, và sau đó chỉ cần gõ ra càng nhiều tiêu đề mà tôi có thể nghĩ càng nhanh càng tốt. Trước đây, tôi đã từng cố gắng chỉ gõ ra những cái thật “hay”. Và một giờ sau đó, tôi có được một hoặc hai tiêu đề, dù chưa phải đã tốt. Khi đầu óc tôi tuôn trào ý tưởng, thì sẽ đón chào cả những ý tưởng “dở ẹc” nhưng đầy tiềm năng, thì chỉ sau nửa giờ là tôi có được cả một danh sách khổng lồ những ý tưởng rồi.
Và dù có làm gì bạn cũng đừng vội kiểm duyệt các ý tưởng đó. Nếu bạn đã có một danh sách dồi dào những ý tưởng, hãy quay trở lại danh sách đó, nghiên cứu từng ý tưởng một và thêm vào một số chi tiết của trò chơi hoặc hoạt động của bạn. Nếu tại thời điểm đó, một vài ý tưởng của bạn sẽ hoàn toàn không khả thi với bạn, thì cứ bỏ nó qua một bên. Nhưng đừng loại bỏ bất kỳ ý tưởng nào của bạn cho đến khi bạn đã có được cả một danh sách dài nhé.
3. Chúng ta quá cầu toàn về sự hoàn hảo
Chúng ta tự nói với bản thân rằng, những ý tưởng này nhất định phải có tác dụng với bọn trẻ. Ngay từ đầu, chúng ta đã có định kiến với những ý tưởng của chính bản thân khi tự đưa ra tất cả những lý do tại sao chúng không có tác dụng, tại sao bọn trẻ sẽ không thể đón nhận chúng. Ngoài ra, chúng ta cũng bóp chết vô số ý tưởng sau khi chúng ta thử áp dụng và bọn trẻ đã không quan tâm ngay lúc đó.
Nếu bạn không phải là người có khả năng đọc được suy nghĩ, thì bạn sẽ chẳng nghĩ ra cách nào ngoài thử những ý tưởng có hiệu quả ngay lần đầu hoặc ngay lập tức thu hút sự chú ý của trẻ. Một số ý tưởng của bạn có tác dụng xuất sắc ngay ở lần đầu tiên, nhưng hầu hết những ý tưởng còn lại thì không. Bạn có biết đã bao nhiêu lần tôi nghĩ ra một trò chơi, giới thiệu nó với trẻ, và nhận ra nó sẽ thất bại ngay lập tức không? Rất nhiều lần. Khi điều này xảy ra, tôi chỉ nói với bản thân mình rằng: Ồ, cách này có vẻ không hiệu quả rồi. Lần sau mình sẽ thử một cách khác, và có lẽ mình sẽ bỏ thêm thời gian cho trò chơi này, rồi thử lại vào lần tới, tháng tới, v.v.
Hãy từ bỏ quan niệm rằng, ý tưởng của bạn phải hoàn hảo và phải có tác dụng. Bạn sẽ cảm thấy mình được tự do, và quan trọng hơn, bạn sẽ không phải làm tổn thương khả năng sáng tạo của mình. Bạn sẽ cần phát huy tối đa tính sáng tạo ở bản thân để giúp đỡ con.
Kỹ thuật sáng tạo: Cộng thêm một
Chúng ta đã nói với nhau về những điều không nên làm khi tạo ra các trò chơi và các hoạt động dựa trên động lực của con cái. Vậy giờ bạn sẽ làm gì?
Đầu tiên, chúng ta hãy nói về một kỹ thuật tạo ra trò chơi sáng tạo nhưng đơn giản mà thực ra tôi đã học được từ chị gái Bryn (Giám đốc điều hành của ATCA).
Bryn thường hướng dẫn cho các bậc cha mẹ một kỹ thuật có thể được tóm gọn trong ba từ: cộng thêm một.
Hãy tưởng tượng rằng, bạn đang nỗ lực để tạo ra một trò chơi phát triển ngôn ngữ bao gồm hoạt động đuổi bắt, vì bạn biết con thích đuổi theo hoặc bị người khác đuổi. Thay vì cố gắng nghĩ về tất cả những cách mà bạn có thể thay đổi hoặc mở rộng hoạt động đuổi bắt này để giúp tạo ra nhiều ngôn ngữ hơn nơi con, bạn chỉ cần thêm một điều: Có thể là cậu bé cần phải nói từ “đuổi theo” bất cứ khi nào muốn bạn tiếp tục chạy. Cũng có thể là mỗi khi bạn đột nhiên đóng băng thì cậu bé cần bắt lấy bạn hay nói “chạy” để giúp bạn tiếp tục chạy lại. Còn có thể là bạn đuổi theo con thật chậm – hoặc nhảy lò cò trên một chân. Nếu con bạn có khả năng ngôn ngữ ở mức cao hơn, con sẽ phải trả lời một câu hỏi để giúp bạn tiếp tục chạy lại được mỗi khi bạn đứng im.
Khi bạn bắt đầu áp dụng thử kỹ thuật này, hãy chắc chắn rằng bạn chỉ kèm theo vào thêm một điều thôi – không phải hai hoặc ba. Bắt đầu với những điều tuyệt đối đơn giản mà bạn có thể nghĩ đến. Bạn có thể:
• Làm cho nó nhanh hơn.
• Làm chậm đi.
• Bỏ bớt một lượt.
• Làm điều gì đó ngớ ngẩn.
• Chỉ dùng tone giọng cao.
• Thêm một bước nào đó.
• Bỏ 1 bước.
• Thay đổi một nguyên tắc nào đó khi chơi.
• Thêm một yêu cầu hoặc thách thức.
Câu chuyện của Charles
Kỹ thuật “Cộng thêm một” cũng có tác dụng với cả những trò chơi phức tạp hơn. Gần đây tôi đã làm việc với một cậu bé chín tuổi ở Anh có tên là Charles, có khả năng nói tốt. Cậu bé rất thích môn lịch sử, đặc biệt là việc tưởng tượng ra các thời điểm khác nhau (thập niên năm 1920, thập niên năm 1800) và mọi thứ khác biệt như thế nào sau đó. Tôi đã đến nhà của Charles, để làm một hoạt động gọi nôm na là tiếp cận cộng đồng, tức khi một giáo viên của The Son-Rise Program® hoặc tư vấn viên của trẻ dành một vài ngày ở nhà của một gia đình để giúp thực hiện chương trình riêng. Nếu một gia đình có quá trình tiếp cận với một giáo viên, như ở đây là trường hợp của gia đình bé Charles cùng với tôi, thì người giáo viên sẽ quan sát cách cha mẹ làm việc với con và cung cấp cho họ những góp ý cũng như những lời gợi ý sau đó. Người giáo viên cũng sẽ góp ý luôn cho các thành viên có tham gia làm việc với trẻ và giúp các bậc phụ huynh đào tạo các tình nguyện viên sao cho hiệu quả nhất. Tất nhiên, giáo viên cũng sẽ trả lời bất kỳ câu hỏi và giải quyết bất kỳ vấn đề nào phát sinh. Chúng tôi có một loạt nhân viên thực hiện các hoạt động tiếp cận gia đình như thế này, mặc dù thời gian biểu riêng của tôi hiện tại không cho phép tôi làm điều này được thường xuyên nữa. Điều khiến tôi thực sự thích thú khi làm một giáo viên tiếp cận các gia đình tại nhà, chính là khoảng thời gian làm việc trực tiếp với trẻ.
Trong trường hợp của Charles, tôi đã lên kế hoạch tổ chức một trò chơi dựa trên sự yêu thích của cậu bé dành cho những thời kì lịch sử. Trong trò chơi này, chúng tôi sẽ đi vào “cỗ máy thời gian”, nhún lên nhún xuống một lúc giống như chúng tôi đang đi xuyên qua thời gian, và sau đó chúng tôi sẽ bước ra ngoài và có một cuộc phiêu lưu ngắn trong bất cứ thời kì nào mà chúng tôi đến. Tôi đã lên sẵn kế hoạch này trước đó, nhưng lại có một điều xảy ra mà tôi không ngờ tới.
Đây là lần đầu tiên tôi và Charles chơi với nhau, vì thế tôi đã đặt các mục tiêu khi lên kế hoạch trò chơi lần này là xây dựng lòng tin với cậu bé và cố gắng để Charles tương tác với tôi nhiều nhất có thể trong khả năng của mình. Tuy nhiên, trò chơi của chúng tôi đã thành công vượt ra ngoài ngay cả những gì tôi đã lên kế hoạch. Charles đã tham gia hoàn toàn vào mọi khía cạnh của trò chơi, không có dấu hiệu mệt mỏi nào khi chúng tôi tương tác với nhau. Vì vậy, tôi nhận ra rằng tôi đã có một vài cơ hội để thách thức Charles nhiều hơn.
Tôi biết Charles không có khiếm khuyết về mặt ngôn ngữ; thách thức chính của cậu bé là có được tính linh hoạt trong các trò chơi của mình và cho phép chúng được thay đổi dựa trên những gì người khác muốn. Charles thích các trò chơi và hoạt động phải tiến hành theo một cách cụ thể, chứ không phải theo cách người khác đề nghị. Điều này nghe có vẻ tầm thường với những phụ huynh có con đang cố học nói, nhưng rõ là không linh hoạt thì sẽ có những hậu quả sâu rộng đối với bất cứ khả năng kết bạn hoặc trải qua cuộc sống học đường thành công.
Tôi chỉ có một vài giây để quyết định làm thế nào tôi có thể thách thức Charles theo cách này, vì chúng tôi vẫn còn đang chơi dở. Hiển nhiên, tôi cũng không có thời gian để ngồi xuống và vạch ra được bất kỳ kế hoạch công phu nào. Vì vậy, tôi đã quay trở lại với ý tưởng cộng thêm một. Mỗi khi chúng tôi trở lại với cỗ máy thời gian để đi đến một năm cụ thể nào đó, tôi sẽ hỏi Charles một câu hỏi kiểu như: Một hoạt động mà cháu muốn làm với bạn bè của mình nhưng sẽ không làm được khi chúng ta đang đi du hành là gì? (Bạn sẽ hiểu trong chương tiếp tại sao mà tôi lại chọn một câu hỏi về một điều cậu bé rất thích làm với người khác, thay vì câu hỏi về thời điểm mà chúng tôi đang đi du hành).
Hãy nhớ là tôi để mọi thứ về trò chơi như cũ – Tôi chỉ thay đổi duy nhất một khía cạnh. Lúc đầu, thậm chí một sự thay đổi nhỏ thôi cũng thách thức Charles rồi. Cậu bé muốn đi đến thời điểm lịch sử kế tiếp ngay lập tức. Dần dần, khi tôi kiên trì với chỉ một thay đổi, Charles đã dần trở nên kiên nhẫn và linh hoạt hơn.
Tối muộn hôm đó, khi một trong những người hỗ trợ của mình đến, cậu bé chạy đến cô, nhảy tưng tưng và nói một cách hào hứng rằng: “Raun và cháu đã chơi rất vui! Chúng cháu đã tạo ra một cỗ máy thời gian, rồi đi đến quá khứ và tương lai!”
Kỹ thuật sáng tạo: Một vật có thể là bất cứ vật gì
Trò chơi hay hoạt động tăng tính sáng tạo sản sinh ra loại kỹ thuật mà tôi thấy rất hữu ích, đó là: Một vật có thể là bất cứ vật gì. Nghe có vẻ lạ, nhưng tức là bất kỳ đối tượng nào trong phòng đều có thể trở thành bất kỳ điều gì mà bạn muốn – bất kỳ điều gì phù hợp với mục đích của bạn.
BBC đã làm một bộ phim tài liệu đồng hành cùng một gia đình trong quá trình tham gia The Son-Rise Program® vài năm trước. (Liên hệ với ATCA nếu bạn muốn DVD của phim tài liệu này. Nó khá tuyệt và rất cảm động). Có một cảnh hài hước trong đó: Bryn đang làm việc với người mẹ, giúp cô ấy có thêm nhiều ý tưởng sáng tạo về các trò chơi sẽ chơi với con trai. Bryn lấy ra một chai nước và nói với cô: “Vậy thì bây giờ chai nước có thể là gì?” Và với sự chân thành cô đã nói: “Một vật gì đó đã hết nước?”
Điều khiến cảnh này hài hước chính là quan sát cách mà mẹ cậu bé lần đầu tiên thực hiện tất cả những gì mà chúng ta đều được đào tạo để làm, tức nhìn nhận thế giới như vốn có. Nếu ai đó nói với bạn đây là một chai nước, thì tất nhiên nó là một chai nước. Nhưng như cảnh trong phim tài liệu tiếp theo, thì Bryn đã chỉ cho mẹ cậu bé thấy rằng, không quá khó để nghĩ chai nước có thể thành vô vàn các đối tượng khác: Nó có thể là một cái lược chải tóc, một cái kèn trumpet, một chiếc tàu tên lửa, một chiếc khuyên tai, một chiếc kính thiên văn, một chiếc điện thoại, v.v. Và rất nhanh sau đó, mẹ cậu bé đã nắm được và bắt đầu có thể tạo ra những ý tưởng đầy sáng tạo trong khả năng tốt nhất có thể.
Khi bạn nghĩ ra một trò chơi hoặc hoạt động cùng với con, hãy ghi nhớ ý tưởng “Một vật bất kì có thể là bất cứ vật gì”. Bạn thậm chí có thể sẽ muốn thực hành trước với một vài món đồ. Ví dụ, lấy một chai nước, một cây bút, một quả bóng và một cái nồi, rồi dành 15 phút để nghĩ thêm 10 đối tượng khác nhau mà món đồ này có thể trở thành.
Một trong những lý do mà cha mẹ tôi có thể phát triển The Son-Rise Program® và mỗi ngày có thêm các ý tưởng để giúp tôi là họ không làm bất cứ điều gì khiến bản thân bị áp lực để sáng tạo, thay vào đó họ đã làm tất cả mọi thứ giúp thúc đẩy óc sáng tạo. Cho đến ngày hôm nay, họ vẫn nằm trong số những người sáng tạo nhất mà tôi biết – không phải vì họ vốn được sinh ra với óc sáng tạo, mà là vì họ đã chủ động lựa chọn thái độ và cách nhìn giúp nuôi dưỡng tính sáng tạo.
Thực ra, họ thường xuyên thực hành những gì hầu hết mọi người có thể gọi là “thử và sai”. Khi một cái gì đó không hiệu quả, họ không coi nó là một thất bại. Thay vào đó, họ xem nó như một cơ hội tuyệt vời để thu thập thông tin hữu ích về những gì có và chưa có hiệu quả. Vì vậy, thực sự nó không phải là “thử và sai”. Đó là “thử nghiệm và thông tin”.
Bắt tay thực hiện!
Bây giờ là thời điểm hoàn hảo để bắt đầu vận dụng sức mạnh sáng tạo của bạn – bằng cách sử dụng ý tưởng “Một vật có thể là bất cứ vật gì”. Bảng 3 dưới đây kể tên bốn vật dụng phổ biến trong nhà. Dưới mỗi vật dụng, bạn hãy viết ra bảy vật dụng khác thay thế để chơi giả vờ với con. Quy tắc duy nhất ở đây là không có vật nào trong 7 vật liên quan tới vật dụng ban đầu. (Ví dụ, bạn sẽ không chọn từ “căng-tin” khi vật dụng ban đầu là “chai nước” hay “dụng cụ nấu” khi đối tượng ban đầu là “chảo chiên”).
BẢNG 3
Nguồn thông tin trực tuyến
Để nhận thêm trợ giúp về quy tắc của chương này, hãy truy cập vào www.autismbreakthrough.com/ chapter4
Bắt tay vào nào, tiến sĩ sáng tạo!
Điểm bắt đầu
Thực hành ý tưởng “Một vật có thể là bất cứ vật gì” trong một hoạt động hàng ngày với con. Lần tới khi bạn đang ăn tối cùng con, hãy lấy muỗng và biến nó trở thành một chiếc máy bay. Biến cái chảo rán thành một cái trống. Lấy tấm chăn của con, đặt nó trên sàn nhà và giả vờ đó là một tấm thảm bay.
Khi bạn thực hành thường xuyên ý tưởng này bạn linh hoạt hơn để sáng tạo và khởi động bộ não. Đây là điều rất quan trọng cho việc phát triển hiệu quả các hoạt động dựa trên động lực của con. Và trên hết thảy, bạn sẽ có thật nhiều niềm vui với con của mình!