BẠN CÓ MUỐN BIẾT bí quyết dạy trẻ những kỹ năng mới và thúc đẩy việc học tập không?
Tôi nghĩ hẳn là bạn muốn.
Nếu việc hòa mình được xem là cánh tay phải của The Son-Rise Program®, thì động lực sẽ chính là cánh tay trái. Bạn cần phải hòa mình vào hoạt động cùng con đến khi con sẵn sàng học hỏi và phát triển, còn động lực lúc ấy sẽ thúc đẩy quá trình học tập và phát triển của con.
Trước khi chúng ta đi sâu hơn vào nguyên tắc của động lực và làm thế nào để tận dụng nó, việc đề cập đến những khó khăn và hạn chế của việc dạy trẻ tự kỷ bằng cách thông thường là rất quan trọng.
Vấn đề về chọn thời điểm
Sai lầm lớn nhất mà chúng ta hay mắc phải đó là cố gắng dạy hay đưa ra các thử thách cho con khi con chưa sẵn sàng tiếp nhận thông tin mới. Ví dụ, khi con đang thực hiện hành vi ism, không giao tiếp bằng mắt với bạn, không phản hồi khi bạn nói chuyện hay gọi tên, tức con đang gửi tới bạn một tín hiệu đèn đỏ. Và những lúc ấy, khi bạn cố gắng dạy bảo, dỗ ngọt, hay lôi kéo sự chú ý từ con thì bạn chẳng khác nào “Vượt đèn đỏ”. Khi bạn lái xe vượt đèn đỏ, bạn có thể nghĩ mình sẽ đến đích nhanh hơn, nhưng kết quả thường ngược lại. Bạn có thể sẽ gặp một tai nạn nhỏ, hoặc bị chặn lại và nhận vé phạt. Tương tự như vậy, khi giao tiếp với con, bạn có thể phớt lờ tín hiệu đèn đỏ từ con vì nghĩ mình và con có thể đạt được mục đích mà bản thân bạn mong muốn nhanh hơn. Tuy nhiên, kết quả ở đây cũng sẽ ngược lại.
Điều tối quan trọng là phải chờ đến khi con chuẩn bị sẵn sàng trước khi bạn dạy dỗ hoặc đưa ra bất cứ thử thách gì cho con. Chúng tôi gọi thời điểm sẵn sàng đó là tín hiệu đèn xanh. Nếu con không thực hiện hành vi ism, mà đang nhìn bạn và phản hồi lại với bạn, đó có thể là một tín hiệu đèn xanh. Lúc này chính là thời điểm hợp lý cho việc dạy hoặc yêu cầu một điều gì đó từ con. (Tiện đây cũng xin nói rằng, bằng cách kiên trì hòa mình với con, bạn sẽ nhận được các tín hiệu này ngày một nhiều hơn.)
Một khi chúng ta đưa ra thử thách cho con vào đúng những thời điểm thích hợp, thì tốc độ tiếp thu và chất lượng tương tác sẽ gia tăng nhanh chóng. Theo sát chương trình học tập của con, chứ không phải của bạn hay bất kì một ai khác, sẽ đem đến những hiệu quả mà chính bạn cũng khó tin nổi.
Động lực lệch pha
Động lực là động cơ của sự phát triển. Đây là nhân tố lớn nhất trong việc học hỏi và tiến bộ ở con cái. Khi một đứa trẻ theo đuổi những sở thích và đam mê của bản thân, quá trình học tập sẽ diễn ra nhanh và mạnh mẽ. May mắn là rất ít người sẽ phản đối ý tưởng này; phần đông mọi người đều đồng ý về tầm quan trọng của động lực với mỗi đứa trẻ. Nhưng thật không may, nguyên tắc về động lực lại hiếm khi, nếu không muốn nói là chưa từng, được đưa vào áp dụng thực tế một cách nhất quán, đặc biệt là với trẻ tự kỷ.
99% thời gian, bọn trẻ được dạy theo một phương pháp trái với khuynh hướng tự nhiên của chúng khiến việc học bị chậm lại. Trẻ được dạy theo lịch trình, chương trình học và yêu cầu từ những người lớn đang dạy trẻ.
Ở nhà, người lớn thường quyết định khi nào làm gì (giờ nào để tắm, học tập, ăn, chơi) và làm như thế nào (với đồ chơi, thức ăn, đồ dùng, trò chơi hay sách). Trong một lớp học, việc người lớn đóng vai trò lựa chọn làm gì và làm như thế nào thậm chí còn phổ biến hơn. Ngay cả những giáo viên giỏi nhất, tận tụy nhất, tài năng nhất cũng khó có thể tùy chỉnh việc giảng dạy của mình để phù hợp với mong muốn cá nhân của mỗi đứa trẻ, khi mà họ phải đối mặt với một lớp đầy học sinh, mỗi em lại có những ý thích hoàn toàn khác nhau.
Để tăng thêm tính chênh lệch, trẻ tự kỷ ngay từ đầu đã hay hướng tới những mối quan tâm khác thường và khó hiểu. Những gì có thể tạo động lực cho một đứa trẻ bình thường thì hiếm khi có thể khiến một đứa trẻ tự kỷ quan tâm đến. Do đó, lối giảng dạy truyền thống hầu như không có tác động với những đứa trẻ này.
Kết quả cuối cùng là, cách thức mà con cái chúng ta được dạy không khiến chúng có động lực và hứng thú. Một đứa trẻ được yêu cầu ngồi xuống bàn và làm một bài tập. Nhưng hóa ra cô bé này thích chủ đề Chiến Tranh Giữa Các Vì Sao và có thể dễ dàng tham gia vào một hoạt động liên quan đến nhân vật Darth Vader hay Millennium Falcon. Một đứa trẻ được yêu cầu nói hai từ mới theo một thứ tự nhất định (mà cậu bé đó cũng chẳng hiểu vì sao cần nói như vậy). Tuy nhiên, cậu bé lại có thể thích chơi đuổi bắt, nên cảm thấy vui khi nói: “Đuổi theo con đi” hoặc “Chạy nhanh lên” trong bối cảnh của trò chơi.
Một cô bé được yêu cầu đếm đến năm bằng cách đếm những vòng tròn màu đen trên một mảnh giấy. Thế nhưng cô bé ấy thích khủng long. Chẳng phải cô bé sẽ học đếm nhanh hơn nếu chúng ta chơi một trò chơi với khủng long, ở đó bé được yêu cầu đếm ra 5 con khủng long mà mình thích?
Khi chúng tôi nói về các nguyên tắc sử dụng các động lực bên trong của mỗi đứa trẻ, chúng tôi có ý là: Hãy điều chỉnh cách giảng dạy chương trình học (nghĩa là bao gồm bất kỳ điều gì giúp con bạn làm hoặc học) sao cho nó tương xứng với chủ đề con bạn hứng thú nhất.
Những cuốn sách như Bộ não tự thay đổi và nghệ thuật thay đổi bộ não (The Brain That Changes Itself và The Art of Changing the Brain) chỉ ra rằng, nếu bạn thực sự muốn thay đổi bộ não – đưa nó vào trạng thái phát triển tối đa và tăng cường kiến thức ở mức cao nhất – thì chìa khóa chính là tìm kiếm và tận dụng những sở thích và động lực mà một người sẵn có, chứ không phải là nhồi nhét thông tin vào người đó hoặc cố gắng “biến” người đó trở nên nhiệt huyết. Khi một đứa trẻ hoặc một người lớn cảm thấy phấn khích và có động lực, chất dẫn truyền thần kinh sẽ được tiết ra với vai trò kích thích não bộ, chuẩn bị cho sự phát triển, thay đổi và học tập.
Bạn giới thiệu mọi kỹ năng bạn muốn con học, mọi mục tiêu giáo dục bạn có, mọi hoạt động mới mà bạn muốn con thử tham gia bằng cách lồng ghép chúng trong các trò chơi hoặc hoạt động được xây dựng dựa trên những gì con quan tâm và khơi được ở con một nguồn động lực.
Những cạm bẫy của nguyên tắc phần thưởng
Thường là vào thời điểm này các giáo viên hoặc nhà trị liệu sẽ nói với tôi: “Chúng tôi đã sử dụng phương pháp này nhiều năm qua rồi. Chúng tôi tìm ra cái gì đó mà mỗi đứa trẻ thích – ví dụ, kẹo sô-cô-la M&M hoặc món đồ chơi yêu thích và chúng tôi sử dụng chúng như phần thưởng, để những đứa trẻ chịu làm điều mà chúng tôi đang cố gắng giúp chúng làm hoặc học”.
Nói cho rõ thì sử dụng các phần thưởng là chính xác trái ngược với nguyên tắc động lực, nhưng chút nữa chúng ta sẽ bàn về điều này.
Cho đến hiện tại, quan trọng là chúng ta hiểu rằng, nguyên tắc khen thưởng được sử dụng trong giảng dạy một cách rộng rãi nhất trên toàn thế giới khi nói đến trẻ em mắc chứng tự kỷ. (Tôi đang sử dụng thuật ngữ “Nguyên tắc phần thưởng” ở đây cho đơn giản và dễ hiểu. Nó không mang tính học thuật hay chuyên môn.) Tôi chắc chắn một điều: Việc bạn đã áp dụng các nguyên tắc khen thưởng này với con rồi, kể cả khi tôi chưa gặp bạn, thì chẳng có gì là lạ cả.
Mọi người đều thích, rất thích nguyên tắc khen thưởng. Vì nó quả là tuyệt vời! Nó khiến con cái chúng ta làm được cái gì đó! Sao lại không thích được cơ chứ?
Không nghi ngờ gì nữa, chắc chắn sẽ có một số lượng đáng kể những đứa trẻ làm điều gì đó mà chúng ta muốn chúng làm, một khi ta cho chúng những phần thưởng xứng đáng. Tuy nhiên, việc này lại đi kèm với một số tác dụng phụ khá nghiêm trọng.
Món Tráng Miệng Tai Hại
Nghe này, nếu bạn mời tôi ăn sô-cô-la, phản ứng đầu tiên của tôi sẽ là: Ôi sô-cô-la à, đúng thứ tôi thích luôn. Và cũng không phóng đại khi nói rằng tôi thực sự rất thích sô-cô-la. Tôi thích những món được phủ sô-cô-la. Những món với sô-cô-la bên trong. Những món được làm từ sô-cô-la. Tôi có nhắc tới sô-cô-la chưa nhỉ?
Tôi nói với bạn điều này để tạo ra một quan điểm lớn hơn (và cũng là một gợi ý nhỏ trong trường hợp bạn đang nghĩ đến việc mua cho tôi một món quà!) Nếu bạn đặt một đĩa bông cải xanh trước mặt tôi, tôi sẽ không cố sức để có được đĩa bông cải xanh đó. Đừng hiểu sai ý tôi. Tôi thừa nhận bông cải xanh có lợi cho sức khỏe, và tôi cũng ăn nó, thế nhưng nó không phải là món tôi yêu thích nhất trên đời. Sự thật là, tôi ăn nó hoàn toàn chỉ vì mấy kiểu suy nghĩ méo mó về nghĩa vụ sinh học cho cơ thể.
Bây giờ, nếu bạn nói với tôi rằng, nếu tôi ăn hết đĩa bông cải xanh trước mặt, thì bạn sẽ cho tôi một tô kem gấp đôi lượng sô-cô-la, với kẹo mềm tan chảy và đậu phộng phủ sô-cô-la, thế thì giữa chúng ta đã có một giao kèo. Tôi có lẽ sẽ xử lý hết đĩa bông cải.
Nhưng điều gì sẽ xảy ra khi bạn không có bất kỳ món sô-cô-la nào để đưa ra đề nghị với tôi?
Liệu việc bạn đề nghị với tôi về món tráng miệng có thể nào tự nhiên biến tôi trở thành một kẻ cuồng rau quả, ám ảnh với lối sống lành mạnh không? Liệu có phải từ bây giờ tôi sẽ ăn ngấu nghiến bất kỳ đĩa bông cải xanh nào xuất hiện trước mặt không?
Còn lâu nhé! Trừ phi bạn phủ mỗi đĩa bông cải xanh vĩnh viễn từ đây về sau nửa cân sô-cô-la thì may ra! Nhưng chúng ta hãy xem xét kỹ hơn tại sao như vậy, lẽ nào bởi vì nó đánh đúng vào bản chất cơ chế hoạt động của con người, bao gồm cả bọn trẻ.
Khi chúng ta thiết lập một hệ thống khen thưởng, thì về cơ bản chúng ta đang nói điều này: “Nghe đây, nếu bạn làm cái điều tồi tệ, kinh khủng mà bạn không thể chịu được này, tôi sẽ cho bạn một phần thưởng tuyệt vời! Trên thực tế, lý do duy nhất để bạn làm những gì tôi yêu cầu là để nhận phần thưởng”.
(Thật thú vị, ngày càng nhiều các nghiên cứu được giải thích trong một số cuốn sách như Lái xe, hiệu ứng Y học và mặt trái của sự vô lý (Drive, The Medici Effect and The Upside of Irrationality) cho thấy rằng, trong kinh doanh, việc đề nghị những mức thưởng tài chính cho mọi người, ví dụ như hứa trước một khoản tiền thưởng để thực hiện một công việc đòi hỏi phải suy nghĩ và có kiến thức, lại gây ra một sự sụt giảm về năng suất!)
Hãy suy nghĩ về điều này. Chúng ta là một dân tộc yêu thích các món ăn béo ngậy và đầy đường. Nhưng hầu hết chúng ta lớn lên với những bậc phụ huynh chu đáo và họ luôn dỗ (hoặc ép) ta phải ăn rau. Thế thì cái gì đã xảy ra? Ừ thì, chúng ta lớn lên cùng với những nguyên tắc khen thưởng ít nhất là trong việc ăn uống. Chúng ta được bảo rằng, nếu ăn hết phần rau của mình, thì chúng ta sẽ được ăn những món tráng miệng thơm ngon khoái khẩu. Chắc rồi, chúng ta ăn rau khi chúng ta bị buộc phải làm như vậy, nhưng trong nhiều trường hợp, chúng ta xem những món có lợi cho sức khỏe chỉ là những món ghê tởm bắt buộc chúng ta phải “Vượt qua” để đến được với những “Thứ ngon lành”, đó là chất độc béo ngậy ngọt ngào mà chúng ta gọi là món tráng miệng.
Trên thực tế, ý tưởng về món tráng miệng gợi lên những ý niệm về phần thưởng có hương vị ngọt ngào sau bữa ăn. Tại sao chúng ta lại cần có phần thưởng? Tại sao bữa ăn là không đủ với chúng ta? Nếu chúng ta xem đây là một bữa ăn ngon và thực sự vừa ý, thì nó sẽ là đủ.
Đây là kịch bản chính xác diễn ra đối với trẻ tự kỷ, chỉ khác là kịch bản này được áp dụng đối với trẻ trong tất cả mọi việc. Chúng ta muốn trẻ làm gì thì cũng cần có phần thưởng, dù lớn hay nhỏ. Và trẻ càng không muốn làm việc gì, phần thưởng để trẻ làm việc đó càng lớn hơn.
Kết quả cuối cùng của tất cả sự thỏa thuận này là những đứa trẻ dần trở nên ghét làm những điều mà chúng ta đang nỗ lực để trẻ có thể tự làm một mình. Chắc chắn là, những đứa trẻ này sẽ làm điều đó, nhưng mà chỉ bởi các phần thưởng mà thôi.
Điều này đặc biệt có vấn đề đối với những đứa con đặc biệt của chúng ta, bởi vì về bản chất, chúng ta đang nói với con: “Hãy vượt qua sự tương tác giữa người với người khó chịu này, và sau đó con có thể nhận được phần thưởng”. Nhưng vấn đề là, chúng ta đang muốn sự tương tác ấy chính là phần thưởng! Đó là tấm vé duy nhất để con bước sang được thế giới của chúng ta!
Nếu bạn là phụ huynh của một cô gái tuổi vị thành niên bình thường, thì bạn không cần phải đưa ra một phần thưởng nào để cô bé nói chuyện điện thoại với bạn bè của mình cả. (Có khi chúng ta còn phải treo phần thưởng nếu con bé tắt điện thoại đi). Tại sao? Bởi vì với cô bé, được nói chuyện điện thoại với bạn bè của mình (Tương tác giữa người với người, hòa nhập xã hội và sự gắn kết cá nhân) đã là phần thưởng rồi. Đây chính là điều tốt đẹp. Đây là điều chúng ta muốn hướng tới cho con!
Hành vi Robot
Một trong những phàn nàn phổ biến nhất mà tôi được nghe từ các bậc phụ huynh về nguyên tắc khen thưởng đó là: Đúng, những đứa con của họ đã thực hiện được các hành vi có ích, nhưng lại làm theo cách thường được mô tả như “robot”. Những đứa trẻ đó có thể chơi lắp hình hoặc hỏi: “Hôm nay bạn có khỏe không?” hay bắt tay một người khi được nhắc nhở, nhưng các con làm như được lập trình, chứ chẳng có bất cứ niềm vui hay sự tự giác nào.
Trên thực tế, nhiều bậc phụ huynh đã được cho biết rằng, hành vi rô-bốt là một triệu chứng chính của chứng tự kỷ. Và quả thực nhiều trẻ tự kỷ đều biểu hiện theo cách này. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của chúng tôi, hành vi robot thiếu đi niềm vui hay sự tự giác, nên không phải là một triệu chứng của chứng tự kỷ. Thay vào đó, nó là một triệu chứng của cách dạy trẻ tự kỷ từ chúng ta. Nó là một triệu chứng của việc sử dụng phổ biến và thừa mứa các nguyên tắc phần thưởng.
James, mặc dù vẫn còn là trẻ tự kỷ, không có hành vi robot. Cháu gái tôi, Jade, mắc hội chứng tự kỷ, nhưng không có các hành vi robot. Khi tôi mắc hội chứng này, tôi cũng không biểu hiện hành vi robot. Tại ATCA, chúng tôi đã làm việc với nhiều trẻ em không có biểu hiện hành vi robot. Hành vi robot không phổ biến ở trẻ em trong The Son-Rise Program®. Nguyên tắc động lực không phải là một liều thuốc diệu kì chữa lành mọi thứ, nhưng nó không bao giờ sản sinh ra các hành vi robot.
Sự tuân thủ được đặt làm trung tâm
Có lần tôi đã được xem một đoạn video (như là một ví dụ về sự thành công), ở đó một cậu bé được nhắc đi nhắc lại “Khoác áo” và liền tuân thủ thực hiện, sau khi cậu được thưởng kẹo sô-cô-la M&M. Ngay khi cậu bé khoác áo, một người sẽ giúp cậu bé cởi áo khoác ra, lặp lại việc đưa áo cho cậu bé, nói cậu bé “khoác áo” một lần nữa. Phương pháp này được xem là thành công bởi vì tới cuối cùng, cậu bé đã thực hiện được việc khoác áo khi được yêu cầu. (Tôi không định vơ đũa cả nắm và tôi biết không phải tất cả các nhà trị liệu đều làm điều mà tôi thấy trên video. Tuy nhiên, một số phiên bản khác của phương pháp này – phần thưởng có thể thay đổi, hoạt động có thể ít lặp đi lặp lại hơn, v.v – thì vẫn là tiêu chuẩn trong điều trị tự kỷ).
Tôi nhấn mạnh đến đoạn video này vì một lý do rất cụ thể. Khi tôi xem nó, điều khiến tôi chú ý – ngoài mối quan ngại của tôi về những cảm xúc mà trải nghiệm này mang tới cho cậu bé – trên thực tế, cậu bé đã không học được kỹ năng mà những người chuyên viên ở đó muốn hướng tới. Tới cuối ngày, cậu bé chỉ học được một điều: sự tuân thủ. Ở đây, tôi không nói tuân thủ là một điều xấu. Nhưng điều đó quả là rất khác với học kỹ năng thực tế mà các nhà trị liệu xác nhận sẽ dạy. Kỹ năng thực tế của việc mặc áo khoác (tôi sẽ sử dụng một ví dụ rất đơn giản này), đòi hỏi như sau: Tôi đi ra ngoài, nhận ra thời tiết bắt đầu trở lạnh, bước lại vào trong, mặc áo khoác của mình và quay trở ra bên ngoài.
Những gì cậu bé trong đoạn video đã học được: Đó là mặc áo khoác khi có ai đó nói “Khoác áo”. Như tôi đã nói, đây không phải là một điều xấu để cậu bé học, nhưng ở đây có nghĩa là ai đó sẽ phải đi theo và nhắc cho cậu bé đó biết để mặc áo khoác vào, cởi nó ra, mang giày vào, cởi giày ra, v.v.
Để có thể trở nên độc lập, cảm thấy thành công và tương tác với xã hội một cách có ý nghĩa, cậu bé cần phải học các kỹ năng thực tế. Điều cậu bé cần phải học không chỉ là mặc một chiếc áo khoác, mà quan trọng hơn cả là kỹ năng tương tác xã hội, tức thực sự quan tâm đến người khác, giao tiếp, thích thú trước một trò chơi hoặc hoạt động tương tác, v.v (chứ không phải có một ai đó bên cạnh mình để nhắc phải làm gì từng chút một).
Khả năng của một đứa trẻ hoặc một người lớn để nắm bắt một cái gì đó và áp dụng nó vào trong những hoàn cảnh khác nhau (ở nhà, ở trường học, v.v), được gọi là khả năng tổng hợp. Đối với con cái chúng ta, tổng hợp những gì con học là rất quan trọng.
Thực sự học một điều gì đó, và sau đó có thể tổng hợp nó lại, xuất phát từ sự yêu thích. Bạn phải thực sự quan tâm, và có động lực từ bên trong để làm điều đó.
Trong khi cách giảng dạy lặp đi lặp lại kèm theo những phần thưởng, tuy không phải là xấu để một đứa trẻ biết cách làm theo hướng dẫn, nhưng phương pháp này hoàn toàn không có khả năng tạo động lực cho trẻ. Nó không cho phép đứa trẻ thật sự được học hỏi, tổng hợp và quan tâm đến những gì đang được dạy. Thậm chí, điều này còn đúng hơn khi nói về các kỹ năng xã hội, vốn chính là những năng lực mà chúng ta muốn giúp con đạt được nhất.
Tóm lại, đây là ba tác dụng phụ nhưng quan trọng của nguyên tắc phần thưởng:
1. Hành vi rô-bốt.
2. Con sẽ học cách ghét những gì con được yêu cầu làm hoặc học hỏi.
3. Con sẽ không thực sự học được kỹ năng thực tế (mà chỉ làm theo các hướng dẫn), và do đó sẽ gặp khó khăn lớn để tổng hợp kỹ năng trong các tình huống khác, khi không có: nhắc nhở → hành vi → khen thưởng tại đó.
James đã từng rất thích các trò chơi liên quan tới chạy. Chính xác là thằng bé đặc biệt rất thích xem tôi chạy. Thằng bé sẽ nói: “Waun, chại nhanh lên!” (“Raun, chạy nhanh lên!”) Và sau đó James phá lên cười thật to khi tôi làm như vậy. (Tôi không chắc chắn liệu điều này có được xem là một lời khen hay một lời trêu chọc không). Tôi có thể yêu cầu thằng bé gần như làm bất cứ điều gì nếu liên quan đến việc tôi chạy. Một lần Charlotte gọi tôi để bảo tôi rằng, trong giấc ngủ, James đã cười khúc khích và nói: “Waun, chại nhanh lên!” (Thằng bé dường như đang nằm mơ). Bạn có thể tưởng tượng điều này xảy ra với nguyên tắc phần thưởng không?
Sử dụng nguyên tắc động lực
Nếu nguyên tắc động lực không phải là nguyên tắc phần thưởng, vậy thì nó khác biệt thế nào? Đây là một trong những kỹ thuật nữa của The Son-Rise Program®, không chỉ khác mà còn hoàn toàn trái ngược. Để sử dụng kỹ thuật này, chúng ta cần phải lật ngược lại mọi thứ.
Tốt nhất nên bắt đầu từ việc thay đổi trọng tâm của bạn khi cố gắng để dạy dỗ hoặc thử thách con. Đầu tiên, điểm xuất phát không còn là xác định những gì bạn muốn con làm. Thay vào đó, suy nghĩ về những lĩnh vực nào mà con quan tâm (xác định động lực). Con có thích các nhân vật Disney không? Máy bay? Trò chơi thể chất? Hay các chủ đề khoa học viễn tưởng? Trò chơi đuổi bắt? Bạn sẽ tập trung vào những điều này đầu tiên, rồi mới nghĩ về những gì bạn muốn con học hoặc làm.
Bạn sẽ cần ghi lại các sở thích và động lực của con. Bạn sẽ thắc mắc làm thế nào để biết được những sở thích đó. Tất cả những gì bạn cần làm là quan sát con. Con hay làm gì? Con thường thấy thu hút bởi điều gì? Có điều nào bạn làm mà con thực sự thấy thích không? Nếu con biết nói, con hay nói về chủ đề nào nhất ngay cả khi người lớn không yêu cầu?
Bạn cũng sẽ cần viết ra một danh sách ngắn mục tiêu học tập hay đơn giản hơn là những điều mà bạn muốn con làm. Quan trọng là mục tiêu phải cụ thể. Sẽ rất khó khăn để theo đuổi hiệu quả một mục tiêu chung chung đối với con. Ví dụ, bạn có thể giúp con giao tiếp được bằng lời nói, nhưng một mục tiêu như “Sử dụng từ ngữ” là không cụ thể. Thay vào đó, bạn cần có một mục tiêu cụ thể như: Sử dụng từ “Đuổi theo” hoặc nói: “Con muốn đuổi theo”, tùy thuộc vào trình độ ngôn ngữ của con. Mục tiêu không chỉ giới hạn dành cho ngôn ngữ. Nó có thể liên quan đến giao tiếp bằng mắt, thời gian mà con sẵn sàng tiếp tục tham gia vào một trò chơi, luân phiên, một hoạt động cụ thể như đi nha sĩ, hay thậm chí các kỹ năng tự chăm sóc trong sinh hoạt hàng ngày, chẳng hạn như hướng dẫn sử dụng nhà vệ sinh, tắm, ăn một món ăn mà con không yêu thích, mặc quần áo, hoặc dọn dẹp phòng của mình.
Kỹ thuật thực hiện
Về cốt lõi, chỉ mất ba bước để thực hiện nguyên tắc động lực:
1.Tham gia hòa mình cùng con cho đến khi con không còn thực hiện hành vi ism và bắt đầu nhìn bạn (nhìn chứ không phải liếc mắt). Lưu ý: Bạn có thể bỏ qua bước này nếu con đã sẵn sàng tương tác với bạn và không còn thực hiện hành vi ism nữa.
2.Mời mọc con tham gia vào một hoạt động hoặc trò chơi mà con thấy thích thú (như chúng ta đã thảo luận ở trên) thật hài hước.
3. Dành cho người mới bắt đầu: Nếu và chỉ nếu con đã sẵn sàng tham gia vào trò chơi của bạn, hãy giữ trò chơi diễn ra càng lâu càng tốt. Ví dụ, nếu con thích bị cù lét hay thích nói chuyện về các hành tinh, chỉ cần đơn giản tham gia vào hoạt động này (với sự nhiệt tình hết mức có thể!) Cho đến khi con vẫn hứng thú. Chỉ cần con tham gia vào trò chơi, đã kéo dài được thời lượng mà con tập trung tương tác, từ đó tăng khả năng để con tương tác với người khác.
Lựa chọn nâng cao: Nếu và chỉ nếu con sẵn sàng tham gia vào trò chơi của bạn, hãy làm thêm một điều nữa. Ví dụ, nếu con thích trò chơi đuổi bắt, và bạn thành công trong việc mời con tham gia cùng chơi, sau đó thử thêm vào một điều, chẳng hạn: Bạn giả vờ liên tục bị “Hết xăng ”, và con phải liên tục nói: “Đuổi theo” để bạn đuổi theo.
Câu chuyện của Pedro
Mẹ Pedro đến The Start-Up Program đầy bực tức và hơi tuyệt vọng. Trong sáu tháng, cô đã cố gắng để dạy cho Pedro đi vệ sinh. Nhưng thằng bé không chỉ chưa biết cách đi tiểu trong nhà vệ sinh, mà còn có ác cảm đối với vấn đề vệ sinh hơn cả sáu tháng trước. Mẹ Pedro đã chia sẻ thách thức này ở một trong những buổi hỏi đáp của The Start-Up Program, nhưng cô không thấy lạc quan mấy về việc tìm kiếm được một giải pháp. Chúng tôi cùng thảo luận về nguyên tắc động lực, và dành vài phút để tìm ra một ý tưởng mà cô ấy có thể sử dụng. Đầu tiên, chúng tôi hỏi cô ấy một trong những động lực của Pedro là gì. Cô ngập ngừng, sau đó nói rằng, con trai cô rất thích những bậc cầu thang và bất cứ thứ gì (chẳng hạn như thang cuốn hoặc thậm chí bậc ghế) mà có nhiều bậc. Cô nhanh chóng xin lỗi, rồi nói rằng cô đã không chọn dạng động lực đúng, vì cầu thang và các bậc cầu thang chẳng liên quan gì tới việc đi tiểu trong nhà vệ sinh cả.
Chúng tôi nói với cô ấy rằng, đây chính xác là loại động lực đúng, cũng giống như bất kì mối quan tâm nào khác của cậu bé. Đúng là các bậc cầu thang, về bản chất thì không có bất cứ liên hệ nào đối với việc sử dụng nhà vệ sinh, nhưng không sao cả, khi nguyên tắc tổng hợp được xác định dựa trên sự kết hợp hai điều (một động lực và một mục tiêu), mà không nhất thiết phải có liên quan với nhau trong một trò chơi hay hoạt động.
Vì vậy, chúng tôi đã nghĩ ra một trò chơi giúp cô ấy. Ngay khi trở về nhà sau The Start-Up Program, cô ấy đã háo hức muốn thử nó với con trai mình. Ngày đầu tiên, cô bước vào phòng của Pedro với một bục thang gỗ mới có ba bậc. Pedro đi về phía nó và leo lên, tức cậu bé chú ý ngay lập tức. Ngày đầu tiên đó, tất cả những gì mẹ Pedro làm là chơi với cậu bé trên bục thang mới này, theo bất cứ cách nào mà cậu bé thích.
Ngày thứ hai, cô tiếp tục mang bục thang vào và mời Pedro chơi với nó một lần nữa. Tuy nhiên, lần này thì trò chơi liên quan đến việc cô di chuyển cái bục đến các địa điểm khác nhau quanh phòng, và Pedro chỉ được trèo lên sau khi mẹ cậu bé di chuyển nó đến “Đích” tiếp theo.
Vào ngày thứ ba, họ đã chơi trò này thêm một lần nữa, và khi Pedro có cảm giác phấn khích và bị lôi cuốn nhất, cô ấy đã đẩy cái bục tới ngay nhà vệ sinh và mời Pedro bước lên ba bậc, rồi tiểu vào nhà vệ sinh.
Pedro đã làm điều đó và đã làm một cách vui vẻ, mà không hề chống đối.
Bây giờ chúng ta hãy dành một vài phút để tìm ra chính xác tại sao điều này có tác dụng. Là hợp lý nếu bạn hỏi làm thế nào mà Pedro, một cậu bé dường như không biết cách đi vệ sinh đúng cách sau sáu tháng được mẹ hướng dẫn, giờ đã biết đi vệ sinh trong nhà vệ sinh lần đầu tiên trong vòng ba ngày. (Hơn nữa, Pedro không đòi hỏi các phần thưởng để tiếp tục sử dụng nhà vệ sinh. Trong vài ngày sau đó, mẹ cậu đã không cần phải sử dụng cái bục thang nữa, mà Pedro vẫn sử dụng tốt nhà vệ sinh). Trên thực tế, tôi đã từng phân vân rằng, khi tôi kể câu chuyện này, một bước nhảy vọt từ việc mất sáu tháng đến chỉ có ba ngày liệu có vẻ hơi khó tin không. Nhưng không có gì bí ẩn ở đây cả. Đó là lô-gic, chứ chẳng phải phép thuật nào.
Nguyên tắc động lực tác động vào trí thông minh của con bạn. Nó đánh vào thực tế là con có đủ thông minh để làm được nhiều thứ mà hiện tại thằng bé không làm được. Tự kỷ không phải là một vấn đề về trí thông minh. Công việc của chúng ta không phải là làm cho bọn trẻ thông minh hơn; mà là mở khóa cho trí thông minh đã có sẵn ở con. Biết được điều này, chúng ta có thể nói rằng, khiếm khuyết trong vấn đề vệ sinh của Pedro không phải là một vấn đề về trí thông minh; mà đó là vấn đề về mặt động lực. Pedro không thiếu thông minh để biết cách sử dụng nhà vệ sinh. Cậu bé thiếu sự quan tâm, tin tưởng và động lực.
Và nghĩ lại thì, điều này không đáng ngạc nhiên chút nào. Trước hết, cậu bé đã được thay tã thường xuyên trong suốt cả ngày. Vì vậy, từ quan điểm của cậu, cuộc sống này rất thoải mái, nó giống như sống tại một trạm xăng đầy đủ dịch vụ vậy! Cậu bé tè, ị, và “bụp!” ai đó nhảy vào, dọn dẹp hết những cái tã nặng mùi này, vệ sinh cho cậu và thay tã hoàn toàn mới. Nghe rất chi là ổn!
Có ai trong chúng ta thực sự nghĩ rằng, Pedro đang nằm trên giường của mình vào buổi tối và nghĩ: Thật ra thì chuyện cái tã này khá là ổn, nhưng sẽ phù hợp về mặt xã hội hơn rất nhiều, nếu mình đi trực tiếp vào nhà vệ sinh? Tất nhiên là không! Chính chúng ta mới là người muốn con mình đi vào nhà vệ sinh (và nhiều thứ khác). Và điều đó không sao cả. Chúng ta chắc chắn không phải áy náy vì điều đó. Nhưng những gì chúng ta cần làm là nhận ra: Vì chính chúng ta muốn những điều này ở con, thì công việc của chúng ta là tìm ra cách để bọn trẻ cảm thấy hứng thú đến điều đó giống như chúng ta thôi.
Thứ hai, khi mẹ Pedro nỗ lực để hướng dẫn cậu bé đi vệ sinh đúng cách trong suốt sáu tháng trước khi đến gặp chúng tôi, cô ấy đã làm những gì mà hầu hết các bậc phụ huynh và giáo viên làm. Cô đã thúc ép Pedro sử dụng nhà vệ sinh, ngay cả khi cậu bé không muốn. Cô đã đề nghị cho cậu bé phần thưởng, mà ngay lập tức gửi tới cậu thông điệp rằng, nhà vệ sinh là thứ gì đó khó chịu mà Pedro phải làm để nhận được phần thưởng. Và cô ấy truyền tải thông điệp rằng, trong vô số những cách ý nhị khác nhau thì sẽ có cách đúng và sai để đi vệ sinh. (Ví dụ, đi tiểu nhưng lệch ra khỏi bồn vệ sinh là cách “Sai”).
Pedro sẽ suy nghĩ là: Này, con thích việc được thay tã hơn. Không ai thúc ép con, và con cũng không thể làm “Sai”! Và, thực sự thì tôi không thể trách thằng bé về điều này.
Những gì mẹ Pedro đã làm với nguyên tắc động lực thật tuyệt vời, đó là sử dụng mối quan tâm mà Pedro vốn có; cô đã không phá vỡ lòng tin bằng cách thúc ép cậu bé, và cô đã làm nhà vệ sinh trở thành một cái gì đó thú vị và là động lực đối với Pedro theo cách đúng đắn của riêng nó.
Lưu ý: Tình huống thực tế này là ví dụ minh họa về việc sử dụng nguyên tắc động lực đối với một kỹ năng cơ bản. Xin đừng hiểu nhầm là nguyên tắc này chỉ hữu ích cho việc giảng dạy dạng kỹ năng như vậy. Trên thực tế, chiến lược ấy là vô cùng hiệu quả, áp dụng được với nhiều dạng kỹ năng phức tạp hơn, chẳng hạn như kỹ năng xã hội và đàm thoại.
Bắt tay thực hiện!
Hãy xem Bảng 2. Bạn sẽ nhận thấy rằng nó có hai cột. Trong cột bên trái, viết ra năm động lực hay lĩnh vực yêu thích mà con bạn có. (Đừng lo lắng về thứ tự). Trong cột bên phải, ghi năm mục tiêu giáo dục ngắn hạn và cụ thể. Đây là những điều mà bạn đang cố gắng giúp con bạn làm hoặc học được.
Bây giờ, vẽ một đường từ một trong các động lực đến một trong những mục tiêu của bạn. Dựa vào đâu để bạn quyết định hai mục nào nên được nối với nhau? Nhìn vào bảng của bạn, và suy nghĩ xem động lực nào sẽ dễ đi cùng với mục tiêu nào nhất trong một trò chơi hoặc một hoạt động.
Điều này không có nghĩa là động lực và mục tiêu phải tương tự hoặc tự nhiên phù hợp với nhau. Bạn nhớ câu chuyện về mẹ Pedro đã kết hợp giữa một cái bục thang với việc đi tiểu trong nhà vệ sinh không? Hai điều này hoàn toàn không giống nhau. Một người mẹ khác sử dụng sở thích về máy bay của con mình để cải thiện khả năng giao tiếp bằng mắt của cậu bé. Một người cha đã tận dụng mối quan tâm của con gái đối với các nhân vật Disney để cải thiện khả năng ngôn ngữ của cô bé. Vì vậy, bạn chỉ cần cố gắng hết sức mình là được. Một khi bạn đã nối xong một động lực với một mục tiêu, hãy vẽ đường kết hợp động lực thứ hai với mục tiêu thứ hai. Sau đó tiếp tục vẽ các đường cho đến khi mỗi động lực đều kết nối được với một mục tiêu.
Đây sẽ là kế hoạch chi tiết của bạn để tạo ra các trò chơi và hoạt động giúp con mình đạt được các kỹ năng và hoàn thành các mục tiêu. Bạn có thể sử dụng kế hoạch chi tiết này để bắt đầu tạo ra một hoặc hai ý tưởng về những dạng trò chơi và hoạt động nào bạn có thể cùng làm với con để giúp con tiến bộ.
BẢNG 2
Nguồn thông tin trực tuyến
Để có được sự trợ giúp chuyên sâu hơn với các nguyên tắc và kỹ thuật của chương này, hãy truy cập vào www.autismbreak- through.com/chapter3.
Chúc bạn vui vẻ!
Điểm bắt đầu
Hãy nhớ ba bước chúng ta đã nói trước đó:
1. Tham gia hòa mình cùng con cho đến khi con không còn thực hiện hành vi ism và bắt đầu nhìn bạn (nhìn chứ không phải liếc mắt). Lưu ý: Bạn có thể bỏ qua bước này nếu con đã sẵn sàng tương tác với bạn và không còn thực hiện hành vi ism nữa.
2. Mời mọc con tham gia vào một hoạt động hoặc trò chơi mà con thấy thích thú (như chúng ta đã thảo luận ở trên) thật hài hước.
3. Dành cho người mới bắt đầu: Nếu và chỉ nếu con đã sẵn sàng tham gia vào trò chơi của bạn, hãy giữ trò chơi diễn ra càng lâu càng tốt. Ví dụ, nếu con thích bị cù lét hay thích nói chuyện về các hành tinh, chỉ cần đơn giản tham gia vào hoạt động này (với sự nhiệt tình hết mức có thể!) Cho đến khi con vẫn hứng thú. Chỉ cần con tham gia vào trò chơi, là đã kéo dài được thời lượng mà con tập trung tương tác, từ đó tăng khả năng để con tương tác với người khác.
Lựa chọn nâng cao: Khi và chỉ khi con sẵn sàng tham gia vào trò chơi của bạn, hãy làm thêm một điều nữa. Ví dụ, nếu con thích trò chơi đuổi bắt, và bạn thành công trong việc mời con tham gia cùng chơi, sau đó thử thêm vào một điều, chẳng hạn: Bạn giả vờ liên tục bị “Hết xăng ”, và con phải liên tục nói: “Đuổi theo” để bạn đuổi theo.