Được rồi!
Vậy thì...
Bắt đầu từ đâu bây giờ nhỉ?
Vâng, nếu bạn đang đọc cuốn sách này, tôi sẽ giả định rằng:
1. Con bạn mắc hội chứng tự kỷ.
2. Bạn yêu con.
3. Bạn muốn giúp con.
Khá hiển nhiên, tôi biết chứ. Nhưng ở đây có một điều ít hiển nhiên hơn đó là bạn có bao nhiêu sức lực để tác động đến quá trình phát triển của con.
Cuốn sách này sẽ cung cấp cho bạn một số kỹ thuật rất đơn giản và rõ ràng mà bạn có thể sử dụng để giúp con có được tiến bộ tích cực. Trong một số trường hợp, các giải pháp nghe có vẻ hoàn toàn trái ngược với những gì bạn được biết trước kia. Điều này không phải là ngẫu nhiên. Thực ra rất nhiều điều trong số đó chính xác là ngược lại.
Không sao. Chẳng có gì phải lo cả. Đây có thể là tin tốt nhất mà bạn từng được nghe sau một thời gian khá dài. Tại sao ư? Bởi nếu những gì bạn đang thực hiện đã có hiệu quả rồi thì chắc bạn sẽ không đọc cuốn sách này, phải không nhỉ? Và nếu cuốn sách này sẽ chỉ nhắc lại những gì bạn đã nghe nói hoặc nghĩ đến, nó sẽ chẳng có ích cho bạn.
Vậy, việc đầu tiên bạn cần biết: Con đường bạn đi từ trước tới nay đã không đưa con đến kết quả mà bạn mong muốn.
Nào chúng ta hãy cùng tiến theo một con đường hoàn toàn mới.
Chính xác thì tự kỷ là gì?
Hầu hết những gì các bậc phụ huynh được nghe về chứng tự kỷ là không chính xác hoặc không có ích. Chắc chắn bất cứ ai chẩn đoán cho con bạn hẳn đã nói với bạn về các triệu chứng của chứng tự kỷ và các hành vi của con trùng khớp với những triệu chứng này như thế nào, nhưng ở đây tôi không nói về các triệu chứng. Tôi đang nói về bản chất cốt lõi của chứng tự kỷ.
Trước tiên, hãy nói đến những cách hiểu chưa đúng về chứng tự kỷ. Tự kỷ không phải là chứng rối loạn hành vi. Điều này vô cùng quan trọng bởi 99% thời gian tự kỷ được điều trị chính xác theo cách nhìn nhận như vậy. Các phương pháp được áp dụng lên con cái chúng ta có xu hướng tập trung vào việc thay đổi hành vi của con. Các bác sĩ đặt câu hỏi: Làm thế nào chúng ta có thể dập tắt hoặc loại bỏ hành vi này và dạy con thực hiện hành vi kia?
Vấn đề là, tự kỷ không phải chứng rối loạn hành vi; nó là chứng rối loạn về tương tác xã hội. Có phải bọn trẻ của chúng ta cư xử khác biệt không? Rõ ràng là như vậy. Nhưng những hành vi này là các triệu chứng, chứ không phải các nguyên nhân. Nếu bạn nhìn thấy ai đó đang gãi cánh tay và sau đó bạn đặt mục tiêu loại bỏ hành vi gãi này đi, thì bạn có thể thử một số cách: Bạn có thể nói người đó đừng gãi nữa; bạn có thể dọa rằng, anh ta sẽ lĩnh hậu quả khó chịu nếu cứ tiếp tục gãi; bạn có thể thử đánh lạc hướng anh ta bằng cách, đặt một cái gì đó anh ta muốn (ví dụ: một cây kem ốc quế) vào bàn tay được sử dụng để gãi; bạn thậm chí có thể trói tay anh ta lại, để anh ta không thể gãi được nữa.
Hay bạn có thể thực sự tìm xem lý do anh ta gãi và khám phá ra anh ta bị muỗi đốt. Sau đó, bạn có thể bôi một ít kem chống ngứa lên trên vết đốt đó. Ngạc nhiên chưa! Anh ta không còn gãi nữa! Thay vì không giải quyết vấn đề thực sự và xa lánh người đó hoàn toàn, thì bạn giải quyết nguyên nhân của vết ngứa và người ta biết ơn bạn!
Minh họa trên cho thấy sự khác biệt giữa việc cố gắng dập tắt các triệu chứng của con với việc giải quyết các thách thức cốt lõi của con. Mỗi hành vi tự kỷ mà con thể hiện ra là một triệu chứng. Cố gắng để dập tắt những hành vi này không giải quyết được vấn đề tự kỷ thực sự, mà chỉ phá vỡ sự tin tưởng và mối quan hệ giữa bạn với con một cách nghiêm trọng.
Sự tin tưởng và mối quan hệ này là tài sản quan trọng nhất của bạn trong việc giúp con tiến bộ!
Tại sao ư? Vì tự kỷ là chứng rối loạn về tương tác xã hội.
Điều này chính xác có nghĩa là gì? Vâng, thách thức chính mà trẻ gặp phải là khó khăn trong việc tạo liên kết và hình thành các mối quan hệ với người khác. (Tôi nói “trẻ” là chỉ chung cho con bạn bất kể tuổi tác, bởi đó vẫn là con bạn, dù đã ở tuổi trưởng thành). Có một vài lý do khác cho việc này mà chúng ta sẽ tìm hiểu trong các phần sau, nhưng tạm thời, chúng ta cần biết một điều: Hầu hết các vấn đề khác mà con bạn phải đối mặt đều xuất phát từ chính thách thức này.
Đây là lý do tại sao nếu bạn có một đứa con năm tuổi không biết nói bị liệt vào nhóm “Tự kỷ nặng” và một đứa trẻ vị thành niên 16 tuổi mắc hội chứng Asperger, trong phần lớn các trường hợp, bạn sẽ không tìm thấy một biểu hiện hành vi giống nhau nào. Cả hai sẽ nhìn và hành động rất, rất khác nhau. Tuy nhiên, cả hai đều mắc hội chứng tự kỷ. Vậy điểm chung của cả hai là gì?
Cả hai đều gặp khó khăn trong giao tiếp, tương tác bằng mắt, đọc các dấu hiệu phi ngôn ngữ, tiếp xúc với mọi người và các tình huống xã hội, đối phó với các kích thích giác quan, linh hoạt với các hoàn cảnh hay thay đổi phù hợp với mong muốn và lịch trình do người khác đưa ra. Ngoài ra, cả hai đều có những mối quan tâm riêng rất mạnh mẽ (thường bị coi là “những nỗi ám ảnh”) như thực hiện một số hoạt động liên tục trong khoảng thời gian dài và dường như không quan tâm tới những sở thích của người khác.
Điều này không thú vị sao? Không có hành vi giống nhau, nhưng toàn bộ những thách thức tiềm ẩn lại chẳng khác biệt. Vì vậy, không phân biệt con bạn thuộc mức độ nào trên phổ tự kỷ, con đều có cùng những điểm thiếu hụt chính. Đây thực sự là một điều tốt. Bạn có thể chưa cảm nhận được nó ngay lập tức. Không sao cả. Nhưng nó thực sự đúng là như vậy. Nhờ giải quyết được vấn đề này, bạn cũng giải quyết được hầu hết các thách thức khác mà con phải đối mặt. Nó cũng có nghĩa là tất cả mọi thứ trong cuốn sách này được viết ra để cho phép bạn có thể đồng hành, giúp con phát triển và học hỏi, thay vì phải đối đầu với con, tạo nhiều sự gắn kết hơn chứ không phải tạo ra một cuộc chiến với con.
Điều này đưa chúng ta đến ý tưởng quan trọng nhất, một quan điểm rất lô-gic dù nghe có vẻ trái ngược: Vượt qua tự kỷ không có nghĩa là buộc con thay đổi hành vi của mình. Thật đó.
Một sự đảo ngược hoàn toàn
Đầu tiên, chúng tôi muốn thay đổi câu hỏi mà chúng ta hay tự hỏi khi tìm cách để giúp con cái. Thay vì hỏi: “Tôi cần phải làm gì để thay đổi hành vi của con?” Chúng ta cần hỏi: “Tôi cần phải làm gì để tạo được một mối quan hệ với con?” Một khi chúng ta đặt câu hỏi này, tất cả mọi thứ sẽ thay đổi. Toàn bộ phương thức của chúng ta cũng sẽ thay đổi.
Bạn muốn bắt đầu bằng cách tập trung vào việc cố hết sức để nhìn mọi thứ dưới con mắt của con. Ở đây tôi không yêu cầu bạn trở thành một nhà ngoại cảm. Tôi đang nói về sự tưởng tượng, với từng tương tác nhỏ mà bạn có với con, hãy nghĩ xem con thực sự cảm thấy như thế nào. Khi bạn cấm con thực hiện hành vi lặp đi lặp lại, con sẽ cảm thấy thế nào? Khi bạn đưa con đến một công viên ồn ào, còn con đưa tay bịt tai lại, bạn nghĩ con cảm thấy ra sao? Khi con hăng say xé giấy thành các sợi nhỏ, theo bạn trải nghiệm đó với con là như thế nào? Khi con nói không ngừng về cối xay gió, điều gì khiến con thích nó nhiều đến vậy?
Tất cả mọi thứ chúng ta làm với con cái từ bây giờ trở đi là để phục vụ cho việc tạo liên kết và xây dựng mối quan hệ. Điều này có nghĩa là, bạn muốn con thấy trở thành một phần thế giới của chúng ta là cực kỳ hấp dẫn. Bạn muốn con sẽ cảm thấy thỏa mãn, vui vẻ, thú vị khi tương tác với người khác. Thực tế, bạn đang muốn bán cho con sự tương tác giữa người với người. Ý tôi là bạn thực sự bán nó. Hãy hình dung bạn đến gặp trẻ và nói: “Này anh bạn, tôi có những thỏa thuận rất tốt muốn đề nghị! Nó được gọi là “Trở thành một phần thế giới của chúng tôi và nó thực sự rất tuyệt. Anh bạn biết điều thú vị nhất là gì không? Khi anh cùng tham gia vào thế giới của chúng tôi, anh sẽ phải ngừng làm tất cả những thứ anh yêu thích, và bắt đầu làm tất cả những thứ anh ghét! Điều này nghe có tuyệt vời không?” Và sẽ chẳng có đứa trẻ hay người lớn nào trên trái đất này chấp nhận lời đề nghị đó của bạn cả. Tuy nhiên, đó lại là thỏa thuận mà chúng ta thường hay đưa ra cho con.
Đã đến lúc phải đảo ngược hoàn toàn. Thay vì tập trung vào việc khiến con phù hợp với thế giới của bạn, bạn nên trở thành một người học trò trong thế giới của con. Hãy để con bạn trở thành người giáo viên hướng dẫn.
Tất nhiên, bạn có rất nhiều, rất nhiều điều muốn dạy cho con. Nhiều chương sắp tới sẽ giúp bạn thực hiện chính xác điều đó. Nhưng nếu bạn muốn con thực sự quan tâm tới những gì bạn và những người khác đưa ra, thì trước tiên bạn phải xây dựng lòng tin và tạo một liên kết dựa trên những điều kiện riêng của con. Đầu tiên bạn phải bắc một cây cầu vào thế giới của con trước. Chỉ từ đó, bạn mới có thể nắm lấy tay con và dẫn con quay trở lại trên cây cầu đến với thế giới của bạn. Đó là lý do tại sao The Son-Rise Program® được định hướng bởi nguyên tắc sau đây:
Trẻ sẽ chỉ cho chúng ta lối vào và sau đó chúng ta sẽ chỉ cho trẻ đường ra.
Được rồi, vậy chúng ta làm được điều đó bằng cách nào?
Mọi người đều thích nửa sau của câu trên phải không. Vâng, tôi muốn chỉ cho con đường ra! Tôi muốn con nhìn vào tôi, giao tiếp, học hỏi những điều mới và trở nên bình thường hơn!
Tuy nhiên, đây là sai lầm đầu tiên và căn bản nhất thường bị mắc phải. Với trẻ tự kỷ, bạn không thể chỉ lôi trẻ ra khỏi thế giới của chúng và đặt vào thế giới của chúng ta. Bạn không thể buộc trẻ phải học cách phát triển hay thay đổi điều gì. Và chắc chắn bạn không thể làm trẻ muốn tương tác với người khác.
Hòa mình
Vì vậy, nếu chúng ta muốn chỉ cho con cái đường ra, chúng ta phải bắt đầu bằng cách tập trung vào nửa đầu của câu nói đó. Tức là, thay vì buộc những đứa trẻ này phải thích nghi với một thế giới mà chúng không hiểu, chúng ta hãy hòa mình vào thế giới của con. Theo đó, chúng ta sẽ thiết lập được mối quan hệ và kết nối qua lại lẫn nhau, đó là nền tảng cho cả giáo dục và sự phát triển.
Và điều này dẫn bạn đến kỹ thuật quan trọng đầu tiên của chúng tôi: Hòa mình. Hòa mình là gì? Vâng, bạn có biết tất cả những hành vi stim ở trẻ mà mọi người đang cố gắng để ngăn chặn không? Không những chúng tôi không ngăn chặn các hành vi đó, mà ngược lại chúng tôi tham gia và cùng làm giống như những gì con bạn làm.
Khi con thực hiện các hành vi tự kỷ lặp đi lặp lại (hành vi stim), bạn cũng sẽ làm y như thế. Khi con xếp các hình khối thành hàng, bạn sẽ lấy một vài hình khối cho riêng mình và cũng xếp chúng thành hàng. Nếu con vừa lắc cây bút vừa tạo ra âm thanh “eeeee”, bạn cũng sẽ làm giống hệt như thế. Khi con đang có hành vi stim, bạn sẽ thực hiện cùng với con.
Tôi thường nghe tới những lo ngại từ những người chưa thử qua kỹ thuật này: Việc hòa mình sẽ “củng cố những hành vi mà chúng ta mong muốn đứa trẻ phải dừng lại”. Suy nghĩ như thế chỉ ra, việc hòa mình sẽ có thể dạy trẻ biết các hành vi lặp đi lặp lại của bản thân là phù hợp, nên dẫn tới càng nhiều hành vi kiểu vậy hơn.
Tuy nhiên, một khi bạn đã hòa mình cùng con theo cách mà chúng tôi thực hiện trong The Son-Rise Program®, bạn sẽ tận mắt chứng kiến việc hòa mình cùng con sẽ không làm tăng hành vi stim ở con.
Tại ATCA, chúng tôi đã hòa mình cùng với các trẻ em và người lớn trong nhiều thập kỷ nay – trẻ em đến từ Anh và Nigeria, từ Đức và Nhật Bản, từ Argentina và trên khắp nước Mỹ, hai tuổi và 32 tuổi, trẻ bị liệt vào hàng “nghiêm trọng” đến “nhẹ”. Chúng tôi chưa bao giờ nhìn thấy việc hòa mình làm cho bất cứ ai tự kỷ hơn. Chúng tôi chưa bao giờ thấy nó làm trẻ tăng hành vi stim.
Thực tế, chúng tôi thấy điều ngược lại: Chúng tôi càng hòa mình cùng trẻ nhiều, thì trẻ càng ít thực hiện hành vi stim hơn. Qua nhiều lần như vậy, chúng tôi hòa mình cùng trẻ và sau đó thấy những đứa trẻ này nhìn chúng tôi nhiều hơn, chú ý đến chúng tôi nhiều hơn, mỉm cười với chúng tôi nhiều hơn, tham gia với chúng tôi nhiều hơn, và dần dần ít quan tâm đến các hành vi stim tự kích thích mà trước đây đã từng rất thu hút trẻ.
Khi mẹ bắt đầu thực hiện kỹ thuật hòa mình cùng với tôi, người ta đã nói với bà rằng, điều này là không khôn ngoan và sẽ dẫn đến hành vi stim ở tôi nhiều hơn. Người ta cũng bảo bà phải nói “không”, phải lấy cái đĩa đi chỗ khác, để chuyển hướng hành vi của tôi bất cứ khi nào tôi đặt cái đĩa trên sàn nhà và quay gờ của nó trong nhiều giờ. Tôi biết ơn từ tận đáy lòng mình, vì bà đã không nghe theo những lời khuyên đó. Bà đã rất muốn hé nhìn vào thế giới của tôi. Bà tha thiết muốn tôi thấy bà yêu tôi đến nhường nào – để kết nối với tôi. Bà đã lấy một cái đĩa riêng và ngồi quay nó cùng với tôi. Đó là lúc tôi bắt đầu nhìn bà, mỉm cười với bà và trở nên quan tâm tới bà nhiều hơn.
Một ví dụ minh họa
Để minh họa vì sao hoạt động hòa mình có hiệu quả, hãy để tôi cung cấp cho bạn một tình huống tương tự. Tôi muốn bạn tưởng tượng đã có một tuần bận rộn, đầy khó khăn và mệt hết hơi. Cuối cùng, ngày thứ Bảy tới. Bỗng nhiên, bạn có một ngày được nghỉ ngơi, một ngày dành riêng cho bạn. Vợ hoặc chồng bạn (hoặc một ai đó khác) sẽ chăm sóc những đứa trẻ và bạn có thể làm những gì bạn muốn.
Vì vậy, bạn đi đến một công viên đẹp gần nhà và mang theo cuốn sách của tác giả bạn yêu thích. Bạn ngồi xuống một trong những băng ghế ở công viên, lấy cuốn sách ra và bắt đầu đọc. Đó là một ngày đẹp trời, bạn hoàn toàn cảm thấy thoải mái. Khi đọc sách, cuối cùng bạn cũng bắt đầu giải tỏa được những mệt nhọc trong suốt một tuần cố sức vừa qua. Bạn bắt đầu thư giãn. Bạn đắm chìm vào nội dung cuốn sách, chẳng còn nghĩ ngợi gì đến tất cả những việc đã xảy ra trong tuần và danh sách đáng sợ những việc bạn phải làm khi trở về nhà. Bạn thấy hoàn toàn thoải mái.
Sau đó, tôi tiếp cận bạn và hỏi bằng giọng lớn tiếng: “Này, bạn có khỏe không? Nghe này, tôi thấy bạn ngồi đọc sách ở đó khá lâu. Bạn biết đấy, đây không phải là cách tốt nhất để tận hưởng ngày cuối tuần, xa lánh người khác và không thực sự làm gì hết. Nói bạn nghe này, hãy quên cuốn sách đi và cùng tôi đi xem phim. Có một bộ phim tuyệt vời đang trình chiếu ở ngay cuối phố. Tôi sẽ mua vé xem phim. Bạn thấy sao?”
Bạn sẽ ngước nhìn tôi với chút khó chịu. “Ừm, tôi đã có một tuần rất căng thẳng, và cuối cùng có một ngày cho bản thân mình. Tôi chỉ muốn ngồi chơi quanh đây và đọc sách. Dù sao cũng cảm ơn về lời đề nghị của bạn”.
Tôi nhìn chằm chằm vào bạn hơi sững sờ. Tôi đang đưa ra một đề nghị tuyệt vời và phim ảnh thì thật thú vị. Tại sao bạn không bỏ cuốn sách sang một bên và đi với tôi? Có lẽ bạn chưa đủ chú ý đến tôi. Vì vậy, tôi đứng ngay nơi bạn đang ngồi và hạ người xuống để khuôn mặt mình ngang tầm mắt với bạn. Tôi đưa tay ra và đẩy cuốn sách của bạn sang một bên để bạn có thể nhìn thấy tôi.
Tôi nói: “Xin chào, bạn có thể nhìn tôi không? Tôi đây này”. Tôi búng các ngón tay trước mắt bạn và đưa chúng quay trở lại khuôn mặt mình. “Ê. Tôi ở đây. Nghe này, bộ phim sẽ bắt đầu trong 15 phút nữa. Nào, đứng lên. Đi thôi. Chúng ta cùng đi xem phim”.
Bây giờ bạn muốn phát cáu lên với tôi. Bạn đứng lên, nhìn vào mặt tôi và nói: “Nghe này anh bạn, hãy tránh ra. Tôi đã có một tuần khó khăn và tôi chỉ muốn được yên ổn đọc sách. Nếu như tôi muốn dùng ngày nghỉ của tôi để đi xem một bộ phim, thì bây giờ tôi đã đang đi xem rồi, anh hiểu không? Vì vậy, hãy để tôi yên. Tôi chỉ muốn đọc nốt cuốn sách của tôi thôi”.
Đột nhiên, tôi bừng tỉnh. Tôi đang nghĩ gì vậy? Sao tôi lại có thể bỏ qua điều này cơ chứ? Tôi đã biết vấn đề là gì! Vấn đề nằm ở cuốn sách của bạn. Rõ ràng nó làm bạn rất mất tập trung. Ý tôi là, bạn cứ tiếp tục nhìn chằm chằm vào nó. Bạn đang bị nó ám ảnh. Vì vậy, nếu tôi chỉ cần lấy cuốn sách ra khỏi bạn, thì vấn đề sẽ được giải quyết.
Tôi giật lấy cuốn sách khỏi tay bạn. Bạn cố gắng lấy nó trở lại, nhưng không thể, nó ngoài tầm với của bạn.
Tôi nói với bạn: “Ah-ah-ah, tôi sẽ trả lại cuốn sách sau khi bạn đi xem phim với tôi”.
Rồi.
Không quá khó để biết được những gì sẽ xảy ra tiếp theo. Dĩ nhiên là bạn sẽ không đời nào đi xem phim với tôi. Mà thực tế là, thứ Bảy tới, nếu bạn nhìn thấy tôi đến gần, bạn sẽ cầm ngay lấy cuốn sách và chạy biến đi chỗ khác.
TRẢI NGHIỆM CỦA CON CÁI
Bây giờ cần hiểu tình huống rắc rối này không xảy ra bởi tôi đang cố gắng gây khó khăn cho cuộc sống của bạn. Hoàn toàn ngược lại, tôi đang cố gắng để giúp bạn! Những ý định của tôi là tốt. Tôi thật sự tin là sẽ không tốt cho sức khỏe nếu bạn cứ ngồi một mình như thế cả ngày, và đang nỗ lực để giúp bạn làm một cái gì đó mà bản thân nghĩ sẽ tốt hơn cho bạn. Tôi có những ý định rất là tốt.
Vấn đề ở chỗ, bạn không phải là người đọc được suy nghĩ của người khác, thế nên bạn không biết lý do và ý định của tôi. Tất cả những gì bạn biết về tôi chỉ có hai điều sau:
1. Tôi nhảy bổ vào bạn.
2. Tôi cứ nhắc đi nhắc lại với bạn cùng một thông điệp. Và thông điệp đó là: Hãy ngừng làm những gì bạn muốn và làm những gì tôi muốn.
Bây giờ, chúng ta hãy dành một chút thời gian và nhìn bằng góc nhìn của con bạn. Nếu con mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ, có hai trong nhiều vấn đề lớn đang xảy ra.
Đầu tiên là con gặp khó khăn trong xử lý và hiểu các tín hiệu từ các giác quan cảm nhận. Tức con nhìn, nghe, ngửi, nếm và cảm thấy theo cách rất khác biệt so với tôi hoặc bạn. Ví dụ, khi con nghe thấy một điều gì đó to hơn, nhỏ hơn, hoặc hoàn toàn khác với những gì bạn nghe thấy.
Nếu bây giờ bạn dành chút thời gian và chỉ lắng nghe trong thinh lặng bất cứ âm thanh xung quanh nào, bạn có thể nghe thấy có rất nhiều những âm thanh nhỏ từ ô tô, gió, máy sưởi hoặc điều hòa, tivi hay một cuộc trò chuyện trong phòng khác, v.v. Bạn có lẽ đã không nhận thấy tất cả các tiếng động đó cho đến thời điểm này đúng không. Nó đúng là nên như vậy.
Tai người bị tấn công bởi những tạp âm liên tục. Do vậy, một trong những nhiệm vụ chính của não là lọc ra các âm thanh không liên quan và giữ lại các âm thanh quan trọng, chẳng hạn như tiếng vợ hoặc chồng/bạn trai/bạn gái của bạn nói chuyện, v.v.
Với con bạn, tất cả những âm thanh này đều ở mức âm lượng như nhau! (Nó không thực sự như vậy, nhưng đây là cách ước lượng gần nhất với trải nghiệm của con, mà chúng ta có thể hiểu vào lúc này). Vì vậy, khi bạn nói con hãy chú ý và lắng nghe, chính xác là con nên lắng nghe cái gì đây? Trong số hai mươi lăm âm thanh mà con nghe thấy thì nên nghe gì mới đúng?
Đây là những gì con bạn trải qua mỗi ngày. Bạn biết cảm giác như thế nào khi phải ở sân bay suốt cả ngày mà lại đang thấy mệt mỏi, quá tải và chỉ muốn lả đi? Vâng, từ lúc thức dậy, ăn sáng, ăn trưa, ăn tối, sau đó đi ngủ – cả một ngày con như ở giữa một sân bay bận rộn vậy. Ngay cả khi ở phòng khách, đó vẫn là một sân bay đối với con. Đây là lý do tại sao việc bạn nỗ lực để nhìn mọi thứ qua đôi mắt con là rất quan trọng.
Bạn có thể có một đứa con thích cởi hết quần áo của mình ra rồi chạy khắp nơi. Con có thể bước vào nhà và giật phăng tất cả quần áo của mình. Bạn có thể tự hỏi: “Tại sao con lại hư hỏng như vậy? Thằng bé biết là phải mặc quần áo chứ!”Sự thật là, con không phải “hư hỏng”. Quần áo có lẽ giống như giấy nhám và con cởi chúng ra chỉ là để tự giải thoát khỏi cảm giác khó chịu đó.
Khi tôi còn nhỏ, tôi đã từng nhìn và nghe mọi thứ xung quanh rất khác. Tôi bị cho là điếc trong các bài kiểm tra thính lực, mặc dù chúng chỉ đo lường phản xạ vô điều kiện từ mi mắt và da của tôi. Cùng lúc đó, tôi lại có thể nhại theo một bài hát đang được phát trên chương trình truyền hình từ một căn phòng cách xa. Tôi có thể nhớ thỉnh thoảng mọi thứ dưới con mắt mình trông rất khác, và điều này đôi khi vẫn xảy ra trong một vài năm sau khi tôi hồi phục. Ví dụ, đôi khi tôi nhìn vào khuôn mặt của một người như nhìn ngược đầu của ống nhòm. Khuôn mặt của người đó trông như ở rất xa, tận phía cuối đường hầm. Nghe có vẻ kỳ lạ đối với bạn phải không? Chào mừng đến với thế giới của con.
Vấn đề lớn thứ hai mà con phải đối mặt, đó là con gặp khó khăn trong việc nhận diện các khuôn mẫu. Điều này có nghĩa là những việc xảy ra hàng ngày, dễ đoán và dễ hiểu đối với bạn và tôi thì dường như lại diễn ra theo cách ngẫu nhiên và lộn xộn đối với con. Đó là lý do tại sao con không ngừng tìm kiếm sự thân thuộc và lịch trình!
Nếu tôi đi tới chỗ bạn rồi nói: “Xin chào” và đưa tay phải ra, thì không cần suy nghĩ gì, bạn vẫn biết tôi đang chào bạn và muốn bắt tay bạn. Bạn biết điều này có nghĩa là gì và bạn cũng biết mình phải làm gì.
Nếu tôi làm điều đó với con bạn, tôi đơn thuần chỉ là một người đang đưa tay ra. Con không hẳn biết điều này có nghĩa gì hoặc cần làm gì. (Tệ hơn là mọi người nghĩ đứa bé ấy nên biết phải làm gì, để rồi cảm thấy khó chịu hoặc thất vọng khi nó không biết). Con đang sống trong một thế giới không thể đoán trước, hỗn độn và lộn xộn.
Bất cứ ai trong số chúng ta chỉ cần phải đối mặt với khó khăn thứ hai này thôi cũng sẽ đối phó tương tự (mặc dù ít cực đoan hơn) với những cách mà con cái cư xử. Hầu hết chúng ta đều đã ở trong những tình huống như vậy, chẳng hạn như khi ở nước ngoài, nơi mà chúng ta gặp phải các tình huống thu nhỏ của những thách thức này. Mọi người không nói cùng ngôn ngữ với chúng ta. Họ có các truyền thống văn hóa mà dường như không thể hiểu được, nhưng chúng ta vẫn phải làm theo. Thậm chí việc xả nước nhà vệ sinh (được lắp đặt một cách lạ thường) tưởng chừng giống như một bài tập giải mã khó khăn. Tại sao tất cả mọi thứ đều không thể hiểu được? Và tại sao người khác không thôi làm phiền hay mong đợi việc tôi phải tuân theo những quy tắc mà tôi không thể hiểu? Thông thường, trong những tình huống này, chúng ta trở nên ít giao tiếp xã hội hơn. Chúng ta cố gắng tạo ra một bức tường cô lập bản thân mình. Và chúng ta tìm kiếm sự quen thuộc và khả năng kiểm soát. Điều này cũng đúng đối với nhiều người trong chúng ta khi chúng ta bắt đầu một công việc mới, di chuyển đến một khu vực mới, hoặc kết hôn vào một gia đình rất khác với gia đình mình.
Đây chính xác là những gì con bạn làm. Trên thực tế, con rất tài giỏi và sáng tạo đến nỗi con tự đưa ra một cách để xử lý tất cả các thách thức cùng một lúc: hành vi stim – hành vi tự kích thích.
Hành vi stim cần được giải quyết như thế nào? Đầu tiên, nó cho phép con bạn có thể thực sự tập trung vào một thứ, nhờ vậy con có thể loại bỏ một cách hiệu quả sự tấn công dồn dập từ các giác quan, mà con đang phải trải qua từng giây phút mỗi ngày. (Thật thú vị, đây là lý do tương tự tại sao một số người tập thiền).
Thứ hai, thông qua việc lặp đi lặp lại chính xác cùng một hành động mà con có thể kiểm soát được. Về bản chất thì con đang tạo ra một hòn đảo chứa điều dễ đoán giữa một đại dương toàn điều ngẫu nhiên. Vì vậy, bạn thấy đấy, con thực sự giải quyết được cả hai vấn đề bên trong đầu chỉ bằng một hành xử duy nhất! Con đang làm điều tốt nhất, thông minh nhất có thể để giải quyết những gì đang xảy ra với mình. Trên thực tế, con không hành xử bất thường, trái lại con đang hành xử rất bình thường lúc phải đối mặt với tình hình bất thường.
Điều này không phải rất tuyệt vời sao?
Trở lại với ví dụ minh họa
Chúng ta hãy dành một vài phút quay trở lại tình huống minh họa phía bên trên. Bây giờ giả sử bạn đang ngồi trên băng ghế công viên, đọc cuốn sách của tác giả mà bạn yêu thích, giống như trước. Lần này tôi tiếp cận, ngồi xuống cạnh bạn, và bắt đầu đọc cuốn sách tôi mang theo. Tôi không nói bất cứ điều gì với bạn cả; tôi đang bận đọc cuốn sách của mình.
Một lúc sau, bạn liếc qua tôi. Và sau đó bạn nhận thấy một cái gì đó rất bất ngờ. Ôi trời ơi! Bạn không thể tin được, nhưng có vẻ như tôi đang đọc cùng một cuốn sách mà bạn đang đọc! Bạn cố gắng để trở lại đọc tiếp cuốn sách của mình, nhưng vẫn cứ tiếp tục suy nghĩ rằng, không thể tin được là tôi không chỉ đọc sách giống bạn, mà còn đọc chính cuốn sách mà bạn yêu thích.
Sau khi liếc qua tôi tới lần thứ mười thì bạn không thể cưỡng lại được nữa; bạn ít nhất cũng phải hỏi thăm tôi về điều này mới được. Vì vậy, bạn vỗ vào vai tôi và hỏi tại sao tôi đọc cuốn sách này, tôi có thích nó không, tôi có đọc nhiều sách của tác giả này không, v.v. Tôi nhiệt tình trả lời bạn, và chúng ta sa đà vào một cuộc thảo luận về cuốn sách yêu thích của chúng ta và lí do tại sao chúng ta lại thích chúng.
Sau đó, tới giờ tôi phải đi. Tôi nói lời tạm biệt và rời đi.
Thứ Bảy tuần sau, bạn lại ngồi trên băng ghế công viên và đọc sách, tôi cũng trở lại với cuốn sách của mình. Chúng ta đọc một chút, trò chuyện một chút, và sau đó thì chia tay. Quá trình tương tự xảy ra lần nữa vào các ngày thứ Bảy tiếp theo sau đó.
Sau nhiều ngày thứ Bảy như vậy, chúng ta đang ngồi và nói chuyện trên băng ghế công viên, thì tôi nói: “Này bạn, cuối tuần tới sẽ chiếu bộ phim được chuyển thể từ cuốn sách yêu thích của chúng ta. Tuyệt vời quá phải không? Bạn thấy thế nào nếu thứ Bảy tuần tới, thay vì gặp nhau đọc sách, chúng ta sẽ gặp nhau tại rạp chiếu và cùng xem phim? ”
Bạn thấy điều xảy ra không? Chú ý rằng, cuối cùng thì trong cả hai tình huống, tôi đều yêu cầu bạn làm chính xác cùng một điều. Tuy nhiên, cách tôi làm sao để đưa ra đề nghị là hoàn toàn khác nhau. Trong tình huống đầu tiên là, Hãy ngừng làm những gì bạn muốn và làm những gì tôi muốn. Tôi không quan tâm tới việc xây dựng một mối quan hệ với bạn, chứ đừng nói tới lòng tin. Trong tình huống thứ hai, tôi dành nhiều thời gian xây dựng một mối quan hệ có ý nghĩa với bạn trước khi tôi yêu cầu bạn điều gì đó. Hơn nữa, chúng ta xây dựng mối quan hệ này dựa trên một sở thích chung.
Điều này là rất quan trọng. Mặc dù The Son-Rise Program® là độc nhất khi tiên phong đưa ra ý tưởng này với mối quan tâm dành cho chứng tự kỷ, nhưng lại không phải là quá mới khi nói đến cách con người chúng ta kết nối với nhau. Hình thành các mối quan hệ dựa trên một mối quan tâm chung, cùng với sự trao đổi qua lại (giống như một con đường hai chiều: “Tôi đi theo cách của bạn, sau đó bạn đi theo cách của tôi”), là cách đã được con người sử dụng để thiết lập các mối quan hệ trong hàng ngàn năm qua.
Nhưng điều đáng kinh ngạc ở đây, không phải là việc chúng ta sẽ sử dụng mô hình này, mà là ở chỗ vẫn còn nhiều tranh cãi về việc nên hay không nên áp dụng nó với những đứa trẻ gặp trở ngại trong tạo dựng mối quan hệ! Gần như rõ là, nếu một đứa trẻ bị rối loạn về mặt tương tác xã hội, chúng ta sẽ muốn sử dụng những kỹ thuật để xây dựng liên kết và mối quan hệ với trẻ.
Hơn nữa, ngày càng nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, đối với trẻ tự kỷ, hành vi stim có tất cả các loại hiệu ứng tích cực đối với hệ thống thần kinh như làm dịu, điều tiết và thư giãn.
Ấy vậy, chúng ta đã làm gì khi con cái đang làm gì đó để giúp bản thân bình tĩnh, tự điều chỉnh và đối phó hiệu quả với môi trường xung quanh? Để yên tay nào. Đừng làm thế. Bỏ cái đó xuống. Phải làm thế này mới đúng.
Rõ ràng, chúng ta làm điều này để giúp con cái. Chúng ta làm điều này vì chúng ta yêu thương con cái. Tuy nhiên, qua đôi mắt của trẻ điều này lại không giúp ích gì và không phải tình yêu thương.
Tại ATCA, trong The Son-Rise Program® Intensive của chúng tôi (một chương trình mà ở đó chúng tôi làm việc trực tiếp với trẻ) có một cô bé tên là Keri (tôi đã thay đổi tên Keri và tên của tất cả những đứa trẻ trong cuốn sách này), thường hay vỗ hai tay mình vào hai bên thái dương. Cha mẹ cô bé, những người hết mực yêu thương cô, đã liên tục cố gắng ngăn cản cô vỗ. Họ nói: “Để yên nào con yêu”, và sau đó nhẹ nhàng cầm cổ tay cô đẩy xuống.
Chúng tôi đã dạy cha mẹ Keri sử dụng kỹ thuật hòa mình để giúp cô bé, nhưng đó không phải là lý do mà tôi nói với bạn về cô bé. Keri đã được kiểm tra mắt và vị bác sĩ nhãn khoa đã nói với cha mẹ Keri rằng, tế bào hình que trong võng mạc của cô bé có vấn đề. (Chúng ta có các tế bào hình que và hình nón trong võng mạc. Tế bào hình nón giúp nhìn thấy màu sắc và nhìn thẳng về phía trước, tế bào hình que giúp nhìn thấy trong điều kiện thiếu ánh sáng, đóng vai trò quan trọng trong tầm nhìn ngoại vi, và có liên quan đến cảm nhận chiều sâu của vật thể.) Vị bác sĩ này tiếp tục giải thích rằng, khi Keri vỗ tay ở phía bên ngoài tầm nhìn của mình, cô bé đã kích thích các tế bào hình que trong võng mạc, qua đó giúp định hướng tốt hơn khi di chuyển xung quanh phòng, trên vỉa hè, v.v. Vì vậy, cô bé chỉ đang cố gắng để nhìn, và tất cả mọi người xung quanh cũng cố gắng để giúp đỡ cô, đã nói: “Để yên tay nào” và kéo tay cô xa khỏi mắt.
Một cậu bé tên là Vincent, hay nằm trên sàn và đặt một quả bóng hoặc một cái gối dưới bụng, rồi lăn qua lăn lại trong nhiều giờ. Giống như Keri, cha mẹ, giáo viên và nhà trị liệu, tất cả đã cố gắng để ngăn cản cậu bé làm điều này. Sau đó, bác sĩ đã nói với cha mẹ Vincent rằng, cậu bé bị chứng khó tiêu mãn tính nghiêm trọng mà có lẽ đã gây ra những cơn đau dạ dày. Vì vậy, Vincent chỉ đang cố gắng để giúp cơn đau giảm nhẹ đi!
Nếu con bạn làm một điều gì đó trong nhiều giờ mỗi ngày, chắc chắn là có mục đích. Con sẽ không có hành vi stim (hoặc làm bất cứ điều gì khác) mà không có lý do. Luôn luôn có một lý do và mục đích, nếu không, con sẽ không thể làm đi làm lại việc đó mãi.
Bạn thấy đấy, thật khó để nhìn thấy mục đích và lợi ích từ các hành vi của con cái, khi mà chúng ta chỉ cố gắng để dập tắt chúng. Trên thực tế, điều này là một lợi ích của việc hòa mình: Nó cho phép chúng ta, thường là lần đầu tiên, mở ra cánh cửa sổ vào thế giới của con. Nó cho chúng ta cơ hội để xem các nguyên nhân cho những hành vi này của con. Nó cho phép chúng ta bắt đầu trả lời câu hỏi: Tại sao con làm điều này? Con đang cố thoát khỏi điều gì?
Các nơ-ron phản chiếu
Các nhà thần kinh học ngày càng có hứng thú về Nơ-ron phản chiếu. Đây là một loại tế bào thần kinh đặc biệt có trong não người. Cùng với những phần khác, các tế bào thần kinh phản chiếu cho phép chúng ta nhận dạng, học hỏi và kết nối với những người khác.
Nơ-ron phản chiếu được kích thích trong não khi chúng ta nhìn thấy – hoặc thậm chí đôi khi nghe kể về ai đó đang hành động hoặc trải nghiệm. Ví dụ, khi chúng ta xem một trận đấu bóng rổ và ai đó thực hiện cú ném bóng, thì tại cùng một vùng tế bào thần kinh trong não sẽ có kích thích giống như khi chúng ta ném bóng thật. Sự đồng cảm cũng là một hiện tượng phản chiếu thần kinh. Nơ-ron phản chiếu cho phép chúng ta đặt mình vào trong hoàn cảnh của người khác.
Khi bạn nhìn thấy ai đó trên tivi bị đập vào đầu gối và nhăn mặt lại, tức là tế bào thần kinh phản chiếu của bạn nhận được kích thích. Khi bạn xem ai đó ném một quả bóng và tưởng tượng mình đang ném nó, tức là tế bào thần kinh phản chiếu của bạn đang làm việc. Khi ai đó cho bạn xem một điệu nhảy, và sau đó bạn tập theo, tức là bạn đang sử dụng tế bào thần kinh phản chiếu của mình. Khi bạn khóc trong một cảnh phim buồn, tức là tế bào thần kinh phản chiếu của bạn cho phép bạn tưởng tượng mình vào vị trí của nhân vật trong phim.
Có bằng chứng cho thấy trẻ em và người lớn mắc chứng tự kỷ gặp khó khăn trong việc kích hoạt Nơ-ron phản chiếu của mình. Nếu tế bào thần kinh phản chiếu của một người không được kích hoạt, thì người đó sẽ gặp khó khăn trong việc xác định và quan tâm đến những người khác, khó bị thúc đẩy bởi những việc mang tính xã hội như nhìn vào mắt người khác, biết phải tìm kiếm điều gì trong các tình huống xã hội, bắt chước và học hỏi từ những người khác,v.v. Điều này nghe có quen thuộc không?
Đoán xem? Một trong những cách quan trọng để tế bào thần kinh phản chiếu bắt đầu kích hoạt trong bộ não phát triển là khi ai đó hòa mình vào hoạt động cùng trẻ. Trên thực tế, ngay cả trẻ sơ sinh cũng ngay lập tức trở nên quan tâm hơn đến những ai làm giống những gì bé đang làm. (Cuốn sách Những người phản chiếu (Mirroring People) giải thích hiện tượng này và thảo luận nhiều về cách Nơ-ron phản chiếu hoạt động). Vì vậy, nếu chúng ta muốn giúp tế bào thần kinh phản chiếu của con cái kích hoạt, không cần tìm đâu xa, chỉ cần áp dụng nguyên tắc đầu tiên của The Son-Rise Program® là đủ. Hóa ra chỉ riêng hành động đơn giản của chúng ta là bước qua cây cầu từ thế giới của mình sang thế giới của con, có thể giúp kích thích phần chính xác trong não của con, nơi có vẻ đang gặp khó khăn.
Khi nào nên hòa mình
Biết được khi nào nên hòa mình rất quan trọng, bởi chúng ta không hòa mình với tất cả mọi thứ.
Loại hành vi Ism
Thực ra, bạn chỉ cần tham gia khi con đang thực hiện một loại hành vi rất cụ thể (lặp đi lặp lại và độc lập): Hành vi ism. Và chỉ hành vi ism thôi.
Thế nào là một hành vi ism? Cách đơn giản nhất để hiểu một hành vi ism là nghĩ về nó giống như một hành vi stim. Tất nhiên, bạn có lý do chính đáng để hỏi tại sao chúng ta không đơn giản gọi nó là một hành vi stim như những người khác vẫn gọi.
Sẽ thật sự hữu ích hơn cho con bạn, nếu chúng ta sử dụng một từ có thể định nghĩa một cách dễ dàng – hoàn toàn không gợi tới những ý nghĩa tiêu cực trước đó hoặc bất kỳ một ý nghĩa đi kèm nào khác có thể gây nhầm lẫn về điều chúng tôi muốn nói. Sau cùng, nếu chúng ta chỉ tham gia vào những hành vi ism, và chúng ta định nghĩa rõ ràng về chúng, thì chúng ta sẽ hoàn toàn hiểu rõ về những hành vi nào chúng ta nên hòa mình cùng con cái.
Nếu con bạn đang thực hiện một hành vi ism, thì con đang thực hiện một hành vi có hai đặc điểm chính sau:
1. Lặp đi lặp lại.
2. Độc lập.
Tôi không nghĩ từ “lặp đi lặp lại” thực sự cần giải thích thêm, nhưng từ “độc lập” thì lại cần. Khi chúng ta nói đến “độc lập”, thì chúng ta đang nói về một hành vi, mà theo đó, con bạn đang loại trừ những người khác. Độc lập có nghĩa là, hành vi này như một chương trình chỉ có một diễn viên. Con sẽ không nhìn bất cứ ai khác, quan tâm đến người khác đang dõi theo mình, hoặc cho phép bất cứ ai khác tham gia. Theo định nghĩa, con sẽ làm điều gì một mình. Trong hầu hết các trường hợp (nhưng không phải tất cả), khi đang thực hiện các hành vi này, con sẽ không đáp lại những gì bạn nói hoặc yêu cầu. Bạn có thể gọi tên con hoặc rủ con làm điều gì đó khác, nhưng bạn sẽ không nhận được phản hồi thực sự.
Hãy nghĩ như thế này: con là thành viên của một câu lạc bộ chỉ có mình con là thành viên duy nhất. Giải pháp không phải là cố gắng để phá hủy câu lạc bộ ấy. Thay vào đó, giải pháp sẽ là làm bất cứ điều gì để được trở thành một thành viên!
Khi con thực hiện một hành vi nào đó lặp đi lặp lại và độc lập, chúng tôi gọi đó là một hành vi ism. Khi con thực hiện một hành vi ism, chúng ta sẽ luôn hòa mình cùng con.
Hòa mình như thế nào?
Hoạt động hòa mình không quá phức tạp. Về khía cạnh chuyên môn, việc chúng ta đi vào thế giới của trẻ bằng cách hòa mình với các hành vi ism của trẻ là khá đơn giản. Tuy nhiên, có một phần tuyệt đối quan trọng không thể bỏ qua. Đó chính là thái độ của bạn trong khi hòa mình.
Mục tiêu ở đây không phải là để chứng minh bạn có thể sao chép, bắt chước hoặc phản chiếu con. Bất cứ ai cũng có thể làm điều đó. Một cái máy cũng có thể nữa là.
Tuy nhiên, bạn có một vai trò đặc biệt trong cuộc sống và thế giới của con. Chính bạn chứ không phải bất cứ ai khác. Bạn không phải là một cái máy. Bạn yêu con. Bạn quan tâm đến con. Và bạn đầu tư cho con.
Đôi khi bạn có thể tự nhủ rằng, không biết con có thực sự hiểu bạn yêu con nhiều tới mức nào không. Hòa mình là cách bạn sẽ thể hiện tình yêu theo cách mà con có thể nhìn thấy và cảm thấy. Điều này có nghĩa là, bạn cần phải tập trung vào việc cảm nhận nó. Bạn sẽ muốn đặt tất cả sự tập trung vào tình yêu dành cho con và tôn trọng thế giới của con. Điều này giúp bạn tạo được một liên kết sâu sắc với con. Khi con dừng hành vi ism để nhìn vào bạn, con sẽ có thể nhìn thấy bạn rất yêu con ở ngay trước mắt.
Tôi không thể diễn tả hết được điều này có ý nghĩa đến nhường nào.
Đã bao nhiêu lần những người không hề để tâm đến chứng tự kỷ hỏi thăm con bạn thế nào? Khi bạn trả lời, bạn nhìn thấy ánh mắt vô cảm của họ, rồi họ gật đầu một cách miễn cưỡng – và bạn thấy họ không thực sự quan tâm câu trả lời của bạn? Sau khi gặp đủ các trường hợp như thế, bạn thôi không nói với mọi người về con nữa.
Con bạn rất thông minh và nhạy cảm. Bé có thể biết sự khác biệt trong tích tắc giữa việc bạn chỉ muốn “sao chép” bé thôi hay bạn thực sự hòa mình cùng bé. Và bạn cũng biết điều này. Vì vậy, bây giờ là lúc để thực sự hành động.
Nếu bạn muốn con có ý định chia sẻ thế giới của con với bạn, bạn cần phải thực sự tò mò và thích thú về nó. Cách tốt nhất bạn có thể: Cố gắng làm mọi thứ với niềm hứng thú. Bây giờ, bạn có thể đang băn khoăn, Làm thế nào để tôi thấy hứng thú với việc lặp đi lặp lại hoạt động vẫy tay (hoặc xếp chồng các khối, hoặc liệt kê tên các thủ đô, hoặc bất cứ điều gì)?
Vấn đề nằm ở chỗ: Chừng nào bạn vẫn còn đang tự hỏi bản thân câu hỏi đó, thì bạn chưa thể bị cuốn hút. Bạn không thể cảm thấy bị lôi cuốn hoặc thích thú khi bạn còn coi thường những hành vi đó. Và bạn chắc chắn cũng không thể thấy lôi cuốn khi bạn còn đang suy nghĩ về cách để dập tắt những hành vi này. Vì vậy, bạn phải gạt bỏ những ý nghĩ đó đi.
Không có nghĩa là bạn phải ngừng mong muốn con học hỏi và phát triển. Bạn chỉ cần bỏ đi ý nghĩ ép buộc để thay đổi những gì con đang làm. Đây chính là cách tốt nhất giúp con. Hãy nhớ rằng, những gì con đang làm hiện tại là cách tốt nhất mà con biết để tự giúp bản thân: Tập trung vào việc tìm ra những điểm con thích về hành vi đó và trở thành một người học trò nhiệt thành trong thế giới của con. Hãy tưởng tượng bạn đang làm việc với một người đến từ một nước khác, và việc của bạn là tìm hiểu tất cả về văn hóa của người đó.
Ví dụ, nếu con vẫy tay, hãy ngồi gần con (hoặc đứng nếu con đang đứng) và vẫy tay liên tục, đầy hào hứng. Ngạc nhiên thay, bạn càng quan tâm đến việc vẫy tay, thì con sẽ càng quan tâm nhiều hơn đến bạn.
Nếu con làm một cái gì đó phức tạp hơn là vẫy tay, chẳng hạn như xây một cái tháp công phu bằng các khối, đi vòng quanh từ đồ chơi này sang đồ chơi khác, lặp đi lặp lại các cụm từ trong phim, hoặc chơi với các nhân vật đồ chơi theo cách thật tỉ mỉ nhưng trùng lặp, vậy thì bạn vẫn sẽ hòa mình theo cùng một cách như con. Hãy nhìn vào những gì con đang làm, cảm nhận sự lôi cuốn, rồi sau đó chìm đắm vào hoạt động và cố gắng hết sức để thực hiện y như thế.
Một lưu ý: Nếu con liếc nhìn bạn trong khi bạn đang hòa mình, bạn hoàn toàn có thể mỉm cười với con, cảm ơn ngắn gọn vì con đã nhìn bạn, sau đó tiếp tục quay trở lại ngay với hoạt động hòa mình.
Những điều không nên làm
1. Không nên nhìn chằm chằm vào con
Khi bạn bắt đầu, đừng nhìn chằm chằm vào con hay cứ hai giây lại nhìn con một lần. Hãy thực sự chú tâm vào những gì bạn đang làm. Hãy nhớ là, không phải bạn cố gắng để chứng minh bạn có thể bắt chước; mà bạn đang cùng tham gia với con các hoạt động mà con yêu thích.
2. Không nên ở quá gần, hoặc xen vào không gian riêng của con
Ngay từ đầu, đó là một phần lý do mà con thực hiện hành vi ism, để tránh bị làm phiền! Bạn muốn con có một chút không gian. Nếu con ngồi xuống, thì sau đó, bạn cũng ngồi xuống, nhưng ngồi cách con vài cm. Nếu con đang đứng hoặc đi tới đi lui, thì bạn cũng đứng hoặc đi tới lui, nhưng đừng chen ngay trước con.
3. Không nên lấy đồ chơi của con
Nếu con đang xếp những chiếc xe ô tô màu xanh lá cây nhỏ thành hàng, thì sau đó, dù bạn làm bất cứ điều gì, cũng không nên lấy những chiếc xe màu xanh của con để xếp. Vâng, đúng vậy, bạn phải sử dụng những cái mà con không thích dùng. Nếu con thích sử dụng những chiếc xe màu xanh lá cây sáng bóng và không quan tâm đến những chiếc xe màu vàng, cũ và bị vỡ, thì tất cả những chiếc đó là phần của bạn! Sử dụng cùng một loại đồ dùng mà con đang sử dụng, nhưng không phải là những đồ mà con đang thật sự dùng.
4. Điều quan trọng nhất: Đừng cố gắng để thay đổi hành vi của con theo bất kỳ cách nào
Đây là sai lầm lớn nhất mà mọi người mắc phải, và là sai lầm gây hại nhất đối với toàn bộ quá trình hòa mình. Con bạn rất thông minh. Nếu bạn cố gắng sử dụng việc hòa mình như là một cách để bắt con làm khác đi, thay đổi, hay chấm dứt hành vi của con, thì con sẽ thấy ngay điều đó, và toàn bộ hoạt động hòa mình của bạn trở nên vô ích. Điều này có nghĩa là, đừng nói: “Này con yêu, hãy nhìn mẹ này!” Đừng cố yêu cầu con cầm lấy xe của mình và đua với chiếc xe của bạn. Và cũng đừng dùng chiêu trò để cố gắng có được sự chú ý của con.
Điểm cuối cùng này rất đáng được thảo luận thêm. Tôi có thể hiểu được, ví dụ, nếu bạn hỏi: “Tôi tưởng anh nói rằng, hoạt động hòa mình sẽ khiến con tôi trở nên quan tâm nhiều hơn đến tôi và những người khác, con tôi sẽ nhìn và tương tác nhiều hơn, và con tôi cũng sẽ ít có hành vi ism hơn. Vậy tại sao bây giờ anh nói không nên sử dụng hoạt động hòa mình để cố gắng thay đổi những gì con tôi đang làm?”
Một câu hỏi hoàn toàn hợp lý. Câu trả lời chính là kết quả của quá trình hòa mình, tức sự tương tác do trẻ khởi xướng (điều thực tế sẽ thay thế hành vi ism). Một đặc điểm chính của chứng tự kỷ là thiếu những tương tác xã hội, dạng tương tác do đứa trẻ chủ động khởi xướng và vì đứa trẻ mong muốn.
Một trong những yếu tố làm The Son-Rise Program® độc đáo là tập trung vào việc phát triển khả năng khởi xướng các tương tác xã hội trong mỗi đứa trẻ. Chúng tôi muốn bước vào thế giới của trẻ, chờ trẻ tự nguyện bắt đầu tương tác, và sau đó (chỉ sau đó) mới sử dụng sự tương tác đó để mời gọi trẻ giao tiếp, kéo dài và đẩy mạnh sự tương tác nhiều hơn.
Chúng ta muốn con cái đứng về cùng phía với chúng ta. Cách duy nhất để đạt được điều đó là hòa mình cùng con trong thế giới của chúng cho đến khi con hòa mình trong thế giới của chúng ta. Điều này đơn giản là không thể ép buộc.
Hòa mình một cách chính xác có nghĩa là bạn hòa mình cho đến khi trẻ ngừng những hành vi ism một cách tự nguyện và nhìn bạn hoặc tiếp cận bạn theo một cách nào đó. Nó không có nghĩa là bạn dành 15 phút để hòa mình, rồi hết giờ thì trẻ phải làm theo ý bạn. Việc hòa mình kéo dài bao lâu được xác định bởi trẻ, chứ không phải bạn. Đó là mấu chốt của vấn đề.
Điều thú vị là, trong vài năm qua, một số phương pháp điều trị tự kỷ đã tìm cách áp dụng The Son-Rise Program® bằng cách hòa mình để tạo ra tương tác. Vấn đề là, những phương pháp này vẫn chưa giải quyết được tới cùng bởi họ cố gắng áp dụng việc hòa mình mà không hiểu nó. (Thật trớ trêu, khi họ cố gắng sao chép hoặc bắt chước một cái gì đó mà không hiểu về nó, đó cũng là một sai lầm chung mà chúng ta mắc phải khi chỉ đơn thuần tìm cách sao chép hoặc bắt chước những đứa trẻ). Tôi đã nhìn thấy các chương trình mà bọn trẻ được “hòa mình” trong một khoảng thời gian – được quyết định bởi bác sĩ trị liệu. Vừa có chút tiến bộ, thì trị liệu viên cố gắng lái đứa trẻ sang các hoạt động khác mang tính tương tác hơn ngay lập tức. (Đây là trường hợp áp dụng khả thi nhất. Với nhiều phương pháp trị liệu, hầu như không có phần nào liên quan tới việc tham gia vào thế giới của trẻ).
Và đây là nơi sự hiểu biết đích thực về kỹ thuật hòa mình (trong lĩnh vực tự kỷ) thực sự phát huy tác dụng. Hòa mình không phải là một mánh khóe chúng ta sử dụng để “lén lút” đưa con mình vào một hoạt động hoặc hành vi khác đi. Hòa mình là cách mà chúng ta cho phép con tạo được một mối liên kết với chúng ta. Chúng tôi nhận thấy những đứa trẻ trở nên quan tâm nhiều hơn đến chúng ta, nhìn chúng ta nhiều hơn và hành vi ism ít hơn khi chúng ta hòa mình. Trẻ tự lựa chọn làm những việc này – do trẻ tự khởi xướng. Sau khi trẻ gắn kết với chúng ta, tin tưởng chúng ta và cảm thấy an toàn với chúng ta – những điều mà trẻ thể hiện bằng cách chủ động tương tác với chúng ta – sau đó chúng ta có thể thử thách trẻ làm và học hỏi những điều mới, những điều mà sẽ được đề cập tới trong các chương tiếp theo.
Câu chuyện của Reggie
Thời gian trước đây, một người cha đã đến với The Start-Up Program để giúp con trai, Reggie. Nhắc lại rằng, đây là khóa đào tạo năm ngày ở cấp độ mở đầu, nơi phụ huynh và chuyên gia tìm hiểu các nguyên tắc cơ bản của việc sử dụng các kỹ thuật trong The Son-Rise Program® với con cái. Cha Reggie, cũng như nhiều vị phụ huynh khác sẽ tham dự mà không có con đi kèm.
Họ được học các chiến lược để tăng sử dụng ngôn ngữ, giao tiếp bằng mắt, tương tác và tiếp nhận các kỹ năng mới cho con. Họ học cách xử lý, sau đó là giảm thiểu các hành vi thách thức. Họ được dạy làm thế nào để tạo một môi trường học tập và cảm thụ bằng giác quan phù hợp, làm thế nào để đưa ra yêu cầu cho con một cách sáng tạo, làm thế nào để đào tạo những người khác làm việc với con họ, và tất nhiên, làm thế nào để duy trì một thái độ hy vọng và lạc quan về con. Khóa học này rất có tính tương tác, với rất nhiều hoạt động, các minh họa bằng video, chương trình hỏi đáp, và những buổi tọa đàm cởi mở về “tự kỷ chức năng cao” dành cho cha mẹ của trẻ mắc hội chứng Asperger và chẩn đoán tương tự.
Một trong những điều đầu tiên chúng tôi làm trong khóa học này là dạy cho các bậc cha mẹ kỹ thuật hòa mình như thế nào. Khi chúng tôi bắt đầu với cha Reggie, ông đã khá hoài nghi. Ông giải thích rằng, con trai thích chơi Lego trong nhiều giờ liền. Nhưng Reggie không chơi Lego giống như những đứa trẻ bình thường khác. Mỗi ngày, Reggie đều làm chính xác những điều tương tự. Thằng bé sẽ cầm hộp Lego, lấy ra chính xác những mảnh giống nhau và lắp ráp chính xác hình chữ L đơn giản. Thằng bé sẽ tiếp tục ráp một cái nữa để có được hai chữ L. Sau đó, Reggie sẽ lấy hai cấu trúc này, giữ chúng cạnh nhau để trông giống như vừa tạo ra một hình vuông, đi quanh phòng giữ cho hình vuông hướng về phía ánh sáng từ cửa sổ trong khi liên tục chập hai khối Lego lại rồi tách ra, chập lại và tách ra.
Cha Reggie giải thích với chúng tôi rằng, ông không thể tưởng tượng việc hòa mình cùng con trai vào hoạt động này. Là giáo viên, chúng tôi thấy một trong những cách tốt nhất để giúp đỡ mọi người là đầu tiên cần hiểu nguồn cơn của việc này đến từ đâu. Chúng tôi không tranh cãi với họ khi họ đang phải vật lộn với ý tưởng thực hiện một trong các phương pháp của The Son-Rise Program®. Bằng nỗ lực để hiểu họ, chúng tôi đã được trang bị tốt nhất để giúp họ.
Vì vậy, chúng tôi bắt đầu hỏi người cha này một số câu hỏi. Tại sao anh ấy không thể tưởng tượng ra việc hòa mình cùng con trai với đồ chơi Lego? Ông trả lời rằng, ông thực sự không thể chịu được khi thấy con trai mình thực hiện hành vi đó. Một lần nữa, chúng tôi hỏi ông tại sao. Ông ấy trả lời, lần này trở nên khá xúc động. Mỗi khi nhìn thấy con mình chơi với những mảnh Lego, cha Reggie sẽ nhìn thấy cậu con trai mới thật “tự kỷ” làm sao. Và điều này liên tục nhắc nhở ông là Reggie bất thường. Ông không thích việc ấy. Hơn nữa, ông tự hỏi liệu đó có phải là lỗi của ông không. Ông thấy chứng tự kỷ của con như là kẻ thù, và thề có Chúa, ông ấy sẽ không làm bạn với kẻ thù.
Chúng tôi đã hỏi ý ông ấy là gì khi ông nói chứng tự kỷ của con là kẻ thù, và điều này cũng dẫn đến một cuộc thảo luận sôi nổi và sâu sắc với toàn lớp. Một trong những điều mấu chốt mà cha Reggie đã nhận ra trong ngày hôm đó là: Bằng việc biến chứng tự kỷ thành kẻ thù, ông ấy đã biến một phần của con thành kẻ thù. Ông kết luận rằng, ông muốn yêu thương và đón nhận tất cả những gì thuộc về con, bao gồm cả một phần tự kỷ. Một trong những cách quan trọng để ông ấy có thể làm điều này là hòa mình cùng con. (Chuyển biến đặc biệt này là một phần then chốt của cuộc hành trình mà nhiều bậc cha mẹ của The Son-Rise Program® trải qua).
Kết thúc tuần học, cha Reggie trở về nhà và vui mừng nhìn con bằng ánh mắt mới. Chúng ta hãy hiểu là trước đó, bất cứ khi nào cha thấy cậu bé chơi với khối Lego, ông sẽ cố gắng để ngăn chặn cậu bé. Ông sẽ nói không, lấy những khối Lego đi và cố gắng khiến Reggie làm một cái gì đó khác.
Cũng cần nhớ: Reggie đã không hề nhìn hoặc nhận thức về cha mình theo bất kỳ cách nào.
Trước đó cha Reggie chưa bao giờ cố gắng để hòa mình, và ông không hoàn toàn chắc chắn về điều này, nhưng đã đồng ý cam kết hòa mình cùng con trong một vài tuần và xem những gì xảy ra. Sáng hôm sau, đầu tiên Reggie kéo hộp Lego ra, không quan tâm tới cha mình. Với những khối Lego, Reggie ráp hai mô hình chữ L. Cũng như mọi khi, cậu bé bắt đầu đi quanh phòng, hướng hai khối mô hình đó về phía ánh sáng và di chuyển chúng đến gần rồi tách ra.
Tuy nhiên, lần này, cha cậu bé khác trước. Ông ráp mô hình chữ L của riêng mình và bắt đầu đi quanh phòng, di chuyển các cấu trúc dính vào nhau rồi tách ra. Mỗi lần như vậy, ông ấy sẽ quan sát Reggie và thực sự xem xét những gì cậu đang làm để có thể hiểu và làm theo cho đúng.
Khi làm điều này, ông chợt nhận ra một cái gì đó. Ông đã luôn luôn nghĩ rằng, Reggie chỉ đơn giản nhìn xuyên qua hình ô vuông mà thằng bé tạo ra với hai hình chữ L. Ông đã sai. Trên thực tế, Reggie đang nhìn ngang bề mặt các khối. Và khi cha của Reggie làm điều tương tự, ông nhận thấy, nếu đưa mô hình Lego hướng về ánh sáng, thì có thể thấy sự phản chiếu khuôn mặt của mình trên khối Lego. Và khi ông di chuyển hai mô hình ra xa hơn và sau đó gần lại với nhau, khuôn mặt được phản chiếu sẽ thay đổi béo hơn và gầy hơn, như thể ông đang nhìn mình trong nhà gương vậy.
Đúng rồi! Ông thực sự phấn khích! Cuối cùng ông cũng hiểu con đang làm gì, và nó thực sự khá tuyệt! Ôi chao! Ông liếc nhìn về phía con trai, và lúc này Reggie đã đánh rơi khối Lego và nhìn chằm chằm vào cha trong sự ngạc nhiên tột độ. Cha cậu nhìn lại cậu và không thể tin được. Ông mỉm cười với con trai, tận hưởng khoảnh khắc đó. Reggie mỉm cười đáp lại. Sau đó, thừa thắng xông lên, ông vẫy tay với con trai. Và Reggie vẫy tay chào lại!
Hai con người ở đây, cha và con, họ cùng chia sẻ khoảnh khắc tuyệt đẹp này, nhìn nhau, mỉm cười với nhau, vẫy tay chào nhau. Đó là khoảnh khắc không giống với bất kỳ khoảnh khắc nào mà họ đã chia sẻ trước đó. Đây là lần đầu tiên Reggie thực sự nhận thức và tỏ ra quan tâm tới cha mình – nhưng nó không phải là lần cuối cùng.
Cha Reggie bắt đầu nhiệt tình hòa mình cùng con trai mỗi ngày. Cuối cùng, ông đã có cách để tiếp cận với con trai!
Trước ngày đầu tiên thực hiện hòa mình, Reggie đã có hành vi ism với khối Lego lên đến năm tiếng đồng hồ một ngày. Vài tuần sau đó, thời gian cho hành vi ism ấy với Lego đã giảm xuống chỉ còn dưới một giờ một ngày. Và, tất nhiên, phần lớn thời gian đó đã được thay thế bởi những hoạt động Reggie tương tác nhiều hơn với cha và những người xung quanh.
Câu chuyện này cho thấy thêm lý do vì sao hoạt động hòa mình lại có hiệu quả. Nhờ hòa mình, chúng ta có cơ hội không những biết được nguyên nhân những hành vi của con cái để tạo ra mối quan hệ gắn bó, mà còn thay đổi chính bản thân. Quả thật, rất hiếm để kết nối với con cái thật sâu sắc và đầy tôn trọng, mà không thay đổi góc nhìn của bạn về con và vẻ đẹp trong thế giới độc đáo của con.
Khi bạn hòa mình cùng con một cách trọn vẹn, bạn có thể cảm thấy đang gần gũi hơn với con. Sẽ rất khó để phán xét hay cảm thấy sợ hãi trước những hành vi của con một khi bạn đã thực sự hòa mình cùng con. Và bạn sẽ cảm thấy mối quan hệ khăng khít với con đang dần hiện hữu. Bạn sẽ hiểu biết sâu sắc hơn về những gì con trải qua. Con vui thích trong thế giới của riêng mình.
Và sẽ không ai có thể lấy đi những trải nghiệm ý nghĩa này từ bạn.
James – trước giờ ngủ
Các bạn có còn nhớ James, con trai bạn gái cũ của tôi – Charlotte – không? Vâng, vào một buổi đêm nhiều năm trước, tôi nhìn thấy Charlotte rưng rưng lệ khi cô ấy rời khỏi phòng James sau khi cho cậu bé ngủ. Tôi đã hỏi có chuyện gì không hay thế và cô ấy nói không sao cả – thật ra còn ngược lại. Và sau đó, vừa khóc vừa cười cô ấy kể tôi nghe một câu chuyện kì lạ.
James đã rất tương tác với cô suốt cả ngày. Vì thế Charlotte nghĩ là nên đọc cho James nghe một câu chuyện, trước khi cho thằng bé ngủ. Đây là điều mà cô ấy, với tư cách một người mẹ, luôn mong đợi được thực hiện – đọc một câu chuyện cho thằng bé nghe. Nhưng trước đây mỗi lần cô ấy cố làm thế, James không hề tỏ ra quan tâm. Nhưng hôm nay, Charlotte nghĩ là thời điểm thích hợp để thực hiện điều đó.
Mặc dù vậy, khi bước vào phòng, cô ấy nhìn thấy James đang ngồi trên giường và gõ nhẹ các ngón tay lên một trong những cuốn sách của cậu. Charlotte biết đây là một trong những hành vi ism của James, nhưng cô ấy thực sự mong muốn được đọc cho cậu bé nghe một câu chuyện trước giờ ngủ. Vì thế cô ấy cắt ngang James, và nói: “Này James, mẹ sẽ đọc con nghe một câu chuyện trước giờ ngủ nhé!”
Cậu bé tảng lờ cô ấy và tiếp tục gõ sách.
“Này, nhóc con, bỏ cuốn sách xuống. Đã đến lúc nghe một câu chuyện vui.”
Cậu bé tảng lờ cô ấy và tiếp tục gõ sách.
Và điều này đã làm cô ấy tỉnh ra (Cô ấy nói với tôi: “giống như bị một cái chảo đập vào đầu vậy”). Cô ấy đã biến kế hoạch đọc truyện trước giờ ngủ cho cậu con trai trở nên quan trọng hơn việc gắn kết với cậu bé nhờ hòa mình vào hoạt động ism của cậu. Từ trước, cô ấy đã luôn biết cách hòa mình với cậu nhưng vì quá tập trung vào việc đọc truyện nên cô ấy đã bỏ qua tất cả những dấu hiệu mà cậu đưa cho cô.
Ngay khi nhận ra điều này, cô ấy ngay lập tức bỏ ý định cố làm cho con trai mình ngừng lại. Cô ấy vừa có một ngày tuyệt vời với cậu bé. Cô ấy yêu cậu bé. Cô chỉ muốn truyền tải điều đó ra với cậu. Cô ấy chỉ muốn cậu biết cô ấy chấp nhận cậu đích xác như những gì cậu có.
Nên cô lấy cho mình một cuốn sách, ngồi xuống và bắt đầu gõ lên đó.
Sau khi làm vậy một lúc, cô đứng lên và bắt đầu im lặng rời khỏi phòng James để cậu bé có thể đi ngủ. Khi cô ấy đang rời đi, cậu bé bỏ cuốn sách của mình xuống, ngước nhìn mẹ, và nói: “Con yêu mẹ”.
Đây là lần đầu tiên cậu bé nói với cô những lời đó.
Trường hợp ngoại lệ trong hoạt động hòa mình
Có một số dạng hành vi ism mà bạn sẽ không muốn hòa mình vào. Hầu hết trong số đó sẽ khá rõ ràng với bạn, nhưng có một số thì không.
Đầu tiên, nếu con đang làm bất cứ điều gì nguy hiểm hoặc trong bất kỳ tình huống không an toàn nào (chơi giữa đường, mở cửa xe trong khi di chuyển, chơi với đồ vật sắc nhọn, đứng trên một mỏm đá cao), hãy ngăn con lại ngay lập tức. An toàn luôn luôn là trên hết. Không hòa mình với bất cứ điều gì nguy hiểm.
Thứ hai, nếu con đang làm một cái gì đó kiểu như chạm vào bộ phận sinh dục của mình hoặc ngoáy mũi, chúng ta tất nhiên sẽ không hòa mình với điều đó. Bạn cũng không cần khó chịu và ép con phải dừng lại. Loại hành vi này rất bình thường, chỉ đơn giản là bạn sẽ không muốn hòa mình vào thôi. (Như tôi đã nói, đây là những quan điểm rất rõ ràng).
Điểm thứ ba (không rõ ràng), bạn sẽ không muốn hòa mình nếu con đang xem truyền hình (hoặc video). Bạn không thể thực sự hòa mình vào việc xem tivi. Tất cả những gì bạn có thể làm chỉ là ngồi ở đó và xem thôi, nó không phải là hòa mình với một hoạt động. Vì vậy, khi nói đến truyền hình, đừng sử dụng thời gian đó cho hoạt động hòa mình hoặc tốt hơn hãy tắt tivi và hòa mình vào bất cứ hoạt động gì khác mà con làm.
Bắt tay thực hiện!
Điều này sẽ rất đơn giản. Hãy xem Bảng 1. Tất cả những gì bạn sẽ làm là tìm năm hành vi ism khác nhau – những hành vi mà trước đây con bạn thực hiện mà bạn chưa từng hòa mình cùng con, thì bây giờ bạn sẽ làm điều đó.
Bạn không cần phải điền vào tất cả năm hành vi ism ngay trong một lúc. Cứ làm từ từ thôi. Bạn có thể điền vào một hoặc hai điều đầu tiên mà bạn biết trước, sau đó bạn có thể tiếp tục hoàn thành bảng này vào ngày hôm sau, khi bạn nhận ra những hành vi ism khác.
Điều quan trọng nhất là hãy quan sát thật cẩn thận các hành vi ism – và sau đó hòa mình cùng với con một cách chính xác theo như những gì chúng ta đã thảo luận.
BẢNG 1
Nguồn thông tin trực tuyến
Vào cuối mỗi chương, phần “Nguồn thông tin trực tuyến” sẽ chỉ cho bạn một phần đặc biệt trong trang web của tôi với nội dung hỗ trợ cho chương đó. Ở đó bạn sẽ tìm thấy một loạt các nguồn tài nguyên được thiết kế để giúp hiểu sâu hơn và thực hiện các nguyên tắc và kỹ thuật, chẳng hạn như các đoạn phim, các webcast, bài viết và hình ảnh.
Tôi rất muốn khuyến khích bạn hãy sử dụng các nguồn tài nguyên này. Tất cả hoàn toàn miễn phí nên bạn có thể sử dụng bao nhiêu lần tùy ý và thường xuyên như bạn muốn.
Trong chương này, hãy truy cập vào:
www.autismbreakthrough.com/chapter2. Chúc bạn vui vẻ!
Điểm bắt đầu
Khi con bạn đang thực hiện hành vi ism, hòa mình vào những gì con đang làm. Hãy làm điều đó thật vui! Hãy thực sự hòa mình vào hoạt động này. Hãy nhớ cho con một khoảng không gian và chọn cho mình một vị trí con có thể dễ dàng nhìn thấy.