NẾU CON chưa có khả năng ngôn ngữ tốt, thì có lẽ bạn sẽ rất quan tâm về những thiếu hụt trong ngôn ngữ của con – và rất nóng lòng để giúp con vượt qua chúng. Tuy nhiên, trước khi chúng ta đi vào các chiến lược cụ thể để xây dựng khả năng ngôn ngữ cho con, thì việc thảo luận về các tiền đề về ngôn ngữ cho trẻ tự kỷ cũng rất quan trọng.
Bạn cần tin rằng con có thể nói
Tôi muốn trò chuyện một chút với các bạn, những người có con vẫn chưa mở miệng nói câu nào cả. Mọi người rơi vào cái bẫy phổ biến khi tin con mình không thể nói được dù là nghe theo người khác hay đợi quá lâu để nghe con nói. Việc con chưa nói gì ở hiện tại chẳng nói lên điều gì về khả năng ngôn ngữ của con ở tương lai cả. Nó chỉ cho bạn biết những gì đang xảy ra ngay bây giờ mà thôi.
Thay vì bạn cứ giữ quan điểm: “Con tôi không thể nói được”, thì hãy chuyển thành:“Hiện tại con tôi chưa biết nói”. Thậm chí hơn thế nữa: “Con tôi có thể làm điều này!”
Như tôi đã nói về tính sáng tạo trước đó, tôi nói những điều này không vì mục đích cổ vũ tinh thần một cách sáo rỗng cho bạn. Việc tin tưởng con có thể (hoặc không thể) nói được, có một tác động thực tế vào hai điều: Thứ nhất, con bạn có nói hay không và thứ hai, khi con nói bạn có nghe được hay không.
Hãy thảo luận một chút điều thứ 2. Chúng tôi có một khóa học gọi là The Son-Rise Program® Intensive, nơi cha mẹ đến ATCA cùng với con. Các gia đình sẽ ở riêng theo từng căn hộ tại trung tâm, trong đó mỗi hộ sẽ có một phòng chơi được thiết kế tiên tiến và phù hợp cho trẻ, và sẽ có các chuyên viên tại trung tâm đến làm việc một-một với trẻ trong vòng năm ngày. Đồng thời, các giáo viên sẽ làm việc một-một với các bậc cha mẹ trong một chương trình cá nhân được tùy chỉnh phù hợp theo nhu cầu và mối quan tâm của mỗi gia đình.
Tôi nói cho bạn về tất cả những điều này bởi vì có những điều tuyệt diệu mà chúng tôi đã nhìn thấy nhiều lần trong The Son-Rise Program® Intensive này. Ở đó, chúng tôi đã thấy rất nhiều trường hợp mà đứa trẻ cất tiếng nói đầu tiên trong đời. Trong phòng chơi có một bức tường làm bằng kính một chiều, còn ở phía bên kia là một phòng quan sát, nơi mà các bậc cha mẹ có thể ngồi và quan sát những gì chúng tôi đang làm với con của họ bất kỳ lúc nào họ thích. (Có một lưu ý bên lề là, tôi khuyên bạn hãy cẩn thận với bất kỳ chương trình hoặc trường lớp nào mà không cho phép phụ huynh quan sát những gì đang xảy ra với con).
Quả thật, khi các bậc cha mẹ chứng kiến con mình nói chuyện lần đầu tiên, họ thường có những phản ứng cảm xúc rất mạnh mẽ. Một số người thì khóc, một số vỗ tay, một số đứng lên và cổ vũ, và một số quay ra ôm chúng tôi nếu như chúng tôi cùng có mặt ở trong phòng lúc đó. Được là một phần của trải nghiệm như thế quả thực tuyệt vời đến mức khó có thể diễn tả bằng lời.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, chúng tôi không thấy một phản ứng nào từ phía phụ huynh cả. Điều này nghe có vẻ lạ lùng đúng không. Nếu con bạn chưa bao giờ nói, có lẽ bạn nghĩ mình sẽ mọc cánh và bay bổng lên trời luôn nếu nghe thấy con nói chuyện, đúng không? Vậy tại sao các bậc cha mẹ này lại không có phản ứng gì?
Câu trả lời rất đơn giản. Tất cả phụ huynh sẽ phản ứng với niềm vui, sự hứng thú, lòng biết ơn, và những cảm xúc tuyệt vời khi lần đầu tiên nghe con nói. Trừ phi họ không nghe thấy được điều đó. Ừm, bạn không nghe lầm đâu. Chúng tôi đã thấy những bậc cha mẹ không có vấn đề gì về khả năng nghe cả, họ ngồi trong phòng quan sát khoảnh khắc con mình nói chuyện lần đầu tiên, ấy vậy mà họ cũng không nghe, không thấy gì cả.
Điều này xảy ra bởi các bậc cha mẹ này đã nghe rất, rất nhiều lần rằng, con mình không thể nói được, và cuối cùng thì họ tin vào điều đó thật. Chúng tôi đã có những tình huống là phải tua lại đoạn băng video lúc trẻ nói đến bảy tám lần trước khi phụ huynh có thể nghe được con mình nói.
Hãy nghĩ về điều này một chút: Nếu bạn không thể nghe thấy khi con nói, thì bạn không thể phản hồi lại với con và từ đó giúp con xây dựng ngôn ngữ.
Và trên hết, chúng tôi thấy rằng các bậc cha mẹ, nhà trị liệu và giáo viên sẽ không kiên trì trong nỗ lực giúp trẻ có được ngôn ngữ khi họ không tin đứa trẻ đó có khả năng nói. Vâng đúng thế, sự kiên trì này là cần thiết cho nhiều trẻ tự kỷ để phát triển ngôn ngữ!
Việc này vô cùng quan trọng khi bạn tin con mình hoàn toàn có khả năng nói được – mặc kệ cho những gì mà người khác nói với bạn. Chỉ cần nhớ rằng: Cha mẹ tôi đã từng được đưa cho một danh sách dài – kể cả những buổi nói chuyện – về những điều mà tôi không bao giờ có khả năng đạt được. Và thay vì tin vào những dự đoán đó, họ tin tưởng ở tôi.
Tạo ra ý nghĩa cho ngôn ngữ
Đôi khi, trong lúc nỗ lực để giúp con giao tiếp bằng ngôn ngữ, thì chúng ta lại bị tập trung quá vào việc đơn thuần chỉ dạy con lặp lại những từ ngữ mà thôi. Tôi nhìn thấy các bậc cha mẹ hay bị rơi vào cái bẫy này theo một trong hai cách. Cách đầu tiên là chỉ vào một vật nào đó, đọc tên nó, và sau đó cố gắng để con họ lặp lại lời vừa nói. Cách thứ hai là nói một câu, bỏ trống từ cuối cùng và cố gắng để con điền nốt từ còn lại. Ví dụ, cha mẹ có thể nói: “Đã đến giờ đi________”, sau đó cố gắng để con nói từ “ngủ”.
Vấn đề đối với những chiến lược này là, ngay cả khi bạn thành công trong việc dạy con nói được từ đó, thì đó cũng không phải là giao tiếp một cách đúng nghĩa. Con bạn không biết những từ này có nghĩa là gì và hoàn toàn không có hứng thú chủ đích nào với những từ được dạy.
Nhiều phụ huynh đến với The Start-Up Program để tìm kiếm sự giúp đỡ đối với vấn đề ngôn ngữ của con họ. Và hiển nhiên, chúng tôi có những học phần cụ thể dành cho việc giao tiếp bằng ngôn ngữ. (Trong suốt những học phần đó, cha mẹ của những em có khả năng ngôn ngữ cao sẽ được tách sang một lớp học riêng biệt thích hợp hơn với con cái của họ). Trước khi Charlotte tham dự The Start-Up Program, con trai cô, James, hoàn toàn chưa nói gì. Đến khi kết thúc khóa học ở tuần sau đó, cậu bé đã nói ba chữ đầu tiên của mình: “Dipsy” (nhân vật Teletubby yêu thích của cậu bé), “bóng đỏ” (quả bóng cao su mà cậu bé thích), và “Hổ” (con thú nhồi bông yêu thích của cậu bé).
Tôi kể với bạn điều này để làm rõ được một điểm đặc biệt: Cả ba từ đầu tiên của James đều là những từ thực sự có ý nghĩa với cậu bé. James nói những từ này không phải bởi vì mẹ cậu cảm thấy nó là những từ quan trọng nhất để cậu học. James nói điều đó bởi vì chúng ám chỉ đến những đồ vật quan trọng với cậu bé.
Khi giúp con sử dụng ngôn ngữ, bạn luôn muốn thử thách con sử dụng những từ ngữ có ý nghĩa với bé. Bạn cần liên đới từ ngữ với những điều mà con muốn hoặc quan tâm. Nếu con bạn thích quả bí (James cũng vậy), bạn có thể bắt đầu bằng từ “bí” – nhưng chỉ khi bạn đang có sẵn miếng bí ở đó. Sau đó, bạn có thể lấy một miếng bí ra, thật hào hứng với nó, đưa miếng bí cho con và nói “bí” ngay khi con cầm lấy. Lần tiếp theo, bạn có thể đưa cho con một miếng khác, lần này hãy mời gọi con nói “bí” để bạn có thể đưa cho bé. Tôi phải nói với các bạn điều này, khi James nói: “Làm ơn cho con í” (cậu bé chưa nói rõ được từ “bí”), tôi tưởng mình như ngã quỵ vì thằng bé quá mức đáng yêu. (Hãy lưu ý một điều là,Charlotte và tôi chưa bao giờ tập trung vào dạy James nói từ “Làm ơn” – Chúng tôi tập trung vào những thứ quan trọng hơn. Cậu bé chỉ đơn giản thu nhặt từ đó nhờ nghe lời đề nghị lịch sự của mẹ).
Có nhiều trẻ thích được bóp chân. Trường hợp này, bạn có thể làm điều tương tự như với trường hợp quả bí. Bạn hãy thể hiện sự hào hứng bằng cách đặt bàn tay của bạn ngay trên bàn chân của con mình và nói “bóp”. Sau đó, bạn bóp chân cho con. Tiếp theo, bạn có thể đề nghị bóp chân cho con lần nữa, lần này hãy mời gọi con nói từ “bóp” – và ngay lập tức bóp chân cho con thật đã đời nếu con nói. (James thường nói ngọng thành “Làm ơn óp chân cho con”, khiến tôi suýt chết lần nữa vì thằng nhóc dễ thương quá sức chịu đựng
Quan trọng là bạn giúp con học những từ có liên quan đến con, không phải chỉ là lời nói vu vơ nào.
Từ ngữ: Hãy khiến chúng trở nên có ích đối với trẻ
Điều quan trọng là con thấy được việc sử dụng ngôn ngữ có lợi cho chúng. Và chính cách mà bạn phản ứng lại với ngôn ngữ hoặc những cố gắng sử dụng ngôn ngữ của con sẽ là yếu tố quyết định cho điều đó có xảy ra hay không. Khi con (chỉ là ở thời điểm hiện tại) vẫn đang gặp khó khăn về ngôn ngữ, thì con cần phải nhìn thấy sự liên hệ mạnh mẽ và tức thời giữa việc sử dụng ngôn ngữ với việc con có được những gì mình muốn.
Dưới đây là năm chiến lược quan trọng để giúp con cảm thấy thú vị hơn nhiều trong việc sử dụng ngôn từ:
1.Di chuyển nhanh: Khi con nói một từ, ví dụ như “bóng”, hãy chạy tới quả bóng và lấy nó. Đừng đi thong thả. Đừng đi nhanh. Phải chạy. Nếu bạn phải lấy một cái gì đó ở trên kệ, thì hãy lấy thật nhanh – và với một thái độ cực kì hào hứng. Chúng ta thường thủng thẳng đi lấy một món đồ gì đó, khi con dùng ngôn ngữ để nói cho chúng ta biết điều con muốn. Vài lần khác thì chúng ta bận rộn với việc gì đó và bảo với con là “để sau”. Kể từ bây giờ trở đi, trừ phi việc đó quá khẩn cấp, còn không, bạn phải cố gắng sống chết để lấy món đồ mà con nói ra cho bạn biết là con muốn. Đừng lo lắng là sẽ “làm hư” con. Ngay bây giờ điều chúng ta muốn là ngôn ngữ. (Nếu con bạn khóc, kéo hoặc quấy phá để có được những gì con muốn, thì đó là một câu chuyện khác. Chúng ta sẽ tìm hiểu những tình huống này trong Chương 14.)
2. Ăn mừng với bất kì nỗ lực sử dụng ngôn ngữ nào của con
Chúng ta sẽ nói đầy đủ hơn về việc “ăn mừng” trong Chương 11, nhưng chúng ta cũng không muốn quên đi tầm quan trọng của nó trong chương này. Chúng ta cực kì dễ bỏ qua nó, đặc biệt khi con bắt đầu nói nhiều hơn. Luôn luôn, luôn luôn “ăn mừng” đối với ngôn ngữ. Chúng ta ăn mừng từng từ, từng nửa từ, ăn mừng với từng câu mà con nói với chúng ta. Chúng ta sẽ nói những điều như: “Cảm ơn con rất nhiều vì đã nói cho mẹ biết! Của con nè!” (Sau đó, bạn đưa cho con đồ vật mà con yêu cầu.) Bạn có thể linh hoạt ăn mừng với muôn vàn cảm xúc.
3. Yêu cầu sử dụng ngôn ngữ
Điều này có vẻ hiển nhiên, nhưng tôi thấy rất nhiều bậc cha mẹ đưa cho con thứ con muốn bởi con chỉ, kéo tay, hoặc khóc lóc, v.v. Vì bạn hiểu rất rõ về con, bạn có thể đoán được ý con muốn gì khi làm những hành động này, thay vì con phải nói cho bạn biết. Tôi hoàn toàn có thể hiểu được nếu bạn cảm thấy bị thôi thúc phải đáp ứng lại tất cả các tín hiệu phi ngôn ngữ này của con. Lần tới, khi bạn nhận được một trong những tín hiệu này, hãy dừng lại và yêu cầu con sử dụng ngôn ngữ. (“Ồ, mẹ biết là con muốn một cái gì đó. Hãy nói cho mẹ biết, rồi mẹ sẽ chạy đi và lấy nó cho con nhé!” Hoặc “Con nói ‘bóng’, rồi mẹ lấy nó xuống ngay cho con!”) Lưu ý: chỉ yêu cầu sử dụng ngôn ngữ khi con bạn có một mong muốn rõ ràng với một vật gì đó. Đấy là lúc mà bạn có được sự tham gia của con, nên bạn có được sức mạnh đòn bẩy.
4. Chọn những từ có ích
Khi lựa chọn từ ngữ để yêu cầu con nói, bạn hãy chọn những từ có liên quan đến các mục mà con muốn (ví dụ, dạng danh từ như “bóng”, “Gạch”, “thức ăn”, “Hổ”, “đồ uống”, v.v) hoặc lọai hành động mà bạn có thể làm điều gì đó vui (dạng động từ như “bóp”, “cù lét”, “xoa”, “bật nảy”, “cưỡi ngựa”, v.v). Bạn nên lựa chọn các từ ngữ cụ thể mà bạn có thể đáp ứng ngay lập tức phản hồi lại với con. (Đừng chọn các thể loại mà bạn không thể hoặc không muốn cung cấp hay làm cho con, chẳng hạn như “kem” hoặc “lái xe”).
5. Nâng dần khả năng ngôn ngữ của con
Khi con bạn đã cải thiện tốt hơn về mặt ngôn ngữ, bạn muốn liên tục thay đổi mức “hiểu” của mình, vì thế con phải mở rộng thêm độ dài câu nói để bạn hiểu hơn. Nếu con bạn đã nói được những từ đơn (ví dụ như “bóng”), thì hãy bắt đầu chuyển lên cụm hai từ (“muốn bóng” hay “bóng đỏ”). Khi con đã sử dụng tốt cụm hai từ, hãy chuyển sang làm việc cụm trên ba từ, và cứ tiếp tục như vậy. Giám đốc Chương Trình tại ATCA, William Hogan, đã phát triển khái niệm “Thang Đo Giao Tiếp” để phác thảo về quá trình này.
THANG ĐO GIAO TIẾP
Các bước của Thang đo Giao Tiếp là:
1.Từ khóc, la hét, giận dữ, xô đẩy, v.v giờ trẻ có khả năng nói được vần của từ đơn (ví dụ: “bo” trong từ “bóng”).
2. Từ vần của từ đơn, giờ trẻ có thể nói được từ đơn.
3. Từ từ đơn, giờ trẻ có thể nói các cụm từ
4. Từ các cụm từ, giờ trẻ có thể nói thành câu.
5. Từ câu, giờ trẻ có khả năng trao đổi theo “chu kì” đơn lẻ. (Chúng tôi gọi đó là các “chu kì”. Một chu kì được tính theo: Bạn trình bày điều gì đó hoặc đặt câu hỏi, và trẻ phản hồi bạn – Hoặc ngược lại).
6. Từ một chu kì, giờ trẻ có khả năng thực hiện nhiều chu kì.
7. Từ nhiều “chu kì”, giờ trẻ có thể thực hiện các hội thoại.
Hãy nhìn vào ba bước đầu tiên, chúng ta nói thêm một chút cho những gia đình có con chưa hoặc rất ít khả năng ngôn ngữ. Bước đầu tiên của giai đoạn này là làm cho ngôi nhà của bạn trở thành nơi mà con bạn không dễ dàng có thể lấy được những thứ mà con muốn ở đó. Hầu hết những trẻ mà chúng tôi làm việc đều sống trong những ngôi nhà, mà trẻ muốn cái gì thì cũng có thể tự lấy ngay được. Trẻ có thể mở tủ lạnh và lấy thức ăn. Trẻ có thể lấy bất kỳ đồ chơi nào mà trẻ muốn. Vấn đề xảy ra với kiểu như vậy là, không có lý do để một đứa trẻ – gặp những khó khăn rất lớn với ngôn ngữ – cố gắng nói khi trẻ dễ dàng có được những gì mình muốn. Bạn có thể yêu cầu con sử dụng ngôn ngữ cả ngày, nhưng nếu con chỉ cần với một cái là đã có thể lấy được những gì mình muốn thì bạn đang có cả một chặng đường thách thức trước mắt.
Nếu con có ít hoặc chưa có khả năng ngôn ngữ, bạn nên là người mang đến tất cả mọi thứ cho con. Tất cả mọi thứ phải được đặt ngoài tầm với của con, có như vậy con mới nhận thấy nếu nói một cái gì, thì bạn sẽ lấy ngay món đó cho. Ngôn ngữ chính là quyền lực. Ngôn ngữ có sức mạnh. Ngôn ngữ là hữu dụng. Và bạn phải là phương tiện để truyền tải thông điệp này cho con.
Điều thứ hai, trong giai đoạn đầu giúp con nói, hãy chắc là bạn sẵn sàng đáp lời lại con dù chỉ với các vần của từ như “eo” hay “mơ”. Cố gắng hết sức để đoán những âm thanh này có nghĩa là gì và đáp lời như đã nói ở trên.
Hãy để con quen rằng, những phần đơn lẻ này cũng có tác dụng để giao tiếp. Rời tới khi con đã sử dụng những âm thanh này thường xuyên, bạn có thể chuyển sang bước tiếp theo trong Thang Đo Giao Tiếp nhờ trở nên “hiểu ít” hơn và đề nghị hoặc phản hồi lại bằng những từ hoàn chỉnh.
Điều thứ ba, trong những giai đoạn đầu của quá trình phát triển ngôn ngữ, bạn sẽ có sức mạnh đòn bẩy nhiều nhất để thử thách con nói, khi con muốn một cái gì đó. Vì vậy, hãy chắc chắn rằng, bạn sử dụng các lưu ý ở trên để yêu cầu, phản hồi và ăn mừng hết mình với khả năng ngôn ngữ của con. Lúc đầu, bạn có thể thấy con trở thành một “cỗ máy chỉ biết đòi”, sử dụng ngôn ngữ chủ yếu là để xin cái gì đó và ra lệnh cho người khác. Điều đó hoàn toàn không sao cả. Trên thực tế, điều này rất tốt! Trẻ đang học các nguyên tắc cơ bản của giao tiếp bằng lời nói đấy thôi!
Khi con thành thạo và nhất quán trong việc sử dụng ngôn ngữ để xin (hoặc yêu cầu) những điều mà con muốn, chúng ta sẽ chuyển sang bước tiếp theo.
Không chỉ dừng lại ở “con muốn”
Ngôn ngữ giao tiếp không chỉ là sử dụng từ ngữ hay số lượng từ vựng, dù chúng ắt hẳn quan trọng. Máy tính cũng có thể nói được ngôn ngữ. Nhưng nó không có bạn bè. V ì vậy, mặc dù số lượng từ vựng là một trong những khía cạnh của giao tiếp được ghi nhận trong Mô hình phát triển của The Son- Rise Program®, nhưng là chưa đủ và chưa phải tất cả trong các vấn đề về ngôn ngữ.
Vì hầu hết mọi người có xu hướng chỉ tập trung vào số lượng từ trong vốn từ vựng của trẻ, nên một trong những yếu tố thường bị bỏ qua là trẻ sử dụng từ ngữ của mình vào việc gì.
Trong Mô hình phát triển của The Son-Rise Program®, chúng tôi gọi đây là chức năng của giao tiếp bằng ngôn ngữ. Phần này đặc biệt có liên quan đến các trẻ tự kỷ.
Chức năng đầu tiên – hay mục đích đầu tiên – của việc sử dụng ngôn ngữ là để có được những cái mình cần và mong muốn. “Con muốn ăn”. “Con muốn đồ chơi”. “Con không muốn tắm”. Thật vậy, việc giúp con thấy rõ sử dụng ngôn ngữ chính là cách hiệu quả nhất để có được những gì mình muốn, thì rất cần thiết. Mặt tích cực trong giai đoạn này đó là có một mối liên hệ rất rõ ràng giữa nói với được đáp ứng ngay lập tức điều con muốn.
Tuy vậy, chúng ta không muốn chỉ dừng lại ở đó. Khi con đã có thể nói rõ những gì bé muốn (hoặc không muốn), chúng ta sẽ giúp con xây dựng ngôn ngữ có tính xã hội hơn, chẳng hạn như:
• Nói để bắt đầu hay tiếp tục một tương tác hay trò chơi.
• Giải thích hay nói chuyện về một khía cạnh cụ thể của một tương tác hoặc trò chơi.
• Chia sẻ một câu chuyện.
• Nói với ai đó bản thân cảm thấy thế nào hoặc thích điều gì.
• Tìm hiểu về người khác (Họ muốn làm gì tiếp theo, họ thích gì, họ cảm thấy thế nào, v.v)
• Cuối cùng, thảo luận về quan điểm, sở thích, hy vọng và ước mơ.
Đây là những chức năng làm cho giao tiếp bằng ngôn ngữ có được sự phong phú vốn có. Chúng ta có thể bắt đầu xây dựng các chức năng này của ngôn ngữ bằng cách đưa chúng vào các mục tiêu. Dưới đây là một số ví dụ mẫu:
• Dùng một từ để chỉ những gì đang diễn ra, ví dụ như nói từ “Chạy” khi con hay ai đó đang chạy.
• Liên kết được cảm xúc với một điều gì đó, ví dụ như nói: “Dễ chịu” khi bạn bóp chân cho bé.
• Nói về cảm giác mà có.
• Giải thích những hướng dẫn đơn giản về một trò chơi cho bạn.
• Chia sẻ về điều mà con thích làm trước khi đi ngủ.
• Kể về những việc diễn ra trong ngày hôm đó.
• Hỏi con một câu hỏi liên quan đến con.
• Hỏi xem con muốn làm gì.
Đừng dạy ngôn ngữ thiếu ý nghĩa
Thông thường, các bậc phụ huynh, giáo viên và các nhà trị liệu có cái nhìn hẹp trong ngôn ngữ giao tiếp. Họ biết giá trị của ngôn ngữ, nên nó trở thành ưu tiên hàng đầu. Không cần bàn thêm, giao tiếp bằng lời là vô cùng quan trọng. Nhưng hãy nhớ: Tự kỷ là một rối loạn về giao tiếp xã hội. Và ngôn ngữ chỉ là một phần của vấn đề còn lớn hơn nhiều. Nếu không phải như vậy, thì bạn sẽ có một đứa trẻ biết nhìn mọi người, yêu thương mọi người xung quanh, chơi trò chơi tương tác với mọi người, linh hoạt, cười trước một trò đùa, kết bạn và dùng ngôn ngữ cơ thể để bày tỏ suy nghĩ của mình dễ hiểu và rõ ràng. Nói cách khác, bạn sẽ có một đứa con không mắc chứng tự kỷ mà đơn giản chỉ là thiếu hụt về ngôn ngữ.
Khi giảng dạy ngôn ngữ giao tiếp một cách thiếu ý nghĩa, có nghĩa là chúng ta không dạy ngôn ngữ đồng bộ với các dạng giao tiếp khác. Ví dụ, tôi đã từng biết những đứa trẻ và cả người lớn mắc chứng tự kỷ, có thể nói trôi chảy nhưng lại hoàn toàn không có giao tiếp bằng mắt, không có giọng điệu khi nói, không có biểu hiện trên khuôn mặt, không có bạn bè và ít quan tâm đến người khác. Điều này không có nghĩa là xấu hay thất bại. Thật tuyệt khi những đứa trẻ hay người lớn này phát triển xa hết mức mà họ có thể. Nhưng có thể ngoài ngôn ngữ ra, họ sẽ cần đến rất nhiều sự giúp đỡ khác, ai đó sẽ cần phải giúp cho họ những phần còn lại mà họ chưa có.
Đừng quên về sự rõ ràng
Một khía cạnh trong ngôn ngữ, đặc biệt dễ bị bỏ qua, là sự rõ ràng. Bởi vì bạn thật sự biết con mình, nên khả năng để hiểu bé của bạn cao hơn. Trong nhiều trường hợp, đây là một minh chứng cho tình yêu và sự quan tâm của bạn dành cho con.
Tuy nhiên, bạn có thể không nhận ra con không thể làm cho người khác hiểu được bản thân. Việc con có thể nói để cho những người không phải là thành viên trong gia đình hiểu được con, là một phần quan trọng để tiến bộ khi trải qua năm giai đoạn của giao tiếp bằng ngôn ngữ.
Khi bạn bắt đầu giải quyết thách thức này, tôi có hai lời khuyên. Việc đầu tiên là để cho một hoặc hai người đến nhà bạn (không phải cùng một lúc) và xem họ có thể hiểu được những gì con bạn đang nói hay không. Điều này sẽ cho bạn một cái nhìn khách quan hơn về con.
Lời khuyên thứ hai là “giả ngốc”. Nếu con nói lầm bầm điều gì đó với bạn, bạn có thể đáp lại thế này: “Cảm ơn con đã nói cho mẹ biết về điều con muốn! Mẹ muốn giúp con lắm, nhưng mẹ không thể hiểu được. Con có thể nói chậm lại một lần nữa không?” Sau đó, tạm dừng lại và chờ đợi cho con thử.
Có nhiều cách khác nữa để giúp con nói rõ ràng hơn, nhưng trước hết phải biết được khả năng nói hiện tại của con và tiếp tục động viên con nói rõ ràng hơn.
Chúng ta đã nói rất nhiều về những gì cần làm để giúp con phát triển ngôn ngữ. Bây giờ, hãy cùng nhấn mạnh một số điều rất quan trọng, mà chúng ta không nên làm ở đây.
Nói quá nhiều
Một trong những sai lầm phổ biến nhất mà tôi thấy là, mọi người liên tục tường thuật lại những gì đang diễn ra khi ở cùng với con mình. “Con đang tâng bóng à”. “Ôi chao, con xây cái lâu đài to quá”. “Mẹ sẽ tạo kiểu tóc thật đặc biệt cho con búp bê này nhé”. “Ồ, xem này, đây là hình hai con thỏ đang chạy qua cánh đồng”. “À, được rồi, một miếng cho con và một miếng cho mẹ”. Vốn dĩ những câu này không có gì sai cả. Nhưng tôi thường nghe cha mẹ và các trị liệu viên thực hiện một tràng liên tục các câu như thế. Đôi khi tôi cảm thấy như mình đang nghe tường thuật lại của một vở kịch vậy.
Có vấn đề gì khi chúng ta tường thuật lại như vậy? À lúc ấy bạn đang lấy mất tất cả các không gian nói, và cũng có nghĩa là con không có cơ hội, hay một khoảng trống nào để nói.
Trừ phi con đã có khả năng nói lưu loát, nếu không phải mất rất nhiều công sức để con có thể bật ra tiếng nói. Và điều này mất rất nhiều thời gian. Bạn cần phải cung cấp cho con khoảng thời gian đó. Khi bạn cho con nhiều không gian hơn (ở đây, đó chính là sự im lặng), thì con sẽ có nhiều cơ hội để nói hơn.
Tương tự vậy, đừng hỏi con dồn dập. Điều này cũng lấy mất của con rất nhiều không gian nói. Hơn nữa, nó có thể làm cho con cảm thấy rất áp lực với ngôn ngữ. (Tôi không nói rằng không nên đặt câu hỏi cho trẻ, tôi chỉ nói rằng không nên hỏi dồn dập trẻ một lúc quá nhiều câu hỏi.)
15 năm trước, khi tôi bắt đầu làm việc với cháu gái Jade của tôi, lúc đó tôi là một “Ngài lắm mồm”. Tôi hỏi cô bé rất nhiều câu hỏi, đưa ra nhiều câu khẳng định và quăng ra một mớ lời đề nghị.
Và Jade đã không nói một lời nào hết.
Bryn và William quan sát ngày chơi đầu tiên của tôi, và họ nói với tôi rằng tôi đã chiếm tất cả không gian nói của Jade từ cách nói chuyện của mình. Tôi ghi nhận những gì Bryn và William nhận xét, nhưng tôi nghĩ thầm trong đầu rằng: Kệ, chắc là mình cũng không đến nỗi nói nhiều. Sau đó, họ đã ghi hình lại giờ chơi của tôi. Tôi đã vô cùng kinh ngạc với số lần nói của mình! Tôi co rúm người khi ngồi xem lại đoạn video, chỉ muốn hét vào chính mình ngay lúc đó: “Yên lặng một chút dùm tôi cái!”
Lần tiếp theo khi tôi làm việc với Jade, tôi tập trung lắng nghe cô bé nhiều hơn. Không phải là tôi không nói chuyện trong giờ chơi của mình, nhưng kể từ khi tôi tập trung để ý tới cô bé và tới bất cứ điều gì cô bé có thể nói, tôi thấy mình không cần phải nói nhiều.
Trong buổi chơi đó, cô bé Jade đang trong giai đoạn đầu của việc nói, đã thốt ra mỗi vài phút một từ. Sự khác biệt về số lượng các lần Jade nói trong hai buổi tôi chơi với bé thật đáng kinh ngạc.
Vì vậy, hãy chắc chắn rằng bạn dành nhiều không gian cho con mình nói. Bạn sẽ làm được điều này mà không nhất thiết phải gượng ép bản thân nói ít lại, thay vào đó duy trì mục tiêu: Nghe con nói một cách mạnh mẽ và bền bỉ.
Dùng các cách nói khác nhau về cùng một vật ở những thời điểm khác nhau
Thỉnh thoảng, khi đưa thức ăn cho con, bạn có thể nói: “ăn”. Lần khác, bạn có thể nói: “thức ăn”. Khi đưa cho con món đồ chơi tàu lửa Thomas, bạn có thể gọi nó là “Thomas” và lần khác là “tàu lửa”. Điều này có thể làm mọi việc trở nên rất khó hiểu với con.
Việc nhất quán trong từ ngữ bạn dùng sẽ rất hữu ích cho con. Bạn có thể gọi quả bóng dán hình quái vật Shrek là gì cũng được, nhưng hãy luôn dùng cách gọi này về sau.
Điều này tất nhiên không áp dụng cho trẻ có khả năng ngôn ngữ tốt, khi mà ngôn ngữ không phải là thử thách của trẻ. Với những trẻ này, bạn thực sự muốn khuyến khích sự đa dạng về ngôn ngữ nhiều hơn. Nhưng đối với những trẻ đang còn học nói, thì chìa khóa nằm ở việc sử dụng cùng một từ cho một vật tại tất cả các thời điểm.
Việc dạy từ “thêm” và “nữa”
Đây cũng là một vấn đề lớn. “Thêm” và “Nữa” là hai từ dễ dàng để giảng dạy và con sẽ thích sử dụng chúng. Tại sao? Bởi một khi con biết hai từ ma thuật này, con không cần phải học nhiều thứ khác! Con có thể nhận được 90 phần trăm những gì con muốn với hai từ này (hoặc với các hình thức dạng cử chỉ của chúng).
Bạn có nhớ chúng ta đã bàn với nhau rằng, mỗi lần con nói thật đáng giá đến nhường nào không? Vâng, bạn sẽ không muốn tạo ra một tình huống, mà con bạn không có lý do nào để tìm hiểu và sử dụng các từ mới. Bạn muốn dạy con sử dụng những từ cụ thể cho những việc cụ thể. Bạn muốn con nói: “cưỡi” (chứ không phải “nữa”) khi con muốn cưỡi trên lưng bạn. Bạn muốn con nói: “bưởi” (không phải “thêm”) khi cô bé muốn ăn thêm bưởi. Đây là cách ngôn ngữ được xây dựng.
Sử dụng những công cụ hỗ trợ giao tiếp
Điều này có thể hơi khó nghe. Có thể bạn đã được hướng dẫn một cách rộng rãi, trong việc sử dụng một Công Cụ Hỗ Trợ Giao Tiếp Bằng Hình Ảnh (PECS) hoặc Ngôn Ngữ Ký Hiệu, hoặc một số biến thể của hai dạng này. Bạn có thể đã bỏ rất nhiều thời gian vào những công cụ hỗ trợ như vậy. Và có lẽ con đã trở nên khá giỏi trong việc nắm bắt chúng.
Có điều là, bạn thực sự mong muốn con giao tiếp bằng ngôn ngữ, tức con nói. Nếu bạn cho con một cách để giao tiếp và có được tất cả những thứ con muốn mà không cần phải nói, thì vì sao con phải vất vả để tập nói? Sau cùng thì, con đã có cách để né không phải nói.
Tôi không nói rằng, trẻ sẽ không nói được nếu bạn sử dụng các công cụ này, nhưng hãy hạn chế hết mức có thể. Và chắc chắn không nên vội vàng. Hãy nhớ rằng: chúng ta muốn việc giao tiếp bằng ngôn ngữ trở nên có giá trị đối với con.
Trong thời gian ngắn, việc từ bỏ những công cụ hỗ trợ này sẽ làm cho con cảm thấy khó khăn hơn. Cách duy nhất để giao tiếp hiệu quả là sử dụng ngôn ngữ. Và nếu con đã quen sử dụng các công cụ hỗ trợ giao tiếp, thì theo lý thuyết, con sẽ thấy khó khăn khi dùng lời nói để giao tiếp. Nhưng nếu trẻ trở nên tốt hơn trong giao tiếp bằng ngôn ngữ, và ngày một tiến bộ hơn, thì đây sẽ là một lợi ích to lớn cho trẻ. Vì chỉ có một số ít người hiểu về PECS hoặc ngôn ngữ ký hiệu. Nhưng tất cả mọi người đều hiểu được ngôn ngữ nói! Vì vậy, mỗi khi khả năng nói của con bạn tiến bộ hơn một chút, là cả một thế giới mở ra với con.
Bạn có thể nghĩ thế này: Nhưng đối với những đứa trẻ thực sự không thể nói thì sao? Chúng ta cũng muốn cho chúng ít nhất một số cách nào đó để giao tiếp chứ? Đó là một câu hỏi chính đáng. Trong thực tế, chúng tôi đã có một vài trường hợp trẻ em trong những năm qua (không nhiều), có những trở ngại sinh lý học nghiêm trọng mà dường như cản trở trẻ trong việc nói. Trong những trường hợp đó, vâng, chúng ta sử dụng PECS hoặc ngôn ngữ ký hiệu.
Nhưng vấn đề là trẻ nào mới thực sự được đưa vào nhóm đó. Chúng tôi cần phải thử hết cách có thể trước khi bị thuyết phục để sẵn sàng cho rằng: “Hãy quên việc nói này đi và tập trung vào những cách khác để giao tiếp”. Chúng tôi phải cố gắng hết sức để trẻ có thể nói, áp dụng các nguyên tắc trong The Son- Rise Program®, trong ít nhất một năm, trước khi xem xét đến một giải pháp khác.
Lễ tạ ơn rất đặc biệt
Đó là lễ Tạ Ơn đầu tiên của Charlotte và James cùng với gia đình tôi. Cha mẹ, các anh chị em tôi và gia đình của họ, cùng một vài người bạn lâu năm của gia đình đều tập trung tại nhà chúng tôi trong ngày này.
Suốt ngày hôm đó, các thành viên trong gia đình tôi thay phiên nhau, mỗi người dành một giờ chơi theo The Son-Rise Program® với James trong một phòng ngủ ở bên cạnh. Tôi đã có thật nhiều trải nghiệm về lòng biết ơn đối với gia đình mình, nhưng chẳng điều gì có thể so sánh được với lòng biết ơn vô tận mà tôi dành cho những nghĩa cử cao đẹp của tình yêu thương này.
Giờ chơi của tôi vào buổi đầu giờ trong ngày, và Charlotte chơi vào giờ cuối cùng. Vào cuối phiên của Charlotte (lúc đó đã vào cuối buổi chiều), cô đi xuống tầng dưới cùng với cậu con trai. James lúc này đang ở giai đoạn rất nhạy cảm với tiếng ồn và môi trường ồn ào xung quanh, và tất cả chúng tôi, những người tham gia vào một cuộc thảo luận sôi nổi trong phòng khách, ngay lập tức im lặng khi Charlotte và James bước vào.
Charlotte bế cậu bé trên tay, và James đang nhìn chằm chằm vào chúng tôi với vẻ mặt rất nghiêm trọng. Mẹ tôi nói: “Xin chào” với James thật nhẹ nhàng. James dừng lại một chút, sau đó nói: “Tan ups”. Tại thời điểm đó, James gặp rắc rối với những âm “s” nằm sau các phụ âm, vì vậy cậu bé sẽ bỏ qua và di chuyển âm “s” ra cuối từ hoặc cụm từ. V ì vậy, “tan up” thực sự có nghĩa là “stand up” (Đứng lên). Thông thường, nếu một người đang làm việc với James ngồi xuống, cậu bé sẽ nói với họ đứng lên. (Tôi đoán James không phải là một fan hâm mộ của sự biếng nhác!).
Lúc này, ngay khi cậu bé nói chúng tôi đứng lên, mỗi người trong phòng (chúng tôi ngồi một nhóm rất đông trong phòng!), không lời nào và cùng nhau đứng lên, dù chẳng có bất kỳ thảo luận nào với nhau từ trước đó.
James sững sờ nhìn chằm chằm. Cứ như là cậu bé đang nghĩ trong đầu rằng:Mình đã nói một điều gì đó, rồi nó đã cho kết quả chính xác và ngay lập tức! Mình nói và cả thế giới di chuyển!
Chúng tôi yên lặng chờ đợi, mỉm cười với cậu bé.
James nói:“Sit down” (“Ngồi xuống”).
Không nói lời nào, mọi người ngồi xuống.
James dường như không thể rời mắt khỏi chúng tôi. Cậu bé nói: “tan up” và yêu cầu chúng tôi đứng lên một lần nữa.
Tất cả chúng tôi đứng lên.
James nói: “Ngồi xuống”. Tất cả chúng tôi ngồi xuống.
Tôi nhìn Charlotte và thấy những giọt nước mắt rơi từ khóe mắt cô. Chưa bao giờ cô và con trai của mình lại được ở trong một môi trường cảm thông, yêu thương và thân thiện với James như vậy!
Hơn nữa, James, tại thời điểm đó trong cuộc đời mình, chưa từng – theo một cách tự nguyện – nói những điều ấy ở nơi đông người. Cậu có thể nói những cụm từ trong tình huống một-một với nhau, nhưng không phải với một đám đông mọi người xung quanh, trong đó có nhiều người mà cậu bé không biết.
James tiếp tục lệnh cho chúng tôi đứng rồi ngồi, sau đó lại đứng lên trong suốt 15 phút. Sau đó, mẹ đưa cậu trở về giường.
Mặc dù nó chỉ vỏn vẹn như vậy thôi, nhưng Charlotte và tôi sẽ không bao giờ quên sự kiện đó.
Bắt tay thực hiện!
Bảng 5 dưới đây được thiết kế để giúp bạn có được chú ý nhiều hơn vào ngôn ngữ của con và cách bạn phản ứng với nó. Dành 15 phút một mình với con, tập trung vào giao tiếp bằng lời nói. Mục tiêu sẽ được ghi nhớ một đến ba từ hoặc cụm từ mà con nói với bạn trong thời gian 15 phút. Nếu con không nói được lời nào, bạn sẽ ghi vào phần âm thanh nghe gần giống một từ như “ba” (ba) hay “ak” (ak).
Rất quan trọng: Đối với mỗi từ, cụm từ hoặc âm thanh, bạn sẽ viết ra cách bạn phản ứng lại. Bạn có vỗ tay không? Bạn có cổ vũ con không? Bạn có chạy đi lấy một cái gì đó cho con không? Bạn đã không làm gì?
Như ở Bảng 4 của Chương trước, hãy dành ra 15 phút. Việc ghi lại chính xác những gì con nói và cách bạn phản ứng, là điều quan trọng nhất ở giai đoạn này.
BẢNG 5
Nguồn thông tin trực tuyến
Trong chương này, hãy truy cập vào www.autismbreakthrough. com/chapter7. Bạn hãy cố lên!
Điểm bắt đầu
Lần tới con bạn muốn một điều gì đó, đề nghị con sử dụng từ ngữ thật nhiệt tình (một từ, một âm thanh, hoặc nhiều từ, tùy thuộc vào khả năng ngôn ngữ hiện tại của con). Cưỡng lại sự thôi thúc hành động theo các tín hiệu khác của con – như: đụng chạm, kéo tay của bạn, nhìn vào những gì mà con muốn – và kiên định trong yêu cầu về ngôn ngữ. Tin vào khả năng nói của con (hoặc nói nhiều hơn)! Sau đó, hãy đảm bảo bạn dừng lại và để đủ không gian cho con được nói.
Ngoài ra, hãy chắc chắn rằng môi trường học của con được bố trí để con không thể đơn giản tự lấy được tất cả mọi thứ mà con muốn. Nhớ rằng, hãy làm cho ngôn ngữ trở nên có ý nghĩa khi con nói!