CẦN LÀM RÕ ĐIỀU NÀY: con có thể có thời lượng tập trung lâu một cách đáng kinh ngạc. Nhưng xét cho cùng, nếu trẻ dành hàng giờ đồng hồ để thực hiện hành vi ism, thì đó cũng được xem là có thời lượng tập trung đáng kể đó chứ! Vì vậy, thời lượng tập trung không phải là vấn đề. Mà vấn đề là thời lượng tập trung Tương tác.
Vậy sự khác nhau ở đây là gì?
Các quý cô thân mến, tôi chắc chắn nhiều bạn đã từng thấy ông xã hoặc bạn trai, dường như có một thời lượng tập trung tuyệt vời khi đọc báo trong nhà tắm hay khi đang xem một trận bóng trên truyền hình, nhưng khi bạn muốn kể với họ về ngày hôm nay của bạn như thế nào, thì bỗng nhiên thời lượng tập trung tuyệt vời ấy của họ bị rút lại chỉ còn khoảng sáu mươi giây. Bạn có cảm nhận được sự khác nhau giữa hai loại thời lượng tập trung này không?
Thời lượng tập trung đơn giản là đo xem con bạn có thể tham gia vào một hoạt động trong vòng bao lâu. Vậy thì thời lượng tập trung tương tác đề cập đến việc con có thể tham gia vào một hoạt động tương tác với một người khác trong bao lâu (trước khi trẻ mất sự kết nối này, có hành vi ism, v.v). Thời lượng tập trung tương tác của con bạn có thể là 30 giây, hai phút, 15 phút, hoặc thậm chí có thể là một giờ.
Vấn đề chính là thế này: Nếu thời lượng chú ý tương tác của con thấp (đặc biệt là ở mức 30 giây hoặc hai phút), thì con có thể không bao giờ học được cách tham gia vào một tương tác xã hội thực thụ là như thế nào. Bạn không thể có một cuộc trò chuyện thật sự hoặc chơi một trò chơi chỉ trong 30 giây vỏn vẹn. Nhưng thời lượng tập trung tương tác là một kỹ năng rất dễ uốn nắn. Và khi thời lượng tập trung tương tác của con bạn tăng, thì thời gian tham gia lâu hơn, dẫn tới sự thích thú với những điều người khác đang làm tăng, nên quay trở lại giúp thời lượng tập trung tương tác ở con tiếp tục được củng cố tốt hơn nữa. Rất tuyệt vời, đúng không?
Bạn sẽ muốn quan tâm nhiều hơn về thời lượng tập trung tương tác của con mình. Hãy bắt đầu theo dõi xem con tham gia các hoạt động với bạn được trong bao lâu. Hãy ghi nhớ rằng, nếu con đang có hành vi ism, nghĩa là con đang không tham gia cùng với bạn. Nếu con không phản hồi bạn, con đang không tham gia cùng với bạn. Con phải tương tác với bạn hoặc người khác (chơi, nói chuyện, đuổi theo, nhìn), khi đó chúng ta mới tính là “thời gian tham gia”.
Giả sử con đang có hành vi ism và bạn hòa mình cùng với con. Đột nhiên, con tương tác với bạn trong một phút, rồi cậu bé quay lại với hoạt động ism của mình. Bạn cũng quay trở lại hòa mình với con. Sau đó, con tương tác với bạn trong một phút nữa, rồi lại tiếp tục hoạt động ism của mình.
Nếu vậy thời lượng tập trung tương tác của con trong trường hợp này sẽ là một phút, chứ không phải hai phút. Nếu một phút là khoảng thời gian dài nhất mà bạn có được trước khi con quay lại với hoạt động ism, thì đây là điểm bắt đầu. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, đây chỉ là điểm khởi đầu; nó không nói lên điều gì về việc con có thể tiến bộ được bao nhiêu hay thời lượng tập trung của con sau sáu tháng nữa sẽ lâu hơn bao nhiêu.
Vậy thì nếu thời lượng tập trung tương tác hiện tại của con chưa cao, bạn có thể thực sự xem đó như là một tín hiệu tốt. Nó có nghĩa là khả năng và những thiếu sót của con chỉ phản ánh những gì con đang có với thời lượng tập trung tương tác hiện tại. Suy nghĩ xem có thể nhiều hơn bao nhiêu khi chúng ta kéo dài thời lượng tập trung tương tác.
Các chiến lược thực hiện
Một lần nữa, nguyên tắc hòa mình và động lực cung cấp cho chúng ta nền tảng để thực hiện các chiến lược trong chương này. Bạn hòa mình với con nhiều hơn, thời gian con hoạt động ism sẽ ngắn hơn và thời gian tương tác sẽ tăng lên. Và khi bạn tập trung vào các hoạt động tương tác xung quanh các lĩnh vực con quan tâm và yêu thích, thì bạn sẽ luôn có thời gian tham gia dài hơn so với khi bạn không sử dụng những động lực này của con. Dưới đây là một số cách quan trọng khác để cải thiện thời lượng tập trung tương tác của con:
1. Làm nhiều hơn những điều mà con thích
Tìm ra phần trò chơi hoặc câu chuyện mà con thích, và kèm thêm thật nhiều những trò cùng câu chuyện đó vào những hoạt động của bạn với con. Nếu con thích được cù lét mỗi khi bạn bắt được trong trò rượt đuổi, hãy cù lét con. Nếu con thích nhìn bạn giả vờ té ngã, vậy hãy để bản thân té ngã nhiều hơn. Nếu con thích được bạn đong đưa, hãy đong đưa con nhiều hơn. Nếu con thích chơi trò máy bay cất cánh khi đi du lịch, hãy chơi thường xuyên hơn với con. Nếu con thích nói chuyện về chủ đề “Chiến tranh giữa các vì sao”, hãy hỏi con thật nhiều câu hỏi về chủ đề này.
2. Tiếp tục quay trở lại với trò chơi và hoạt động của bạn.
Nhiều bậc cha mẹ dù có được sự chú ý và quan tâm của con, nhưng vẫn sợ con mất hứng thú trong trò chơi hay hoạt động tương tác. Có lẽ bạn cũng có cảm giác giống như vậy. Hãy thử kiểm tra lại xem. Bạn đã bao giờ nhìn thấy con ngắt kết nối với mình và bắt đầu quay lại hoạt động ism khi cả hai đang ở giữa một trò chơi hoặc một hoạt động chưa? (Tôi cá là bạn thấy rồi!). Hi vọng rằng, bạn đã hòa mình cùng với con sau đó, phải không nào? (Phải không? Đúng không? Hãy nói “có”!) Và sau đó, có thể con sẽ có lại kết nối với bạn. Vậy thì, câu hỏi then chốt ở đây là: Trong tình huống này, bạn đã bao giờ quyết định không thử thu hút con với trò chơi hoặc hoạt động trước đó bởi vì con đã biểu hiện “mất hứng thú” ở lần cuối cùng? (Nếu bạn có, đừng lo lắng – hầu hết các bậc cha mẹ đều làm chính xác giống như vậy!) Sẽ rất có lợi cho con, khi bạn cố gắng để tiếp tục cùng hoạt động mà trước đó còn đang dang dở. Nếu bạn có lại sự chú ý của con một lần nữa (sau khi bạn đã hòa mình cùng với con), bạn có thể nói một điều gì đó đại loại như: “Này, con biết gì không? Chúng ta vẫn chưa hoàn thành trò chơi của mình! Đến lượt của con nè!” hoặc “Mẹ rất vui vì con đã trở lại! Chúng ta leo gần tới ngọn núi rồi!” hoặc “Mẹ rất háo hức đợi nghe câu trả lời của con cho câu hỏi lần trước đấy, thế con vật yêu thích của con là con nào?”
3. Mời con quay trở lại với trò chơi hoặc hoạt động của bạn – một lần.
Có một điều cũng quan trọng không kém với việc bạn sẵn sàng giới thiệu lại với con về một hoạt động, là hãy sẵn sàng để hoạt động đó được kết thúc. Đã bao giờ bạn thấy mình rất vui mừng khi con cùng tham gia trong một hoạt động cụ thể nào đó, đến nỗi khi con ngắt kết nối với bạn, bạn bỏ lỡ các tín hiệu của con – và cố gắng để con tiếp tục với hoạt động chưa? (Nếu vậy, tôi cá với các bạn rằng, tôi chưa bao giờ làm việc với bậc cha mẹ nào mà không bị như vậy, thế nên bạn có cùng một vấn đề như nhiều phụ huynh khác thôi!)
Trên thực tế, thì kiểu thúc ép này phá vỡ các mối quan hệ và sự tin tưởng mà bạn đã dày công xây dựng được. Vì vậy, khi bạn đang ở giữa một hoạt động cùng với con, và bạn thấy con bắt đầu bị gián đoạn, hãy mời gọi con tiếp tục. Chỉ một lần. Hãy chắc chắn rằng, bạn làm điều này một cách vui vẻ và nhẹ nhàng, kiểu như: “ Ồ! Đến lượt của con nè! Hãy kết thúc lượt của con nhé!” hoặc “Ôi, con không thể lái chiếc xe tải từ đằng đó! Tới đây và cầm lái nào” hoặc “Đợi đã! Đợi đã! Hai phút nữa thôi để chúng ta có thể hoàn thành trò chơi! Mẹ thấy vui quá! và chúng ta gần xong rồi!” Tuy nhiên, quan trọng là bạn chỉ nên làm điều này một lần. Nếu con không phản ứng lại, thì phải ngừng yêu cầu ngay. Tại thời điểm này, hãy kết nối với trẻ bằng cách hòa mình, hãy trở thành một người bạn cực kì thân thiện, không đòi hỏi, v.v.
Bắt tay thực hiện!
Bảng 6 dùng để theo dõi thời lượng tập trung tương tác. Dành ra 15 phút với con. Để chơi tốt nhất một số trò chơi tương tác trong khả năng của bạn. Tôi đề nghị hãy khiến việc này được đơn giản. Chọn điều gì cơ bản mà bạn biết là con thích. Thông thường thì cách dễ nhất là chọn một trò chơi thể chất, chẳng hạn như trò đuổi bắt hay đấu vật. Cũng nhớ rằng, bạn không muốn bước vào và chọn một đồ chơi, vật dụng hoặc hoạt động có chủ ý mà con thực hiện nhiều hành vi ism. (Chúng ta đang theo dõi thời lượng tập trung tương tác, chứ không phải thời lượng tập trung bình thường).
Bạn sẽ sử dụng Bảng 6 dưới đây để bắt đầu theo dõi các loại trò chơi hay hoạt động tương tác mà con tham gia được lâu nhất (và ngắn nhất). Trong cột đầu tiên, hãy viết ra một vài từ tóm tắt về hoạt động đó là gì, chẳng hạn như “trò đuổi bắt”, “xây một pháo đài” hoặc “chơi cờ”. Trong cột thứ hai, viết xuống thời gian kéo dài của hoạt động này. Nói cách khác, con cùng tham gia với bạn trong bao lâu trước khi thoát ra và bắt đầu hành vi ism hay làm một cái gì đó khác, v.v?
Hãy nhớ rằng, bạn không nên cố chỉ chơi những trò chơi mà chắc chắn sẽ thành công trong việc thu hút con tham gia. Điểm cốt lõi ở đây là hãy trở thành một thám tử gia. Hãy thử vài điều khác nhau, rồi bắt đầu ghi nhận lại những gì thu hút con và những gì không.
Nếu con duy trì tham gia toàn bộ thời gian. Ôi chao! Lần tới bạn có thể thử thời gian lâu hơn với con.
BẢNG 6
Nguồn thông tin trực tuyến
Để được trợ giúp sâu hơn về các nguyên tắc và kỹ thuật của chương này, vui lòng truy cập www.autismbreakthrough.com/ chapter8. Hãy tận hưởng nhé!
Điểm bắt đầu
Chọn một trò chơi hoặc hoạt động từ Bảng 6 và giới thiệu nó cho con mỗi ngày một lần trong một tuần. Xem có bất kỳ thay đổi nào trong việc con có hoặc không tham gia và trong bao lâu.
Hãy nhớ giới thiệu hoạt động thật vui vẻ, nhưng không thúc ép. Nếu con tham gia các hoạt động nhiều hơn tới cuối tuần, thì thật tuyệt vời. Còn nếu con không, điều đó cũng ổn thôi; bây giờ, thông qua việc “thử nghiệm và có thông tin”, bạn biết hoạt động này chưa thu hút con. Bạn vẫn có thể thử lại trong một hoặc hai tháng sau!