Trước khi chúng ta thảo luận nền tảng trọng yếu này thật chi tiết, tôi sẽ kể cho bạn nghe về Arturo.
Câu chuyện về Arturo
Cha mẹ Arturo rất hài lòng khi đưa cậu đến trường học, nơi áp dụng phương pháp Giáo dục và Đào tạo trẻ tự kỷ và khuyết tật giao tiếp (Training and Education of Autistic and Related Communication- handicapped Children (TEACCH) model). Họ nghĩ rằng trường học này sẽ cung cấp một phương pháp tuyệt vời thay thế cho phương pháp ABA, mà theo suy nghĩ của họ, vốn đã không mấy hiệu quả cho Arturo.
Một đặc điểm mà họ rất thích là ngôi trường khẳng định luôn tôn trọng “văn hóa tự kỷ”. Với phương pháp trên, ngôi trường này tin mọi thứ nên được xây dựng xung quanh những sở trường của trẻ tự kỷ. Ý tưởng chính của ngôi trường là: “Trẻ mắc rối loạn phổ tự kỷ cần có lịch trình sẵn”. (Tôi chắc rằng bạn đã nghe lời khẳng định này trước đây rồi).
Mọi thứ đều được thực hiện theo một lịch trình cụ thể. Trẻ được dạy nhớ kỹ lịch trình này và học tất cả mọi thứ diễn ra tại mỗi thời điểm cụ thể trong ngày. Trẻ được cho xem những bức ảnh (thẻ PECS) về mỗi đặc điểm trong ngày và càng ít biến đổi càng tốt (vì “trẻ tự ỷ gặp khó khăn với sự thay đổi”).
Và theo một vài cách nào đó, hệ thống này thực sự đã có hiệu quả. Hầu hết những đứa trẻ tại trường của Arturo đã trở nên rất thành thạo với việc làm theo những lịch trình, và tỷ lệ khóc quấy ít hơn những ngôi trường giáo dục chuyên biệt khác.
Vì thế Arturo dần trở nên thích ứng với việc làm theo những lịch trình.
Nhưng điều gì sẽ xảy ra khi những lịch trình thay đổi?
Cha mẹ Arturo tham gia The Start-up Program chủ yếu là bởi Arturo rất cứng nhắc, không linh hoạt và thường quấy khóc. Nếu có một sai lệch trong lịch trình tại nhà, cậu bé sẽ quấy khóc la hét. Nếu được cha mẹ dẫn đi một con đường khác đến công viên thì Arturo sẽ ăn vạ. Nếu em gái cậu ở gần cậu nhiều hơn vài phút, Arturo cũng sẽ quấy khóc.
Nếu có người đưa ra những trò chơi khác với trò cậu muốn chơi – hay có ai đó muốn thay đổi bất kỳ chi tiết nào trong trò chơi cậu đang chơi – Arturo sẽ từ chối. Cậu bé thường chơi một nhóm trò chơi hạn chế với cha mẹ, nhưng chúng phải diễn ra chính xác mỗi lần chơi. Cha mẹ Arturo và những người khác thường miêu tả rằng khi chơi cùng cậu thực sự không phải là chơi mà giống như phải trở thành một con robot để Arturo hoàn toàn điều khiển.
Ví dụ, khi cha mẹ Arturo chơi xếp hình cùng cậu, Arturo sẽ túm lấy những miếng ghép lớn khỏi họ. Nếu họ cố gắng dùng những miếng đó, cậu bé sẽ giành lại hoặc la hét. Họ có thể đặt những miếng ghép nhỏ vào hình, nhưng chỉ được bắt đầu từ phía bên phải hình xếp, nếu không Arturo sẽ giành lấy miếng ghép hoặc la hét.
Trong The Start-up Program, chúng tôi hướng dẫn cha mẹ Arturo cách tạo nên sự linh hoạt cho cậu nhờ sử dụng động lực của chính Arturo và cung cấp thêm cho họ một vài chiến lược cụ thể khác.
Khi cha mẹ Arturo trở về nhà, họ thực hiện những gì được học và vui mừng lúc thấy con trai thay đổi nhanh chóng. Cậu bé hầu như không quấy khóc nếu lịch trình thay đổi hoặc suốt những thời điểm chuyển đổi. Cậu bé dần chấp nhận – và thỉnh thoảng – chơi cùng em gái của mình. Cậu bé trở nên linh hoạt hơn trong khi chơi trò chơi, cho phép người khác tạo ra hoặc gợi ý những thay đổi. Danh mục những trò chơi của cậu bé cũng gia tăng đáng kể. Thường thì, cậu bé chơi trò chơi thay vì chỉ đơn giản lặp lại chính xác từng bước.
Quan trọng hơn cả, những người chơi cùng cậu thực sự có cảm giác đang chơi và tương tác, thay vì cảm giác như một cỗ máy bị kiểm soát.
Một lần nọ, mẹ Arturo cầm miếng ghép ưa thích của cậu, cậu bé ngay lập tức giành lại tất cả những miếng ghép lớn. Mẹ Arturo nhẹ nhàng đưa tay ra và hỏi : “Mẹ có thể lấy một miếng ghép lớn được không?”
Arturo nhìn chằm chằm vào mẹ. Mẹ mỉm cười và tiếp tục đưa tay về phía cậu.
Arturo nhìn xuống những miếng ghép trong tay mình. Cậu bé nhìn lại bàn tay đang đưa ra của mẹ, rồi đặt một miếng ghép vào tay mẹ.
Cha mẹ cậu ngày càng cảm thấy cậu trở nên linh hoạt hơn và có tương tác qua lại. Điều này cho phép họ sắp xếp và chứng kiến một điều đã mong chờ từ lâu: Ngày hẹn chơi đầu tiên với Arturo.
Tại sao khả năng linh hoạt lại quan trọng
Cho đến bây giờ, khả năng linh hoạt là yếu tố ít được coi trọng nhất trong bốn nền tảng chúng ta đã nhắc đến. Thực tế, như trong câu chuyện của Arturo, hầu hết chúng ta đều coi trọng điều đối nghịch với sự linh hoạt: sự trật tự. Cho con biết lịch trình trong ngày là xấu ư? Chắc chắn là không rồi. Nhưng cũng như với việc học toán, đây hoàn toàn chưa phải cốt lõi vấn đề. Và như với toán học, điều đó chỉ giúp con trở nên cô lập hơn mà thôi. Hãy nhớ rằng: phần cứng nhắc, trật tự trong não bộ của con đã rất đỉnh rồi. Bạn muốn luyện tập cho phần cơ bị yếu. Bạn muốn phát triển phần não bộ đang gặp khó khăn của con, để từ đó mở ra những cánh cửa hi vọng cho con.
Những sự thật bạn cần lưu ý:
• Sẽ luôn có thay đổi trong lịch trình (như là đường đi, thời gian, thứ tự các sự việc diễn ra, các món ăn được phục vụ, v.v).
• Sẽ luôn có những người khác hiện diện xung quanh con, dù là bạn đồng trang lứa hay người lớn, người hướng dẫn chơi trò chơi hay cách thực hiện các hoạt động...
• Một đứa trẻ khác biệt hay có hành động ism vẫn có thể hoàn toàn thành công ở trường. Một đứa trẻ cứng nhắc và thường xuyên quấy khóc thì không.
• Cuộc sống của bạn sẽ dễ dàng hơn hàng ngàn lần nếu bạn có thể làm mọi việc cùng con và cùng gia đình mà không có những cuộc chiến và quấy khóc. Cuộc sống của con cũng vậy.
• Mọi khía cạnh phát triển của con đều bị mức độ linh hoạt ảnh hưởng sâu sắc.
Được rồi, hãy dành vài phút thảo luận về quan điểm cuối cùng nào. Điều tuyệt vời về khả năng linh hoạt là nó không chỉ ảnh hưởng đến khả năng sẵn sàng và có thể thay đổi theo những hoàn cảnh khác nhau. Ví dụ, khi con gặp khó khăn với ngôn ngữ. Bây giờ, chắc chắn có những trường hợp trẻ mắc chứng apraxia, tức gặp khó khăn trong việc sử dụng cơ miệng để tạo thành từ ngữ, nên rất cần có sự hỗ trợ cơ bản để giúp định hình khuôn miệng khi phát âm.
Tuy nhiên, chúng tôi đã thấy nhiều trường hợp con có thể nói một từ hay một câu rõ ràng vào Thứ Hai, nhưng lại dường không thể nói từ hay câu này vào Thứ Ba. Chúng ta giải thích việc này như thế nào? Chẳng hạn, nếu con có mức cơ miệng thấp hay hoàn toàn không thể phát ra âm, làm sao con có thể nói được vào ngày hôm trước?
Đây là lúc mà sự linh hoạt đóng vai trò quan trọng. Sự linh hoạt khiến con làm theo cách của bạn. (Bất kỳ lúc nào con được yêu cầu một việc, cũng chính là được yêu cầu để làm theo cách của bạn). Đối với hầu hết bọn trẻ, việc này rất, rất thách thức. Đây là sự từ bỏ quyền tự chủ, mà con có thể thấy rất khó khăn vì thế giới của con vốn đã rất mất kiểm soát và không thể hiểu được. Hầu hết mọi lúc, khi nói về ngôn ngữ (nếu con chưa nói thuần thục), một số người đang yêu cầu con nói. Việc này có thể theo cách rất thẳng thừng (“Con nói: “nước” đi”) hay tự nhiên hơn (“Con thích món đồ chơi nào?”). Theo cách nào cũng vậy, trong đa số trường hợp, hành động nói yêu cầu con phải làm theo cách của người khác – nói cách khác là đòi hỏi sự linh hoạt.
Vì thế, nếu con thiếu sự linh hoạt, thì việc nói thành lời sẽ trở nên khó khăn – thậm chí khi con đã có khả năng nói. Mặt khác, nếu bạn cải thiện những vấn đề về sự linh hoạt của con, bạn sẽ loại bỏ một chướng ngại vật khổng lồ cho ngôn ngữ. Và ngôn ngữ chỉ là một ví dụ. Một khi con trở nên linh hoạt hơn, bạn loại bỏ đi hầu hết chướng ngại cho mọi thứ. Mọi khía cạnh khác trong phát triển của con sẽ được giải phóng để tiến bộ.
Chiến lược
Tôi biết mình đã nói điều này rất nhiều lần ở những Nền tảng trước, nhưng tôi cần phải nhắc lại một lần nữa: Bạn đừng cố gắng luyện tập sự linh hoạt cho con khi con đang hoạt động ism, không nhìn, không phản hồi, v.v. Hãy luyện tập sự linh hoạt cho con khi con gần gũi bạn.
Theo đó, dưới đây là vài chiến lược xây dựng sự linh hoạt:
1. Bắt đầu bằng việc trở nên cực kỳ thân thiện.
Điều này có nghĩa là bạn phải cực kỳ linh hoạt và phản ứng nhanh với con. Nếu con muốn lấy tất cả những chiếc xe đồ chơi cho bản thân (kể cả cái của bạn), hãy để con làm vậy. Nếu con nói: “Đừng chạm vào nó”, vậy thì bạn đừng đụng vào. Nếu con muốn bạn đứng bằng một chân, hãy đứng bằng một chân. Việc này giúp tạo nên nền móng nhờ xây dựng sự tin tưởng và thoải mái ở trẻ.
2. Giải thích trước.
Khi có bất kỳ thay đổi hay chuyển biến nào (bữa tối gần đến, chúng ta sẽ chuyển sang phòng khác hay có hoạt động nào, v.v), hãy giải thích cho con biết điều gì sắp diễn ra với một tông giọng nhẹ nhàng, thoải mái, cũng như lý do đi kèm. Ví dụ: “Này con yêu, trong nửa giờ nữa chúng ta sẽ đi giày và bước vào xe. Chúng ta có một buổi hẹn ăn tối”. Lặp lại việc này trước khi hành động 15 phút và trước 5 phút.
3. Hãy để nó “sai”.
Nếu con thường đòi hỏi một trò chơi hay hoạt động theo cách cố định, hãy giả vờ “nhầm lẫn” và thực hiện “sai”. Chẳng hạn, quy trình chuẩn bị đi ngủ thường bắt đầu với chải răng rồi thay đồ ngủ, hãy cho con thay đồ ngủ trước. Nếu bộ xếp hình luôn được xếp theo một thứ tự nhất định, hãy thử xếp theo một thứ tự khác. Khi con nhắc bạn về việc đó (dù bằng lời nói hay cử chỉ), bạn hãy nói những lời như: “Úi! Bố đã làm theo cách khác mất rồi!” và có thể nói thêm: “Thử làm một cách khác cũng thú vị thật đấy!”
4. Chơi đóng vai.
Hãy diễn một hoạt cảnh nhỏ về những vấn đề con thường gặp khó khăn theo một cách vui nhộn, chẳng hạn như việc di chuyển. Ví dụ, nếu con gặp khó khăn với việc ra khỏi nhà, hãy chơi một trò chơi trong nhà, giả vờ như bạn và con đang chuẩn bị ra khỏi nhà. (Con cần đạt được một cấp độ phát triển chung nhất định để bạn có thể thực hiện điều này. Nói rõ hơn, nếu con hoàn toàn chưa biết nói hay chỉ tương tác tối thiểu, bạn nên giữ chiến lược này cho tương lai).
5. Trở nên ngớ ngẩn.
Thường thì, khi có điều gì đó xảy ra ngoài vùng an toàn của con, chúng ta sẽ cảm thấy bứt rứt và căng thẳng (vì chúng ta biết “chuyện gì sắp xảy ra”). Điều này thường làm cho mọi chuyện tệ hơn. Thay vào đó, khi con dường như trở nên kích động trước một sự thay đổi, biến chuyển hay có ai đó muốn thực hiện một việc theo cách khác với cách của con, hãy giả ngốc và ngớ ngẩn về việc đó. Nếu bữa tối được dọn ra sớm hơn 6 giờ theo lệ với con, thì bạn có thể nói như sau: “Ôi trời, cơn gió đang cuốn bố về phía bàn ăn!” hoặc “Mẹ thật kỳ lạ phải không, mẹ lại ăn trước khi đến giờ ăn tối mất rồi!” Bạn cũng có thể làm những hành động, ví như nhảy tưng tưng hoặc giả vờ ngã thật chậm trong khi cố chạy đến bàn ăn.
Đặt câu hỏi, đưa ra yêu cầu
Thật đáng ngạc nhiên với số lượng cơ hội mà chúng ta đang có (và thường là chúng ta không chú ý đến) để biến một hoạt động đang diễn ra, thành một thử thách linh hoạt cho con. Việc bạn không chú ý đến các cơ hội này cũng hoàn toàn dễ hiểu. Chẳng có ai từng nói chúng ta về việc chú ý đến mức độ linh hoạt của con cả.
Dưới đây là vài ví dụ về những câu hỏi và những yêu cầu chúng ta có thể đặt ra (miễn là lúc đó con đang không trong khoảng thời gian hoạt động ism) để con linh hoạt hơn trong các hoạt động:
• “Nhìn con chơi những lượt vừa rồi thật vui, giờ mẹ cũng muốn chơi một lượt.
• “Trời đất ơi! Con nên thử trò chơi của mẹ! Nó thiệt ngầu!”.
• “Bố có một ý tưởng! Hãy thử xem kết quả trông thế nào nếu chúng ta thử với một thứ tự khác vào lần tới nhé!”
• “Con đậu xe ở ô đó thật tuyệt! Bây giờ con hãy thử đậu ở chỗ khác nhé!”
• ”Con nói đúng – chúng ta thường ăn tối lúc sáu giờ. Nếu chúng ta có thể ăn tối vào mọi thời điểm sau sáu giờ, con muốn ăn vào lúc nào?”
• “Đúng rồi, mẹ biết con rất thích miếng xếp hình màu xanh. Lần này, mình thử cách khác nhé. Con thích màu gì khác thay thế nào?”
Bắt tay thực hiện
Bảng 7 được thiết kế để điền các thông tin trong ba ngày. Vào ngày thứ nhất, hãy chọn một điều trong ngày của con mà bạn sẽ thực hiện khác đi – và rủ con cùng tận hưởng sự khác biệt này. Ví dụ, thay đổi giờ của một bữa ăn, khuyến khích con thay đổi trình tự thay đồ (quần rồi đến áo, thay vì áo rồi đến quần). Nếu bạn thường chơi bài, hãy thay đổi một điều luật, như là mỗi người chơi sẽ có hai thay vì ba lượt chơi. Vào ngày thứ hai, hãy chọn thay đổi một mục khác. Vào ngày thứ ba, hãy chọn thay đổi một mục khác. Và hãy nhớ áp dụng 5 chiến lược chúng ta đã đề cập ở trên.
Ở từng trường hợp, dùng Bảng 7 để theo dõi những thay đổi bạn cố gắng áp dụng và phản ứng của con. Cột đầu tiên, hãy ghi lại tên của trò chơi hoặc hoạt động. Cột thứ hai, khoanh tròn vào ô “có” hoặc “không” nếu con đồng ý hoặc không đồng ý thay đổi. (Con có thể từ chối thay đổi bằng cách nói không hoặc đơn giản là lờ đi)
Ghi nhớ: Đừng cố gắng đạt được tất cả câu trả lời có. Ngay cả một câu trả lời không cũng giúp gia tăng sự linh hoạt cho con.
BẢNG 7
Nguồn thông tin trực tuyến
Để được hỗ trợ thêm về nội dung của chương này, hãy truy cập www.autismbreakthrough.com/chapter9. Chúc bạn có một khoảng thời gian tuyệt vời!.
Điểm bắt đầu
Hãy bắt đầu lyện tập ứng xử một cách ngớ ngẩn với các tình huống thay đổi. Cứ mỗi khi có một việc xảy ra theo hướng không lường trước, hãy phản hồi bằng một thái độ vui vẻ, dễ chịu và ngớ ngẩn. Nếu dì Maria không đến vào thời gian đã hẹn, bạn có thể nhảy vòng quanh và la lên: “Ôi chao! Dì Maria vẫn chưa đến! Bây giờ chúng ta có thêm 15 phút chơi đấu vật! (hay vẽ, chơi cái gì đó, v.v)”. Nếu con muốn một món ăn mà bạn không có, bạn có thể giả vờ ăn cánh tay của con – và có thể lén cù lét con. Chẳng có cách nào để biểu hiện ngớ ngẩn thật hoàn hảo cả, vì vậy bạn hãy thoải mái trải nghiệm những điều này.
Lưu ý: Năm chương vừa qua sẽ giúp quá trình phát triển xã hội cũng như cá nhân ở trẻ nhảy vọt.
Tuy nhiên, những chương này chỉ là phần đầu của Mô hình Phát triển trong The Son-Rise Program®, chứ chưa phải điểm kết thúc. Chúng ta dành nhiều thời gian hơn ở The Start-up Program và những chương trình nâng cao để giúp bạn sử dụng mô hình này từng bước một hiệu quả, cùng với việc theo dõi chính xác mức độ hiện tại của con và áp dụng các hoạt động giúp con phát triển đến cấp độ cao hơn. Như đã lưu ý ở Chương 5, bạn có thể tải toàn bộ phương pháp từ trang web của tôi. Bốn nền tảng phát triển kỹ năng giao tiếp xã hội này có thể theo dõi và dễ hiểu được như ngày hôm nay là nhờ vào sự nghiên cứu thực tiễn sâu sắc bởi Bryn và William Hogan – và từ đáy lòng mình, tôi thực sự biết ơn họ.