Chúng ta vừa tìm hiểu xong về việc thiết lập và theo đuổi các mục tiêu xã hội cho con bạn. Thế nhưng, ngược đời ở chỗ, cách tốt nhất để giúp con đạt được nhiều mục tiêu hơn nữa, chính là ưu tiên tập trung vào mục tiêu tương tác với con hơn bất kỳ mục tiêu cụ thể nào khác.
Hãy nhớ rằng: Tương tác là điểm quan trọng hàng đầu khi con bạn có một rối loạn quan hệ xã hội như chứng tự kỷ. Việc xây dựng lòng tin và tăng cường sự tương tác đề cập đến tất cả mọi thứ. Những mục tiêu cụ thể có quan trọng không? Có. Chúng ta có muốn kiên trì và nhất quán trong việc theo đuổi những mục tiêu này với con không? Chắc chắn rồi.
Bạn yêu con và thường xuyên đánh giá sự tiến bộ của con. Điều đó thật tuyệt vời và cũng rất quan trọng. Và tôi biết rằng, thật dễ để kiên định trong việc đạt bằng được một cột mốc đặc biệt với con. Tuy nhiên, trong khi theo đuổi quá trình tiến bộ của trẻ, bất kì một lúc nào đó, việc bạn tạm thời từ bỏ một mục tiêu ngay khi nó gây ra một cuộc chiến kiểm soát với con, là điều cần thiết. Trên thực tế, những trận chiến như thế là một trong những cách giải quyết không có hiệu quả nhất mà bạn có thể có với con. Bạn sẽ muốn tránh các tình huống như vậy bất cứ khi nào có thể (dĩ nhiên là trừ phi nó liên quan đến vấn đề an toàn của trẻ).
Những vấn đề liên quan đến cuộc chiến giành quyền kiểm soát
Bạn còn nhớ ví dụ minh họa về việc đọc sách trên ghế đá công viên ở Chương 2, khi chúng ta đã nói về những trải nghiệm của con bạn về thế giới xung quanh không? Tôi đã trình bày chi tiết hai yếu tố chính chi phối việc cảm nhận của con bạn, đó là: những thách thức trong việc xử lí cảm giác của con (cách mà các giác quan từ thị giác, thính giác, khứu giác và xúc giác có thể đang tạo khó khăn, áp lực, hoặc vô nghĩa đối với trẻ như thế nào) và các vấn đề trong việc nhận diện khuôn mẫu (làm cho thế giới của trẻ trở nên không thể đoán trước, lộn xộn và ngoài tầm kiểm soát).
Khi con người chúng ta – bao gồm tất cả mọi người, không chỉ riêng những người mắc chứng tự kỷ – ở trong những tình huống khổ sở, khi mà bản thân không có sự kiểm soát, không hiểu, lạ lẫm với mọi thứ xung quanh và có quá nhiều thứ đến dồn dập, thì họ thường phản ứng theo những cách rất đặc biệt. Họ sẽ tìm cách đưa tất cả mọi thứ vào một trạng thái có thể kiểm soát được. Họ tìm kiếm những tình huống mà họ có thể phát huy quyền tự chủ của chính mình, thay vì bị ép buộc. Và họ chống lại bất kỳ nỗ lực nào áp đặt kiểm soát lên họ một cách mạnh mẽ.
Khi mọi người di chuyển đến một khu vực lạ, nhập học ở một ngôi trường hoàn toàn mới, đi qua một cuộc ly hôn đau đớn, mất đi một công việc lâu năm, trải qua một tổn thương làm thay đổi cuộc sống, hoặc trải qua giây phút mất đi một người thân của mình, thì họ thường trở nên thích kiểm soát trong phút chốc. Họ có thể quay trở lại thói quen cũ, tìm kiếm chỉ những người quen thuộc nhất, tìm kiếm thời gian được ở một mình (nơi họ có thể kiểm soát tất cả mọi thứ), dọn dẹp nhà cửa một cách điên cuồng, xem phim hoặc chương trình truyền hình quen thuộc, kiểm soát cả những thói quen ăn uống. Đồng thời, họ sẽ thường tránh né những tình huống mới hoặc con người mới, phản kháng mạnh mẽ nếu bạn cố gắng thay đổi hành vi của họ, và sẽ xa lánh bạn, nếu bạn cứ cố kiên trì để làm điều đó.
Như tôi đã đề cập trong Chương 2, khi con bạn có vẻ kháng cự lại, cư xử cứng nhắc, hoặc hoạt động ism, thì con đang không thể hiện điều bất thường một chút nào cả, mà hoàn toàn bình thường. Vì vậy, không quá ngạc nhiên khi con cái chúng ta thường ở trong trạng thái kiểm soát cao như vậy.
Phản ứng đầu tiên của hầu hết mọi người khi đối xử với một đứa trẻ cứng nhắc là cố gắng giành lấy quyền kiểm soát từ đứa trẻ đó. Một số người có thể nghĩ rằng: Để tồn tại được trên thế giới này, con tôi phải quen làm mọi việc đúng cách, vì thế tôi phải chỉnh thằng bé đối với từng việc cụ thể như thế này, theo đúng cách của nó ngay từ bây giờ.
Đối với một số người khác, tình huống có thể thực tế hơn. Bạn có thể nghĩ rằng: Tôi chỉ muốn con tôi đánh răng thôi mà (ví dụ vậy), và chúng tôi sẽ làm được. Tôi biết hiện tại thằng bé còn chống đối với tôi, nhưng mọi việc sẽ sớm qua đi, và việc đó sẽ giúp thằng bé có được một hàm răng sạch sẽ.
Nếu bạn thấy có vẻ như mình cũng giống vậy, thì điều này không những bình thường, mà còn hoàn toàn dễ hiểu. Bạn rất yêu con mình, và đang cố gắng để giúp thằng bé thích nghi với một thế giới mà vốn dĩ sẽ không nhất thiết phải hiểu hay phải quan tâm đến sự khác biệt của thằng bé. Hơn hết thảy thì bạn đã phải xoay sở hàng triệu việc cùng một lúc, và đôi khi bạn chỉ có thể cố gắng để cho qua ngày.
Vấn đề là, nếu cứ đi theo hướng đó thì sẽ mang đến một kết cục phản tác dụng với con bạn. Việc khẳng định quyền kiểm soát với những người đang giữ quyền kiểm soát càng khiến họ trở nên kiểm soát hơn chứ không phải ít đi. Bạn thấy đó, khi quyền kiểm soát của con bạn bị thách thức, trẻ sẽ cảm thấy như bị ép buộc và chiến đấu để giành lại quyền kiểm soát cũng như tự chủ cá nhân.
Hãy cùng hình dung về một sợi dây thừng với một cái nút thắt ở giữa. Tôi đang nắm giữ một đầu và bạn cũng đang giữ chặt một đầu còn lại. Khi bạn càng kéo mạnh bao nhiêu, cái nút sẽ càng thắt chặt hơn bấy nhiêu, bởi tôi sẽ không buông đầu dây đang nắm ra. Bạn không bao giờ có thể gỡ một nút thắt ra theo cách kéo càng mạnh hơn được. Cách duy nhất để tháo được cái nút đó là buông sợi dây thừng ra để có đủ độ chùng nới lỏng cái nút.
Vậy chìa khóa ở đây là: Nếu bạn muốn con trở nên ít kiểm soát hơn (và do đó con sẽ linh hoạt hơn và có thể học được nhiều hơn, phát triển tốt hơn, và cuối cùng là đạt được nhiều mục tiêu hơn), thì bạn phải cho con giữ quyền kiểm soát càng nhiều càng tốt.
Bạn đã bao giờ ôm con khi con không thực sự muốn được ôm chưa (con cứ vặn vẹo hay đẩy bạn ra)? Bạn đã bao giờ động chạm vào món đồ chơi mà con đang chơi, chẳng hạn như các hình khối, để chỉ con cách chơi sao cho “đúng” chưa? Bạn đã bao giờ ép con bắt tay với ai đó hay ép con phải nói: “Xin chào” hay “Cảm ơn” chưa? Bạn đã bao giờ cứ cố giữ lấy con để có thể chải tóc, rửa mặt cho con, v.v, trong khi con thì cứ cố gắng để thoát ra khỏi bạn chưa?
Nếu bạn đã làm bất kì điều nào hay thậm chí tất cả những điều trên đây thì cũng hoàn toàn không sao cả. Vì tôi cũng ít khi gặp bậc cha mẹ nào yêu thương con mà không làm như vậy. Hầu hết họ không nhận thức được những kết quả ngoài ý muốn từ những hành động này khi được thực hiện với một đứa trẻ mắc rối loạn phổ tự kỷ. Bạn có thể giải quyết được các vấn đề ngay tại thời điểm hiện tại (ví dụ như làm sạch răng, chải tóc, v.v), nhưng bạn lại bỏ lỡ sự tương tác và học tập dài hạn, bởi vì con sẽ không chỉ trở nên kiểm soát nhiều hơn mà còn gắn việc học hỏi hay làm điều gì đó mà bạn muốn với cảm giác bị ép buộc và buồn phiền.
Câu chuyện của Michael
Mẹ Michael cảm thấy việc giữ gìn vệ sinh răng miệng cho cậu bé là rất quan trọng. Vấn đề ở chỗ, Michael, một cậu bé bảy tuổi, hơi gầy và chưa có nhiều khả năng ngôn ngữ, lại không nhiệt tình vệ sinh răng miệng cho lắm. Không một chút đắn đo. Mẹ cậu bé đã đưa ra một giải pháp.
Mỗi tối trước khi đi ngủ, cô ấy sẽ nhẹ nhàng hết sức có thể, kẹp cổ Michael và đánh răng cho cậu. Mẹ Michael không thấy vui khi làm điều đó. Mà ngược lại cô còn thấy ghét nó. Nhưng cô ấy không thể tìm thấy bất kỳ cách nào khác để thằng bé chịu đánh răng cả. Chẳng lẽ lại để cho răng của thằng bé rụng hết.
Đây là một trong những vấn đề đầu tiên mà chúng tôi giải quyết khi Michael và mẹ đến ATCA và dùng chương trình chuyên sâu. Mặc dù đánh răng ít khi nằm trong danh sách cần ưu tiên giải quyết của chúng tôi, nhưng với trường hợp của Michael thì lại khác, bởi vì nghi thức đánh răng diễn ra hằng đêm này đã hủy hoại niềm tin của Michael, thứ thật sự cần thiết để cậu bé tiến bộ. (Ban đầu, mẹ Michael có nói với chúng tôi rằng: “Thằng bé luôn trốn khỏi tôi và tôi không hiểu vì sao như vậy”).
Cần làm rõ ý chỗ này một chút, mẹ Michael là một người mẹ hết mực yêu thương và chăm sóc cho con trai. Cô ấy luôn luôn muốn điều tốt nhất cho thằng bé. Chỉ đơn giản là cô đã không thể tìm ra một giải pháp tốt hơn, và cảm thấy bỏ đi việc Michael đánh răng sẽ khiến cô ấy trở thành một người mẹ tồi, vì thế cô thấy bản thân bị kẹt trong cái kịch bản diễn ra hàng ngày với Michael.
Chúng tôi đã bắt đầu một cuộc thảo luận chi tiết hơn với mẹ Michael về tình huống không chịu đánh răng của cậu bé. Sau khi nghe tất cả các lý do của cô về những gì cô đang làm, chúng tôi đã giải thích cho cô lý do tại sao việc ép buộc Michael đánh răng không có lợi cho cậu bé và tới những gì mà cô thực sự mong muốn cho cậu, đó chính là sự phát triển về lâu dài. (Chúng tôi cũng nhấn mạnh tới khó khăn mà cô ấy sẽ gặp phải khi cố gắng đánh răng cho Michael lúc ấy đã lên 15 tuổi).
Sau đó, những người hướng dẫn tại trung tâm sẽ làm việc một-một với Michael trong cả tuần – đã tập trung giải quyết vấn đề đánh răng trực tiếp với Michael. Chắc chắn chúng tôi không lấy việc Michael không thích đánh răng làm ưu tiên số một của mình. Tuy nhiên, chúng tôi muốn giúp Michael trong khi cùng lúc giúp mẹ cậu bé thấy rằng, thông qua The Son-Rise Program®, chúng tôi có thể giúp Michael làm những việc như chải răng mà không cần sử dụng bất kỳ vũ lực hoặc ép buộc nào. Sau đó, mẹ Michael có thể làm tương tự với Michael trong những tình huống mà cô sẽ gặp phải ở nhà.
Chuyên viên hướng dẫn đầu tiên của chúng tôi đi vào phòng chơi cùng với Michael. Trong túi của anh ấy có hai cái bàn chải đánh răng mới. Sau khi đã dành ra một thời gian để kết nối với Michael và là bạn thân thiết với nhau (phản ứng nhanh với Michael, làm chính xác những gì cậu bé muốn), chuyên viên hướng dẫn của chúng tôi đã nói: “Này! Con biết gì không! Chú có một cái này rất thú vị để hai chú cháu mình cùng chơi nè!”
Cùng lúc đó, chuyên viên hướng dẫn nhiệt tình lôi ra hai cái bàn chải đánh răng. Ngay sau khi Michael thấy chúng, cậu bé liền chạy đến phía bên kia của căn phòng, đưa hai tay của mình lên, và nói thật to: “Không!”.
Không chút do dự, chuyên viên hướng dẫn đặt bàn chải đánh răng xuống một cái bàn nhỏ (có chiều cao đủ thấp cho Michael dễ dàng nhìn thấy), rồi nói: “Không sao đâu, Michael. Chúng ta có thể chơi với chúng sau cũng được. Cảm ơn con vì đã nói cho chú biết điều con muốn!”
Sau đó, chuyên viên hướng dẫn bắt đầu cõng Michael cưỡi trên lưng, một trò mà Michael thật sự rất thích. Sau khi chơi vài phút (Michael nói:”“đi” và cười khúc khích mỗi khi cậu bé muốn được tiếp tục), chuyên viên hướng dẫn bất ngờ dừng lại.
“Ôi chúa ơi! Michael, con biết chú chợt nhớ ra điều gì không?” Anh ta nhảy sang chỗ cái bàn, cầm hai cái bàn chải đánh răng lên, và giới thiệu với Michael đầy hào hứng: “Chú có hai cái bàn chải đánh răng nè anh bạn! Cái này vui lắm đó!”
Ngay khi chuyên viên hướng dẫn vừa nói dứt lời, thì Michael lại một lần nữa chạy né sang phía bên kia của căn phòng và nói: “Không!”
Chuyên viên hướng dẫn không một chút nao núng: “Ồ, được thôi. Chú tưởng con đã sẵn sàng cho một vài trò vui vẻ với cái bàn chải đánh răng. Không sao cả. Chúng ta sẽ không làm bất cứ điều gì với những cây bàn chải này cho đến khi con muốn nhé. Được rồi, Michael? Sẽ không làm gì cho đến khi con muốn chơi nó”.
Anh ấy đặt cây bàn chải đánh răng lại trên bàn, rồi sau đó mỉm cười với Michael một cách lém lỉnh: “Tuy nhiên chú phải nói với con là, Michael, những cây bàn chải đánh răng này chắc chắn rất thú vị đó nha!”
Một lần nữa, hai chú cháu trở lại với trò chơi cõng. Sau vài phút trôi qua, chuyên viên hướng dẫn nhận ra có cây bàn chải đánh răng nằm trên bàn như thể lần đầu tiên, liền bắt lấy chúng và giới thiệu với Michael một lần nữa (với sự nhiệt tình tuyệt vời!). Michael phản ứng lại vẫn y như những lần trước đó.
Người chuyên viên hướng dẫn một lần nữa đặt hai cây bàn chải trở lại trên bàn, và giải thích cho Michael rằng, anh ấy sẽ tiếp tục thử chơi với mấy cây bàn chải đánh răng này vì chúng rất vui – nhưng sẽ không chơi với chúng cho đến khi Michael muốn điều đó. (Chúng ta đã có nói đến điều này trong The Son-Rise Program®: Từ “Không” có nghĩa là “Không”... nhưng chỉ trong năm phút tiếp theo. Sau đó, tôi sẽ lại hỏi lại một lần nữa).
Điều này kéo dài hơn một giờ đồng hồ, người chuyên viên hướng dẫn của chúng tôi đưa ra đề nghị chơi với cây bàn chải đánh răng một cách nhiệt tình sau mỗi 5-7 phút. Cuối cùng, Michael bắt đầu thấy được – và thực sự tin rằng chuyên viên hướng dẫn của chúng tôi sẽ không sử dụng vũ lực với cậu bé.
Đến lần thứ 10 hay 11 gì đó chuyên viên hướng dẫn đề nghị cùng chơi với cây bàn chải, thì lúc này Michael đã không quay bỏ đi và cũng không nói: “Không”. Thay vào đó, cậu bé chỉ đứng đó, nhìn vào người hướng dẫn và những cây bàn chải đánh răng.
Chuyên viên hướng dẫn cảm thấy vô cùng sung sướng. Tung cây bàn chải lên! Và cổ vũ Michael một cách tưng bừng. Sau đó, một cách chậm rãi, anh ấy đề nghị Michael lấy một trong những cây bàn chải đánh răng. Michael cầm lấy nó một cách thận trọng. Anh nhảy tưng tưng để ăn mừng: “Con làm được rồi đó chàng trai! Con đang cầm một cây bàn chải đánh răng! Michael con thật tuyệt vời!”
Chuyên viên hướng dẫn đưa bàn chải đánh răng của mình lên miệng và bắt đầu đánh răng. Khi làm điều này, anh ấy đã nói một cách hào hứng với Michael.
“Thánh thần thiên địa ơi! Cái này tuyệt vời thiệt đó!” Anh ấy tiếp tục đánh răng với sự hào hứng hết cỡ. “Michael, con phải thử qua cái này đó nha! Xem chú đang làm gì nè!”
Chuyên viên hướng dẫn lấy bàn chải ra khỏi miệng, đặt nó trở lại, và tiếp tục đánh răng. “Ồ, đã quá!”
Một cách chậm rãi, Michael đưa cây bàn chải đánh răng lên miệng.
Chuyên viên hướng dẫn nói: “Đúng rồi đó, Michael! Bây giờ con đưa bàn chải vô miệng giống chú làm nè! Con thấy không?”
Anh ấy làm mẫu cho Michael xem.
Michael cầm bàn chải để cách miệng một chút, nhưng cậu bé không di chuyển nó.
Lúc này chuyên viên hướng dẫn liếc mắt xem thời gian và nhận ra rằng giờ chơi của anh ấy với Michael chỉ còn ba phút nữa là hết.
Đây chính xác là loại tình huống mà hầu hết mọi người có thể sẽ nghĩ rằng, chỉ còn ba phút thôi! Chúng ta đã ở rất gần! Sao không cầm tay Michael hướng dẫn cậu bé làm nốt phần còn lại.
Đó sẽ là sai lầm cơ bản nhất vì nó có thể phá hủy tất cả những niềm tin đã được thiết lập trước đó. Cụ thể ở đây: Nó không chỉ là về vấn đề đánh răng. Sau việc đánh răng, có một trăm thứ khác mà chúng ta muốn giúp Michael học hỏi được. Nếu chúng ta vi phạm niềm tin bây giờ, mỗi mốc sẽ trở nên khó khăn hơn vì khi đó Michael nhìn chúng mà luôn đi kèm vũ lực và cưỡng chế.
Mặt khác, sẽ thế nào nếu như chúng ta sẵn sàng dành thời gian xây dựng lòng tin, và cho con quyền kiểm soát? Sau đó, các cột mốc đầu tiên (ví dụ như đánh răng) có thể mất nhiều thời gian, nhưng những thứ khác sẽ nhẹ nhàng hơn từ đây bởi vì khi đó chúng ta đã có niềm tin với nhau. Bây giờ thì Michael tham gia vào các hoạt động học tập với niềm vui, cảm giác bản thân được an toàn và có quyền kiểm soát. Bây giờ cậu bé sẽ cùng làm việc với chúng tôi. Thêm vào đó, chúng tôi đã giữ gìn được nền tảng quan trọng mà toàn bộ quá trình phát triển của tự kỷ sẽ dựa trên đó, chính là: Mối quan hệ giao tiếp và tương tác giữa các cá nhân với nhau.
Có một câu hỏi mà bạn muốn tự hỏi bản thân, mỗi khi cảm thấy một sự thôi thúc muốn ép con làm cái gì đấy mặc dù con đang không muốn và kháng cự lại điều đó, chính là: Liệu có sự khác biệt nào trong cuộc sống của con sau một năm nữa, nếu như con phải học điều này ngay thứ năm thay vì thứ sáu hay không?
Tôi gọi câu hỏi này là câu hỏi trả lại sự tỉnh táo, bởi vì việc hỏi và trả lời sẽ luôn luôn đánh thức bạn dậy và nhắc nhở bạn những gì thực sự quan trọng, khi bạn cố gắng dạy cho con những điều mới mẻ. Bạn muốn con tin tưởng vào bạn và yêu thích sự tương tác giữa người với người. Và hơn hết thảy, bạn muốn con biết yêu cầu thêm. Điều này sẽ làm nên sự khác biệt trong cuộc sống của cậu bé sau một năm nữa.
Tất nhiên, chuyên viên hướng dẫn của chúng tôi đã không cầm tay Michael (cùng bàn chải) để hướng dẫn Michael đưa lên miệng. Anh ấy chỉ đơn giản là dành ba phút cuối cùng để cổ vũ Michael và cùng vui vẻ với cậu bé, và họ đã kết thúc giờ chơi ở điểm cao trào mà chưa cần đến việc Michael phải thực sự đánh răng.
Hóa ra ở lần chơi với chuyên viên hướng dẫn khác tiếp theo, Michael đã tự đánh răng. Cô ấy khởi xướng trò chơi gọi là “Cù lét cái răng”, được lấy cảm hứng từ việc Michael đưa bàn chải lên miệng và đánh răng.
Từ đó về sau, Michael đánh răng mỗi tối trước khi đi ngủ một cách tự nguyện, mà chẳng cần mẹ phải thúc ép, đe dọa hoặc kẹp cổ.
Thế nên, bạn hãy nhớ rằng: Bạn muốn kiên định và nhiệt tình trong việc theo đuổi các mục tiêu cùng với con. Nhưng khi con nói không, chống đối bạn hoặc bạn cảm thấy đang có một trận chiến kiểm soát diễn ra, thì hãy nhớ tạm dừng lại những gì bạn đang làm, gạt nó sang một bên và trở lại với nó vào một lúc khác, có thể là một giờ, một ngày hoặc một tuần sau đó.
Con bạn cần cảm thấy an toàn và có được sự kiểm soát trước khi trẻ có thể kết nối với bạn hay bất cứ ai khác. Một khi trẻ cảm thấy an toàn và kiểm soát, bạn sẽ thấy rằng, ngoài việc có thể gắn bó với bạn (điều quan trọng nhất), trẻ sẽ trở nên ít kiểm soát hơn nhiều, linh hoạt hơn và sẵn sàng hơn trong việc học hỏi những điều mới.
Chinh phục quái vật rửa xe
Ngay sau khi tôi bắt đầu hồi phục từ hội chứng tự kỷ và vẫn còn đang làm quen với mọi thứ xung quanh, thì tôi thấy rất sợ một số điều. (Điều này thực sự minh chứng cho sự phục hồi của tôi, vì khi tôi mắc chứng tự kỷ, tôi không cảm thấy sợ – thậm chí cũng không nhận thức được nhiều về bất cứ điều gì. Ngay khi tôi hồi phục, lần đầu tiên trong đời, tôi được hấp thu mọi thứ xung quanh một cách đầy đủ nhất).
Tôi thấy sợ thiết bị rửa xe tự động và cái bồn vệ sinh bị tắc. Vâng, tôi biết hai thứ nghe có vẻ lạ, nhưng tôi sẽ giải thích về nó (dù rằng có thể sau đó, nó vẫn nghe rất lạ!).
Đương nhiên, tôi không biết mình sợ hai thứ đó cho đến khi gặp phải chúng lần đầu tiên. Tôi nhớ là đang ở trong xe với cha, rồi ông ấy nói tôi sẽ được đi qua một thiết bị rửa xe, và điều đó sẽ rất thú vị.
Chiếc xe di chuyển chầm chậm trên đường ray vào khu vực rửa, và tôi nghĩ điều này khá thú vị. Sau đó, tất cả đột nhiên đóng sầm lại. (Ít nhất, đó là cách tôi nhận thức về nó). Tôi nhớ mình đã nhìn thấy những cánh tay khổng lồ giống như quái vật đang đập mạnh vào kính cửa sổ của chiếc xe hơi.
Khỏi phải nói, tôi bắt đầu la hét giống như trong các bộ phim có cảnh giết người đẫm máu.
Cha tôi nhẹ nhàng vuốt đầu tôi và nói: “Cha biết điều này còn mới đối với con, Raun. Nó sẽ qua đi trong hai phút nữa thôi con”.
Tôi vẫn tiếp tục la hét ỏm tỏi.
Cha tôi tiếp tục xoa đầu tôi, nói với tôi là không sao đâu và cho tôi biết khi máy đã rửa được nửa công đoạn, rồi rửa gần xong, và cuối cùng đã hoàn thành.
Cuối cùng thì nó cũng qua đi.
Có hai cách mà các bậc cha mẹ thường sẽ xử lý loại tình huống này. Một là, bản thân họ thực sự bị kích động, không giữ được bình tĩnh khi con họ bị kích động, và sau đó hứa với đứa trẻ là sẽ không bao giờ gặp phải điều đáng sợ này nữa. Trong khi cách thứ hai sẽ là, khẳng định với con không có gì phải sợ và tiếp tục cố gắng để đưa đứa trẻ quay lại khu vực rửa xe một lần nữa với hy vọng trẻ có thể “vượt qua nó”.
Cha tôi đã chọn làm theo một cách khác. Đầu tiên, ngay khi việc rửa được hoàn tất và chúng tôi ra khỏi xe, ông đã giải thích với tôi rằng, điều này là bình thường, và nếu tôi không muốn đi vào bất kì một tiệm rửa xe nào nữa thì cũng không sao cả (ông cho tôi quyền được kiểm soát). Vì vậy, ngay lập tức tôi bình tĩnh lại, vì tôi biết mình sẽ không bị ép để làm một cái gì đó mà tôi cảm thấy rất đáng sợ.
Tiếp theo, ông dẫn tôi đi đến một cửa sổ lớn, nơi chúng tôi có thể xem những gì đang xảy ra trong khu vực rửa xe, đồng thời để chiếc xe của ông một lần nữa quay trở lại khu vực rửa xe, để hai chúng tôi có thể xem những gì đã xảy ra với nó từ bên ngoài. Khi quy trình rửa xe diễn ra, cha tôi giải thích cho tôi biết chính xác những gì đang xảy ra bên trong khu vực rửa xe.
Khi mọi thứ kết thúc, tôi thấy nó thật hấp dẫn nếu xem từ phía bên ngoài – và được nhìn cách nó hoạt động. Cha tôi hỏi tôi có muốn nhìn mọi thứ từ bên trong một lần nữa không, khi mà tôi đã được nhìn thấy những gì xảy ra từ bên ngoài. Tôi trả lời cha một cách nhiệt tình: “Dạ có”.
Hai chúng tôi đã trở lại trong xe, rồi đi tiếp một vòng nữa bên trong khu vực rửa xe và lần này, tôi thực sự rất thích nó. Thật buồn cười với những âm thanh bên trong đó.
Sự kiện này là một mốc quan trọng đối với tôi, và từ nay về sau, tôi chính thức đã trở thành một đứa trẻ thích được đi rửa xe!
Vượt qua nỗi sợ mang tên “tắc bồn vệ sinh”
Như tôi đã đề cập trước đó, một trong những nỗi sợ hãi khác của tôi đó là những cái bồn vệ sinh bị tắc. Có thể bạn sẽ rất thắc mắc: “Tại sao”. Vâng, một câu hỏi hợp lí. Để tôi kể cho bạn nghe đầu đuôi câu chuyện là thế này.
Tôi chạy vào trong bếp và ôm lấy chân mẹ tôi. (Vâng, lúc đó tôi còn rất nhỏ). Mẹ liền hỏi tôi rằng, có chuyện gì vậy con?! và tôi giải thích với bà là tôi vừa xả nước trong bồn vệ sinh, giờ thì nước trong bồn đang bị dâng lên (có lẽ vì tôi đã sử dụng giấy vệ sinh quá nhiều, một sai lầm phổ biến của các tân binh!). Tôi nói với mẹ là tôi sợ đến gần phòng tắm.
Mẹ tôi không cảm thấy khó chịu, không nói: “Ồ, tội nghiệp con trai tôi quá!”, và cũng không cố gắng để đưa tôi trở lại vào phòng tắm (điều đó đem lại cho tôi quyền được kiểm soát).
Mẹ hỏi vì sao tôi thấy sợ cái bồn vệ sinh bị tắc. Tôi trả lời rằng, khi tôi nhìn thấy nước trong bồn dâng cao, tôi cảm thấy như nó đang sắp tràn ra ngoài và tôi sẽ bị chết đuối mất. (Trong trường hợp này, bồn vệ sinh không thực sự tràn ra. Chỉ là tôi lo sợ nó sẽ như vậy). Mẹ tôi không cười hay làm bất cứ điều gì thể hiện rằng, những gì tôi nói thật ngớ ngẩn hay không đáng xem xét một cách nghiêm túc.
Sau đó, mẹ đề nghị tôi mang đến cho bà một số người tí hon của tôi (Đây là những chú lính tí hon mà bình thường tôi hay cầm chơi). Tôi mang ra cho mẹ ba nhân vật trong số đó. Bà đặt chúng vào trong bồn rửa nhà bếp và bế tôi lên để tôi có thể nhìn thấy bên trong. Sau đó mẹ nói với tôi, hãy tưởng tượng bồn rửa này là phòng tắm, còn ống thoát nước là nhà vệ sinh. Cuối cùng, mẹ đề nghị tôi bật vòi nước để mở nước to hết cỡ. (Tôi có thể thấy nước chảy ra mạnh hơn rất nhiều so với trong bồn vệ sinh).
Chúng tôi ngồi đó, nhìn bồn nước dần dần đầy lên cho đến khi cao đến cổ các chú lính tí hon. Phải mất vài phút.
Mẹ tôi hỏi: “Con thấy nước đầy lên có lâu không?”
Tôi trả lời: “Dạ có”.
“Vậy, nếu con là một trong các chú lính tí hon đó, thì con sẽ làm gì trong khoảng thời gian khi mà phòng tắm đang bị ngập dần dần?”
Tôi bất chợt hiểu ra và trả lời mẹ: “Con sẽ chỉ cần rời khỏi phòng tắm.”
Rồi đột nhiên tôi nhận ra rằng, trong tình huống xấu nhất, khi cả nhà tắm bị ngập, thì tôi vẫn có dư thời gian để bước ra khỏi nơi đó.
Việc vượt qua nỗi sợ hãi này rất quan trọng đối với tôi và tôi đã trở thành quý ngài giải quyết bồn vệ sinh mỗi lần bị tắc trong nhà. Bất cứ khi nào mà bồn vệ sinh bị tắc vì bất cứ lý do nào đó, tôi chính là người sẽ tình nguyện để lao vào đó!
Như bạn có thể thấy, bởi vì cha mẹ tôi hiểu tầm quan trọng của việc cho tôi được quyền kiểm soát, họ đã có thể sử dụng nguyên tắc này để giúp tôi vượt qua những thách thức ngay cả sau khi tôi phục hồi từ chứng tự kỷ. Bạn có thể sử dụng nguyên tắc này để giúp con mình ngay từ hôm nay.
Những câu chuyện trong chương này giúp làm rõ một khái niệm cốt lõi của The Son-Rise Program®, đó là:
Bạn chính là đại sứ cho thế giới chúng ta
Bạn đã bao giờ gặp một người nước ngoài chưa? Đã bao giờ bạn nhận thấy bản thân sẽ liên hệ nét đặc trưng của người nào đó với nơi mà họ sinh sống chưa? Nếu người đó tự cao, bạn sẽ nghĩ mọi người đến từ quốc gia đó đều tự cao. Nếu người đó nói to, bạn sẽ nghĩ mọi người đến từ nơi đó đều nói to. Nếu người đó lễ phép, bạn sẽ nghĩ, đất nước đó có một nền văn hóa rất đáng tôn kính.
Với mỗi phút giây mà bạn ở cùng với con, bạn sẽ là người đại sứ giỏi nhất hoặc tệ nhất của thế giới mà bạn mong muốn trẻ bước đến. Bạn đại diện cho thế giới tương tác giữa con người với nhau. Tất cả mọi thứ mà bạn làm cho con sẽ nói cho con biết thế giới của chúng ta trông như thế nào.
Nếu bạn ép buộc hoặc hối thúc, điều đó sẽ nói với con rằng, thế giới của chúng ta là một trong những nơi mà trẻ sẽ bị cưỡng chế. Nếu bạn chê bai, điều đó sẽ nói với con rằng, thế giới của chúng ta là một thế giới thích chê trách. Nếu bạn cho con quyền được lựa chọn, điều đó sẽ nói với con rằng, thế giới tương tác là nơi con có thể cảm thấy an toàn và có quyền tự chủ. Nếu bạn khích lệ, điều đó sẽ nói với con rằng, thế giới của chúng ta là một nơi đầy khích lệ.
Bạn đang đề nghị con về lâu về dài tham gia cùng bạn trong thế giới của chúng ta. Vì lý do này, việc bạn nhận thức được các thông điệp đang gửi đi về những gì mà thế giới này có, sẽ vô cùng quan trọng.
Các nguyên tắc trong thế giới thực và sự ép buộc
Khi tôi nói chuyện tại các buổi hội nghị chuyên đề về tự kỷ, đôi khi tôi nhận được câu hỏi như thế này: Làm thế nào mà những đứa trẻ nắm quyền kiểm soát có thể học được cách đối phó với các “quy tắc và hạn chế” trong một thế giới thực, nơi mà chúng không phải lúc nào cũng có quyền kiểm soát và có thể nói không với bất cứ điều gì chúng không muốn.
Trong những trường hợp như thế, tôi thường nhắc lại rằng, không phải các bậc cha mẹ phải đưa cho con cái quyền kiểm soát suốt đời. Thay vào đó, họ nên làm vậy trong suốt thời gian áp dụng The Son-Rise Program® cho đứa trẻ.
Con cái chúng ta có thể vẫn chưa xử lý được các tác động về giác quan và tình huống xã hội trong thế giới bình thường bên ngoài. Vì vậy, ngay bây giờ, chúng tôi muốn cung cấp tình huống mà trẻ có thể chịu đựng được và sau đó giúp trẻ kéo dài hơn, từng chút một, trong một môi trường ấm áp, đầy tin tưởng và niềm vui, nhằm giúp trẻ có thể xử lý thành công ngày một nhiều hơn các mối quan hệ xã hội.
Một khi trẻ tự kỷ đã vượt qua tất cả hay hầu hết các cây cầu bắc từ thế giới của trẻ để đến với chúng ta – khi mà trẻ đã có khả năng tương tác và thích việc kết nối với người khác, linh hoạt, giao tiếp hiệu quả – thì khi đó chúng ta có thể giúp trẻ làm quen được với các quy tắc trong thế giới thực bên ngoài kia.
Từ kinh nghiệm bản thân, tôi có thể nói với bạn điều này, phần lớn các bạn nhỏ tốt nghiệp trong The Son-Rise Program® đều rất đáng yêu, dễ chịu, có thể giải quyết được những miễn cưỡng trong thế giới thực bên ngoài rất tốt, và không bị ỷ lại mọi thứ phải có sẵn xung quanh. Thậm chí ngược lại: Trẻ có xu hướng cực kỳ quan tâm và chú ý đến người khác. (Bạn có thể xem một số đoạn phim về những bạn nhỏ đáng yêu này tại địa chỉ www.autismbreakthrough.com/recoveredkids).
Bắt tay thực hiện!
Hãy theo dõi Bảng 8 dưới đây. Cùng suy nghĩ về năm tình huống mà bạn có xu hướng tranh giành quyền kiểm soát với con. Bạn không cần trong một lúc phải suy nghĩ về tất cả; bạn có thể điền vào trước một hoặc hai ý kiến, rồi quay lại bổ sung tiếp tục sau.
Ngoài ra, những điều này không cần phải là những trận chiến to tát. Ví dụ, có thể khi bạn đi làm về, bạn ôm con mặc cho con có chút loay hoay để thoát ra khỏi cái ôm của bạn. Chắc chắn đó không phải là một trận chiến, nhưng vẫn là tình huống bạn làm điều gì đó lấy mất quyền được kiểm soát của con.
Đối với mỗi tình huống mà bạn đưa ra, hãy viết những gì bạn thường làm và những gì bạn sẽ làm từ bây giờ.
Bảng 8 dưới đây được thiết kế đơn giản và không có gì phức tạp cả. Bạn chỉ cần hoàn thành nó theo cách cơ bản, và nó sẽ tiếp tục là kim chỉ nam hướng dẫn và nhắc nhở cho bạn.
BẢNG 8
Nguồn thông tin trực tuyến
Để có được sự trợ giúp chuyên sâu hơn với các nguyên tắc và kỹ thuật của chương này, hãy truy cập vào www.autismbreak- through.com/chapter10.
Mong bạn thật vui!
Điểm bắt đầu
Hãy dành ra 15 phút làm bất cứ điều gì con bạn muốn. (Tất nhiên, điều này sẽ không bao gồm những điều có thể không được an toàn hoặc gây hại cho trẻ). Hãy để con được là các ông sếp. Nếu trẻ muốn bạn chạy vòng quanh, hãy làm như thế. Nếu trẻ muốn bạn đứng yên, hãy đứng yên. Nếu trẻ muốn bạn chơi một trò chơi hoặc hoạt động cụ thể, hãy làm điều đó. Đừng làm bất cứ điều gì để ảnh hưởng đến những gì đang xảy ra. Chỉ cần để bản thân được thoải mái, vui vẻ và tận hưởng xem điều đó như thế nào. Chú ý cách con bạn phản ứng nhé!