Nếu bạn không thể hiểu con, bạn không thể giúp con
Sẽ thế nào nếu tôi nói với bạn rằng, có cả một nhân tố hoàn chỉnh về sự tồn tại của con mà bạn chưa bao giờ nhìn thấy? Và sẽ thế nào nếu tôi nói với bạn rằng, tôi có thể đưa cho bạn một chiếc kính đặc biệt mà ngay lập tức sẽ cho phép bạn nhìn thấy những gì bạn đã bỏ lỡ?
Nếu bạn không thể nhận thấy những gì đang thực sự xảy ra với con vào một thời điểm nhất định, bạn không thể quyết định được cách nào tốt nhất để giúp đỡ con. Các nhà trị liệu đều bỏ qua những gì đang thực sự xảy ra với một đứa trẻ đặc biệt trong từng khoảnh khắc. Họ nhận ra các khiếm khuyết kỹ năng ở trẻ, nhưng khi họ làm việc với một đứa trẻ từ 2:00-3:00, thì lại thường không nhận ra sự khác biệt của đứa trẻ ấy lúc 2: 00 sẽ khác lúc 2: 45.
Vào lúc 2: 15, đứa trẻ có thể hoàn toàn thu mình trong thế giới của mình, đẩy tất cả mọi thứ và mọi người ra ngoài, kể cả các nhà trị liệu. Vào lúc 2:45, trẻ có thể hoàn toàn kết nối – tham gia, tiếp thu, nhìn vào nhà trị liệu, v.v. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, chương trình giảng dạy và phương pháp tổng thể của nhà trị liệu tiếp tục không suy giảm từ 2: 00-3: 00. Thật không may, bởi hai trạng thái được mô tả ở trên đòi hỏi hai cách tiếp cận hoàn toàn khác nhau.
Chẳng phải sẽ rất tuyệt vời nếu có thể thấy rõ trạng thái hiện tại của con để bạn có thể sử dụng phương pháp phù hợp nhất cho con trong từng khoảnh khắc ư?
Bây giờ bạn có cả một kho các nguyên tắc, kỹ thuật và phương pháp tiếp cận từ các chương trước. Chẳng phải sẽ thật tuyệt vời khi có thể biết chính xác khi nào một nguyên tắc, ví dụ như nguyên tắc hòa mình nên được áp dụng và khi nào thì phù hợp cho việc thử thách con, bằng chính các động lực từ con?
Hãy sẵn sàng. Đây là cặp kính đó.
Tại sao thời điểm là tất cả
Trẻ em – cả mắc và không mắc hội chứng tự kỷ – thường được dạy theo lịch của người lớn. Chúng ta học X từ 9: 00 đến 10:00, Y từ 10:00 đến 11: 00, v.v. Ở nhà, không có gì khác. Đại loại như chúng ta thực hiện hoạt động y hệt như nhau vào buổi sáng, trước khi đi ngủ. Vấn đề là, chúng ta (những người lớn) quyết định cái gì xảy ra khi nào.
Chúng ta có thể áp dụng với trẻ có chức năng thần kinh bình thường. Một vài trong số trẻ chắc chắn sẽ phàn nàn, nhưng chúng ta sẽ có được mức độ tương tác cơ bản với chúng. Nói chung, trẻ sẽ đáp lại khi được gọi tên, làm theo hướng dẫn, và có phản ứng với việc dỗ dành, đe dọa trừng phạt, hoặc hứa hẹn phần thưởng.
Chúng ta lại không có được điều xa xỉ như vậy với những đứa con đặc biệt của mình. Vì con tạo ra một thế giới riêng, thoát khỏi những ràng buộc trong mối quan hệ tương tác giữa người với người thông thường, nên việc theo dõi những thay đổi diễn biến trong nội tâm trẻ tùy thuộc vào chúng ta. Tất nhiên, chúng ta có thể bỏ qua điều này như hầu hết mọi người đã làm, nhưng sau đó chúng ta phải sống với những mặt trái của nó: một sự kéo – đẩy giằng co liên tục với con, niềm tin bị rạn nứt, một mối quan hệ bị sứt mẻ mà ở đó con thiếu quan tâm tới thế giới của chúng ta, và một tốc độ phát triển rất chậm trong học tập.
Kết quả là chúng ta thúc ép con học, tương tác, hoặc xử lý thông tin đầu vào trong khi chúng không sẵn sàng làm điều đó. Những gì chúng ta quên làm là sử dụng khoảng thời gian “không sẵn sàng” này để kết nối và xây dựng mối quan hệ (ví dụ như bằng cách hòa mình). Mặt khác, chúng ta lại không sử dụng một cách tối ưu các cơ hội nhỏ của sự kết nối, tham gia và sẵn sàng, mà chúng ta có được để giúp con phát triển, giao tiếp và học hỏi những điều mới (ví dụ như bằng cách sử dụng nguyên tắc động lực).
Giải pháp là để có thể nhận thấy chính xác khi nào con đang ở trong thế giới riêng, và không sẵn sàng cho việc giảng dạy hay tương tác, và khi nào con đang kết nối với chúng ta, sẵn sàng học, tương tác và làm theo chúng ta. Một khi chúng ta làm điều này, thì có thể định hướng các tương tác của chúng ta với con, để liên kết với con thật hữu ích, cũng như thử thách con phát triển khi con đã sẵn sàng.
Chuỗi hai thái cực: riêng biệt – tương tác
Mỗi phút mỗi ngày, con đều đang ở một vị trí nào đó trên chuỗi hai thái cực riêng biệt – tương tác. Đôi khi con có hành vi ism, không tiếp xúc bằng mắt với bạn và không phản ứng khi bạn gọi tên. Trong trường hợp này, chúng ta có thể nói rằng, con đang hoàn toàn ở vùng riêng biệt của hai thái cực. Con hoàn toàn chìm đắm trong thế giới đặc biệt của riêng mình, đó là “riêng biệt” – có nghĩa là con đang cố gắng loại bỏ bạn và bất kỳ ai khác.
Lần khác, con có thể chơi với bạn, nhìn vào bạn, cười, nói chuyện với bạn, và bạn có thể nhận thấy con linh hoạt hơn và sẵn sàng làm theo cách của bạn. Trong trường hợp này, chúng ta có thể nói rằng, con bạn đang hoàn toàn ở vùng tương tác của hai thái cực. Bé đang tham gia vào thế giới của bạn. Bé tương tác – có nghĩa là, sẵn sàng và có khả năng tương tác với bạn và những người khác.
Tất nhiên, có rất nhiều lần con có thể thay đổi trạng thái liên tục trong suốt một ngày. Nếu bạn có thể biết được con đang ở vị trí nào, bạn sẽ biết chính xác phải làm gì để tiếp cận con. Bạn sẽ biết chính xác cần sử dụng kỹ thuật nào của The Son-Rise Program® và vào khi nào.
Tín hiệu đèn đỏ và tín hiệu đèn xanh
Một cách đơn giản và dễ nhớ đối với các khái niệm này theo cách chúng ta gọi là tín hiệu đèn đỏ và tín hiệu đèn xanh.
• Tín hiệu đèn đỏ = tín hiệu thể hiện con đang hoàn toàn ở vùng riêng biệt trên chuỗi thái cực.
•Tín hiệu đèn xanh = tín hiệu thể hiện con đang hoàn toàn ở vùng tương tác trên chuỗi thái cực.
Một thuật ngữ khác tôi muốn đưa ra cho bạn: đánh giá vi mô. Từ này nghe có vẻ phức tạp hơn bản chất của nó. Khi bạn đưa con đi chẩn đoán, chúng sẽ nhận được một đánh giá. Lỗ hổng kép với các đánh giá như vậy là điều này:
•Họ chỉ đánh giá con bạn trong thời gian rất ngắn, rồi đưa ra các quyết định dài hạn dành cho con.
• Khả năng cao là con bạn sẽ cư xử không như lúc bình thường khi phải đối mặt với một người lạ yêu cầu con làm các nhiệm vụ không quen thuộc.
Với một đánh giá vi mô, bạn phải mất một chút thời gian để quan sát con và nhận định nhanh xem con đang cho bạn một tín hiệu đèn đỏ hay đèn xanh. Vậy làm thế nào bạn có thể biết con đang cho bạn một tín hiệu đèn đỏ hay đèn xanh?
Tín hiệu đèn đỏ
• Con đang có hành vi stim.
• Con đang loại trừ tôi ra khỏi những gì đang làm.
• Con có vẻ cứng nhắc và kiểm soát.
• Con không phản ứng khi tôi nói chuyện với con.
• Con đi chỗ khác khi tôi chạm vào con.
• Con đang cố gắng đi chỗ khác hoặc quay lưng lại với tôi.
Tín hiệu đèn xanh
• Con đang nhìn tôi.
• Con phản ứng khi tôi gọi tên.
• Con có vẻ linh hoạt (tức là sẵn sàng thay đổi hoặc thay đổi hoạt động của mình).
• Con đang tình cảm với tôi.
• Con cho tôi tham gia vào hoạt động của con.
• Khi tôi đưa ra một yêu cầu, con đáp ứng.
• Con đang nói chuyện với tôi.
Bây giờ, bạn đã sẵn sàng để đặt tất cả cùng nhau chưa?
Mô hình ABC của The Son-Rise Program®
Tôi đã phát triển mô hình ABC để giúp các bậc cha mẹ và các chuyên gia đưa ra những quyết định cho từng thời điểm một cách dễ dàng hơn khi làm việc với con cái họ. Mô hình này được trình bày trong Bảng 10.
A viết tắt cho từ Assess (Đánh giá), yếu tố mà chúng ta vừa thảo luận. Đây là bước đầu tiên trong mô hình, tức dành một chút thời gian và cố gắng hết sức để nhận định xem con đang cho bạn tín hiệu đèn đỏ hay đèn xanh, dựa trên các tiêu chí trên.
B là viết tắt của Bond (Gắn kết). Nếu bạn phát hiện ra con đang cho bạn tín hiệu đèn đỏ, bạn sẽ muốn tập trung vào việc gắn kết và xây dựng mối quan hệ với con.
C là viết tắt của Challenge (Thử thách). Phần này liên quan đến những lần bạn nhận được tín hiệu đèn xanh từ con. Đây là những lúc cần thử thách con để giảng dạy, thúc đẩy tương tác nhiều hơn, giới thiệu một hoạt động mới, v.v. Trong phần này của mô hình, bạn yêu cầu con nhiều hơn.
Bắt tay thực hiện!
Hãy dành năm phút với con. Tuy nhiên, thay vì cố gắng làm điều gì đó với con (hoặc bắt con làm điều gì đó với bạn), bạn hãy quan sát con. Sử dụng các câu hỏi đánh giá để xem con đang cho bạn tín hiệu đèn đỏ hay đèn xanh. Quan trọng là: Sau khi bạn đã tìm ra điều này, đừng làm bất cứ điều gì! Đừng cố gắng để kết nối nếu bạn nhìn thấy tín hiệu đèn đỏ, hay thử thách nếu bạn nhìn thấy tín hiệu đèn xanh. Đây đơn thuần là quan sát con. Khi bạn đang quan sát, điền vào Bảng 11 bằng cách viết Có hoặc Không trong câu trả lời cho mỗi câu hỏi.
BẢNG 11
Nguồn thông tin trực tuyến
Để có trợ giúp sâu hơn về các nguyên tắc và kỹ thuật của chương này, xin vui lòng truy cập vào www.autismbreakthrough.com/ chapter12. Hãy đánh giá thật vui vẻ nhé!
Điểm bắt đầu
Hãy dành năm phút với con. Xác định theo cách tốt nhất mà bạn có thể (không sử dụng bảng trên), xem con đang cho bạn tín hiệu đèn đỏ hay đèn xanh. Lặp lại điều này trong suốt cả ngày, bất cứ lúc nào bạn muốn. Toàn bộ vấn đề ở đây là thực hành và làm quen với việc tìm kiếm tín hiệu đèn đỏ và đèn xanh bất cứ khi nào bạn ở cùng con. Cuối cùng, bạn sẽ nhận thấy con đang đem lại cho bạn tín hiệu gì mà không cần phải dừng lại và suy nghĩ về nó. Cặp kính bạn đang học để đeo sẽ trở thành kính áp tròng vĩnh viễn! Và bất cứ khi nào bạn ở cùng con, bạn sẽ cảm nhận được đó là thời gian để kết nối hay thử thách con.