Trong phần trước của cuốn sách, chúng ta đã thảo luận về trải nghiệm mà con cái phải trải qua mỗi ngày. Trong chương này, chúng ta cùng quay trở lại với một phần quan trọng của trải nghiệm đó: Những thách thức trong quá trình xử lý thông tin từ các giác quan ở con. Để thuận tiện cho quá trình theo dõi, cho phép tôi nhắc lại một vài đoạn trong Chương 2.
Đầu tiên là con gặp khó khăn trong việc xử lý và hiểu các tín hiệu từ các giác quan cảm nhận. Tức con nhìn, nghe, ngửi, nếm và cảm thấy theo cách rất khác biệt so với tôi hoặc bạn. Ví dụ, khi con nghe thấy một điều gì đó to hơn, nhỏ hơn, hoặc hoàn toàn khác với những gì bạn nghe thấy.
Nếu bây giờ bạn dành chút thời gian và chỉ lắng nghe trong thinh lặng bất cứ âm thanh xung quanh nào, bạn có thể nghe thấy có rất nhiều những âm thanh nhỏ từ ô tô, gió, máy sưởi hoặc điều hòa, tivi hay một cuộc trò chuyện trong một phòng khác, v.v. Bạn có lẽ đã không nhận thấy tất cả các tiếng động đó cho đến thời điểm này đúng không. Nó đúng là nên như vậy.
Tai người bị tấn công bởi những tạp âm liên tục. Do vậy, một trong những nhiệm vụ chính của não là lọc ra các âm thanh không liên quan và giữ lại các âm thanh quan trọng, chẳng hạn như tiếng vợ hoặc chồng/bạn trai/bạn gái của bạn nói chuyện, v.v.
Với con bạn, tất cả những âm thanh này đều ở mức âm lượng như nhau! (Nó không thực sự như vậy, nhưng đây là cách ước lượng gần nhất với trải nghiệm của con, mà chúng ta có thể hiểu vào lúc này). V ì vậy, khi bạn nói con hãy chú ý và lắng nghe, chính xác là con nên lắng nghe cái gì đây? Trong số hai mươi lăm âm thanh mà con nghe thấy thì nên nghe gì mới đúng?
Đây là những gì con bạn trải qua mỗi ngày. Bạn biết cảm giác như thế nào khi bạn phải ở sân bay suốt cả ngày mà lại đang thấy mệt mỏi, quá tải và chỉ muốn lả đi? Vâng, từ lúc thức dậy, ăn sáng, ăn trưa, ăn tối, sau đó đi ngủ – cả một ngày con như ở giữa một sân bay bận rộn vậy. Ngay cả khi chỉ là phòng khách của bạn, đó vẫn là một sân bay đối với con.
Để hiểu sâu hơn về cơ chế cảm nhận giác quan và tự điều chỉnh của trẻ, MarySue Williams và Sherry Shellenberger, những nhà sáng lập chương trình Alert Program® và tác giả của nhiều cuốn sách trong đó có “Động cơ của bạn hoạt động như thế nào – Hướng dẫn của người lãnh đạo về Chương trình Alert Program®” (How Does Your Engine Run – A Leader’s Guide to the Alert Program®). Họ rất có hiểu biết và uy tín về đề tài tích hợp cảm giác trong-ngoài và tự điều chỉnh. Chúng tôi đã tham gia vào chương trình của nhau. Họ đã làm những việc rất tuyệt và cũng đã định hướng các phụ huynh theo cách thức của chúng tôi, bởi họ hiểu được cả ý nghĩa của hệ giác quan ở trẻ và tầm quan trọng của lòng tin cùng mối quan hệ giao tiếp. Họ đã viết một bài báo dành cho các bậc phụ huynh áp dụng The Son-Rise Program® và được đề cập trong mục “Nguồn lực có sẵn” tại trang www.alertprogram.com. Hai người phụ nữ này cũng là những người quan tâm rất sâu sắc và vĩ đại.
Do con gặp khó khăn trong quá trình xử lý thông tin từ các giác quan, cho nên việc giải quyết môi trường xung quanh trẻ là điều cần thiết. Thông thường, một môi trường kích thích quá mức các giác quan (như ở trường, ở nhà hoặc những nơi tương tự) có thể là một trở ngại lớn cho sự tiến bộ và tương tác ở con. Vì vậy, bạn sẽ muốn làm tất cả mọi thứ mà bạn có thể, để giảm bớt sự kích thích và làm cho môi trường xung quanh con càng thuận lợi cho quá trình xử lý thông tin, đương nhiên là cho việc tương tác và học tập của con thì càng tốt.
Tạo một môi trường tối ưu hóa
Làm thế nào để bạn làm được điều này? Bạn hãy dành một phòng trong nhà để làm một phòng chơi đặc biệt hoặc phòng tập trung, nơi mà phần nhiều những việc quan trọng mà con bạn có thể làm tại đây. Đây là các đặc điểm cần có của một phòng chơi.
1. Không có Sự Sao Lãng
Hầu hết các căn phòng mà ở đó con bạn có thể tìm thấy chính mình, sẽ có rất ít thứ khiến con mất tập trung như bức tranh và hình ảnh treo trên tường, các đồ đạc nằm rải rác trên sàn nhà, điện thoại đổ chuông, người nói chuyện, ti-vi ồn ào, người đi ra đi vào, cửa sổ hướng ra ngoài và ánh sáng chói vào trong, v.v). Chỉ cần một tác nhân đơn lẻ trong số đó đã có thể là quá tải đối với một người gặp khó khăn trong quá trình cảm thụ xung quanh như con. Chọn một căn phòng kín tuyệt đối trong nhà với các cửa ra vào có thể đóng hoặc khóa được (bạn có thể sử dụng phòng ngủ của con nếu thấy ổn), và làm bất cứ điều gì bạn có thể để loại bỏ càng nhiều các vật dụng gây sự sao lãng cho căn phòng càng tốt. Trên thực tế, hãy cố gắng tạo ra một căn phòng khiến một đứa trẻ bình thường cảm thấy nhàm chán. (Nhưng nó sẽ không làm đứa trẻ đặc biệt của bạn thấy nhàm chán đâu!).
2. Không tranh giành kiểm soát
Bạn còn nhớ cuộc thảo luận của chúng ta ở Chương 10 về tầm quan trọng của việc tránh gây ra các cuộc chiến giành quyền kiểm soát với trẻ không? Để căn phòng này trở thành một nơi mà bạn có thể nhận được sự tương tác đặc biệt và có được sự tiến bộ của trẻ, nó cần phải là một nơi mà trẻ cảm thấy hoàn toàn an toàn và được bảo vệ. Việc tranh giành quyền kiểm soát sẽ khiến con bị tổn thương và mất niềm tin vào mối quan hệ với bạn. Điều này có nghĩa rằng, bạn muốn làm cho căn phòng trở thành một căn phòng “nói có”. Căn phòng ấy an toàn tới mức mà bạn không cần phải nói không với bất cứ điều gì, ví dụ, “đừng chạm vào đó”, “không được leo lên trên đó”, “không được làm điều đó” – không giống như trong nhà bếp, nơi mà bạn phải luôn nói không với rất nhiều thứ như dao sắc nhọn, bếp nóng, v.v.
3. Đồ chơi sẽ được để trên một kệ cao, ngoài tầm với của con
Mục tiêu ở đây không phải là để làm mọi việc trở nên khó khăn đối với con. Mà ý tưởng chính là để tăng cường giao tiếp. Con có thể có bất cứ vật gì ở trên kệ mà con muốn nhưng con sẽ cần thông qua bạn để có được nó. Sự sắp xếp này đặt bạn ở vị trí như một đối tác và một người bạn của con (chứ không phải là một trở ngại). Hãy nhớ rằng, đây là căn phòng “nói có”. Đây là một nơi mà con sẽ có được cảm giác kiểm soát và tự chủ mạnh mẽ. Tuy nhiên, con vẫn không thể lấy được những gì con muốn trên kệ mà không có sự giúp đỡ của bạn. Và khi đó sự giúp đỡ sẽ thật là đúng lúc! Bạn sẽ có mặt ở đó, sẵn sàng di chuyển và giúp con lấy được những gì con yêu cầu.
4. Không có đồ chơi điện tử, tivi hay máy vi tính
Tôi biết theo bản năng, phản ứng đầu tiên của bạn có thể sẽ phản đối chủ trương này. Tôi có thể hiểu điều đó. Tôi biết có thể bạn cảm thấy con mình thích những vật dụng này – hay đây chính là những phương tiện đã phục vụ như một người giữ trẻ ngắn hạn trong khi bạn đang làm bữa tối. Nhưng điều quan trọng cần phải hiểu, chính là các đồ dùng này giúp con trở nên tự kỷ. Đầu tiên, chúng tự tạo ra hành vi ism ở con. (Như chúng ta đã nói đến trong Chương 2, không có gì sai trái khi con tạo ra các hành vi lặp lại, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta muốn cung cấp thêm máy móc thiết bị để tạo ra chúng). Thứ hai, dù cho một chương trình vi tính hay đồ chơi, video có tính giáo dục đến thế nào đi chăng nữa, thì cũng không bao giờ có thể dạy con biết cách tương tác xã hội. (Trên thực tế, những vật dùng này làm cho trẻ ít tương tác hơn). Và thứ ba, chừng nào các vật dụng này còn ở trong phòng, thì bạn sẽ luôn luôn bị lép vế. Sau cùng, thì bạn không thể làm cho ánh sáng nhiều màu phát ra từ mắt của bạn được (hoặc làm bất cứ điều gì mà một cái máy làm), và máy móc không đòi hỏi con phải có tương tác xã hội. Vì vậy, trong ngắn hạn, con sẽ luôn luôn thích các vật dụng điện tử đó hơn bạn. Điểm mấu chốt là: càng ít đồ dùng điện tử, càng có nhiều tương tác.
5. Hướng dẫn Một-Một
Đối với bây giờ (không phải mãi mãi), bạn sẽ muốn chỉ có một người tại một thời điểm trong phòng cùng với con. Điều này là để ngăn chặn có quá nhiều kích thích và thúc đẩy sự tương tác. Bạn đang cố gắng để xây dựng một cây cầu từ thế giới của con sang thế giới của bạn. Lúc đầu, cây cầu này cần phải được bắc từ người này sang người kia – từ con bạn sang một cá nhân khác. Đây là cách đơn giản nhất để tạo ra một kết nối giao tiếp.
6. Nếu có thể: Trang bị cửa sổ lắp kính một chiều hoặc lắp 2-4 máy quay mini
Tại ATCA, chúng tôi trang bị những vật dụng như vậy trong các phòng chơi, nhưng tất nhiên chúng được thiết kế sao cho hoàn hảo nhất. Phòng chơi tại nhà của bạn không cần phải có đủ y hệt, nhưng bạn sẽ muốn có cách để xem những gì đang xảy ra với con trong phòng chơi hoặc phòng tập trung. Điều này cũng rất quan trọng, nhờ đó bạn biết cả con và người chơi cùng con đang làm gì.
Vì sao việc khóa cửa lại có thể hữu ích
Tôi thường nhận được câu hỏi: Vì sao các bậc phụ huynh của The Son-Rise Program® thường khóa cửa các phòng chơi của con cái.
Cần làm rõ chỗ này, chúng tôi không nói về việc khóa cửa chỉ để trẻ trong phòng một mình. Hãy nhớ rằng, luôn luôn có một người lớn trong phòng cùng với trẻ.
Và trong đời, tôi chưa bao giờ nghe ai hỏi câu hỏi này: Tại sao bạn thường khóa cửa trước và cửa sau trong nhà (bên trong có trẻ em và ít nhất một người lớn). Tôi cũng chưa từng thấy ai ủng hộ chính sách không đóng cửa nhà, rồi để một đứa trẻ tự kỷ có thể dễ dàng đi ra ngoài bất kỳ khi nào bé thích và lang thang ngoài đường phố.
Tôi muốn nhấn mạnh một thực tế rằng, luôn luôn có một môi trường đóng xung quanh mỗi đứa trẻ, câu hỏi chỉ là môi trường đó ở đâu mà thôi. Bạn không thể thực sự làm việc hiệu quả khi một đứa trẻ vẫn chạy từ phòng này sang phòng khác (con bạn có thể không làm điều này, nhưng nhiều trẻ thật sự như vậy).
Và đó không phải về việc ai bị khóa ở trong, mà về việc mang đến cho con bạn một số hỗ trợ – cung cấp cho con một môi trường đầy yêu thương, nuôi dưỡng và hữu ích.
Vì vậy, nếu bạn tin rằng, việc tạo cho con một môi trường tương tác trực tiếp giữa hai người, nơi không có các cuộc chiến giành quyền kiểm soát và sự sao lãng là rất hữu ích và quan trọng, thì có thể một phòng chơi hay phòng tập trung có cửa cài cẩn thận sẽ là giải pháp. Tất nhiên, quyết định cuối cùng vẫn là của bạn.
Đưa trẻ đến siêu thị, sân chơi hoặc công viên giải trí
Nhiều bậc phụ huynh cảm thấy rằng, việc đưa con đến sân chơi hoặc các địa điểm tương tự, nơi mà con cái có thể có được những trải nghiệm “giống như những đứa trẻ bình thường khác”, là vô cùng quan trọng. Họ cảm thấy nếu bỏ qua điều này thì sẽ lấy đi của đứa trẻ những trải nghiệm quý giá.
Mặc dù vậy, nhưng chúng ta cần hiểu rằng, ngay lúc này, con bạn đang không giống “những đứa trẻ bình thường”. Con bạn khác biệt. Bé có những khó khăn đặc biệt. Và nếu chỉ cần dẫn con đến một môi trường bình thường mà có thể giải quyết được những thách thức như vậy, thì bạn sẽ không phải đọc cuốn sách này nữa, và chúng ta cũng sẽ không có thêm nhiều trẻ mắc tự kỷ, “Chậc” – vấn đề đã được giải quyết.
Nhưng bạn biết rõ hơn bất cứ ai khác rằng, đây không phải là cách mà con hoạt động. Tôi hoàn toàn hiểu, đôi khi bạn có thể muốn con thực sự hoạt động như vậy. Và tôi sẽ không bao giờ trách cứ khi bạn muốn điều đó. Nhưng tôi cũng biết bạn yêu và quan tâm đến con thế nào và sẽ sẵn sàng đi đến tận cùng trái đất để giúp đỡ con.
Vì vậy, xin hãy hiểu rằng: Bởi con đang có những khó khăn trong quá trình xử lý thông tin từ các giác quan, cho nên chỉ ở thời điểm này, con không thể có một trải nghiệm “thật sự” ở công viên. Con không thể có được những trải nghiệm thành công khi mà môi trường xung quanh có quá nhiều tác động làm cho con bị sao lãng.
Tuy nhiên, sẽ tuyệt vời biết bao khi bạn có thể giới thiệu lại các trải nghiệm đó cho con sau này – khi con đã có thể xử lý chúng thành công. Điều này hoàn toàn có thể! Nó không đòi hỏi bạn phải quá hoàn hảo. Chỉ là việc chúng ta cần đầu tư cho hiện tại, tập trung về thời gian, giới hạn các cuộc đi chơi nhiều nhất có thể, để con có được những năm tháng ý nghĩa và hoàn toàn xứng đáng về sau.
Tôi đã được nghe nhiều bậc phụ huynh kiên quyết kêu rằng, con họ rất thích được ra khỏi nhà và được ở trong các môi trường công cộng. Tôi thường hay đáp lại bằng một trong những câu trích dẫn yêu thích của tôi từ chị gái Bryn:
“Những người nghiện heroin thực sự rất thích heroin. Điều đó không có nghĩa là nó tốt cho họ.”
(Câu này rất hay, và tôi sẽ còn nhắc đến trong Chương 16 khi chúng ta nói về chế độ ăn uống).
Khi trẻ có những thách thức trong quá trình xử lý thông tin từ các giác quan, bước vào một môi trường làm cho hệ thống thần kinh của trẻ tự kỷ bị áp đảo, một trong hai điều sau sẽ xảy ra. Rất nhiều trẻ sẽ phản ứng lại và dễ nổi giận. Tuy nhiên, một số trẻ lại rất thích thú và trở nên say mê nếu lượng adrenalin1 và cortisol2 tăng cao, vốn được sinh ra từ cơ chế mong manh của cơ thể trẻ.
Nếu con bạn thuộc trường hợp thứ hai, thì con sẽ thích ở trong môi trường nhiều khuấy động. Điều đó không có nghĩa là môi trường đó tốt cho con. Nó cũng không có nghĩa là hệ thống thần kinh của bé không bị tổn hại và khả năng tương tác, học hỏi không bị suy giảm nghiêm trọng bởi môi trường đó.
Liệu tôi có thể chắc chắn rằng, con bạn không thể chịu được những môi trường công cộng có độ kích thích giác quan cao mà bé thích thú, trong khi tôi chưa hề gặp bé không? Câu trả lời của tôi sẽ là không. Nhưng tôi có thể nói với bạn điều này: Đối với 99 % các trẻ em mắc rối loạn phổ tự kỷ mà chúng tôi từng làm việc, thì những môi trường như trên không có lợi cho việc học tập và tương tác của trẻ. Trừ phi con bạn đã tương tác với nhiều người rồi, nên linh hoạt, thích ứng được với tất cả âm thanh và ánh sáng, không có hành vi ism hoặc những cơn tức giận bùng nổ trong chuyến đi chơi, cũng như hai giờ sau khi kết thú chuyến đi chơi trở về nhà, nếu không con bạn vẫn có thể là một thành viên trong số 99 % đó.
1 Adrenaline (hay Epinephrine) là một hooc-môn được giải phóng khỏi tuyến thượng thận, có tác dụng trên thần kinh giao cảm, được sản xuất khi sợ hãi, tức giận hay thích thú, làm nhịp tim đập nhanh hơn và cơ thể chuẩn bị phản ứng để chống lại nguy hiểm.
2 Cortisol là một loại hooc-môn corticosteroid được sản sinh bởi bộ phận tên là Zona fasciculata trên vỏ thượng thận (thuộc tuyến thượng thận). Đây là hooc-môn vô cùng quan trọng và được xem là hooc-môn chống stress. Nó làm tăng huyết áp, tăng đường huyết, có tác động tăng cường miễn dịch (chống viêm), chống dị ứng.
Từ phòng chơi đến thế giới thực
Thực tế khi chúng ta gọi các phòng chơi hoặc tập trung là phòng “nói có”, thì không có nghĩa là con bạn sẽ không bao giờ gặp phải khó khăn thách thức khi ở đó. Mà hoàn toàn ngược lại, con sẽ nhận được thách thức một cách trực diện và rõ ràng về các khía cạnh cốt lõi trong chứng tự kỷ của mình hơn bất cứ nơi nào khác trên trái đất.
Khi con không phải cố gắng sắp xếp để nạp vào đầu hàng triệu các thông tin cảm giác khác nhau, thì con thực sự có thể trơn tru bốn nguyên tắc cơ bản sau: giao tiếp bằng mắt và giao tiếp phi ngôn ngữ, giao tiếp bằng lời nói, độ tập trung tương tác và tính linh hoạt.
Một khi bạn để con thoát ra khỏi tình trạng căng thẳng đi kèm với quá tải kích thích, mọi thứ sẽ thay đổi. Tôi không chỉ nói con bạn sẽ trở nên tương tác hơn (mặc dù điều này chắc chắn là những gì chúng ta thấy). Mà khi đó, trẻ cũng sẽ biết cách để điều chỉnh hệ thống tiếp nhận cảm giác của mình. Dần dần, trẻ bắt đầu thích ứng được ngày càng nhiều các kích thích – nếu nó được thêm vào từng chút một và không phải tất cả cùng một lúc.
Nếu như tôi bảo bạn nâng hai quả tạ nặng hơn chín mươi cân, có thể bạn không làm nổi điều đó, thậm chí nếu tôi có bảo bạn cố gắng nâng cả ngày (hoặc cả tuần). Nhưng nếu tôi để bạn bắt đầu tại mức tạ 13, sau đó nâng dần lên 18, sau đó 22, rồi 27, và cuối cùng bạn có thể nâng được mức 90 cân.
Theo thời gian, chúng ta biến phòng chơi càng giống với thế giới bên ngoài cho đến cuối cùng thì không có sự khác biệt nữa. Sau đó, con bạn không còn cần một môi trường đặc biệt nào nữa. Con có thể thành công ở bất kỳ môi trường nào.
Tôi đã ở trong phòng chơi của mình trong suốt ba năm rưỡi. Bây giờ tôi trải qua những ngày ở những nơi đông đúc, thậm chí ở cả những nơi nghe có vẻ điên rồ. Cũng chính từ căn phòng “nói có” mà cha mẹ tôi đã thiết kế vào năm 1974 đã cho thấy những điều ngoài sức tưởng tượng đối với tôi thời bấy giờ.
Câu chuyện của Jordan
Vài năm trước, một cậu bé đến từ Anh tên là Jordan đã tới ATCA của chúng tôi. (Tôi sẽ sử dụng tên thật của cậu bé vì câu chuyện của cậu đã được phát sóng trên truyền hình quốc tế). BBC phát sóng một bộ phim tài liệu mang tên “Tôi Muốn Con Tôi Trở Lại”, được thực hiện sau khi cha mẹ đưa Jordan đến ATCA rồi tiếp tục The Son-Rise Program® tại nhà. (Hãy liên hệ với ATCA nếu bạn muốn nhận đĩa DVD của bộ phim này).
Câu chuyện của Jordan thật sự tuyệt vời; cậu bé đã thay đổi đáng kể. Tôi sẽ để bạn xem bộ phim và tự cảm nhận, nhưng tôi muốn nhấn mạnh một phần câu chuyện của Jordan bởi vì nó rất rõ ràng trong trường hợp này.
Trước khi Jordan đến ATCA, cậu bé thường xuyên phải ở trong tình trạng quá tải cảm giác. Cậu la hét và khóc rất nhiều, thậm chí cả vài giờ đồng hồ. Thính giác của Jordan rất nhạy cảm. Nếu có ai đó đang cắt cỏ gần nhà, cậu bé sẽ dùng hai tay bịt chặt tai lại và la hét.
Đây chính là trải nghiệm của cha mẹ Jordan trong suốt một thời gian dài. Họ thường cảm thấy không khí gia đình mỗi ngày trôi qua thật khó khăn. Sau một tuần ở trong môi trường phòng chơi, Jordan nhận thấy một trong những công nhân bảo trì của chúng tôi đang cắt cỏ bên ngoài cửa sổ. Lần này cậu bé bước chậm rãi đến cửa sổ và bình tĩnh theo dõi các bãi cỏ được cắt tỉa. Jordan không còn khóc cũng như bịt chặt hai tai nữa.
Cha mẹ Jordan đã bị sốc, còn chúng tôi thì không, bởi chúng tôi được nhìn thấy tác động hiệu quả từ môi trường phòng tập trung mỗi ngày.
Một môi trường khắt khe
Nếu thiết lập một phòng chơi hoặc phòng tập trung cho con bạn, bao gồm tất cả các hướng dẫn và khuyến nghị trong chương này, làm bạn cảm thấy khắt khe, thì tôi muốn bạn biết tôi đồng ý với bạn. Các phòng chơi của The Son-Rise Program® thực sự khắt khe. Con bạn mắc chứng tự kỷ. Khắt khe là rất cần thiết. Phòng tập trung là một môi trường khắc nghiệt ngắn hạn được thiết kế để có được kết quả tuyệt đối lâu dài. Nếu đó là điều mà bạn muốn, thì việc thực hiện các bước, được nêu trong chương này đáng để bạn xem xét.
Bắt tay thực hiện
Như một cách để có được cho mình sự bắt đầu, dành chút thời gian để điền vào Bảng 12 dưới đây:
BẢNG 12
Nguồn thông tin trực tuyến
Để có được sự trợ giúp chuyên sâu hơn với các nguyên tắc và kỹ thuật của chương này, hãy truy cập vào http://www. autismbreakthrough.com/%20chapter13/
Hãy tìm tòi nhé!
Điểm bắt đầu
Trước khi bạn thiết lập bất cứ phòng chơi hay phòng tập trung chính thức, bạn có thể có một số bước rất cơ bản áp dụng trong phòng khách, phòng ngủ của con bạn, hoặc một căn phòng khác trong nhà, nơi mà bạn có thể dành thời gian với con ngay hôm nay. Đầu tiên, dọn dẹp các vật dụng bất kỳ sàn nhà, trên kệ và trên bàn. Đóng tất cả các cửa ra vào đang mở trong phòng nếu có thể. Rút phích cắm của các thiết bị điện (trừ đèn, tất nhiên!).
Mang theo vào phòng ba món đồ chơi không phải là đồ chơi điện tử hoặc trò chơi mà bạn nghĩ rằng con bạn thích hoặc có thể thích, chẳng hạn như một loạt các con thú nhồi bông (tính là một mục), một quả bóng, một nhạc cụ – hoặc với những trẻ có chức năng cao hơn, bạn có thể sử dụng thẻ, bài, cờ bàn hoặc giấy và bút đánh dấu (tính là một mục). Bây giờ bạn đã có một phòng tập trung tạm thời! Hãy dành 30 phút trong căn phòng này với con ngay hôm nay và tập trung vào việc tận hưởng thời gian này với con.