TÔI CHẮC CHẮN con bạn không có bất kỳ hành vi nào mà bạn thấy là đầy thách thức, phải không? Vâng, một câu hỏi ngớ ngẩn. Nếu con là một con người, thì có những lúc, con sẽ làm những điều mà bạn thấy khó đối phó. Không sao cả. Bạn đang có một người đồng hành tốt, và con cũng vậy.
Điều có thể làm bạn ngạc nhiên là bạn có vai trò rất lớn trong những lần ăn vạ (khóc, đánh, cắn, v.v) và các hành vi có liên quan khác của con. Trên thực tế, khả năng rất cao là bạn đang vô tình dạy con thực hiện những hành vi như vậy hơn là bạn muốn con phải chấm dứt chúng.
Làm sao mà điều đó có thể xảy ra được chứ?
Một phép so sánh tương đồng
Bạn đã bao giờ sống một thời gian khá dài ở nước ngoài, nơi mà người ta không nói tiếng Anh chưa? Mặt khác, bạn đã bao giờ sống ở một đất nước mà tiếng Anh không phải là ngôn ngữ thứ nhất, nhưng mọi người vẫn có thể nói tiếng Anh trôi chảy chưa?
Cho phép tôi nói với bạn một cách ngắn gọn thông qua hai cuộc phiêu lưu ở nước ngoài của tôi. Bạn có thể nhớ lại Chương 1, tôi đã sống một thời gian ở Stockholm, Thụy Điển.
Tất nhiên, bây giờ người Thụy Điển nói tiếng Thụy Điển. Nhưng họ cũng nói tiếng Anh rất tuyệt, và nhiều người trong số họ thích thực hành tiếng Anh với người Anh bản xứ. Suốt thời gian tôi sống ở Stockholm, tôi đã tham gia lớp học tiếng Thụy Điển năm ngày một tuần. Hơn nữa, tôi khá giỏi ngôn ngữ, vì vậy tôi hoàn toàn mong đợi nói được trôi chảy tiếng Thụy Điển vào cuối năm.
Tôi đã hoàn toàn sai lầm.
Tiếng Thụy Điển là một ngôn ngữ không quá khó. Tuy nhiên, những gì tôi nhận thấy khi đi dạo trong thị trấn ở Stockholm là: Tôi bắt đầu nói tiếng Thụy Điển lúc hỏi đường một ai đó, nhưng ngay sau khi tôi thấy gặp trở ngại nhỏ nhất, tôi sẽ quay trở lại nói tiếng Anh. Những lúc tôi làm như vậy, bất cứ ai mà tôi đang nói chuyện đều sẽ trả lời lại bằng một thứ tiếng Anh rất rõ ràng. Quả là tuyệt vời!
Vấn đề duy nhất là, vì điều này xảy ra thường xuyên, tôi thấy vào cuối năm, tôi đã không nói trôi chảy tiếng Thụy Điển. Sao lại như vậy? Khi tôi biết mọi người hiểu tiếng Anh, thì việc tôi nói được bao nhiêu tiếng Thụy Điển hoặc bao nhiêu lần cô giáo nói với tôi: “Tala Svenska, du skit” (Nghĩa là: “Hãy nói tiếng Thụy Điển đi”) không còn quan trọng nữa. Tôi thường quay lại ngôn ngữ cũ của mình, hoàn toàn không bao giờ chuyển sang ngôn ngữ mới.
Tuy nhiên, tôi cũng sống một thời gian ở Tây Ban Nha, nơi mà hầu hết mọi người không nói được tiếng Anh. Nếu tôi muốn tìm một nhà vệ sinh thì tôi thực sự, thực sự phải hỏi bằng tiếng Tây Ban Nha. Mặc dù tôi đã học tiếng Tây Ban Nha ở trường trung học, tôi vẫn sốc khi bản thân tiếp thu tiếng Tây Ban Nha một cách rất nhanh chóng ở tại đất nước này. Mấu chốt là: Tiếng Tây Ban Nha là ngôn ngữ duy nhất mà mọi người hiểu. Giao tiếp bằng tiếng Tây Ban Nha là cách duy nhất để tôi có được bất cứ điều gì từ người khác. Vì vậy, luôn luôn phải là tiếng Tây Ban Nha và ngay lập tức.
Ăn vạ: Quan niệm cũ
Ví dụ so sánh trên giúp ta hình dung về một khái niệm vốn sẽ được áp dụng rất mạnh mẽ cho con bạn. Hầu hết thời gian, khi một đứa trẻ tự kỷ ăn vạ, đánh người, la hét, khóc lóc, v.v, cha mẹ thường thực hiện một trong hai cách thức. Cách một: Họ tức giận và phản ứng lại bằng cách la mắng con. Cách hai (phổ biến nhất): Họ cố gắng để “khắc phục vấn đề”. Họ hỏi: “Sao vậy, bé cưng?” và sau đó bắt đầu điên cuồng tìm kiếm xung quanh, cố gắng tìm ra những gì trẻ muốn họ có thể đưa, như để những cơn ăn vạ sẽ dừng lại.
Câu hỏi quan trọng và chiếm lĩnh trong tâm trí của hầu hết các bậc cha mẹ là: Làm thế nào tôi có thể ngăn cơn ăn vạ này? Tôi gọi câu hỏi này là “câu hỏi giao kèo-nô dịch” bởi một khi bạn đặt câu hỏi thì xin chúc mừng! Bây giờ bạn là một người đầy tớ cho cơn ăn vạ của con mình. Bạn sẽ làm bất cứ điều gì để cơn ăn vạ đó có một kết thúc có hậu. Cả hai loại phản ứng nêu trên (cách một và cách hai) đều rơi vào loại “phản ứng mạnh”. Phản ứng mạnh là một tổ hợp hành động gồm: nhiều cảm xúc, nhanh chóng, hăng hái, ồn ào và nhiều động tác.
Lý do cho những phản ứng mạnh là hầu hết các bậc cha mẹ thấy cơn ăn vạ như một kiểu chuông báo động. Khi nó tắt, họ ngay lập tức ở tình trạng báo động cao. Họ muốn tìm và khắc phục các trường hợp khẩn cấp. Hơn nữa, thường có một kết nối cảm xúc trực tiếp giữa cơn ăn vạ của trẻ với sự khó chịu của họ. Họ ngay lập tức cảm thấy bị kích động (điều này không giúp trẻ bình tĩnh lại).
Điều này không khó hiểu. Hầu hết các bậc cha mẹ cảm thấy bị kích động bởi họ cho rằng có điều gì đó sai trái, và mỗi phút mà sự ăn vạ ấy tiếp tục thì họ tự thấy mình không phải là một người mẹ hay một người cha tốt. Suy cho cùng thì, đã là cha mẹ “tốt” thì phải giải quyết vấn đề của con mình và ngăn chặn sự ăn vạ, phải không?
Nhưng, hãy đợi đã! Tôi chưa nói đến một phần hay nhất!
Giờ đây bạn không chỉ là một người hầu, mà chắc chắn bạn sẽ ngày càng nhận được nhiều cơn ăn vạ từ con hơn. Tại sao? Hãy nhìn vào Hình 2 ở trang sau đây, trong đó cho thấy những điều mà hầu hết chúng ta làm gì khi phải đối mặt với một hành vi thách thức – và điều này ảnh hưởng đến hành vi của con cái chúng ta theo thời gian như thế nào.
Như chúng ta thấy, phản ứng mạnh từ cha mẹ dẫn đến hành vi thách thức hơn từ đứa trẻ. Và mỗi lần cha mẹ (hoặc giáo viên, trị liệu viên, thành viên gia đình, v.v) phản ứng theo cách này, các hành vi thách thức sẽ phát triển liên tục hơn, thường xuyên hơn, cực đoan hơn và kéo dài hơn.
Hơn nữa, thuật ngữ “hành vi thách thức” không chỉ đề cập đến các cơn ăn vạ. Nó cũng đề cập đến những trường hợp con bạn làm một điều gì đó như tháo một bức tranh trên tường, nói lớn tiếng, gây rối ở nơi công cộng, phá vỡ đồ gia dụng, chạy ra đường, hoặc dùng từ thô tục.
Điều gì xảy ra khi con chúng ta cư xử theo một trong các cách đầy thách thức trên? Trong hầu hết các trường hợp, chúng ta đều phản ứng mạnh. Ví dụ, nếu con kéo một bức tranh ra khỏi tường, chúng ta có thể chạy gấp rút đến chỗ con (với một biểu hiện sốc hoặc bực tức trên khuôn mặt) và kêu lên: “Con yêu, con làm gì vậy?! Con không được chạm vào cái đó!”. Một số người trong chúng ta có thể cảm thấy một chút tội lỗi vì phản ứng như vậy và nói: “Mẹ biết con không cố ý làm. Chúng ta hãy sang một phòng khác đi”. Nhưng đã quá trễ, chúng ta đã đưa ra một phản ứng mạnh, và kết quả đã được thể hiện trong biểu đồ trên.
Cho dù đó là một cơn ăn vạ hay điều gì khác, thì kết quả đều như nhau: sẽ có nhiều hành vi thách thức hơn.
Tôi sẽ giải thích lý do tại sao đây là tình huống, nhưng trước tiên chúng ta hãy khám phá một quan niệm hoàn toàn mới.
Hình 2
Ăn vạ là giao tiếp
Đây là quan niệm mới: Khi con bạn ăn vạ, đánh, khóc, véo, la hét, v.v là con bạn đang cố gắng để giao tiếp! Tuyệt vời! Bạn muốn con giao tiếp!
Chỉ có một vấn đề: Con đang nói chuyện với bạn bằng tiếng Thụy Điển! Nhưng thà nói bằng tiếng Thụy Điển thì vẫn tốt hơn so với không nói gì cả, nhưng nhược điểm của điều này – theo quan điểm của con – là không có ai xung quanh hiểu tiếng Thụy Điển. Con không thể đi vào một cửa hàng, la hét và nhận được một gói kẹo. Không ai biết con muốn gì.
Vì vậy, quan trọng là phải hiểu khi con đang làm bất cứ điều gì tương tự như một cơn ăn vạ, đó không phải là một hồi chuông báo động. Đó cũng không phải lời đánh giá về bạn trong vai trò là một phụ huynh. Đó chỉ là một nỗ lực để giao tiếp. (Đây là lý do tại sao chúng ta không hòa mình với hành vi ăn vạ của trẻ. Hòa mình là những gì chúng ta làm khi một đứa trẻ trở nên tách biệt và không kết nối. Ăn vạ thì ngược lại. Một đứa trẻ đang ăn vạ thì đang nỗ lực để liên lạc với chúng ta chứ không phải để ngắt kết nối).
Sử dụng quan niệm này, chúng ta hãy trở lại với biểu đồ trên. Tại sao phản ứng mạnh của bạn sẽ khuyến khích con càng ngày càng thực hiện nhiều hành vi thách thức hơn?
Có hai lý do: Thứ nhất, nhớ lại nội dung ở Chương 11 tôi có trình bày rằng, phản ứng mạnh sẽ dẫn tới những hành vi lặp lại. Điều này có lợi cho con khi áp dụng nó để ăn mừng (tán thưởng) – loại phản ứng mạnh được thảo luận trong chương đó. Khi bạn ăn mừng việc con đang nhìn bạn, bạn sẽ nhận được nhiều cái nhìn hơn. Nhưng điều này lại không tốt cho con (hoặc bạn) khi những phản ứng mạnh của bạn lại dễ khiến con có hành vi lặp lại.
Hãy nhớ rằng con đang sống trong một thế giới khó kiểm soát hoặc dự đoán trước được. Cho nên, con luôn luôn tìm kiếm khả năng dự báo và kiểm soát. Nếu bạn phản ứng mạnh mỗi khi con thực hiện hành vi X, con sẽ thực hiện điều đó nhiều, chỉ để phục hồi khả năng dự báo và kiểm soát.
Lý do thứ hai mà phản ứng mạnh của bạn dẫn đến việc con có nhiều hành vi thách thức hơn là, phản ứng ấy nói với con rằng, bạn hiểu tiếng Thụy Điển – đặc biệt là nếu bạn đang chạy xung quanh cố gắng để “khắc phục” mọi thứ. Con không hề ngốc. Tại sao con phải vất vả cố gắng nói những câu đầy đủ khi con chỉ cần hét lên và được hiểu (ít nhất gần như vậy)? Tại sao con phải vất vả cất lời nói khi chỉ cần ăn vạ sẽ khiến tất cả mọi người tất bật?
Nhưng hãy chờ! Tôi vẫn chưa nói phần hay nhất!
Không chỉ bây giờ bạn đang trong vai của một người hầu, bạn còn đang dạy con mình tăng các hành vi thách thức bởi vì bạn hiểu tiếng Thụy Điển, mà bạn còn gây giảm sự giao tiếp hữu ích, hiệu quả của con mình.
Vâng. Bây giờ điều gì sẽ xảy ra khi con bạn tham gia vào một hành vi giao tiếp đúng mực? Nếu bạn giống như hầu hết mọi người, bạn cho rằng đây là một trường hợp không khẩn cấp, và không cần khẩn trương đáp ứng ngay.
Giả sử bạn đang làm bữa tối và con đi đến bên bạn rồi nhẹ nhàng nói một hoặc hai từ, hoặc nhẹ nhàng giật tay áo của bạn. Nếu bạn đang nấu ăn, bạn có thể nói điều gì đó giống như: “Mẹ nghe con rồi, con yêu. Mẹ sẽ ra đó chỉ trong một vài phút nữa thôi. Mẹ cần phải làm xong bữa tối đã”.
Hình 3
Và kết quả của tình huống này được thể hiện trong Hình 3.
À, nhưng chúng ta phản ứng thế nào khi chúng ta đang làm bữa tối và con của chúng ta bắt đầu la hét? Bữa tối có thể đợi – chúng ta có một cuộc khủng hoảng cần giải quyết ngay!
Và kết quả là chúng ta quay trở lại Hình 2.
Con bạn nhận được gì từ tất cả những điều này? Bất cứ đứa trẻ thông minh nào đều sẽ phỏng đoán như sau: Giao tiếp thật nhẹ nhàng khiến mình được đáp ứng chậm nhất, từ tốn nhất, còn la hét khiến mình được đáp ứng nhanh chóng nhất. Khi con bạn thực sự muốn giao tiếp một cái gì đó quan trọng, phương pháp nào sẽ được cậu bé sử dụng đây?
Được rồi, bây giờ chúng ta đã biết điều này, vậy đâu là cách giải quyết?
Lật ngược tình thế
Hãy nhìn vào Hình 4 và Hình 5. Bạn có thấy không? Bạn có thể lật ngược tình thế bằng cách đảo ngược các phản ứng của bạn. Khi con bạn hét lên, khóc lóc, ăn vạ, hay làm bất cứ điều gì tương tự, bạn hãy phản ứng chậm rãi và nhẹ nhàng. (Đây là một trong số rất ít lần tôi ủng hộ việc không sử dụng yếu tố 3E). Tôi không nói làm ngơ con – hoặc trừng phạt và nói điều gì đó như: “Nghe này, anh bạn, mẹ sẽ không giúp con khi con cứ mãi gào khóc”. Đây không phải là về sự trừng phạt hoặc “dạy cho con một bài học”.
Hình 4
Hình 5
Tôi đang nói về việc nói với con rằng, bạn hiểu được tiếng Anh, nhưng bạn không hiểu tiếng Thụy Điển. Lần tới, con ăn vạ, bạn hãy ngay lập tức thư giãn. Thay vì hỏi mình câu hỏi kiểu nô lệ (“Làm thế nào để tôi ngăn được cơn ăn vạ này?”), hãy tự hỏi câu này: “Làm thế nào tôi có thể giúp con giao tiếp hiệu quả hơn”?
Nếu bạn hỏi câu hỏi đó, bạn không thể đi sai đường.
Nhắc nhở bản thân rằng, công việc của bạn với vai trò là một phụ huynh không phải để ngăn chặn các cơn ăn vạ, mà là để giúp con giao tiếp. Trong ngắn hạn, điều đó có thể đồng nghĩa với việc cơn ăn vạ sẽ diễn ra lâu hơn.
Mặt khác, việc bạn thể hiện cho con thấy bạn thực sự, thực sự hiểu tiếng Anh là hoàn toàn cần thiết. Khi con cư xử thật dịu dàng hoặc có tương tác (sử dụng từ, nhẹ nhàng kéo tay áo bạn, nắm lấy tay bạn, sử dụng giọng nói nhẹ nhàng, v.v), nhiệm vụ của bạn trong cuộc sống là đáp ứng một cách nhanh chóng, khẩn trương và nhiệt tình. Việc chạy cuống quít như một con gà mất đầu thường xảy ra khi con ăn vạ là điều cần áp dụng trong tình huống này.
Tóm tắt lại:
Ăn vạ, khóc, la hét, đánh, cắn, véo -> đáp ứng chậm, dứt khoát và nhẹ nhàng.
Hành vi giao tiếp ngọt ngào -> đáp ứng nhanh chóng, khẩn trương, rộng lượng và nhiệt tình.
Vậy, bạn thực sự phải làm gì? Hãy phác thảo điều này trong bối cảnh với một đứa trẻ cụ thể, như vậy bạn có thể thực sự thấy được cách nó áp dụng.
Câu chuyện của Michelle
Tôi đã làm việc với Michelle trong đợt tiếp cận cộng đồng vài năm trước đây, và cô bé muốn một trong những đồ chơi từ kệ của mình. (Bạn có thể hình dung lại từ Chương 4, chương trình hỗ trợ cộng đồng sẽ có một giao viên hoặc chuyên viên hỗ trợ của The Son-Rise Program® dành vài ngày đến gia đình và để giúp phụ huynh thực hiện chương trình của họ). Tôi rất sẵn lòng lấy nó cho cô bé, và tôi đã biết chắc chắn thứ cô bé cần, nhưng cô bé đã hét “như bị bịt mồm” (“Hét như bị bịt mồm” là cách miêu tả mà tôi rất thích khi bắt chước lại từ thầy William Hogan).
Michelle đã khóc và hét lên. Cô bé dùng một tay chỉ lên một trong các kệ, còn cắn rất mạnh vào tay kia (Mỗi lần cô bé đưa tay vào miệng rồi cắn, cô bé thường nhìn thẳng vào tôi).
Chúng tôi biết được từ cha mẹ cô bé rằng, đây là một phản ứng thường xuyên của Michelle (cô bé rất thông thạo “tiếng Thụy Điển”), tôi khá là vui vì cô bé đã làm điều này với tôi. Tôi tự nói với bản thân mình, đây là cơ hội hoàn hảo để giúp Michelle giao tiếp hiệu quả hơn! (Chân thành mà nói, đó là thực sự những gì tôi nghĩ. Tôi biết điều này có vẻ xa vời đối với bạn, nhưng chúng ta sẽ bàn đến việc bạn hoàn toàn có thể làm được điều đó như thế nào ở cuối chương trình.)
Tôi cúi xuống để mình không cao hơn cô bé. “Này Michelle, chú thực sự muốn giúp cháu có được những gì cháu muốn, nhưng chú không thể hiểu được khi cháu hét lên”. Tôi dừng lại một lúc, sau đó vỗ tay lên miệng. “Ồ, cháu biết là gì không? Chú có thể hiểu được khi cháu sử dụng từ ngữ! Nói cho chú biết cháu muốn gì, và chú sẽ chạy đi lấy nó!” Tôi dừng lại một lần nữa rất lâu.
Michelle hét lên, tự cắn tay mình một lần nữa và ném một cái gì đó vào tôi.
Tôi nói: “Ừm”, thể hiện vẻ mặt “không hiểu”. “Chú không biết điều đó có nghĩa là gì”. Tôi đi rất chậm về phía kệ. Michelle tiếp tục la hét.
“Ừm. Chú biết cháu muốn một cái gì đó, nhưng chú không thể hiểu được tiếng la hét”. Cuối cùng tôi đã đến bên kệ.
“Chú vẫn không chắc lắm”. Tôi đưa tay lên chậm rãi và chộp lấy cái gì đó xuống – một món đồ chơi mà tôi khá chắc không phải thứ cô bé muốn. Tôi chậm rãi đi về phía cô bé và đưa món đồ chơi cho cô bé. “Đây có phải là cái cháu muốn không?”
Michelle ném nó ra phòng, tiếp tục la hét, tự cắn tay mình một lần nữa.
“Được rồi, vậy rõ ràng không phải là cái cháu muốn. Được”. Tôi quay trở về phía kệ.
“Chú không thể hiểu được tiếng la hét, vì vậy chú vẫn không chắc. Nếu cháu sử dụng lời nói, Michelle, chú sẽ biết chính xác cháu muốn gì.”
Cô bé tiếp tục la hét. Tôi nhặt đồ chơi khác từ kệ – không phải thứ cô bé muốn – quay lại chỗ cô bé, và nói: “Đây có phải là thứ cháu muốn không?”
Michelle chộp lấy đồ chơi và ném nó vào bát súp trên kệ.
Tôi ngồi xuống ngang tầm mắt cô bé lần nữa. “Chú sẽ nói với cháu điều này, Michelle. Vì chú không thể hiểu được khi cháu hét lên, nên chú sẽ ra góc kia chơi một số đồ chơi. Nếu cháu muốn chú giúp, chỉ cần sử dụng lời nói của mình, và chú sẽ chạy ra và lấy cho cháu những thứ cháu muốn thật nhanh”.
Tôi lấy một số đồ chơi và đi đến một góc để chơi.
Michelle hét lên một lúc lâu. 15 phút trôi qua. Đột nhiên, từ cuối căn phòng, tôi nghe thấy, chỉ vừa đủ nghe: “Muốn con búp bê”.
Tôi bật dậy, chạy tới sát kệ, chộp lấy con búp bê, chạy về phía cô bé và đưa cho cô bé. Michelle giật lấy nó.
“Này, Michelle! Cháu đã làm được! Cảm ơn cháu rất nhiều vì đã dùng lời nói! Bây giờ chú có thể hiểu được cháu!”
Khoảng thời gian còn lại trong buổi, bất cứ khi nào cô bé nhìn về phía kệ, tôi sẽ nhảy lên và đứng bên kệ, sẵn sàng làm theo lệnh, vui vẻ thể hiện là cô bé có thể nhận được nhiều thế nào nếu sử dụng lời nói.
Cô bé thực sự bắt đầu thích thú với việc này, ra lệnh cho tôi làm nhiều việc khác nhau, thậm chí đôi khi cười trước việc tôi chạy qua chạy lại nhanh như tên bắn.
Trong thời gian còn lại, cô bé đã không ăn vạ nữa. Tất nhiên cha mẹ cô đã theo dõi tất cả mọi thứ, thấy rất vui mừng vì họ đã tìm thấy một cách có hiệu quả rõ ràng để tiếp tục và đã áp dụng nó.
Lớn lên không ăn vạ
Bạn có thể tưởng tượng mỗi anh chị em chúng tôi lớn lên trong gia đình như thế nào không. Tất cả chúng tôi đều biết việc ăn vạ, la hét, khóc, v.v không bao giờ có hiệu quả với cha mẹ.
Tôi phải thừa nhận rằng đôi khi, như một cậu bé (hậu tự kỷ), tôi thấy điều này thật khó chịu. Nhưng cuối cùng, bạn đoán xem? Tôi đã không ăn vạ! Không phải như một đứa trẻ và cũng không phải như một thiếu niên.
Không phải là tôi không bao giờ cố gắng nịnh cha mẹ để họ cho tôi một cái gì đó. Chỉ là tôi đã làm điều đó nhờ nói chuyện và thuyết phục, chứ không phải nhờ khóc, rên rỉ hoặc phàn nàn. Và tôi chắc chắn không phải lúc nào cũng có được những gì bản thân muốn, nhưng khi tôi không có được thứ mình muốn, tôi vẫn thấy chẳng ích gì nếu ăn vạ bởi tôi biết có làm như vậy cũng sẽ không thay đổi được bất cứ điều gì. (Tôi sẽ kể cho bạn nghe, khi tôi còn nhỏ và sau một lần không được đi ăn kem, tôi đã đi khắp nhà, dọn dẹp và hút bụi tất cả các phòng, rồi dựng lên một tấm bảng để cha mẹ nhìn thấy, sau đó tôi yêu cầu một lần nữa. Cuối cùng tôi đã được đồng ý!)
Một lưu ý về từ “tham lam”
Trước đây, tôi được hỏi là có phải giải thích ăn vạ như một điều gì đó mà con cái làm, nhằm nỗ lực truyền đạt những gì chúng muốn, có nghĩa là con cái đang tham lam không. Nói con cái đang tham lam là tin chúng đang không thành thật và lừa bịp để chúng ta làm theo yêu cầu của chúng. Nó có ý nghĩa hơi nham hiểm.
Khi tôi nói, con bạn đang khóc, la hét, gào thét, đánh, cắn, hoặc véo để giao tiếp, ý tôi là theo đúng nghĩa đen. Con có thể thấy giao tiếp bằng lời nói là khó khăn, rườm rà, và như chúng ta đã thảo luận trước đó, không thực sự hữu ích để có được một phản ứng nhanh.
Do đó con đang cố gắng hết sức trong khả năng của mình để giao tiếp. Con hoàn toàn chân thành. Có thể con đang sử dụng tiếng khóc để giao tiếp chứ không phải vì con đang buồn bã. Chúng tôi không nghi ngờ động cơ của con.
Con đang cố gắng hết sức để giao tiếp trong một thế giới hỗn loạn. Điều đó hoàn toàn không có gì sai. Và “tham lam” sẽ là từ cuối cùng tôi sử dụng để mô tả về con bạn.
Chúng ta giúp con cái giao tiếp hiệu quả hơn khi chúng ta không phán xét hành vi hiện tại của chúng. Trên thực tế, bạn sẽ thấy rằng, tuân theo các hướng dẫn trong chương này, khi bạn không bực bội hoặc phê phán, sẽ vô cùng hữu ích để giúp con thay đổi.
Quá tải cảm giác hay nỗi đau thể chất
Có thể là con bạn khóc vì đang trong trạng thái quá tải cảm giác hoặc vì đang đau (cộc đầu, đau bụng, v.v).
Nếu bạn nhìn thấy rõ con bị đau hoặc đang làm mình đau, tất nhiên bạn sẽ muốn làm điều bạn có thể để giúp đỡ hoặc làm dịu cơn đau của con. James bị đau dạ dày nghiêm trọng, và có rất nhiều lần tôi hoặc Charlotte xoa bụng James khi cậu bé đang khóc.
Nhưng ngay cả ở đây, việc sử dụng các phản ứng của chúng ta để thúc đẩy giao tiếp cũng rất có ý nghĩa. Một phần bởi ngay từ đầu, Charlotte đã sử dụng phương pháp “phản ứng” với James, cậu có thể cho chúng tôi biết cậu đang bị đau ở đâu. Bạn không muốn con mình có thể nói đang bị đau ở đâu ư? Sẽ luôn luôn hữu ích với con nếu bạn đưa ra những phản ứng mạnh và nhanh chóng với ngôn ngữ và những phản ứng chậm hơn, bình tĩnh hơn với việc khóc. Ngay cả nếu con đang bị đau (hoặc sợ hãi, v.v), chẳng phải bạn muốn gửi thông điệp rằng điều đó không sao – hơn là gửi thông điệp rằng, một điều gì đó đáng sợ và căng thẳng đang diễn ra (đây chính xác là thông điệp được gửi khi chúng ta phản ứng trong hốt hoảng khi trẻ khóc) ư?
Liên quan tới sự quá tải các giác quan, chúng ta đã dành rất nhiều thời gian cho vấn đề này vì tầm quan trọng của nó. Các phòng chơi hoặc phòng tập trung được mô tả trong Chương 13 làm giảm những cơn bùng nổ một cách chính xác bởi nó giúp loại bỏ tình trạng quá tải cảm giác. Việc Hòa Mình cũng giúp ích trong vấn đề này. Việc giữ con tránh xa những tình huống kích thích cảm giác thái quá, không cần tranh luận thêm, cũng sẽ làm giảm tình trạng khóc lóc và mè nheo ở trẻ.
Vì vậy, hãy đưa con bạn ra khỏi tình huống và môi trường kích thích quá mức càng nhanh càng tốt, dù con đã khóc hay chưa khóc. Nếu bạn nhận thấy một vấn đề về cảm giác, như một âm thanh nào đó làm phiền con, và bạn có thể giải quyết nó, thì bằng mọi cách hãy làm điều đó, dù con đã khóc hay chưa.
Ở đây một lần nữa, các nguyên tắc của chương này được áp dụng. Bạn muốn thể hiện rằng, không có gì đáng sợ đang xảy ra, ngay cả khi con đang bị kích thích quá mức. Và bạn hãy cho con thấy bạn hiểu tiếng Anh, chứ không phải tiếng Thụy Điển, chính vì vậy mà con có thể giao tiếp tốt hơn nếu một điều gì đó đang làm con quá tải.
Ngoài ra, để con tự nhận ra điều đó sẽ mang đến tất cả các loại lợi ích cho sự tự điều chỉnh và tự bình tĩnh ở con.
Tôi chắc chắn đã trải nghiệm điều này với James.
James: Tháng thứ nhất
Mặc dù James yêu quý phụ nữ, nhưng cậu phản ứng rất gay gắt với nam giới. Khi tôi làm việc lần đầu tiên với cậu bé, cậu ngay lập tức thể hiện điều này. Tôi bước vào phòng chơi của cậu, và ngay lúc cậu nhìn thấy tôi, cậu nằm vật ra như một cái cây bị đổ và bắt đầu khóc trên sàn.
Tôi đã chứng kiến những người khác cố gắng nói chuyện và giúp cậu bình tĩnh lại khi cậu làm vậy, và kết quả luôn luôn giống nhau: Họ càng nói chuyện với cậu (bất kể những gì họ nói), cậu càng khóc to và lâu hơn. Sự kích động của cậu dường như tăng lên theo từng giây mà những người này dành để quan tâm đến cậu. Hơn nữa, nếu có ai đó đến quá gần với cậu trong lúc này, cậu sẽ đẩy cằm của mình vào người đó với lực khá mạnh và đôi khi cào móng tay vào da người đó.
Khi cậu nằm lăn ra sàn và bắt đầu khóc lúc tôi bước vào phòng chơi của cậu, tôi thật sự đã không chắc chắn là cậu đang cố gắng để giao tiếp một cái gì đó (có thể như “Raun, đi ra!”) hay cậu bị choáng ngợp và bối rối vì tôi là một người đàn ông. Vấn đề là: Điều đó không quan trọng.
Vì thế, tôi đã làm như sau: Đầu tiên, tôi nói rất ngắn gọn với cậu: “Này, anh bạn, chú sẽ ở góc phòng kia khi cháu muốn chơi hay dùng lời nói”. Sau đó, tôi đi qua góc phòng và bắt đầu vẽ một cái gì đó lên tường. (Phòng chơi của cậu có những bức tường đặc biệt mà bạn có thể vẽ lên được).
Mỗi khi điều này xảy ra, tôi cảm thấy thực sự thoải mái, không cần khẩn cấp dỗ James dừng khóc. Tôi biết cậu cần phải điều chỉnh bản thân, và tôi muốn cho cậu cơ hội để làm điều đó, mà không cần tôi phán xét, thúc ép hoặc xoa dịu cậu.
Một lưu ý khác: trong khi tôi vẽ trong góc phòng, tôi sẽ cố tình ngồi nghiêng để cạnh sườn tôi hướng về phía cậu bé. Hãy để tôi nói cho bạn biết lý do tại sao. Tôi đã phát hiện ra với nhiều trẻ em – bao gồm cả James – rằng khi chúng đang ăn vạ hoặc gào khóc, nếu bạn ngồi (hoặc đứng) đối diện với chúng, chúng có thể cảm thấy bạn đang quan tâm và tập trung vào chúng, và chúng thường trở nên kích động hơn. Mặt khác, bạn không muốn ngồi xoay lưng vào chúng bởi vì như thế bạn không thể nhìn thấy chúng.
Vì vậy, tôi sẽ ngồi đối diện với bức tranh tôi đang vẽ (đây là phần khó nhất của toàn bộ nỗ lực này, vì kỹ năng vẽ của tôi rất tệ), và tôi thường xuyên liếc nhìn nhanh xem James đang làm gì.
Trước khi tôi nói với bạn những gì đã xảy ra, hãy để tôi giải thích rằng, tôi đã chứng kiến James thường xuyên khóc trong 45 phút đến một giờ khi ai đó bước vào phòng chơi.
Trong tháng đầu tiên tôi làm việc với cậu, James luôn lăn ra đất và khóc mỗi khi tôi bước vào. Tôi chưa bao giờ gặp một đứa trẻ nào khóc như vậy nhiều hơn một lần hoặc hai lần khi tôi bước vào, vì vậy tôi phải tự mình xác định rất rõ ràng rằng, James làm điều này vì lý do riêng của cậu (ví dụ, bởi vì tôi là một người đàn ông) – chứ không liên quan gì đến cá nhân tôi cả.
Tuy nhiên, mặc dù James làm như vậy trong tháng đầu tiên, bạn có biết cậu khóc bao lâu sau mỗi lần tôi bước vào không? Bốn phút. Nhiều nhất. Đôi khi là hai phút. Trong một buổi học kéo dài khoảng 90 phút đến ba tiếng.
Sau một vài phút, James sẽ ngừng khóc, đi qua chỗ tôi, và bắt đầu chơi với tôi một cách tự nhiên (đấu vật, nắm lấy tay tôi, đòi cái gì đó, ngã vào lòng tôi và cười).
Tại thời điểm đó, tôi sẽ ngay lập tức đáp lại, và điều đó đặt nền móng cho phần còn lại của buổi học.
Sau tháng đầu tiên đó, James không bao giờ khóc khi tôi bước vào.
Tầm quan trọng của sự nhất quán
Điều này chỉ có tác dụng nếu được thực hiện với sự nhất quán tuyệt đối, vì liên quan đến trí thông minh và động lực của trẻ để có được những gì trẻ muốn.
Đối với những người nghĩ rằng, bạn đã thực hiện chiến lược này và tin nó không hiệu quả, tôi sẽ kể cho bạn câu chuyện sau đây.
Câu chuyện của Hassan
Chúng tôi đã gặp một người mẹ có con trai tên là Hassan, một cậu bé ăn vạ rất nhiều trong The Start-Up Program. Anh bạn nhỏ này rất thích bánh quy. Mẹ thường xuyên cho cậu ăn bánh (vì một nguyên nhân khác mà tôi sẽ nói đến trong Chương 16). Tuy nhiên, có những thời điểm nhất định, chẳng hạn như chỉ trước khi đi ngủ, mẹ Hassan không muốn để cậu ăn bánh.
Cô đã giải thích với chúng tôi ở trong lớp rằng, đôi khi cô ấy kiềm chế không cho Hassan ăn bánh, thì cậu sẽ hét lên, khóc, v.v. Khi chúng tôi giải thích nguyên tắc trên, ngay lập tức cô cắt ngang: “Vâng, tôi biết, nhưng điều đó không hiệu quả với con trai tôi”.
Chúng tôi đã nghe phản ứng như vậy nhiều, rất nhiều lần, vì vậy chúng tôi yêu cầu cô kể cho chúng tôi chính xác những gì đã diễn ra vào lần gần nhất mà tình trạng này xuất hiện.
Cô kể lại rằng đêm trước khi cô bay đến ATCA để học The Start-Up Program, cô chuẩn bị cho Hassan đi ngủ, và cậu nói: “Con muốn bánh quy” (một cụm từ cậu biết khá rõ).
Giáo viên hỏi: “Và bạn đã làm gì khi đó?”.
Mẹ Hassan cho biết: ”Tôi nói rồi đấy. Tôi đã nói với cháu rằng tôi rất tiếc, nhưng cháu không được ăn bánh quy trước khi đi ngủ”.
Giáo viên trả lời: “Được rồi, và Hassan đã làm gì? “
Mẹ Hassan vung tay lên: "Vâng, đó là khi cháu bắt đầu thói quen của mình. Cháu bắt đầu khóc và nói: ‘Con muốn bánh quy!’ lặp đi lặp lại”.
Giáo viên tiếp tục: ”Được rồi và bạn đã làm gì sau đó?”
“Tôi đã nói với cháu rằng, cháu có thể khóc mãi nếu cháu muốn, nhưng cháu sẽ không được ăn bánh quy trước khi đi ngủ.”
Mẹ Hassan nói bằng một ngữ điệu ngụ ý rằng, cô vừa nói sự thật hiển nhiên nhất mà cả nhân loại đều biết đến.
Giáo viên tiếp tục hỏi một lần nữa: “Và sau khi bạn nói với Hassan điều đó, thì cậu bé đã làm gì?”
Mẹ Hassan giải thích bằng giọng bực tức: “Ồ, cháu cố đòi bánh. Cháu bắt đầu rít lên, lăn lộn trên sàn nhà, đá chân mình và la hét: ‘Con muốn bánh quy!’ liên tục”.
Giáo viên hỏi một lần nữa: “Và bạn đã làm gì vào thời điểm đó?”
“Vâng, tất nhiên, điều này có thể kéo dài cả đêm, và tôi phải cho con ngủ vào một giờ nhất định, vì vậy, bạn biết đấy, cuối cùng, sau một lúc lâu, khi không có lựa chọn nào khác, tôi đã phải...”
Cô lẩm bẩm vài từ cuối cùng trong câu nói của mình với cái đầu cúi xuống, vì vậy giáo viên không thể nghe ra được.
Giáo viên nói nhẹ nhàng: “Tôi không thể nghe được những từ cuối cùng. Bạn nói bạn đã phải làm gì?”
Mẹ Hassan nói ngập ngừng, vẻ mặt hơi thất vọng: “Cho cháu ... ... ... một chiếc bánh quy”
Cho phép tôi chen ngang câu chuyện một chút. Tôi không khuyên bạn thể hiện cho con biết bạn hiểu tiếng Thụy Điển bằng cách quan tâm đến cơn ăn vạ. Tuy nhiên, tôi càng không khuyên bạn cố gắng kìm chế, kìm chế, kìm chế – và sau đó lại đáp ứng sau một giờ đồng hồ. Tại sao? Bởi vì giờ đây bạn đã vừa truyền đạt những điều sau đây đến con bạn: Nếu con muốn có được bánh quy trước khi đi ngủ, con cần nói chuyện bằng tiếng Thụy Điển (ăn vạ) một giờ trước khi con nhận được nó.
Quay trở lại câu chuyện của chúng ta, giáo viên giải thích cho mẹ Hassan chính xác những điều phải làm, và cô ấy đã về nhà rồi thực sự làm theo. Cô cũng đảm bảo tất cả mọi người khác trong nhà thực hiện theo. Và cô không bao giờ dao động. Cô rất chậm rãi, thản nhiên, và tỏ ra ‘không hiểu’ khi Hassan ăn vạ (tất nhiên, không bao giờ cho cậu bánh quy trước khi đi ngủ), và cô ấy sẽ đáp ứng nhanh chóng và vui vẻ khi con trai cô giao tiếp nhẹ nhàng.
Sau khi trở về một vài tuần, cô ấy nói với chúng tôi rằng, bản thân cô rất ngạc nhiên bởi những gì nhìn thấy. Vào những ngày đầu tiên, Hassan hét, khóc và ăn vạ thậm chí nhiều hơn so với trước đây. Nhưng sau đó, mẹ Hassan nói, như thể là có ai đó đã chuyển công tắc vậy. Tần suất ăn vạ của cậu đã chuyển từ một vài lần một ngày thành chỉ một lần trong cả tuần qua. Hassan cũng giao tiếp nhiều hơn, khi cậu nhìn thấy sức mạnh của việc sử dụng lời nói.
Mẹ cậu bé nói với chúng tôi rằng, mặc dù cô ấy chắc chắn đang vui vẻ và bình tĩnh hơn, nhưng điều vui mừng nhất là khi thấy con trai dường như cũng vui vẻ và bình tĩnh hơn rất nhiều.
Một lưu ý cuối cùng về điểm này. Thỉnh thoảng, chúng tôi biết một phụ huynh hoàn toàn thề rằng, anh ấy hay cô ấy không bao giờ cho con mình bánh quy, nhưng sự ăn vạ vẫn tiếp tục không suy giảm. Đáp lại vấn đề này, tôi sẽ một lần nữa, trích dẫn lời chị gái tôi Bryn: “Vậy thì chắc chắn đang có ai đó cho con bạn bánh quy.”
Nếu bạn 100% chắc chắn rằng, bản thân bỏ cuộc và không bao giờ “hiểu tiếng Thụy Điển” thì chỉ có một khả năng khác là ai đó trong cuộc sống của con bạn đang đáp ứng lại việc khóc, đánh, v.v. Không có cách nào khác để sự ăn vạ có thể tiếp tục. Con bạn rất thông minh. Chỉ đơn giản là không ích gì để bé sẽ tiếp tục sử dụng một phương thức giao tiếp mà không bao giờ, không bao giờ hiệu quả từ ngày này qua ngày khác. Đó là điều không thể.
Không đánh và hãy nhẹ nhàng
Đừng nghĩ đến một quả chuối. Dù bạn làm gì, đừng nghĩ đến một quả chuối chín vàng. Bạn sẽ làm thế nào? Nếu bạn giống như phần còn lại của thế giới, bạn có thể nghĩ về một quả chuối. Sau đó, có thể bạn đã cố gắng tưởng tượng ra một mảnh giấy hoặc vải hoặc có thể chỉ là bóng tối bao trùm lên quả chuối.
Điều này chứng minh những gì? Nó minh họa cho một cái gì đó rất quan trọng về tâm trí con người: Không thể không nghĩ về một cái gì đó. Nếu tôi nói với bạn đừng nghĩ đến một quả chuối, điều này là không thể. Điều có thể là suy nghĩ về cái gì khác thay vào đó – ví dụ về một trái cam.
Hầu hết chúng ta nói với con cái những điều như sau: “Đừng đánh”, “Đừng véo”, hoặc “Thật không ngoan khi con cào em”. Đối với hầu như tất cả mọi người, điều này dường như rất tự nhiên trên thế giới.
Vấn đề là khi chúng ta nói: “Đừng đánh,” con chúng ta nghe thấy từ “Đánh”. Khi chúng ta nói: “Đừng véo,” con chúng ta nghe được từ “Véo”. Chúng ta vô tình nhắc đến điều chúng ta không muốn và làm cho nó lớn hơn. Chúng ta đang tập trung mọi sự chú ý của con mình vào hành vi mà chúng ta không muốn chúng làm.
Thay vào đó, hãy tập trung vào việc giúp con chúng ta trở nên nhẹ nhàng và lễ độ. Chúng ta có thường nhảy lên nhảy xuống và cổ vũ khi con nhẹ nhàng lễ độ không? Chúng ta có thể chỉ cho con biết lễ độ là như thế nào (nhẹ nhàng chạm vào tay hay vai chúng ta). Thậm chí tốt hơn nữa thì bất cứ khi nào con làm bất cứ điều gì một cách nhẹ nhàng (chạm vào cánh tay chúng ta, nắm lấy tay chúng ta), chúng ta hãy làm một điều gì đó thật lớn. Ăn mừng. Cổ vũ. Vỗ tay. Thỉnh thoảng, khi có một đứa trẻ nhẹ nhàng chạm vào cánh tay tôi, tôi liền chạy quanh phòng xoa cánh tay mình và reo lên, “Ồ! Thật tuyệt vời khi con nhẹ nhàng!”
Trong hầu hết các trường hợp, con cái thấy chúng ta phản ứng mạnh khi chúng đánh, véo, hoặc cắn chúng ta – và phản ứng rất ít, nếu có, khi chúng nhẹ nhàng. Chúng ta muốn lật ngược tình thế một cách ấn tượng!
Hãy nhớ rằng: con cái có thể hình dung được “nhẹ nhàng”, nhưng lại không thể hình dung ra “không đánh”. Thay vì nghĩ đến chính chúng ta, tôi phải khiến cho con dừng đánh, chúng ta muốn tập trung năng lượng và sự chú ý vào việc khuyến khích con cái trở nên nhẹ nhàng.
Bắt tay thực hiện
Tất cả những gì bạn cần phải làm ở đây là soạn ra những hành vi hoặc tình huống nào mà bạn sẽ phản ứng ít lại và những cái nào sẽ phản ứng với chúng nhiều hơn. Bảng 13 này sẽ là công cụ định hướng rất hữu ích để bạn bắt đầu.
Nguồn thông tin trực tuyến
Để tìm hiểu sâu hơn về những nguyên lý và kỹ thuật được đề cập trong chương này, hãy truy cập vào website: www.autismbreakthrough/chapter14. Hãy thư giãn và tận hưởng nhé!
Điểm bắt đầu
Điểm bắt đầu lần này sẽ có 2 phần riêng biệt:
Phần 1:
Ngay từ lần tiếp theo mà con bạn đánh, khóc lóc hoặc ăn vạ, hãy tập trung toàn bộ sự chú ý của bạn vào việc giúp bản thân cảm thấy thư giãn. Hãy hít thở vài hơi thật sâu. Hãy tự nhắc bản thân rằng, những gì mà con đang làm không nói lên điều gì về tư cách phụ huynh của bạn cả. Bé chỉ đang cố gắng giao tiếp. Không có gì ghê gớm đang diễn ra cả.
Đừng di chuyển cho đến khi bạn hoàn toàn thư giãn (Trừ trường hợp có điều gì nguy hiểm xảy ra). Khi đã thực sự cảm thấy thoải mái, hãy nói những điều sau với con: “Mẹ yêu con và muốn giúp con, nhưng mẹ không thể hiểu con đang muốn gì.” Sau đó thử gợi ý cho bé dùng lời nói để nói ra điều bé muốn. Nếu con bạn chưa có khả năng ngôn ngữ, hãy gợi ý cho bé chỉ vào thứ bé muốn.
Nếu con đã nói hoặc chỉ (mà không còn đánh hoặc khóc nữa), thì hãy cổ vũ cho con thật nhiệt tình và cố gắng hết sức của bạn để làm điều mà con muốn.
Phần 2:
Trong suốt cả ngày, hãy tìm kiếm bất cứ cơ hội nào để ăn mừng những hành vi nhỏ nhẹ, hoặc giao tiếp rõ ràng từ con bạn. Ý của chúng ta ở đây là mọi lúc mọi nơi. Điều này không nhất thiết chỉ xảy ra ngay sau khi con vừa ngừng đánh hoặc khóc. Hãy tìm kiếm bất kỳ lúc nào mà con giao tiếp nhẹ nhàng, rõ ràng và ăn mừng ngay lập tức bằng cả tấm lòng.