Tại ATCA, chúng tôi làm việc với nhiều gia đình có con em là trẻ em hay người trưởng thành mắc hội chứng Asperger hoặc được coi là “tự kỷ chức năng cao”. Tất cả những nguyên lý của The Son-Rise Program® đều có hiệu quả với những cá nhân này (trong một số trường hợp, còn hiệu quả hơn nữa!). Trong chương này, chúng ta sẽ nói về cách áp dụng những nguyên lý trên đối với đứa trẻ “đặc biệt phức tạp” của bạn.
Tôi cực kỳ khuyến khích bạn xem lướt qua những chương trước, trước khi đọc những mục phía dưới. Chẳng hạn như, đọc lại Chương 2 sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều trước khi bạn đọc mục Hòa mình phía dưới đây. Nhờ vậy, gợi ý dưới đây sẽ dễ hiểu và dễ áp dụng hơn.
Hòa mình
Khi trẻ em và người trưởng thành mắc hội chứng Asperger, có nhiều khác biệt với cả những điều chúng ta xem là một hành vi ism và cách chúng ta hòa mình.
Những người mắc hội chứng Asperger thường không có những biểu hiện ism truyền thống, như là vẫy tay, xoay đồ vật, xé nhỏ giấy, v.v. Thường thì, họ sẽ nói rất nhiều về một chủ đề cụ thể (hay một chuỗi chủ đề), hoặc họ sẽ dính với một sở thích bằng một thái độ rất tập trung và kiên trì. Đây là hai loại hành vi chính mà bạn nên xem xét như những hành vi ism. Khi con bạn thực hiện một trong hai điều trên, bạn cần tham gia hòa mình với con ngay lập tức.
Cũng như vậy, cách bạn hòa mình cùng con với những hành vi này cũng khác với khi bạn hòa mình vào những hành vi ít phức tạp hơn. Chúng ta đã thảo luận trước đó về việc một cá nhân không quen thuộc với kỹ thuật hòa mình có thể mắc sai lầm như thế nào, ví dụ như hòa mình vào hoạt động vẫy tay để bắt chước, nhại theo, sao chép, v.v. Tuy nhiên, việc hòa mình cùng trẻ mắc hội chứng Asperger, thường sẽ khó phạm phải lỗi nhại theo hơn. Với những dạng hành vi ism phức tạp hơn, bạn nên tham gia hòa mình bằng cách trở thành một người tham gia chủ động vào các sở thích của trẻ.
Hãy lấy ví dụ khi con thích tàu hỏa. Con nói về tàu hỏa, đọc về tàu hỏa và có thể kể tên tất cả các loại tàu được tạo ra trong vòng 100 năm trở lại đây. Điều thường xuyên xảy ra là, tại một vài thời điểm, mọi người thấy rõ bản thân đã nghe quá đủ về tàu và muốn chuyển sang một chủ đề khác. Những vị phụ huynh (hay giáo viên) sẽ nói với con rằng: “Bây giờ không phải lúc để nói về điều này”, “Sam không muốn nghe về tàu hỏa lúc này đâu”, “Hôm nay chúng ta nói về tàu đủ rồi, con yêu” hoặc “Sao con không nói cho chúng ta nghe con đã làm gì cùng cha vào hôm qua”.
Cố gắng chuyển con khỏi chủ đề con chọn sẽ chỉ dẫn đến kết quả ngược lại, thường làm con càng kiên quyết giữ chủ đề này hơn.
Mặt khác, khi chủ đề trò chuyện liên quan đến tàu hỏa – và những hành vi ism phức tạp tương tự – bạn không nên chỉ sao chép chính xác những gì con làm (lặp lại những gì con nói, làm theo những gì con làm). Thay vào đó, bạn nên hòa mình bằng cách trở thành một học sinh ngoan trong những chủ đề ưa thích của con.
Nếu con bạn thích nói về tàu hỏa (và đọc sách hoặc lắp ráp những toa tàu, v.v), thì việc của bạn là trở thành một người cuồng tàu hỏa! Nếu con muốn cho bạn xem một bức tranh về tàu hỏa, hãy nhìn vào tranh một cách say mê. Khi con nói về tàu hỏa, hãy chăm chú lắng nghe con. Nếu con hỏi về tàu hỏa, hãy trả lời câu hỏi của con.
Hãy trả lời tốt nhất có thể theo hiểu biết của bạn. Nếu đây là lần thứ 12 bạn trả lời cùng một câu hỏi, tuyệt vời! Có nghĩa là bạn biết câu trả lời, vì thế hãy trả lời con, kể cả điều đó có nghĩa là bạn đưa ra câu trả lời y hệt 11 lần trước đó.
Hãy dành một khoảng thời gian riêng để đọc về tàu hỏa. Lần tới, khi con nói về chủ đề này, bạn có thể đóng góp kiến thức của mình (chỉ khi con dành cho bạn không gian để làm vậy).
Tôi dùng tàu hỏa như một ví dụ. Tùy thuộc vào điều con làm mà chúng ta có nhiều chủ đề đa dạng khác nhau. Nếu con thích tạo mô hình máy bay, hãy đừng ngại ngần và tham gia cùng con. Nếu con không muốn bạn làm xáo trộn những gì con đang thực hiện, hãy tự lấy cho mình một mô hình và lắp ráp nó trong cùng một phòng với con.
Cách hòa mình này có thể áp dụng bằng nhiều phương thức. Tôi từng làm việc cùng một cậu bé thích bưu điện. Cậu bé thường đưa ra những bì thư và gói hàng rồi yêu cầu tôi đóng dấu lên chúng. Tôi hòa mình với cậu bé bằng cách này, cậu bé đưa ra một gói hàng và tôi cân rồi đóng dấu lên nó.
Chìa khóa ở đây là tìm hiểu hành vi ism của con (một sự quan tâm sâu đậm và cứng nhắc tới một chủ đề trò chuyện hay một sở thích) và sau đó hòa mình cùng con bằng cách gia nhập theo cách tốt nhất bạn có thể (kể cả việc chỉ lắng nghe một cách chú tâm).
Động lực
Thực sự là có rất ít khác biệt khi bạn áp dụng nguyên tắc động lực với trẻ em và người lớn mắc hội chứng Asperger. Cũng như những đứa trẻ tự kỷ khác, bạn cần quan sát con và ghi chú lại sở thích và động lực của con. Trong nhiều trường hợp, việc này khá dễ dàng vì con sẽ thường xuyên nói về những điều con hứng thú. Ví dụ:
• Máy bay
• Các nhân vật trong bộ phim con yêu thích
• Tòa nhà
• Một đất nước cụ thể nào đó
• Những bệnh tật chết người
Bạn nên bắt đầu với một trò chơi hay một hoạt động (hoặc trò chuyện) xung quanh những động lực này, chẳng hạn như:
• Nói về máy bay, đọc về máy bay…
• Giả vờ như bạn là một nhân vật trong bộ phim yêu thích của con.
• Dựng mô hình tòa nhà cao nhất thành phố.
• Một chuyến du lịch tưởng tượng đến đất nước con yêu thích.
Liệt kê các bệnh tật, bàn về sự khác nhau giữa các bệnh tật này.
Một khi trò chơi, hoạt động hoặc cuộc đối thoại diễn ra, bạn có thể giới thiệu chèn thêm một thử thách hay mục tiêu giáo dục. Thường thì, mục tiêu hay thử thách bạn đặt ra có thể khá phức tạp. Ví dụ như:
• Tập trung vào các cuộc trò chuyện xã hội và những điều mà mỗi người thích thực hiện.
• Đặt mục tiêu đạt 15 phút hoàn toàn linh hoạt, đây là lúc bạn tìm cách truyền cảm hứng để con chơi một trò chơi hay có một cuộc thảo luận hoàn toàn theo chủ đề của bạn trong thời gian này.
• Tập xem quãng thời gian con đặt câu hỏi cho bạn như một cách luyện tập hứng thú với người khác.
• Yêu cầu con dạy bạn một điều gì đó – khuyến khích con dạy bạn cho đến khi bạn hoàn toàn hiểu rõ.
• Trao đổi chủ đề, nói về điều con thích trong mười phút và rồi nói về điều bạn thích.
• Trò chuyện cùng con về chủ đề con thích – như tàu vũ trụ – hay thậm chí liên kết chủ đề này với một chủ đề xã hội – như, nếu con gặp người ngoài hành tinh từ hành tinh khác, con sẽ tự giới thiệu thế nào, con sẽ hỏi điều gì, v.v. Bạn thậm chí có thể đóng vai người ngoài hành tinh hay viết một bản giới thiệu nói về tất cả những điều con muốn người ngoài hành tinh biết về con và Trái đất.
• Nếu con thích tàu hỏa, bạn có thể nói về nhiều loại tàu khác nhau. Sau đó bạn có thể dẫn đến cuộc đối thoại về người bạn muốn dắt lên tàu cùng với bạn, nơi bạn muốn cùng đi, v.v. Bạn cũng có thể tạo ra một hoạt động nâng cao hơn trong đó con gọi hay trò chuyện cùng những người bạn (những người bạn này có thể là những người làm việc cùng con), tìm hiểu những nơi mà những người bạn trên muốn đến và lý do tại sao, rồi tạo ra một danh sách những ai muốn đi đâu trên những chuyến tàu này. Sau đó, bạn có thể thực hiện một chuyến đi thực tế đến bảo tàng xe lửa với một vài người bạn của con, công việc của con sẽ là giới thiệu các toa tàu cho bạn bè của mình và trả lời bất kỳ câu hỏi nào nhờ vào sự hiểu biết của con.
Hãy xem qua câu chuyện dưới đây để thấy sức mạnh của các nguyên tắc động lực với trẻ em và người trưởng thành mắc hội chứng Asperger.
Câu chuyện của Sandra
Sandra là một cô gái 15 tuổi mắc hội chứng Asperger. Trong khi các kỹ năng ngôn ngữ và học thuật của cô bé bằng tôi với bạn, thì cô bé lại gặp khó khăn ngay cả với những tương tác xã hội đơn giản nhất. Cha mẹ cô tham gia vào The Start-up Program và họ giải thích ngay rằng, mặc cho có những kỹ năng ở nhiều lĩnh vực, cô bé dường như không thể tham gia vào những cuộc hội thoại căn bản thường ngày.
Một trong những mục tiêu chính mà cha mẹ Sandra đưa ra cho cô bé là có thể trò chuyện về những gì cô bé – và người đang trò chuyện- thích thực hiện vào cuối tuần. Đối với cha mẹ cô bé, những người đã vật lộn với việc này không ít lần, mục tiêu này dường như xa vạn dặm.
Trong suốt The Start-up Program, chúng tôi có những giờ học đặc biệt dành riêng cho cha mẹ của trẻ mắc hội chứng Asperger và có dấu hiệu “tự kỷ chức năng cao”. Chính trong những buổi học này, cha mẹ Sandra đã đưa ra những khó khăn mà họ gặp phải.
Thường thì, chúng tôi bắt đầu giải thích nguyên tắc động lực cho họ và chúng tôi hỏi về một trong những động lực của Sandra. Cả hai ngay lập tức cùng đưa ra câu trả lời – cùng một câu trả lời. Sandra thích các talkshow hàng ngày, nhưng không phải chương trình nào cũng thích. Sandra yêu The Jerry Springer Show. Sandra không chỉ thích xem Jerry Springer, cô bé muốn trở thành Jerry Springer.
Sandra thường đi dọc theo những con phố nơi mình sống, vung vẩy một thanh gỗ ngắn hoặc một cái muỗng (thứ mà cô bé dùng như một chiếc micro) đến trước mặt một người bất kỳ trên đường, rồi hỏi họ như: “Bob, tại sao anh lại ngủ với em gái của vợ mình?”
Những vị phụ huynh rụt rè của Sandra kinh hãi! Họ cảm thấy rằng cách cư xử như thế này không phù hợp và cực kỳ bẽ mặt. Họ đã bắt tay vào một cuộc chiến để ngăn cản triệt để việc này.
Không ngạc nhiên, họ càng cố gắng kìm hãm kiểu Jerry Springer, thì Sandra càng cứng nhắc và kiểm soát về Jerry Springer – và cả trong những cuộc hội thoại thông thường. Trước khi cha mẹ Sandra đến với ATCA để tham gia The Start-Up Program, tình trạng này đã gia tăng đến mức Sandra chỉ chấp nhận hội thoại theo những bước và quy định chính xác của bản thần. Chỉ mình cô bé được hỏi, người khác thì không (bởi Jerry dĩ nhiên chỉ đặt câu hỏi mà không cần trả lời chúng). Hơn nữa, mọi cuộc hội thoại đều phải theo phong cách của The Jerry Springer Show, nghĩa là người khác chỉ đưa ra một loại câu trả lời cụ thể và thảo luận một vài chủ đề.
Chúng tôi đã cố giải thích với cha mẹ Sandra rằng, Jerry Springer không phải là vấn đề, anh ta chính là giải pháp. Không, không, họ kiên quyết, tin chúng tôi đi – Jerry Springer chính là vấn đề! Chúng tôi hoàn toàn hiểu tại sao họ lại nhìn theo chiều hướng này, nhưng chúng tôi tiếp tục giải thích sâu hơn về lí do Jerry Springer không nhất thiết là vật cản đối với Sandra. Hơn thế, anh ta có thể là lối thoát cho cô bé! Rốt cục thì, chúng tôi đã nói với cha mẹ Sandra rằng, cách họ tiếp cận hiện tại với cô là không hiệu quả.
Họ gật đầu hiểu ý.
Chúng tôi đưa ra một hoạt động đơn giản để giúp họ có thể thực hiện tại nhà khi họ kết thúc The Start-Up Program. Thực sự như vậy, lúc họ về nhà vào ngày hôm sau, họ biến ý tưởng này thành hiện thực.
Họ vào phòng Sandra và lắp thêm một chiếc micro thật ở giữa căn phòng (thứ mà Sandra chưa từng có trước đó!). Sau đó họ đặt thêm 4 cái ghế dựa ở một bên tường, mỗi cái cho một người – mẹ, cha, dì và một người bạn của gia đình. (Căn phòng này, tất nhiên là có một tấm pano hình Jerry Springer)
Khi Sandra bước vào phòng, cô bé sướng ngây ngất. Cô hiếm khi biểu lộ cảm xúc và thường có vẻ mặt lầm lỳ, nay trông hào hứng thấy rõ! Cô lập tức chụp lấy mico và bắt đầu tuôn ra những câu hỏi bắt chước Jerry Springer. Mặc dù vậy, lần này, dù cho ai được hỏi, moị người đều trả lời một cách nhiệt tình – bất kể câu hỏi có khó xử đến đâu chăng nữa.
Khi “show diễn” đang diễn ra, cha mẹ Sandra bắt đầu chú ý đến sự thay đổi trong thái độ của cô bé. Cô bé dường như không chỉ hạnh phúc hơn, mà còn thoải mái, bớt căng thẳng, bớt kiểm soát và linh hoạt hơn. Cha Sandra quyết định rằng đây là lúc để thử nghiệm. Vì thế ông đặt ra một câu hỏi cho Sandra (nhớ rằng, trước đó đặt câu hỏi với Sandra là điều không được cho phép và sẽ không nhận được câu trả lời). Đáp lại sự ngạc nhiên của mọi người, Sandra trả lời câu hỏi của cha mình mà không khó chịu hay chần chừ chút nào. Cha mẹ cô bé liếc nhau, cố gắng che giấu sự bất ngờ. Vài phút sau, mẹ Sandra thử đặt ra một câu hỏi. Sandra trả lời câu hỏi này. Đúng là một sự đột phá!
Và khi chương trình tiếp tục diễn ra một cách tốt đẹp, cha mẹ Sandra nhận ra rằng, họ có thể khởi đầu cho việc thảo luận nhiều hơn. Thậm chí, họ đã có thể chậm rãi chuyển hướng của toàn bộ cuộc trò chuyện. Và sau một giờ rưỡi đồng hồ, cả năm người (Bốn người lớn và Sandra) đã có thể ngồi lại cùng nhau, để thảo luận về việc mà mỗi người thích làm vào cuối tuần và lí do. Và đây chính xác là mục tiêu mà cha mẹ Sandra đã đề ra khi họ đến tham dự The Start-Up Program.
Hòa nhập xã hội
Như chúng ta đã thảo luận, Mô hình phát triển theo The Son-Rise Program® hoạt động xuyên suốt năm giai đoạn – từ tự kỷ nặng cho đến giai đoạn thành công ở khía cạnh xã hội và hoàn toàn bình thường. Vì vậy chương trình bao gồm cả trẻ em và người trưởng thành mắc hội chứng Asperger. Một số người mắc hội chứng Asperger có thể ở giai đoạn hai của Nền tảng 1 – giao tiếp bằng mắt và giao tiếp phi ngôn ngữ, giai đoạn 5 ở Nền tảng 2 – giao tiếp bằng ngôn ngữ, giai đoạn 4 của Nền tảng 3 – thời lượng tập trung tương tác, và giai đoạn 3 của Nền tảng 4 – sự linh hoạt.
Bạn nên xây dựng chương trình dựa trên tình trạng hiện tại của con. Việc ưu tiên về các mục tiêu xã hội (hơn là các mục tiêu học thuật) là cực kỳ quan trọng ở đây. Nhiều người mắc hội chứng Asperger rất xuất sắc trong các chủ đề học thuật – ít nhất là với những gì họ yêu thích. Và tôi không gợi ý bạn tước mất những điều họ thích hay bắt họ ngừng lại. Điều tôi gợi ý ở đây là khi bạn ở cùng con, chỉ tập trung vào khía cạnh xã hội. Nhớ rằng: Nếu trẻ hay người trưởng thành mắc hội chứng Asperger hay chức năng cao, toàn bộ những gì đang kéo họ chậm lại chính là việc hòa nhập xã hội.
Tất nhiên, sự tiếp cận của bạn nên phù hợp với mức độ tinh tế và sự trưởng thành của con. Chẳng hạn, về tương tác mắt, bạn có thể nói như sau: “Này anh bạn, con có thể nhìn vào mẹ khi nói điều đó được không? Sau đó, nếu con nhìn vào bạn, bạn chỉ cần đơn giản nói: “Cảm ơn chàng trai” hoặc “Tuyệt vời, việc đó giúp mẹ hiểu điều con đang nói” (không như những đứa trẻ nhỏ hơn, ít phức tạp hơn, chúng ta có thể nhún lên xuống và la lên: “Ôi chao! Con nhìn thật giỏi!”).
Giao tiếp bằng mắt và giao tiếp phi ngôn ngữ thường là một lĩnh vực mà người mắc chứng Asperger thường gặp khó khăn, vì thế việc duy trì sự công nhận tại phần này rất quan trọng dù cho con có thể rất tốt ở lĩnh vực khác. Hầu hết giao tiếp được thực hiện không phải bằng ngôn ngữ. Có nghĩa là dù cho kỹ năng ngôn ngữ của con có tốt đến đâu đi chăng nữa, con vẫn sẽ bỏ qua hầu hết sự giao tiếp trừ khi bạn cải thiện điều này.
Bạn có lẽ nghĩ rằng con đang ở mức 5 của giao tiếp bằng ngôn ngữ vì con có vốn từ vựng lớn và cấu trúc câu hoàn hảo. Nhưng con có thể có vấn đề khi nói về các chủ đề xã hội – người khác nghĩ gì, con cảm thấy thế nào, bạn cảm thấy thế nào, nói đùa, v.v. Đây là lý do bạn nên theo đuổi không ngừng các chủ đề này khi trò chuyện cùng con (theo cách vui nhộn!). Tận dụng nguyên tắc động lực, bạn có thể bắt đầu bằng một chủ đề con thích, và khi con trở nên thư giãn và quan tâm, bạn có thể liên kết chủ đề này với một chủ đề xã hội khác như chúng ta đã thảo luận ở trên. Một chiến lược ngôn ngữ đơn giản nữa là, thay vì hỏi dồn dập những câu hỏi, thỉnh thoảng cũng có ích khi bạn chỉ đơn thuần đưa ra một câu khẳng định và xem phản hồi của con, ví dụ: “Ngày hôm nay, mẹ đã rất vui với Kelly! hoặc “Mẹ rất thích có bạn để cùng đi chơi!”
Khi nói đến thời lượng tập trung tương tác, một lần nữa, bạn vẫn nên khuyến khích con tiếp tục các hoạt động tương tác, giao tiếp (không phải tập trung vào trò chơi điện tử!) với khoảng thời gian ngày càng nhiều hơn nữa. Các chiến lược được thảo luận trong Chương 8 có thể áp dụng với tất cả các cấp độ phát triển.
Sự linh hoạt có thể trở thành vấn đề thường gặp với người mắc hội chứng Asperger. Trong khi chơi trò chơi hay trò chuyện, bạn có thể nói một vài ví dụ dưới đây:
• “Oa, chắc chắn là con có thể giải thích cách lắp ráp một mô hình toa tàu thật nhanh chóng! Bố chưa bao giờ lắp ráp toa tàu trước đây. Con có thể giải thích chậm rãi và rõ ràng hơn để bố có thể hiểu cách lắp ráp toa tàu được không?”
• “Ồ, mẹ đã chơi trò chơi này rất vui theo cách của con! Bây giờ hãy thử chơi lại một lần nữa theo cách của mẹ nhé!”
• “Mẹ biết con thích đi trên Đại lộ 7 để đến công viên. Cảm ơn vì đã miêu tả cho mẹ nhé. Có tuyến đường nào khác mình có thể đi để đến đó không?”
Một lần nữa, áp dụng chiến lược linh hoạt sẽ có ích bất kể sự phức tạp ngôn ngữ nói ở con. Các chiến lược “giả ngớ ngẩn”, “làm sai cách” và “ đóng vai” trong Chương 9 cũng rất có ích trong trường hợp này.
Câu chuyện của Deshawn
Mẹ Deshawn không thể hiểu tại sao con trai mình cứ hỏi đi hỏi lại cùng một câu hỏi, kể cả khi cậu bé đã biết câu trả lời. Trên thực tế, cậu bé muốn nghe cùng một câu trả lời. Chẳng hạn, Deshawn sẽ hỏi: “Giờ ăn trưa vào lúc mấy giờ ạ?” Mẹ cậu trả lời: “ 12 giờ 30”, bà nghĩ, thằng bé đã biết câu trả lời rồi – tại sao nó vẫn cứ hỏi? Sau đó Deshawn lại hỏi. Mẹ cậu lại trả lời. Và Deshawn lại tiếp tục hỏi. Và mẹ cậu bé lại trả lời. Sau khi đã quá đủ với việc lặp lại cảnh này, sự bức bối của mẹ Deshawn đạt đến đỉnh điểm rồi la cậu bé – nói rằng: “Con đừng hỏi nữa được chưa!” – hoặc cứ lơ cậu bé đi.
Khi đến ATCA tham dự The Start-Up Program, mẹ Deshawn đưa ra vấn đề này trong buổi hỏi và đáp dành cho cha mẹ có con em mắc chứng Asperger và tự kỷ chức năng cao. Khi bà nhắc về cảnh diễn ra – và phản ứng của bà – nhiều vị phụ huynh gật đầu đồng tình và thấu hiểu.
Chúng tôi giải thích rằng, đầu tiên Deshawn (và những đứa trẻ hoặc người trưởng thành khác tương tự) không cố tình gây khó khăn hay làm phiền mẹ của họ. Tuy nhiên, điều cậu bé đang làm tạo ra một cơ hội tuyệt vời để gia tăng sự linh hoạt của cậu bé – theo cách giúp ích cho cậu bé và vui vẻ cho người mẹ.
Chúng tôi yêu cầu bà áp dụng chiến lược “giả ngớ ngẩn” và “làm sai cách”. (Tất nhiên chúng tôi giải thích rằng việc đó chỉ hiệu quả khi bà ấy cảm thấy thoải mái và ngớ ngẩn, chứ không phải khi bà căng thẳng và bực bội. Những vị phụ huynh khác gật đầu lần nữa, lần này với nụ cười hối lỗi trên mặt họ). Chúng tôi đã miêu tả chi tiết cách thực hiện cho bà ấy.
Vào cuối tuần, mẹ Deshawn trở về nhà đầy hứng khởi muốn áp dụng kỹ thuật mới của The Son-Rise Program®. Khi con trai bà hỏi về giờ ăn trưa, bà trả lời cậu bé một cách vui vẻ. Khi cậu bé hỏi một lần nữa, bà giả vờ ngớ ngẩn.
Bà nói với một nụ cười: “Bữa trưa lúc 12 giờ 30 hai phút và bốn mươi lăm giây”. Cậu bé trông ngạc nhiên. Cậu bé hỏi lại một lần nữa.
Bà đặt tay lên miệng, nhìn vào cậu bé một cách ngớ ngẩn, rồi nói: “Bữa trưa theo giờ của ba chú lợn con”. Deshawn nhìn chằm chằm vào mẹ. Cậu bé hỏi một lần nữa.
“Bữa trưa vào lúc bốn giờ sáng. Ôi không! Chúng ta sẽ phải ăn trong khi đang ngủ!” Bà nhìn vào con mình, vẫy cánh tay một cách cường điệu. Deshawn chớp mắt rồi mỉm cười.
Cậu bé nói: “Chúng ta không thể làm vậy”.
Sau đó Deshawn và mẹ trò chuyện về việc người ta có thể ăn trong khi ngủ hay không và tại sao người ta lại ăn bữa trưa trong ngày.
Deshawn không bao giờ hỏi giờ ăn trưa một lần nào nữa.
Trao quyền kiểm soát
Nhiều người mắc chứng Asperger có vẻ như rất kiểm soát. Thường thì, do người mắc chứng Asperger có thể có ngôn ngữ và có khả năng, chúng ta cho rằng họ sẽ “biết” không thể luôn có mọi thứ theo ý của họ. Nhưng đây không phải về việc họ “biết” điều đó, mà là về cảm giác của sự kiểm soát trong môi trường của họ như thế nào.
Tôi không khuyên bạn biến đứa con 16 tuổi của mình thành chủ căn nhà (hoặc trường học). Nhưng có một vài khu vực bạn có thể trao nhiều quyền kiểm soát hơn hiện tại. Và chắc chắn rằng có nhiều cuộc chiến giành quyền kiểm soát không cần thiết đang xảy ra trong gia đình bạn.
Vậy hãy bước lui lại và nhìn nhận trung thực về sự hiện diện hàng ngày của con. Nơi nào có thể trao nhiều quyền kiểm soát hơn? Con ngủ trên sàn nhà thay vì trên giường có phải là vấn đề không? Nếu con muốn mặc bộ đồ không hợp nhau thì sao? Nếu con muốn ăn súp bằng một cái muỗng cà phê thì sao? Nếu con muốn ngồi ghế sau của xe kể cả khi ghế trước vẫn trống thì sao? Nếu con thích làm mọi việc khi đang đứng thì sao? (Gần đây tôi có những buổi tham vấn với một bà mẹ hết sức ngọt ngào, người đã nhờ tôi giúp cậu con trai – cậu bé muốn học đại học với chuyên ngành sinh học có “cơ hội phát triển sự nghiệp thấp” – thay đổi chuyên ngành! Việc này chẳng làm bạn sốc khi biết rằng tôi gợi ý chúng ta nên ưu tiên tập trung vào việc giúp đỡ cậu bé với vấn đề kết bạn và tương tác với người khác).
Cũng vậy, hãy tự hỏi bản thân bạn điều này: Bạn có thường để ý về “mục tiêu” hướng đến giao tiếp và tương tác hay chưa? Do tương tác xã hội là phần duy nhất mà những người mắc chứng Asperger bị tụt lại, điều này khiến cho việc ưu tiên các tương tác con người trở nên cần thiết hơn bất kỳ mục tiêu hay nhiệm vụ nào khác. Đối với những đứa trẻ và người trưởng thành này, thì chẳng có gì trên thế giới quan trọng hơn những điều trên cho sự phát triển của họ hơn.
Đây có lẽ là lúc hữu ích để đưa ra một chủ đề riêng biệt nhưng có liên quan. Tôi đã từng gặp nhiều người trưởng thành mắc hội chứng Asperger nói với tôi rằng, họ rất muốn có thể giao tiếp và tương tác với người khác và hoạt động nhiều hơn trong thế giới của những người không tự kỷ.
Tuy nhiên, tôi cũng gặp những người mắc hội chứng Asperger nói rằng, họ thích và tôn trọng chính bản thân họ, và họ không muốn thay đổi – và họ cũng không muốn người khác cố gắng thay đổi họ. Tôi sẽ không bao giờ khuyến khích việc thay đổi những người trưởng thành này trái với ý muốn của họ. Như tất cả chúng ta, họ có quyền trở thành bất kỳ ai mà họ muốn và khao khát được tôn trọng và yêu thương như chính bản thân họ. Khác biệt không đồng nghĩa với tệ hại. Thực tế, điều này thường có nghĩa rằng, đây là những tài năng và những góc nhìn bị thiếu trong cộng đồng người không tự kỷ.
Điều mà tôi thực sự trân trọng của The Son-Rise Program® đó là chương trình này áp dụng những nguyên tắc win – win mà chúng ta đã thảo luận trước đó, khi nói về những người mắc hội chứng Asperger, bất kể họ tự cho mình nằm trong thái cực nào nói trên. Với những cá nhân muốn vượt qua thử thách và kết nối với những người khác, áp dụng những nguyên tắc và kỹ thuật trên có thể hỗ trợ họ. Với những cá nhân không muốn thay đổi khác với hiện tại, áp dụng những nguyên tắc trên là cách tốt nhất tôi có thể nghĩ ra để tôn trọng và tạo ra mối quan hệ gần gũi và có ý nghĩa nhất có thể với họ. (Và với những người mắc hội chứng Asperger, những người vì một lí do nào đó bị hoài nghi bởi những người không tự kỷ, trải nghiệm việc có người giúp họ mà không phản bác, không thúc ép, và không nói rằng điều gì sai trái, thường sẽ giúp tạo ra sự thay đổi cần thiết cho họ).
Giúp con trở thành người giỏi thử nghiệm
Chúc mừng những thành tựu của con, chúc mừng những nỗ lực của con và áp dụng yếu tố 3E, nhưng điều chỉnh những điều này cho phù hợp với con bạn. Chúng tôi từng làm việc cùng những đứa trẻ mắc hội chứng Asperger thực sự yêu thích những điều trên khi chúng tôi ồn ào, hăng hái và đầy năng lượng.
Chúng tôi cũng từng làm việc với nhiều trẻ không muốn chúng tôi nhảy vòng quanh và cổ vũ, điều đó không “ngầu”. Không vấn đề gì. Trong những trường hợp này, chúng tôi xác định từng phản ứng phù hợp với đứa trẻ. Chẳng hạn, tôi có thể giơ ngón cái lên và nói nhẹ nhàng: “Anh bạn, cháu thật tuyệt, việc đó thật tuyệt vời”. Tôi có thể huýt sáo “tốt lắm” trong khi giữ khuôn mặt thật biểu cảm. Tôi thậm chí có thể ngã ngửa khỏi ghế và sau đó giải thích rằng, những gì con vừa thực hiện tuyệt vời đến nỗi tôi không thể ngồi yên.
Bạn có thể thử nhiều phản ứng. Bạn có thể hỏi con thích phản ứng nào. Không có cách nào là duy nhất để thực hiện việc này, chỉ cần làm sao để nó phù hợp nhất với sự chấp nhận của con là được.
Điều quan trọng nhất là, bạn muốn nuôi dưỡng một cảm xúc hào hứng và biết ơn bên trong bạn đối với con của mình.
Mô hình ABC của The Son-Rise Program®
Bạn sẽ muốn tiếp tục sử dụng mô hình ABC với con, nhưng những tín hiệu đèn đỏ thì hơi khác một chút (tín hiệu đèn xanh cũng vậy).
Dưới đây là danh sách những tín hiệu đèn đỏ với một đứa trẻ mắc hội chứng Asperger:
• Tương tác bằng mắt của con bị sụt giảm.
• Con thực hiện một điều trông có vẻ không tự kỷ, nhưng con không để tôi tham gia.
• Con dường như cứng nhắc và kiểm soát quanh các hoạt động con đang thực hiện, những chủ đề con đang nói như sắp xếp phòng con ở hoặc thời gian biểu trong ngày (hoặc sáng, trưa, tối, v.v)
• Con phản hồi khi tôi nói chuyện với con, nhưng con thực hiện theo cách cứng nhắc hay lặp đi lặp lại.
• Con nói “không” rất nhiều.
• Con nói về một trong những chủ đề yêu thích của mình một cách cứng nhắc hoặc lặp đi lặp lại, và dường như không chấp nhận bất kỳ sự thay đổi nào trong khi trò chuyện.
Như bạn có thể thấy, không giống như những trẻ kém ngôn ngữ có những tín hiệu đèn đỏ lặp đi lặp lại hiển nhiên (tung một quả bóng, lặp lại cùng một từ, dựng những khối đồ chơi, xếp các vật thẳng hàng, vẫy tay, v.v), những người mắc chứng Asperger thường có những tín hiệu đèn đỏ tinh tế hơn. Bạn cần quan sát một cách đặc biệt nhất để thấy rõ.
Tối ưu hóa môi trường của con
Nếu con chừng 16 tuổi và mắc hội chứng Asperger, bạn nên tạo ra một môi trường như một căn phòng tập trung. (Tôi không gọi đó là phòng chơi, chỉ gọi là “phòng tập trung”). Tất nhiên bạn sẽ cần nhiều vật dụng phức tạp hơn ở trong phòng. Việc khóa cửa phòng có thể sẽ không hiệu quả, trừ khi bạn đã được sự đồng ý của con. (Việc này thực sự có thể làm được, chúng tôi đã làm trước đó).
Tôi vẫn sẽ để các đồ điện tử bên ngoài căn phòng, thậm chí nếu chỉ áp dụng trong thời gian hai người làm việc cùng nhau. Giữ căn phòng không có yếu tố gây phân tâm và không xảy ra cuộc chiến giành quyền kiểm soát là rất quan trọng. Việc giữ tất cả đồ chơi thường xuyên ở trên kệ không còn quan trọng lắm (điều này ổn vì đằng nào bạn cũng không tập luyện về ngôn ngữ cho trẻ giống như các trẻ khác).
Nói tóm lại, dùng những thứ thông thường của một căn phòng, nhưng cố gắng duy trì nhiều khía cạnh nhất có thể của phòng tập trung. Bạn có thể thoải mái giải thích chính xác cho con biết điều bạn đang làm (ví dụ, “trong một vài giờ tới, khi con và mẹ chơi cùng nhau, mẹ sẽ dọn dẹp một vài thứ để chúng ta có thể tập trung và không bị phân tâm. Con có muốn giúp mẹ không?”)
Đối mặt với những cơn bùng nổ và những hành vi thách thức khác
Một vài người mắc hội chứng Asperger bùng nổ như theo kiểu thường thấy (như những đứa trẻ không tự kỷ khác), và những người khác bùng nổ không phải bằng cách đấm đá và la hét, mà bằng cách nhìn tức giận, chửi bới, nắm chặt tay thành nắm đấm, gọi tên của cha/mẹ mình, nói rằng: “Con ghét cha/mẹ”, hoặc tìm một điều khác để nói chạm đến nút kích hoạt của cha mẹ.
Trong một vài trường hợp, việc quan trọng là bạn nắm nhanh các nguyên tắc ở những chương trước. Thoải mái. Giữ bình tĩnh. Không để những lời nói lúc này của con có ý nghĩa với bạn. Hãy tự hỏi: “Làm thế nào để tôi có thể giúp con mình giao tiếp hiệu quả hơn? – chứ không phải là “Làm thế nào để con tôi không cư xử như thế này nữa?”
Dù ở cấp độ phức tạp nào, con bạn vẫn đang cố gắng truyền đạt những điều con muốn theo cách tốt nhất con có thể.
Khác biệt duy nhất ở đây là bạn có thể tinh tế hơn trong cách sử dụng từ ngữ phản hồi – kể cả với cơn bùng nổ (nghĩa là “tiếng Thụy Điển” – như trong tình huống minh họa của chúng ta) và với lúc ngọt ngào, hành vi giao tiếp (nghĩa là “tiếng Anh”)
Ví dụ, để đáp lại câu “con ghét mẹ!” Bạn có thể nói: “Được thôi, mẹ yêu con. Nhưng nói như vậy không giúp mẹ hiểu con, và mẹ sẽ không đáp lại câu này. Mặc dù vậy, nếu con hỏi mẹ một cách lịch sự, mẹ sẵn lòng giúp những điều con muốn!” Hay nếu bạn không thể cho con thứ con muốn, hãy gợi ý một sự thay thế: “Chúng ta không thể làm vậy vào lúc này, nhưng có thể sau đó. Con biết điều đó đúng không? Chúng ta có thể thực hiện điều khác nếu con nói với mẹ một cách lịch sự!”
Bạn có thể đưa cho con một cách để xoay sở – một cách để trẻ có thể cảm thấy thoải mái khi đối mặt với một thử thách nào đó. Cách tốt nhất để làm việc này là gợi ý một viễn cảnh, ví dụ, nếu con nói: “Con rất tức giận!” Bạn có thể nói: “Con có thể tức giận, nhưng con vẫn thấy ổn nếu không có thứ con muốn và tìm một thứ khác con hứng thú”, hoặc “Khi bố không có được thứ mình muốn, bố sẽ tự nói rằng việc đó ổn thôi và tìm một thứ khác vui vẻ để làm”.
Nếu bạn thấy con đang quá tải cảm xúc, bạn có thể nói với con như sau: “Nếu con cảm thấy quá sức chịu đựng, con không cần tức giận hay ép buộc. Con có thể nói: ‘con quá sức’ và rời khỏi phòng” hoặc “Nếu con cảm thấy buồn cười, hãy thử đẩy hai tay về phía nhau mạnh nhất có thể khoảng mười giây. Hãy thử nhé!” (Sau đó, bạn có thể cùng thực hiện với con).
Khi con thực sự giao tiếp tử tế, ngay lập tức bạn phải cảm ơn con và khuyến khích con (theo cách con thích), và ngay lập tức làm mọi cách giúp con có được điều con muốn (một lần nữa, nếu điều này không thể thực hiện, hãy gợi ý một sự thay thế, và làm rõ với con rằng bạn sẽ làm mọi cách để giúp con).
Hãy nhớ rằng: Con vẫn ổn nếu như hơi cao giọng, kích động hay phản ứng, v.v. Con sẽ ổn thôi. Công việc của bạn là giúp con có thể tìm cách đương đầu và giao tiếp theo một cách khác.
Con trai của Charllote, James, không mắc hội chứng Asperger, nhưng Charlotte đã dạy cậu bé một điều vừa hữu ích vừa dễ thương, đó là tự nói với chính mình. Vậy là, bây giờ, mỗi khi James kích động, cậu bé sẽ nói những câu như: “Ổn mà” và “Không có gì”. Nói lớn những câu này giúp cậu bé cảm thấy thư giãn và tự điều chỉnh.
Nguồn thông tin trực tuyến
Để được hỗ trợ với những nguyên tắc và kỹ thuật của chương này, vui lòng truy cập www.autismbreakthrough.com/chapter15. Chúc bạn vui vẻ!
Điểm bắt đầu
Hãy biến mình thành học trò của con về một khía cạnh nào đó mà con ham thích trong thế giới của con và tham gia vào thế giới này cùng con. Nếu con thích các loại xe cũ, hãy đọc một cuốn sách về các loại xe cũ và trò chuyện cùng con. Nếu con thích nói về du hành ngoài không gian, hãy lắng nghe một cách nhiệt tình khi con nói về chủ đề này. Nếu con thích các sinh vật biển, hãy thu thập những tấm poster về các sinh vật biển, treo chúng lên và hỏi con tấm con thích nhất. Bạn không chỉ hiểu hơn về thế giới của con, mà con sẽ thấy dễ dàng kết nối cùng bạn hơn – và trở nên linh hoạt hơn!