Lưu ý
Tôi muốn nhấn mạnh chương này không nhằm đưa ra lời khuyên về y tế. Chương này không nhằm ngăn cản, chẩn đoán, điều trị hay chữa bệnh tật. Tôi không phải là bác sỹ y khoa hoặc đóng vai bác sĩ trên tivi.
Tôi đã diễn thuyết tại nhiều buổi hội nghị về tự kỷ, đã lắng nghe và trao đổi với nhiều bác sỹ chuyên về tự kỷ, và thấy nhiều trẻ phản hồi với những liệu pháp can thiệp y sinh khác nhau. Trên thực tế, có một số lượng đáng kể các gia đình thực hiện The Son-Rise Program® kết hợp với y sinh và sinh học.
Tự kỷ: Mối liên hệ y sinh
Chúng ta đều biết rằng tự kỷ không chỉ là một tình trạng thần kinh.
Nhiều trẻ phải đối mặt với các vấn đề về hệ miễn dịch và tiêu hóa, dẫn tới gặp khó khăn khi kết nối với xã hội và trong cảm giác, hành vi cũng như học hỏi. Tại các buổi hội thảo về tự kỷ toàn quốc, tôi đã được nghe hết bác sỹ này đến bác sỹ khác thảo luận về khía cạnh sinh học của chứng tự kỷ, cụ thể là bao nhiêu trẻ tự kỷ gặp các vấn đề tiêu hóa, miễn dịch và chiến đấu với các mầm bệnh cùng một loạt các quy trình y sinh khác.
Một vài người trong các bạn có lẽ đã biết đến điều này, còn nhiều người khác có lẽ mới nghe về nó lần đầu tiên (hoặc lần thứ hai), bạn có thể nghĩ con không gặp các vấn đề như vậy. Bạn có lẽ nghĩ con không bị dị ứng thực phẩm, không thường xuyên bị bệnh, và dường như không gặp các vấn đề về thể chất. Và trên thực tế, điều này lại có lẽ chính là nguyên nhân.
Cùng lúc, với hội chứng tự kỷ, các hành vi và những khó khăn hiển hiện của con có thể thu hút quá nhiều sự chú ý của chúng ta, do đó những thách thức ít biểu lộ hơn lại khó được nhận diện. Điều này đặc biệt đúng nếu bạn đã từng được bác sĩ hay những người khác khuyên về việc chú ý đến hành vi của con.
Mặc dù vậy, việc cấp thiết là phải hiểu các vấn đề sinh học trong cơ thể có thể ảnh hưởng đến hành vi của con – có thể ảnh hưởng rất lớn. Mối liên hệ giữa thể chất và chứng tự kỷ có thể là mối liên hệ trực tiếp hoặc gián tiếp.
Mối liên hệ trực tiếp là khi các phản ứng hóa học trong cơ thể con không phù hợp hoặc gây trở ngại cho sự phát triển của não bộ.
Mối liên hệ gián tiếp là khi một vấn đề thể chất làm cho con bị đau bụng, đau đầu, lờ đờ, v.v. Hãy thử nghĩ xem một cơn đau đầu nghiêm trọng ảnh hưởng khả năng làm việc, trò truyện và tương tác của bạn thế nào. Hãy tưởng tượng một cơn đau bụng dữ dội, ví dụ vậy, cũng có thể ảnh hưởng đến con khi con được yêu cầu lắng nghe, nhìn, tương tác và học hỏi những điều mới.
Vậy bạn có thể thấy tầm quan trọng của việc xem xét chế độ sinh học của con, nếu bạn chưa từng làm vậy.
Một hiện tượng mà bạn sẽ hiểu rõ ở cuối chương này là các nguyên tắc của The Son-Rise Program® và sự can thiệp y sinh (thường được gọi là phương pháp can thiệp y sinh hoặc điều trị tự kỷ theo hệ thống) ảnh hưởng qua lại lẫn nhau. Một đứa trẻ áp dụng The Son-Rise Program® thường tiến triển nhanh hơn nếu đáp ứng tốt với phương pháp điều trị y sinh. Loại bỏ hoặc giảm thiểu các vấn đề thể chất có thể thúc đẩy The Son-Rise Program® của con.
Điều này cũng đúng khi nói rằng, bằng việc đưa con từ trạng thái chiến đấu sinh tồn, sang trạng thái hồi phục, các nguyên tắc của The Son-Rise Program® có thể cải thiện và nâng cao khả năng của cơ thể để đáp ứng lại những sự can thiệp y sinh thích hợp. Hãy đọc thêm về điều này ở phần sau.
Chọn đúng bác sỹ
Tôi khuyến khích các bạn tìm đến một bác sỹ chuyên về tự kỷ nếu bạn chưa làm vậy. Bác sỹ như vậy có thể chỉ định các xét nghiệm máu, nước tiểu và các xét nghiệm khác để có một cái nhìn tốt hơn về tình trạng sinh lý của con. Vị bác sỹ này có thể chỉ ra các vấn đề về hệ tiêu hóa hay miễn dịch của con. Những vấn đề này có thể có nhiều khía cạnh, nhưng cũng có thể đơn giản như thiếu vi khoáng chất.
Hãy lưu ý rằng: Tôi đã từng làm việc với những vị phụ huynh, những người đã từng chứng kiến sự tiến bộ của con họ từ việc nhìn thấy các liệu pháp thiên nhiên không dùng thuốc, liệu pháp vi lượng đồng căn và các liệu pháp tập luyện không đau khác. Tình trạng của con có thể khá phức tạp, nên việc giữ một tư duy mở sẽ rất có ích.
Nếu bạn định đưa con đến gặp bác sỹ, điều cực kỳ quan trọng là chọn một bác sỹ có kinh nghiệm đa dạng với tự kỷ và bạn hiểu điều vị bác sỹ nói. Thật ngạc nhiên khi tôi vẫn nghe nhiều vị phụ huynh kể lại rằng, những bác sỹ nhi đưa ra những khẳng định như “thay đổi chế độ ăn của trẻ không tạo ra nhiều thay đổi với trẻ tự kỷ”. (Các kết luận bệnh khác của dạng này bao gồm: “Những vết ngứa trên người trẻ không liên quan đến chứng tự kỷ của trẻ” và “bệnh tiêu chảy và táo bón không ngừng của trẻ chỉ là một giai đoạn, nên chẳng liên quan gì đến chứng tự kỷ của trẻ cả).
Hãy cân nhắc điều này: những gì chúng ta ăn và uống ảnh hưởng tới mức năng lượng của chúng ta, khả năng lây nhiễm, nguy cơ với một số loại bệnh như ung thư, mầm mống của bệnh tiểu đường típ 2, các triệu chứng bệnh Crohn1 và bệnh Celiac2 và tình trạng động mạch, vì thế gây ra nguy cơ đau tim và đột quỵ. Ăn các loại thức ăn khiến cho cơ thể phản ứng quá mạnh (ví dụ, nếu chúng ta dị ứng với đậu phộng) có thể gây ra phản ứng cấp tốc cho cơ thể, và đôi khi có thể gây tử vong, tổn thương sinh lý. Uống một lượng chất cồn tương đối nhỏ có thể ảnh hưởng chức năng của não bộ trọng thời gian ngắn. Những sự thật này chẳng còn tranh cãi gì nữa. Chúng ta biết những gì chúng ta tiêu thụ ảnh hưởng đến cơ thể của chúng ta. Vậy tại sao sự thật về ảnh hưởng của chế độ ăn đến não bộ và cơ thể cực nhạy cảm của trẻ tự kỷ vẫn còn gây tranh cãi?
Tôi không thể tìm ra cách nào lịch sự để nói về điều này, nên tôi chỉ nói thế này: Bất kỳ bác sỹ nào nói rằng, những gì con ăn không hề ảnh hưởng đến chứng tự kỷ đều không thực sự biết hoặc hiểu về tự kỷ. Trong những trường hợp này, họ đưa ra lời khuyên không có kiến thức, nên chẳng giúp gì cho con và còn có những nguy cơ tiềm ẩn.
1 Bệnh Crohn là dạng bệnh về viêm ruột. Nó chủ yếu gây loét thành trong của ruột non và ruột già, nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến bất cứ bộ phận nào ở hệ tiêu hóa.
2 Bệnh Celiac là một bệnh tiêu hóa gây tổn thương ruột non và gây cản trở sự hấp thụ các chất dinh dưỡng từ thức ăn.
Nếu con bạn mắc bệnh thủy đậu và bạn hỏi tôi lời khuyên, thì tôi chẳng có gì để khuyên bạn. Bạn biết tại sao không? Vì tôi chẳng biết gì về bệnh thủy đậu. Bác sỹ của bạn có thể biết nhiều về các bệnh cảm cúm, liên cầu khuẩn họng, ho gà và hàng trăm các loại bệnh tật khác, nhưng vị bác sỹ này không thể có lời khuyên đáng tin cậy về chế độ ăn cho trẻ tự kỷ. Có rất nhiều bác sỹ thực sự hiểu biết về tự kỷ. Tôi thường xuyên gặp họ tại các hội thảo – và trong The Start-up Program.
Con trai Chalotte, James, gặp rất nhiều vấn đề về thể chất, gây ảnh hưởng trực tiếp đến chứng tự kỷ. Một trong đó là, cậu bé không thể tiêu hóa rất nhiều loại thức ăn khác nhau. Khi James còn nhỏ hơn bây giờ, Charlotte và người chồng cũ của cô đến gặp bác sỹ vì James không đi ị lần nào trong hai tuần. Cậu bé thường ôm bụng và la hét. Bác sỹ đã nói rằng: “Thằng bé đang cố tình kìm lại”.
Những loại câu khẳng định này cho thấy sự thiếu hụt nghiêm trọng về hiểu biết sinh lý của trẻ tự kỷ và rất khó chấp nhận. (Trên thực tế, khi Charlotte – một cách quyết liệt – thay đổi chế độ ăn của James, cậu bé bắt đầu ị được đều đặn và ngừng ôm bụng la hét. Cậu bé cũng tốt hơn theo nhiều phương diện khác). Tim tôi như ngừng đập khi bạn tiếp tục đến với vị bác sỹ, người đã thẳng thừng chối bỏ sự thật mà bạn chính mắt thấy. Hãy tin tôi khi tôi nói rằng, nếu bạn có một bác sỹ tự kỷ thực thụ, bạn sẽ chẳng phải trải qua trải nghiệm này đâu.
Một yếu tố quan trọng khác cần quan tâm khi lựa chọn một bác sỹ tự kỷ đó là thời gian mà bác sỹ này đã làm việc cùng trẻ tự kỷ. Bạn sẽ không muốn trở thành một vật thử nghiệm ngay cả khi vị bác sỹ này có ý định rất tốt. Tôi khuyến khích bác sỹ có kinh nghiệm tối thiểu 5 năm làm việc trực tiếp với trẻ tự kỷ. (Nhớ rằng một bác sỹ có thể tham gia khóa học ba ngày và khẳng định rằng anh ấy hoặc cô ấy đã được “đào tạo” về phương pháp điều trị tự kỷ).
Cũng vậy, hãy hỏi bác sỹ ấy lý do anh ấy/cô ấy chọn công việc điều trị tự kỷ. Do tỷ lệ tự kỷ gia tăng rất nhanh trong những năm gần đây, một số dược sỹ đã chạy theo phong trào để mở rộng lĩnh vực hành nghề. Mặt khác, cũng có rất nhiều bác sỹ tuyệt vời là phụ huynh của trẻ tự kỷ. Họ bắt đầu tập trung chuyên môn vào tự kỷ để giúp chính con mình. Tôi thường tin tưởng những người này nhất, và tôi thấy rằng, do chính bản thân họ có con em tự kỷ, họ đối xử với những vị phụ huynh khác bằng thái độ tôn trọng hơn.
Danh sách về bác sỹ
Khi chọn một bác sỹ về tự kỷ, hãy chọn một người sẽ hỗ trợ, thay vì xoi mói những gì bạn đang làm để thực hiện nguyên tắc của The Son-Rise Program®. Với vấn đề này, dưới đây là mười câu hỏi mà tôi khuyến khích để chọn một bác sỹ chuyên về tự kỷ.
1. Vị bác sỹ này có thực sự coi trọng vai trò và kiến thức làm cha mẹ của bạn không?
2. Vị bác sỹ này có thấy được giá trị trong việc dựng nên mối quan hệ vững chắc với con bạn và giúp con kết nối với người khác? (Nếu vị bác sỹ này không tập trung vào việc này cũng được, nhưng người này phải hiểu tầm quan trọng của việc đó).
3. Vị bác sỹ này có quan tâm đến tình trạng cảm xúc của bạn không?
4. Họ có xem các câu hỏi của bạn như những thắc mắc và không thách thức không?
5. Họ có tử tế và thoải mái với con bạn không?
6. Họ có coi trọng tình trạng cảm xúc của con bạn – hơn là xem con như một trường hợp cần điều trị hệ thống miễn dịch và hệ thống tiêu hóa không?
7. Họ có coi trọng các khía cạnh của con hơn những vấn đề họ đang trực tiếp điều trị không?
8. Họ có coi trọng các phương pháp điều trị khác (bao gồm các phương pháp can thiệp như The Son-Rise Program®) ngoài phương pháp mà họ đang cung cấp không?
9. Họ có nhận thấy cách mà một phương pháp can thiệp được thực hiện cũng quan trọng như loại phương pháp nào được can thiệp không?
10. Vì mọi sự can thiệp chỉ đạt hiệu quả nếu có thể được hiệu chỉnh phù hợp, họ có kiểm tra để tìm hiểu cách bạn đang áp dụng các phác đồ mà họ đề xuất không?
Tầm quan trọng của chế độ ăn dành cho con
Những gì con đang ăn có thể có ảnh hưởng rất lớn đến con. Hành vi của con, mức độ tương tác, tần suất của hành vi ism và chứng tự kỷ của con nói chung, có thể bị tác động bằng cách này hay cách khác bởi chế độ ăn. Ở đây không nói lên gì về sự tác động của thức ăn đến đi vệ sinh, thèm ăn, phát ban, ngủ, màu da, miễn dịch và quá trình xử lý cảm giác.
Chúng ta sẽ dành phần lớn chương này thảo luận về can thiệp chế độ ăn vì hai lý do. Đầu tiên, nói về khía cạnh sinh học, sự can thiệp này có cơ hội lớn tạo ra thay đổi gần như ngay lập tức đến sự phát triển của con. Thứ hai, sự can thiệp chế độ ăn, như phần còn lại của The Son-Rise Program®, hoàn toàn có thể được thực hiện tại nhà.
Nhiều trẻ tự kỷ nhạy cảm với các loại thực phẩm. (Tôi nói “nhạy cảm” chứ không phải “dị ứng” bởi những vấn đề này thường không xuất hiện trong các xét nghiệm dị ứng truyền thống, còn nguyên nhân thì chúng ta sẽ thảo luận bây giờ).
Sẽ rất có ích cho con nếu bạn suy nghĩ: Với con, thức ăn có thể vừa là thuốc vừa là chất độc.
Trở lại năm 1974, rất lâu trước khi chúng ta hiểu được sự liên kết giữa tự kỷ và chế độ ăn, cha mẹ đã tiến hành những can thiệp vào chế độ ăn của tôi. Lại thêm một lần nữa, cha mẹ chứng minh họ đã đi trước hàng thập kỷ so với thời đại của họ – nhiều đến mức mà bây giờ bản thân tôi cũng đôi lúc gặp vấn đề trong suy nghĩ xem họ đã đi trước thời đại bao lâu.
Họ thấy tôi bị ảnh hưởng bởi những thứ tôi đã ăn, và họ tìm hiểu để loại bỏ các loại thực phẩm có thể gây trở ngại cho tôi. (Trên thực tế, như một cách để khiến mọi thứ đơn giản hơn, cải thiện sức khỏe của mọi người, và ngăn nguy cơ nhiễm độc, họ loại bỏ các loại thực phẩm có hại khỏi chế độ ăn của cả gia đình).
Đầu tiên, họ loại bỏ các thực phẩm từ sữa. Thú vị là, tôi bị bệnh nhiễm trùng tai nghiêm trọng, đe dọa đến cuộc sống khi tôi còn nhỏ. Khi cha mẹ loại bỏ sữa, bệnh nhiễm trùng tai của tôi giảm đi.
Sau đó, họ tiếp tục giảm đường, màu thực phẩm và hương liệu, thịt đỏ và thức ăn làm sẵn trong chế độ ăn của tôi. Họ chỉ cho tôi ăn thực phẩm hữu cơ. (Nhớ rằng thời điểm đó là hàng thập kỷ trước khi các chuỗi siêu thị có khu vực thực phẩm hữu cơ).
Sự can thiệp vào chế độ ăn này là một yếu tố quan trọng mà cha mẹ đã thực hiện để giúp tôi. Nó đẩy nhanh tiến độ The Son- Rise Program® của tôi bằng cách loại bỏ các trở ngại sinh học để chương trình có thể đạt hiệu quả. May hay không tùy thuộc vào cách nhìn của bạn, bây giờ tôi có thể ăn tất cả các chế độ ăn thông thường – một chế độ ăn gây tiểu đường, đột quỵ, ung thư và đau tim – đặc trưng của người Mỹ – mà không bị bất kì ảnh hưởng có hại nào. Cuộc đời rộng mở đúng không nào?
Tại ATCA, dưới đây là những loại thực phẩm chúng tôi khuyến khích các bậc cha mẹ cân nhắc.
• Casein (một loại protein phức hợp tìm thấy trong sữa và các sản phẩm từ sữa).
• Gluten (một loại protein phức hợp tìm thấy trong bột mỳ và nhiều loại ngũ cốc – và cũng được thêm vào các loại thực phẩm không gluten như khoai tây chiên vì nó ngăn các miếng khoai tây dính vào nhau).
• Caffein
• Đường
Hãy xem xét kỹ các loại thực phẩm này kỹ lưỡng hơn.
Gluten và Casein
Quy trình sinh học tôi sắp miêu tả ở đây đã được nhiều chuyên gia trong lĩnh vực tự kỷ trình bày và giải thích tại sao việc đơn giản như ăn bột mỳ hoặc sữa lại có thể ảnh hưởng đến sự phát triển chức năng của não bộ. (Ơn trời, để nội dung được ngắn gọn, tôi sẽ không đi sâu vào quy trình sinh học ẩn dưới lí do tại sao các loại thực phẩm này cò thể gây ra tiêu chảy, táo bón và các ảnh hưởng không liên quan đến não bộ).
Một số trẻ tự kỷ bị thiếu mất các enzyme phân giải những protein như gluten và casein. Trên hết, những đứa trẻ này có vấn đề mà bác sỹ gọi là hội chứng ruột rò rỉ, là khi thành ruột non (nơi diễn ra phần lớn hoạt động tiêu hóa) quá thẩm thấu.
Một cách đơn giản để hình dung là với một số trẻ, thành ruột non có nhiều lỗ nhỏ giống như bề mặt của miếng phomai Thụy Sỹ. (Thành ruột cực kỳ quan trọng trong việc ngăn các loại thức ăn chưa được tiêu hóa hoặc một phần thức ăn đã được tiêu hóa bị tràn vào bên trong cơ thể). Gluten và casein chưa được tiêu hóa hoặc đã được tiêu hóa một phần được đưa vào dòng máu thông qua các “lỗ” trên thành ruột non.
Các phân tử gluten và casein này di chuyển khắp cơ thể và vượt qua thành cản máu não. Một khi đến được não, các phân tử này hoạt động như chất ức chế, được gộp chung với nhóm thụ cảm như morphine và heroin.
Vì thế, nhiều trẻ em hấp thụ gluten hoặc casein sẽ có cảm giác giống như phê thuốc. Hơn nữa, khi các loại thực phẩm như vậy hoàn toàn được loại bỏ khỏi chế độ ăn của những trẻ gặp vấn đề này, giống như bất thình lình loại bỏ thuốc khỏi một người nghiện. Đầu tiên, con sẽ chẳng cảm ơn bạn đâu. Con đang hoàn toàn nghiện những chất này. Khi trải qua quá trình cắt giảm, con thường không chỉ có khao khát mãnh liệt với gluten và casein, mà cơ thể con sẽ trải qua đủ loại phản ứng rất mãnh liệt – thỉnh thoảng kéo dài tới hai tuần – từ tiêu chảy và nôn mửa đến bùng nổ hoặc khó ngủ vào ban đêm.
Tuy nhiên, khi giai đoạn này qua đi, thật là những ngày tuyệt vời! Chúng tôi nhận được báo cáo về những đứa trẻ đã biết tương tác bằng mắt, ngủ đúng giờ, sử dụng ngôn ngữ nhiều hơn, ít có hành vi ism hơn, và hơn nữa, thậm chí phản hồi nhanh hơn với các nguyên lý của The Son-Rise Program®.
Đây là một điểm mấu chốt, nếu bạn chuẩn bị loại bỏ gluten và casein khỏi chế độ ăn của con, bạn phải thực hiện 100%, nếu thực hiện 99% cũng gần giống như bạn chẳng theo chế độ gì cả.
Có thể bạn đọc đến đây và nghĩ, sẽ chẳng đời nào con tôi có thể thực hiện được bởi vì tất cả những gì con ăn là bánh mì nướng phô mai và sữa (hay sự kết hợp khác của bột mỳ và sữa)! Nếu vậy, tôi cực kỳ hạnh phúc cho bạn và con bạn! Đây chính là một trong những dấu hiệu chắc chắn nhất cho thấy gluten và casein là vấn đề lớn nhất của con. Chỉ tự nguyện ăn một số ít các loại thực phẩm như trên chính là biểu hiện của việc bị nghiện loại thức ăn này.
Tại sao tội lại vui vì điều này? Vì chúng tôi thường xem những đứa trẻ gặp vấn đề nghiêm trọng như một chứng nghiện – vấn đế lớn với gluten và casein – là những đứa trẻ phản ứng mạnh mẽ nhất khi loại bỏ các loại thực phẩm này.
Nếu bạn đang cảm thấy hoảng sợ và bị đe dọa bởi sự khám phá này, hãy chờ đã! Tôi sẽ giới thiệu ngắn gọn với bạn cách thay đổi chế độ ăn cho con theo nguyên tắc của The Son-Rise Program®, và nó chẳng khó hay có gì đáng sợ cả.
Caffeine
Tất nhiên, chúng tôi biết rằng trong cà phê có caffein. (Cà phê không caffein cũng chứa chất này, chỉ là ít hơn mà thôi). Caffein cũng có trong cola và các loại đồ uống có ga khác. (Có hàng ngàn vấn đề với nước có ga từ góc nhìn tự kỷ. Caffein chỉ là một trong số đó).
Cũng nên nhớ rằng, caffeine cũng có trong sô-cô-la. Vì vậy, chẳng khó hiểu khi nó hiện hữu trong chế độ ăn của con. Như tôi đã đề cập, tôi là một kẻ nghiện sô-cô-la. Vì vậy, tôi hoàn toàn hiểu được sự thèm khát này.
Vần đề ở chỗ: caffeine là một chất gây kích thích thần kinh. Chúng tôi không muốn đưa cho con một loại chất như vậy. Thế thôi.
Đường
Đường được thêm vào hầu hết các loại thức ăn, đồ uống. Tôi sẽ nói cho bạn biết rằng, bạn sẽ không thể loại bỏ hoàn toàn đường khỏi chế độ ăn của con. May mắn thay, việc này không phải là vấn đề, vì hai lý do. Đầu tiên, chúng ta cần một chút đường trong chế độ ăn (mặc dù vậy, loại đường lý tưởng nên là loại tự nhiên chứa trong các thực phẩm như một quả táo). Thứ hai là, cơ chế sinh học biến đường trở thành một vấn đề hoàn toàn khác biệt với cơ chế biến gluten và casein thành một vấn đề. Có nghĩa là, mặc dù bạn cần giảm gluten và casein xuống bằng không để chế độ ăn này có hiệu quả mong muốn, trường hợp với đường không như vậy. Với đường, mục tiêu chỉ là giảm mức tiêu thụ xuống càng ít càng tốt.
Theo như cách giải thích của nhiều bác sỹ tự kỷ, có hai vấn đề sinh học xảy đến với trẻ gặp vấn đề với đường. Đầu tiên là một số trẻ tự kỷ tiết ra quá nhiều isulin1để phản ứng lại với một lượng đường nhỏ. Việc này làm cho lượng đường trong máu giảm xuống, làm cho trẻ cảm thấy lờ đờ và cáu kỉnh – và thèm đường. Rồi khi trẻ tiêu thụ đường, đường trong máu dâng lên, và lại một lần nữa, quá nhiều isulin được tiết ra, gây ra thêm một lần hạ đường huyết và lại thèm đường. Sự tăng giảm liên tục lượng đường trong máu sẽ tàn phá não bộ và cơ thể nhạy cảm của trẻ.
1 Insulin là một hooc-mon được cơ thể tiết ra một cách tự nhiên để giúp cơ thể hoạt động một cách bình thường.
Thứ hai, theo các bác sỹ tự kỷ, điều gây hại nhất là nhiều trẻ tự kỷ có lượng men candida quá phát triển. Có nghĩa là, trong một số trường hợp, trẻ em có lượng men – một loại nấm – cao hơn bình thường trong hệ tiêu hóa. Việc này có thể gia tăng tình trạng dễ thẩm thấu của ruột trước đó và gây ra tình trạng “sương mù trí não1”– đối với trẻ tự kỷ, có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Và men candida sinh trưởng nhờ thứ gì? Bạn đoán được rồi đấy: đường!
Trên thực tế, có vài chứng cứ cho thấy rằng phần lớn cơn thèm khát đường mà con trải qua đến từ chính loại men này. Loại men đó đang đòi thêm đường, và bắt đầu chết dần khi thiếu đường, tạo cho cơ thể cảm giác thèm đường.
Có vài bác sỹ tự kỷ kê đơn thuốc chống nấm candida tăng trưởng, nhưng điều đầu tiên cần thực hiện chỉ đơn giản là giảm lượng đường dung nạp, mà điều này thì theo các chuyên gia sẽ làm giảm mức độ nấm candida.
Nếu con bạn có lượng nấm cao, và lượng đường dung nạp giảm bất thình lình, việc đó gọi là “chết đột ngột”. Khái niệm này dùng để miêu tả hiện tượng nhiều nấm cadida chết cùng một lúc. Khi loại nấm này chết hàng loạt, người ta tin rằng chúng sẽ giải phóng chất độc vào cơ thể. Việc này giải thích lý do tại sao, vào lúc đầu, khi một vài trẻ giảm lượng đường được dung nạp, chúng có thể có các triệu chứng như buồn nôn, nôn mửa, đau đầu và sốt nhẹ trong vài ngày.
1 Sương mù trí não (Brain fog) là một cảm giác mơ hồ về những gì bạn cố gắng thực hiện, nhưng không thể tập trung vì phải nỗ lực để suy nghĩ nên gây mệt mỏi chẳng kém gì hoạt động thể chất.
Tôi có thể nói cho bạn biết, từ kinh nghiệm cá nhân của mình rằng, hiện tượng này vẫn xảy đến với tôi. Tôi có thể ăn bất cứ thứ gì tôi muốn và vẫn hoàn toàn ổn, nhưng khi tôi quyết giảm lượng đường tiêu thụ (tôi làm vậy mỗi khi muốn giảm vài cân), tôi thường có hai ngày bị buồn nôn, đau đầu, hơi sốt, tuyến hạch sưng phồng và tiêu chảy nhẹ. Đây hoàn toàn là một trải nghiệm thú vị. Tuy nhiên, sau sốt, cơn thèm đường của tôi biến mất và những nốt sưng phồng từng có cũng vậy. (Lưu ý: Việc thường xuyên nổi những nốt phồng theo các chuyên gia là triệu chứng khác của sự phát triển nấm cadida quá mức thường).
Các chế độ ăn có thể tham khảo
Có rất nhiều chế độ ăn tốt cho người tự kỷ – và nhiều hơn nữa những loại thực phẩm an toàn cho người tự kỷ. Và lượng sách miêu tả chi tiết những chế độ ăn này rất nhiều, vì thế tôi sẽ không tìm kiếm cách tiến hành những chế độ ăn theo cách dễ hiểu ở đây. Những gì tôi sẽ làm là đưa cho bạn ba khởi điểm.
Ba chế độ ăn thân thiện với người tự kỷ dưới đây là những chế độ ăn ưa thích của tôi. Những chế độ này được liệt kê theo thứ tự ít đến hạn chế nhiều, và chúng được tạo nên dựa trên chế độ ăn trước. (Có nghĩa là chế độ ăn thứ hai được liệt kê không bao gồm các loại thực phẩm tôi nhắc đến thêm đường và casein vào). Nếu bạn quyết định làm theo chế độ ăn không đường và casein, nhưng không hiệu quả – bạn không thấy bất kỳ thay đổi nào ở con – tức là chế độ ăn không phải vấn đề của con. Điều này có nghĩa là bạn chưa loại bỏ đủ loại thực phẩm và chưa tìm ra thủ phạm. Đây là lí do tại sao nhiều cha mẹ tiến tới chế độ ăn tiếp theo trong danh sách.
Tôi không khuyên bạn thực hiện những chế độ ăn này. Thay vào đó, tôi khuyên bạn nên tìm hiểu và xem xét chúng.
1. Chế độ ăn không gluten và casein (GFCF)
Như chúng ta đã thảo luận, chế độ ăn không gluten và casein liên quan đến việc loại bỏ hoàn toàn các loại thực phẩm có chứa gluten và casein – các sản phẩm từ sữa, bột mì và hàng tá những loại thực phẩm có chứa gluten. Đối với hầu hết các bậc cha mẹ, đây chính là điểm khởi đầu. Bây giờ những chế độ ăn này đã dễ dàng hơn cách đây vài năm do có hàng loạt những loại thực phẩm GFCF ngoài kia. Hầu hết mọi thứ (sữa, yogurt, bánh mì, mì Ý, bánh quy, v.v) đều có loại GFCF. Lưu ý: không khuyến khích các bạn đơn giản chỉ thay thế các chế phẩm từ sữa bằng sữa đậu nành. Đậu nành gây dị ứng cao và khó tiêu, một số bác sỹ và các nhà nghiên cứu chế độ ăn tin rằng, đậu nành gây tăng nội tiết tố nữ trong cơ thể.
2. Chế độ ăn tinh bột đặc biệt (SCD)
Được tạo ra bởi Tiến sĩ Sidney V. Haas và được phổ biến bởi Elaine Gottstchall, chế độ ăn tinh bột đặc biệt dựa trên ý tưởng: Đối với một vài người, việc tiêu hóa không một số loại tinh bột phức tạp và đường gây ra sự phát triển của các vi khuẩn có hại trong ruột – thường gây ra phản ứng viêm và tự miễn (là lúc hệ miễn dịch tấn công các bộ phận của cơ thể). Nhiều phụ huynh thấy con cái không phản ứng tốt với chế độ ăn GFCF đã được ghi nhận có những thay đổi lớn nhờ chế độ ăn này. Có nhiều hướng dẫn chi tiết hơn những gì tôi có thể liệt kê ở đây, nhưng nền tảng chính của chế độ ăn này liên quan đến việc loại bỏ khoai tây, bắp (ngô) và gạo (cùng với gluten và casein). Nếu bạn thắc mắc rằng như thế còn lại gì để ăn, thì hãy tìm hiểu chế độ ăn này. Bạn sẽ ngạc nhiên đấy! (Nên nhớ rằng cũng có nhiều nền văn hóa đã tồn tại qua hàng thiên niên kỷ mà không cần ba loại thực phẩm trên). Cũng có một chế độ ăn tương tự chế độ ăn tinh bột đặc biệt được gọi là chế độ ăn dành cho các hội chứng về đường ruột và tâm lý (GAPS), được tạo ra bởi Tiến sĩ Natasha Campell – McBride.
3. Chế độ ăn sinh học cơ thể (BED)
Tạo ra bởi chuyên gia dinh dưỡng Donna Gates, chế độ ăn sinh học cơ thể có nhiều điểm tương đồng với SCD, nhưng tập trung nhiều hơn vào sự cân bằng của hệ thống đường ruột (các vi khuẩn trong hệ tiêu hóa). Phương pháp này tập trung mạnh trong việc giảm thiểu sự tăng trưởng vượt bậc của vi khuẩn candida. Thay vì tập trung vào việc giảm thiểu một số loại thực phẩm (đường, ngũ cốc, v.v), chế độ ăn này tập trung cải thiện sức khỏe bằng cách bổ sung các vi sinh còn thiếu ở hệ thống đường ruột, vốn là cơ quan trọng yếu trong việc tiêu hóa, bằng cách thêm các loại thực phẩm “được nuôi ủ” như các loại rau củ lên men và rượu dừa non, một loại thức uống lên men. Chế độ ăn này có thể được xem là vừa nghiêm ngặt vừa toàn diện. Một số lượng nhỏ phụ huynh có con em tuân theo chế độ này và đã có những chuyển biến.
Mặc dù hầu hết các chế độ dinh dưỡng tập trung đến cấp độ này đã khẳng định, loại bỏ chất kích thích, thì thêm các mục dưới đây có thể tạo ra sự khác biệt. Khi tham dự bất kỳ hội nghị tự kỷ nào, bạn sẽ nghe được các bác sỹ thảo luận về số lượng thiếu hụt đáng kể mà họ gặp ở trẻ tự kỷ. Mặc dù mỗi trẻ tự kỷ thì khác nhau, dưới đây là một vài mục cần được xem xét kỹ lưỡng:
Các enzyme hỗ trợ tiêu hóa
Để tiêu hóa thức ăn, cơ thể của chúng ta sản sinh ra nhiều loại enzyme. Nếu không có những enzyme này, chúng ta không thể tiêu hóa bất kỳ thứ gì. Chúng ta bắt các enzyme này chiết xuất các chất dinh dưỡng từ thức ăn, vì thế, thức ăn không chứa enzyme thì sẽ không phải là thức ăn. Ví dụ, lý do mà gỗ không phải là thức ăn cho chúng ta vì chúng ta thiếu các enzyme phân giải gỗ. Nếu chúng ta là mối và có enzyme để phân giải gỗ, thì nó sẽ là thức ăn cho chúng ta. Chúng ta có thể bắt đầu một ngày mới bằng một chiếc bánh kẹp mùn cưa! (Tình cờ thay, chúng ta cần các enzyme (không hỗ trợ tiêu hóa) cho hầu hết các chức năng của cơ thể, như là chống lại nhiễm trùng, điều hòa nhiệt độ và thậm chí là suy nghĩ).
Một số bác sỹ tự kỷ cảm thấy rằng, có những bằng chứng rõ ràng chứng minh con bạn thiếu cả số lượng và chất lượng một số loại enzyme tiêu hóa, gây hại cho hệ tiêu hóa. Họ nói về lợi ích của các phụ phẩm chứa enzyme giúp con tiêu hóa và chiết xuất chất dinh dưỡng trong thức ăn của con, làm giảm phồng rộp, táo bón, tiêu chảy và các vấn đề tiêu hóa khác, và hỗ trợ cơ thể ở những vùng khác như chức năng của hệ thống miễn dịch. Enzyme không phải là thuốc – hay thậm chí là vitamin, chúng được xem như các thực phẩm và được bán tại các cửa hàng thực phẩm tốt cho sức khỏe.
Một số lượng lớn phụ huynh của The Son-Rise Program® tận dụng các loại enzyme và cảm thấy rằng chúng hỗ trợ cho chương trình của họ. Enzymedica, một công ty chuyên sản xuất các loại enzyme có hiệu quả cao và “sạch” (nghĩa là không có chất đệm), cảm thấy rất chắc chắn với sự kết hợp này đến nỗi, từ năm 2009, họ đã chi trả cho rất nhiều phụ huynh tham gia The Start-Up Program tại ATCA. Enzymedica đã hỗ trợ thành lập tổ chức Autism Hope Alliance (AHA), một tổ chức phi lợi nhuận đã gây quỹ cho nhiều phụ huynh tham gia khóa học trên.
Như tôi đã đề cập trước đó, James gặp nhiều vấn đề thể chất nghiêm trọng, từ nhiễm độc kim loại nặng đến các khó khăn về hệ tiêu hóa. Cậu bé sử dụng các enzyme tiêu hóa và đã trải qua cả ba chế độ ăn trên. Cậu bé cũng dùng khoáng, các axit béo thiết yếu và các thực phẩm chức năng bổ sung men vi sinh.
Đối với James, enzyme tạo ra một khác biệt lớn. Cậu bé từ một đứa trẻ thường xuyên bị đau dạ dày và có quầng thâm dưới mắt, la hét khi ấn vào bụng, lắc lư người giữa những lần táo bón và tiêu chảy nghiêm trọng, trở thành một đứa trẻ không bị phồng rộp, không đau đớn, không quầng thâm và ị đều đặn. Cũng vậy, chế độ này thúc đẩy những hoạt động trong The Son-Rise Program® của cậu bé, với khả năng ngôn ngữ được nâng cao nhanh chóng và có bước tiến lớn về thời lượng tập trung tương tác.
Probitics – Men vi sinh
Khái niệm “men vi sinh” là tên gọi chung của các loại vi khuẩn có lợi cần thiết cho đường ruột. Như enzyme, chúng cũng được xem như các loại thực phẩm được bán ở các cửa hàng thực phẩm tốt cho sức khỏe. Nếu bạn đã từng thấy các quảng cáo thương mại những loại sữa chua trên tivi nói về lợi ích của loại thực phẩm này cho hệ tiêu hóa, đó là vì hầu hết chúng có chứa men vi sinh. Tuy nhiên, đối với bọn trẻ, sữa chua có vấn đề vì chứa sữa (hoặc đậu nành). Cũng vậy, một viên nén men vi sinh hay bột mà bạn mua tại cửa hàng bán men vi sinh hơn một khẩu phần sữa chua.
Một lần nữa, tôi không nói với bạn rằng, hãy đi ra ngoài vào ngày mai, mua một lọ men vi sinh và bắt đầu cho con bạn uống. Điều tôi gợi ý là bạn hãy tìm hiểu về men vi sinh và hỏi bác sỹ tự kỷ của bạn về chúng.
Vitamin và khoáng chất
Chắc chắn tôi sẽ không gợi ý một loại vitamin hay khoáng chất cụ thể nào cho con bạn, nhưng tôi nhiệt thành khuyên bạn đưa con đi kiểm tra xem có thiếu hụt các chất quan trọng hay không. Ví dụ, nhiều bác sỹ tự kỷ đã nói rằng, những đứa trẻ đang được họ điều trị thiếu hụt B12, magiê và kẽm. (Một lưu ý thú vị rằng, trẻ thiếu hụt kẽm có thể thấy vị của một số loại rau củ rất tệ và hay thèm các loại thực phẩm có đường).
Các axit béo thiết yếu
Có lẽ bạn đã quen thuộc với các nghiên cứu gần đây (bên ngoài lĩnh vực tự kỷ) về chất béo omega-3 và các axit béo thiết yếu. Nghiên cứu này gia tăng sự hiểu biết của chúng ta về việc các loại axit thiết yếu phù hợp cung cấp các lợi ích về sức khỏe – cho tim mạch, cảm xúc, hệ thống tiêu hóa và não bộ.
Các axit béo thiết yếu thường được giới thiệu bởi các bác sỹ chuyên về tự kỷ vì giữa nhiều thứ khác, những chất béo này được dùng để xây dựng và duy trì các lớp bảo vệ quanh não và các tế bào thần kinh. Lớp vỏ này giống như lớp vỏ cao su bao quanh các dây điện. Một số bác sỹ khẳng định rằng, lớp vỏ này có thể cực kỳ hữu ích với một vài trẻ tự kỷ.
Các chất béo thiết yếu được bán trong các cửa hàng ở dạng lỏng và viên nén. Bây giờ, hãy nhìn nhận vấn đề một chút. Nếu bạn quyết định sẽ cho trẻ dùng chúng, hãy đảm bảo bạn đã tiến hành những nghiên cứu về các sản phẩm cụ thể trước đó. Cứ đơn giản cung cấp cho trẻ một lượng lớn, như dầu cá chẳng hạn, nghĩa là bạn đang đổ vào cơ thể con đầy thủy ngân và các loại chất độc khác nếu bạn không cẩn trọng.
Áp dụng The Son-Rise Program® để thay đổi chế độ ăn của con
Ngay cả khi bạn đã biết mọi điều tôi vừa giải thích về can thiệp chế độ ăn, phần tiếp theo đây có thể thay đổi cuộc đời bạn. Thật đó! Tôi nhận thấy ngay cả khi người ta biết rất nhiều về tự kỷ, và chế độ ăn, người ta vẫn không chắc sẽ biết cách để khiến con cái ngừng ăn các loại thực phẩm có hại và bắt đầu ăn các loại thực phẩm lành mạnh.
Vì thế, hãy để chúng tôi nói về 5 nguyên tắc ăn uống của The Son-Rise Program®.
5 Nguyên tắc cho con ăn của The Son-Rise Program®
Sự kiểm soát
Sự kiểm soát là vấn đề cốt lõi của tự kỷ – nhưng thường bị bỏ qua khi liên quan đến việc cho con ăn. Con cái chúng ta thường có khuynh hướng rất kiểm soát (vì lí do đúng đắn mà chúng ta đã thảo luận ở những chương trước). Nhớ rằng, chúng ta muốn luôn nỗ lực nhìn mọi thứ từ quan điểm của con. Việc này chắc chắn bao gồm cả thực phẩm và việc cho con ăn.
Trớ trêu thay, nhiều vị phụ huynh và người chăm sóc trở nên rất kiểm soát quanh việc ăn uống. Chúng ta quyết định khi nào con ăn, con sẽ ăn gì, con sẽ ăn trong bao lâu và thậm chí con sẽ ăn như thế nào (trên bàn, với nĩa, v.v).
Nếu chúng ta muốn thay đổi những gì con ăn, chúng ta phải trao cho con sự kiểm soát trong mọi lĩnh vực liên quan đến ăn uống. Chúng ta cần loại bỏ tất cả các áp lực. Không thúc ép con ăn. Không ép con ăn tại bàn. Thậm chí, tạm thời không cả “giờ ăn trưa” hay “giờ ăn tối”. Mang thức ăn đến vào nhiều thời điểm, và để con ăn bất cứ thứ gì con muốn. Để con ăn ở bất cứ đâu con muốn.
Khi bạn mang đồ ăn đến, hãy đưa cho con một cách nhẹ nhàng, thoải mái, không ép buộc, không kiểm soát. Đặt thức ăn cách một khoảng (thay vì đưa đến trước mặt), và để con tự đến với bạn vì thức ăn. Ngay khi con nhìn vào thức ăn, bạn có thể đẩy nhẹ thức ăn về phía con. Thật dễ để quên điều này khi chúng ta nắm lấy cái nĩa và nhét vào miệng con.
Đưa ra cho con sự lựa chọn: “Hãy lấy bất cứ món gì con muốn”.
Hãy đặt những dĩa đồ ăn xung quanh con và dễ tiếp cận suốt cả ngày. Chạm vào đồ ăn. Chơi máy bay vòng quanh. Nếu con thực sự không muốn ăn vào thời điểm đó, đừng ép buộc. Cũng vậy, hãy cố gắng tránh đưa thức ăn cho con khi con đang trong thời gian hoạt động ism hay tỏ dấu hiệu đèn đỏ với bạn.
Một số trẻ chỉ ăn một loại thực phẩm trên mỗi đĩa; những đứa trẻ này sẽ ăn đậu và thịt gà, nhưng không trong cùng một đĩa. Hãy chấp nhận việc này. Bắt đầu xác định nhiệt độ và độ đặc mà con thích. Sau đó điều chỉnh bữa ăn tùy theo. Bây giờ, mang món ăn đến theo cách con thích ăn. (Nhớ rằng, điều này không có nghĩa là con có thể ăn bánh quy, kem và bánh kem. Bạn vẫn là người lựa chọn những thứ sẽ mang đến cho con).
Trao cho con quyền kiểm soát đối với đồ ăn tức loại bỏ vật cản ngăn con không ăn những thứ bạn chọn. Nếu con không cảm thấy có quyền lựa chọn, con sẽ muốn chống đối mạnh mẽ những thay đổi trong chế độ ăn mà bạn đang thực hiện.
Trao cho con quyền kiểm soát trong việc này cũng sẽ giúp con đến với đồ ăn một cách tự nguyện, và điều này là mấu chốt để duy trì bất kỳ chế độ ăn khắc nghiệt nào.
Sáng tạo
Tích cực tìm kiếm những cách trình bày thức ăn khác nhau theo cách vui nhộn. Hãy trình bày thức ăn theo nhiều cách. Bạn có thể lấy một chiếc xe đồ chơi đựng thức ăn. Bạn có thể là một phù thủy giới thiệu món uống thần kỳ của con. Bạn có thể làm cho thức ăn trở nên có tính cách. Hãy làm một con robot cần thức ăn để hoạt động và mời con nạp năng lượng cùng. Đặt một củ cà rốt lên miệng và lắc lư như một con sâu – và khuyến khích con cùng làm vậy. “Giấu” thức ăn và sau đó tập trung vào việc tìm thấy và ăn chúng.
Khi Charlotte lần đầu cố gắng thuyết phục James ăn bông cải xanh, cô ấy mặc đồ như một bông cải xanh khổng lồ và nhảy trong phòng chơi đồng thời hát bài hát về bông cải xanh. Cậu bé rốt cục bị cuốn theo. Họ hát bài hát bông cải xanh và thậm chí còn nói chuyện với bông cải mà Chalotte mang theo bên mình. Họ làm vậy một lúc cho đến khi thực sự tiến đến chủ đề ăn bông cải. Bây giờ James ăn bông cải thường xuyên và rất thích nó. (Cậu bé cũng vui vẻ ăn cà rốt, rau chân vịt, cải xoăn và mọi thực phẩm lành mạnh khác).
Lần đầu nghe James nói: “Cháu muốn tảo của cháu”, tôi suýt ngã khỏi ghế của mình. Tảo chính xác là: một vật màu xanh mọc dưới đáy hồ. Tảo của Jame là một phiên bản được chế biến thành thức uống mà James uống mỗi ngày. Nếu bạn đã từng uống thức uống này, bạn sẽ hiểu sự nể phục của tôi khi James thực sự yêu cầu món này. Đây qua là một chứng cứ rõ ràng cho việc Charlotte đã áp dụng hiệu quả năm nguyên tắc cho con ăn.
Xây dựng mối quan hệ
Nguyên tắc này dường như chẳng liên quan gì đến việc cho con ăn, nhưng nó cần thiết. Tất cả những lần tham gia, chúc mừng và trao quyền kiểm soát đều được đền đáp ở đây. Nếu bạn đang tạo nên mối quan hệ với con theo cách này, con sẽ tin bạn.
Niềm tin này chính là chìa khóa để có một bước tiến về thực phẩm với con. Khi con tin tưởng bạn, bạn có nhiều cơ hội để trình bày và đưa ra món ăn mới cho con. Con sẽ cởi mở với những gì bạn gợi ý.
Thái độ
Thái độ của bạn đối với thức ăn và việc cho con ăn chắc chắn là yếu tố quan trọng trong bất kỳ thay đổi nào đối với chế độ ăn của con. Đặc biệt là, cha mẹ có khuynh hướng căng thẳng khi cho đứa con mắc chứng tự kỷ ăn, cụ thể là nếu họ có một đứa con kén ăn. Việc này sẽ mang đến căng thẳng và kích động trong ăn uống, và sẽ làm con quay ngoắt lại ngay thời điểm bạn muốn con trở nên cởi mở.
Khi cho con ăn, đó là việc bạn đang yêu cầu trẻ đưa những thứ từ bên ngoài vào bên trong cơ thể. Đó là một yêu cầu lớn. Vì thế điều rất quan trọng là bạn phải có thái độ bình tĩnh, thư giãn và thậm chí hứng thú khi đối mặt với những vấn đề liên quan đến thức ăn.
Hãy thực sự nuôi dưỡng thái độ tích cực về ăn uống này với con. Hãy làm mẫu việc ăn uống cho con theo yếu tố 3E. Bạn muốn con trải nghiệm thức ăn giống như nằm dài trong bồn tắm – thư giãn, dễ dàng, thoải mái và tận hưởng sâu sắc. Đó là cách bạn khiến con muốn nhảy vào.
Kiên định
Được rồi. Vậy là, đến cuối cùng, thay đổi chế độ ăn của con bạn đã kiên trì. Tôi hiểu là bạn có thể cảm thấy như bạn đã cố gắng khiến con ăn món X hoặc Y. Nhưng bạn đã thử bao nhiêu lần?
Thành công khi những gì con muốn ăn phụ thuộc chính ở sự kiên trì. Giữ vững chương trình ăn kiêng. Từ chối nản chí – kể cả khi bạn đã thử rất nhiều lần. Sẽ cần một khoảng thời gian để hướng dẫn cho khẩu vị của con yêu thích những món ăn lành mạnh. Bạn chính là chìa khóa của con ở thời điểm này.
Loại bỏ các loại thực phẩm có hại và không lành mạnh
Sự bền bỉ có tác dụng cho cả hai mặt của vấn đề – nhằm giới thiệu các loại thực phẩm mới và loại bỏ các loại thực phẩm không lành mạnh.
Khi giới thiệu các loại thực phẩm mới dường như có vẻ khó khăn. Bởi vì, cuối cùng thì, chính con mới là người quyết định có ăn chúng hay không, loại bỏ một loại thực phẩm theo lý thuyết thì dễ hơn nhiều. Trừ khi con dành cả ngày ở nơi bạn vắng mặt và không được biết gì về loại thực phẩm bạn sẽ cung cấp cho con, thì bạn có thể loại bỏ bất kỳ loại thực phẩm nào bạn muốn khỏi căn nhà và chỉ đơn giản là không cung cấp cho con món đó. Trên lý thuyết, con không có sự lựa chọn.
Tuy nhiên, từ quan điểm cảm xúc, loại bỏ các loại thực phẩm là một vấn đề hoàn toàn khác. Tại ATCA, đối với nhiều phụ huynh, việc loại bỏ các loại thực phẩm giống như một trận chiến quyết liệt. Thường có một mối lo sợ khổng lồ quanh vấn đề này, và tôi có thể hiểu tại sao. Một đứa trẻ không chịu ăn gì – nhưng đồng thời, muốn ăn những loại thực phẩm chúng ta không cung cấp – chạm tới tận sâu cảm xúc và lòng tin của những bậc cha mẹ. Chúng ta xem việc cung cấp dinh dưỡng cho con là việc cơ bản nhất của cha mẹ. Cho con ăn là biểu hiện của tình thương yêu.
Điều đầu tiên cần hiểu là, trong 30 năm kinh nghiệm, chúng tôi chưa từng thấy một đứa trẻ nào tự bỏ đói chính mình đến chết khi chế độ ăn bị thay đổi. Chúng tôi đã thấy trẻ nhịn một ngày, hai ngày, thậm chí đến ngày thứ ba, nhưng rốt cuộc thì vẫn sẽ cảm thấy đói. Như chúng ta đã thảo luận, sự kiên trì chính là chìa khóa.
Tôi sẽ nói là: Đứa trẻ cố gắng kìm giữ lâu nhất thường là đứa trẻ kiên định để thấy sự dao động tình cảm của cha mẹ mình. Con thấy cha mẹ nhìn vào, thấy tội lỗi, lo lắng, cố gồng mình nhiều lần, năn nỉ và cả la mắng để bắt con ăn… Thực tế, con tin rằng – thường chính xác, trong nhiều trường hợp – cha mẹ đang thấy khó khăn và sẽ đầu hàng nếu con chờ thêm một chút.
Trẻ con thường kiên nhẫn hơn cha mẹ. Khi Bryn hướng dẫn những phụ huynh đang tham gia The Start-Up Program, cô ấy thường trích dẫn một cách lém lỉnh những suy nghĩ của đứa trẻ theo cách này: “Tôi có thể không ăn lâu hơn cha/mẹ có thể nhìn tôi không ăn”. Yếu tố này giải thích tại sao thái độ của chúng ta rất quan trọng trong trường hợp này. Nếu bạn tin việc mình loại bỏ các loại thực phẩm có hại khỏi chế độ ăn của con là ích kỷ hoặc tồi tệ với con, thì bạn khó mà thực hiện nó. Bạn sẽ thấy tội lỗi, lo lắng và sợ hãi.
Mặt khác, nếu bạn tin bạn đang thực hiện một việc dễ thương mà hữu ích cho con bạn, thì quá trình sẽ rất khả thi. Bạn sẽ thấy thoải mái, thư giãn và duy trì được thực đơn. Quan trọng không kém, con sẽ thấy bạn rõ ràng, dễ chịu và không hề nao núng trong hầu hết các trường hợp. Đó là lí do trong The Start-Up Program, chúng tôi dành hầu hết thời gian tập trung vào thái độ và cảm xúc, chứ không chỉ về kỹ thuật.
Tôi biết bạn có lẽ đang nghĩ: “Nhưng con thích những thức ăn không lành mạnh này”. Vậy thì, đây là lúc để nhắc bạn một câu nói của Bryn: “Những con nghiện rất thích heroin. Điều đó không có nghĩa nó tốt cho người nghiện”. (Nhân tiện, cô ấy nói theo trải nghiệm cá nhân. Cô ấy và William thiết lập một chế độ ăn cho con gái và duy trì nó trong suốt chương trình).
Có thể con muốn “chỉ một miếng bánh quy nhỏ thôi”. Nếu con muốn không phải thắt dây an toàn “chỉ một lúc trên đường đi thôi” hay con muốn chơi với một con dao sắc “chỉ vài phút thôi”, hoặc con muốn uống “chỉ một chút nước tẩy”, tôi chắc rằng bạn chẳng cho phép điều đó xảy ra đâu. Có những điều không thể thỏa thuận được.
Bạn cần đưa chế độ ăn của con vào danh mục không thể thương lượng. Chúng ta đang nói về sức khỏe và sự an toàn của con. Hãy biến nó thành việc không thể thương lượng.
Một điểm cuối cùng cần nhớ rằng, trong Chương 3, chúng ta nói việc dùng phần thưởng như một cách chính để uốn nắn hành vi của con? Tôi đã ví dụ minh họa về cách nhiều người trong số chúng ta khi còn nhỏ, được hướng dẫn cách vượt qua thức ăn dở để lấy được thức ăn “ngon lành” không lành mạnh. Trong trường hợp này, chẳng có gì phải minh họa cả, đây chính là tình hình thực tế.
Một lần nữa, niềm tin của chúng ta về thực phẩm là điều cốt lõi. Chúng ta nghĩ và sau đó thể hiện loại thức ăn ít lành mạnh nhất như một phần thưởng – như “món ngon”. Tôi đã nghe nhiều vị phụ huynh đưa ra những lời khẳng định như là: “Ôi, tôi không muốn phải trước đoạt quyền của con mãi mãi. Khi nào con mới có thể thoát khỏi chế độ ăn này?” Niềm tin ẩn giấu sau những từ này sẽ phá hỏng khả năng giúp con ăn uống lành mạnh. Tại sao bạn không cho con ăn những loại thức ăn có hại lại là “tước đoạt quyền” của con?
Và câu hỏi “khi nào con tôi mới có thể thoát khỏi chế độ ăn này? Thật đáng để xem xét kỹ lưỡng. Căn bản là chúng ta đang hỏi: “Tôi có thể cho con ăn trở lại những loại thực phẩm độc hại sớm nhất là lúc nào – những loại thực phẩm làm cho con bị bệnh tim, đột quỵ, tiểu đường, dậy thì sớm và ung thư?” Tại sao chúng ta lại vội vã muốn đưa những loại thực phẩm có hại này vào cơ thể của con?
Trạng thái chiến đấu hay chạy trốn
Hãy xem hết một vòng và trở lại nhân tố chính trong hội chứng tự kỷ của con mà tôi đã đề cập đầu chương này. Có một chứng cứ rõ ràng cho thấy rằng, phần lớn trẻ tự kỷ sống trong tình trạng gần như là chiến đấu hay chạy trốn. Tôi biết được điều này nhờ một lần thảo luận cách đây nhiều năm với Tiến sĩ Scott Faber, mà tại thời điểm đó, là giám đốc phát triển hành vi nhi khoa tại Bệnh viện Mercy Hospital ở Pittsburgh (bây giờ ông ấy đang cộng tác cùng bệnh viện của viện Nhi). Đây là điều rất phổ biến trong cộng đồng các bác sỹ tự kỷ. Tại sao lại như?
Khi cơ thể ở trạng thái chiến đấu hay chạy trốn, tức cơ thể đang sinh tồn. Có vài quy trình sinh học chính trong tình trạng này.
• Adrenaline (epinephrine1) tràn lên khắp các mạch máu
• Nhịp tim tăng
• Mạch máu co lại (để tránh xuất huyết)
• Máu chảy khỏi các cơ quan thiết yếu của cơ thể và dồn vào tay chân (để sẵn sàng chạy trốn hay chiến đấu.
• Tế bào bạch cầu từ hệ thống miễn dịch dồn về phía da (để sẵn sàng khi bạn bị xước hay bị cắn).
Thêm vào đó, một số điều liên quan đến con bạn:
• Thường là, khi cấp thiết, hệ thống miễn dịch ngừng hoạt động – trong khi các vùng khác gia tăng hoạt động.
• Hệ tiêu hóa ngừng hoạt động
• Cơ chế tự phục hồi ngưng lại.
• Não bộ sẵn sàng cho các phản ứng nhanh, kịp thời, linh hoạt – hơn là những hoạt động như học hỏi và tương tác xã hội.
• Và quan trọng là, giải phóng lượng hooc-môn cortisol và corticotropin cao ngất. Cortisol là hooc-môn gây stress dài hạn trong cơ thể. Nó được giải phóng bởi tuyến thượng thận. Giải phóng hooc-môn Corticotrophin (CRH) là một hooc-môn stress giải phóng vào não – nhưng giờ đây lại được tìm thấy ở những bộ phận khác trong cơ thể trẻ tự kỷ.
1 Adrenaline (hay epinephrine) là một hooc-môn được giải phóng khỏi tuyến thượng thận, có tác dụng trên thần kinh giao cảm, được sản xuất khi sợ hãi, tức giận hay thích thú, làm nhịp tim đập nhanh hơn và cơ thể chuẩn bị phản ứng để chống lại nguy hiểm.
Bây giờ, hãy nghĩ xem điều này có ý nghĩa gì. Cơ chế được liệt kê ở trên hoàn toàn tự nhiên. Đây chính là cơ chế đã phục vụ rất tốt tổ tiên của chúng ta từ xa xưa. Khi một con hổ săn mồi đuổi theo bạn, vấn đề duy nhất là chạy trốn ngay lập tức. Vài phút sau, khi vấn đề qua đi: Hoặc là bạn đã trốn thoát hoặc là bị ăn thịt. (Thật là một ý nghĩ vui vẻ).
Tuy nhiên, cơ thể chúng ta không được cấu tạo để ở trong tình trạng này mãi mãi. Trạng thái sinh tồn chiến đấu hay chạy trốn hoạt động trong một thời gian ngắn. Tình trạng này kéo dài hàng giờ hay nhiều ngày sẽ bắt đầu gây ra những hủy hoại gây hại cho cơ thể.
Đem những tình huống này và áp dụng với con, và bạn nhận được gì? Hãy nhìn lại 5 mục cuối ở phía trên. Hãy nghĩ về điều gì sẽ xảy ra nếu phần lớn hệ miễn dịch của con ngưng hoạt động, mà con đã có sẵn một hệ miễn dịch dễ bị phá hủy (hoặc con mắc một loại bệnh tự miễn liên tục làm cho hệ miễn dịch bị phản ứng thái quá). Hay nếu hệ tiêu hóa của con ngưng hoạt động, và con vốn đã có vấn đề với hệ tiêu hóa. Hoặc nếu bạn đang áp dụng can thiệp y sinh để giúp hồi phục hệ tiêu hóa, hệ miễn dịch và các cơ quan khác – nhưng phần lớn cơ chế tự hồi phục của cơ thể lại bị ngưng hoạt động trong cơ thể con.
Còn nữa, trí tưởng tượng giúp con học hỏi và tương tác với xã hội. Khi não con đang trong tình trạng chiến đấu hay chạy trốn, thì hỏi và tương tác xã hội trở nên cực kỳ khó khăn với con. Thời lượng tập trung bị ảnh hưởng và làm gián đoạn đến việc học hỏi tự thu mình và tự đóng lại các khả năng tương tác xã hội.
Và rồi chúng ta có vấn đề với cortisol.
Vấn đề với cortisol
Trong suốt buổi nói chuyện của tôi và Tiến sĩ Scott Faber, ông ấy nói với tôi rằng, ông nhận thấy trẻ tự kỷ thường có mức tăng hooc-môn stress kinh niên, cụ thể là cortisol. Đây là dấu hiệu chính của người đang trong trạng thái chiến đấu hay chạy trốn.
Tiến sĩ Theoharis Theoharides (đúng vậy, đây thực là tên ông ấy), nhà Khoa học, Giáo sư nghiên cứu thuốc dùng và Giáo sư dược lý tại trung tâm Tufts Medical Center ở Boston, đã tìm ra mức độ tăng CRH ở trẻ tự kỷ. Ông ấy đã tìm ra nó trong những vùng cơ thể bên ngoài não bộ (là vấn đề khá lớn, do người ta nghĩ rằng CRH chỉ được giải phóng ở vùng dưới đồi bên trong não), và ông ấy tin nó có thể khiến khắp cơ thể đau rát. Đó chính là vấn đề mà một số trẻ phải đối mặt. Sự hiện diện của CRH là một dấu hiệu khác cho thấy cơ thể đang ở trạng thái chiến đấu hay chạy trốn.
Tôi muốn nói thêm rằng, mặc dù tôi không biết hết những chi tiết sinh học quanh vấn đề này, nhưng tôi chẳng thấy ngạc nhiên gì khi nghe điều đó. Nếu một đứa trẻ liên tục ở trong trạng thái quá tải cảm giác, bị bao quanh bởi môi trường khó dự đoán, và rồi sau đó bị lôi kéo vào hàng tá những yêu cầu trái với mong muốn của bản thân, thì phản ứng chiến đấu hay chạy trốn dường như là giải pháp tốt nhất.
Có một điều rất dễ hiểu là sự gia tăng kinh niên của cortisol làm teo các tế bào ở vùng hải mã và ngăn cản sự hình thành của các tế bào hải mã mới. Vùng hải mã là một vùng nhỏ gần trung tâm não, có chức năng phản hồi các thông tin liên quan đến ký ức mới và cực kỳ quan trọng với con. Thú vị thay, vùng hải mã là vùng đầu tiên bị thương tổn với những người mắc chứng Alzheimer. (Tham khảo cuốn Kết thúc căng thẳng mà chúng ta biết – (The End of Stress As We Know It) của Ewan McGowan và Trí thông minh xã hội – (Social Intelligence) của Daniel Goleman để tìm hiểu thêm về căng thẳng, cortisol và ảnh hưởng của chúng tới vùng hải mã).
Dưới đây là những điểm chính mà bạn cần nhớ trong phần thảo luận này.
• Chúng ta không muốn con gia tăng kinh niên mức độ cortisol (hoặc CRH).
• Chúng ta không muốn con ở trong trạng thái chiến đấu hay chạy trốn mãi mãi.
• Chúng ta nên làm mọi điều có thể để giúp con loại bỏ trạng thái chiến đấu hay chạy trốn và tiến đến trạng thái phục hồi.
Trạng thái phục hồi
Tin tốt đây rồi. Mọi điều mô tả ở trên đều có thể đảo ngược lại. Tiến sĩ Faber đã thảo luận với tôi vì ông ấy cảm thấy The Son- Rise Program® rất hiệu quả. Ông ấy nhận ra khi một đứa trẻ tự kỷ được cùng tham gia, được trao quyền kiểm soát, nhận được thái độ không phán xét và rất chào đón (tất cả những điều trên ông ấy gọi chung bằng một khái niệm “sự can thiệp hòa hợp cảm xúc”), và được đặt trong một môi trường không gây quá tải giác quan, thì mức độ các hooc-môn stress (adrenalin, cortisol) giảm xuống mức bình thường.
Tôi không thể nói cho bạn biết tôi cảm thấy hào hứng thế nào về việc này. Nó giải thích một khía cạnh quan trọng của lý do vì sao The Son-Rise Program® lại có hiệu quả và cho chúng ta cách giúp con cái cả về mặt sinh học, sinh lý, thần kinh và phát triển.
Bạn có ảnh hưởng mạnh mẽ đến chứng tự kỷ ở con bạn. Khi con thoát khỏi trạng thái chiến đấu hay chạy trốn và các hooc-môn gây stress trở lại mức bình thường, cánh cửa được mở rộng cho những bước tiến vượt bậc.
• Con được thư giãn và có thể suy nghĩ.
• Hệ tiêu hóa của con hồi sinh.
• Hệ miễn dịch được trao cơ hội tốt nhất để hoạt động tối ưu.
• Não bộ ở trong trạng thái không bị đe dọa, có khả năng học hỏi và tương tác xã hội.
• Khi mức cortisol không tăng lên, quá trình teo vùng hải mã dừng lại và tự phục hồi, các tế bào phát triển và tự tái tạo tại vùng hải mã. (Nhớ rằng vùng hải mã là tối cần thiết cho việc học hỏi, do đây là vùng chịu trách nhiệm tạo ra những ký ức mới).
• Cơ thể của con đi cùng với những phục hồi y sinh không ngừng (SPR). Có nghĩa là con có thể tận dụng tối đa lợi ích của việc can thiệp y sinh. Nếu con đang được điều trị với mục đích hỗ trợ và tái tạo hệ tiêu hóa, hệ miễn dịch, thần kinh và hệ bài tiết, con cần một cơ thể thực sự để phản hồi, sửa chữa và tái tạo.
Chúng tôi gọi đó là trạng thái phục hồi. Áp dụng The Son- Rise Program® để giúp con thoát ra khỏi trạng thái chiến đấu hay chạy trốn đến với trạng thái phục hồi và trao cho con mọi cơ hội để tiến triển và phát triển.
Hầu hết trẻ tự kỷ đều chưa được điều trị kết hợp: Sự can thiệp y sinh có thể hiệu quả mạnh mẽ khi kết hợp với The Son- Rise Program® hơn là áp dụng một mình.
Do vậy, chúng ta cần quản lý những can thiệp y sinh (chế độ ăn, enzyme, điều trị y sinh, v.v) theo cách thoải mái, không thúc ép và vui vẻ. Hãy mời gọi sự hợp tác từ con, thay vì phản kháng. Từ đó, việc tận dụng các kỹ thuật của The Son-Rise Program® được liệt kê trong chương này (và những chương khác) là cần thiết. Chúng ta muốn làm tất cả những gì có thể để mang con cái ra khỏi trạng thái sinh tồn chiến đấu hay chạy trốn, đến với trạng thái hồi phục. Đó chính là những gì chúng ta quan tâm.
Bắt tay thực hiện!
Để bắt đầu, bạn chỉ cần làm hai việc đơn giản. Đầu tiên, hãy chọn một loại thực phẩm chắc chắn không lành mạnh với con. Điều này không nhất thiết là một nhóm đồ ăn, như các sản phẩm từ sữa, nhưng thay vào đó là một loại thực phẩm riêng biệt, như là nước uống có ga, bánh quy sô-cô-la, bánh do-nut, bánh mì nướng phô mai hoặc pizza. Tiếp theo, chọn một loại thực phẩm mà bạn muốn giới thiệu cho con như rau chân vịt, bí ngòi hay măng tây. Một khi bạn đã có các loại thực phẩm này, hãy điền vào Bảng 14.
Nguồn thông tin trực tuyến
Để biết thêm những thông tin hỗ trợ chi tiết về chương này, hãy truy cập www.autismbreakthrough.com /chapter16. Hãy tận hưởng nhé!
Điểm bắt đầu
Bước đầu tiên, hãy chỉ tập trung loại bỏ các loại thực phẩm ở cột bên trái trong Bảng 14. Nhớ phải loại bỏ những thực phẩm này không những khỏi bữa ăn của con mà còn khỏi căn nhà. Chẳng hạn, nếu bạn chọn nước uống có ga, bạn nên biến ngôi nhà thành nơi không có soda. Hãy xem lại 5 nguyên tắc cho con ăn của The Son-Rise Program® và mục loại bỏ các loại thực phẩm gây hại và không lành mạnh. Sau đó, khi bạn đã bị thuyết phục 100% về lý do tại sao nên loại bỏ loại thực phẩm đó, thì bạn đã sẵn sàng!