Đây là chương quan trọng nhất trong cả cuốn sách này.
Không cần phải nói, thì chúng ta cũng có thể nhận ra chủ đề của chương này là phần dễ bị bỏ qua nhất trong việc điều trị chứng tự kỷ. Hơn nữa, nếu không có chương này, thì các nguyên tắc, hay kỹ thuật và chiến lược ở trên cũng sẽ không có tác dụng nào cả.
Điều đó có khiến bạn quan tâm không?
Tại sao thái độ của bạn lại là một thành tố quan trọng như vậy
Mọi người thường muốn tìm hiểu những kỹ năng cứng. Ở đây tôi không có ý nói kỹ năng cứng là cái gì đó theo nghĩa “khó khăn”. Thay vào đó, một kỹ năng cứng là một kỹ năng hữu hình và dễ dàng nhìn thấy, đo đếm được. Ví dụ, hòa mình là một kỹ thuật dựa trên kỹ năng cứng. Bạn có thể nhìn thấy được ai đang hòa mình cùng với trẻ, còn ai thì không.
Khi tôi nói chuyện với phần lớn các bậc phụ huynh lần đầu tiên, họ thường mong muốn được nghe về tất cả các kỹ năng cứng và kỹ thuật của The Son-Rise Program®. Họ muốn tôi nói với họ về kỹ thuật hòa mình. Họ muốn biết cách làm thế nào để xây dựng một trò chơi dựa trên những sở thích của trẻ. Hay họ muốn nghe về bốn thành tố giao tiếp xã hội và làm thế nào để dạy chúng cho trẻ.
Thời gian đầu, họ không quan tâm nhiều đến tầm quan trọng của thành tố thái độ và làm sao để sử dụng thành tố ấy đúng. Thái độ được xem là một kỹ năng “mềm”. Với nhiều người thì nó là một cái gì đó nhạy cảm và ủy mị. Tôi không thể đếm hết các trường hợp mà các vị phụ huynh nói với tôi: “Nhìn này, tôi nghĩ là The Son-Rise Program® thật sự có thể giúp được cho con tôi. Tôi muốn được học về các kỹ thuật, ví dụ như hòa mình. Còn về thái độ ư? Thái độ… Kệ thái độ. Tôi nghĩ không cần phải bỏ thời gian để nhìn nhận cảm xúc của mình hay một cái gì đó kiểu kiểu vậy. Anh chỉ cần dạy tôi về các kỹ thuật thôi là được”.
Trong bối cảnh tương tự, thỉnh thoảng tôi vẫn nghe những lời phê bình cũ rích và thông tin sai lạc như: “The Son-Rise Program® cho rằng, nếu bạn yêu con đủ nhiều, thì con sẽ thoát ra được khỏi chứng tự kỷ”. Về bản chất, lời tuyên bố như vậy không phải là lời chỉ trích đối với chương trình này – khi thực thế chúng tôi không hề nói hoặc tin như vậy – thay vào đó, nó thể hiện sự thiên vị vào thành tố thái độ trong việc điều trị.
Các nhà tâm thần học, tâm lý học, tâm lý trị liệu và nhiều người khác dành phần lớn thời gian để giúp đỡ các gia đình có con em tự kỷ. Họ chắc hẳn đã khó chịu và căng thẳng liên tục suốt một ngày làm việc. Họ dường như không thể phân biệt được cảm xúc tích cự muốn truyền tải và cảm xúc thật của bản thân. Suy nghĩ cho rằng, thái độ của họ không liên quan hay ảnh hưởng gì đến khả năng giúp đỡ chữa trị cho người khác, vẫn còn ngự trị trong suy nghĩ của nhiều người. Chúng tôi tin chỉ cần có kiến thức và giáo dục là đủ. Chúng tôi vẫn còn phần nào đó nghĩ rằng, trong bối cảnh điều trị và giáo dục, điều duy nhất quan trọng là chúng ta làm gì, hơn là chúng ta làm điều đó như thế nào.
Ngay chính bản thân tôi, cả cuộc đời được minh chứng về tác động của thái độ, cũng đã từng bị rơi vào cái bẫy này một vài năm trước đây; Tôi sẽ cho bạn biết về nó sau một lúc nữa thôi.
Thái độ có một tác động to lớn đến cách mà trẻ phản hồi lại với chúng ta
Trẻ em mắc rối loạn phổ tự kỷ, như chúng ta đã thảo luận trước đây, rất nhạy cảm với môi trường xung quanh. Trẻ dễ dàng bị kích thích quá mức, cũng như gặp khó khăn trong xử lý các tiếp nhận về cảm giác, bởi trẻ đang phải sống trong một thế giới có vẻ lộn xộn và không thể đoán trước, và trong nhiều trường hợp, trẻ luôn ở trong trạng thái “chiến đấu sống còn” liên tục.
Và nhớ rằng, tự kỷ là một rối loạn về quan hệ xã hội. Con cái chúng ta gặp khó khăn nếu rời khỏi thế giới riêng của mình và tương tác với người khác.
Hai ý trên liên quan thế nào khi chúng ta sắp xếp chúng lại với nhau. Khi con cái ở cạnh ai đó mà đang không thấy thoải mái hoặc bối rối, con sẽ cảm nhận nó như một mối đe dọa. Do đó, con sẽ thu mình lại hoặc cư xử một cách hung hăng hơn. Cả hai đều là cơ chế tự bảo vệ.
Mặt khác, khi con ở cạnh ai đó luôn thư thái, thoải mái, cởi mở và thật lòng không phán xét, thì con nhận thức bản thân được an toàn và được chào đón. Con sẽ đáp ứng nhiều hơn, tham gia nhiều hơn, linh hoạt hơn, kết nối hơn và trong nhiều trường hợp con sẽ thoát ra khỏi trạng thái chiến đấu sống còn và chuyển sang chế độ hồi phục.
Vì vậy, thái độ hiện tại của chúng ta có thể làm cho một đứa trẻ đang gặp khó khăn, có hoặc không có động lực để kết nối với chúng ta.
Đây không phải là một ý tưởng hay lý thuyết. Đó là thực tế. Chúng tôi đã nhìn thấy viễn cảnh này diễn ra liên tục trong gần 30 năm qua. Chúng tôi nhìn thầy trẻ tự kỷ tránh xa những người mà trẻ thấy bối rối hoặc không thoải mái, và hướng tới những người mà trẻ cảm thấy thoải mái, dễ chịu và chào đón mình.
Sự thật là, bạn có thể cũng đã nhìn thấy điều này nhiều lần rồi. Bạn đã bao giờ nhận thấy rằng con sẽ phản ứng tốt với một vài chuyên viên nhưng không phản ứng tốt với những chuyên viên khác khi tham dự vật lý trị liệu hay ngữ âm trị liệu không? Đây không phải là vấn đề về kỹ thuật, vì cả hai nhà trị liệu đang làm cùng một loại điều trị. Thay vào đó, phản ứng của con khác nhau là do thái độ khác nhau của hai nhà trị liệu này. Một trong số họ có thái độ tích cực, còn lại thì không.
Có hẳn một phần nghiên cứu về tác động của thành tố thái độ mà bạn có thể tham khảo trong Phụ lục 1.
Cô bé trong bệnh viện
Tôi muốn chia sẻ với các bạn một trải nghiệm ngắn của cha mẹ khi tôi còn nhỏ. Điều này xảy ra khi họ đang ngồi chờ trong một hành lang bệnh viện, ngay trước khi tôi được tiến hành một cuộc kiểm tra diễn ra trong ba giờ bởi một nhóm nghiên cứu gồm các nhà thần kinh, bác sĩ và các cộng sự – lần đó cha mẹ tôi đã nhận được một tiên lượng rất nghiệt ngã. Kể từ lần kiểm tra trước đó, tôi đã hồi phục gần như 90% – không cần phải nói, thì đây quả là một bất ngờ lớn với các vị bác sĩ.
Dưới đây là trải nghiệm của họ tại sảnh bệnh viện ngày hôm đó, được trích trực tiếp từ cuốn sách Son-Rise: Phép màu tiếp diễn (Son-Rise: The Miracle Continues) của cha tôi.
Samahria, Raun và tôi ngồi cùng nhau trên chiếc ghế dài bên ngoài sảnh bệnh viện. Có một cô bé con cùng mẹ đi ngang qua. Cô bé ấy buông khỏi tay mẹ và chạy thẳng đến chỗ Samahria, người đang mỉm cười và mở rộng vòng tay đón cô bé. Cô bé có đôi mắt màu xanh lơ. Sắc sảo! Samahria vuốt nhẹ nhàng khuôn mặt và bắt đầu nói chuyện thì thầm. Cô bé chỉ nhìn vào đôi mắt Samahria và sau đó tựa đầu vào Samahria. Họ giống như hai người bạn cũ đang chào hỏi nhau một cách rất thân mật. Cuối cùng, mẹ cô bé bước lại. Không nói một lời, cô ấy nắm lấy tay con gái và dắt thẳng đi về phía cửa. Suốt lúc đó, cô bé cứ quay nhìn lại chúng tôi.
Sau đó, chúng tôi hỏi thăm về cô bé. Chúng tôi được cho biết rằng, cô bé mắc chứng tự kỷ và luôn tránh tiếp xúc với mọi người. Hừm. Có thể cô bé ấy biết. Thái độ yêu thương và chấp nhận hiện hữu trong một nụ cười, trong cái chạm tay nhẹ nhàng, trong lời mời gọi, có thể truyền cảm hứng cho những người bạn nhỏ bị rối loạn chức năng. Khi có cảm giác an toàn và được khích lệ, các bé đã có thể vượt qua giới hạn mọi khi của bản thân.
Hội nghị Autism One – Generation Rescue (Giải cứu thế hệ người tự kỷ)
Trong năm 2011, ATCA đã có một trải nghiệm mạnh mẽ. Tôi có buổi nói chuyện tại Hội nghị “Autism One Generation Rescue” (Giải cứu thế hệ người tự kỷ) ở Chicago, Illinois. Đây là hội nghị lớn nhất và rộng lớn nhất về tự kỷ vào thời điểm đó. Tôi đã nói chuyện tại hội nghị này những năm trước, nhưng năm nay đã có một thay đổi thú vị. Trong một cuộc khảo sát nhiều tháng liền diễn ra trên toàn nước Mỹ bởi hiệp hội, The Son-Rise Program® đã giành được giải thưởng Phương pháp can thiệp Tự Kỷ tốt nhất, và tôi đã được trao giải thưởng Người diễn thuyết tốt nhất, đó là một vinh dự rất lớn – nhưng đây không phải là bước ngoặt mà tôi muốn đề cập.
Chúng tôi đã mang theo toàn bộ đội ngũ hướng dẫn cùng đến hội nghị này, để tình nguyện hỗ trợ việc trông nom các bạn nhỏ tự kỷ trong khi các bậc phụ huynh tham dự buổi họp. Chúng tôi rất háo hức với điều đó, nhưng chắc chắn đây cũng là một phần trải nghiệm đáng để chúng tôi học hỏi. The Son- Rise Program® thiết kế một môi trường cho trẻ quyền kiểm soát, một–một và rất riêng tư, còn sự kiện này lại là hai phòng khách sạn với toàn trẻ có nhu cầu đặc biệt. Mỗi phòng sẽ có khoảng 20 trẻ và bốn hoặc năm người lớn.
Chúng tôi biết rằng, với những trường hợp như vậy, chúng tôi sẽ không thể thực hiện một cách cẩn thận mỗi kỹ thuật của The Son-Rise Program® tùy chỉnh cho mỗi đứa trẻ, như chúng tôi vẫn thường làm. Thay vào đó, đội ngũ hướng dẫn của chúng tôi quyết định tập trung vào các vấn đề cơ bản nhất. Tất cả mọi người sẽ duy trì một thái độ chào đón, hoàn toàn không phán xét, thoải mái đối với tất cả các trẻ. Sau cùng, bọn trẻ sẽ có một môi trường an toàn và không áp đặt. Những người hướng dẫn sẽ cho phép các em thực hiện hoạt động ism. Họ sẽ ăn mừng và mời các em tương tác với họ. Nhưng với một số lượng lớn trẻ, ngay cả khi chỉ tập trung vào những vấn đề cơ bản thì cũng bị hạn chế. Cuối cùng, tất cả chúng tôi nhận ra, cách làm trọn vẹn nhất là cứ duy trì thái độ của The Son-Rise Program®.
Tới đây cho phép tôi tự thú tội một chút về ngày hôm đó. Mặc dù tôi đã rất vui mừng về toàn bộ nỗ lực trên, nhưng tôi cũng có hoài nghi đôi chút. Có thực sự hiệu quả nếu chỉ với tinh thần, thái độ của The Son-Rise Program® thôi không? Trong khi hỏi câu hỏi này, tôi đã rơi vào lối tư duy cũ, tức đề cao những gì chúng ta làm hơn việc chúng ta làm nó như thế nào. Mặc dù bản thân tôi đã có nhiều kinh nghiệm, nhưng trong một khoảnh khắc ấy, tôi rơi vào cái bẫy không đánh giá đầy đủ về tầm quan trọng tối thượng của thái độ – vâng, chỉ có thái độ – mới có khả năng giúp cho các trẻ em đặc biệt của chúng ta hồi phục. Và tôi đã tỉnh ngộ và nhanh chóng thoát hoài nghi cũ kĩ đó.
Trong khoảng thời gian 3–4 ngày, chúng tôi cùng dành thời gian cho nhau, đã có một số thay đổi đáng kinh ngạc xảy ra. Các bậc phụ huynh vừa khóc vừa kể cho chúng tôi nghe rằng, bọn trẻ đã có những thay đổi thế nào chỉ trong một vài ngày. Vài dòng chia sẻ như thế này.
• Cha mẹ Jamie nói với chúng tôi rằng, cậu bé là một đứa trẻ rất khép kín – trừ trường hợp có một lần khi một giáo viên ở trường cố lôi kéo hay thay đổi những gì cậu đang làm, nên Jamie trở nên hung hãn. Suốt ba ngày với chúng tôi, Jamie vô cùng ngọt ngào, cậu bé tiếp cận chúng tôi và tham gia cùng với chúng tôi. Mẹ Jamie nói với chúng tôi rằng, cậu trở nên bình tĩnh hơn nhiều sau thời gian ở cùng với chúng tôi.
• Kaitlin đã khóc suốt cả ngày đầu tiên ở cùng chúng tôi. Cô bé cào cấu chúng tôi và không muốn tham gia theo bất kỳ cách nào. Hai ngày sau đó, cô bé không những ngừng khóc, mà còn nắm chặt lấy tay chúng tôi suốt thời gian ở cùng. Lúc thì Kaitlin cùng hát với chúng tôi, lúc lại ngân nga hát vui vẻ một mình.
• Vào ngày đầu tiên, Bianca hay leo lên hết chỗ này đến chỗ kia và cố kéo tóc các bạn khác và đẩy ra. Cô bé chạy trốn khỏi chúng tôi và sau đó dò xét phản ứng. Đến ngày thứ ba, Bianca chủ động đến với chúng tôi và cùng ăn mừng. Cuối cùng, cô bé đã dễ dàng chịu làm theo sự hướng dẫn của chúng tôi (con ăn trưa; hết giờ, mình đổi lượt chơi, v.v). Cô bé trở nên vô cùng đáng yêu và ngọt ngào, cô bé quan sát các bạn khác, liếc nhìn tóc của bạn, và sau đó không còn cố kéo tóc bạn nữa. Vào ngày chơi cuối cùng, cô bé bước vào phòng, bình tĩnh xem mẹ mình nói chuyện với một thành viên hướng dẫn trong nhóm của chúng tôi, chờ đợi cho đến khi mẹ trao đổi xong, nắm lấy tay người hướng dẫn và sau đó cùng đi vào phòng với cô ấy.
• Cha mẹ Kahanu nói với chúng tôi rằng, bé đã khóc ít đi đáng kể sau thời gian ở cùng với chúng tôi tại hội nghị.
• Theo như chúng tôi được kể thì Daniel có “vấn đề về sự chia cách”. Cậu bé chưa bao từng đi nhà trẻ hay tới trường mà không khóc, bùng nổ và trở nên hung dữ. Mẹ cậu từng phải giữ cậu lại để cậu không mất kiểm soát đối với các giáo viên và người giữ trẻ do không muốn bị tách ra khỏi mẹ. Thật vậy, Daniel khóc nhiều vô cùng trong ngày đầu tiên ở cùng chúng tôi. Vào ngày thứ hai (và mỗi ngày sau đó), Daniel đã đẩy cha mẹ ra cửa, và nói: “Tạm biệt””. Vào cuối mỗi ngày, cậu bé không muốn rời đi. Trong suốt thời gian của ngày chơi, Daniel thường cười vui và tham gia cùng với những đứa trẻ khác, thỉnh thoảng xen vào câu: “Daniel không sao, Daniel ổn mà”.
• Vào cuối ngày, cha mẹ của Zach đến đón và đưa cậu bé đi “chiêu đãi” đặc biệt – một chuyến đi đến các bảo tàng mà họ đã rất mong chờ từ trước tới giờ. Zach mắc tự kỷ chức năng cao, giải thích với cha mẹ rằng, con không muốn đi nữa – cậu bé muốn ở lại với chúng tôi. Sau đó, cha mẹ cuối cùng cũng thuyết phục được Zach, lúc chuẩn bị đi cậu bé vẫn tiếp tục nói với cha mẹ rằng: “Nhưng con có thể quay lại đây không hả mẹ? Khi nào thì con có thể quay trở lại?”
• Một phụ huynh đến gặp tôi tại gian hàng hội nghị và nói: “Sau khi được ở với các bạn, con trai tôi hoàn toàn khác với trước kia khi đi học từ trường về. Tôi không biết là liệu mình có nên để con quay lại trường nữa hay không”.
• Và nhiều sự thay đổi lớn nhỏ khác như một cậu bé con đã nói: “Con yêu cô” với chúng tôi, ngôn ngữ của bé đã tăng lên, hay một cậu bé lần đầu tiên ngồi thật tự nhiên trên đùi mẹ. Các bậc phụ huynh còn kể với chúng tôi rằng, con họ bỗng nhiên bình tĩnh hơn và hạnh phúc hơn. Với các bạn nhỏ đã có khả năng ngôn ngữ thì chúng tôi cùng ngồi nói chuyện về một ngày của con thế nào cho đến tận tối khuya.
Chú ý rằng: đây thậm chí chưa phải là toàn bộ The Son-Rise Program®. Đây chỉ mới là phần thái độ theo chương trình.
Thái độ của chúng ta xác định việc trẻ tự kỷ có thể đạt tới được những tầm cao mới hay không
Tôi biết được rằng, vẫn có ở đó các rào cản, những bức tường của sự nghi ngờ và phủ nhận mà bạn, một phụ huynh, đang phải hàng ngày đối mặt từ những người xung quanh về con. Tôi cũng nhận thức được việc vô số các thông điệp bi quan được truyền tải đến bạn theo hàng ngàn cách khác nhau, ngầm ý hoặc thẳng thừng. Và tôi cũng cảm nhận một cách sâu sắc về con sóng ngầm của áp lực xã hội, mà bạn có thể đang phải trải qua khi người khác muốn bạn “hãy thực tế” về con. Và rồi đâu đó bạn lại gán những điều này cho mình cũng là điều dễ hiểu.
Đó là lý do tại sao nó vô cùng quan trọng cho cả bạn và tôi cùng dành thời gian nhìn vào khía cạnh rằng, thái độ sẽ ảnh hưởng đến cách chúng ta đối xử thế nào với trẻ – và điều này ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ ra sao. Đây chắc chắn không phải là bản cáo trạng về chúng ta, để xem những ai đang đấu tranh với cảm giác tức giận, thất vọng, sợ hãi, buồn rầu, bi quan hay tuyệt vọng – và những ai tin tưởng vào các rào cản của vô số các tiên lượng thế này thế kia về con mình.
Ngược lại, đây là cơ hội để chúng ta sử dụng kiến thức này làm thay đổi quỹ đạo của con em mình.
Việc tin tưởng con có khả năng đạt được những điều mà hiện tại vẫn chưa đạt, là điều kiện tiên quyết để bạn có được những bước nhảy vọt xảy ra với con. Nếu chúng ta không tin con có khả năng trong những điều này, thì một số trở ngại từ chính chúng ta sẽ xuất hiện.
• Chúng ta sẽ thôi không khuyến khích để trẻ đạt được các kỹ năng mới – chắc chắn sẽ không phải với sự chân thành hay niềm đam mê thực sự.
• Chúng ta sẽ không có đủ kiên trì để tiếp tục nỗ lực tiếp cận trẻ hết lần này đến lần khác, mà điều đó, đối với nhiều trẻ tự kỷ, là cần thiết để đạt đến cấp độ tiếp theo.
• Trong nhiều cách mà chúng ta giao tiếp với trẻ, chúng ta sẽ vô tình truyền đi thông điệp rằng, chúng ta không tin trẻ có thể làm được điều đó; chính điều này sẽ thôi không khuyến khích trẻ tiếp tục cố gắng nữa.
• Chúng ta sẽ không nhìn thấy hoặc nhận ra khi trẻ thực sự bắt đầu gần chạm được đến mục tiêu, nên ngầm phá hỏng đi những nỗ lực đó của trẻ.
Bạn có thể vẫn còn nhớ cuộc thảo luận tôi từng nhắc đến ở Chương 7, trong đó tôi kể lại một hiện tượng mà chúng tôi nhìn thấy nhiều lần tại The Son-Rise Program Intensive (Nhắc lại đây là chương trình mà cha mẹ sẽ tham gia cùng với con mình). Đã có những lần, trong khi cùng ngồi xem một phiên chơi của chúng tôi với con họ, đứa trẻ đã nói lần đầu tiên trong đời, trong khi các bậc cha mẹ đã không thể nhìn thấy cũng như nghe thấy sự kiện trọng đại này. Những bậc cha mẹ này đã được nói rất nhiều lần rằng, con cái họ không thể nói được đâu, và họ chấp nhận chẩn đoán đó. Vì thế, họ vẫn không thể nghe thấy cả khi con họ đã nói, tức biểu hiện trái ngược với “thực tế” rằng sẽ không thể nói. Đã có những trường hợp mà chúng tôi phải phát lại đoạn băng video ghi cảnh một đứa trẻ nói nhiều lần trước khi cha mẹ có thể nhận ra và nghe thấy. Mặc dù điều này nghe có vẻ cực đoan, nhưng các phiên bản nhỏ hơn của hiện tượng này vẫn luôn thường xảy ra khi chúng ta quyết định trước những gì con chúng ta không thể làm được.
Mọi điều chúng ta làm cùng với con của mình được xác định từ chính thái độ của chúng ta. Hãy cùng nhìn lại thông qua các kỹ thuật của The Son-Rise Program® trong ví dụ dưới đây:
Trong hoạt động hòa mình, ít nhất là trong cách làm đúng (và hiệu quả), thái độ chấp nhận không phán xét và thật lòng quan tâm đến thế giới bên trong của trẻ là vô cùng quan trọng. Ví dụ, khi bạn đang xếp các xe ô tô đồ chơi thành hàng cùng với con mình. Nếu bạn chỉ đơn giản là sao chép hành động của con, bạn sẽ chỉ nhận thấy hoạt động hòa mình có rất ít hiệu quả.
Thay vì như vậy, hãy hình dung, khi bạn chơi xếp các xe đồ chơi thành một hàng, bạn đang cảm thấy một cảm giác của sự chấp nhận không phán xét về những gì con đang làm, thực sự tò mò muốn tìm hiểu về thế giới của con, và ăn mừng nét độc đáo cũng như khả năng tự chăm sóc bản thân của con. Bây giờ hoạt động tham gia của bạn đã thấm nhuần và trở nên hiệu quả. Tự bản thân bạn cũng đang có một thời gian vui vẻ, và bạn đang truyền đi tình yêu thương và sự ấm áp đến với con, và cho con thấy bạn là một phần an toàn và không thể thiếu trong thế giới của con.
Nguyên tắc động lực có nguồn gốc từ sự hào hứng thực sự về những điều mà bọn trẻ quan tâm. Để tận dụng được những động lực của trẻ, đầu tiên chúng ta cần phải thực sự quan tâm xem những động lực này là gì. Sau đó, chúng ta tham gia vào các trò chơi được xây dựng xung quanh một trong số các động lực của trẻ (ví dụ như “tàu ngầm”), và để trò chơi đó có thể lôi kéo trẻ cùng tham gia với chúng ta thì phải được tổ chức một cách tràn đầy nhiệt huyết.
Chúng ta chỉ có thể sử dụng việc ăn mừng một cách có hiệu quả, nếu chúng ta cảm thấy biết ơn chân thành và thích thú đối với điều gì đó mà con vừa thực hiện. Nếu không, nó chỉ đơn giản là một lời khen ngợi vẹt, và sẽ chẳng có chút giá trị nào với con cả. (Nghĩa là, con sẽ không thấy được khuyến khích muốn làm nhiều hơn nữa những gì chúng ta vừa ăn mừng, mà như thế là phản tác dụng). Chúng ta cần yếu tố 3E để làm nó trở nên hiệu quả. Ngoài ra, chúng ta thậm chí sẽ không nhận thấy điều cần ăn mừng, nếu không tập trung và không cảm thấy biết ơn đối với những điều tuyệt vời mà con cái đang làm.
Khi đối phó với cơn giận dữ và những hành vi thách thức khác, hãy suy nghĩ về điều này: Làm thế nào chúng ta không bị kích động, khi con đang có các hành vi thách thức? Khi con cào cấu chúng ta và chúng ta ngay lập tức bùng cháy (cụ thể là, chúng ta cau mày, la mắng, lớn tiếng, nhìn vô cùng kích động), điều này là do thái độ của chúng ta – trong trường hợp này, đó là tức giận, thất vọng hoặc sợ hãi. Điều này xảy ra phải vì chúng ta quên áp dụng các kỹ thuật trong The Son-Rise Program® ở đây (như giữ bình tĩnh, không phản ứng và giả ngốc), mà chính thái độ của chúng ta khiến chúng ta không thể làm theo những điều đó.
Bạn có thể đọc cuốn sách này và ghi nhớ tất cả các kỹ thuật trong đó, nhưng khi bạn cảm thấy bị dao động hay buồn bã, bạn sẽ không thể thực hiện hiệu quả các nguyên tắc mà bạn đã “khắc cốt ghi tâm” trong đầu mình. Thái độ của chúng ta ảnh hưởng đến tất cả mọi thứ chúng ta làm. Chúng ta không thể tham gia hòa mình với tất cả tình yêu và sự hiếu kỳ khi chúng ta cảm thấy buồn. Chúng ta không thể ăn mừng với lòng biết ơn và sự phấn khích khi chúng ta cảm thấy bực dọc. Chúng ta không thể cảm thấy thoải mái và giúp đứa trẻ đang khóc, hay đang cào cấu tìm ra một cách khác để giao tiếp, khi trong chúng ta cảm thấy tức giận.
Nó không có nghĩa là bạn phải hoàn hảo và không bao giờ được phép buồn bã đối với con. Chỉ là, một khi bạn ưu tiên thái độ của bạn và bắt đầu thay đổi cách bạn tiếp cận, thậm chí trong một số tình huống và thách thức hàng ngày bạn phải đối mặt với con, thì bạn đang mở đường cho những thay đổi to tướng xảy ra trong cách trẻ kết nối với bạn. Mỗi lần bạn đối mặt bằng một tình huống hay một hành vi và bạn tiếp cận nó với thái độ của The Son-Rise Program®, là một lần bạn tối đa hóa sức mạnh của bản thân trong việc giúp con.
Bạn vốn dĩ đã yêu thương con bạn hơn bất cứ điều gì. Bây giờ bạn có thể bày tỏ tình yêu của bạn theo cách mà con có thể cảm nhận được tốt nhất.
Thái độ sẽ quyết định việc chúng ta có giữ được động lực xuyên suốt hay không
Điều này không có gì mới đối với bạn, nhưng nó như một lời nhắc nhở để chúng ta không được quên. Nếu bạn đang căng thẳng, kiệt quệ, thất vọng, có chút gì bối rối, hoặc nói một cách khác là khi bạn thấy nản lòng, chán nản hay mất tinh thần, bạn sẽ không thể gắn bó với những gì bạn đang làm. Điều này đúng nếu bạn đang thực hiện The Son-Rise Program®, nhưng cũng đúng nếu bạn đang thực hiện bất kì một chương trình nào. Để thành công, bạn phải duy trì chương trình của bạn (bất kì chương trình đó là gì) được xuyên suốt. Bạn sẽ không thể làm được điều này, trừ khi bạn có thể giữ bản thân luôn ở trạng thái năng động, lạc quan, tự tin và sáng suốt.
Đã bao giờ bạn dành thời gian ở nhà cùng với con, và nhận thấy mình có thể chơi với con, nhưng chợt nhớ ra: “Ôi quên, phải đi giặt đồ, còn cả núi đồ chưa giặt”? Bạn có bao giờ nhìn thấy con đang có những hành động “tự kỷ”, và thay vì dành thời gian cho con, thì bạn để con ngồi xem ti vi chưa?
Nếu bạn từng làm như vậy thì cũng không sao cả. Hầu hết các bậc phụ huynh mà tôi từng làm việc cũng gặp những vấn đề như thế. Nhiều bậc phụ huynh gặp khó khăn trong việc có được khoảng thời gian vui vẻ thoải mái cùng với con mắc chứng tự kỷ, nên ảnh hưởng đến số lượng thời gian mà họ dành ra cho con, cũng như thời gian thật sự cần thiết để The Son-Rise Program® có được hiệu quả.
Khi bạn cảm thấy thoải mái với con, bạn sẽ dành nhiều thời gian với con hơn – bạn làm điều đó không phải vì bạn phải làm mà là bạn muốn làm. Khi bạn có niềm tin thực sự về những gì bạn đang làm, bạn sẽ có thể theo sát nó. Khi bạn cảm thấy thoải mái một cách thường xuyên, bạn sẽ không cảm thấy kiệt sức, và do đó bạn sẽ có nhiều năng lượng để cung cấp cho con hơn. Khi bạn cảm thấy tự tin vào việc mình có đủ lực để giúp con, bạn sẽ duy trì được động lực và hành động một cách nhất quán xuyên suốt theo thời gian, và điều này là yếu tố quan trọng để các nguyên tắc của The Son-Rise Program® có thể phát huy tính hiệu quả.
Một trong những lý do tại sao chúng tôi dành rất nhiều thời gian trong The Start-Up Program và các chương trình nâng cao để làm việc với các bậc phụ huynh về vấn đề nuôi dưỡng một thái độ thoải mái, tự tin, nhẹ nhõm và hy vọng, chính là vì tất cả đều trở nên vô nghĩa nếu bạn không đạt được điều này.
Lý do bên lề: Mối quan hệ cá nhân của bạn
Đối với hầu hết chúng ta, chỉ riêng việc cân bằng mọi thứ trong cuộc sống hôn nhân hay trong một mối quan hệ lâu dài cũng có thể đã là đủ khó. Các cặp đôi khi nuôi dạy một đứa trẻ – bất cứ đứa trẻ nào cũng vậy – có thể cảm thấy cuộc sống giống như một thách thức thật sự. Đó là trước khi chúng ta có một đứa con tự kỷ.
Khi chúng ta có một đứa con mắc hội chứng tự kỷ, điều này dường như là một thử thách quá lớn mà trước giờ chúng ta chưa một lần tưởng tượng sẽ đối mặt. Con chúng ta khác biệt. Bé thể hiện những hành vi mà đôi khi làm cho những người xung quanh cảm thấy khó chịu hoặc khiến họ thấy ngại. Những sinh hoạt hàng ngày đơn giản nhất như ăn uống hoặc tắm rửa cũng gặp đầy khó khăn. Những dự đoán chẳng hay ho chút nào cứ mỗi ngày ngấm ngầm gửi đến chúng ta. Những ước mơ cơ bản nhất mà bạn và những người thân đã từng nghĩ đến về con sau này cũng dường như tiêu tan. Bạn phải lựa chọn từ một danh sách khó hiểu của phương pháp điều trị, hoặc cũng có khi người ta cho bạn chỉ một lựa chọn duy nhất và bảo với bạn rằng, đây là cách tốt nhất rồi. Có những lúc chúng ta cảm thấy căng thẳng mệt mỏi tới mức muốn nổ tung. Đối với nhiều người, nhiều cặp vợ chồng, tự kỷ lại có thể đẩy mối quan hệ tới bờ vực đổ vỡ.
Nếu có điều gì mà bạn có thể làm để giữ các mối quan hệ được thắt chặt và bền vững trước hội chứng tự kỷ, thì bạn có muốn biết về nó không? Nếu bạn vẫn còn tự hỏi, liệu thực sự thái độ có phải là yếu tố quan trọng trong một mối quan hệ hằng ngày không, hãy tự hỏi mình điều này. Bạn đã bao giờ nhận thấy:
• Bạn trông khác đi thế nào trong mắt người bạn đời khi căng thẳng về những vấn đề của con?
• Bạn cảm thấy sao khi người bạn đời nói với bạn những điều làm bạn cảm thấy họ không tôn trọng bạn?
• Bạn sẽ trở nên khó gần như thế nào đối với người bạn đời khi mà bạn đang cứ phải tự trách móc bản thân mình?
Những trải nghiệm này tất cả là về thái độ. Nếu bạn có cách để thay đổi thái độ của mình, thì những trải nghiệm này cũng sẽ thay đổi.
Tôi (và các giáo viên khác tại ATCA) đã có rất nhiều buổi tư vấn với các bậc phụ huynh. Đây là một trong những khía cạnh khiến tôi hài lòng nhất trong công việc của mình. Một trong những biến chuyển tuyệt vời nhất mà tôi chứng kiến tại ATCA là, nhìn thấy các cặp vợ chồng trên bờ vực đổ vỡ đã học được cách biến hội chứng tự kỷ của con em mình thành động lực để hai người trở nên gắn bó với nhau hơn và cùng nhau nuôi dưỡng một mối quan hệ quan tâm, trung thực và yêu thương.
Đối với một số người, điều này nghe có vẻ lí tưởng giống như một giấc mơ, nhưng sự thật nó không vượt quá khả năng đạt được của chúng ta. Cách duy nhất để làm thay đổi mọi chuyện, dù sao đi nữa, cũng phải là bắt đầu từ thái độ. Bạn đã biết rằng thái độ của bạn (bình tĩnh hay thất vọng, vui vẻ hay khó chịu, chấp nhận hay phê phán) sẽ ảnh hưởng như thế nào đến mọi khía cạnh trong mối quan hệ với con. Tương tự, thái độ mà bạn và người bạn đời dành cho cho nhau cũng sẽ ảnh hưởng đến mọi mặt trong mối quan hệ của cả hai.
Ngay cả khi bạn đọc điều này, bạn có thể suy nghĩ rằng nghe lí tưởng quá, nhưng quan trọng là làm như thế nào thì chưa thấy. Điều này công bằng. Chúng ta vẫn chưa thảo luận về phần thay đổi thái độ như thế nào, nhưng chúng ta sắp nói đến nó. Chương này sẽ cung cấp cho bạn một số công cụ đơn giản, bạn có thể đưa vào sử dụng ngay lập tức – với con bạn và cả với người bạn đời.
Nhưng, trước tiên, bạn phải thông qua ý tưởng rằng, nếu có cách để cho bạn (và người bạn đời) đối mặt với những tình huống của con cùng với nhau một cách thoải mái hơn, rõ ràng hơn và yêu thương hơn và điều đó hoàn toàn có lợi cho bạn nếu bạn làm như vậy. Vậy câu trả lời của bạn sẽ là gì? Bạn có sẵn sàng ưu tiên cho thái độ không?
Yếu tố thái độ trong The Son-Rise Program® sẽ bao gồm những gì
Thái độ trong The Son-Rise Program® có thể được tóm tắt như sau: Trân quý và không phán xét cho dù hôm nay con đang ở đâu – trong khi tin rằng con có thể vươn tới bất kỳ mục tiêu nào vào ngày mai. Tất nhiên, ý nghĩa của nó đi xa hơn thế này, nhưng chúng ta hãy tạm sử dụng hai nửa của khái niệm này như điểm bứt phá.
“Trân quý và không phán xét cho dù hôm nay con đang ở đâu” mang một ý nghĩa sâu sắc. Nó vượt xa cả ý thông thường mà tất cả chúng ta vẫn hiểu là yêu thương con. Nó có nghĩa là yêu thương tất cả mọi thứ thuộc về con, yêu cả phần tự kỷ nhất bên trong con. Nó đồng nghĩa bạn yêu phần tự kỷ trong con theo cách bạn yêu đôi mắt nâu, mái tóc xoăn, nụ cười ngọt ngào, hoặc bất kỳ khía cạnh nào khác của con. Nó có nghĩa là bạn nhìn hành động xé giấy của con và bạn yêu luôn cả hành động ấy. Nó có nghĩa là không dán nhãn bất kỳ hành vi nào của con là xấu, là sai, hoặc thậm chí không là thích hợp, mà chúng ta cần phải hiểu rằng, ngay bây giờ, con đang làm điều tốt nhất mà con có thể.
Thành phần thiết yếu này của thái độ trong The Son-Rise Program® chính là nền tảng cho việc xây dựng các mối quan hệ giữa bạn và con. Chúng ta sử dụng từ “không phán xét”, nhưng chúng ta cũng nên có thêm các từ như “chào đón”, “yêu thương”, “chấp nhận”, “chăm sóc”, “thoải mái”, “tò mò” và “hài lòng”. Bạn sẽ muốn có được một thái độ của tình yêu thương chân thành đối với mọi khía cạnh ở con, đặc biệt là cả những điều làm nên sự khác biệt của con.
Bạn có thể nhớ lại, trong chương đầu tiên của cuốn sách này, tôi có trích dẫn một ý từ cuốn sách của cha tôi: Bản thân cha mẹ tôi đã tự hỏi khi nhận được chẩn đoán về tôi và những dự đoán u ám đi kèm rằng: “Liệu ta có thể hôn lên mảnh đất mà kẻ khác đã nguyền rủa chăng?”
Đó là những gì yếu tố thái độ của The Son-Rise Program® muốn nói đến. Người khác có thể gọi tình trạng của con bạn là một bi kịch. Bạn không cần phải như thế. Mọi người có thể nhìn con với cặp mắt không hài lòng. Bạn lại trao cho con ánh nhìn ngập tràn tình yêu thương. Bạn có thể yêu thương chính điều mà người khác nguyền rủa.
“Tin vào con có thể vươn tới bất cứ mục tiêu nào trong tương lai” cũng rất quan trọng. Chúng ta sẽ thể hiện phần thái độ này bằng sự lạc quan, niềm hi vọng, những dự đoán tích cực, sự phấn khích, và tất nhiên là cả sự vui vẻ hóm hỉnh. Điều này có nghĩa là chúng ta đang tập trung nhìn vào khả năng của con hơn là sự thiếu hụt. Mọi người (thường là với ý tốt) sẽ cố gắng hết sức mình để thuyết phục bạn là “hãy thực tế đi”. Họ sẽ buộc bạn phải “chấp nhận” với những gì con bạn không thể làm được.
Khi đối mặt với những cách nhìn bi quan như vậy, thì quan trọng hơn hết là bạn hãy cứ giữ thái độ không thực tế. Điều này có nghĩa là hãy nuôi dưỡng một niềm tin vào những gì con có thể làm – không bị cản trở bởi các hạn chế, bi quan, sự ngột ngạt của thực tế mà những người khác tán thành. Sau cùng bạn chính là một phụ huynh. Tình yêu của bạn dành cho con là có một không hai, kinh nghiệm của bạn là trên hết, và sự cam kết lâu dài của bạn là không có gì có thể sánh được. Bạn không cần phải bào chữa hay giải thích cho niềm tin của bạn dành cho con khi không ai làm như thế. Bạn cũng không cần phải cảm thấy xấu hổ về những gì bạn có thể nhìn thấy mà người khác lại không.
Mảnh ghép quan trọng về Thái Độ này trong The Son-Rise Program® cho con bạn có được các cơ hội để đạt đến tầm cao mới. (Nó không phải là một sự bảo lãnh, nhưng lại mở ra nhiều cánh cửa đang đóng kín!) Nó cho phép bạn nhìn một đứa trẻ chưa nói và thấy: “Hiện tại thằng bé chưa có khả năng ngôn ngữ thôi, nhưng con hoàn toàn có thể có được điều này”. Nó cho phép bạn biết những gì con đã đạt được (hoặc chưa đạt) cho đến hiện tại, sẽ không dự báo hay mặc định giới hạn nào về những gì con có thể đạt đến trong tương lai cả.
Thái độ của bạn đến từ đâu và làm sao để thay đổi nó
Tôi có thể hiểu được rằng, lúc đầu, bạn sẽ cảm thấy nó có vẻ hơi khó với tới khi đọc về tầm quan trọng của việc nuôi dưỡng một thái độ tích cực, trong khi trải nghiệm hàng ngày của bạn, thái độ đó dường như rất xa vời. Bạn có thể cảm thấy như thể các sự kiện xảy ra trong suốt cả ngày của bạn, và bạn chỉ đơn giản là phản ứng với chúng theo hướng tốt nhất mà bạn có thể. Một số sự việc xảy ra làm cho một ngày của bạn tươi sáng, trong khi cũng lại có những ngày xuất hiện nhiều thách thức khác nhau và làm bạn cảm thấy khó chịu. Và khi bạn gặp một biến cố thực sự lớn, chẳng hạn như khi con được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ, chắc chắn có thể bạn sẽ cảm thấy như thể đây chính là điều mang đến nỗi bất hạnh cho bạn.
Đây gần như là mô hình tâm lý chung được mọi người chấp nhận khi cho rằng, các sự kiện và hoàn cảnh bên ngoài quyết định việc chúng ta sẽ cảm thấy như thế nào (hạnh phúc, buồn, vui, sợ hãi, hài lòng hay tức giận). Con cái chúng ta xé rách các trang của một cuốn sách làm cho chúng ta cảm thấy buồn bã. Cơn bùng nổ của con làm chúng ta cảm thấy bực mình. Một bác sĩ nói với chúng ta rằng, tình hình con cái chỉ có thể cải thiện được rất ít thôi, điều đó làm chúng ta cảm thấy bị tuyệt vọng. Ở một thái cực khác, việc con biết nói từ đầu tiên làm chúng ta cảm thấy tuyệt vời. Một giáo viên nói với chúng ta rằng, con đang có được tiến bộ làm chúng ta cảm thấy tự hào và hy vọng.
Tuy nhiên có hai vấn đề với cách suy nghĩ này. Đầu tiên là nó không lô-gic: Chúng ta giải thích như thế nào về việc hai người có hai phản ứng hoàn toàn khác nhau trước cùng một sự kiện giống nhau? Nếu các sự kiện và tình huống này thực sự làm chúng ta có cùng cảm nhận như nhau đi nữa, thì sau đó liệu mỗi người chúng ta sẽ phản ứng như nhau hết cả không? Làm sao để chúng ta có thể lí giải việc một người cảm thấy sụp đổ hay thấy bản thân mất giá trị khi họ bị sa thải, còn người kia nhún vai, tiếp nhận điều đó một cách nhẹ nhàng – hoặc thậm chí anh ta cảm thấy lạc quan và nghĩ mình sẽ tìm được một cơ hội đầy triển vọng khác? Vì sao có người trúng số nói đây là điều tuyệt vời nhất từng xảy ra với họ, lại có người cho rằng trúng số là điều tồi tệ nhất mới phải?
Trong khi mỗi người chúng ta có cách phản ứng khác nhau đối với các tình huống xảy ra – thì bản thân chúng ta cũng phản ứng khác nhau đối với cùng một tình huống mỗi ngày mỗi khác, thì hẳn phải có cái gì khác ngoài những sự kiện xảy ra, đã chi phối cảm giác của chúng ta.
Điều thứ hai là có một thực tế rằng: Cách suy nghĩ này làm chúng ta trở thành những nạn nhân. Chúng ta không tự quyết định cảm thấy như thế nào mà là các sự kiện bên ngoài chúng ta quyết định. Giá như con tôi giao tiếp nhiều hơn, tiến bộ nhanh hơn, không phải tự kỷ, không hành xử như vậy, v.v, thì có thể tôi sẽ cảm thấy tốt (thoải mái, thư giãn, hy vọng, v.v).
Nhưng cho dù nền văn hóa có ủng hộ cho mô hình này đi nữa, thì việc bạn cảm thấy tiêu cực như thế nào đi chăng nữa: túng quẫn, buồn bã, sợ hãi, tức giận, thất vọng, chán nản hoặc về những thách thức từ con, thì cũng không có ai trên trái đất này phải gánh trách nhiệm cho những cảm giác đó của bạn đâu. Do đó bạn phải là người đối mặt với nó. Nhiều người trong chúng ta cảm thấy như đang bị mắc kẹt trong một trận chiến không ngừng nghỉ, mong muốn con mình cư xử theo một cách nhất định nào đó hoặc đạt các tiêu chuẩn cụ thể chỉ để chúng ta có thể ngủ ngon giấc vào ban đêm. Tôi có thể hiểu điều đó. Chúng ta muốn trở thành những bậc cha mẹ tốt. Và chúng ta mong muốn con cái có được một cuộc sống trọn vẹn.
Vấn đề ở chỗ là khi chúng ta muốn con cái nhất thiết phải như thế này hay như thế kia, thì sẽ chỉ làm cho chúng ta đau khổ hơn mà thôi. Và điều này cản trở chúng ta giúp đỡ con rất nhiều. Tại sao vậy? Bởi như chúng ta đã nói trước đó, khi chúng ta cư xử khác nhau – thì trẻ sẽ có cách phản ứng lại với chúng ta khác nhau – và điều đó hoàn toàn tùy thuộc vào thái độ của chúng ta. Trên thực tế, nếu chúng ta muốn con cái nhất thiết phải cư xử theo một cách nhất định nào đó hay tiến bộ trong một số mặt cụ thể để chúng ta cảm thấy mọi thứ ổn, thì con sẽ trải nghiệm được nhu cầu này như một sự thúc ép. Và chắc hẳn một điều mà bạn đã biết về con là, khi con cảm thấy bị ép buộc, con sẽ phản kháng lại.
Vì vậy, giải thoát mình ra khỏi nhà tù này là điều tốt nhất chúng ta có thể làm cho chính chúng ta và con em mình. Câu hỏi đặt ra là, làm thế nào?
Mảnh ghép còn thiếu: Niềm tin
Trên thực tế, không phải các sự kiện và hoàn cảnh quyết định cách chúng ta cảm nhận mọi việc như thế nào. Thay vào đó, chính là niềm tin của chúng ta.
Chính xác thì niềm tin mà tôi đang nói tới ở đây là gì?
Tôi thích nghĩ về niềm tin như một cái kính mát nhiều màu. Bạn có thể mang một cái kính màu vàng, rồi tất cả mọi thứ bạn nhìn thấy nó có màu vàng. Tôi có thể mang cái kính màu xanh lá cây. Một người nào khác có thể đeo kính có màu xanh dương. Tất cả chúng ta có thể khẳng định rằng màu sắc mà chúng ta nhìn thấy là màu “thực” của sự vật, nhưng trên thực tế, tất cả chúng ta chỉ nhìn qua ống kính của riêng mình mà thôi.
Bởi vì bộ não của con người hoạt động như một cái máy tạo niềm tin, chúng ta không bao giờ có thể tháo bỏ kính mát của chúng ta ra hoàn toàn. Chúng ta luôn tin vào một điều gì đó. Tuy nhiên, những gì chúng ta có thể làm, là thay đổi màu kính mà chúng ta đang đeo (theo nghĩa bóng nhé) – sao cho phù hợp với chúng ta nhất có thể. Nếu tôi cảm thấy rằng lăng kính màu xanh lá cây của tôi không phục vụ cho tôi (nó làm tôi cảm thấy mình bất hạnh hay mình thật vô tích sự), thì tôi có thể đổi chúng thành kính màu xanh dương. Nếu lăng kính mới này vẫn không hiệu quả hơn với tôi, tôi có thể thay thế chúng bằng kính màu đỏ. Tầm nhìn của tôi vẫn sẽ luôn luôn đa sắc màu trong cách tôi nhìn sự việc thông qua các màu kính của tôi (niềm tin), nhưng tôi phải là người chọn xem mình muốn nhìn theo màu gì. Màu đỏ của hoa hồng hay màu nâu của bùn đất?
Vì vậy, niềm tin chính là kết luận mà chúng ta rút ra từ chính bản thân, từ những người khác, từ thế giới xung quanh và các sự kiện đang diễn ra để có thể hiểu được môi trường xung quanh mình và để tự chăm sóc cho bản thân mình. Trong mỗi tình huống cụ thể, chúng ta giữ một niềm tin và nó có tác dụng giống như một màu kính, mà qua đó chúng ta thấy được về tình huống đang xảy ra. Niềm tin là những quan điểm, ý kiến, nhận thức, những thành kiến, những định kiến, nhằm cung cấp cho chúng ta sườn nội dung để tham khảo và hiểu được điều gì đang xảy ra.
Dưới đây là một số ví dụ về niềm tin.
• Con tôi sẽ không bao giờ thay đổi.
• Tôi đã làm gì đó sai nên con tôi mới mắc chứng tự kỷ.
• Nếu tôi ưu tiên bản thân và những điều mình muốn quá nhiều thì chính tôi đang trở nên ích kỷ đối với con.
• Con tôi không có khả năng để làm những việc đó (Ví dụ như: nói chuyện, kết bạn, v.v).
Thay vào đó, chúng ta có thể tin vào điều sau:
• Con tôi có khả năng tiến bộ và phát triển mạnh mẽ.
• Tôi không làm điều gì “sai” khiến cho con tôi gặp phải những thách thức như bây giờ cả, nhưng tôi có thể là một phần giải pháp cho con.
• Nếu có thời gian dành cho bản thân và cho những gì mình muốn thì điều này sẽ giúp tôi phục hồi, khỏe hơn, và tập trung được tốt hơn vào việc giúp cho con.
• Con tôi hoàn toàn có thể làm được những điều đó, hiện tại con chưa làm thôi.
Những niềm tin chúng ta nắm giữ trong đầu sẽ quyết định mọi cảm xúc mà chúng ta có, từ niềm vui cho đến sự tức giận, từ sự hài lòng đến cảm giác sợ hãi. Nó hoạt động như thế này:
• Một sự kiện xảy ra trong cuộc sống của chúng ta (chúng ta được thông báo rằng: “Con bị mắc hội chứng tự kỷ”).
• Chúng ta xử lí thông tin này dựa trên niềm tin mà chúng ta có về nó (kiểu như: con tôi sẽ phải đối mặt với một cuộc đời đầy đau khổ với các khiếm khuyết của mình và đó là lỗi của tôi, v.v).
• Chúng ta cảm nhận những cảm xúc, vốn được sinh ra từ những niềm tin đó (buồn bã, sợ hãi, tức giận, v.v).
Dưới đây là một số ví dụ khác về niềm tin của chúng ta thể hiện trong hành động của mình.
• Một cậu bé tự kỷ đang nằm ngay trên sàn siêu thị và gây ra tiếng ồn ào. Mẹ của cậu cảm thấy xấu hổ khi cô nhìn thấy phản ứng không hài lòng của những người xung quanh. Niềm tin cô ấy đã gây ra sự bối rối cho cô: Có phải mọi người đang phán xét mình không, có nghĩa là mình đang làm một cái gì đó sai với tư cách là một phụ huynh.
• Một người mẹ cảm thấy tự hào và vui mừng khi cô kể về việc con gái cô lặp đi lặp lại việc xếp chồng các khối lên với nhau. Và niềm tin của cô ấy trong tình huống này, đó là: Con gái tôi biết chính xác con phải làm gì để có thể chăm sóc cho bản thân một cách tốt nhất, và tôi có thể sử dụng hành vi này của con như một cách để kết nối với con và hiểu hơn về thế giới của con.
• Một người cha cảm thấy thất vọng khi thấy con trai của ông cứ hai phút lại xem đi xem lại cùng một đĩa DVD. Niềm tin của ông đã thúc đẩy cảm giác thất vọng: Hành vi này có nghĩa là con trai tôi không được bình thường như người ta và không có khả năng thay đổi hay phát triển gì nữa.
• Một cậu bé mắc chứng tự kỷ nói từ đầu tiên, và cha mẹ cậu cảm thấy vui mừng khôn xiết. Niềm tin thúc đẩy cho niềm vui của họ là: Đây là bước đầu tiên để con tôi có thể nói lưu loát. Sẽ có nhiều từ ngữ hơn nữa trong thời gian sắp tới.
• Một người mẹ có đứa con năm tuổi mắc chứng tự kỷ cảm thấy tức giận và buồn khi nhìn thấy những đứa trẻ bình thường khác. Niềm tin gây ra sự tức giận và buồn bã này chính là: Con tôi có thể không bao giờ giống được như những đứa trẻ này. Tự kỷ là điều tồi tệ. Thật không công bằng cho con khi phải gánh chịu nó trong khi những người khác thì không.
Chúng ta tiếp nhận những niềm tin của mình từ đâu?
Rất nhiều niềm tin của chúng ta có được là từ những người xung quanh. Trong cuộc sống, chúng ta bị áp đặt bởi hàng loạt các niềm tin đến từ cha mẹ, giáo viên, bạn bè, người lạ, tin tức, phim ảnh và truyền hình. Phần lớn thời gian, chúng ta được dạy để tin vào những điều như: sự phiền muộn, sợ hãi, bất hạnh và kém hiệu quả. Chúng ta chấp nhận nó và tiếp tục giữ trong đầu những niềm tin này cộng với cả sự bất hạnh mà nó tạo ra, như là một cách để chúng ta tự bảo vệ lấy bản thân. Đôi khi, chúng ta chấp nhận những niềm tin làm cho chúng ta thấy hài lòng, hợp ý mình, nhưng những niềm tin này của chúng ta, thường có xu hướng nghiêng về phía quan điểm “Ôi, không!” hơn là quan điểm “Ôi, đúng!!”. Ví dụ:
• Một đứa trẻ bị chính cha mẹ mình nói là người vô trách nhiệm, nên đã chấp nhận niềm tin này về bản thân mình và tiếp tục giữ nó đến khi trưởng thành.
• Một người chồng chấp nhận niềm tin được áp đặt từ người cha của mình rằng, để là người chống tốt anh ta phải chu cấp được tài chính cho người vợ mới của mình.
• Một học sinh bị giáo viên của mình nói là không giỏi toán. Cậu bé ấy chấp nhận niềm tin đó và cuối cùng giữ nó trong nhiều thập kỷ. (Điều này có thể hoạt động theo hướng ngược lại, cũng như việc: Một người phụ nữ có tuổi bước vào ngưỡng cửa đại học nhờ niềm tin vào lời của người giáo sư dạy viết rằng: cô là một nhà văn giỏi.)
• Một người đàn ông được một tay phóng viên tin tức của đài truyền hình bảo rằng, ứng cử viên yêu thích của ông có rất ít cơ hội chiến thắng trong cuộc bầu cử. Ông ta chấp nhận tin vào điều này và không bỏ phiếu cho ứng cử viên đó.
Trong một số trường hợp, chúng ta phát triển niềm tin của bản thân thông qua chính kinh nghiệm của bản thân. Ví dụ như:
• Một người đàn ông bị cướp trên đường khi đi trong thành phố vào ban đêm kết luận rằng, thành phố là nơi nguy hiểm và cần phải tránh xa.
• Một người đàn ông cao tuổi nhiều lần bị đối xử một cách thờ ơ, dửng dưng bởi những người xung quanh mình, và ông ấy kết luận rằng, tuổi già khiến cho ông ấy trở nên ít quan trọng hơn.
• Một người phụ nữ trung niên, người đã trải qua hai cuộc ly dị có niềm tin rằng, cô không bao giờ có thể tìm thấy tình yêu đích thực.
• Một du khách đến nước Pháp và ông ta ba lần bị hét vào mặt bởi một người Pháp nào đó. Thế là ông có niềm tin rằng người Pháp thật là thô lỗ. (Điều này cũng có thể hoạt động theo hướng ngược lại: Một du khách đến Ý được tiếp đón một cách thân thiện, tốt bụng bởi một số người dân Ý và đã kết luận rằng người Ý là những người rất dễ thương).
Những điều này có liên quan như thế nào đến việc bạn là cha mẹ của một đứa trẻ tự kỷ? Hãy suy nghĩ về việc bạn đã cảm thấy như thế nào khi con bạn lần đầu tiên được chẩn đoán – hoặc khi lần đầu tiên bạn nhận ra rằng có điều gì đó rất khác ở con. Bạn có cảm thấy sợ hãi, tức giận hay buồn bã không? Bạn có cảm thấy như có một quả bóng bowling nặng trịch trong dạ dày bạn hay như có một cánh tay thít chặt quanh cổ họng bạn không?
Đối với hầu hết chúng ta, khi một người nào đó đưa ra một chẩn đoán về con chúng ta lần thứ hai, nó thường luôn đi kèm với một chuỗi các niềm tin về việc chẩn đoán này có ý nghĩa thế nào với con – và với chúng ta. Chúng ta được bảo rằng, con sẽ không thể làm những gì một đứa trẻ khác có thể làm và tự kỷ là một tình trạng suốt đời. Chúng ta được đưa cho vô số các viễn cảnh về cuộc sống của con vào 30 năm sắp tới sẽ như thế nào. Và chúng ta được nói rằng bản thân còn rất nhiều hạn chế khi ở cương vị làm cha làm mẹ, như việc chúng ta thiếu kiến thức đào tạo/giáo dục “phù hợp” hay chúng ta “quá cảm xúc/quan trọng hóa”. Quan trọng nhất là, họ nói với chúng ta những điều này – như thể chúng là sự thật.
Trong nhiều trường hợp, chúng ta chấp nhận những niềm tin như vậy, mà không bao giờ thực sự kiểm tra lại hoặc xem nó như những quan điểm không bắt buộc phải tin. Và ai có thể trách chúng ta được? Chúng ta bị bao quanh bởi cả những người đưa ra và những người tán thành những niềm tin và thành kiến này. Chúng ta bị chìm trong những niềm tin tại một thời điểm khi mà chúng ta chưa được trang bị đầy đủ để có thể nhận thức được rõ ràng điều đó. Con được đưa cho một bản án suốt đời. Chúng ta bị ngập chìm với những lời tuyên bố. Chúng ta cảm thấy một cảm giác tuyệt vọng – chúng ta biết rằng con đang đối mặt với những thách thức khó khăn, nhưng chúng ta không biết phải làm gì để giúp đỡ con.
Trong khi đối mặt với điều này, chúng ta không nhận ra bản thân được quyền quyết định xem có muốn tiếp nhận những niềm tin này, hay có muốn bị giới hạn bởi nó hay là không.
Thời gian trôi qua, chúng ta tiếp nhận thêm nhiều niềm tin hơn (hoặc tự tạo ra chúng dựa trên những gì đã có), mà hầu hết trong số đó là những điều tước đi mất của chúng ta sức mạnh và mang đến những nỗi bất hạnh. Sau đó, khi chúng ta trải nghiệm ngày qua ngày cùng với con, chúng ta phải đối mặt với một loạt các tác nhân tưởng chừng không bao giờ dứt. Con cắn, véo người khác và không nói lời nào. Cả con và chúng ta phải đối mặt với những lời chỉ trích từ những người khác. Con bắt đầu các hành vi lặp đi lặp lại không bình thường. Con không còn đáp lại tình cảm với chúng ta nữa. Con thật cứng nhắc và bắt mọi việc phải được diễn ra theo đúng ý mình.
Nhưng hãy nhớ rằng: Các tác nhân này chỉ có ảnh hưởng khi chúng ta có niềm tin rằng những sự kiện trên thật khủng khiếp. Ví dụ, nếu chúng ta nhìn việc con cắn véo là tạm thời của nỗ lực chân thành nhất từ con, để tự chăm sóc bản thân mình thay vì nhìn theo hướng con sẽ không bao giờ thay đổi hay không bao giờ yêu thương chúng ta, thì chúng ta sẽ cảm thấy rất khác so với những gì chúng ta từng nghĩ.
E rằng bức tranh này có vẻ ảm đạm, chúng ta hãy cùng khám phá những phần quan trọng nhất của toàn bộ phương trình này.
Tin vui: Niềm tin có thể thay đổi
Khi niềm tin có thể cài đặt vào, thì nghĩa là chúng ta cũng có thể tháo gỡ nó ra. Và vì niềm tin của chúng ta cung cấp nhiên liệu cho cảm xúc về một sự kiện, do đó, thay đổi niềm tin là thay đổi hoàn toàn cách mà chúng ta cảm nhận, ngay cả khi không hề có sự thay đổi nào trong bản thân các sự kiện.
Chúng tôi làm việc với nhiều bậc cha mẹ, họ phá bỏ đi những niềm tin bất hạnh của mình về bản thân và về con cái họ, thường chỉ trong năm ngày tại The Start-Up Program. Họ đi từ việc nhìn hội chứng tự kỷ của con như một cơn ác mộng đến việc nhìn thấy được vẻ đẹp sâu sắc nhất trong sự độc đáo của con. Họ chuyển việc nhìn thấy từ bản thân chưa được trang bị đầy đủ sang thật sự đã có tất cả mọi thứ họ cần để thực hiện một tác động sâu sắc và lâu dài lên quỹ đạo của con. Họ thay đổi suy nghĩ là, rất ít khả năng con thay đổi được, để tin rằng, con có khả năng phát triển vô cùng lớn và toàn diện. Những thay đổi này chỉ có thể xảy ra khi niềm tin của chúng ta về chúng thay đổi.
Hiểu được niềm tin có tác động thế nào giúp thay đổi, đưa chúng ta từ vị trí nạn nhân sang vị trí của người cầm lái. Một trong những cách mạnh mẽ nhất để giữ bản thân ở vị trí của người cầm lái đó là, lần sau khi bạn không hài lòng hay khó chịu, hãy tự nói với bản thân điều này: “Tôi cảm thấy khó chịu không phải vì những gì đang xảy ra mà vì điều tôi tin về những gì đang xảy ra”.
Được rồi, vậy nếu niềm tin có thể thay đổi được, thì chúng ta thay đổi chúng như thế nào? Đầu tiên, chúng ta phải khơi mở chúng ra. Và nếu bạn chưa bao giờ làm điều này trước đó, thì nó có thể hơi khó khăn lúc đầu. Đó là lý do tại sao chúng ta dạy cho cha mẹ (và những người khác) sử dụng một quá trình thẩm vấn đặc biệt được gọi là quy trình đối thoại Option Process Dialogue để tìm ra và sau đó thay đổi niềm tin và định kiến còn đang tồn tại ở họ – đặc biệt điều này vô cùng quan trọng khi nói đến việc duy trì thái độ của The Son-Rise Program® để giúp con em mình.
Giải thích toàn bộ quá trình này sẽ mất cả một cuốn sách. (Trên thực tế, có một cuốn sách như vậy. Nếu bạn muốn tìm hiểu các nguyên tắc cơ bản của quy trình đối thoại Option Process Dialogue một cách chi tiết, bạn có thể đọc Những cuộc hội thoại có tác động – PowerDialogues, được viết bởi Barry Neil Kaufman.) Những gì chúng tôi có thể làm ở đây là cung cấp cho bạn một số câu hỏi, mà từ đó bạn sẽ thấy hữu ích khi sử dụng chúng thường xuyên. Tôi sẽ khuyên bạn nên thực hành tự hỏi bản thân những câu hỏi này mỗi khi thấy không hạnh phúc, buồn bã, khó chịu hoặc thất vọng. Điều này có thể bao gồm các vấn đề và các sự kiện không liên quan đến con, bởi khi bạn phát hiện và thay đổi niềm tin, bạn sẽ thấy ngày càng thành thạo hơn và cảm thấy thoải mái, cũng như duy trì được thái độ của The Son-Rise Program® trong những tình huống liên quan đến con.
Được rồi. Bạn sẵng sàng chưa?
Ba câu hỏi bạn tự hỏi bản thân?
1. Niềm tin nào ở tôi (bạn tự nói với chính mình) đang thúc đẩy bản thân cảm thấy những nỗi bất hạnh (thất vọng, sợ hãi, buồn rầu, giận dữ,v.v)?
2. Tại sao tôi lại tin/nói với bản thân điều này?
3. Thay vì vậy, tôi có thể tin vào điều gì khác, và niềm tin đó sẽ có thể giúp tôi hay con tôi như thế nào? (Ngắn gọn là: Làm sao để tôi có thể nhìn tình hình này theo một chiều hướng tốt hơn lên – hoặc ít nhất là mọi việc vẫn ổn cả?)
Đợi đã nào! Xin hãy bình tĩnh! Trước khi bạn bắt đầu sử dụng những câu hỏi này, hãy xem những danh sách sau đây về niềm tin thông thường của các bậc cha mẹ. Nhìn qua chúng một cách cẩn thận sẽ làm mọi việc dễ dàng hơn cho bạn trả lời ba câu hỏi trên. Những danh sách này cũng rất cần thiết để bạn hoàn thành phần “Bắt tay Thực hiện” cực kỳ quan trọng ở phần cuối chương.
Bảy niềm tin quan trọng biến các bậc phụ huynh thành nạn nhân và mang đến cho họ nỗi bất hạnh
1. Bệnh tự kỷ của con tôi là một bi kịch, và tôi không thể nào cảm thấy ổn về nó được.
2. Tình hình hiện tại của con tôi là suốt đời như vậy, không thể thay đổi được. (Những gì con tôi làm trong quá khứ nói cho tôi biết rất nhiều về những khả năng có thể đạt được trong tương lai).
3. Con tôi biết rằng nó không được phép cư xử như vậy. Con bé làm việc này chỉ để khiến tôi phát điên lên.
4. Tôi không thể xử lý được điều này.
5. Tình trạng này sẽ hủy hoại cuộc hôn nhân của tôi.
6. Tôi đau khổ về tình trạng của con, nghĩa là tôi quan tâm và yêu con rất nhiều.
7. Tôi phải được người khác đồng ý, hiểu hoặc hỗ trợ để có thể cảm thấy ổn hơn.
Bảy niềm tin quan trọng tiếp thêm sức mạnh và mang đến hạnh phúc cho các bậc phụ huynh
1. Tôi yêu con và có thể nhìn ngắm cũng như chiêm ngưỡng vẻ đẹp bên trong con chính xác như những gì con có – với tất cả sự khác biệt nơi con.
2. Tiềm năng phát triển của con tôi là vô hạn. (Những gì con tôi có thể hoặc không thể làm được trong quá khứ không nói lên điều gì về con trong tương lai).
3. Con tôi đang hành xử theo cách này vì đó là cách duy nhất con có thể làm để tự chăm sóc bản thân và con đang làm điều tốt nhất có thể.
4. Tôi hoàn toàn có thể xử lí được việc này.
5. Tôi có thể sử dụng thử thách này theo cách có ý nghĩa để cải thiện và làm sâu sắc thêm cuộc hôn nhân của tôi.
6. Sự đau khổ nơi tôi không phải là thước đo cho mức độ quan tâm từ tôi. Tôi có thể thể hiện sự quan tâm thông qua tình yêu và nỗ lực của bản thân.
7. Tôi không cần người khác phải hiểu, đồng ý hay ủng hộ để có thể cảm thấy ổn. Tôi chỉ cần có niềm tin đằng sau những gì tôi đang làm.
Để được giúp đỡ nhiều hơn với niềm tin và thay đổi thái độ, tôi chân thành khuyên bạn nên đọc cuốn sách Hạnh phúc là một sự lựa chọn 'Happiness Is a Choice'được viết bởi Barry Neil Kaufman. Đó là một cuốn sách rõ ràng và rất dễ đọc, trình bày chi tiết về cách làm thay đổi thái độ một cách sâu rộng trong phạm vi bạn cảm thấy dễ dàng và khả thi nhất. Điều chú ý đặc biệt ở đây chính là sáu phím tắt để hạnh phúc. Đây là những bước đơn giản, bạn có thể làm để cắt giảm sự điên cuồng và có được cho mình một trạng thái thoải mái và thư giãn nhanh chóng.
Bắt tay thực hiện!
Đối với phần này, bạn sẽ chọn một vấn đề hoặc phần cảm xúc khó chịu, đau khổ mà bạn có, liên quan đến con hay đến mối quan hệ của bạn với con. Bạn có thể chọn một vấn đề mà bạn cảm thấy không hài lòng ngay hiện tại hoặc một điều gì đó xảy đến thường xuyên, chẳng hạn như bạn cảm thấy buồn về chứng tự kỷ ở con, sợ hãi về tương lai của con, hoặc lo lắng bạn không có những gì cần thiết để giúp đỡ con. Ngoài ra, bạn có thể chọn một tình huống cụ thể hoặc sự cố khiến bạn thấy khó chịu, chẳng hạn như thời điểm khi bạn thấy thất vọng về cách con hành động hoặc một sự cố mà bạn cảm thấy xấu hổ với mọi người xung quanh vì con.
Một khi bạn đã chọn được vấn đề của mình, hãy xem Bảng 15. Bây giờ bạn có thể điền tình huống hay vấn đề của bạn vào bảng này. Sau đó tiếp tục điền vào những dòng tiếp theo của bảng. Khi bạn điền xong hai ô cuối, nó sẽ giúp bạn có được cái nhìn hoàn toàn khác với những niềm tin đã được liệt kê trong hai danh sách “Bảy niềm tin quan trọng tiếp thêm sức mạnh và niềm tin lấy đi sức mạnh của bạn”. Bạn có thể chọn niềm tin của bạn từ các danh sách hoặc tạo ra niềm tin của riêng bạn và điền vào đó.
Khi bạn điền câu trả lời vào ô cuối cùng, hãy dành một ít thời gian để thực sự xem xét xem niềm tin thay thế nào mà bạn muốn chọn để tập trung vào, vì nó sẽ chính là mục tiêu thái độ cuối cùng của bạn. Hãy để nó soi đường dẫn lối cho bạn, như ngôi sao Bắc Đẩu của riêng bạn. Nhiệm vụ của bạn trong cuộc sống, vào thời điểm này, là chấp nhận niềm tin này đây.
Điều quan trọng nhất là: Đừng quá hà khắc với bản thân nếu bạn không thể một lúc rũ bỏ hết tất cả mọi thứ từ trước và chấp nhận thay thế hoàn toàn bằng những niềm tin mới mà bạn đã chọn. Nó sẽ mất một thời gian. Bạn đã có nhiều năm để củng cố cho niềm tin cũ của bạn – những niềm tin làm bạn thấy đau khổ. Bước quan trọng nhất chính là bắt đầu ý thức về nó. Dán niềm tin thay thế lên gương trong phòng tắm của bạn, hãy viết ra một danh sách các bằng chứng hỗ trợ cho niềm tin này, nhờ đồng nghiệp hoặc một người bạn nhắc nhở bạn về nó, hãy viết ra bằng cách nào niềm tin mới này có thể hỗ trợ bạn trong việc giúp con – hoặc làm được tất cả những điều ở trên. Nhưng trên tất cả, hãy để bản thân được thoải mái. Bạn thậm chí làm điều này theo bất kể cách nào cũng chính là một sự thể hiện tình yêu của bạn dành cho con và nó sẽ tạo ra một sự khác biệt có ý nghĩa cho cả hai.
BẢNG 15
Nguồn thông tin trực tuyến
Để có được sự trợ giúp chuyên sâu hơn với các nguyên tắc và kỹ thuật của chương này, hãy truy cập và www.autismbreakthrough. com/ chapter17. Hãy tận hưởng sự giúp sức trực tuyến của chương cuối này.
Điểm bắt đầu
Để bắt đầu, hãy chọn một khía cạnh về tình trạng hoặc hành vi của con mà bạn có xu hướng phán xét hay có những khoảng thời gian khó khăn vì nó.
Bây giờ, hãy thử tự hỏi mình ba câu hỏi mà chúng ta đã thảo luận trước đó. Tôi nhắc lại một lần nữa dưới đây để thuận tiện cho bạn:
1. Niềm tin nào ở tôi (bạn tự nói với chính mình) đang thúc đẩy bản thân cảm thấy những nỗi bất hạnh (thất vọng, sợ hãi, buồn rầu, giận dữ, v.v)?
2. Tại sao tôi lại tin/nói với bản thân điều này?
3. Thay vì vậy, tôi có thể tin vào điều gì khác, và niềm tin đó sẽ có thể giúp được cho tôi hay con tôi như thế nào? (Ngắn gọn là: Làm sao để tôi có thể nhìn tình hình này theo một chiều hướng tốt hơn lên – hoặc ít nhất là mọi việc vẫn ổn cả?)
Tiếp theo, hãy dành một vài phút để nghĩ về một ước mơ mà bạn có với con và bạn đang kìm nó lại hoặc chỉ giữ cho riêng mình, bởi vì bạn lo ngại rằng mọi người sẽ nghĩ nó là không thực tế. Bây giờ, bạn hãy một lần nữa ngồi lại với giấc mơ này dẫu cho chỉ một lúc thôi. Nếu bạn cảm thấy bất kỳ phần nào trong lòng bạn có lỗi với ước mơ này, hãy chỉ cần để cho nó ra đi. Bạn được phép có được những mơ ước cho con và mong muốn được nhiều hơn cho con. Và bạn được phép cho bản thân một cơ hội để bước đi đến một chân trời mới.
Lời cuối cùng tôi mong muốn được gửi đến bạn
Tôi và Bạn, chúng ta đã cùng nhau thực hiện một chuyến hành trình không dài nhưng cũng chẳng ngắn. Tôi đặt cả con tim và tâm trí của mình vào các trang sách này với hy vọng tìm được đường vào trái tim bạn. Hơn bất cứ điều gì, tôi muốn những ý tưởng, những nguyên tắc và chiến lược này hữu ích cho bạn và cho đứa con tuyệt vời, đặc biệt và duy nhất của bạn.
Xin… xin bạn! Đừng áp đặt cho mình những tiêu chuẩn quá hoàn hảo tuyệt đối. Bạn cũng là con người và bạn yêu thương con. Thế là đủ rồi. Khi bạn cố gắng để thực hiện các công cụ và kỹ thuật trong cuốn sách này, hãy nhẹ nhàng với bản thân. Nếu đôi lúc bạn quên hay không sử dụng các chiến lược này, thì cũng không sao cả. Nếu bạn chán nản, xuống tinh thần hoặc sợ hãi, thì đó cũng là điều bình thường thôi, không sao cả bạn ạ. Chỉ cần chúng ta lại đứng dậy, phủi hết bụi bặm, và lại một lần nữa leo lên lưng ngựa tiến về phía trước.
Và dù bạn có làm bất cứ điều gì, đừng bao giờ tin vào lời của bất cứ ai nói với bạn rằng, tương lai của con bạn đã được định đoạt rồi – cho dù con 3 tuổi hay 33 tuổi.
Câu chuyện của Jarir
Một vài năm trước, mẹ của một thanh niên 33 tuổi mắc chứng tự kỷ có tên Jarir đến với ATCA từ Vương quốc Anh, để tham gia The Start-Up Program. Vào thời điểm đó, con trai bà được chăm sóc tại một trung tâm điều trị.
Jarir dành phần lớn thời gian vào hoạt động ism, tương tác bằng mắt rất ít, giao tiếp chủ yếu sử dụng các từ đơn (mặc dù anh ấy đôi khi có thể sử dụng hai từ đi cùng nhau) để đáp ứng các yêu cầu, chứ không phải theo một cách tự nhiên và tự phát. Jarir thích ở một mình và thể hiện rất ít sự quan tâm đến các hoạt động của người khác, từ chối những nỗ lực thu hút mời gọi.
The Start-Up Program đã làm cho mẹ Jarir thay đổi, cho bà thêm một niềm hy vọng và những chiến lược cụ thể để giúp con trai mình. Khi trở về Anh, bà đã đưa Jarir rời khỏi trung tâm điều trị để về nhà, và thực hiện The Son-Rise Program® với cậu.
Trong 18 tháng sau đó, Jarir trải qua một biến đổi ngoạn mục, hoạt động ism chỉ còn 10-20 % thời gian; giao tiếp bằng mắt và giao tiếp có ngôn ngữ tăng lên đáng kể, câu nói trung bình của Jarir gồm năm đến sáu từ, có một số câu lên đến mười từ. Hơn nữa, việc giao tiếp của Jarir thường tự phát và do cậu chủ động chứ không phải chỉ để đáp ứng yêu cầu của người khác. Jarir đã trở thành một người đàn ông muốn được ở cùng với mọi người xung quanh, tham gia và hứng thú với các hoạt động cùng những người khác trong phần lớn thời gian của mình.
Không bao giờ là quá trễ
Câu chuyện về Jarir là một minh chứng cho sự hi sinh của mẹ anh ấy, với sức mạnh của các chiến lược cụ thể trong cuốn sách này, và trên hết, với khả năng của Jarir – và của tất cả các trẻ em của chúng ta – có thể thay đổi và phát triển một cách ấn tượng, ở mọi lứa tuổi, mà không phụ thuộc vào hoàn cảnh trước đó.
Không có rào cản nào đối với con cái chúng ta. Không có điểm dừng. Não vẫn tiếp tục uốn nắn được trong suốt cuộc đời của con. (Đây là lý do tại sao một người đàn ông tuổi 70 bị đột quỵ, mất khả năng ngôn ngữ của mình, và sau đó học lại để nói chuyện.) Vì vậy, đừng để bất cứ ai thuyết phục bạn rằng đã quá muộn rồi, rằng đây là lúc bạn nên từ bỏ đi, rằng những gì con bạn không thực hiện được bây giờ cũng sẽ không thực hiện được về sau.
Vào mỗi đêm, khi bạn cảm thấy cô đơn, hãy biết rằng có một đội ngũ những người như chúng tôi trên một sườn núi trong một thị trấn nhỏ ở Mỹ, đang cổ vũ bạn, ủng hộ bạn, và tin chính bạn có thể giúp con mình vươn đến được các vì sao.
Khuyên đọc và tìm hiểu
Tôi khuyên nên bạn đọc những cuốn sách và xem những DVD này:
• Những Chiến Lược Bứt Phá Dành Cho Người Tự Kỷ (Breakthrough Strategies for Autism Spectrum Disorders) của Raun K. Kaufman (DVD)
• Những Hành Trình Truyền Cảm Hứng Của Những Gia Đình Trong The Son-Rise Program® (Inspiring Journeys of Son- Rise Program Families) (DVD miễn phí)
• Giải pháp dành cho người tự kỷ (Autism Solutions) (DVD miễn phí)
• Son-Rise: Một Phép màu của Tình Yêu Thương (Son-Rise: A Miracle of Love)(Phim của đài NBC-TV, hiện được bán trên trang Amazon.com)
• Ba cuốn sách của Barry Neil Kaufman: Son-Rise: Phép màu tiếp diễn, Một Phép Lạ để Tin Tưởng và quyển Hạnh Phúc là một Sự Lựa Chọn (Son-Rise: The Miracle Continues, A Miracle to Believe In và Happiness Is a Choice).
Truy cập trang web của tôi tại www.autismbreakthrough.com để được hỗ trợ áp dụng các nguyên tắc và kỹ thuật trong cuốn sách này, bao gồm các video trực tuyến, bài viết, các bài phỏng vấn và những video hồi phục tuyệt vời – bao gồm những video đầy cảm xúc phỏng vấn những đứa trẻ đã hồi phục từ chứng tự kỷ.
Liên hệ với ATCA để có một cuộc tư vấn hai mươi lăm phút miễn phí với tư vấn viên để được giải đáp các thắc mắc, các yêu cầu hỗ trợ tài chính hay đăng ký The Start-Up Program.
Là một tổ chức phi lợi nhuận, từ thiện cung cấp các hỗ trợ về tài chính cho những gia đình tìm đến ATCA để học hỏi về cách áp dụng các nguyên tắc trong cuốn sách này, chúng tôi kêu gọi và biết ơn những quyên góp, được miễn thuế 100%.
Đây là thông tin liên hệ với chúng tôi:
2080 South Undermountain Road
Sheffield, MA 01257
www.autismtreatment.org
1- 800- 714- 2779
1- 413- 229- 2100