Phụ lục này được thiết kế nhằm cung cấp cho bạn một bản tóm tắt các điểm khác biệt giữa The Son-Rise Program® (SRP) và phương pháp phân tích hành vi ứng dụng (ABA). Hai phương pháp này trái ngược nhau về mục đích điều trị chứng tự kỷ, với ABA tập trung vào hành vi còn SRP tập trung vào tất cả vào mối quan hệ xã hội.
Phụ lục này bao gồm:
• Một bảng liệt kê một số điểm khác biệt chính.
• Một bài thảo luận sâu hơn về những điểm khác biệt này.
• Liên kết với 10 “quảng cáo” giúp xác định những điểm khác biệt chính một cách hài hước và dí dỏm – được quay theo kiểu quảng cáo truyền hình nổi tiếng Mac đối đầu PC.
• Một liên kết tới chương trình webcast trong 90 phút nơi tôi thảo luận chi tiết về những điểm khác biệt này.
Tôi hiểu rằng, một số trong các mục này có thể gây tranh cãi. Một người thực hành phương pháp ABA có lẽ sẽ nhìn hai phương pháp này rất khác với cách tôi nhìn. Và không phải tất cả những ai thực hành phương pháp ABA – hoặc các phiên bản của ABA – đều giống nhau. Tuy nhiên, tất cả các phiên bản của phương pháp phân tích hành vi (sau tất cả, từ đệm là “hành vi”) đều dựa trên cùng khái niệm cơ bản (thay đổi hành vi thông qua các nhân tố củng cố) và câu hỏi (làm thế nào để loại bỏ các hành vi mà chúng ta không mong muốn và thúc đẩy những hành vi mà chúng ta muốn). Ngoài ra, chúng tôi – tại ATCA – và cá nhân tôi – cũng đã nhận được rất nhiều phản hồi sôi nổi bằng văn bản từ những người thực hành ABA thể hiện sự phấn khích, vui sướng và sự tôn trọng to lớn đối với các nguyên tắc và kỹ thuật của The Son-Rise Program®. Nhiều người nói rằng, sự tiếp xúc của họ với những nguyên tắc này đã làm thay đổi vĩnh viễn và hoàn toàn cách họ nhìn nhận và điều trị cho trẻ tự kỷ.
Dù cho bạn đang đứng ở đâu, tôi cũng hy vọng bạn tìm thấy những mục hữu ích và khơi gợi nên nhiều suy nghĩ.
Phương pháp phân tích hành vi ứng dụng so với The Son-Rise Program®
Hiểu về chứng tự kỷ
Phương pháp ABA xem chứng tự kỷ như một dạng rối loạn hành vi, với các hành vi nên được dập tắt hoặc được khuyến khích. Điều này có nghĩa: Những hành vi stim, thường phổ biến ở trẻ tự kỷ là không được phép trong suốt các buổi học, những hành vi “đúng” sẽ được khen thưởng, đôi khi là thưởng đồ ăn, và các kỹ năng và hành vi mới được dạy thông qua việc lặp đi lặp lại cấu trúc “thử từng lượt riêng biệt”.
The Son-Rise Program® nhìn nhận chứng tự kỷ như một dạng rối loạn quan hệ xã hội. Trẻ gặp khó khăn trong việc kết nối và liên hệ với người khác. Hầu như tất cả những khó khăn khác đều xuất phát từ thách thức chủ yếu này. Vì vậy, chúng tôi không tìm cách “sửa sai” những hành vi được cho là không phù hợp khi vắng đi một mối quan hệ sâu sắc. Thay vào đó, chúng tôi cố gắng xây dựng một mối quan hệ với mỗi đứa trẻ – một mối quan hệ là nền tảng cho việc giáo dục và phát triển trong tương lai. Sau đó chúng tôi giúp những đứa trẻ học cách kết nối và tạo mối quan hệ với những người khác và để chúng thực sự tương tác như thế. Tất cả các kỹ năng mà chúng tôi dạy đều tập trung vào tương tác với con người.
Chúng tôi cũng tin rằng, mỗi đứa trẻ đều có một lý do cho mỗi hành vi thể hiện. Thay vì ép buộc trẻ phù hợp với một thế giới mà trẻ chưa hiểu, trước tiên chúng ta nên bước vào thế giới của trẻ. Chúng tôi tìm cách thấu hiểu để có thể đạt được hiệu quả tốt nhất trong việc giúp đỡ trẻ. Trong The Son-Rise Program®, trẻ cho chúng ta thấy lối vào và sau đó chúng ta chỉ cho trẻ đường ra.
Phạm vi tập trung
Các điểm trọng tâm của mỗi chương trình được dựa trên cách chúng ta nhìn vào hội chứng tự kỷ. Nói một cách đơn giản, ABA tập trung vào việc thay đổi hành vi; còn The Son-Rise Program® tập trung vào việc tạo ra một mối quan hệ.
Người hướng dẫn của ABA có thể trừng phạt, khiển trách, hoặc cố gắng ngăn cản hoặc chuyển hướng hành vi lặp đi lặp lại hoặc hành vi hung hăng. Việc tuân thủ được xem là rất quan trọng. Tất nhiên, có một loạt các chương trình dạng như ABA và người hướng dẫn bên ngoài kia. Một số người dùng những biện pháp nghiêm khắc về hành vi, còn số khác lại sử dụng các hình thức răn đe nhẹ nhàng hơn, nhưng nhìn chung mục tiêu đều như nhau: thay đổi hành vi và tuân thủ các yêu cầu của người hướng dẫn. Hành vi và kỹ năng mới thường được dạy bằng cách sử dụng hệ thống dựa trên việc lặp lại và các phần thưởng đôi khi gọi là thử từng lượt riêng biệt, điều này sẽ được thảo luận chi tiết ở bên dưới.
Trong The Son-Rise Program®, chúng tôi liên tục tìm cách xây dựng mối liên kết và mối quan hệ tốt với những đứa trẻ bằng một trong những cách, được gọi là“hòa mình”. Thay vì cấm đoán hoặc ngăn cản hành vi lặp đi lặp lại, hành vi “tự kỷ”, chúng tôi thực sự tham gia vào các hoạt động này cùng trẻ. Thay vì củng cố các hành vi “tự kỷ” (mối quan ngại được một số người bày tỏ), chúng tôi đã thấy, ở hàng ngàn trẻ em trên toàn thế giới, điều này hoàn toàn ngược lại. Khi trẻ được cùng hòa mình, trẻ có xu hướng nhìn chúng tôi nhiều hơn, chú ý chúng tôi nhiều hơn và cho chúng tôi tham gia vào hoạt động của trẻ nhiều hơn. Chúng tôi nhận thấy những trẻ như vậy ít có hành vi stim hơn và tương tác nhiều hơn. Sau tất cả, chúng tôi xây dựng mối liên kết ngày càng khăng khít hơn với trẻ, đồng thời, bằng việc thể hiện sự quan tâm chân thành và tham gia vào những điều mà trẻ cho là quan trọng, chúng tôi thực sự cũng đang giảng dạy những kỹ năng tương tác cá nhân mà nhiều trẻ đang thiếu. Khi chúng tôi có được lời cam kết sẵn sàng từ trẻ, chúng tôi sau đó sử dụng những kỹ thuật tạo động lực và giáo dục để thúc đẩy quá trình tiếp thu việc học tập và đạt được những kỹ năng.
Sự lặp đi lặp lại so với Động lực
Đối với ABA, khi cố gắng dạy một hành vi hoặc kỹ năng gì đặc biệt (như mặc quần áo), người ta thường dùng thử từng lượt riêng biệt. Với phương pháp này, một đứa trẻ có thể được bảo (hoặc được buộc phải) ngồi trên ghế. Người hướng dẫn sẽ nói “khoác áo” và cố gắng huấn luyện để trẻ mặc áo khoác của mình, làm việc này nhiều lần và lặp lại cho đến khi trẻ “nắm vững” kỹ năng. Mỗi lần trẻ làm đúng, trẻ sẽ nhận được lời khen ngợi, một mẩu đồ ăn, hoặc một số phần thưởng khác. Trong khi phương pháp tiếp cận này chắc chắn có thể thành công trong việc giúp một số trẻ thực hiện được các hoạt động hoặc kỹ năng cụ thể. Chúng tôi nghe các bậc phụ huynh thường phàn nàn rằng, mặc dù con cái họ thực hiện được các hoạt động theo quy định nhưng chúng có xu hướng làm theo một cách máy móc, cứng nhắc và được lập trình trước, hơn là thể hiện bất kì sự tự nhiên hay nhiệt tình nào. Một khó khăn thứ hai mà chúng tôi gặp phải là nhiều trẻ em, sau khi tham gia chương trình này một khoảng thời gian, dần thể hiện thái độ không thích với những gì đang được huấn luyện, nên trở nên hung hăng và nổi loạn. Hạn chế thứ ba là trẻ học được nhiều kỹ năng nhưng không hề xuất phát từ hoàn cảnh (ví dụ như việc học khoác áo khi được bảo chứ không phải khi ngoài trời lạnh), thường dẫn đến việc học tập tuân theo chứ không phải là kỹ năng thực sự (do thiếu khả năng tổng hợp kỹ năng).
Với The Son-Rise Program®, chúng tôi muốn mỗi trẻ “muốn nhận nhiều hơn”. Điều này có nghĩa chúng tôi muốn trẻ sẵn sàng hợp tác nhiều hơn theo thời gian, để chúng tôi có thể dạy tất cả những gì trẻ cần học và để trẻ có thể trân quý và yêu thích sự tương tác. Chúng tôi cũng nhận thấy tầm quan trọng của việc trẻ có thể tổng hợp các kỹ năng để học các lĩnh vực khác nhau, do vậy trẻ không cần các gợi ý, phần thưởng hay sự có mặt của chúng ta mà vẫn thực hiện những gì trẻ học được. Vì vậy, chúng tôi không muốn liên tục lặp lại các mệnh lệnh cho trẻ.
Một cách nhất quán, chúng tôi nhận thấy rằng động lực có tác dụng nhanh hơn, mạnh mẽ hơn, và khuyến khích tư duy tổng hợp hơn là việc lặp lại. Nếu một đứa trẻ thích một món đồ chơi cụ thể nào hoặc một hình thức vận động hay con số, chúng tôi sẽ sử dụng động lực này như một công cụ giảng dạy bằng việc kết hợp nó với một mục tiêu giáo dục. Chẳng hạn, nếu một đứa trẻ thích Tàu Hỏa Thomas và một trong những mục tiêu giáo dục của chúng tôi là giúp trẻ học cách đi vệ sinh, chúng tôi sẽ sáng tạo một trò chơi tập trung quanh Tàu Hỏa Thomas và liên quan đến việc sử dụng nhà vệ sinh. Bằng cách này, chúng tôi tạo ra mong muốn học hỏi và sử dụng kỹ năng đi vệ sinh, và vẫn giữ được sự tương tác tốt với trẻ. Một lợi ích khác của cách tiếp cận này là không tạo nên phản xạ máy móc, hay được lập trình trước bởi trẻ thực sự hứng thú với quá trình học tập. Chính vì lý do này (cùng với việc hòa mình và các yếu tố thái độ, được mô tả bên dưới), chúng tôi cũng không thấy trẻ trở nên hung hăng hoặc nổi loạn khi tham gia vào The Son-Rise Program®.
Trật tự so với Tự phát
Với ABA, ưu tiên hàng đầu là dựa trên cấu trúc. Điều quan trọng là trẻ phải ngồi yên một chỗ và thực hiện các hành động theo một thói quen được quy định và điều chỉnh. Suy nghĩ đằng sau đó là trẻ tự kỷ cần loại trật tự này. Ngoài ra, nếu trẻ muốn tham gia vào môi trường trường học, chúng phải học cách ngồi đúng vị trí, tuân theo lịch trình và tuân thủ các yêu cầu của giáo viên.
Trong The Son-Rise Program®, chúng tôi nhìn nhận khác. Nếu trẻ thành công trong việc đến trường và trong cuộc sống, thì điều quan trọng nhất đối với trẻ là học cách tương tác với người khác, tự quyết định và linh hoạt (những điều mà đa số trẻ tự kỷ gặp khó khăn). Vì lý do này, chúng tôi dành thời gian để tham gia vào các trò chơi tương tác (khi chúng tôi đang không hòa mình). Cùng với việc dạy về tương tác xã hội, các trò chơi kiểu này yêu cầu trẻ trở nên linh hoạt hơn (hơn là cần mọi thứ đi theo một cách cụ thể) và sử dụng trí tưởng tượng của trẻ để đưa ra những ý tưởng và hướng đi khác nhau. Chúng tôi cũng giữ cho các trò chơi vui vẻ, để trẻ thấy rằng việc tham gia vào thế giới của chúng tôi (so với việc ở trong thế giới riêng của mình) thì vừa thú vị lại vừa bổ ích, hơn là cứ cứng nhắc và đòi hỏi.
Sự phát triển về mặt học thuật hơn về mặt xã hội
Các chuyên gia của ABA có xu hướng tập trung nhiều vào các kỹ năng học thuật như đọc, viết và làm toán (ngoài những cách giao tiếp bằng lời nói và hành vi cơ bản “thích hợp”). Với The Son-Rise Program®, chúng tôi chắc chắn sẽ đồng ý rằng, các kỹ năng như vậy là quan trọng. Tuy nhiên, nếu lựa chọn giữa việc giúp một đứa trẻ giỏi về toán học hoặc giỏi kết bạn, thì chúng tôi luôn chọn điều thứ hai. Trên thực tế, các kỹ năng học thuật và xã hội không loại trừ nhau, và có nhiều trường hợp chúng tôi dạy đọc, viết và toán.Chúng tôi làm điều đó trong bối cảnh của một hoạt động, và ưu tiên dạy trẻ hòa nhập với xã hội trước tiên. Nếu những đứa trẻ của chúng ta có thể học cách vui chơi với mọi người, kết bạn, cười trước một câu nói đùa, giao tiếp, v.v (điều mà nhiều trẻ em của chúng tôi làm được), thì đối với hầu hết chúng ta, trẻ đã nhận được những điều làm cho cuộc sống trở nên có ý nghĩa nhất.
Vai trò của các bậc phụ huynh
ABA có rất nhiều chuyên gia tận tâm thường làm việc với trẻ tại nhà riêng. Cha mẹ có xu hướng đóng vai trò quan sát nhiều hơn. Trong hầu hết các trường hợp, các chuyên gia được xem như những người chơi chính trong chương trình, cùng với cha mẹ đang theo dõi bên cạnh.
Trong The Son-Rise Program®, chúng tôi không thấy bất cứ điều gì sánh bằng động lực, tình yêu, sự hy sinh và sự tận tụy suốt đời của cha mẹ dành cho những đứa con đặc biệt của họ. Hơn nữa, không ai có trải nghiệm lâu dài, ngày qua ngày với con cái nhiều như phụ huynh. Chắc chắn các chuyên gia và các thành viên khác trong gia đình có thể rất quan trọng. Đồng thời, vì vị trí duy nhất của cha mẹ trong thế giới của con cái nên họ có tác động tích cực đến cuộc sống của trẻ theo cách mà không ai khác có thể thực hiện được. Do vậy, chúng tôi không chỉ biết ơn vì các bậc phụ huynh là nguồn động lực quan trọng nhất của trẻ, mà còn tìm cách trao cho họ quyền để phát triển trẻ toàn diện. Đó là lý do tại sao chúng tôi hướng dẫn họ cách bố trí, thực hiện và đóng vai trò trung tâm trong các chương trình.
Thái độ của người hướng dẫn
ABA tập trung rất nhiều vào những điều người hướng dẫn làm. The Son-Rise Program® không chỉ tập trung vào những điều người hướng dẫn làm, mà còn tập trung vào cách mà người hướng dẫn làm nó. Chúng tôi hướng đến và cung cấp chương trình đào tạo trong một lĩnh vực thường được coi là yếu tố bị bỏ qua nhiều nhất của việc điều trị chứng tự kỷ: Thái độ của người hướng dẫn. Chúng tôi xem thái độ không phán xét và lạc quan là quan trọng để tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ. Điều này có nghĩa là gì? Thứ nhất, chúng tôi không dán nhãn các hành vi lặp đi lặp lại và có trình tự của trẻ là không phù hợp, sai trái hoặc xấu. Nguyên tắc này vừa thực tế cũng vừa lý tưởng. Chúng tôi liên tục thấy rằng trẻ tự kỷ có xu hướng xa lánh khỏi những người mà trẻ cảm thấy không thoải mái hoặc hay phán xét và chúng dần tiếp cận với những người mà trẻ thấy thoải mái, dễ chịu, vui vẻ, an toàn và không phán xét. Do đó, chúng tôi có thể sử dụng thái độ của mình để trở thành một thỏi nam châm tương tác.
Đồng thời, có một ý thức lạc quan chân thành – thực sự tin vào trẻ với những điều trẻ đang làm – là chìa khóa để giúp trẻ vượt qua những rào cản mà trước đây dường như không thể vượt qua. Chúng tôi không đặt ra trước các giới hạn lên bất kỳ đứa trẻ nào, chúng tôi cũng không tin niềm hy vọng có thể là “viển vông” và chúng tôi tin tưởng vào tiềm năng của mỗi trẻ, bất kể độ tuổi hoặc các chẩn đoán.
Hơn thế nữa, chúng tôi tin tưởng vào các bậc phụ huynh, những người làm việc không mệt mỏi để tiếp cận con mình. Đó là lý do tại sao chúng tôi sử dụng phần lớn thời gian của mình và nỗ lực cung cấp cho các bậc phụ huynh chương trình đào tạo về thái độ. Chúng tôi giúp họ tạo nên và duy trì một thái độ không phán xét, lạc quan và tin tưởng đối với con cái của họ. Bằng cách này, họ có thể tối đa hóa sự phát triển của con mình trong khi tìm thấy sự an tâm với những chẩn đoán của con.
10 “quảng cáo” hài hước về ABA và The Son-Rise Program®
Trên trang web của tôi, tại địa chỉ www.autautismbreakthrough.com/ appendix2, là những đường dẫn đến 10 video 60 giây hóm hỉnh xác định những điểm mấu chốt khác nhau giữa ABA và The Son-Rise Program® – được quay theo kiểu quảng cáo truyền hình nổi tiếng Mac đối đầu PC. (Đó là tôi đang đóng vai The Son-Rise Program®). Tôi hy vọng bạn thích chúng.
Bài phỏng vấn giải thích sự khác nhau giữa ABA và The Son-Rise Program®
Tại địa chỉ www.autautop.com.vn/readread2 người đọc sẽ tìm thấy bài webcast dài 90 phút, ở đó tôi thảo luận rất chi tiết về sự khác nhau giữa The Son-Rise Program® và ABA, cũng như tại sao lại có sự khác biệt đó.