À những ngày lễ. Những bữa tiệc đặc biệt. Những dịp đặc biệt để tụ họp gia đình. Và, tất nhiên rồi, những đứa trẻ đặc biệt của chúng ta! Thường thì, chúng ta sẽ quây quần trong những ngày lễ, cầu mong những điều tốt đẹp nhất nhưng lại chưa dành thời gian và tập trung vào cảm nhận của chúng ta và đứa con mắc tự kỷ. Hầu hết chúng ta tham gia vào ít nhất một trong mười vấn đề thường xảy ra trong dịp lễ dưới đây một cách cố ý.
Chúng ta biết mình đang gặp rắc rối khi đứa trẻ đặc biệt của chúng ta quấy khóc nhiều hơn... khi những thành viên khác trong gia đình xuất hiện bất ngờ... hoặc khi chính chúng ta cảm thấy căng thẳng hay tức tối.
Chúng ta có thể đổ lỗi cho những ngày lễ bận rộn, nhưng thực tế không phải những ngày lễ khiến cho mọi thứ trở nên khó khăn, mà chúng chỉ là những cái bẫy chúng ta vô tình bước vào. Đây là một tin tuyệt vời bởi vì nó có nghĩa là những thách thức của chúng ta có thể ngăn chặn được!
Hãy xem qua mười lỗi thường xảy ra trong các ngày lễ dưới đây và cách để ngăn ngừa chúng. Bạn sẽ tự cảm ơn bản thân từ giờ cho tới Lễ mừng năm mới.
1. Ngăn trẻ thực hiện các hành vi stim và ism
Với sự biến động và những thay đổi trong lịch trình của những ngày lễ, thì đây là thời gian quan trọng nhất cho trẻ để có thể tự điều chỉnh và đối phó với môi trường xung quanh. Chúng ta biết rằng hoạt động ism quan trọng đối với trẻ và hệ thần kinh của trẻ. Tất nhiên, lý tưởng nhất là chúng ta sẽ hòa mình với trẻ trong những hoạt động ism. Nhưng ngay cả trong suốt khoảng thời gian ngày lễ, khi mà chúng ta không thể làm điều này, thì chúng ta vẫn có thể để trẻ hoạt động ism. Khi chúng ta làm vậy, mọi người đều hài lòng!
2. Cho trẻ ăn thức ăn “có hại”
Vâng, ngày lễ mà! Đầy ắp những thức ăn có đường, tinh bột, các thực phẩm chứa quá nhiều sữa. Điều này khiến chúng ta có xu hướng cho phép con tham gia vào bữa tiệc tuyệt vời này. Chúng ta có thể nghĩ rằng sẽ dễ dàng hơn để cho con thử một lần. Tôi đảm bảo với bạn: Điều này sẽ không dễ dàng hơn đâu! Có nhiều loại thực phẩm chúng ta biết sẽ không tốt cho quá trình xử lý của trẻ. Đúng vậy, những giây phút đầu khi cho con ăn bất kì thứ gì xung quanh có thể sẽ dễ dàng hơn. Nhưng vài phút sau... đó là lúc hối tiếc trầm trọng. Những cơn quấy khóc, ăn quá mức, hành vi thách thức và tiêu chảy có thể xảy ra. Hãy nghĩ đến việc để những thực phẩm này xa khỏi tầm với của con hoặc tốt hơn hết là loại bỏ hoàn toàn, sẽ khiến trải nghiệm trong cả kỳ nghỉ dễ dàng hơn gấp triệu lần.
3. Gây bất ngờ cho con
Thỉnh thoảng, chúng ta có thể quá bận rộn lên kế hoạch và chuẩn bị cho một chuyến đi trong kỳ nghỉ (ví dụ như đi thăm ông bà,v.v) hoặc dự định (ví dụ như trang trí cây thông Giáng sinh) mà quên chưa thông báo cho thành viên quan trọng cũng sẽ tham gia: đứa trẻ đặc biệt của chúng ta. Mặc dù dự định của chúng ta không phải để gây bất ngờ cho con, điều này thường xảy ra khi chúng ta đi ra ngoài hoặc bắt tay vào làm một việc mà không giải thích trước mọi điều sẽ diễn ra cho con. Ngay cả đối với những trẻ chưa có khả năng ngôn ngữ, việc giải thích trước những điều sẽ xảy ra rất hữu ích để giảm thiểu những cơn giận dữ và gia tăng sự hợp tác.
4. Không để sẵn lối thoát
Việc đến nhà một người nào đó vào dịp lễ là điều rất phổ biến. Thông thường, chúng ta chỉ mang con theo và hy vọng điều tốt nhất, do không có nhiều quyền kiểm soát vấn đề. Nhưng chúng ta có! Chúng ta có thể chỉ định trước một căn phòng hoặc không gian yên tĩnh, nơi con có thể đến để giải tỏa một khi con bắt đầu bị choáng ngợp với tất cả sự biến động và kích thích giác quan trong những ngày lễ. Mỗi lần như vậy, việc dắt con vào phòng và dành thời gian một mình với trẻ có thể thật sự hữu ích.
5. Tập trung vào việc ngăn chặn các hành vi gây gổ
Hầu hết chúng ta lo sợ khi con cư xử gây gổ. Chúng ta lo lắng về điều này, tìm kiếm và cố gắng ngăn chặn ngay khi vừa xảy ra. Trớ trêu thay, điều này khiến chúng ta chỉ tập trung vào những việc mà chúng ta không muốn trẻ làm. Nếu chúng ta không muốn trẻ dùng bạo lực, ví dụ, tập trung vào việc “không được gây gổ” có thể khiến trẻ kích động hơn. Thay vào đó, chúng ta có thể tán dương mỗi khi làm điều gì đó mà chúng ta muốn. Nếu trẻ thỉnh thoảng gây gổ, thì hãy tìm những lúc trẻ nhẹ nhàng để cổ vũ trẻ.
6. Việc tặng một món quà quá kích thích
Có một điều chắc chắn rằng, chúng ta cảm thấy rất vui vẻ từ việc tặng quà cho các con. Nhưng khi món quà này dành cho những đứa trẻ đặc biệt, chúng ta cần ý thức rõ về loại quà mà chúng ta tặng. Nếu chúng ta tặng một món quà có đèn sáng nhấp nháy và tiếng bíp bíp lớn, chúng ta đang khiến con sẽ có những hành vi đầy tính thách thức sau đó. Hãy dành chút thời gian xem xét cẩn thận món quà sắp tặng có góp phần tăng kích thích quá mức ở trẻ có hệ thống giác quan rất nhạy cảm hay không.
7. Dạy con chuẩn bị quà
Chúng ta luôn nghĩ đến con khi chọn mua quà. Nhưng liệu chúng ta có nghĩ về con như một người có khả năng mang đến những món quà hay không? Suy nghĩ về những người khác – điều họ muốn, điều chúng ta có thể làm cho họ – là một yếu tố cần thiết của việc hòa nhập xã hội, điều mà chúng ta muốn con học. Những ngày lễ mang đến cơ hội hoàn hảo cho điều này! Chúng ta có thể lên kế hoạch cùng con chuẩn bị quà cho một hay một số người trong cuộc sống của con (Những món quà và những hoạt động này có thể sắp xếp từ cực kỳ đơn giản đến phức tạp hơn, tùy thuộc vào mức độ phát triển cụ thể của con). Sau đó, vào ngày tặng quà, chúng ta có thể mời gọi con tặng (theo cách tốt nhất mà con có thể) bất kỳ món quà nào mà con đã làm.
8. Mong đợi gia đình bạn “hiểu được”
Nhiều người trong số chúng ta đôi khi cảm thấy thất vọng với những thành viên khác trong gia đình, vì không hiểu rõ và cảm thông khi nói đến đứa con đặc biệt của mình. Nhưng hãy nhớ rằng, nếu những thành viên khác trong gia đình không sống cùng trẻ, họ sẽ không “hiểu được”. Khi dẫn trẻ đi thăm những thành viên khác trong gia đình vào dịp lễ, bạn có thể gửi email cho họ để giải thích những điều mà họ có thể làm để chuyến ghé thăm thoải mái cho gia đình bạn. Chúng ta có thể nhân cơ hội này để giải thích tại sao những tiếng ồn đột ngột có thể khó giải quyết, hoặc đề nghị mọi người trả lời một câu hỏi của trẻ nhiều lần. Bằng cách này, chúng ta ưu tiên những sở thích của con.
9. Nghĩ rằng mọi hoạt động cần diễn ra bên ngoài
Chúng ta biết rằng trẻ tự kỷ sẽ luôn làm tốt hơn khi không bị quá kích thích bởi những tín hiệu, âm thanh, mùi vị và những sự việc không thể đoán trước được của thế giới bên ngoài. V ì thế chúng ta có thể tạo ra những trải nghiệm trong nhà y như khi chúng ta đi ra ngoài. Ví dụ, thay vì tham gia buổi diễu hành buổi tối với đủ loại ánh sáng rực rỡ, chúng ta có thể treo đèn Giáng sinh hoặc Hanukkah xung quanh nhà, tắt tất cả loại đèn khác và bật những bản nhạc lễ hội với âm lượng nhẹ nhàng. Một vài người có thể lo lắng về việc tước đi những trải nghiệm lễ hội vui vẻ của trẻ, nhưng hãy nhớ rằng khi con chúng ta không thể xử lý những trải nghiệm, trẻ không thể có những kỷ niệm vui vẻ mà chúng ta dành cho con, dù bằng bất cứ cách nào chăng nữa. Đó là lý do tại sao nếu chúng ta giúp trẻ có thể trải nghiệm được những điều bên ngoài tại nhà, trẻ có thể thực sự tham gia và tận hưởng. Do đó, chúng ta đang thực sự mang lại cho con nhiều hơn chứ không ít hơn.
10. Nhìn giấy gói bên ngoài chứ không phải món quà thực sự
Thông thường, chúng ta bị cuốn vào những ngày lễ – cây thông, những món quà, những chuyến đi phải diễn ra theo đúng kế hoạch. Hoàn toàn ổn khi sắp xếp những điều thú vị, nhưng hãy nhớ rằng chúng chỉ là những đồ trang trí. Chúng không phải là món quà mà chỉ là lớp giấy gói bên ngoài thôi. Món quà chính là đứa trẻ đặc biệt của chúng ta. Món quà là việc chia sẻ điều ngọt ngào với những người chúng ta yêu thương. Thay vì sử dụng những kì nghỉ lễ như một ngày hội kế hoạch, chúng ta có thể dùng nó để thấy được vẻ đẹp độc đáo bên trong con, để tán dương những gì con có thể làm, để cảm nhận và khuyến khích sự cảm thông đối với cách trải nghiệm thế giới rất khác của con.